Trí Khải

Từ Điển Đạo Uyển

智顗; C: zhìkǎi; J: chishō; 538-597, còn được gọi là Trí Giả;
Cao tăng Trung Quốc, Tổ thứ tư của Thiên Thai tông, nhưng được xem là người thật sự sáng lập tông phái này. Sư là người đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc tạo một hệ thống phân loại trọn vẹn để giải thích các sự ra đời của các trường phái Phật giáo với chủ trương khác nhau, đôi khi mâu thuẫn. Sư cũng là người đề xướng phép tu Chỉ-quán, một môn tu tập thiền định còn truyền bá rộng rãi ngày nay. Tác phẩm chính của Sư là Ma-ha chỉ-quán (s: mahā-śamatha-vipaś-yanā), Chỉ-quán nhập môn, Lục diệu pháp môn.
Từ nhỏ Sư đã có biệt tài: chỉ cần nghe qua một lần, Sư đã thuộc làu toàn thể một bộ kinh. Tương truyền Sư thể nghiệm tính vô thường của vạn sự khi thấy một thư viện đầy kinh sách quý báu bị quân lính phá huỷ. Sau thể nghiệm này, Sư gia nhập Tăng-già và trở thành đệ tử của Tổ thứ ba là Huệ Tư (515-577). Dưới sự chỉ dạy của Huệ Tư, Sư học các tác phẩm trong Luật tạng (s, p: vinaya-piṭaka), tham cứu Diệu pháp liên hoa kinh cũng như các phương pháp tu Thiền (s: dhyāna) khác nhau. Năm 567, Sư đi Nam Kinh và bắt đầu giáo hoá. Năm 576, Sư lui về núi Thiên Thai và từ đó phát sinh danh hiệu Thiên Thai tông. Triều đình quý trọng Sư, cho phép thuế má vùng đó chỉ dành để nuôi sống thiền viện. Sư viên tịch tại núi Thiên Thai (Thiên Thai Ðức Thiều).