TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG KÝ

Sa-môn Thích Khế Tung ở đông sơn – Đằng châu thời Bắc Tống biên tu.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

 

QUYỄN 3

1. TRUYỆN ĐẠI SĨ MÃ MINH, TỔ THỨ MƯỜI HAI Ở THIÊN TRÚC.

Đại sĩ Mã Minh, người nước Ba-la-nại, chưa rõ biết dòng họ là gì. Tôn giả còn có tên gọi là Công Thắng, bởi vì xưa trước Tôn giả có công đức thù thắng nên xưng gọi vậy. Nhưng mới đầu, đến nơi Tôn giả Phú-na-dạ-xa, vì hỏi đáp có điều hợp, nên mến kính đạo đó, Tôn giả bèn nương theo mà xuất gia thọ giới. Nhân đó, thế gian Phú-na-dạ-xa bảo: “đời trước ông có ưa thích nhiếp phục Phạm thiên sống ở nước Tỳxá-ly, nhưng vì nước ấy có ba hạng người thượng, trung, hạ. Hạng bậc thượng, thân có ánh sáng, họ ăn mặc tự nhiên, theo ý muốn mà có được. Hạng bậc trung, thân không có ánh sáng, ăn mực phải mong cầu mới có được. Hàng bậc hạ, thân thể trần truồng như ngựa. Ông xót thương hạng ấy, thường dùng sức thần phân thân làm tằm, hạng người ấy có được, dùng làm y phục, do công đức ấy, đời nay ông lại được sinh trong nước ấy. Lúc ông xả bỏ nước đó, thì chúng người ngựa ấy cảm mộ công đức của ông nên đều cùng kêu hý, ông cũng dùng kệ tụng để an ủi đó là:

“Xưa ta sống Phạm thiên
Vì có chút mến thương
Mà vào Tỳ-da-ly
Cùng người đồng ưu khổ
Ta thấy ngươi không áo
Tâm ta muốn cứu giúp
Hiện hóa nơi hang vườn
Sẽ được các cứu độ”.

Nói kệ tụng ấy xong, ông liền sinh đến đời nay, vì thế nên có được tên gọi là “Mã Minh (Ngựa hý). Nhưng ông sẽ Chuyển Đại pháp luân làm Tổ đời thứ mười hai vậy”. Sau đó, Tôn giả Phú-na-dạ-xa, đem Đại pháp nhãn tạng trao truyền cho Tôn giả. Thế rồi, Tôn giả đem giáo pháp ấy du phương giáo hóa đến nước Hoa Thị, mới làm Phật sự lớn, tuy đối với người học pháp Tam thừa nhưng đều có thể độ cả. Một sáng nọ, bỗng có một ông già gầy ốm đến nơi pháp hội của Tôn giả đang ngồi tự nhiên ngã té. Nhân đó, Tôn giả bảo: “Đây là việc phi thường, sẽ có tướng khác lạ”. Bỗng chốc ông già ấy bèn ẩn mất, chợt nhiên từ đất vọt lên một người con gái dáng dấp đẹp xinh, sắc màu vàng ròng, đưa tay chỉ vào Tôn giả mà nói kệ tụng rằng:

“Cúi đầu lễ trưởng lão.
Hiện nhân Phật dự ghi,
Nay ở tại xứ này,
Độ chúng khỏi sinh tử”.

Nói kệ tụng ấy xong, chỉ trong chớp mắt tự nhiên không thấy người nữ ấy đâu nữa. Tôn giả bảo: “Đây là ma lại, muốn cùng ta so sánh”. Quả nhiên, chỉ khoảnh khắc, gió mưa bão bùng ập đến, đất trời bỗng tối sẩm. Tôn giả lại bảo: “Đó là điềm tin ma đến vậy, ta sẽ diệt trừ nó”. Và Tôn giả liền đưa tay khua giữa khoảng không, bèn hóa làm con rồng vàng ngàn thước, oai thần mạnh mẻ, tuy núi gò cũng vì thế mà chấn động, và ma sự tự ngưng dứt. Sau đó bảy ngày lại có một con trùng nhỏ tướng trạng khép nép ngầm ẩn dưới pháp tòa, Tôn giả bắt đưa ra chỉ bảo cùng Đại chúng: “Đây là ma biến hiện đến lén trộm nghe pháp của ta”. Sau đó, Tôn giả thả nó và bảo: “Hãy tự đi nơi khác”. Nhưng con sâu ấy khiếp sợ mà không thể cử động, Tôn giả lại an ủi nó rằng: “Ta không giết hại ngươi, ngươi chỉ nên hiện lại nguyên hình”. Ma mới hiện rõ nguyên hình thể của nó, đảnh lễ Tôn giả mà sám hối. Nhân đó, Tôn giả hỏi: “Ngươi tên là gì? Quyến thuộc có bao nhiêu?” Ma đáp: “Tôi tên là Ca-tỳ-ma-la, có ba ngàn quyến thuộc”. Tôn giả lại hỏi: “Sức thần tận cùng của ngươi có thể biến hóa được gì?” Ma đáp: “Tôi có thể biến hóa biển lớn, việc ấy không khó”. Tôn giả lại hỏi: “Ngươi biến hóa tánh biển được chăng?” Ma mịt mờ, mới đáp: “Lời nói ấy chẳng phải chỗ biết của tôi”. Tôn giả bèn vì giảng nói pháp, xong mới bảo: “Đó là tánh biển, núi sông đại địa đều nương theo đó mà dựng lập nên, Tam-muội lục thông cũng do đó mà phát hiện”. Ma nghe giảng pháp rồi bèn phát khởi tín tâm, dẫn cùng ba ngàn quyến thuộc đều theo cầu xin xuất gia. Tôn giả bèn vì hóa độ, cho xuống tóc, thỉnh mời năm trăm vị A-la-hán chứng minh cho thọ giới. Tôn giả lại bảo Ca-tỳ-ma-la rằng: “Ông hướng đến Bồ-đề, tức sẽ thành Thánh đạo”. Ca-tỳ-ma-la quả nhiên đắc giới thể phát ánh sáng và có mùi thơm khác lạ tỏa khắp. Tôn giả nhân đó mới tạo các luận nghị lớn. Về sau, Tôn giả bảo Ca-tỳ-ma-la rằng: “Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai, nay ta giao phó cho ông, ông phải lưu truyền chớ khiến tuyệt dứt. Hãy nghe ta nói kệ tụng đây:

Ẩn hiện vốn pháp này
Tối sáng nguyên không hai
Nay trao pháp liễu ngộ
Chẳng lấy cũng chẳng bỏ”.

Trao truyền Chánh pháp xong, Tôn giả bèn nhập Long phấn tân Tam-muội, chuyển thân bay lên giữa không trung như tướng Nhật Luân,au đó bèn vào đại tịch diệt. Lúc đó tương đương đời vua HiểnThánh Vương (??) thời nhà Chu ở Trung Hoa. Bốn chúng bèn nghinh thỉnh thân thể tôn trí nơi Long khám.

2. TRUYỆN ĐẠI SĨ CA-TỲ-MA-LA, TỔ THỨ MƯỜI BA Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Ca-tỳ-ma-la vốn người ở nước Hoa Thị, chưa rõ biết thuộc dòng họ nào. Mới đầu, Tôn giả là một ngoại đạo có khả năng huyễn thuật lớn, nhân đến nơi Tôn giả Mã Minh, sánh tài đấu pháp nhưng không thắng nỗi, bèn cùng cả đồ chúng quyến thuộc cầu xin xuất gia. Sau khi đã chứng Thánh đạo, Tôn giả Mã Minh truyền trao cho Đại pháp nhãn tạng, Tôn giả bèn du phương giáo hóa, đến xứ Tây Thiên Trúc, gặp Thái tử nước đó tên là Vân Tự Tại, kính trọng đức hạnh của Tôn giả mới muốn thỉnh mời vào trong cung để cúng dường, Tôn giả chối từ mà bảo: “Phật dạy Sa-môn không được thân gần các bậc vua tôi, nhà có thế lực quyền hào, nên tôi đây không dám vâng nhận sự thỉnh mời”. Thái tử thưa: “Ở phía Bắc thành nước tôi có một núi lớn, núi đó có hang đá, thanh tịnh tuyệt tục, cũng có thể tọa thiền, tuy do các loài rồng rắn vật khác gìn giữ, mà Tôn giả là bậc chí đức, hẳn nó cũng thuận theo sự giáo hóa của Tôn giả”. Tôn giả bèn bảo: “Vâng, vậy thì được”. Xong bèn theo Thái tử mà đi. Vừa đến núi đó, quả nhiên có một con trăn lớn thân hình dài cả một dặm, trợn mắt trông nhìn. Tôn giả cứ thẳng bước mà đi chẳng ngó lại nó. Đến phía Nam núi đó, Tôn giả ngồi nơi chỗ đất bằng phẳng, con trăn ấy lại cuộc qaunh thân Tôn giả, Tôn giả cũng chẳng đoái hoài đối với nó. Chốc lát, con trăn ấy bèn bỏ đi. Tôn giả trông nhìn lại đồ chúng theo mình thì đều bấn loạn chạy trốn không còn một ai. sau đó, một mình Tôn giả riêng đến nơi hang đá, bỗng chốc có một ông già vận mặc y phục sắc trắng mà ra, chấp tay kính lễ. Tôn giả hỏi: “Ông ở xứ nào?” Người ấy đáp: “Xưa trước tôi từng làm vị Tỳ-kheo, rất ưa thích sự vắng lặng, rất phiền nhọc các điều thưa hỏi của hàng Sơ học, nhân đó mà nỗi tâm sân, đến lúc mạng chung, đọa làm thân rắn, ở tại hang này đã ngàn năm, vừa may gặp Tôn giả là bậc Thánh đức, nên lại kính lễ”. Nhân đó, Tôn giả lại hỏi: “Vậy núi này còn có người nào ở nữa chăng? Và họ chuyên việc đạo gì, ông chỉ cho ta biết”. Ông già ấy đáp: “Từ đây về phía Bắc cách khoảng mười dặm, có một cây lớn, có thể che phủ năm trăm rồng lớn. vua cây đó tên là Long Thọ, thường vì chúng rồng giảng nói pháp, mà tôi cũng có đến dự nghe ở đó”. Tôn giả lại nhóm tập tất cả đồ chúng lại cùng tiến tới trước. Khi đến cây lớn, quả nhiên Long Thọ ra nghinh đón, vui mừng lễ kính mà thưa hỏi Tôn giả rằng: “Nơi rừng sâu vắng vẻ, chốn ròng rắn nương ở, Đại đức chí tôn có duyên sự gì đến đây?” Tôn giả đáp: “Tôi chẳng phải là chí tôn đến phỏng hỏi Hiền giả”. Long Thọ bèn im lặng mà nghĩ tính, tự bảo: “Tôn giả này là bậc chứng đắc quyết định tánh minh đạo nhãn ư? Hay là Đại Thánh nhân kế thừa chân tông?” Tôn giả bảo: “Tuy ngươi chỉ tâm niệm mà ta đã biết ý, chỉ nên xuất gia, sao lo ngại ta không phải Thánh”. Khi ấy, Long Thọ bèn sám tạ, Tôn giả liền vì độ cho. Sau đó không bao lâu, Tôn giả bảo Long Thọ rằng: “Nay ta đem Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai trao lại cho ông, ông nên trao truyền đó. Hãy nghe ta nói kệ tụng đây:

Pháp không ẩn không hiển
Nói là lạnh chân thật
Ngộ pháp ẩn hiển ấy
Chẳng ngu cũng chẳng trí”.

Trao truyền Chánh pháp xong, Tôn giả bèn vụt thân bay lên giữa hư không hiện bày các thứ thần biến, xong mới vào tịch diệt, dùng hóa lửa mà tự thiêu đốt. Lúc đó tương đương đời vua Noãn Vương (??) thời nhà Chú ở Trung Hoa. Long Thọ bèn gom thâu xá-lợi năm sắc, xây dựng bảo tháp mà tôn trí cúng dường.

* Thử bàn luận:

Ở trong hai bộ sách Bảo Lâm và Truyền Đăng đều có ghi chép về thời gian thị tịch của chư vị Tổ sư ở Thiên Trúc đều hợp với năm tháng với thời nhà Chu, nhà Tần ở Hoa hạ – Trung Hoa. Nhưng từ đời vua Tuyên Vương thời nhà Chu trở về trước chưa có niên số. Thêm nữa, Trung Hoa và Thiên Trúc cách xa nhau hơn vài vạn dặm, chư Tổ sư hóa đạo diệt độ hoặc có vị đã hơn ngàn năm, việc ấy mịt mờ vượt xa cách biệt, tôi sợ đem dịch lại mà so sánh chưa dễ được sự thật, nên lược bỏ về niên số, tạm lưu lại tên đời vua thôi vậy. Chỉ có Đức Phật Thích-ca Văn, Tổ sư Bồ-đề-đạt-ma đến Trung Hoa, và sáu đời Tổ sư ở Trung Hoa về năm tháng tịch diệt, hơi có thể suy tính mới biên ghi đầy đủ.

3. TRUYỆN ĐẠI SĨ LONG THỌ, TỔ THỨ MƯỜI BỐN Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Long Thọ, người nước xứ Tây Thiên Trúc, chưa rõ biết thuộc dòng họ nào. Có thuyết nói Tôn giả xuất phát từ chủng tộc Phạm Chí, Tôn giả bẩm tánh rất thông minh dĩnh ngộ, tài năng trí tuệ trác việt khác hẳn phàm khí. Thủa thiếu thời đã hay đọc tụng bốn bộ Vệ Đà, các kinh điển hơi trưởng thành bèn khéo biết thiên văn, địa lý, thông rành trăm thứ nghệ thuật, vốn là nơi giống rồng nương ở, và núi ấy có cây lớn có thể che phủ chúng rồng. Đến lú Tôn giả có sự cảm ngộ, tỏ ý muốn xuất gia bèn vào núi đó tu hành, mới nương tựa nơi cây đó. Và đối với Tam tạng áo nghĩa, Tôn giả cũng tự thấu hiểu. Xong rồi, Tôn giả hay vì chúng rồng ấy giảng nói pháp, vì thế nên Tôn giả được xưng gọi là Long Thọ. Đến lúc Tôn giả Ca-tỳ-ma-la đến núi đó, cùng gặp rất tốt lành, Tôn giả mới cùng tất cả chúng rồng kính lễ tôn xưng làm thầy. Lúc được hóa độ xuống tóc, vua nước đó cùng các trời Đế-thích, Phạm vương đều đến dự pháp hội thù thắng đó. Tôn giả được thọ giới từ các bậc Đại A-la-hán. Tôn giả thành đạt Thánh đạo, chứng đắc sáu pháp thần thông. Sau đó Tôn giả Ca-tỳ-ma-la đem Đại pháp nhãn tạng trao truyền cho Tôn giả.

Thế rồi, Tôn giả du phương giáo hóa, đến nước xứ Nam Thiên Trúc. Trước kia, người nước đó thích tu phước nghiệp, kịp lúc Tôn giả đến đó giảng nói cốt yếu Chánh pháp, họ mới cùng nhau bàn luận là “Nếu chỉ chuyên tu phước nghiệp lấy làm việc ưu thắng, thì với điều giảng nói về Phật tánh, sao có thể thấy được ư?” Nhân đó, Tôn giả bảo họ rằng: “Các ngươi muốn thấy được Phật tánh, hẳn phải dứt trừ ngã mạn, mới có thể thành đạt đó”. Các người ấy hỏi: “Phật tánh lớn hay nhỏ?” Tôn giả đáp: “Chẳng lớn chẳng nhỏ, chẳng rộgn chẳng hẹp, không phước không báo, chẳng chết chẳng sống”. Các người ấy cho là điều nói của Tôn giả thấu đạt chí lý, nên đều rất vui mừng cầu xin học pháp ấy. Tôn giả bèn ngay trên tòa hóa hiện thân tướng như một vầng nguyệt luân. Khi ấy Đại chúng tuy nghe giảng nói pháp mà không thấy hình tướng. Vừa lúc đó có một người con ông trưởng giả tên là Cana-đề-bà, ở trong các người ấy được trông thấy như vậy, riêng tự khế ngộ, bèn bảo cùng các người ấy rằng: “Có biết tướng này chăng?” Mọi người đều đáp: “Chúng tôi không thể nào biết được”. Ca-na-đề-bà bảo: “Đó là do Tôn giả hiện bày để biểu thị Phật tánh, muốn cho chúng ta rõ biết đó vậy. Phàm là vô tướng Tam-muội, hình như trăng tròn đầy, nghĩa của Phật tánh rỗng rang sáng sạch”. Nói lời ấy vừa xong, bỗng nhiên vầng nguyệt luân cũng ẩn mất. Tôn giả lại nghiễm nhiên ngồi nơi pháp tòa, mà nói bài kệ tụng rằng:

“Thân hiện tướng trăng tròn
Để bày thể chư Phật
Giảng pháp không hình tướng
Dùng rõ chẳng thanh sắc”.

Khi ấy các người ấy thảy đều cảm ngộ, liền thỉnh cầu Tôn giả làm thầy. Và Tôn giả đều độ cho tất cả, nhóm tập các Thánh giả chứng minh cho họ thọ giới. Và Ca-na-đề-bà dẫn làm thượng thủ. Lại nhân có năm ngàn ngoại đạo nguyên trước ở trong nước đó hiện bày các thứ huyễn thuật. vua và dân chúng trong nước thảy đều nương theo đó, mà Phật đạo sắp bị khuyết lấp, khi ấy Tôn giả rất cảm xót bùi ngùi bèn đổi dạng oai nghi, làm người cư sĩ mặc áo trắng cầm nắm phan phướn, Đại sư xét mỗi lúc nhà vua xuất hành, thì rảo bước đi trước mặt, hoặc ẩn hoặc hiện, cứ như vậy suốt bảy năm. Một ngày nọ, vua rrát lấy làm lạ, dùng ngôn từ hiền lành bảo gọi (Tôn giả) đến mà hỏi: “Ông quả thật là người gì mà thường đi trước ta? Ta đuổi theo mà không được, xua đuổi cũng không đi?” Tôn giả đáp: “Ta là người trí, biết rõ tất cả mọi việc”. vua lại lấy làm lạ bởi lời nói ấy, liền muốn xét nghiệm nên hỏi: “Nay các trời đang làm gì?” Tôn giả đáp: “Nay các trời đang cùng A-tu-la đánh nhau”. vua lại hỏi: “Việc trời đâu dễ rõ vậy ư?” Tôn giả bảo: “Hãy đợi chốc lát hẳn có ứng nghiệm”. Chỉ chốc lát bỗng nhiên có giáo mác, tay chân người lẫn lộn từ giữa hư không rơi rớt xuống. vua thấy vậy mới tin, lại càng kính phục ngợi khen, bảo các hàng ngoại đạo đều quy hướng kính lễ Đại sĩ. Nhưng các ngoại đạo đều cầu xin muốn được chánh mắt họ thấy, Tôn giả bèn nhân dó mà tạo thuật các luận nghị, như luận Đại Trí Độ, luận Trung Quán, luận Thập Nhị Môn, chẳng những có cả ngàn muôn kệ tụng, thảy đều là phương tiện mở mang giải thích Chánh pháp để ứng đáp thích nghi căn cơ họ.

Về sau, Tôn giả mới bảo Ca-na-đề-bà rằng: “Đức Như Lai đem Đại pháp nhãn tạng trao truyền cho Tôn giả Đại Ca-diếp, lần lượt chư Tổ sư trao truyền đến ta. Nay ta lại giao phó cho ông, ông khéo nên gìn giữ lưu truyền, hãy nghe ta nói kệ tụng đây:

“Để rõ pháp ẩn hiển
Mới nói lý giải thoát
Với pháp, tâm không chứng
Không mừng cũng không sân”.

Tôn giả lại bảo Ca-na-đề-bà rằng: “Ông khéo nên lưu truyền chớ khiến tuyệt dứt, sẽ ở trong tương lai làm nên những Phật sự lớn”. Xong rồi, Tôn giả bay thân lên giữa hư không, nhập nguyệt Luân Tam-muội, hiện bày các thứ thần biến, rồi trở lại nơi pháp tòa mà nhập tịch định. Qua sau bảy ngày trời mưa xá-lợi, Tôn giả lại từ định xuất đưa tay chỉ giữa hư không mà bảo Đại chúng rằng: “Xá-lợi đây là của Tôn giả Maha-ca; đệ tử Đức Phật Câu-na-hàm ở thời quá khứ, từng phát ba lời đại nguyện mà cảm nên, đó là: Một là nguyện ta lúc thành Phật, nếu có bậc Thánh sĩ hóa độ nơi đời, gặp được trời mưa đổ xuống nơi thân tức làm thành xá-lợi; hai là nguyện tất cả mọi vật từ đại địa sinh ra đều có thể làm thành thuốc thang để trị bệnh tất cho chúng sinh; ba là nguyện phàm có bậc Trí giả đều biết chỗ vi diệu để thông rành túc mạng”. Nói xong, Tôn giả bèn an nhiên tịch diệt. Lúc đó tương đương với Thỉ Hoàng Đế (Doanh Chính 246-209 trước Tây lịch) thời nhà Tần ở Trung Hoa. Ca-na-đề-bà cùng bốn chúng đệ tử đồng dựng tháp để tôn thờ.

* Thử luận bàn:

“Chánh tông quý trọng điểm đơn giản tinh diệu. Vậy mà Tôn giả Long Thọ tạo thuật Quảng luận để phát huy điều gì ư?” Xin đáp: “Phàm là giản đơn tinh diệu, mọi người khó thấu đạt đến đó. Bởi vì căn cơ tánh khí mọi người có thượng hạ khác nhau, nếu chẳng dùng phương tiện dẫn đạo ấy thì hàng có tín tâm cạn cợt sao có thể tiến tới ảnh hưởng đượm nhuần? Vì thế nên Tôn giả mới tạo thuật luận chuyên vì phát huy một hạng căn cơ ấy vậy. Đâu phải trong kinh Niết-bàn chẳng nói ư: “Các ông phải cẩn trọng, vì hạng người lợi căn mà rộng giảng nói các pháp lớn. Vì hạng người căn cơ ám độn mà lược giảng pháp nhơ. Phàm là đơn giản tinh diệu cốt yếu đối với tâm có điểm thấu đạt. Chẳng hẳn vì lời ấy chẳng nói, vì đó xác đáng chăng? Cho nên, người chứng nơi đơn giản tinh diệu, càng nơi càng thấu đạt đến cùng, người chẳng chứng nơi đơn giản tinh diệu, càng cách xa”.

4. TRUYỆN ĐẠI SĨ CA-NA-ĐỀ-BÀ, TỔ THỨ MƯỜI LĂM Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Ca-na-đề-bà, vốn người thuộc dòng họ Tỳ-xá-la ở nước xứ Nam Thiên Trúc, Tôn giả có sẵn bẩm tánh tài biện. Thủa bé thơ, tập theo phong tục nước ấy, vui thích tu tạo phước nghiệp. Mãi tới lúc Tôn giả Long Thọ đến nơi cửa nhà, muốn xét thử đó, Tôn giả Long Thọ bảo đem đến một bát nước đầy đặt để trước mặt. Tôn giả bèn nắm cây kim vào trong bát nước, cùng bưới tới trong xem, mừng vui khế hợp. Tôn giả Long Thọ hiện bày tướng nguyệt lâm biểu thị cho Phật tánh, cả Đại chúng đều mịt mờ, riêng một mình Tôn giả nhận biết đó, bèn vì dẫn dụ mọi người. Về sau đồng nương theo Tôn giả Long Thọ mà cầu xin xuất gia, và quả nhiên Ca-na-đề-bà làm đệ tử cao túc. Đến lúc Tôn giả Long Thọ sắp nhập Niết-bàn, đem Đại pháp nhãn tạng trao truyền cho Tôn giả. Sau đó, Tôn giả bèn đem pháp mình chứng đắc mà du phương giáo hóa.

Nguyên trước đó, ở nước Ca-tỳ-la có một nhà giàu có tên là Phạm Ma Tịnh Đức, mọi người trong nước đó tôn xưng là trưởng giả. Ông có hai người con, người lớn tên là La-hầu-la-diệm, người nhỏ tên là Lahầu-la-đa. Tịnh Đức có tay khéo sửa sang vườn rừng trồng tỉa cây cối. Một ngày nọ, cây trong vườn tự nhiên bỗng sinh mọc tai như nấm lớn tợ bánh xe, mùi vị ngon lành có thể ăn dùng. Như thế trọn năm, chỉ cung cấp chi Tịnh Đức và La-hầu-la-đa ăn dùng, ngoài ra mọi người trong nhà muốn hái ăn thì nấm ấy tự nhiên ẩn mất. Nhưng Tịnh Đức rất nghi ngờ đó, tứng nói với La-hầu-la-đa rằng: “Tai của cây đây chỉ có ta và ngươi được ăn, hẳn là việc khác thường, người nào có thể làm sáng tỏ điều này đây?” La-hầu-la-đa liền nói bài kệ tụng muốn nhờ người khác bảo cho rằng:

“Cây đây mọc tai lạ
Ta ăn chẳng khô khao
Trí giả giải nhân này
Ta hồi hướng Phật đạo”.

Vừa lúc gặp Tôn giả đến nước đó, vào nơi nhà, cha con Tịnh Đức mừng vui cùng kính lễ, bèn đem sự việc ấy mà thưa hỏi, Tôn giả mới vì giải thích cho rằng: “Xưa trước, lúc ông hai mươi tuổi, thường mời một vị Tỳ-kheo đến nơi nhà để cúng dường. Vị Tỳ-kheo ấy tuy có chút giới hạnh mà pháp nhãn chưa tỏ sang, tâm không thấu đạt lý, ngồi không mà thọ nhận sự cúng thí của ông, nhưng vị ấy hay có chút ít tu hành nên không đọa lạc đường ác, do đó trở lại quả báo làm nấm tại cây ấy để bồi thường cho ông. Mới đầu, vị Tỳ-kheo ấy ở trong nhà ông, các người trong nhà ông đều không vui thích, chỉ riêng mình ông với người con kế hay lấy lòng thành thật mà tiếp đãi, nên nay tai nấm chỉ riêng cho cha con ông được ăn dùng”. Tôn giả lại hỏi Tịnh Đức rằng: “Ông nay bao nhiêu tuổi?” Tịnh Đức đáp: “Tôi đã bảy mươi chín tuổi”. Nhân đó, Tôn giả nói bài kệ tụng rằng:

“Học đạo chẳng thông lý
Làm thân đều tín thí
Ông năm tuổi tám mốt
Cây ấy cũng hết mầm”.

Nghe nói vậy, tâm ý Tịnh Đức bèn rỗng rang, càng ân cần thán phục, vả lại nói: “Nay tôi hổ thẹn tuổi đã già suy, tuy muốn xuất gia, đâu kham tôn thờ thầy. Nay có đứa con thứ đây vốn ưa thích vào đạo, tôi xin cho nó theo nương hầu hạ, xin Tôn giả nhủ lòng nhận cho”. Tôn giả bảo: “Xưa kia Đức Như Lai đã dự ghi về đứa con này là: Sau khi Phật diệt độ trong khoảng năm trăm năm, có vị Đại Bồ-tát tên là La-hầu-lađa, nhân ăn nấm tai cây mà xuất gia thành đạo”. Và Tôn giả bèn hỏi người con ấy: “Ông tên là gì?” Người con ấy đáp: “Tôi tên là La-hầula-đa”. Tôn giả tiếp bảo: “Đây quả thật hợp điều dự ghi của Đức Phật. Ông nay nen xuất gia sẽ thành đạo quả lớn”. Sau đó Tôn giả bèn độ cho xuống tóc xuất gia, thỉnh mời các Thánh giả chứng minh cho thọ giới Cụ túc. Từ đó, bèn chuyên nương theo du hóa. Một ngày nọ, Tôn giả đến thành Ba-liên-phất, bỗng chốc nghe các ngoại đạo cùng tính muốn chèn ép Phật pháp, Tôn giả mới tự mang cây phan dài lớn đến đứng nơi chúng hội. Ngoại đạo bèn hỏi: “Sao ông chẳng tới trước?” Tôn giả đáp: “Sao ngươi chẳng lui sau”. Lại hỏi: “Ông tợ người giặc”. Tôn giả đáp: “Ngươi tợ người tốt lành”. Lại hỏi: “Ông hiểu được pháp gì?” Tôn giả đáp: “Trăm thứ ngươi chẳng biết”. Lại hỏi: “Ta muốn đắc Phật”. Tôn giả đáp: “Ta đốt cháy được”. Lại hỏi: “Ông không hợp được”. Tôn giả đáp: “Vốn đạo ta đắc, ngươi thật chẳng được”. Lại hỏi: “Ông đã chẳng đắc, sao bảo là đắc?” Tôn giả đáp: “Vì ngươi có ngã, do đó không đắc, ta đây không ngã, nên ta tự đắc”. Khi ấy, ngoại đạo tiếp nối tắt nghẽn, tự cùng bảo nhau rằng: “Đây hẳn là bậc Đại Thánh, nên đều quy hướng”. Bèn hỏi Tôn giả rằng: “Ông tên gì?” Tôn giả đáp: “Ta tên là Ca-na-đềbà”. Các ngoại đạo do từ trước đã từng nghe Tôn giả, khi ấy bèn cùng nhau phục ứng sám hối lỗi quá. Có một số chưa chịu cảm hóa, lại bày ra trăm ngàn thứ cật nạn, mà Tôn giả lần lượt dùng biện tài vô ngại vì giải thích, nên đều bẻ gãy tất cả. Do đó, Tôn giả tạo thuật nhiều bộ luận nghị, như bộ Bách luận v.v…, và Pháp sư ưu thắng đã hoàn tất, cuối cùng, Tôn giả gọi La-hầu-la-đa mà trao truyền pháp nhãn. Với bài kệ tụng rằng:

“Trước đối người Truyền pháp
Vì nói lý giải thoát
Với pháp, thật không chứng
Không chung cũng không thủy”.

Thế rồi, Tôn giả nhập phấn tấn Tam-muội, trên tự thể tỏa phóng tám luồng ánh sáng, mà tự vào tịch diệt. Lúc đó tương đương đời vua Hiếu Văn Đế (Lưu Hằng 179-156 trước Tây lịch) thời Tây Hán ở Trung Hoa. Bốn chúng cùng nhau tạo dựng bảo tháp, trời Phạm thiên hỗ trợ nghiêm sức chung cúng dường.

5. TRUYỆN ĐẠI SĨ LA-HẦU-LA-ĐA, TỔ THỨ MƯỜI SÁU Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả La-hầu-la-đa, vốn người thuộc dòng họ Phạm Ma ở nước Ca-tỳ-la. Sau khi đã tỏ rõ nhân duyên nấm tai cây nơi nhà mình, Tôn giả bèn nương tựa Tôn giả Ca-na-đề-bà mà cầu xin xuất gia, theo hầu đến thành Ba-liên-phất. Về sau thọ nhận trao truyền pháp nhãn tại thành ấy. Xong rồi, Tôn giả cũng thống lãnh đồ chúng vân du hành hóa khắp nơi. Sau đó không lâu, đến phía Nam thành Thất-la-phiệt, gần sông Kim thủy, bỗng nhiên Tôn giả bảo cùng Đại chúng rằng: “Các người có biết chăng? Vừa rồi hình ảnh của năm Đức Phật hiện trong dòng nước, ta vốc nước ấy lên liền có mùi vị khác lạ. Đầu nguồn sông này cách năm trăm dặm, đang có bậc chí nhân ở đó. Xưa kia, Đức Như Lai từng dự ghi rằng: “Sau khi Phật diệt độ, trong khoảng năm trăm năm, sẽ có bậc Thánh giả tên là Tăng-già-nan-đề xuất hiện nơi xứ này kế thừa tiếp nối làm Tổ đời thứ mười bảy”. Xong, Tôn giả bèn dẫn đồ chúng theo ngược dòng sông đi lên. Đã đến nơi quả nhiên thấy Tănggià-nan-đề đang thiền định trong một hang đá. Dò hỏi đó đã hai mươi mốt ngày. Đến lúc Tăng-già-nan-đề xuất định, Tôn giả hỏi: “Thân ông nhập định hay tâm ông nhập định ư?” Tăng-già-nan-đề đáp: “Thân tâm tôi đều an định”. Tôn giả lại hỏi: “Thân tâm đều an định, sao lại có xuất nhập?” Tăng-già-nan-đề đáp: “Tuy có xuất nhập nhưng không mất tướng định. Thí như vàng ở trong đáy giếng, thể vàng thường vắng lặng”. Tôn giả lại hỏi: “Nếu vàng ở trong đáy giếng, và vàng ra khỏi giếng, vàng vẫn không động tĩnh, vậy vật gì vào ra?” Tăng-già-nan-đề đáp: “Nói vàng động tĩnh, vật nào vào ra, hứa cho vàng vào ra mà vàng chẳng động tĩnh”. Tôn giả lại hỏi: “Nếu vàng từ đáy giếng đưa ra là vật gì?” Tăng-già-nan-đề đáp: “Nếu vàng từ đáy giếng đưa ra chẳng phải là vàng thì vàng từ đáy giếng đưa ra chẳng phải vật”. Tôn giả bảo: “Nghĩa ấy không như vậy”. Tăng-già-nan-đề đáp: “Lý kia cũng chẳng nhằm”. Tôn giả lại bảo: “Nghĩa đây đáng rơi lạc”. Tăng-già-nan-đề đáp: “Nghĩa kia cũng chẳng thành”. Tôn giả bảo: “Nghĩa kia chẳng thành thì nghĩa ta đây thành vậy”. Tăng-già-nan-đề đáp: “Nghĩa ta đây tuy thành, nhưng pháp chẳng phải ngã vậy”. Tôn giả bảo: “Nghĩa ta đã thành, ta không ngã vậy”. Tăng-già-nan-đề bèn hỏi: “Ta không ngã, lại thành nghĩa gì?” Tôn giả đáp: “Ta không ngã, nên thành nghĩa ngươi”. Tăng-già-nan-đề mới hỏi: “Thầy của Nhân giả là Thánh nào mà chứng đắc không ngã ấy?” Tôn giả đáp: “Thầy ta là Tôn giả Ca-na-đề-bà chứng pháp không ngã ấy”. Tăng-già-nan-đề thưa: “Cúi đầu kính lễ bậc thầy Ca-na-đề-bà lưu xuất ra Nhân giả. Nhân giả chứng đắc pháp Không ngã. Nay tôi muốn nương theo Nhân giả”. Tôn giả bảo: “Ta đã là Không ngã, ngươi cần thấy ngã nơi ta. Nếu ngươi muốn theo ta phải biết ta chẳng có ngã nơi ta”. Tăng-già-nan-đề bỗng nhiên tâm ý rỗng rang, bèn cúi đầu mà nói kệ tụng rằng:

“Ba cõi một ngọn đèn
Tỏa sáng soi chiếu tôi
Mười phương đồng xán lạn
Như mặt nhật giữa không”.

Nói kệ tụng xong, lại đảnh lễ cầu xin được độ, Tôn giả bảo: “Tâm ông tự tại, chẳng bó buộc nơi ngã, sao phải nương gá nơi khác mà cầu xin giải thoát?” Tôn giả lại liền dùng tay phải gõ bình bát vàng nâng lên trời Phạm thiên, lấy cơm thơm cõi trời về bảo Đại chúng cùng ăn, mà Đại chúng ấy bỗng sinh chán ghét, đều chẳng thể ăn. Tôn giả bảo: “Nhường nhịn mà chẳng thể ăn, chẳng phải bởi ta tiếc lận, mà bởi nghiệp các người tự nhiên như vậy”. Tôn giả mới bảo Tăng-già-nan-đề phân tòa đồng ăn. Đại chúng lại sinh nghi hoặc đó, cho rằng thầy trò lẫn lộn không có phẩm trật. Tôn giả biết vậy, bèn bảo: “Các người ăn không được là bởi như vầy. Nay, người cùng ta phân tòa vốn là Đức Ba-la-nương Như Lai ở thời quá khứ, ứng đối với vật tình nên giáng hiện dấu vết sẽ làm Tổ sư đời thứ mười bảy. Ở trong đời kiếp trang nghiêm, các người cũng đã từng đắc chứng đến đệ tam quả A-na-hàm, mà chưa thuần vô lậu, vừa rồi tuy thân gần ta mà đâu được thấy tánh, chánh nên chuyên ý quy hướng nhân giả đây. Sau khi ta diệt độ sẽ là bậc thượng thủ của Đại chúng. Lại xuất sinh ra một Tổ sư kế tiếp tên là Già-da-xá-đa, các người cũng nên biết đó”. Đại chúng đều thưa: “Đại sư là bậc đại thần lực, chúng tôi không dám chẳng tin. Với người kia, nói là vốn Phật ở đời quá khứ, hoặc còn có người nghi ngờ”. Tăng-già-nan-đề vì tâm ý Đại chúng chưa thuần phục như thế, mới nói cùng Tôn giả rằng: “Ngày Đức Thế Tôn còn ở nơi đời, thế giới bằng phẳng ngay ngắn, không có gò đồi, suối sông ngòi rạch, nước đều mát ngọt, cỏ cây đượm nhuận, nước nhà giàu mạnh, mọi người không bị tám thứ khổ bức bách mà chuyên thực hành mười thiện pháp. Đến lúc Đức Như Lai tịch diệt tại rừng Ta-la song thọ mãi tới nay đã gần ngàn năm, mà thế giới biến thành gò nủng, cây cối khô gầy. Con người ít tâm kính tin, chánh niệm cạn cợt, chẳng chuyên tu diệu ngộ chỉ vui thích thần lực. Nhưng tôi tự chẳng thi vi hành động, giả sử có hành động cũng không lấy làm khó”. Bèn đưa cánh tay phải nhí xuống đất đến tận ngằn mé Kim cang luân, lấy nước cam lồ để trong bình lưu ly, đêm đến trong chúng hội, phân chia cho Đại chúng, mọi người uống đó tâm y bèn khinh an. Khi ấy Đại chúng đều suy phục kính lễ sám hối lỗi quá.

Về sau, Tôn giả mới bảo Tăng-già-nan-đề rằng: “Nay tôi già suy còn sống ở đời không baolâu nữa, Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai nay tôi giao phó cho ông. Hãy nghe tôi nói bài kệ tụng đây:

“Nơi pháp thật không chứng
Chẳng lấy cũng chẳng lìa
Pháp chẳng tướng có – không
Trong ngoài do đâu khởi”.

Tăng-già-nan-đề nghe kệ tụng truyền pháp xong, càng thêm cung kính, lại nói bài kệ tụng mà tán thán rằng:

“Lành thay bậc Đại Thánh!
Tâm sáng như nhật nguyệt
Ánh sáng soi thế giới
Ma tối đều lui tan”.

Tôn giả liền ngay nơi pháp tòa mà nhập tịch diệt. Lúc đó tương đương đời vua Võ Đế (Lưu Triệt 140-86 trước Tây lịch) thời Tây Hán ở Trung Hoa. Bốn chúng cùng tạo dựng bảo tháp để tôn trí toàn thân Tôn giả.

6. TRUYỆN ĐẠI SĨ TĂNG-GIÀ-NAN-ĐỀ, TỔ THỨ MƯỜI BẢY Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Tăng-già-nan-đề, vốn người thuộc chủng tộc Sát-đế-lợi, ở nước Thất-la-phiệt. Thân phụ của Tôn giả tên là Bảo Trang Nghiêm, thật là vua nước đó. Lúc vừa mới sinh Tôn giả liền biết nói, từng cùng thân mẫu nói năng, Tôn giả chỉ chuyên nói chuyện Phật pháp. Song thân rất lấy làm lạ đó, ban chiếu mời vị Quốc sư hỏi nguyên nhân cớ sao đứa con như vậy? Vị Quốc sư ấy là người khác thường có khả năng nhận biết mọi việc đã qua, tâu cùng vua rằng: “Đứa con này chính là Đức Phật Bà-la-vương ở thời quá khứ, vì muốn thị hiện để hóa độ nên sinh vào trong nhà vua. Năm bảy tuổi sẽ lại vào đạo, ra ở nơi hang đá tại sông Kim thủy”. Song thân Tôn giả rất lấy làm lo buồn, thường luôn nghĩ sợ điều nói đó đúng như thật. Đến lúc bảy tuổi, quả nhiên Tôn giả nói bài kệ tụng báo cùng song thân tỏ ý muốn cầu xin xuất gia rằng:

“Cúi đầu lạy cha lành
Nghiêng mình kính mẹ hiền
Nay con muốn xuất gia
Xin thương chấp thuận cho”.

Mới đầu, song thân không chấp thuận, Tôn giả khổ thiết cầu xin mới được toại ý. vua bảo trang nghiêm mới thỉnh mời Sa-môn Thiềnlợi-đa vì Tôn giả mà xuống tóc. Tôn giả lưu ở lại trong cung, qua chín năm mới gặp vị Thắng Tăng chứng minh cho Tôn giả thọ giới. Một đêm nọ, Tôn giả mới phát thệ nguyện rằng: “Ta đã thọ giới Cụ túc mà ở nhà thế tục, nay lại đã 26 tuổi, làm sao được gặp Thánh giả mà được nghe đạo ư?” Bèn cảm trời tỏa phóng ánh sáng soi chiếu xuống, bỗng chốc thấy phía trước có một con đường phẳng bằng, vàphía trước lại có một núi lớn. Tôn giả bèn rảo bước tới để đến núi đó, và sắc trời cũng tỏ sáng, Tôn giả tự thấy thân mình đã ngồi nơi một hang đá. Đến sáng ngày, vua Bảo Trang Nghiêm bị mất con tìm kiếm không được, bèn xua đuổi Sa-môn Thiền-lợi-đa đi. Thế rồi, Tôn giả ở tại đó tu thiền vừa mới mười năm mà mọi người quy hướng nhóm tụ. Một ngày nọ, nhân thấy hơi khí tốt lành, bỗng nhiên Tôn giả bảo: “Sắp có bậc Thánh nhân vì ta mà lại đây. Các người hãy chóng quét trước phía trước hang để chờ đợi tiếp đón”. Sau đó không bao lâu, quả nhiên Tôn giả La-hầu-la-đa đến đó. Khi ấy Tôn giả đang nhập định. Đợi qua bảy ngày, Tôn giả xuất định rồi mới hỏi đáp qua lại có vài trăm lời, mà nghĩa lý của Tôn giả La-hầu-la-đa vượt thắng, Tôn giả liền kính phục bèn xin theo cầu đạo. Tôn giả La-hầu-la-đa bảo: “Đức Như Lai xưa kia đã dự ghi ông sẽ làm Tổ đời thứ mười bảy”. Về sau, Tôn giả La-hầu-la-đa lại gọi Tôn giả mà trao truyền Đại pháp nhãn tạng.

Một ngày nọ, Tôn giả bảo Đại chúng rằng: “Đại sư La-hầu-la-đa từng nói: “Tại nước Ma-đề sẽ có bậc Thánh giả xuất hiện, tên là Giàda-xá-đa, tiếp nối dòng pháp do ta trao truyền”. Nay ta cùng các người đồng nên đi tìm người ấy”. Trên bước đường đi tự nhiên có gió tốt lành từ phía Tây thổi lại thoáng mát tất cả mọi người, Tôn giả bảo: “Đây là luồng gió đạo đức vậy, theo hướng Tây đi khoảng ba ngàn dặm hẳn sẽ gặp được Thánh giả ấy. Gió này không thuộc loại gió bình thường của trời, rồng, quỷ, thần, A-tu-la, tuy có thổi động, nhưng không tổn hại muôn vật. người bệnh tật gặp được thì sẽ lành mạnh, người tập học gặp được thì tỏ thông, người có ác nghiệp gặp được thì thành sạch không”. Khi ấy Tôn giả dùng sức thần mà thu nhiếp Đại chúng cùng nhau đồng đi trong chốc lát, bèn đến một quả núi, Tôn giả bảo Đại chúng: “Trên đỉnh núi này có mây tía như lọng, hẳn là Thành nhân ở tại đâu đây”. Đại chúng ngó nhìn bốn phía quả nhiên có một núi nhà. Dần bước tời, vừa đến nơi cửa, bỗng nhiên thấy một trẻ nhỏ bưng tâm gương bước ra nghinh đón ở phía trước. Tôn giả liền hỏi: “Ông đbao nhiêu tuổi?” Trẻ nhỏ ấy đáp: “Tôi đã trăm tuổi”. Tôn giả lại hỏi: “Ông còn trẻ nhỏ sao nói là đã trăm tuổi?” Trẻ nhỏ ấy tiếp đáp: “Tôi chẳng hiểu tạo sao, nhưng chánh đúng đã trăm tuổi”. Tôn giả lại hỏi: “Ông có thiên cơ chăng?” Trẻ nhỏ ấy đáp: “Trong kinh kệ há Phật đã từng bảo là: Nếu người sống trăm chẳng hiểu cơ chư Phật, chẳng bằng sống một ngày, mà được quyết định đó”. Tôn giả lại hỏi: “Ông bưng gương tròn, ý muốn làm gì?” Trẻ nhỏ ấy mới dùng bài kệ tụng mà đáp đó là:

“Chư Phật gương tròn lớn
Trong ngoài không vết che
Hai người đồng được thấy
Tâm mắt đồng tương tợ”.

Song thân của trẻ nhỏ ấy thấy nó cùng Tôn giả đối đáp có lắm kỳ đặc, bèn cho trẻ nhỏ ấy xuất gia. Tôn giả liền chấp thuận đó, dẫn đưa về nơi tinh xá, thỉnh mời các Thánh giả chứng minh cho thọ giới. Tôn giả bèn đặt gọi tên trẻ nhỏ ấy là Già-da-xá-đa. Một ngày nọ, có gió lay động chiếc linh đồng nơi chánh điện tự nhiên phát tiếng, Tôn giả lại hỏi Già-da-xá-đa: “đó là linh kêu hay là gió kêu?” Già-da-xá-đa đáp: “Chẳng phải linh chẳng phải gió. Chánh tâm ta kêu vậy”. Tôn giả lại hỏi: “Tâm ta là ai ư?” Già-da-xá-đa đáp: “Thảy đều tĩnh lắng”. Tôn giả bảo: “Lành thay khéo hợp Phật lý, nên giảng nói pháp yếu. Người nối dõi đạo ta nếu không phải ông thì ai nữa?” Về sau Tôn giả trao truyền Đại pháp nhãn tạng cho Già-da-xá-đa, mới nói bài kệ tụng rằng:

“Đất tâm vốn không sinh
Nhân đất theo duyên khởi
Giống duyên chẳng ngại nhau
Hoa quả cũng như thế”.

Thế rồi, Tôn giả đưa tay phải vin cành cây mà thị tịch. Lúc đó tương đương với đời vua Hiếu chiêu Đế (Lưu Phật Lăng 86-73 trước Tây lịch) thời Tây Hán ở Trung Hoa. Đồ chúng của Tôn giả cùng nhau bàn nghị là: “Tôn giả thị tịch dưới rừng cây tươi tốt. Đó cũng là rủ che cho con cháu về sau ư?” Hoặc có người muốn nghinh thỉnh đến nơi gò đồi cao mà trà-tỳ, tuy dốc hết sức lực nâng lên mà trọn không lay động, bèn trà-tỳ ngay đó rồi gom thâu xá-lợi đến dựng tháp tôn thờ nơi cao kia.

7. TRUYỆN ĐẠI SĨ GIÀ-DA-XÁ-ĐA, TỔ THỨ MƯỜI TÁM Ở THIÊN TRÚC

Tôn giả Già-da-xá-đa, vốn người thuộc dòng họ Uất-đầu-lam ở nước Ma-đề. Thân phụ của Tôn giả tên là Thiên Cái, thân mẫu tên là Phương Thánh. Mới đầu, lúc Phương Thánh mang thai, mộng thấy có một người bưng đến tấm gương báu trao cho mà nói là: “Tôi lại đây vậy”. Đến lúc tỉnh giấc trong thân mình sản khoái như lúc bình thường, nhưng nơi phòng thất có mùi hương thơm khác lạ, có ánh sáng tốt lành có vài lần xuất hiện. Mới trải qua bảy ngày mà sinh hạ Tôn giả, thân hình Tôn giả sáng sạch như lưu ly. Năm 12 tuổi, Tôn giả không tắm rửa mà thường sạch sẽ. Tôn giả thường lấy sự nhàn tỉnh tự sống. Hoặc có lúc cùng người đàm nói thì ngôn ngữ hẳn cao thắng. Gia đình vốn ở tại núi Bảo-lạc-ca, đến;úc hạ sinh Tôn giả mới có mây tía che phủ như lọng ở phía trên. Mới đầu, Tôn giả Tăng-già-nan-đề đến nơi nhà tìm kiếm. Tôn giả nhân đó xin nương theo. Về sau được trao truyền Đại pháp nhãn tạng, Tôn giả bèn đến hoằng hóa tại nước Nguyệt Chi.

Trước đó, nước ấy có vị Bà-la-môn tên là Cưu-ma-la-đa, trong nhà có một con chó mà chuyên ở dưới rèm trước nhà kể cả lúc ăn ngủ. Có những lúc mưa dầm thấm ướt thân mình, nó vẫn không tạm lìa xa nơi đó, cứ như thế trải suốt mười năm, tuy khổ công xua đuổi, nó cũng chẳng chịu chuyển dời ăn ngủ nơi khác. Cưu-ma-la-đa rất lấy làm ngờ vực đó. Muốn được tỏ rõ sự tình. Bấy giờ Cưu-ma-la-đa tuổi vừa mới ba mươi, ý khí mạnh mẻ, chẳng đoái hoài có quả báo, chỉ chuyên theo thuyết tự nhiên của ngoại đạo, vui thích nghe mà bắt chước theo đó. Sau đó đem hỏi bậc thầy của mình là một vị Phạm chí rằng: “Con chó ấy cớ sao mà như vậy?” vị Phạm chí ấy đáp: “Tâm chó tự ưa thích mà như thế, chẳng phải do nhân duyên vậy”. Cưu-ma-la-đa lại hỏi: “Ban đêm tôi từng mộng thấy một vầng nhật vàng ròng, ánh sáng tỏa chiếu khắp cả đất trời, mà tôi cùng Phạm chí đồng ở nơi phòng thất tăm tối. Ánh sáng vầng nhật ấy bỗng nhiên chiếu đốt lại, thân tôi liền như lưu ly, từ từ có vô số trùng kiến nhóm bu gặm giấm, còn trên tự thân của thầy thì tẩy sạch không vật gì. Đó sao tự mà nhiên? Mong thầy vì giải thích nguyên do”. Phạm chí ấy cũng dùng thuyết tự nhiên mà đáp đó. Đầu không ứng nghiệm gì. Nỗi nghi ngờ của Cưu-ma-la-đa đã không được quyết trạch, bèn nói: “Chẳng vừa hợp ý người, đều cho là tự nhiên, đâu khác gì trong mộng mà nói mộng. Nếu riêng gặp bậc trí giả khác có thể vì giải thích, thì ta nguyện sẽ học theo đó”. Và bèn giã từ vị Phạm chí ấy mà trở về. Ngay lúc đó, Tôn giả bỗng thấy có hơi khí tốt lành nổi dậy, bèn từ nơi pháp tòa, bảo cùng Đại chúng rằng: “Điều trông thấy nay đây chính là hơi khí Đại thừa”. Tôn giả lại giải thích: “Hơi khí như vàng ròng thì sự việc ấy hẳn viên thành, hơi khí như ngọc đang, tức Bồ-tát ở bên cạnh, nay hơi khí tợ như ngọc đang, phía dưới ấy hẳn là có Thánh nhân, nhưng, xưa trước Đức Phật cũng từng dự ghi sau khi ta diệt đô trong khoảng năm trăm năm sau sẽ có vị Bồ-tát xuất hiện ở nước Nguyệt Chi, sau đó lại có một Đại sĩ khác xuất hiện tại nước Thiên Trúc, tiếp nối làm Tổ đời thứ hai mươi. Điềm khi tốt lành nay đây chánh ứng nghiệm ấy vậy”. Sau đó, Tôn giả dẫn Đại chúng đến nơi xuất phát hơi khí. Vừa đến đó chốc lát, quả nhiên có vị Bà-la-môn tướng trạng khoảng 30 tuổi đến hỏi vị Thị giả theo hầu Tôn giả: “Thầy này là người gì?” Thị giả đáp: “Đây là đệ tử của Đức Phật vậy”. Bà-la-môn ấy bèn xoay trở về đóng bít cửa. Tôn giả bảo: “Vậy người đáp không có đó là ai?” Cưu-ma-la-đa cho là tiếng nói bên ngoài có khác lạ, nghi đó ắt là bậc Trí giả, nghĩ muốn cầu xin quyết trạch việc trước, mới mở cửa mời vào, mời Tôn giả ngồi nơi chiếc giường chủ, bày biện các thứ cúng dường. Nhân đó đem sự việc con chó mà thưa và nói: “Nếu Trí giả giảng nói mở được tâm nghi ngờ của tôi, tức tôi sẽ theo tôn thờ”. Tôn giả bảo: “Nếu ta nói có ứng nghiệm, ông thật giữ đúng lời ấy ư?” Cưu-ma-la-đa đáp: “Thật không lừa dối”. Tôn giả bèn vì giải thích đó rằng: “Co chó ấy là cha của ông, vì có chút nghiệp nhỏ nhiệm nên đọa trong loài súc sinh. Xưa kia, cha ông có cả ngàn đỉnh vàng ròng cất giấu trong đồ vật mà trộm chôn lấp dưới rèm nhà. Đến lúc sắp chết, thì ông không có ở nhà nên chưa giao phó được, nên nay mến tiếc vàng đó mà như vậy. Nếu ông lấy vàng ấy lên thì con chó hẳn đi nơi khác”. Cưu-ma-la-đa bảo thợ moi đào, quả nhiên có được vàng, và con chó ấy cũng đi nơi khác. Cưu-ma-la-đa tin đó mới kính mộ Phật pháp. Lại đem điềm mộng ngày trước mà thưa hỏi, Tôn giả cũng vì giải thích nguyên do đó là: “Ông mộng thấy vầng mặt nhật đó tức là Phật nhật, soi chiếu khắp đất trời, đó là độ cả hai chúng, hai người ở nơi phòng nhà tăm tối tức là tâm chưa tỏa sáng. Vầng nhật soi chiếu đến nơi thân tức là ra khỏi vườn nhà vô minh. Thân như lưu ly tức sự thanh tịnh của ông, thân thể của Phạm chí kia không vật gì, đó tức là chỉ tự lợi một thân mình chẳng hay cứu độ người khác. Trùng kiến gặm giấm trên thân ông tức là nơi mọi người đồng nhận biết mà ghé hợp ăn hưởng pháp vị từ nơi ông vậy”. Vì hai việc trên đều được giải quyết rõ ràng nên tâm ý Cưu-ma-la-đa tự nhiên rỗng rang, và càng thêm thán phục, bèn cầu xin xuất gia chuyên theo hầu hạ. Nhưng do đạo lực đời trước sung mãn nên tuy thuộc hàng đệ tử mà Tôn giả cũng rất mến quý đó, thỉnh mời Thánh chúng chứng minh cho thọ giới Cụ túc, muốn chóng thành đạt chứng quả.

Về sau, quả nhiên Tôn giả bảo Cưu-ma-la-đa rằng: “Xưa kia Đức Như Lai đem Đại pháp nhãn tạng trao truyền cho Tôn giả Đại Ca-diếp rồi lần lượt chư Tổ sư trao truyền đến ta. Nay ta trao lại cho ông, ông vâng nhận ta chỉ dạy, hãy nghe bài kệ tụng đây:

“Có giống, có đất tâm
Do duyên hay nẩy mầm
Với duyên, không ngăn ngại
Đáng sinh, sinh chẳng sinh”.

Cưu-ma-la-đa kính vâng sự chỉ giáo, lễ bái thọ nhận ân cần. Tôn giả bèn từ pháp tòa vụt bay thân mình làm thành mười tám thứ biến hóa, xong mới thị tịch, dùng lửa Tam-muội ở giữa hư không mà tự thiêu đốt, tuôn mưa xá-lợi lộn xộn đổ xuống. Bốn chúng hứng nhận, tùy nơi mỗi một tạo dựng bảo tháp mà cúng dường. Lúc đó tương đương đời vua Hiếu Chiêu Đế (Lưu Ngao 32-06 trước Tây lịch) thời Tây Hán ở Trung Hoa.

8. TRUYỆN ĐẠI SĨ CƯU-MA-LA-ĐA, TỔ THỨ MƯỜI CHÍN Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Cưu-ma-la-đa, vốn người thuộc chủng tộc Bà-la-môn ở nước Nguyệt Chi. Đời trước từng sống ở Phạm thiên, đến lúc tham thích chuỗi châu anh lạc của Bồ-tát mới bị sa đọa vào cõi trời khác ở Dục giới. Ở đó vì một người trời mà giảng nói tri kiến của Phật, vị trời ấy nhân đó mà chứng thành Sơ quả, vì thế mà Tôn giả được chúng trời tôn xưng là bậc Đạo sư. Bấy giờ có một ngọc nữ cõi trời đến lễ bái nơi pháp hội, trong chúng hội có một ngàn hai trăm vị chưa chứng đắc quả, liền khởi tình ái nên cùng phiền lụy, cũng nối tiếp minh số Tổ ấy vừa đến, lại chỉ bày chỗ sinh ở đời nay, nhưng ngọc nữ ấy cũng đọa lạc đồng sinh đến nước đó làm chủng tộc Phạm chí. Mới đầu, nhà Tôn giả rất giàu có, vàng báu chẳng thể tính lường, mà thân phụ của Tôn giả tham tiếc keo lận không cùng. Gặp trong nước đó có vị A-la-hán tên là Hải Thắng đến nơi trời ấy được nghe Tôn giả giảng nói pháp mới chứng quả như hiện nay, đến đây nghĩ muốn báo đáp ân đức xưa trước, sợ Tôn giả đắm chìm nơi giàu sang của thế tục, nên theo đó mà cầu xin vàng với ý muốn dẫn dắt ra khỏi, bèn đến nơi nhà Tôn giả. Khi ấy Tôn giả đang là trẻ nhỏ, liền bảo cùng Tôn giả rằng: “Ông có thể bố thí vàng cho ta thì sẽ có được phước lợi”. Tôn giả thưa: “Tôi nay mới mười lăm tuổi chưa chuyên trông coi việc nhà, thân phụ tôi không có ở nhà, xin đợi tôi thưa trình với mẹ”. Và Tôn giả bèn báo với mẹ, nghe thế, mẹ Tôn giả chấp thuận, Tôn giả liền đem một cân vàng mà cúng thí. Sau đó, vị La-hán ấy dự ghi rằng: “Mười lăm năm sau ông sẽ gặp được Bồ-tát chứng đắc Thánh đạo, nhưng có chút nạn nhỏ, cũng chiết phục nghiệp lớn”. Đến lúc thân phụ trở về, Tôn giả đem việc ấy mà thưa trình, thân phụ tức giận đánh Tôn giả trăm gậy. Sau khi thân phụ đã qua đời, Tôn giả cũng giải quyết được điều nghi từ Tôn giả Già-da-xá-đa, bèn kính phục tôn xưng làm thầy, sau đó Tôn giả lại được Tôn giả Già-da-xá-đa trao truyền Đại pháp nhãn tạng.

Về sau, Tôn giả du phương hoằng hóa, đến nước xứ Trung Thiên Trúc, gặp một vị Trí sĩ tên là Xà-dạ-đa, nguyên trước là du khách, nên lại kính lễ mà thưa hỏi Tôn giả rằng: “Song thân nhà tôi vốn kính tin Tam bảo, đúng như pháp mà tu hành, nhưng lại mắc phải các thứ tật bệnh, mọi ước muốn không được toại ý. Trái lại ở gần nhà tôi có người hung bạo giết hại, thường ngày tạo ác lắm nhiều mà thân thể khỏe mạnh, mọi sự mong cầu đều như ý muốn. Vậy, thiện ác báo ứng há chẳng luống dối ư? Tôi rất nghi hoặc điều đó. Cúi xin Nhân giả vì tôi mà quyết trạch cho”. Tôn giả bảo: “Đức Phật chỉ dạy, nghiệp quả thông cả ba đời. Do đời trước tu tạo thiện nghiệp nên được hưởng quả báo ở đời nay, giả sử đời nay tạo tác những điều bất thiện thì kết quả sẽ ứng ở đời sau. Nên có người trong đời nay tuy làm việc thiện mà ở đời không được hưởng phước là bởi quả báo nghiệp ác trong đời trước mạnh hơn. Giả sử đời nay đã không được phước báo, lại chuyên tạo ác thì đời sau càng đọa lạc trong đường xấu ác. Giả sử người ở đời nay đã được quả báo phước thiện mà lại chuyên làm việc thiện thì đời sau càng được sinh đến cõi tốt lành hơn. Lại có người đời trước tạo thiện, phước đức ấy chỉ mới một nửa mà đổi ý chí tạo điều xấu ác, đến đời nay hẳn trước được phước mà sau chịu họa. Đời nay tạo ác, việc ấy mới một nửa mà cải đổi tu tạo việc lành, đến đời sau thì trước mắc họa mà sau lại được phước. Như nay, song thân của ông và người ở gần nhà ông có sự báo ứng về thiện ác cũng thuộc loại như thế bởi hạnh nghiệp đời trước mà cảm nên vậy. Đâu có thể lấy việc trong một đời mà cầu mong rõ biết được ư?” Nghe giảng như thế, Xà-dạ-đa bèn chóng tiêu tan điều nghi ngờ. Tôn giả lại bảo: “Ông tuy đã tin nghiệp báo ba đời, nhưng chưa rõ biết nghiệp ấy từ mê hoặc sinh ra. Mê hoặc ấy nhân nơi thức mà có. Thức nương tựa từ bất giác, bất giác lại y cứ từ tâm, mà tâm vốn thanh tịnh, không sinh diệt, không tạo tác, không báo ứng, chẳng hơn kém, vắng lặng vậy, linh linh vậy. Nếu ông vào được pháp môn này thì có thể đồng với chư Phật, tất cả mọi thứ thiện ác, hữu vi, vô vi đồng như mộng huyễn”. Xà-dạ-đa tiếp nhận lời chỉ dạy ấy, liền phát túc tuệ, bèn cầu xin xuất gia. Tôn giả hỏi: “Ông là người xứ nào? Cha mẹ còn chăng? Nếu ông thật tâm muốn vào đạo thì nên trở về nước mình trình cùng song thân, được thỏa ý chí thì lại đây cũng không muộn”. Xà-dạ-đa thưa: “Tôi ở nước thuộc xứ Bắc Ấn Độ, cách đây hơn ba ngàn dặm, đâu tiện đi lại, cúi xin Nhân giả đến đó cho gia đình tôi tiện cúng dường và nhân đó mà tôi được độ thoát”. Tôn giả bảo: “Ta đi tuy xa nhưng không lấy làm khó, còn ông dùng gì để đi?” Xà-dạ-đa đáp: “Tôi có chú thuật nhỏ, cũng có thể cùng theo, chỉ khoảnh khắc bèn đến”. Tôn giả: “Thuật gì?” Xà-dạ-đa đáp: “Anh tôi là Xà-dạ-ma nguyên trước là vị Tỳ-kheo ở tại nước nhà thường chuyên chủ giữ tháp Phật Câu-na-hàm, có được hạt cây mạt-ha ở trước tháp, dùng vật thần ấy bôi xoa vào chân, chỉ chốc lát bèn có thể đi đến nơi xa, nếu muốn dừng thì vất bỏ lau chùi sạch dầu ấy chân mới dừng bước”. Tôn giả bèn thử dùng thuật pháp ấy cùng Xà-dạ-đa đồng đi, đế lễ bái tháp ấy. Phật liền tỏa phóng ánh sáng soi chiếu khắp Đại chúng. Xà-dạ-đa đã thưa trình song thân, rồi đến xuống tóc xuất gia ngay trước tháp Phật ấy, thỉnh mời các Thánh chứng minh cho thọ giới. Tôn giả mới vì nói bài kệ tụng rằng:

“Phật đây phóng ánh sáng
Hiện tướng độ cho ông
Ông đã được giải thoát
Các chúng cũng như vậy”.

Về sau, Tôn giả gọi Xà-dạ-đa mà bảo: “Xưa kia Đức Như Lai từng dự ghi ông sẽ làm Tổ đời thứ hai mươi, Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai, ta mới giao phó cho ông, ông khéo gìn giữ lưu truyền. Hãy nghe bài kệ tụng đây:

“Trên tánh vốn không sinh
Vì đối người cầu nói
Với pháp đã không sắc
Sao người quyết chẳng quyết”.

Tôn giả lại bảo: “Kệ tụng đây là do Đức Như Lai Diệu Âm thấy tánh thanh tịnh nên giảng nói vậy, ông nên thọ trì”. Xà-dạ-đa lại kính lễ vâng theo Tôn giả liền ngay trên pháp tòa đưa móng tay rạch mặt như thế sen hồng nở tỏa phóng ánh sáng lớn soi chiếu khắp bốn chúng, rồi mới thị tịch. Lúc đó tương đương với đời Vương Tân Thất (09-23 sau Tây lịch) thời Tây Hán ở Trung Hoa. Xà-dạ-đa bèn tạo dựng bảo tháp tôn trí mà cúng dường.

9. TRUYỆN ĐẠI SĨ XÀ-DẠ-ĐA, TỔ THỨ HAI MƯƠI Ở THIÊN TRÚC.

Tôn giả Xà-dạ-đa, vốn người ở nước xứ Bắc Thiên Trúc, chưa rõ biết thuộc dòng họ gì. Tôn giả vốn có nhận biết đạo, kính mộ thông hiểu diệu lý. Mới đầu làm khách du phương đến xứ Trung Ấn Độ, gặp lúc Tôn giả Cưu-ma-la-đa đang hoằng hóa tại nước đó, Tôn giả đem điều nghi ngờ về báo ứng mà thưa hỏi, được Tôn giả Cưu-ma-la-đa giảng nói nghiệp báo thông cả ba đời. Việc ấy được tỏ rõ. Nhân đó, Tôn giả cầu xin xuất gia. Tôn giả Cưu-ma-la-đa chẳng liền hứa khả, cùng Tôn giả đồng trở về lại nước mình, thưa cùng song thân, xong mới độ cho làm Tỳ-kheo. Tôn giả Cưu-ma-la-đa biết Tôn giả thật là bậc Pháp khí. Lại nhân sự dự ghi của Đức Phật xưa trước bèn đem Đại pháp nhãn tạng mà trao truyền cho.

Thế rồi, Tôn giả du phương đến các nước giáo hóa, đến thành La-duyệt. Nước đó vốn có nhiều đạo chúng, nghe Tôn giả đến, bèn cùng nhau nương theo. Nguyên trước trong chúng đó có vị thượng thủ tên là Bà-tu-bàn-đầu, tu hành tinh mật, trọn đêm ngày chẳng nằm, suốt sáu thời lễ Phật bái sám, mặc y phấn tảo, ngày ăn một bữa mà đạm bạc chẳng tham cầu gì. Thế gian hỏi Đại chúng ấy rằng: “Các ngươi tu hạnh Đầu-đà khổ hạnh, phạm hạnh như thế có thể chứng đắc Phật đạo chăng?” Đại chúng ấy đáp: “Thượng nhân đây tinh tấn như vậy, há chẳng đắc đạo?” Tôn giả bảo: “Người ấy cách đạo xa vời, giả sử tu hành khổ hạnh trải qua nhiều kiếp chỉ giúp cho gốc vọng đâu thể chứng đắc ư?” Đại chúng ấy hỏi: “Nhân giả tích chứa thứ gì mà khinh thường thầy tôi?” Tôn giả bảo: “Ta chẳng cầu đạo, cũng chẳng điên đảo, ta chẳng lễ Phật cũng chẳng khinh mạn, ta không ngồi mãi cũng chẳng biếng lười, ta không ngày ăn một bữa cũng chẳng ăn tạp, ta không biết đủ mà cũng chẳng tham dục”. Bà-tu-bàn-đầu nghe nói như thế, vô cùng mừng vui mới thuật kệ tụng mà tán thán rằng:

“Kính lạy Đấng Tam-muội
Chẳng cầu được Phật đạo
Chẳng lễ cũng chẳng mạn
Tâm chẳng sinh điên đảo
Chẳng ngồi chẳng biếng lười
Chỉ ăn không đắm vị
Tuy hoãn mà không chậm
Tuy gấp mà chẳng thô
Nay tôi gặp chí tôn
Kính lễ vâng Phật dạy”.

Tôn giả lại bảo Đại chúng: “Vị tu Đầu Đà này chẳng đồng như các ông. Ông này trong đời kiếp trước thường tu hạnh chẳng khinh nên mới được như vậy. Vừa rồi ta chê trách, bởi vì ông hướng đạo tâm rất tha thiết, sợ đó như sợi dây đàn căng quá ắt sẽ đứt, nên ta chẳng ngợi khen liền, vì muốn ông thú hướng đến nơi không chỗ được mà dừng đứng nơi chỗ đất An lạc”. Sau đó, Tôn giả lại gọi Bà-tu-bàn-đầu và bảo: “Ta nói trái ngược ý, ông có được chẳng động tâm chăng?” Bàtu-bàn-đầu đáp: “Đâu dám máy động. Tôi nhớ bảy đời về trước, sống ở cõi An lạc, vì mến mộ đạo nên chuyên thờ trí giả Nguyệt Tịnh, mà người ấy bảo tôi: “Không bao lâu nữa ngươi sẽ chứng quả Tư-đà-hàm, phải nên chuyên cần tinh tấn. Phàm người tu hành thí như leo lên trời cao, hẳn phải cố gắng dần lên không được trụt lùi, giả sử có bị rơi lạc xuống mà lên lại càng khó”. Khi ấy tôi tuổi đã tám mươi, chống gậy mà chẳng thể lê bước, vừa gặp lúc có Bồ-tát Đại Quang Minh xuất hiện nơi đời, tôi muốn được kính lễ mới đến nơi tinh xá đó, lễ bái xong trở về, bỗng chốc, Nguyệt Tịnh đến mà quở trách tôi rằng: “Ôi thôi! Sao ông khinh cha mà trọng con. Hôm qua ta thấy ông sắp được chứng quả, nay lại mất rồi”. Khi ấy tôi tự cho không có lỗi quá, nên chẳng kính phục lời nói đó, bèn hỏi cùng Nguyệt Tịnh chỉ cho thấy lỗi quá. Nguyệt Tịnh bảo: “Ông đến lễ bái Đại Quang Minh, sao lại đem cây gậy tựa vào nơi mặt tôn tượng đắp họa”. Vì ông bị như thế nên quả vị thối lùi”. Tôi suy nghĩ chín chắn lại, quả thật đúng như lời nói đó. Từ đóvề sau, phàm có nghe gì cũng không dám không tin. Dẫu những lời xấu ác kia cũng xem như gió thoảng qua tai, huống gì nay Tôn giả dùng Chánh pháp mà chỉ dạy, thì đâu dám buồn phiền.

Về sau, Tôn giả gọi Bà-tu-bàn-đầu mà bảo: “Đại pháp nhãn tạng của Đức Như Lai, nay ta giao phó cho ông, ông nên lưu truyền chớ khiến dứt mất. Hãy nghe ta nói bài kệ tụng đây:

Nói bày hợp không sinh
Đồng với tánh pháp giới
Nếu hay hiểu như thế
Thông đạt lý sự xong”.

Bà-tu-bàn-đầu bèn lễ bái mà vâng nhận. Tôn giả bèn nơi pháp tòa liền chúi đầu trồng ngược tượng cành cây sa-la, an nhiên mà thị tịch, Đại chúng muốn thỉnh sửa lại trước lúc trà-tỳ, nhưng tuy cả trăm ngàn người đồng nâng dất mà trọn không lay động, chư vị La-hán lại đồng dùng thân lực nâng dất cũng chẳng thể động. Đại chúng bèn đốt hương khẩn cầu, di thể Tôn giả mới tự nghiêng rủ xuống. Trà-tỳ xong gom thâu xá-lợi, Đại chúng xây dựng bảo tháp để cúng dường. Lúc đó tương đương đời vua Hiếu Minh Đế (Lưu Trang 58-76) thời Đông Hán ở Trung Hoa.

* Thử luận bàn:

Là đại sĩ, trồng ngược thân mình mà thị tịch đâu có gì khác lạ? Đáp: Thánh nhân thuận nghịch đều được, bởi sắc sức thần mà thi vi vậy, không thể dùng đạo thường mà cầu đó.

TRUYỀN PHÁP CHÁNH TÔNG KÝ QUYỂN 3
– (HẾT) –

Pages: 1 2 3 4 5 6 7 8 9