Truyện Tỳ Kheo Ni

(Truyện Các Vị Tì Kheo Ni)
Tác giả: Đời Tấn, Thích Bảo Xướng, chùa Đại Trang Nghiêm
Việt dịch: Chúc Giải-Huệ Hạnh-Diệu Tuyền
Hiệu đính: Định Huệ Biên tập: Ngộ Bổn

Quyển 2

Truyện 14: NI SƯ TUỆ QUẢ Ở CHÙA CẢNH PHÚC

Ni sư họ Phan, người Hoài Nam[15]. Ni sư thường thực hành khổ hạnh, không mặc y phục bằng gấm lụa, chuyên tâm vào luật tạng, giữ giới hạnh trong sạch, được tăng tục kính trọng, danh vang khắp mọi nơi.

Thứ sử ở Thanh châu đời Tống là Phó Hoằng Nhân người đất Bắc thường khen ngợi ni sư và cúng dường đầy đủ mọi thứ cần dùng.

Niên hiệu Vĩnh Sơ thứ ba (422)[16], ông cắt đất phía đông ngôi nhà của mình để xây tinh xá, đặt tên là “Cảnh Phúc tự” và mời ni sư về trụ trì. Ông ta đem tất cả của cải còn lại cúng dường chùa khiến sự tu học của đại chúng ngày càng tăng tiến và mọi người đều kính phục ông.

Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ sáu (429), có sa-môn Cầu-na-bạt-ma[17] người Ấn Độ sang Trung Quốc, ni sư thưa:

-Các vị ni trong nước này, những vị thụ giới trước đây đều chưa có hòa thượng đàn đầu nên suy tôn di mẫu Ái Đạo làm hòa thượng và đã trở thành lệ cao quí, nhưng chưa lường được sự sai sót về sau. Như vậy, sự đắc giới có khác nhau không?

Sư đáp:

-Không khác.

Lại hỏi:

-Nếu căn cứ vào văn trong giới luật, thì giới sư mắc tội, sao lại nói là không khác?

Đáp:

-Chỉ khi giới sư truyền giới cho những vị ni chưa đủ hai năm học giới thì mới nói là mắc tội mà thôi.

Lại hỏi:

-Nhưng chỉ ở nước này trước đây chưa có hòa thượng ni, chứ chẳng phải cả cõi Diêm-phù không có.

[937c] Đáp:

-Theo luật chế định: mười vị tăng thì được truyền giới cụ túc, nhưng ở vùng biên địa thì năm vị cũng được truyền giới. Chính vì có những nơi không đủ số tăng nên không thực hành đúng pháp mà thôi.

Lại hỏi:

-Cách thành thị bao nhiêu dặm thì gọi là biên địa?

Đáp:

-Những nơi bị núi sông ngăn cách hơn một nghìn dặm thì gọi là biên địa.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ chín (432), ni sư dẫn năm người đệ tử là Tuệ Ý, Tuệ Khải v.v… theo ngài Tăng-già-bạt-ma xin thụ lại giới cụ túc và đại chúng vâng giữ kính trọng giới pháp như yêu quí bộ não của mình.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười (433), ni sư thị tịch, thọ hơn bảy mươi tuổi. Các đệ tử là Tuệ Khải… đều nhờ phẩm hạnh thanh cao nên nổi tiếng vào thời ấy.

Truyện 15: NI SƯ PHÁP THỊNH Ở CHÙA KIẾN PHÚC

Ni sư họ Nhiếp, người Thanh Hà. Gặp lúc họ Triệu nổi loạn, ni sư chạy lánh nạn đến Kim Lăng[18].

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười bốn (437), ni sư xuất gia ở chùa Kiến Phúc. Nhờ bẩm tính thông minh, nên ni sư có tài năng kiệt xuất và học thức uyên bác.

Khi tuổi về già, ni sư đến sống tại kinh đô. Tuy được vua trọng vọng và có cuộc sống yên ổn, nhưng ni sư vẫn nhớ đến quê nhà. Chỉ có sự nghiên cứu yếu chỉ Phật pháp mới có thể làm quên đi tuổi già, nên ni sư theo pháp sư Ngẫu ở chùa Đạo Tràng thụ giới bồ-tát. Ban ngày, ni sư tìm hiểu nghĩa lí sâu xa, tối đến thì tụng niệm để thấm nhuần pháp vị. Năm tháng dần dà, tâm trí ni sư càng tỏ ra sáng suốt. Mặc dù tuổi cao nhưng trông ni sư như còn rất trẻ và ni sư thường phát nguyện vãng sinh về cõi An Dưỡng[19].

Một hôm, ni sư nói với hai bạn đồng tu là Đàm Kính và Đàm Ái:

– Tôi tu thân, hành đạo cốt mong sinh về Tây phương.

Vào ngày 27 tháng 9 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười sáu (439), ni sư đứng dưới tháp đỉnh lễ Phật, đến chiều thì bị bệnh và ngày càng nguy kịch. Vào đêm 30 tháng ấy, ni sư vừa chợp mắt thì trông thấy Đức Như Lai từ hư không đi xuống, luận bàn về Nhị thừa với hai vị bồ-tát; chốc lát, Ngài cùng với thánh chúng lướt nhẹ qua bãi cỏ để đến thăm ni sư. Lúc đó, ai cũng thấy ánh sáng rực rỡ cả chùa và kéo nhau đến hỏi ni sư:

– Đây là ánh sáng gì?

Ni sư kể lại đầy đủ mọi việc cho họ nghe. Nói xong, ni sư thị tịch, thọ bảy mươi hai tuổi.

Ông Trương Biện người quận Ngô làm thái thú ở Dự Chương vốn rất kính trọng ni sư đã thuật lại chuyện này.

Truyện 16: NI SƯ TUỆ NGỌC Ở CHÙA NGƯU MỤC, GIANG LĂNG

Ni sư người Trường An[20], luôn tu hành tinh tiến, thông hiểu cả kinh và luật, thường chu du khắp các thành ấp để hóa độ mọi người. Mỗi khi gặp cơ duyên giáo hóa, ni sư không ngại gian khó.

Lần nọ, ni sư đi về phương nam, đến vùng Kinh Sở và sống tại tinh xá Ngưu Mục ở Giang Lăng. Ni sư tụng các kinh Pháp hoa, kinh Thủ-lăng-nghiêm[21]… chỉ mười ngày là đã thuộc làu, nên tất cả tăng tục vùng Thiểm Tây đều hết lòng kính trọng. Ni sư nghiên cứu kinh luận chưa từng xao lãng.

Vào tháng 10 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười bốn (437), ni sư thực hành khổ hạnh, giữ trai giới bảy ngày và phát nguyện: “Nếu quả thật giữ trai giới mà có sự cảm ứng thì sau khi xả thân này, cho con nhất định được gặp Phật, nội trong bảy ngày được thấy hào quang của Phật”.

Thế là vào nửa đêm của ngày thứ năm, tại khu rừng ở phía đông ngôi chùa có hào quang sáng rỡ, ni sư kể lại sự mầu nhiệm này cho mọi người nghe, ai nấy đều vui mừng kính ngưỡng và càng thêm mến phục ni sư. Về sau, vị chủ chùa là Pháp Hoằng cho xây một ngôi thiền thất tại nơi hào quang xuất hiện.

Trước đây, khi còn ở Trường An, ni sư thấy có hào quang hai màu đỏ trắng chiếu sáng rực cả hai bên ngôi chùa do vị quan thượng thư[22] họ Tiết xây dựng, đến mười ngày rồi dần dần mất hẳn. Sau đó, vào ngày mồng 8 tháng 4, sa-môn chùa Lục Trùng thấy có một tượng Phật Di-lặc bằng vàng cao một thước Tàu[23] tại nơi hào quang ấy xuất hiện.

Truyện 17: NI SƯ ĐẠO VIỆN Ở CHÙA KIẾN PHÚC

Ni sư họ Giang, người Đan Dương. Hơn mười tuổi, ni sư đã nghiên cứu các loại kinh sách, sử thư. Sau khi thụ giới cụ túc, ni sư làu thông ba tạng kinh điển, siêng tu khổ hạnh.

Vào niên hiệu Thái Nguyên (376-396), đời Tấn, hoàng hậu khen ni sư là người có đức hạnh cao vời, nên tất cả phẩm vật cúng dường phần lớn đều dâng cúng chùa ni sư. Các phụ nữ giàu sang đều kéo đến học hỏi với ni sư.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ tám (431), ni sư cho đúc nhiều tượng Phật và tạo các pháp khí để tôn trí ở khắp nơi, như ở chùa Bành Thành tôn trí hai tượng Phật bằng vàng và cờ phướn, tòa ngồi đầy đủ; ở chùa Ngõa Quan tôn trí tượng Phật Di-lặc đứng và bảo cái, chuỗi ngọc; ở chùa Kiến Hưng phía nam tôn trí hai tượng Phật bằng vàng và cờ phướn, bảo cái, các pháp khí khác; ở chùa Kiến Phúc tôn trí tượng Phật nhập niết-bàn và điện thờ. Ni sư lại cho đúc tượng bồ-tát Phổ Hiền đứng và tạo đầy đủ các vật cúng dường quí đẹp.

Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ mười lăm (438), ni sư cho đúc tượng Phật Vô Lượng Thọ bằng vàng. Cũng vào ngày 10 tháng 4 năm ấy, giữa hai chặng mày của pho tượng này phóng ra hào quang chiếu sáng cả chùa, làm cho mọi vật đều có sắc vàng. Tăng tục đồn nhau, rồi cùng kéo đến cung kính chiêm lễ. Trông thấy hào quang sáng rỡ ấy, ai nấy đều vui mừng, khen ngợi. Ni sư cũng dùng những vật liệu còn lại do Nguyên hoàng hậu cúng dường để mở rộng phía nam ngôi chùa và sửa sang lại thiền phòng.

Truyện 18: NI SƯ ĐẠO THỌ Ở CHÙA KÌ HOÀN, GIANG LĂNG

Không rõ ni sư người xứ nào. Thuở nhỏ, ni sư thụ trì năm giới chưa từng hủy phạm và được khen là người có bản tính điềm tĩnh, trong sáng, nhu hòa, hiếu thuận.

Cha ni sư thường chê bai, nên bị bệnh, trong người tuy không đau ngứa nhưng da vàng vọt, thân thể ngày một yếu gầy; trải qua nhiều năm, chữa trị bằng nhiều cách vẫn không thuyên giảm. Vào niên hiệu Nguyên Gia (424-453), gặp lúc cha lâm bệnh, ni sư phát nguyện: “Xin cho cha con khỏi bệnh, con sẽ xuất gia”.

Ni sư vừa phát nguyện xong, bệnh tình của người cha dần dần bình phục. Theo như lời nguyện, ni sư xuất gia tại chùa Kì Hoàn, siêng năng, chịu khó hơn hẳn mọi người. Ni sư tụng kinh Pháp hoa ba nghìn biến, thường thấy hào quang tốt lành.

Đêm mồng 7 tháng 9 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười sáu (439), ni sư thấy có bảo cái từ trên không rủ xuống, phủ lên người mình.

Truyện 19: NI SƯ HUYỀN TẢO Ở CHÙA THÁI HUYỀN ĐÀI, QUẬN NGÔ

Ni sư họ Lộ, người quận Ngô, là con gái của An Cẩu[24].

Năm hơn mười tuổi, ni sư bị bệnh nặng, uống nhiều loại thuốc quí vẫn không thuyên giảm mà ngày càng nặng hơn. Lúc ấy, vị tăng Thích Pháp Tế ở chùa Thái Huyền Đài nói với An Cẩu:

– Bệnh của con gái ông có lẽ là do nghiệp nên không thể dùng thuốc để chữa lành được. Bần đạo từng nghe trong kinh Phật có dạy: “Nếu người gặp cảnh nguy kịch mà biết qui y tam bảo, sám hối tội lỗi và nhất tâm cầu nguyện thì đều được chư Phật gia hộ, cứu giúp. Cha con ông nên dẹp bỏ những việc bất thiện, tắm gội sạch sẽ, nhất tâm niệm Phật, thì chắc chắn con ông sẽ bình phục.

Vâng lời vị tăng, ông thiết trí một căn phòng thờ bồ-tát Quán Thế Âm ở trong nhà, tắm gội sạch sẽ, giữ tâm ý thanh tịnh và chí thành lễ bái. Ông dìu đỡ người bệnh dậy, bảo nhất tâm lễ bái và niệm danh hiệu bồ-tát liên tục. Vào đầu hôm ngày thứ bảy, ni sư bỗng thấy có một tượng Phật bằng vàng cao khoảng một thước Tàu tới xoa vào thân ni sư từ đầu đến chân ba lần như thế. Ngay đó, ni sư cảm thấy căn bệnh nguy kịch lâu nay bỗng nhiên tan biến.

Thấy sự linh nghiệm ngay trên thân mình, ni sư xin xuất gia và sống ở chùa Thái Huyền Đài. Từ đó, ni sư siêng năng tụng kinh Pháp hoa không hề lười mỏi, ăn rau quả và giữ trai giới suốt ba mươi bảy năm. Ni sư thường lắng tâm, nhiếp niệm, mong được sinh về cõi trời Đâu-suất[25].

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười sáu (439), đời Tống, ni sư rời khỏi kinh đô. Sau, không biết ni sư viên tịch ở đâu.

Truyện 20: NI SƯ TUỆ QUỲNH Ở CHÙA NAM AN

Ni sư họ Chung, người Quảng châu, là người giữ đạo thanh cao, trong sáng, không ăn cá thịt. Năm gần tám mươi tuổi, ni sư càng tinh tiến tu hành, thường mặc áo vải gai thô xấu, không mặc y phục bằng gấm lụa, tuân giữ phép tắc của chùa và thường đi thuyết giảng.

Trước đây, ni sư sống ở chùa Nam An, Quảng Lăng. Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười tám (441), đời Tống, có người họ Vương là mẹ của Vương Thế Tử ở Giang Hạ cúng cho ni sư một thửa đất. Ni sư cho xây một ngôi chùa và đặt tên là “Nam Vĩnh An”.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi hai (445), Tiêu Thừa Chi ở Lan Lăng xây cho ni sư một ngôi tháp theo kiểu Ấn Độ.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười lăm (438), ni sư xây chùa Bồ-đề, điện đường, phòng xá đều trang nghiêm, đẹp đẽ. Nhân đó, ni sư dời đến ở đây và cúng chùa Nam Vĩnh An cho sa-môn Tuệ Trí.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi (443), ni sư theo Mạnh Khải đến Cối Kê, nhưng vừa đến Phá Cương thì viên tịch. Trước lúc lâm chung, ni sư bảo đệ tử:

– Sau khi thầy mất, các con không cần chôn cất, nên nhờ người cắt xẻ thi thể của thầy để làm thức ăn cho chim, thú.

Đến khi ni sư qua đời, các đệ tử không nỡ làm như vậy, nên đưa thi thể ni sư tới huyện Cú Dung và để vào trong núi cho chim, thú tự đến ăn. Hơn mười ngày sau, thi thể ni sư vẫn uy nghiêm như cũ, vẻ mặt không biến đổi. Các đệ tử nhờ người trong làng đem gạo rải quanh thi thể của ni sư, chim chóc đến ăn hết những hạt gạo ở xa, những hạt gần thi thể vẫn còn. Đệ tử Tuệ Lãng đang ở kinh đô, nghe tin này, vội vã đến đem thi thể thầy về, an táng trên một tòa cao nơi ngọn đồi ở phía trước chùa và xây tháp phụng thờ.

Truyện 21: NI SƯ PHỔ CHIẾU Ở CHÙA TRƯƠNG QUỐC, NAM BÌ

Ni sư họ Đổng, tên Bi, người An Lăng, Bột Hải. Từ nhỏ, ni sư đã có tiết tháo, dũng khí.

Năm mười bảy tuổi, ni sư xuất gia và sống ở chùa Trương Quốc, Nam Bì. Sau, ni sư theo thầy đến học pháp tại tinh xá Kiến Hi, Quảng Lăng. Ni sư dốc lòng phụng trì Phật pháp và toàn thể đại chúng đều khen ngợi. Đến khi thầy ni sư là Tuệ Tư viên tịch, dù bận rộn lo việc tang lễ, ni sư vẫn thực hành khổ hạnh không ai bì kịp.

Tháng 12 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười tám (441), đời Tống, vì quá lao lực nên ni sư bị bệnh nặng. Tuy vậy, ni sư vẫn dốc chí và tin tưởng sâu sắc như ban đầu, không hề thay đổi, chuyên tâm chí thành bất kể ngày đêm. Mặc dù không thể bước xuống đất, ni sư vẫn ở trên giường, mỗi ngày tụng ba quyển kinh Pháp hoa và lễ lạy sám hối theo đúng thời khóa như thường lệ.

Đến giữa tháng 2 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), ni sư bỗng nhiên chết giấc, khoảng vài giờ sau mới tỉnh lại và nói: “Trong lúc tôi đi về phía tây, trên đường đi thì thấy có một ngôi tháp, bên trong có một vị tăng đang nhắm mắt thiền định. Ngạc nhiên, vị ấy hỏi tôi:

– Ni sư đến đây có việc gì vậy?

Tôi đáp:

– Tôi có chút chuyện.

Ngay đó, tôi hỏi:

– Nơi này cách ngôi chùa kia bao nhiêu dặm?

Vị tăng nói:

– Năm nghìn vạn dặm.

Tôi thấy trên đường có hoa cỏ và người đi đường, nhưng không biết đó là thế giới nào. Khi ấy, trời quang mây tạnh, xóm làng yên tịnh, phía tây sáng rỡ, tôi muốn đi tiếp nhưng vị tăng ấy không cho. Vì thế, tôi trở về và chợt tỉnh lại”.

Bảy ngày sau, ni sư qua đời. Lúc đó, ni sư hai mươi lăm tuổi.

Truyện 22: NI SƯ TUỆ MỘC Ở CHÙA LÀNG TRÚC QUA, QUẬN LƯƠNG

Ni sư họ Phó, người đất Bắc. Năm mười một tuổi, ni sư xuất gia, thờ ngài Tuệ Siêu làm thầy, xin thụ trì mười giới và sống ở chùa làng Trúc Qua, quận Lương,

Sau khi thụ giới, mỗi ngày ni sư tụng hai quyển kinh Đại phẩm bát-nhã và thông hiểu các bộ kinh khác. Mẹ ni sư già yếu, bị bệnh, lại không có răng, nên ni sư phải nhai thịt dâng cho mẹ dùng. Vì miệng không thanh tịnh, ni sư không dám thụ đại giới mà chỉ ngày đêm siêng năng sám hối tội lỗi của mình.

Đêm nọ, ni sư bỗng thấy một đàn truyền giới cùng chư thiên đều có màu vàng ròng. Ngẩng đầu lên nhìn, ni sư thấy ở phía nam có một người mặc y phục toàn màu vàng, đứng cách mình không xa và bảo: “Ta đã trao giới cho con rồi”. Chốc lát, ni sư không thấy vị ấy nữa.

Những điềm cảm ứng lạ thường như vậy rất nhiều, nhưng ni sư không kể cho ai hay biết. Không ngờ anh ni sư nghe được, muốn biết rõ sự tình, nên dối nói với ni sư:

– Cô xuất gia đã nhiều năm mà rốt cuộc không có ích lợi gì. Cô nên về nhà để tóc, anh sẽ gả chồng cho.

Nghe anh nói vậy, ni sư rất buồn, đành kể lại những điều đã thấy. Từ đó, ni sư xin thụ giới cụ túc. Vào đêm trước ngày thụ giới, ni sư mộng thấy một người đến đọc và trao giới bổn cho mình. Thụ giới xong, ni sư vừa xem lại giới bổn thì liền thuộc lòng.

Vào niên hiệu Nguyên Gia (424-453), đời Tống, ni sư đắp tượng Phật Thập Phương[26], đồng thời thuê chép bốn bộ giới bản và yết-ma cúng dường cho bốn chúng[27].

Truyện 23: NI SƯ PHÁP THẮNG Ở NAM TỰ, HUYỆN NGÔ

Không rõ ni sư người xứ nào. Thuở nhỏ, ni sư xuất gia và sống ở Nam tự, huyện Ngô. Ni sư là người nghiêm trang, thành thật, lễ phép, siêng năng nên được nhiều người biết đến.

Niên hiệu Nguyên Gia (424-453), đời Tống, quan tư mã Long Vi Tì ở Hà Nội đang lúc đi dẹp loạn giúp dân thì gặp bọn giặc và đã bị tử trận. Vợ ông họ Sơn, cha mẹ mất sớm, đã lớn tuổi, lại không có con, nên dời đến đất Ngô và nhờ ni sư giúp đỡ. Ni sư đón tiếp bà ấy như người thân. Hơn một trăm ngày sau, bà bị bệnh, kéo dài ba năm và ngày càng nguy kịch. Ni sư vốn không cất chứa của cải, nên việc thuốc thang để chữa trị cho bà đều phải đi xin người khác, nhưng ni sư không ngại nắng mưa, chẳng màng gió rét, miễn sao bà được lành bệnh. Từ đó, mọi người càng quí trọng ni sư.

Sau, ni sư đến kinh đô, tu thiền, học luật, thông suốt định, tuệ, nghiên cứu pháp yếu. Ni sư độ đệ tử, không cần dạy răn mà ai cũng thành đạt, làm việc thì không vụ lợi, tịnh tu thì không cầu danh, nhiệt tình, chu đáo, tất cả đều nhằm cứu giúp chúng sinh.

Năm sáu mươi tuổi, ni sư bị bệnh kéo dài và tự nói là không thể chữa khỏi. Các đệ tử lấy làm lạ và hỏi, ni sư bảo:

– Hôm qua, thầy thấy hai vị sa-môn đến nói cho biết như thế.

Lát sau, ni sư lại nói:

– Bây giờ, thầy thấy hai vị tì-kheo khác, không phải hai vị trước, đắp y bày vai phải, mỗi vị cầm hoa đứng bên giường thầy. Sau đó, từ xa thầy lại thấy có một Đức Phật ngồi trên hoa sen, phóng hào quang chiếu vào người thầy.

Từ đó về sau, ban đêm ni sư không ngủ mà bảo mọi người tụng kinh Pháp hoa. Đến nửa đêm, hơi thở dần dần yếu đi, ni sư bảo mọi người ngưng tụng kinh mà niệm Phật trợ duyên cho ni sư và ni sư cũng niệm theo. Khi trời sắp sáng, vẻ mặt vẫn không biến đổi, ni sư nhẹ nhàng rời bỏ thân này.

Truyện 24: NI SƯ TĂNG ĐOAN Ở CHÙA VĨNH AN

Ni sư người Quảng Lăng. Gia đình đời đời thờ Phật, chị em ai cũng kính tin Phật pháp. Ni sư phát nguyện xuất gia, không trang điểm, nhưng vẻ đẹp tự nhiên đã làm ni sư nổi tiếng khắp làng. Có người nhà giàu đến dạm hỏi, mẹ và anh đã hứa gả cho họ.

Vào đêm trước khi cưới ba ngày, ni sư trốn vào chùa. Vị trụ trì cho ni sư ở một phòng riêng và cung cấp mọi thứ cần dùng. Ni sư thỉnh kinh Quán Thế Âm và tụng liên tục hai ngày, cúi đầu lễ lạy mà nước mắt như mưa suốt cả đêm ngày. Hơn ba ngày sau, đang lúc lễ lạy, ni sư thấy có một vị Phật đến bảo:

– Vị hôn phu của con số mạng đã hết, con chỉ cần siêng năng tu hành, đừng nhớ nghĩ lo buồn gì nữa.

Hôm sau, chàng rễ ấy bị trâu húc chết. Nhân đó, ni sư được xuất gia, giữ gìn giới cấm, luôn nhiếp tâm thanh tịnh, dường như không nói năng; nhưng đến khi biện bác về tên gọi và thực chất, thì ni sư trả lời trôi chảy và có sức thuyết phục. Ni sư tụng kinh Đại niết-bàn[28] năm ngày một biến.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười (433), ni sư đi về phía nam, đến vùng trung nguyên và sống ở chùa Vĩnh An. Ni sư tuân giữ phép tắc, làm hết mọi việc, đối xử bình đẳng và thương yêu tất cả mọi người, nên lớn nhỏ đều mến phục, lâu dần càng thêm kính trọng.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ hai mươi lăm (448), ni sư viên tịch, thọ hơn bảy mươi tuổi. Các đệ tử đều kính trọng, thương tiếc, ai cũng lấy việc tu khổ hạnh và tụng kinh Pháp hoa để làm rạng danh thầy.

TRUYỆN 25: NI SƯ QUANG TĨNH Ở CHÙA QUẢNG LĂNG TRUNG

Ni sư họ Hồ, tên là Đạo Tì, người Đông Thiên, Ngô Hưng[29]. Thuở nhỏ, ni sư theo thầy xuất gia và sống ở chùa Quảng Lăng Trung. Tuổi nhỏ thì ni sư dốc sức làm việc, lớn lên thì chuyên tu thiền định. Ni sư không dùng các món ngon, bổ dưỡng. Lúc sắp thụ đại giới, ni sư tuyệt đối không ăn các loại ngũ cốc, hoa quả.

Mười lăm năm sau khi thụ giới cụ túc, tuy tâm trí ni sư sáng suốt, tinh tường mà thân thể thì yếu gầy, mỏi mệt, nên ni sư chí thành cầu nguyện để vượt qua. Ni sư thường cảm thấy mệt mỏi, có khi kéo dài suốt cả tháng.

Một hôm, sa-môn Thích Pháp Thành đến bảo ni sư:

– Ăn uống chẳng phải là việc lớn của Phật.

Nghe lời này, ni sư trở lại ăn uống bình thường và tinh tiến tu học gấp bội phần mà không biết mỏi mệt. Thường có khoảng trăm người theo ni sư học pháp thiền.

Vào tháng 5 niên hiệu Nguyên Gia thứ mười tám (441), ni sư bị bệnh và bảo các đệ tử:

– Thầy đã khổ sở và chán ngán cái thân này từ lâu rồi.

Thế nên, tuy thân bệnh, nhưng tâm và miệng ni sư luôn sám hối, tâm hồn an định, tinh thần tươi vui.

Đến ngày đầu niên hiệu Nguyên Gia thứ mười chín (442), ni sư nhịn ăn, bỏ uống, một lòng nguyện sinh lên cõi trời Đâu-suất, niệm niệm liên tục, không gián đoạn.

Đêm ngày 18 tháng 4, có hiện tượng lạ và mùi thơm đặc biệt phảng phất khắp không trung và ni sư đã viên tịch vào đêm ấy.

Truyện 26: NI SƯ THIỆN DIỆU Ở QUẬN THỤC

Ni sư họ Âu Dương, người huyện Phồn. Thuở nhỏ, ni sư xuất gia, tính tình nhu hòa, ít sân giận, cũng không quá vui. Ni sư không sắm y phục đẹp, cũng không ăn các món ngon.

Em rể của ni sư mất sớm, người em gái sống không nơi nương tựa, nên dẫn đứa bé đến xin ở nhờ nhà ni sư. Cô em thường nghe ni sư tự than: “Sinh ra đời mà không được gặp Phật”. Mỗi lần nói như vậy, ni sư đều nghẹn ngào, buồn tủi, không sao cầm được nước mắt. Sống chung với ni sư được bốn, năm năm, cô em chưa từng thấy ni sư ăn cơm.

Một hôm, nấu cơm xong, cô em mời ni sư cùng ăn. Ni sư bảo:

– Chị vừa ăn ở đằng kia.

Hoặc lúc khác ni sư nói:

– Trong người không được khỏe, chị chưa ăn được.

Trải qua nhiều năm như thế, cô em cảm thấy ân hận, buồn tủi, thưa với chị:

– Em thật vô phước, chồng mất sớm, lại không có bà con, dẫn con đến nương tựa chị mà cứ làm phiền chị hoài. Chắc chị thấy chán nên không dùng cơm với em.

Cô em nói trong sự nghẹn ngào, rồi muốn ra đi. Ni sư cầm tay em và bảo:

– Em không hiểu ý chị. Chị vừa đi ra ngoài, được người khác cúng dường, đâu phải tốn kém cơm của nhà mình. Em cứ ở thoải mái, không bao lâu nữa chị phải đi xa, em nên giữ nhà, chớ bỏ đi nơi khác.

Nghe chị nói vậy, cô em ở lại. Ni sư tự tay se sợi thành vải và mua mấy hộc[30] dầu đựng đầy trong bình sành, rồi để trước sân và bảo em:

– Những thứ này để tạo công đức, em chớ lấy dùng.

Đến nửa đêm ngày 8 tháng 4, ni sư lấy vải quấn quanh thân, rồi tự thiêu. Khi lửa cháy gần đến đầu, ni sư bảo em gọi vị duy-na[31] đánh khánh và nói:

– Nay chị xả thân này, em hãy báo cho chư ni mau đến đây để chị từ biệt.

Nghe nói vậy, chư ni đều hốt hoảng, vội chạy đến, thì thấy ni sư vẫn tươi tỉnh. Ni sư bảo các vị:

– Mỗi người nên tinh tiến dũng mãnh, việc sinh tử đáng sợ, phải cầu ra khỏi, chớ để bị luân hồi. Tôi xả thân này để cúng dường đã hai mươi bảy lần, hết đời này sẽ đắc quả Tu-đà-hoàn[32].[33]

Truyện 27: NI SƯ TĂNG QUẢ Ở QUẢNG LĂNG

Ni sư họ Triệu, tên Pháp Hựu, người Tu Vũ, quận Cấp. Vốn có căn lành từ đời trước, bẩm tính chân thật, thuần hậu, nên lúc còn bé, ni sư không bú quá giờ ngọ. Cha mẹ lấy làm lạ và ngợi khen. Đến khi lớn lên, ni sư chuyên tâm vào thiền định, tránh làm điều tội lỗi.

Năm hai mươi bảy tuổi, ni sư mới xuất gia, thờ ni sư Tuệ Thông ở Quảng Lăng làm thầy. Nhờ giữ giới hạnh tinh nghiêm, thiền quán thanh tịnh, nên mỗi lần nhập định, ni sư càng tỏ ngộ, tâm trí luôn trụ trong cảnh tịnh, hình hài như cây khô, khiến người kém hiểu biết sinh tâm nghi ngờ.

Đến niên hiệu Nguyên Gia thứ sáu (429), có vị thuyền trưởng tên là Nan-đề người Ấn Độ đưa một vị tì-kheo-ni từ nước Sư Tử[34] đến kinh đô nước Tống và sống tại chùa Cảnh Phúc. Ít lâu sau, vị tì-kheo-ni hỏi ni sư:

– Trước giờ, nước này đã từng có vị ni nào người Ấn Độ chưa?

Ni sư thưa:

– Chưa có.

Vị tì-kheo-ni hỏi:

– Vậy thì trước đây, chư ni thụ giới làm sao có đủ hai bộ đại tăng?

Ni sư thưa:

– Chư ni chỉ theo đại tăng thụ giới, đắc giới là do phát tâm thụ giới, tâm người sinh kính trọng là phương tiện đắc giới. Như di mẫu Đại Ái Đạo chỉ thụ tám kính pháp[35] liền đắc giới, từ đó năm trăm người nữ họ Thích tôn bà làm hòa thượng. Đây là trường hợp cao quí.

Tuy trả lời như vậy, nhưng ni sư vẫn còn nghi ngờ. Thế rồi, ni sư nghiên cứu ba tạng thì thấy trong ba tạng cũng giải thích như vậy.

Ni sư lại hỏi:

– Thụ giới lại có được hay không?

Vị tì-kheo-ni đáp:

– Ba môn học giới định tuệ từ cạn đến sâu, thụ lại thì càng tốt.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười (433), vị thuyền trưởng Nan-đề lại dẫn mười một vị ni như Thiết-tát-la… từ nước Sư Tử đến đây. Đến khi các vị ni đắc giới trước đây đã thông hiểu tiếng nước Tống, ni sư mời ngài Tăng-già-bạt-ma lập đàn truyền giới tại chùa Nam Lâm, lần lượt có hơn ba trăm người xin thụ giới lại. Lúc đó nhằm niên hiệu Nguyên Gia thứ mười tám (441), ni sư ba mươi bốn tuổi.

Bấy giờ, ni sư ngồi yên lặng cả ngày, vị duy-na cố ý chạm vào, nhưng thấy ni sư bất động, nên cho rằng ni sư đã chết. Vị này sợ hãi, báo cho vị quan cúng chùa cùng đến xem, thì thấy người ni sư lạnh, thịt đã cứng, chỉ còn hơi thở yếu dần.

Ban đầu, họ định dời ni sư đi, nhưng tự nhiên ni sư mở mắt ra và cười nói bình thường. Lúc đó, những người đến gặp ni sư đều lấy làm lạ và nể phục. Sau, không biết ni sư viên tịch ở đâu.

Truyện 28: NI SƯ TĨNH XƯNG Ở CHÙA TRÚC LÂM, ĐÔNG HƯƠNG, SƠN DƯƠNG

Ni sư họ Lưu, tên Thắng, người quận Tiều. Ni sư siêng năng giữ giới luật, tu khổ hạnh, tụng kinh bốn mươi lăm vạn chữ. Chùa ở gần núi rừng, không có tiếng ồn náo, nên ni sư chuyên tâm vào thiền định, dứt hẳn trần lao.

Lần nọ, có người bị mất trâu tìm kiếm mãi mà không được. Ban đêm, họ vào núi nhìn thấy quanh chùa có ánh lửa sáng rực, nhưng đến nơi thì không thấy gì cả. Mọi người thường thấy có con hổ quanh quẩn bên ni sư, lúc ni sư ngồi thiền thì nó đến ngồi bên cạnh. Chư ni trong chùa nếu phạm tội mà không sám hối ngay lúc đó, thì hổ liền nổi giận; khi vị ấy sám hối xong thì nó vui vẻ.

Sau, có lần ra khỏi núi, giữa đường ni sư gặp một cô gái người đất Bắc. Hỏi thăm trong chốc lát thì cả hai cùng vui mừng như gặp bạn cũ. Cô gái ấy họ Cừu, tên là Văn Khương, người Bác Bình, lòng mến mộ Phật pháp. Nghe nước Nam giàu có, đạo pháp hưng thịnh, nên cô gái mới sang nước này; nhân đó, xin xuất gia, cùng tu khổ hạnh. Cả hai đều không ăn các loại lúa gạo, chỉ ăn mè, hoa quả và cỏ thuốc, nên tiếng vang đến kinh đô nước Lỗ.

Người nước Lỗ cho đó là thánh nhân, nên từ xa cho người đến đón tiếp hai vị. Tuy nhiên, họ không thích người vùng biên giới, nên đã nói xấu và có những cử chỉ không tốt làm tổn thương đến ngôn hạnh của hai vị. Một hôm, người đứng đầu nước Lỗ chuẩn bị bữa ăn ngon và mời mọi người cùng thụ dụng. Từ đó, nhiều người tỏ ra xem thường và không mời hai vị lưu lại.

Thế rồi, ni sư và Văn Khương trở về chùa cũ. Đến năm chín mươi ba tuổi, ni sư không bệnh mà thị tịch.

Truyện 29: NI SƯ PHÁP TƯỚNG Ở CHÙA THÁI HUYỀN ĐÀI, QUẬN NGÔ

Ni sư họ Hầu, người Đôn Hoàng. Ni sư có đức hạnh thanh cao, tiết tháo trong sạch, tài năng kiệt xuất, học thức hơn người. Ni sư dốc chí ham học, không vì nghèo khó mà bỏ bê việc học; luôn giữ phận thanh bần, không vì vinh hiển mà thay lòng đổi dạ. Ni sư xuất thân trong một gia đình giáo chức và đông bà con.

Khi chúa Phù Kiên thua trận, quyến thuộc li tán, ni sư xuất gia, giữ giới, càng tin hiểu sâu sắc về Phật pháp. Ni sư thường lấy y phục tốt và thức ăn ngon của mình chia bớt cho cô Tuệ Túc. Các vị ni trong chùa can ngăn:

– Cô Tuệ Túc bản chất quê mùa, ít nói, chưa từng chú tâm vào kinh luật Phật Pháp, không có phương pháp để dạy người muốn tu học thiền định, làm việc vụng về, nói năng chậm chạp, là hạng người ngu muội, kém cỏi. Sao ni sư không trồng phúc trên ruộng tốt mà lại gieo vào ruộng xấu này?

Ni sư bảo:

– Ruộng phúc tốt xấu chỉ bậc thánh mới biết được, tôi là người phàm, lẽ nào lại chọn người này hay bỏ người kia, hễ gặp người thì bố thí. Điều này có liên quan gì đến các vị mà lại nghĩ như vậy?

Về sau, cô Tuệ Túc mở thiền thất bảy ngày. Đến đêm thứ ba, cô Tuệ Túc ngồi thiền với đại chúng. Khi đại chúng xả thiền, cô Tuệ Túc vẫn ngồi yên bất động. Mọi người cùng đến xem, thì thấy cô Tuệ Túc vẫn ngồi vững như cây, đá, lôi kéo vẫn không nhúc nhích, có người cho là cô Tuệ Túc đã chết. Ba ngày sau, cô Tuệ Túc xuất định. Sau khi xuất định, cô Tuệ Túc vẫn như bình thường, nên ai nấy đều lấy làm lạ. Từ đó, chư ni mới biết ni sư là người biết rõ cô Tuệ Túc nhất.

Những việc như thế rất nhiều. Càng lớn tuổi, đức hạnh của ni sư càng sâu dày.

Vào cuối niên hiệu Nguyên Gia (424-453), ni sư viên tịch, thọ hơn chín mươi tuổi.

Truyện 30: NI SƯ NGHIỆP THỦ Ở CHÙA ĐÔNG THANH VIÊN

Ni sư họ Trương, người Bành Thành, có thân tướng đoan trang, giới hạnh thanh cao, hiểu sâu giáo pháp Đại thừa[36], lĩnh hội sâu sắc nghĩa lí nhiệm mầu. Ni sư rất thích ngồi thiền, tụng kinh, không xao lãng dù chỉ trong giây lát.

Cao tổ Vũ hoàng đế đời Tống rất kính trọng ni sư. Văn đế từ nhỏ cũng đã theo ni sư thụ ba qui y[37]. Thời gian ở chùa Vĩnh An, ni sư được cúng dường liên tục.

Niên hiệu Nguyên Gia thứ hai (425), có người họ Phạm là mẹ của Vương Cảnh Thâm cúng dường cho ni sư thửa đất thuộc ngôi từ đường cũ của Vương Thản. Ni sư cho xây chùa và đặt tên là Thanh Viên. Ni sư nghiêm khắc với đệ tử và sống rất có qui củ.

Phan quí phi khen ni sư:

– Ni sư Nghiệp Thủ hoằng truyền Phật pháp, thật đáng kính trọng!

Niên hiệu Nguyên Gia thứ mười lăm (438), bà cho mở rộng về phía tây ngôi chùa để xây điện Phật, lại nới rộng phía bắc ngôi chùa để làm phòng tăng, cúng dường đầy đủ những vật cần dùng để sự tu học của ni chúng ngày càng tăng tiến. Ni sư có hơn hai trăm đệ tử, công việc hoằng pháp không hề ngừng nghỉ.

Ni sư càng lớn tuổi càng có nhiều người ngưỡng mộ. Các vị tôn túc đã nhiều lần đem phẩm vật đến cúng dường nhưng ni sư đều không nhận.

Niên hiệu Đại Minh thứ sáu (462), ni sư viên tịch, thọ chín mươi tuổi.

Cùng thời với ni sư còn có các ni sư Tịnh Ai, Bảo Anh, Pháp Lâm, đều là những vị tu hành thanh tịnh, nổi tiếng khắp kinh thành.

Ni sư Tịnh Ai tu thiền, tụng kinh đã lâu, gặp việc gì cũng giải quyết thỏa đáng, viên tịch vào niên hiệu Thái Thỉ thứ năm (469).

Ni sư Bảo Anh xây tháp năm tầng, thông suốt diệu lí, siêng năng tu tập, ăn uống đạm bạc, viên tịch vào niên hiệu Thái Thỉ thứ sáu (470).

Ni sư Pháp Lâm làu thông kinh luật, tuy tuổi già vẫn không trễ nãi, viên tịch vào niên hiệu Nguyên Huy thứ nhất (473).

Ni sư có đệ tử là Đàm Dần tinh thông thiền, luật, không màng danh lợi, cũng không đến nơi phố thị, viên tịch vào niên hiệu Nguyên Huy thứ sáu (478).

Truyện 31: NI SƯ PHÁP BIỆN Ở CHÙA CẢNH PHÚC

Ni sư người Đan Dương, xuất gia từ thuở nhỏ, làm đệ tử của ni sư Tuệ Quả ở chùa Cảnh Phúc. Ni sư vốn là người thật thà, thận trọng, thanh cao, cần kiệm, thường mặc y phục thô xấu, ăn uống đạm bạc, không ăn các thức cay nồng, nên tiếng tốt sớm vang khắp kinh thành. Quan thứ sử ở Dương châu là Lang Da Vương Úc rất kính trọng ni sư.

Sau, ni sư theo học thiền quán với sa-môn Cương-lương-da-xá[38] người Ấn Độ ở chùa Đạo Lâm, tu hành đúng pháp và thông hiểu tường tận về thiền học.

Mỗi khi ngồi thiền với đại chúng, ni sư thường ngồi yên như ngủ say. Lần nọ, ngồi thiền ở trai đường, đại chúng đều xả thiền, chỉ riêng ni sư vẫn ngồi bất động. Vị duy-na ngạc nhiên, chạm vào người ni sư thì thấy như cây, như đá. Vị ấy nói cho đại chúng biết, ai nấy đều kéo đến xem. Lát sau, ni sư xuất định, nói năng như bình thường, mọi người đều khâm phục và càng kính trọng ni sư gấp bội.

Niên hiệu Đại Minh thứ bảy (463), ni sư viên tịch, thọ hơn sáu mươi tuổi.

Trước khi ni sư mất hai ngày, pháp sư Siêu Biện ở chùa Thượng Định Lâm mộng thấy có một cung thành trang nghiêm, lộng lẫy, các đồ vật đều sáng chói mà thế gian không thể có được, nam nữ trang sức đẹp đẽ và đông đúc bên trong, nhưng không thấy người chủ. Pháp sư hỏi nguyên do.

Mọi người trả lời:

– Ngày mai, ni Pháp Biện ở chùa Cảnh Phúc sẽ sinh về đây và làm chủ nơi này.

Cùng ngày ấy, ni sư thấy mình mẩy hơi đau nhức, liền bảo đại chúng lớn nhỏ cùng vân tập và nói:

– Hồi hôm, có một người lạ đến gần thầy, chợt hiện, chợt ẩn, như bóng, như mây.

Nói xong, ni sư ngồi mà viên tịch.

Về sau, lại có ni sư Đạo Chiếu và ni sư Tăng Biện cũng nhờ tinh tiến mà nổi danh. Ni sư Đạo Chiếu họ Dương, người Từ châu, đất Bắc, chỉ ăn rau quả, tụng kinh và thường được Lâm Hạ Vương cúng dường.

Truyện 32: NI SƯ ĐẠO TỔNG Ở CHÙA TAM TẰNG, GIANG LĂNG

Không rõ ni sư người xứ nào. Ni sư sống ở chùa Tam Tằng, Giang Lăng. Thuở nhỏ, ni sư không vì hơn người mà bận tâm; lớn lên, không vì hòa đồng mà ô nhiễm. Ni sư cho rằng, ranh giới giữa người hiền và kẻ ngu chỉ căn cứ vào sự thông hiểu mà thôi. Nhờ sống hòa lẫn nơi đời thường, nên ni sư âm thầm độ được nhiều người.

Vào đêm 15 tháng 3 niên hiệu Đại Minh thứ bảy (463), đời Tống, ni sư bôi dầu vào mình, đóng cửa lại để tự thiêu. Khi lửa cháy đến đầu, tai và mắt bị hư hoại nhưng ni sư vẫn không ngừng tụng kinh. Tăng tục đều thương tiếc, ma quỉ đều kinh sợ. Cả nước nghe tin ấy đều phát tâm bồ-đề. Ẩn sĩ Lưu Cầu đời Tống rất tử tế và kính trọng ni sư, có làm bài kệ khen ngợi.

Truyện 33: NI SƯ TUỆ TUẤN Ở CHÙA TRÚC VIÊN

Ni sư họ Trần, người Sơn Âm. Thuở nhỏ, ni sư thông minh, tài giỏi, tinh tiến hơn người. Sáng nào ni sư cũng giành thời gian để đốt hương, quán tưởng, lễ Phật. Ni sư ăn một ngày một bữa trưa, chỉ dùng rau quả đạm bạc, không ăn các món cá, thịt thơm ngon. Tuy sống ở nhà nhưng ni sư tu tập chẳng khác gì người xuất gia, cha mẹ cũng không thể ngăn cản chí nguyện con mình.

Đến khi mười tám tuổi, cha mẹ cho phép xuất gia, tất cả sách vở nội và ngoại điển, ni sư vừa xem qua liền thuộc làu. Các môn thiền định sâu xa, pháp quán vi diệu, ni sư đều thể nhập. Ni sư sống tĩnh lặng mà không ganh đua, hòa đồng nhưng có tiết tháo. Những lúc giao du với bạn bè hay gần gũi bậc trưởng thượng, ni sư chưa từng nói giỡn.

Thừa tướng Vương Nghĩa Cung đời Tống ở Giang Hạ rất tử tế và kính trọng ni sư, thường cúng dường y phục, thuốc thang quanh năm không để thiếu thốn.

Ni sư không cất chứa tiền của cho riêng mình, tất cả đều dùng vào việc xây dựng tự viện. Chùa Trúc Viên được hình thành là nhờ công lao to lớn của ni sư. Ni sư luôn an trú trong niềm vui thiền vị, dù lớn tuổi vẫn không lui sụt.

Niên hiệu Đại Minh thứ tám (464), đời Tống, ni sư viên tịch, thọ bảy mươi ba tuổi, nhục thân được an táng ở núi Phó.

Cùng chùa với ni sư, có ni Tăng Hóa cũng thông minh, tài giỏi hơn người, thuộc nhiều kinh luật, chỉ ăn rau quả, tu hành khổ hạnh và nổi tiếng như ni sư vậy.

Truyện 34: NI SƯ BẢO HIỀN Ở CHÙA PHỔ HIỀN

Ni sư họ Trần, người quận Trần. Năm ni sư mười sáu tuổi, mẹ qua đời, ba năm liền ni sư không dùng ngũ cốc, chỉ ăn khoai, sắn để sống qua ngày, không mặc y phục bằng tơ lụa, không ngồi trên giường chiếu.

Mười chín tuổi, ni sư xuất gia và sống ở chùa Kiến An, giữ giới hạnh thanh cao, siêng năng tu tập, tinh thông cả thiền, luật.

Văn đế (424-453) đời Tống kính trọng ni sư, lấy lễ mà đón tiếp, lại cúng dường y phục và thực phẩm.

Hiếu Vũ đế (453-464) cũng tử tế và cung kính tiếp đón, mỗi tháng cúng dường một vạn tiền.

Minh đế (465-472) lên ngôi, cũng khen ngợi và đón tiếp càng trọng vọng hơn.

Niên hiệu Thái Thỉ thứ nhất (465), vua ban sắc cho ni sư trụ trì chùa Phổ Hiền. Năm thứ hai (466), vua lại ban cho ni sư giữ chức tăng chính[39] ở kinh đô. Vốn có bẩm tính cương trực, không ai có thể làm lay chuyển, ni sư luôn biểu hiện dáng vẻ uy nghiêm, phán quyết chắc chắn như thần, giỏi luận bàn về nguyên lí của sự vật, giải thích tường tận những vấn đề khúc mắc.

Niên hiệu Vĩnh Bình (291) đời Sơ Tấn[40], ni sư Tịnh Kiểm là vị tì-kheo ni đầu tiên ở Trung Quốc. Ban đầu, chư ni thụ giới cụ túc chỉ theo cầu đại tăng. Các ni sư Huệ Quả, Tịnh Âm… ở chùa Cảnh Phúc đem việc này thưa hỏi ngài Cầu-na-bạt-ma. Ngài Cầu-na-bạt-ma bảo:

– Thời ấy, đất nước này chưa đủ hai bộ tăng, chỉ theo đại tăng thụ giới thì cũng đắc giới cụ túc.

Khi gặp lại các ni sư người Ấn Độ như Thiết-tát-la… đến đây vào niên hiệu Nguyên Gia thứ mười một (434), các ni sư Huệ Quả… theo ngài Tăng-già-bạt-ma thụ lại giới cụ túc tại giới đàn chùa Nam Lâm, nhằm tăng trưởng giới phẩm cao quí chứ chẳng phải vì lần thụ trước không đắc giới. Về sau, những người hiếu kì bắt chước trao truyền ngày càng nhiều, nên trong giới luật dần dần bỏ đi phần này.

Niên hiệu Nguyên Huy thứ hai (474), luật sư Dĩnh mở hội giảng luật Thập tụng[41] tại chùa Tấn Hưng. Ngay ngày đầu tiên đã có hơn mười vị ni tham dự. Pháp sư giảng xong, nhiều vị ni muốn xin thụ giới lại. Ni sư thỉnh đại tăng đến giảng tòa quyết định việc này. Đại tăng đánh bảng ra lệnh: “Chư ni không được tự ý thụ giới lại. Nếu vị nào xét thấy chưa đủ tuổi, thì bổn sư của vị ấy trước hết phải nhóm chúng để sám hối, sau đó mới đưa đến đại tăng. Nếu được đại tăng cho phép, chư ni phải thỉnh một vị để khảo hạch, rồi mới được thụ giới. Nếu vị nào chống trái thì bị đuổi ra khỏi tăng đoàn”. Từ đó về sau, tình trạng tranh đua thụ giới tạm thời chấm dứt.

Ni sư sống giản dị, thanh bạch, giỏi cả sự lẫn lí, thương yêu người kém cỏi, giúp đại chúng được sống yên ổn. Ni sư là người nghiêm túc, ít muốn biết đủ, nên được người đời tôn trọng.

Niên hiệu Thăng Minh thứ nhất (477), ni sư viên tịch, thọ bảy mươi bảy tuổi.

Truyện 35: NI SƯ PHÁP TỊNH Ở CHÙA PHỔ HIỀN

Ni sư người Giang Bắc. Năm hai mươi tuổi, gặp thời loạn lạc, ni sư theo cha lánh nạn ở cửa Mạt Lăng và tu theo đạo Phật.

Thuở nhỏ, ni sư xuất gia và sống ở chùa Vĩnh Phúc, giữ giới hạnh thanh tịnh, thông hiểu cả sự lẫn lí. Ni sư suy gẫm, nghiên cứu đến tận cùng nghĩa lí sâu xa của kinh điển. Đức hạnh của ni sư có thể sánh với các ni sư nổi tiếng như Bảo Hiền v.v…

Minh đế (465-472) đời Tống rất kính trọng ni sư. Niên hiệu Thái Thỉ thứ nhất (465), vua ban sắc mời ni sư về trụ trì chùa Phổ Hiền. Vua quan đón tiếp ni sư vừa kính như bậc thầy vừa thân như người bạn.

Năm thứ hai (466), vua sắc cho ni sư giữ chức đô duy-na ở kinh đô. Ni sư làm việc công bình, chính trực và vô cùng chính xác, tùy trường hợp mà giúp đỡ hay cất nhắc, dùng đức cảm hóa nên rất nhiều người qui phục. Ni chúng ở vùng Kinh Sở và phụ nữ tại gia không ai không ngại gửi thư, phát tâm cúng dường và xin kết làm tri thức. Những ai được ni sư giáo hóa đều có đức hạnh giống như ni sư và có tới bảy trăm người theo ni sư học về giới luật.

Niên hiệu Nguyên Huy thứ nhất (473), ni sư viên tịch, thọ sáu mươi lăm tuổi.

Truyện 36: NI SƯ TUỆ DIỆU Ở CHÙA VĨNH KHANG, QUẬN THỤC

Ni sư họ Chu, người Tây Bình, xuất gia từ thuở nhỏ, thường phát nguyện thiêu thân để cúng dường tam bảo.

Cuối niên hiệu Thái Thỉ (471), ni sư bày tỏ ý nguyện này với quan thứ sử Lưu Lượng. Lúc đầu, Lưu Lượng bằng lòng cho ni sư thực hiện. Vùng ấy có một ngôi tháp gạch của người họ Vương là thiếp của Triệu Xử Tư. Ni sư xin lên tháp ấy để thiêu thân thì bà Vương cũng đồng ý.

Vào đêm rằm tháng giêng, ni sư cùng các đệ tử đem dầu và vải đi đến chỗ ngôi tháp ấy. Trong lúc thầy trò đang chuẩn bị, thì Lưu Lượng gửi thư nói với ni chúng:

– Nếu quả thật cô Tuệ Diệu thiêu thân, thì toàn bộ ni chúng ở chùa Vĩnh Khang đều mắc tội nặng.

Thế là ni sư bất đắc dĩ phải đình chỉ việc này.

Bà Vương cũng nổi giận nói:

– Cô Tuệ Diệu chỉ vì danh lợi mà dối bày điều kì lạ, lại ngầm đút lót tiền của cho những người canh giữ tháp nên mới làm như vậy. Nếu không thì tại sao nửa đêm mà người trong thành này đều hay biết?

Ni sư trả lời:

– Chị đừng bực bội vô lí như vậy. Xả thân là việc của tôi, người khác làm sao biết được?

Nói xong, ni sư trở về chùa, không ăn các loại lúa gạo, chỉ uống dầu mè.

Niên hiệu Thăng Minh thứ nhất (477), ni sư thiêu thân tại chùa. Lửa đã cháy đến mặt mà ni sư vẫn không ngừng tụng kinh, lại bảo các đệ tử:

– Di cốt của thầy sẽ nhặt được hai thăng[42].

Đến khi lửa tắt, quả đúng như lời ni sư nói.

Trước lúc ni sư tự thiêu độ một tháng, có vị tăng người Ấn Độ khoảng hai mươi tuổi, dung mạo đẹp đẽ, nơi bả vai phải có cọng lông dài sáu, bảy tấc, rất nhỏ và mềm mại. Có người hỏi về điều đó, vị tăng trả lời:

– Vì lâu nay để lộ vai nên lông mọc như vậy.

Vị tăng ấy nói với ni sư:

– Tôi sống ở nước Ba-la-nại, đến đây được mấy hôm. Nghe nói cô muốn xả thân để cúng dường tam bảo, nên tôi đến biếu chiếc bình bạc này.

Ngay đó, ni sư đỉnh lễ, nhận lấy chiếc bình, song chưa kịp cảm ơn thì vị tăng đã vội từ biệt ra đi. Ni sư cho người đuổi theo và mời vị ấy lưu lại, nhưng ra khỏi cổng thì không thấy vị ấy đâu nữa.

Các đệ tử nhặt xá-lợi[43] của ni sư để vào chiếc bình, thì chưa đầy hai cáp[44].

-HẾT QUYỂN 2-

Quyển 1 || Quyển 2 || Quyển 3 || Quyển 4

[15] Hoài Nam 淮南: chỉ vùng đất từ phía nam sông Hoài đến phía bắc Trường giang, nay riêng chỉ miền trung tỉnh An Huy.
 
[16] Đàm Tông nói: “Niên hiệu Nguyên Gia thứ bảy (430), vị trụ trì chùa là ni sư Hoằng An muốn xây dựng lại chùa, tôi có mượn thư ngỏ để xem, nên biết rằng chùa được khởi tạo vào niên hiệu Vĩnh Sơ thứ ba (422)”.
 
[17] Cầu-na-bạt-ma 求那跋摩 (S: Guṇavarman; 367-431): cao tăng Ấn Độ sang Trung Quốc dịch kinh vào đời Lưu Tống.
 
[18] Kim Lăng 金陵: chỉ Nhuận châu, tức thành phố Trấn Giang, tỉnh Giang Tô ngày nay.
 
[19] Cõi An Dưỡng (An Dưỡng 安養): tên khác của thế giới Cực Lạc. Chúng sinh sinh về thế giới này đều có thể an tâm, dưỡng thân nên gọi cõi này là An Dưỡng.
 
[20] Trường An 長安: kinh đô của các triều đại (từ triều Hán đến triều Đường, trong khoảng một nghìn năm): Tây Hán, Tây Ngụy, Bắc Chu, Tùy, Đường.
 
[21] Kinh Thủ-lăng-nghiêm (Thủ-lăng-nghiêm kinh 首楞嚴經; Gđ: Đại Phật đảnh Như Lai mật nhân tu chứng liễu nghĩa chư bồ-tát vạn hạnh thủ-lăng-nghiêm kinh): kinh gồm 10 quyển, do ngài Bát-lật-mật-đế dịch vào đời Đường, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 19.
 
[22] Thượng thư 尚書: vị quan đứng đầu một bộ trong triều, tương đương với bộ trưởng ngày nay.
 
[23] Một thước Tàu (nhất xích 一尺): bằng 33 cm.
 
[24] An Cẩu 安苟: một số tư liệu ghi là An Tuân 安荀.
 
[25] Đâu-suất 兜率 (S: Tuṣita): cõi trời thứ tư trong sáu tầng trời cõi Dục, rộng tám vạn do-tuần.
 
[26] Tượng Phật Thập Phương (Thập Phương Phật tượng 十方佛像): tức tượng Phật A-di-đà.
 
[27] Bốn chúng (tứ chúng 四眾): tì-kheo, tì-kheo-ni, sa-di, sa-di-ni.
 
[28] Kinh Đại niết-bàn (Đại niết-bàn kinh大涅槃經; S: Mahā-parinirvāṇa-sūtra; Cg: Đại bát-niết-bàn kinh, Niết-bàn kinh): kinh gồm 40 quyển, do ngài Đàm-vô-sấm dịch vào năm 421 đời Bắc Lương, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 12. Nội dung kinh này giảng nói về giáo nghĩa Như Lai thường trụ, chúng sinh đều có Phật tính, hạng xiển-đề thành Phật…
 
[29] Ngô Hưng 吳興: tên một huyện thuộc tỉnh Triết Giang, Trung Quốc.
 
[30] Hộc 斛: dụng cụ đong lường thời xưa, bằng mười đấu.
 
[31] Duy-na 維那 (Cg: đô duy-na, duyệt chúng, tri sự): một chức tăng quan vào thời Bắc Ngụy, Trung Quốc. Chức quan này quản lí, điều hành và lo liệu các việc của đại chúng trong chùa.
 
[32] Quả Tu-đà-hoàn (Sơ quả 初果; S: Srota-āpanna): quả vị đầu tiên trong bốn quả Thanh văn, tức quả vị của bậc thánh đã đoạn tận kiến hoặc.
 
[33] Hỏi thăm những người ở đất Ích, có người nói ni sư tự thiêu vào niên hiệu Nguyên Gia thứ mười bảy (440), có người nói vào thời Hiếu Kiến, có người nói vào giữa thời Đại Minh, nên ghi đầy đủ ra đây.
 
[34] Nước Sư Tử (Sư Tử quốc 師子國; Cg: Sư Tử châu): đảo Tích-lan ngày nay.
 
[35] Tám kính pháp (bát kính 八敬; S: aṭṭha garu-dhammā): tám pháp mà tì-kheo-ni phải trọn đời tôn trọng, không được trái phạm. Đó là 1. Tì-kheo-ni dù trăm tuổi hạ, khi thấy tì-kheo mới thọ giới, phải đứng dậy nghinh tiếp, lễ bái, trải tòa mời ngồi; 2. Tì-kheo-ni không được mắng nhiếc, quở trách tì-kheo, chê là người phá giới, phá kiến, phá uy nghi; 3. Tì-kheo-ni không được nói lỗi lầm và cử tội tì-kheo, nhưng tì-kheo được nói lỗi lầm và cử tội tì-kheo-ni; 4. Thức-xoa-ma-na hai năm học giới xong, phải đến tì-kheo tăng xin thụ giới cụ túc; 5. Tì-kheo-ni phạm tội tăng tàn phải ở giữa hai bộ tăng, nửa tháng hành pháp ma-na-đỏa; 6. Tì-kheo-ni mỗi nửa tháng phải đến tì-kheo tăng thỉnh giáo thụ; 7. Tì-kheo-ni không được kết hạ an cư ở chỗ không có trụ xứ tì-kheo tăng; 8. Tì-kheo-ni tăng (chúng tì-kheo-ni) an cư xong, phải đến tì-kheo tăng cầu ba sự tự tứ: thấy, nghe, nghi.
 
[36] Đại thừa 大乘 (S: Mahā-yāna): vốn chỉ các phương tiện chuyên chở lớn như xe cộ, thuyền bè… Trong kinh điển thường dùng từ này để chỉ cho giáo pháp sâu xa vi diệu, như cỗ xe lớn chuyên chở vô lượng chúng sinh rời bờ phiền não, sang bờ giải thoát.
 
[37] Ba qui y (tam qui 三歸; S: tri-śaraṇa-gamana; Cg: tam qui y): quay về nương tựa tam bảo, đồng thời xin được cứu hộ để vĩnh viễn giải thoát tất cả khổ đau.
 
[38] Cương-lương-da-xá 畺良耶舍 (S: Kālayaśas; 383-442): danh tăng người Tây Vực, sang Trung Quốc dịch kinh, sống vào đời Lưu Tống. Sư hiểu rộng về A-tì-đàm, luật bộ và rất giỏi thiền quán. Năm 424, Văn đế mời sư đến Kiến Nghiệp, trụ trì tinh xá Đạo Lâm ở Chung sơn. Người theo học rất đông. Sư viên tịch ở Giang Lăng, thọ sáu mươi tuổi.
 
[39] Tăng chính 僧正 (Cg: tăng chủ): chức tăng quan thống lĩnh giáo đoàn toàn quốc hoặc một địa phương, có nhiệm vụ chấn chỉnh hành vi sai phạm của tăng ni.
 
[40] Sơ Tấn 初晉: tức Tây Tấn (265-317).
 
[41] Luật Thập tụng (Thập tụng luật 十誦律): quảng luật gồm 61 quyển, do hai ngài Phất-nhã-đa-la và Cưu-ma-la-thập cùng dịch vào đời Dao Tần, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng, tập 23. Bộ luật này chia giới luật thành 10 phần (10 tụng) để giải thích nên được gọi là luật Thập tụng, là bộ quảng luật của Tát-bà-đa bộ.
 
[42] Thăng 升: đơn vị đo lường của Trung Quốc thời xưa, bằng một phần mười đấu.
 
[43] Xá-lợi 舍利 (S: śarīra): di cốt. Thông thường chỉ cho di cốt của Phật, về sau cũng chỉ cho xương còn sót lại sau khi thiêu nhục thân của cao tăng.
 
[44] Cáp 合: đơn vị đo lường của Trung Quốc thời xưa, bằng một phần mười thăng.
 
[1] Nhan Uyên 顏淵: người học trò cực hiền của Khổng Tử.
 
[2] La-vệ 羅衛 (S: Kapila-vastu): Tức đô thành Ca-tì-la-vệ, nơi Đức Phật đản sinh và cũng là vương quốc của dòng họ Thích-ca, nay là Tilorakot, Ta-rai, Népal.
 
[3] Diêm-phù閻浮 (S: Jambu-dvīpa): vốn chỉ cho Ấn Độ, về sau chỉ chung cho thế giới nhân gian.
 
[4] Bốn loài 四生: bốn cách sinh sản khác nhau của loài hữu tình trong sáu đường thuộc ba cõi. Bốn loài là 1. Noãn sinh: loài sinh ra từ trứng, như ngỗng, khổng tước, gà, rắn…; 2. Thai sinh: loài sinh ra từ thai mẹ, như con người, ngựa, trâu, bò…; 3. Thấp sinh: loài sinh ra từ khí ẩm ướt ở những nơi ẩm thấp, như các loài thiêu thân, muỗi, sâu, mối mòng…; 4. Hoá sinh: loài không chỗ nương tựa mà bỗng nhiên sinh ra, như các loài hữu tình: chư thiên, địa ngục, trung hữu, đều do nghiệp lực đời quá khứ mà hóa sinh.
 
[5] Câu-thi 拘尸 (S: Kuśinagara): đô thành Câu-thi-na-yết-la ở Trung Ấn Độ, nơi Đức Phật nhập niết-bàn.
 
[6] Tượng pháp 像法: thời kì mà giáo pháp tương tợ với thời chính pháp. Thời kì này chỉ có giáo thuyết và người tu hành thì ít người chứng quả.
 
[7] Tứ y 四依: bốn điều y chỉ. Ở đây chỉ hành tứ y: bốn hành pháp mà người tu hành y chỉ. Bốn hành pháp này là duyên để nhập đạo, là chỗ y chỉ của bậc thượng căn lợi khí. Đó là mặc y phấn tảo, thường đi khất thực, ngồi dưới gốc cây và dùng trần hủ dược.
 
[8] Thanh qui 清規: những qui định tổ chức trong tự viện mà chúng tăng cần phải tuân thủ để cho đại chúng được thanh tịnh.
 
[9] Bành Thành 彭城: tên một vùng đất cổ thuộc miền trung tỉnh Hà Nam ngày nay.
 
[10] Thái thú 太守: chức quan cao nhất cai trị trong một quận.
 
[11] Vũ Uy 武威: danh hiệu tướng quân thời xưa.
 
[12] Tây vực 西域: danh từ Tây Vực nói trong lịch sử không có phạm vi nhất định, tên gọi các nước Tây Vực cũng tùy theo sự chuyển biến của thời đại mà thay đổi. Còn danh từ Tây Vực trong lịch sử Phật giáo là chỉ cho các vùng phải đi qua khi truyền Phật giáo từ Ấn Độ sang Trung Quốc bằng đường bộ. Trong các nước, những nước có quan hệ với Phật giáo như: về phía tây Thông Lĩnh có Nhục-chi, An Tức, Khương-cư, Kiền-đà-la, Kế-tân; về phía đông Thông Lĩnh có Vu-điền, Chước-cú-ca, Qui-tư, Sơ-lặc, Cao Xương (nay là Thổ-lỗ-phồn).
 
[13] Nước Kế-tân 罽賓國: một nước cổ ở bắc Ấn Độ, nay thuộc Kaśhmir.
 
[14] Phật-đồ Trừng佛圖澄 (232-348): cao tăng người Thiên Trúc (có thuyết nói là người Qui-tư). Sư họ Bạch, trì luật rất nghiêm, có hành tung rất huyền bí như thần thông, chú thuật. Đệ tử xuất gia gần một vạn người, thường có vài trăm vị theo hầu sư. Ni sư An Linh Thủ là một trong những đệ tử của sư.
 
[15] Nước Nhục-chi月支國: một nước thuộc phía tây Ấn Độ.
 
[16] Đông Quản東莞: một huyện thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc.
 
[17] Tam tòng三從: ba đức tính mà người phụ nữ thời xưa phải suốt đời tuân giữ. Đó là ở nhà thì theo cha, lập gia đình thì theo chồng, chồng mất thì theo con.
 
[18] Yên chi 臙脂: loại cây hột có phấn trắng.
 
[19] Thạch Lặc 石勒 (274-333): vị vua thứ nhất của nhà Hậu Triệu trong mười sáu nước Ngũ Hồ, Trung Quốc. Tính ông hung hãn, hiếu sát, nhân dân rất ghê sợ. Ngài Phật-đồ Trừng bất nhẫn trước cảnh sinh linh đồ thán nên hiện thần thông giáo hóa ông. Ông rất tin phục, tính nóng lần lần giảm bớt, tâm hiếu chiến lắng dịu và cho phép người Hán xuất gia.
 
[20] Thạch Hổ 石虎 (295-349): tên vị vua đời thứ ba của nhà Hậu Triệu trong mười sáu nước Ngũ Hồ, Trung Quốc, là cháu họ của vua Thạch Lặc, tự là Quí Long, dũng mãnh không ai bằng, giỏi đánh giặc, rất được Thạch Lặc coi trọng. Sau khi Thạch Lặc qua đời, Tử Hoằng nối ngôi, phong Thạch Hổ làm tướng và phong chức Ngụy vương. Năm 334, ông giết Tử Hoằng rồi lên ngôi. Ông rất tôn thờ và kính tin ngài Phật-đồ Trừng, bất cứ việc gì cũng đều thưa hỏi sư rồi mới làm. Phật giáo miền bắc Trung Quốc nhờ đó mà được hưng thịnh.
 
[21] Huỳnh môn thị lang 黃門侍郎 (Cg: cấp sự huỳnh môn thị lang): tên một chức quan, có nhiệm vụ theo hầu vua, truyền đạt các chiếu mệnh.
 
[22] Huyện lệnh 縣令: vị quan đứng đầu một huyện.
 
[23] Phù Kiên 符堅 (338-385): vua Tiền Tần đời Đông Tấn, Trung Quốc, tự là Vĩnh Cố, Văn Ngọc. Ông là người học rộng, nghe nhiều, khoan dung độ lượng. Ông giết Phù Sinh rồi lên ngôi, lấy hiệu là Tần Thiên vương. Ông rất kính trọng tam bảo, ưu đãi các bậc cao tăng, đích thân nghe pháp.
 
[24] Ca-sa 袈裟 (S: kasaya): pháp y của chúng tăng.
 
[25] Kinh Chính Pháp hoa 正法華經: kinh gồm mười quyển, do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Trung Quốc, được xếp vào Đại chính tạng tập 9. Đây là bản xưa nhất trong ba bản dịch kinh Pháp hoa hiện còn.
 
[26] Thái tử xá nhân 太子舍人: tên một chức quan, là quan thuộc của thái tử.
 
[27] Thát Đát (Nguyên bản: Đạt đạt 達達): một bộ lạc ở phía bắc Trung Quốc, tức xứ Mông Cổ ngày nay.
 
[28] Bắc Nhạc 北岳: tức là Hoằng sơn, một trong năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc.
 
[29] Kinh Quán Thế Âm 觀世音經(S: Samantamukhaparivarto nāmāvalokiteśvara-vikurvaṇa-nirdeśa; Cg: Quán Âm kinh, Phổ môn phẩm): kinh gồm một quyển, được xếp vào Đại chính tạng, tập 9, là bản biệt hành của phẩm Quán Thế Âm bồ-tát phổ môn thứ 25 trong 28 phẩm của kinh Pháp hoa 7. Nội dung kinh này nói về diệu dụng thị hiện rộng khắp của bồ-tát Quán Thế Âm.
 
[30] Tư không 司空: tên một chức quan, là một trong sáu chức quan lớn đời Chu, tương đương với bộ trưởng bộ Xây dựng ngày nay.
 
[31] Bốn bộ chúng 四部: bốn bộ đệ tử tì-kheo, tì-kheo-ni, cư sĩ nam, cư sĩ nữ.
 
[32] Đàn việt 檀越 (S: dāna-pati): người có lòng kính tin Tam bảo, thường hành hạnh bố thí.
 
[33] Bảy Đức Phật 七佛: bảy Đức Phật đời quá khứ: 1. Phật Tì-bà-thi, 2. Phật Thi-khí, 3. Phật Tì-xá-phù, 4. Phật Câu-lưu-tôn, 5. Phật Câu-na-hàm Mâu-ni, 6. Phật Ca-diếp, 7. Phật Thích-ca Mâu-ni.