CÀN-ĐÀ-LA

Từ điển Đạo Uyển


乾陀羅; S, P: gandhāra; tên dịch theo âm Hán Việt, cũng đọc là Kiền-đà-la;

Một vùng miền Tây bắc Ấn Ðộ, ngày nay thuộc về Afganistan và một phần của Pakis-tan. Ngày xưa Càn-đà-la là một trung tâm Phật giáo và văn hoá nghệ thuật đạo Phật. Trong thế kỉ thứ 1, 2, Phật giáo Ðại thừa cũng bắt đầu xuất hiện tại đây. Ngày nay, các đạo trường Phật giáo không còn bao nhiêu dấu tích vì bị phá huỷ trong thế kỉ thứ 5. Theo kí sự của Huyền Trang Pháp sư thì đạo Phật tại đây đã bị huỷ diệt trong khoảng thế kỉ thứ bảy.

Khác với giai đoạn đầu của nghệ thuật Phật giáo, đức Phật được diễn tả như một con người tại Càn-đà-la. Phần lớn các hình ảnh của Phật được tạc trên đá, nhắc lại các tiền thân và tiểu sử của Ngài. Người ta trình bày Phật như một vị tu sĩ với một thân tâm hoàn toàn tự tại, có khi người ta xem Ngài như một vị thầy, luôn luôn giữ phong cách vô vi và hướng nội. Một số tranh khác diễn tả Ngài sống khổ hạnh, thân thể hao mòn chỉ còn xương da. Nghệ thuật tại đây đã đạt tới tình trạng trừu tượng, các tranh tượng đều có vẽ các Ấn và các hảo tướng của Phật. Người ta cũng chú ý đến các trình bày y phục của Phật, một sáng tạo nghệ thuật đặc sắc Càn-đà-la.