CÁT-MÃ CA-NHĨ-CƯ PHÁI

Từ điển Đạo Uyển


葛嗎迦爾居派; T: karma-kagyu [kar-ma bKa’bgyud]; hoặc Cát-mã phái;

Một phái thuộc tông Ca-nhĩ-cư (t: kagyupa [bKa’-brgyud-pa]), phái được đưa vào Tây Tạng trong thế kỉ thứ 12, do Cầu-tùng Khẳng-ba (dusum khyenpa, Cát-mã-ba thứ nhất) sáng lập. Giáo pháp của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư rất gần với dòng tái sinh Cát-mã-ba (t: karmapa).

Tên gọi của dòng này có ý nghĩa huyền bí: Ca-nhĩ (kagyu) là một vương miện kết bằng tóc của các vị Không hành nữ (s: ḍākinī) và Cát-mã (t, s: karma) được xem là toàn bộ thiện nghiệp của chư Phật. Giáo lí của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư hiện được truyền bá nhiều tại Tây phương.

Cát-mã-ba thứ nhất (1110-1193) thành lập ba tu viện lớn cho tông phái này và sống tại Tsurphu. Với Cát-mã-ba thứ hai (1204-1283), ảnh hưởng của của phái Cát-mã-ba lớn mạnh đến Mông Cổ. Cát-mã-ba thứ ba (1284-1339) viết một số tác phẩm quan trọng cho tông phái mình và là người tổng hoà giáo lí của Ðại thủ ấn (s: mahāmudrā) và Ðại cứu kính (t: dzogchen). Cát-mã-ba thứ năm (1384-1415) là giáo thụ của đại đế Trung Quốc và là người nhận được vương miện đen của nhà vua. Cát-mã-ba thứ tám (1507-1554) là tác giả xuất sắc trên mọi lĩnh vực của triết lí Phật giáo. Cát-mã-ba thứ chín (1556-1603) là người viết nhiều tác phẩm hướng dẫn thực hành thiền định (xem tài liệu tham khảo cuối sách). Cát-mã-ba thứ 16 (1924-1982) là người đã giữ và bảo vệ được truyền thống giáo phái, đã sống và giáo hoá tại Sikkim/Ấn Ðộ.

Dòng Cát-mã-ba được sự hỗ trợ của ba dòng Chu-cô (t: tulku) là Ha-mã Chu-cô (t: shamar-tulku), Thư-đố Chu-cô (t: situ-tulku) và Gyalashab-Tulku. Một Ðại sư nổi tiếng của phái Cát-mã Ca-nhĩ-cư trong thế kỉ 19 là Jam-gon Kong-trul với những kiệt tác bao gồm mọi lĩnh vực Phật giáo.