TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG KÝ

Sa-môn Thích Khế Tung ở đông sơn – Đằng châu thời Bắc Tống biên tu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

 

QUYỄN 6

1. TRUYỆN TÔN GIẢ TUỆ KHẢ, TỔ THỨ HAI MƯƠI CHÍN Ở TRUNG HOA (Chấn đán)

Tôn giả Tuệ Khả vốn người thuộc dòng họ Cơ ở Võ lao. Lúc thân mẫu mới mang thai Tôn giả, trong nhà có ánh sáng khác lại tỏa phát, đến lúc sinh hạ lấy đó mà đặ tên. Thủa thiếu thời, Tôn giả ham thích tập học sách vở thế tục, không thứ gì chẳng đọc xem. Lại rất khéo nói về lão Trang. Năm 30 tuổi, Tôn giả bèn tự cảm mà than rằng: “Lão dịch, sách vở thế tục chẳng phải là đại lý cùng tột”, mới tham tầm kinh Phật, bèn xa đến cầu thầy ở Lạc dương, Hương sơn. Tôn giả nương tựa Thiền sư Bảo Tịnh mà xin xuất gia, sau đó đắc giới ở chùa Vĩnh Mục. Năm 32 tuổi, Tôn giả trở về lại ở với bổn sư, ở được tám năm, một đêm nọ có vị thần nhân hiện hóa bảo Tôn giả rằng: “Sao lâu ở đây, ông sẽ đắc đạo, nên đi đến phương Nam”. Tôn giả vì thần gặp bèn thêm tên mình là Thần Quang. Tiếp đêm sau, trên đầu bỗng nhiên đau nhức không thể nhẫn chịu, vị thầy muốn vì cứu cho. Bỗng chốc nghe giữa hư không có tiếng bảo: “Đây là đổi cốt, đau nhức khác thường vậy”. Tôn giả đem thưa trình thầy, liền bỏ không dám chữa trị. Đén sáng sớm, trông nhìn nguyên cốt quả nhiên có năm nơi nổi cộm như núi, vị thầy ấy bảo: “Lạ thay! Ông hẳn gặp được bậc thắng hạnh, chớ để mất thời ấy”. Nhưng Tôn giả là người khoáng đạt có lượng xa cao, tuy có nơi ra vào mà chưa từng liền phát lẫn lộn tự ẩn, nên tuy ở lâu nơi Lạc kinh mà người đời không ai lường biết. Mãi đến lúc gặp được Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma trao đạo đổi tên đáng làm bậc chủ Pháp sư, các hàng học giả mới biết Tôn giả có đức lớn đua nhau về nương tựa như bãi nước trút đổ.

Một ngày nọ có một Cư sĩ tuổi khoảng bốn mươi mang tướng bệnh tật đến trước Tôn giả, chẳng xưng tên họ mà thưa Tôn giả rằng: “Đệ tử lâu nay mắc phải tật bệnh, muốn được thầy vì con mà sám tội, nguyện xin thầy nhận lời cầu thỉnh của con”. Tôn giả bảo: “Đem tội lại đây, ta sẽ vì ông mà sám”. Giây lâu người ấy thưa: “Con tìm tội mà không thể được”. Tôn giả bảo: “Ta đã vì ông mà sám tội xong ròi vậy, nhưng ông phải nương tựa vào Phật, Pháp, Tăng”. Người ấy thưa: “Hiện giờ thấy thầy thì đã biết là Tăng, còn không biết thế nào là Phật là Pháp?” Tôn giả đáp: “Tâm ấy là Phật, tâm ấy là Pháp, pháp Phật không hai, ông biết đó chưa?” Người ấy bèn thưa: “Ngày nay mới biết tội tánh chẳng ở trong chẳng ở ngoài chẳng ở trung gian, như tâm ấy vậy, thật là Phật pháp không hai”. Tôn giả liền mến quý đó, liền vì cởi áo hạt, xuống tóc cho xuất gia, bảo rằng: “Đây là pháp bảo vậy, nên đặt tên ông là Tăng Xán”. Sau khi Tăng Xán thọ giới Cụ túc hai năm, Tôn giả bảo: “Xưa kia Đức Như Lai trao truyền Đại pháp nhãn tạng lần lượt đến Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma, Tôn giả Bồ-đề-đạt-ma trao truyền cho ta, nay ta giao phó cho ông và cả pháp y bình bát đó, ông nên chuyên cần lưu truyền chớ để tuyệt dứt. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Xưa nay duyên có đất
Nhân đất giống hoa sinh
Xưa nay không có giống
Hoa cũng chúng ta sinh”.

Thế rồi, Tôn giả lại bảo Tăng Xán rằng: “Ta có ương lụy xưa trước tại đất Nghiệp sắp đến lúc đền thưởng đó, nhưng sau này tự ông cũng có hoạn nạn, rất nên ẩn lánh đó.” Tăng Xán thưa: “Đây thật là bậc thầy của con có Thánh trí biết trước, nhưng xin được nghe nguyên nhân chướng nạn ấy”. Tôn giả đáp: “đó không tiêng ta bảo, mà trước kia Tổ sư Bát-nhã-đa-la đã có lời sấm”. Tăng Xán hỏi: “Lời sấm gì?” Tôn giả đáp: “Đó là điều nói sau khi Tổ sư thị tịch một trăm mười năm mà có nên vậy, trong kệ tụng chẳng nói “trong tâm tuy tốt ngoài đầu xấu, Tăng phòng dưới tên chẳng trúng, vì gặp rồng độc sinh con võ, chợt gặp chuột nhỏ lắng không cùng” đó ư? Theo số mà tính là đúng ở đời ông, ông càng nên dốc sức hộ pháp”. Đến lúc Tôn giả tới nghiệp hạ giảng pháp, mọi người phần lớn đều được cảm hóa, trải suốt ba mươi năm, bỗng một ngày nọ, Tôn giả đổi thay nghi tiết rảo bước dừng nghỉ, có lúc ở vùng ven có khi nơi đồng trống, cho đến tuy lò mổ quán rượu đều đồng một mực lẫn lộn vào. Có bậc thức giả hoặc lén trông bảo: “Sư là bậc cao lưu đâu nên như vậy”. Tôn giả bảo: “Ta tự điều tâm, đâu liên quan gì ông”. Mới đâu, tại Nghiệp hạ có vị Tăng tên là Biện hòa nhóm tập đồ chúng giảng kinh Niết-bàn ở chùa Khuôn Cứu tại huyện Quản thành, Tôn giả mỗi lần đến nơi cửa chùa cùng người giảng nói, vừa gặp chánh triều cả Đại chúng đều theo Tôn giả, đồ chúng đệ tử của Biện Hòa cũng vì vậy mà đổi thay. Biện Hòa tức giận đến tìm, và bảo cùng Trạch Trọng Khản rằng: “Tuệ Khả là kẻ cuồng tà, lại dối hoặc mọi người, rất nên trừng trị đó”. Trạch Trọng Khản nghe lời nói ấy mới bắt Tôn giả xử hình ác nghiệt, nhân đó mà Tôn giả thị tịch, Tôn giả hưởng thọ một trăm lẻ bảy tuổi. Các hàng sĩ nữ buồn thương cùng nhau gom nhặt di cốt đưa về an táng ở phía Đông huyện Phủ dương thuộc Tư châu. Lúc đó là năm Quý sửu (593) tức năm tức năm Khai Hoàng thứ mười ba thời nhà Tùy. Đến thời Tiền Đường, vua Đức Tông (Lý Khoát 780-805) sắc phong Tôn giả thụy hiệu là “Đại Tổ Thiền sư”. Khoảng trong niên hiệu Võ Đức (618-627) thời Tiền Đường, cao Tăng Pháp Lâm nghe đạo phong của Tôn giả có làm bài bia ký, đại khái là: “Than ôi! Thiền sư, chẳng biết cớ sao như vậy, chỉ pháp ấy hiện còn, chẳng dùng viết minh chí thì sao biết được sự tôn quý của đạo ấy thay!” Tôn giả được các hàng hậu hiền tôn quý kính mộ như thế vậy.

* Thử luận bàn:

Theo “Đường Cao Tăng Truyện” nói là Tuệ Khả gặp giặc mà chặt cánh tay, cùng sách ông nói sao chẳng khác ấy ư? Đáp: Tôi (Khế Tung) khảo xét bia ký của cao Tăng Pháp Lâm viết là “Tôn giả đứng dưới tuyết qua vài đêm, chặt cánh tay không đoái hoài, ném xuống đất vụn nát thân tạo lập mong cầu chỉ dạy”. Nhưng vì Đường cao Tăng truyện cùng đồng thời với cao Tăng Pháp Lâm. Điều nói của cao Tăng Pháp Lâm hợp với sách của Thiền giả, mà tuyên phản đó, há chẳng bởi tham cứu nghe thấy chưa thấu đáo ư? Nên sách ấy không đủ để làm rõ ràng vậy.

2. TRUYỆN TÔN GIẢ TĂNG XÁN, TỔ THỨ BA MƯƠI Ở TRUNG HOA

Tôn giả Tăng Xán, không rõ biết vốn người ở xứ nào. Mới đầu vớ itư cách người cư sĩ đến diện kiến Tôn giả Tuệ Khả, Tôn giả không xưng họ tên, nhân qua hỏi đáp vài phen liền có sự phát ngộ, Tôn giả bèn nương theo mà xuất gia. Tôn giả Tuệ Khả cũng rất mến trọng bảo là “được pháp bảo”, nên vì đặt tên cho Tôn giả. Khoảng trong thời Bắc Chu (557-581), Tôn giả mới thọ giới Cụ túc tại chùa Quang Phước. Sau khi thọ giới vẫn trở về nương tựa thầy, lại trải qua hai năm mới được trao truyền Đại pháp nhãn tạng. Tôn giả Tuệ Khả từng xét xem mà bảo Tôn giả rằng: “Về sau hẳn có hoạn nạn, ông phải nên dẫn lánh xa”. Tôn giả tuân theo lời chỉ dạy ấy bèn đi đến ẩn dật tại núi Hoàn công ở Thư châu (nay gọi đó là chùa núi Sơn cốc), suốt hơn ba mươi năm vết tích ẩn ngầm dần lọo bày, các hàng học giả nghe biết tìm đến cầu đạo. Đến trong khoảng niên hiệu Khai Hoàng (581-601) thời nhà Tùy, mới có vị Sa-di tên là Đạo Tín một ngày nọ đến lễ bái dưới tòa mà hỏi Tôn giả rằng: “Xin Đại sư ban cho con pháp môn giải thoát”. Tôn giả hỏi: “Đã không người nào trói buộc tức là ông giải thoát, sao lại cần cầu giải thoát”. Nghe vậy, Đạo Tín liền tỏ ngộ, mới xin làm đệ tử, nguyện kính lễ theo hầu. Lâu sau, Đạo Tín đến cầu thọ giới Cụ túc ở Lô lăng đã trở về, Tôn giả bảo: “Ông đã thọ giới, đạo cũng hoàn bị vậy. Ta sắp đi đây, Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai xưa kia, nay ta trao truyền cho ông và cả y bát đó, ông đều nên gìn giữ đó. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Hoa trồng tuy nhân đất
Từ đất giống hoa sinh
Nếu không người gieo trồng
Hoa đất đều không sinh”.

Tôn giả lại bảo: “Ông khéo hoằng truyền đó chớ khiến dứt mất. Nay ta đến La phù, không lâu sẽ trở lại”. Trải qua hai năm, Tôn giả trở về lại Sơn cốc, qua hơn một tháng dân chúng trong châu tấp nập kéo đến nghe Tôn giả giảng pháp. Thế rồi Tôn giả đứng mà thị tịch dưới gốc đại thọ. Lúc đó mà năm Bính dần (606) tức năm Đại Nghiệp thứ hai thời nhà Tùy. Khi ấy nhà Tùy mới loạn lạc, chưa thể dựng lập bảo tháp, mãi đến năm Thiên Bảo thứ năm (746) thời Tiền Đường, gặp Triệu Quận Lý Thường chuyển dời đến làm quan tại Thư châu, mới khai quật phần mộ, trà-tỳ di cốt, gom nhặt xá-lợi, dựng tạo Tốt-đổ-ba (tháp) tại nơi Tôn giả thị tịch.

Mới đầu Tôn giả vì bệnh phong mà xuất gia, mãi đến lúc vào ở Sơn cốc, chứng bệnh tuy lành nhưng đầu tóc không đen lại, nên người ở Thư châu xưng gọi Tôn giả là “Xích Đầu Xán”. Nhưng Tôn giả có cái nhìn kỳ đặc, đức hạnh khác thường, thật là người không thể lường biết được. Trước kia nơi chỗ Tôn giả ở phần nhiều hay bị rắn độc các giống thú làm hại, nhưng khi Tôn giả đến ở thì đều dứt tuyệt. Một ngày nọ chợt có ánh sáng thần tỏa phát nơi chùa ấy, cam lồ đượm nhuần cả núi rừng, người thời bấy giờ lấy làm quái lạ nên cùng thưa hỏi, Tôn giả bảo: “Đây là Phật pháp sắp hưng thạnh, xá-lợi muốn đến đó nên trước có điềm ứng vậy”. Sau đó, tại kinh đô có được lắm nhiều xá-lợi bèn phân ban khắp thiên hạ, quả nhiên có dựng tạo bảo tháp tại chùa Sơn Cốc. Tôn giả có các sự cảm ứng hiệu nghiệm như vậy. vua Minh Hoàng thời Tiền Đường ban phong Tôn giả thụy hiệu là “Giám Trí Thiền sư”, tháp hiệu là “Giác Tịch”. Sau đó, tể tướng Phòng Quan tạo bia ấy thuật tựa rất rõ ràng.

* Thử luận bàn:

Mới đầu tuy Tôn giả Tăng Xán chẳng tự nói dòng tộc quê quán của chính mình, sau lại ở trong đời hơn ba mươi năm đâu ngậm miệng mà chẳng lược nói ư? Đây là điều rất đáng nghi vậy. Đáp: Tôi (Khế Tung) đọc xem văn bia do Phòng Quan dựng tạo, thấy viết: “Đại sư thường bảo Đạo Tín rằng: “Có người nhờ hỏi, chớ nói nơi ta đắc pháp”. Đó đủ rõ Tôn giả tự tuyệt ẩn rất lắm, bậc chí nhân vì vết vật làm lụy đạo đạo, mới quên tâm ấy. Nay tông của Chánh pháp còn muốn bỏ sót đi, hướng gì dòng tộc quê hương nước nhà, việc của thế gian tục tình chịu lấy làm để ý ư.

3. TRUYỆN TÔN GIẢ ĐẠO TÍN, TỔ THỨ BA MƯƠI MỐT Ở TRUNG HOA.

Tôn giả Đạo Tín, tổ tiên vốn ở xứ Hà nội, sau mới chuyển dời đến ở huyện Quảng tế tại Kỳ dương. Thế gian sinh tại đó bèn thành người xứ Kỳ dương. Vốn dòng họ Tư Mã. Năm nhâm tý (592) tức năm Khai Hoàng thứ mười hai thời nhà Tùy, Tôn giả là một vị Sa-di đến tham kiến Tôn giả Tăng Xán, qua một phen hỏi đáp mà ngộ đạo, Tôn giả bèn kính lễ tôn làm thầy, suốt chín năm sau mới được trao truyền Đại pháp nhãn tạng và y bát. Trong khoảng niên hiệu Đại Nghiệp (605-617) thời nhà Tùy, Tôn giả thường theo hướng Nam đến Lô lăng, gặp bọn giặc Tào Võ Vệ đem binh lính bao vây thành ấy suốt bảy tuần không mở, nhân đó Tôn giả khuyên người trong thành đều tụng niệm “Ma-ha Bát-nhã ba-la-mật”. Bọn giặc bỗng thấy trên bờ thành có cả hàng ngàn người đều nắm gậy trượng dài dáng mạo sắc màu vàng ròng sáng rỡ như mặt nhật. Bọn giặc kinh sợ cùng bảo nhau rằng: “Thành này hẳn có người phước đức lớn, không thể đánh vào được vậy”. Ngay trong ngày ấy liền kéo nhau bỏ đi.

Đến năm Võ Đức thứ bảy (621) thời Tiền Đường, Tôn giả trở lại hướng Bắc vân du cùng khắp rồi mới đến ở Đại dương núi Phá đầu (tức nay gọi đó là núi Song phong) tại Kỳ châu, nơi trước kia Tôn giả đắc pháp. Các hàng học sĩ khắp bốn phương về nương tựa đông như ban ngày nhóm chợ. Đến trong khoảng niên hiệu Trinh Quán (627-650) thời Tiền Đường, vua Thái Tông (Lý Thế Dân) nghe đạo phong của Tôn giả nên ba lần ban sắc chiếu thỉnh mời, nhưng Tôn giả chối từ chẳng đến. vua lại ban sắc chiếu thỉnh mời lần nữa và bảo cùng sứ thần rằng: “Nay nếu không theo mạng lệnh ta thì lấy đầu đem lại đây”. Sắc chiếu đưa đến, quả nhiên Tôn giả trái ngược ý vua, ngẩng cổ đợi dao chém, sứ thần trở về tâu cùng vua như vậy. vua Thái Tông mừng vui cảm thán sự kiên chánh của Tôn giả, ủy dụ rất lắm. Lúc đó Tôn giả ở núi đã hai mươi năm.

Một ngày nọ đến huyện Hoàng mai, giữa đường chợt thấy một trẻ nhỏ mặt mày đẹp xinh khoảng chừng bảy tuổi, trong tâm lấy làm kỳ đặc, nhân đó, Tôn giả hỏi: “Ngươi họ gì?” Đứa trẻ đáp: “Họ thì có nhưng thuộc họ khác thường”. Tôn giả hỏi: “Là họ gì?” Đứa trẻ đáp: “Là họ Phật”. Tôn giả hỏi: “Ngươi không có họ ư?” Đứa trẻ đáp: “Họ ấy là không vậy”. Tôn giả ngoảy nhìn lại các người cùng đi theo mà bảo: “Đứa trẻ này không phải hạng phàm tình, sau này hẳn sẽ làm hưng thạnh việc Phật”. Bèn bảo dẫn đến gặp song thân đứa trẻ, Tôn giả nói lại sự ứng đối khác lạ của đứa trẻ và muốn xin cho nó xuất gia. Song thân chấp thuận. Đứa trẻ cùng chư Tăng đã trở về, Tôn giả liền vì độ cho xuống tóc xuất gia và đặt tên là Hoằng Nhẫn. Về sau Tôn giả bảo Hoằng Nhẫn rằng: “Xưa kia Đức Như Lai trao truyền Đại pháp nhãn tạng lần lượt đến ta, nay ta giao phó cho ông và y bát. Ông nên gìn giữ cố gắng hoằng truyền chớ khiến tuyệt dứt. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Giống hoa có tánh sống
Nhân đất hoa nẩy mầm
Duyên lớn cùng tín hợp
Đáng sinh, sinh chẳng sinh”.

Tôn giả lại bảo Hoằng Nhẫn rằng: “Xưa trước trong khoảng niên hiệu Võ Đức (618-627) thời Tiền Đường, ta từng đến Lô phụ lên trên tuyệt đỉnh thấy núi Phá đầu, trên đó có mây sắc tía như lọng, phía dưới tỏa phát hơi khí sắc trắng giăng ngang phân ra sáu đường, ông cho đó là điềm lành gì?” Hoằng Nhẫn đáp: “đó hẳn là điềm hiện trước sau khi Hòa thượng đã thị tịch sẽ giăng ngang sinh ra một cành Phật pháp vậy”.

Tôn giả bảo: “Lành thay! Ông khéo biết đó”. Thế rồi Tôn giả tắm gội an nhiên tĩnh tọa mà thị tịch, hưởng thọ bảy mươi hai tuổi. Lúc đó là ngày mồng 04 tháng 09 năm Tân hợi (651) tức năm Vĩnh Huy thứ hai thời Tiền Đường. An táng, ba năm sau, cửa tháp ấy bỗng nhiên tự mở mà thân thể Tôn giả vẫn nghiễm nhiên như lúc đang sống. Đến trong niên hiệu Đại Lịch (766-780) thời Tiền Đường, vua Đại Tông (Lý Dự) ban phong Tôn giả thụy hiệu là “Đại Y Thiền sư”, tháp hiệu là “Từ Vân”.

4. TRUYỆN TÔN GIẢ HOẰNG NHẪN, TỔ THỨ BA MƯƠI HAI Ở TRUNG HOA.

Tôn giả Hoằng Nhẫn vốn người thuộc dòng họ chu ở xứ Hoàng mai tại Kỳ dương. Lúc thân mẫu mang thai, từng có ánh sáng tốt lành mùi hương khác lạ tỏa phát nơi phòng nhà. Đến lúc sinh, Tôn giả bẩm tánh rất thông minh, phàm có nghe thấy không gì khó dễ thảy đều hiểu cả. Phong cốt tuyệt dị, có tướng Thánh nhân. Có bậc Hiền giả từng thấy Tôn giả nơi xóm thôn, nói với mọi người rằng: “Đứa trẻ này đủ tướng đại nhân, chỉ kém thua Đức Như Lai bảy vẻ đẹp mà thôi”.

Năm bảy tuổi, Tôn giả gặp Tôn giả Đạo Tín bèn được xuất gia, đắc giới. Sau đó, Tôn giả nương theo thọ pháp, tiếp đến ở núi Phá đầu, và giáo hóa càng hưng thạnh. Bấy giờ các hàng học giả trong thiên hạ kính mộ đạo phong của Tôn giả chẳng kẻ xa ngàn dặm đều tìm đến nương theo. Trong khoảng niên hiệu Hàm Hanh (670-674) thời Tiền Đường, có vị Cư sĩ dòng họ Lô, tự xưng là Tuệ Năng đến trước pháp hội, kính lễ Tôn giả. Tôn giả hỏi: “Ông từ xứ nào lại đây?” Tuệ Năng đáp: “Từ Lãnh nam lại”. Tôn giả hỏi: “Muốn cầu việc gì?” Tuệ Năng đáp: “Chỉ cầi làm Phật”. Tôn giả bảo: “Người Lãnh nam không có Phật tánh, sao làm Phật được?” Tuệ Năng đáp: “Người có Nam Bắc. Phật tánh há có vậy?” Tôn giả biết Tuệ Năng là người khác thường, giả vờ quát mắng rằng: “Lui nhà sau đi”. Tuệ Năng liền lui ra xin ở nơi chỗ xay giã, dốc sức chuyên việc cối chày, tuy giẫm trải qua nhiều ngày tháng mà chẳng từng bảo là nhọc mệt. Một ngày nọ đã đến lúc trao truyền Đại pháp, Tôn giả mới bảo chung cả Đại chúng rằng: “Chánh pháp khó hiểu, các ngươi mỗi nên tự làm nên tự làm một bài kệ tụng nói rõ điều thấy của mình, nếu thật có chỗ thấu đạt thì ta sẽ trao truyền Pháp y cho”. Bấy giờ Tỳ-kheo Thần Tú là người được tôn xưng có sức học rộng, Đại chúng cử đứng đầu, mà chẳng dám ra trước. Thần Tú tự vì Đại chúng suy cử, một đêm nọ bèn làm bài kệ tụng đem viết nơi tường vách hành lan rằng:

“Thân là cội Bồ-đề
Tâm là đài gương sáng
Phải thường luôn lau chùi
Chớ để dính bụi dơ”.

Tôn giả thấy, ngợi khen rằng: “Người đời sau y cứ theo đây mà tu hành cũng chứng đắc thắng quả”. Và khuyên Đại chúng nên trì tụng đó. Tuệ Năng vừa nghe qua mới hỏi người tụng: “Bài kệ tụng ấy do ai làm vậy?” Vị ấy đáp: “Đó là kệ tụng của thượng tọa Thần Tú, Đại sư ngợi khen, sẽ được truyền trao Đại pháp, ông không biết ư?” Tuệ Năng nói: “Lời ấy tuy hay khéo nhưng chưa liễu ngộ”. Mọi người chung quanh đều cười cho rằng Huệ Năng nói lời vọng. Sau đó Tuệ Năng làm bài kệ tụng xướng hòa, đêm đó mượn bút của một đồng tử nhờ đến bên kệ tụng của Thần Tú mà viết rằng:

“Bồ-đề vốn không cội
Gương sáng cũng chẳng đài
Xưa nay không một vật
Nơi nào dính bụi dơ”.

Đến lúc Tôn giả trông thấy đó, im lặng hứa khả, chẳng vội ngợi khen, sợ người ghanh ghét cùng làm hại, mới giả vờ chê trách đó, bảo rằng: “Ai làm kệ tụng này cũng chưa thấy tánh”. Đại chúng nhân đó cũng chẳng ngó ngàng đến lời của Tuệ Năng. Nửa đêm Tôn giả bèn ngầm bảo Tuệ Năng vào thất mà bảo: “Chư Phật xuất hiện nơi đời chỉ vì một đại sự nhân duyên. Bởi vì căn khí của chúng sinh có lớn nhỏ khác nhau, bèn theo đó mà dẫn dắt, nên có các pháp ba thừa, mười địa, đốn, tiệm, gọi đó là giáo môn, riêng đem Đại pháp nhãn tạng chân thật vi diệu Vô thượng đầu tiên trao cho thượng thủ Ma-ha Ca-diếp, sau đó lần lượt truyền trao đến đời hai mươi tám, Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma mới đem đến phương Đông truyền trao lần lượt đến đời ta. Nay ta đem Đại pháp nhãn tạng và pháp y Tăng-già-lê, bình bát báu thọ nhận trước kia đều giao phó cho ông, ông khéo nên gìn giữ chớ khiến dòng pháp dứt tuyệt, hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Hữu tình đến gieo giống
Nhân đất quả lại sinh
Vô tình đã không giống
Vô tình cũng không sinh”.

Cư sĩ Tuệ Năng đã thọ nhận Đại pháp và y bát đó, kính lễ mà hỏi Tôn giả rằng “Pháp thì đã nghe dạy, còn y bát nên truyền trao người sau chăng?” Tôn giả bảo: “Xưa kia Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma vì đến từ xứ khác tuy truyền pháp cho Nhị tổ – Tôn giả Tuệ Khả, nhưng sợ người đời chưa tin Nhị tổ tiếp thừa từ thầy nên đem y bát truyền trao để làm chứng nghiệm còn tông ta nay khắp thiên hạ đều nghe biết, không ai chẳng tin, nên y bát ấy có thể dừng ở ngay ông, nhưng Chánh pháp từ ông mà càng mở rộng nếu cứ truyền ấy, sợ khởi nên mối tranh giành. Ông nên đi ngay vậy. Ông nên ẩn dật qua thời gian sau mới hoằng hóa”. Tuệ Năng lại hỏi: “Nay con nên đi về xứ nào?” Tôn giả đáp: “Gặp hoài thì dừng, gặp hội thì ẩn”. Tuệ Năng vâng lời chỉ dạy, đêm đó liền ra đi. Sau đó ba ngày, Tôn giả chẳng ra giảng pháp, Đại chúng đều nghi ngờ, cùng nhau đồng thưa hỏi. Tôn giả bảo: “Pháp ta đã lưu truyền đến phương Nam, giờ lại nói gì?” Đại chúng lại hỏi: “Người nào đắc pháp?” Tôn giả đáp: “Ông Năng đắc đó”. Đại chúng mới rõ Cư sĩ họ Lô được truyền Đại pháp, bèn cùng nhau đuổi theo, mà Tuệ Năng đã đi mất hẳn.

Sau đó bốn năm, một ngày nọ Tôn giả bỗng bảo Đại chúng: “Việc ta đã xong, đáng nên đi vậy”. Bèn vào thất an tọa mà thị tịch. Lúc đó là năm Ất hợi( ) tức năm Thượng Nguyên thứ hai thời Tiền Đường. Tôn giả hưởng thọ bảy mươi bốn tuổi. Bốn chúng tạo dựng tháp an táng tại Đông sơn thuộc huyện Hoàng mai. Về sau, vua Đại Tông (Lý Dự) ban phong thụy hiệu Tôn giả là “Đại Mãn Thiền sư”, tháp hiệu là “Pháp Vũ”.

5. TRUYỆN TÔN GIẢ TUỆ NĂNG, TỔ THỨ BA MƯƠI BA Ở TRUNG HOA.

Tôn giả Tuệ Năng vốn dòng họ Lô. Tổ tiên vốn người xứ Phạm dương. Thân phụ tên là Hành Thao. Trong khoảng niên hiệu Vĩ Đức (618-627) thời Tiền Đường, bị giáng quan đến Tân châu, mới sinh Tôn giả, nhân dó Tôn giả bèn là người xứ Tân hưng. Tôn giả vừa mới ba tuổi thì thân phụ qua đời, thân mẫu lại không tiếp bước, riêng nuôi dưỡng Tôn giả để được trọn đời, nhưng vì nhà nghèo khó, mẹ con cực khổ khó thể tồn tại, Tôn giả bèn làm nghề bán củi để kiếm sống. Một ngày nọ đến chợ, ngược đường đi lại nghe trong khách hàng có người đọc tụng kinh, Tôn giả liền hỏi người ấy: “Đó là kinh gì?” Người ấy đáp: “Kinh Kim Cang” Tôn giả hỏi: “Ông có được kinh đó từ người nào?” Người ấy đáp: “Nay Ngũ tổ – Đại sư Hoằng Nhẫn hiện ở tại huyện Hoàng mai thường bảo mọi người: nếu trì tụng kinh ấy tức chóng được kiến tánh, nên tôi trì tụng đó”. Nghe thế, Tôn giả mừng vui, bèn lo chuẩn bị lương thực cho thân mẫu một thời gian, xong, nhân đó xin đi cầu pháp. Giã từ thân mẫu Tôn giả đi đến Thiều dương, gặp Cư sĩ Lưu Chí Lược dẫn Tôn giả kết làm bạn lành. Mới đầu, Lưu Chí Lược có người cô xuất gia làm Ni tên là Vô Tận Tạng chuyên trì tụng kinh Niết-bàn, Tôn giả đến nghe kinh ấy, sau đó không lâu muốn vì cô Ni mà giải thích. Cô Ni bèn đưa kinh cho Tôn giả, Tôn giả bảo: “Ngươi đọc kinh chứ ta không biết chữ”. Cô Ni bảo: “Chữ còn không biết, làm sao giải nghĩa”. Tôn giả bảo: “Diệu lý của chư Phật đâu ở nơi văn tự”. Cô Ni lấy làm lạ lời nói đó, biết Tôn giả hẳn là người khác thường, bèn nói cùng mọi người trong làng xóm. Mọi người kính trọng đức hạnh của Tôn giả, sau đó tu sửa Bảo Lâm Lan Nhã mà thỉnh mời Tôn giả đến ở đó. Ở chưa bao lâu, Tôn giả bỗng nhiên tự cảm nghĩ: “Mới đầu tu vì pháp mà đi tìm thấy, sao lại lâu ở nơi đây?” Bèn giã từ Bảo Lâm, đi đến huyện Lạc dương thuộc Thiều dương gặp Tôn giả Trí Viễn là bậc Sa-môn cao hạnh. Tôn giả tạm dừng nương tựa ở đó mới chỉ hơn mười ngày, Tôn giả Trí Viễn bảo cùng Tôn giả rằng: “Tôi nhận thấy sự hiểu của ông khác với người thường, tìm đến cầu đạo nơi tôi, nhưng tôi hẳn không đủ giúp cùng. Hiện tại, Thiền sư Hoằng Nhẫn ở Hoàng mai mới đáng bậc Tổ sư Đại pháp, xứng làm thầy của ông, ông nên nhanh đến đó. Nếu đắc đạo, trở về phương Nam đừng quên độ tôi”. Tôn giả bèn theo hướng Bắc đi tới, lúc đó là đã 32 tuổi.

Khi đến Đông sơn, Tôn giả Hoằng Nhẫn im lặng nhận biết Tôn giả là bậc pháp khí, mới đâu dùng lời thử hỏi, sau mới truyền trao Đại pháp nhãn tạng. Khi đã đắc pháp, Tôn giả bèn trở về phương Nam, mà đồ chúng tiên tiến ở Đông sơn đều không cam chịu bèn đuổi theo tìm, trong đó có vị tên là Tuệ Minh đuổi theo đến Sưu lãnh, Tôn giả bèn đặt đặt bình bát và pháp y trên tảng đá mà tự ẩn mình trong lùm cỏ. Tuệ Minh đến nâng dất y bát nhưng không chuyển động, mới gọi: “Tôi vì pháp mà đến chứ không phải vì y bắt, pháp huynh ẩn đâu nên ra đây”. Tôn giả bèn ra cùng gặp, đàm nói giáo pháp, Tuệ Minh liền tỏ ngộ, kính lễ Tôn giả, Tuệ Minh bèn bảo: “Người đó đi đã xa lắm vậy”.

Tôn giả trở về phương Nam ẩn dật tại Tứ hội, Hoài tập qua một thời gian lẫn lộn trong hàng thế tục tuy suốt bốn năm mà không ai hay biết. Mùa xuân năm Nghi Phụng thứ nhất (676) thời Tiền Đường, Tôn giả mới đến Nam hải dừng nghỉ tại chùa Pháp Tánh. Gặp Pháp sư Ấn Tông ở chùa đó giảng kinh Niết-bàn. Mới đầu Tôn giả nghỉ ở nơi hành lan phòng thất. Một đêm nọ gió nổi, cây phướn trước chùa rung bay. Chốc lát có hai vị Tăng ở ngoài phòng thất bàn luận, một vị bảo: “Gió động”, một vị bảo: “Phướn động”. Hỏi đáp qua lại như vậy lắm nhiều nhưng đều không thấy đạt lý. Tôn giả nghe vậy liền ra nói cùng hai vị Tăng rằng: “Có thể cho hàng tục sĩ cùng bàn nghị chăng?” Một vị Tăng bảo: “Xin nghe ông nói”. Tôn giả bảo: “Chẳng phải gió động, chẳng phải phướn động, chánh tâm của Nhân giả động vậy”. Hôm sau, hai vị Tăng ấy đem lời Tôn giả nói trình cùng Pháp sư Ấn Tông. Pháp sư Ấn Tông lấy làm lạ đó, liền dẫn mời Tôn giả vào phòng thất, cật vấn rốt cùng nghĩa lý ấy. Tôn giả cùng đem đại lý mà giải đáp. Khi ấy Pháp sư Ấn Tông càng kính phục, bảo cùng Tôn giả rằng: “Cư sĩ thật không phải phải người thường phàm. Học từ ai và sao mà đắc đạo, xin chớ ẩn giấu, mong vì chỉ bày cho!” Tôn giả bèn đem đầy đuôi việc mình đắc pháp mà trình bày. Pháp sư Ấn Tông rất may mắn được gặp, liền giữ lễ làm đệ tử xin được học pháp yếu nơi Tôn giả. Và bèn bảo đồ chúng của mình rằng: “Đây là cư sĩ họ Lô, là Nhục Thân Bồ-tát, Ấn Tông tôi là kẻ phàm phu không có ý cùng được gặp gỡ mà được gặp gỡ”. Rồi chọn ngày nhóm tập các vị Tỳ-kheo kỳ túc vì xuống tóc cho Tôn giả, lại chọn ngày trang nghiêm giới đàn tại chùa, mời luật sư Trí Quang vì tác pháp để Tôn giả thọ giới Cụ túc. Giới đàn đó, trước kia trong thời Tiền Tống, Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-ma mở đầu phiên dịch kinh, có dự ghi rằng: “Sau khi này sẽ có Nhục Thân Bồ-tát thọ giới tại đây”. Và khoảng cuối thời nhà Lương, Tam tạng Pháp sư Chân Đế đến nơi đàn ấy tự tay trồng hai cây Bồ-đề và cũng dự ghi rằng: “Về sau bốn đời sẽ có bậc thượng thừa Bồ-tát thọ giới tại nơi đây. Vị ấy giảng pháp độ người đông nhiều vô lượng”. Thọ giới xong, Đại chúng liền thỉnh cầu Tôn giả khai giảng pháp môn của Đông sơn. Điều trước kia Tam tạng Pháp sư Cầu-na-bạt-ma và Chân Đế xưng gọi là “Thánh sĩ đắc quả”, đến lúc Tôn giả xuất gia mới thật ứng nghiệm.

Qua năm sau (677), Tôn giả nghĩ muốn trở về tinh xá Bảo Lâm, mới giã biệt Đại chúng ra đi. Pháp sư Ấn Tông cùng các hàng đạo tục có hơn ngàn người tiễn đưa Tôn giả đến Thiều dương. Sau đó không lâu thứ sử Thiều châu là vi cứ thỉnh mời Tôn giả đến ở chùa Đại Phạm thuộc trong châu ấy giảng nói pháp. Khi ấy các hàng huyền nho sĩ tục đến hỏi đạo đông nhiều như Khổng Tử lúc ở tại Chu tứ vậy. Đại chúng ấy biên tập lại lời Tôn giả giảng, lấy tựa đề là “Đàn Kinh (tức kinh pháp Bảo Đàn)”. Và bình thường Đại chúng cùng nương tựa Tôn giả chẳng dưới ngàn vị.

Nghe đạo phong của Tôn giả, trong khoảng niên hiệu Thần Long (705-707) thời Tiền Đường, vua Trung Tông (Lý Hiến) mới ban sắc chiếu: “Trẫm thỉnh mời hai sư Tăng: An và Tú vào trong cung để hỏi đạo nhưng hai sư Tăng ấy đều suy tôn là “Ở phương Nam có Thiền sư Năng là người đích thân thọ nhận y pháp từ Đại sư Hoằng Nhẫn, có thể đến đó để hỏi” nên nay thỉnh mời vào nội cung để cung phụng. Sai phái Tiết Giản mang sắc chiếu đến Tôn giả, nên nhớ nghĩ đến giúp ý của trẫm”. Tôn giả bèn dâng thư cáo bệnh không đến. Nhân đó, Tiết Giản hỏi Tôn giả rằng: “Các bậc Thiền giả ở kinh đô thường nói: “Muốn được hợp đạo, cần phải tọa thiền, nếu chẳng nhân thiền định mà được giải thoát thì việc ấy chưa từng có”, lời nói ấy như thế nào?” Tôn giả đáp: “Đạo do tâm ngộ, đâu tại ngồi ư? Trong kinh nói: “Nếu nói Như Lai có lại có đi, có ngồi có nằm thì người ấy không hiệu nghĩa ta (Phật) nói: “Vì sao? Như Lai không từ đâu lại cũng chẳng đi đâu là Như Lai. Phàm không từ đâu lại là chẳng sinh, không đi đâu là chẳng diệt. Nếu không sinh diệt tức là Như Lai thiền thanh tịnh. Các pháp không tịch tức là Như Lai tọa thanh tịnh. Rốt ráo không đắc, cũng không chỗ chứng, sao hẳn phải ngồi ư?” Tiết Giản lại hỏi: “Tiết Giản tôi trở về, Hoàng đế hẳn có điều đoái hoài han hỏi. Xin Đại sư chỉ dạy pháp yếu, ngỏ hầu đối đáp thỏa xứng để ban bố cho khắp kinh đô nước nhà, khiến người học tập tu theo đó. Tợ như đem một ngọn đuốc châm đốt đến trăm ngàn ngọn đuốc, ngỏ hầu tối tăm đều được tỏa sáng, và ánh sáng ấy sáng mãi mãi chẳng dứt”. Tôn giả bảo: “Đạo không tối sáng. Tối sáng là nghĩa của đối đãi. Sáng ấy sáng mãi không dứt cũng là có chỗ hết, bởi cùng đối đãi mà lập danh. Nên trong kinh nói: “Pháp không có so sánh, không tướng đối đãi”. Tiết Giản nói: “Sáng thí như trí tuệ, tối dụ như phiền não, người tu đạo nếu không dùng trí tuệ để chiếu phá phiền não thì sinh tử từ vô thỉ lại do đâu mà được thoát lìa?” Tôn giả bảo: “Nếu dùng trí tuệ để chiếu phá phiền não thì đó là căn cơ của hàng Tiểu thừa, trẻ con, nai, dê v.v… vậy. Với các bậc thượng trí đại khí đều không như vậy”. Tiết Giản hỏi: “Thế nào là kiến giải Đại thừa?” Tôn giả đáp: “Minh và vô minh, tánh ấy không hai. Tánh không hai tức là thật tánh. Thật tánh ở nơi hàng phàm ngu không giảm, ở hàng Hiền Thánh không Tăng, ở phiền não mà chẳng loạn, ở thiền định mà chẳng tịch. Chẳng đoạn chẳng thường không đi không lại, chẳng ở trung gian, cũng không trong ngoài, chẳng sinh chẳng diệt, tánh tướng như như thường trú chẳng đổi thay, gọi đó là đạo”. Tiết Giản hỏi: “Điều Đại sư nói chẳng sinh chẳng diệt cùng với lời ngoại đạo nào có khác gì?” Tôn giả đáp: “Ngoại đạo nói chẳng sinh chẳng diệt, tức lấy diệt để chấm dứt sinh, dùng sinh để hiển bày diệt, diệt như chẳng diệt, sinh nói không sinh, đâu thể đồng với ngoại đạo ư? Nhân giả muốn thấu rõ tâm yếu chỉ nên đối với tất cả thiện ác đều chớ nghĩ lường, tự nhiên được vào, tâm thể trọn nhiên thường tịch, diệu dụng khắp hằng sa”. Khi ấy Tiết Giản phát ngộ mà lui ra trở về triều đình, quả nhiên đem lời ấy tấu trình. vua Trung Tông rất vui mừng lại ban sắc chiếu ủi an cảm tạ, dâng tặng Tôn giả các thứ tích trượng, pháp y, gấm báu, v.v… mỗi mỗi có khác, ban sắc cải đổi tên tinh xá Bảo Lâm thành chùa Trung Hưng. Năm sau lại bảo Thiều châu thứ sử mới đến lại đổi tên là chùa Pháp Tuyền. Lấy nơi Tôn giả ở xưa trước tại Tân châu là chùa Quốc Ân.

Tôn giả từng bảo Đại chúng rằng: “Các Thiện tri thức! Các người mỗi nên tịnh tâm lắng nghe ta nói pháp. Tự tâm các người là Phật, chớ nên nghi ngờ, bên ngoài không một pháp nào có thể kiến lập, tất cả đều do tự tâm sinh muôn thứ pháp. Nên trong kinh nói: “Tâm sinh thì các thứ pháp sinh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt, nếu muốn thành đạt chủng trí, phải đạt “Nhất tướng Tam-muội”, “Nhất hạnh Tam-muội”. Nếu với tất cả các nơi mà không chấp trú tướng, đối với trong tướng ấy chẳng sinh thương ghét, chẳng lấy chẳng bỏ, chẳng nghĩ nhớ lợi ích, thành đạt hay bại hoại v.v…, các việc mà an ổn thanh tịnh. Đó gọi là “Nhất tướng Tam-muội”. Nếu với tất cả các nơi đi đứng nằm ngồi thuần nhất thẳng tâm, chẳng động đạo tràng, bèn thành Tịnh độ. Đó gọi là “Nhất hạnh Tam-muội”. Nếu người thành tựu hai môn Tam-muội đây, như đất có giống hay ngậm chứa nuôi lớn thành tựu thật đó. “Nhất tướng và Nhất hạnh Tam-muội” cũng lại như vậy. Nay ta giảng pháp cũng như lúc mưu đượm nhuần khắp cả đại địa, Phật tánh trong các người thí như hạt giống, gặp được đượm nhuần này thảy đều phát sinh. Người giữ lấy lời ta, quyết định sẽ chứng đắc Bồ-đề, người nương theo ta mà thực hành, nhất định sẽ chứng đắc Phật quả”.

Đến năm Tiên Thiên thứ nhất (712) thời Tiền Đường, một ngày nọ bỗng nhiên Tôn giả bảo Đại chúng rằng: “Ta tủi nhục ở nơi Đại sư Hoằng Nhẫn thọ pháp yếu và y bát, nay tuy giảng pháp, mà không truyền y bát, bởi vì tín tâm các người thành thục không còn nghi ngờ nên không truyền đó. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Đất tâm ngậm các giống
Mưu khắp thảy đều sinh
Hoa đến ngộ đượm tình
Quả Bồ-đề tự thành”.

Tôn giả lại bảo: “Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy, đạo ấy thanh tịnh cũng không các tướng. Các người hãy cẩn trọng quán tịnh và không tâm đó, tâm đó vốn tịnh không thể lấy bỏ, mỗi người hãy tự nỗ lực, tùy duyên khéo đi hoằng hóa”. Tôn giả giảng pháp độ người đến lúc đó đã bốn mươi năm. Trước kia, Tôn giả từng bảo tạo dựng bảo tháp tại chùa Quốc Ân ở Tân châu. Ngày mồng 06 tháng 06 năm đó (712) lại thúc giục thêm thợ làm cho chóng thành. Bởi vì chùa Quốc Ân là nền móng nhà Tôn giả sinh sống xưa trước. Ý Tôn giả tạo dựng bảo tháp là muốn báo đáp ân đức của song thân Tôn giả.

Đến ngày mồng 01 tháng 07 năm Tiên Thiên thứ 02 (713) thời Tiền Đường, Tôn giả bảo môn nhân đệ tử rằng: “Ta sắp trở về Tân châu, các người nên chuẩn bị thuyền bè”. Khi ấy Đại chúng đều buồn xót kính mộ thỉnh cầu Tôn giả lưu lại. Tôn giả bảo: “Chư Phật ra đời còn nhập Niết-bàn. Có hẳn có đi đó là lý thường vậy. Hình hài ta đây trở về vì hẳn đã có nơi”. Đại chúng lại hỏi: “Từ nay thầy đi, bao lâu nữa trở lại?” Tôn giả đáp: “Lá rụng về cội, lúc lại không thể nói”. Đại chúng hỏi: “Đại pháp nhãn tạng từ thầy truyền trao cho người nào?” Tôn giả đáp: “Người có đạo thì đắc, người vô tâm thì thông”. Đại chúng hỏi: “Sử lưu lại lời dạy về sau có nạn gì không?” Tôn giả đáp: “Sau khi ta diệt độ khoảng năm – sáu năm, hẳn có một người lại lấy đầu ta. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

“Trên đầu nuôi (người) thân
Trong miệng phải ăn
Gặp mãn gây nạn
Dương liễu làm quan”.

Tôn giả lại bảo: “Sau khi ta thị tịch khoảng bảy mươi năm, có hai vị Bồ-tát từ phương Đông đến, một vị xuất gia và một vị tại gia cùng chung làm hưng thạnh Phật pháp, sửa sang chốn Già-lam, gìn giữ tông chỉ của thường”. Thế rồi, Tôn giả đi đến Tân châu ở chùa Quốc Ân. Sau đó tắm rửa xong, Tôn giả an tọa mà thị tịch, có mùi hương thơm khác lạ phảng phất, ráng cầu vồng giáng xuống đất. Lúc đó là ngày mồng 02 tháng 08 năm Quý sửu (713) tức năm Tiên Thiên thứ hai thời Tiền Đường. Bấy giờ ở hai quận Tân châu và Thiều châu mỗi nơi đều tạo dựng bảo tháp, muốn tranh giành nghinh thỉnh châu thể của Tôn giả qua thời gian lâu mà không thể quyết định đưa về đâu, thứ sử mới cùng mọi người ở hai quận đốt hương khấn nguyện: “Nếu khói hương đến xứ nào, tức được nghinh thỉnh đi”. Chỉ chốc lát mà khói hương chợt tỏa phát về hướng Bắc đến Thiều châu. Ngày 13 tháng 11 năm đó (713) mọi người ở Thiều châu mới được nghinh thỉnh về an táng tại khe Tào Hầu (Tào Khê), nay đó tức là chùa Nam Hòa, Tôn giả hưởng thọ 76 tuổi, Thứ sử Vi Cứ soạn thuật văn bia Tôn giả.

Mới đầu, lúc nghinh thỉnh nhục thân Tôn giả nhập tháp, đồ chúng nghĩ lời Tôn giả bảo là “sẽ có người đến lấy đầu ta”, nên dùng lá sắt bền chắc bao quanh nơi cổ Tôn giả. Đến nửa đêm mống 03 tháng 08 năm Khai Nguyên thứ mười (722) thời Tiền Đường, bỗng nghe nơi tháp có tiếng như phá kéo sắt, người chủ trông giữ tháp kinh hãi dậy chợt thấy một người tướng trạng như Hiểu Tử (đó có nghĩa là ngày ấy thấy có một người vận mặc tang phục mà lẫn lộn nên nói thuộc loại như con hiếu bởi thuận theo ý của Tôn giả nói ẩn) từ nơi tháp vội chạy ra, sau đó đến trông xem quả nhiên lá sắt bao quanh gìn giữ ấy có vết sẹo, bèn cho là giặc cướp nên báo trình cùng châu ấp. Quan ban lệnh nghiêm bắt đó, ngày sau tại nơi góc đá trang ấp bên thôn quả nhiên bắt được kẻ giặc. Quan lại vặn hỏi, kẻ giặc tự khai họ tên là Trương Tịnh Mãn, vốn người xứ Huyện lương tại Nhữ châu, vừa đến ở chùa Khai Nguyên tại Hồng châu nhận sự đút lớt của vị Tăng người nước Tân La tên là Kim Đại Bi khiến lấy đầu của Tổ sư đem về nước đó để tôn thờ. Quan lại muốn theo pháp luật bắt tội, nhưng thứ sử vì tình ấy không nỡ làm ác mới hỏi Thiền sư Linh Thao – đệ tử của Tôn giả. Thiền sư Linh Thao đem Phật pháp mà luận bèn muốn khiến để như nguyên. Thứ sử ngợi khen ý của Thiền sư Linh Thao và cũng theo đó mà tha cho Trương Tịnh Mãn. Khi ấy thứ sử tại châu ấy là Dương Tô Thiểm, huyện lệnh tên là Trương Khản, kẻ giặc tên là Trương Tịnh Mãn mới nghiệm chứng lời sấm của Tôn giả không sai nhầm.

Trong khoảng niên hiệu Thượng Nguyên (760-762) thời Tiền Đường, vua Túc Tông rất kính mộ đạo phong của Tôn giả, thường ban sắc chiếu thỉnh lấy pháp y bình bát của Tôn giả được trao truyền lưu vào nội cung để kính lễ. Sau khi vua Túc Tông (Lý Hanh) băng hà, vua Đại Tông (Lý Dự) tiếp kế ngôi vị. Ngày mồng 05 tháng 05 Vĩnh Thái thứ nhất (765) thời Tiền Đường bèn mộng thấy Tôn giả đến thỉnh pháp y bình bát ấy về lại, vua càng kính trọng pháp ấy, ngày mồng bảy liền ban sắc chiếu sai sứ thần thỉnh đưa về lại Tào Khê. vua Hiến Tông (Lý Truân) sắc phong thụy hiệu Tôn giả là “Đại Giám Thiền sư”, tháp hiệu là “Nguyên Hòa Linh Chiếu”.

Mới đầu, Tôn giả hiện tướng người nghèo hèn bán củi, lẫn lộn trong phàm tình, tự cho là không biết chữ. Đến lúc đạo pháp hơi hiển bày thì văn tự trong Tam tạng giáo điển cho đến các thứ sách truyện ở thế tục, Tôn giả đều dẫn nêu luận bàn, mỗi mỗi đều như vốn đã luyện tập, diễn giảng Thánh giáo, giải thích nghĩa kinh, đủ sức vô ngại đại biện như sông biển dâng trào, mọi người không thể thấu đạt bờ mé đó.

Xưa kia, ở thời Tiền Đường, tướng thủy hưng công Trương Cửu Linh lúc bé nhỏ người nhà dẫn đến kính lễ Tôn giả, Tôn giả dưa tay vỗ trên đỉnh đầu và bảo: “Đứa bé kỳ đặc này, sau sẽ là vật quý của nước nhà”. Tôn giả có sự thấy trước biết xa, đại loại đều như vậy. Ai bảo là Tôn giả không biết văn tự trong thế tại ư?” Các bậc thức giả bảo rằng: “Tôn giả chẳng phải là người không biết chữ, chỉ hiện bày tướng không biết. Bởi vì đạo ấy không phải văn tự nghĩ ngôn của thế tục có thể dẫn kịp, bởi có chỗ nêu bày vậy. Nhưng Chánh pháp lưu truyền đến phương Đông, đến thời Tôn giả càng mở rộng, những người tiếp thừa đều là hàng đại sĩ trác tuyệt dần trăng trải khắp bốn biển. Đạo đức lợi người của Tôn giả dẫn mãi đến nay vẫn đội nhờ đó, rõ ràng Tôn giả đâu phải là người bán củi thật sự hay là kẻ mới học ư? Nên Tôn giả thật là hàng Thánh nhân giáng vết hiện bày nơi nhỏ nhiệm vậy. Tôn giả là bậc Đẳng giác hay Diệu giác ư? Không thể hẳn biết được đó vậy.

* Thử luận bàn:

Pháp của Thánh nhân vốn chỉ một, sao dụng có Nam Bắc phân tông ấy ư? Đáp: Chỗ về của một nước có đường gập ghềnh vậy, nếu chẳng phân, sao ngay thẳng được. Một dòng họ lưu xuất có đích có thứ vậy, chẳng phân ai thân. Trong truyện (Tống Cao Tăng truyện) dùng phương ba lực sĩ cùng bắn một lại xoa kiên cố. Một người tên là Makiện-na tuy bắn trúng và phá mà không đạt. Một người tên là Na-ladiên bắn vừa trúng vừa phá vừa đạt mà lại xuyên đến vật khác. Chẳng phải lạc xoa kiên cố có mạnh có yếu, mà bởi do thế người bắn chẳng đồng. Tôn giả Tuệ Năng – Nam Tông có thể gọi là Na-la-diên đích thân được thưởng. Ấy cũng dụ cho gần ấy vậy.

TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG KÝ QUYỂN 6

– (HẾT) –

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9