TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN
Hạnh Đoan

 

TRÊN ĐỈNH THÁI SƠN

Tôi có hai má: Má trước và má sau. Cả hai bà tôi đều thương như nhau.

Má trước (má ruột tôi) mất lúc tôi còn quá nhỏ đủ để không nhớ được gì hết ngoại trừ lúc má tôi nằm trên giường bịnh. Lúc nào tôi cũng đeo dính bên cạnh bà, đó là thời gian hạnh phúc nhất của tôi.

Má tôi đau nặng lắm. Bà biết mình sắp mất nên cứ gặng hỏi tôi:

– Má chết rồi con ở với ai?

Tôi thương chị Ba nên đáp liền:

– Con ở với chị Ba!

– Chị Ba không thương con thì sao?

Tôi lôi hết tên anh chị trong nhà để đề cử ở với tôi, má tôi cứ một mực:

– Không thương con thì sao?

Bí quá tôi nói:

– Vậy con ở với má!

Giọng má tôi nghẹn ngào:

– Nhưng lúc ấy má chết rồi?

Tôi ôm chầm lấy má tôi:

– Thôi! Má đừng chết! Đừng chết!….

Tôi ngạc nhiên thấy má tôi không nói gì, nước mắt ràn rụa. Lúc ấy tôi nghĩ không bao giờ má tôi chết, má chỉ hỏi cho vui và tôi trả lời má cho vui, vậy thôi.

Rồi má tôi mất, năm ấy tôi tròn bốn tuổi và chẳng nhớ được gì nhiều. Tôi chỉ nhớ rằng sau đó ba tôi đi coi mắt má sau. Ba tôi dẫn hết năm đứa con nheo nhóc đến trình diện vợ mới. Lần đầu đến nhà kế mẫu tương lai lòng tôi buồn rười rượi. Thấy tôi than nhớ nhà, ba tôi ngạc nhiên hỏi:

– Anh chị tất cả đều ở đây, con nhớ cái gì? Không lẽ con nhớ… con chó Vện ở nhà?

– Không! Con nhớ tấm hình má ở trên bàn thờ!

Thật tình tôi nhớ má tôi quá. Bởi sau khi má tôi mất tôi thường quanh quẩn nơi tủ thờ, đó là chỗ đứng lý tưởng nhất của tôi. Chỉ cần đứng trước tủ nơi có tấm hình má tôi là tôi có cảm giác ấm áp hạnh phúc lạ lùng, như thể má tôi đang còn bên cạnh. Bây giờ nhớ lại cảm giác ấy tôi cứ thắc mắc thầm, không hiểu sao chỉ có tấm hình trên bàn thờ của má tôi lại có thể cho tôi tình thương và hơi ấm suốt thời gian dài bà vắng bóng. Lúc đứng trước tủ thờ tôi hoàn toàn không khổ vì ý niệm mất mẹ, chỉ khi rời căn nhà có hình má tôi, tôi lại nhớ bà da diết.

Rồi má sau tôi được rước về, xóm giềng sang nói vào ra. Họ bảo tôi:

– Khổ tới rồi đó con! Mầy có má ghẻ!

Tôi phản đối liền:

– Không! Má nuôi tôi đó, không phải má ghẻ đâu!

Trong óc tôi chữ “ghẻ” tượng hình ghê lắm nên tôi không thích. Tôi luôn đính chính mỗi khi người ta nói tôi có má ghẻ. Tôi tức mình, thầm thắc mắc tại sao không ai chịu gọi là “Má nuôi” mà cứ khẳng định “Má ghẻ”? Chử “ghẻ” nghe không hay chút nào! Hay… má tôi có ghẻ?

Má sau tôi rất hiền, đúng như lời ca ngợi của ba tôi vào lúc bà mất: “Má sau con là người hiền nhất trong những người đàn bà”. Ba tôi nhận xét không quá lời, tôi đồng ý với lời bình phẩm của ông. Má sau tôi chẳng bao giờ tranh cãi với ai, lúc nào bà cũng hay nhường nhịn và chịu nhận phần thiệt về mình.

Về làm kế mẫu chúng tôi, bà phải cực nhọc nhiều vì năm đứa con chồng còn quá nhỏ. Gánh nặng má trước để lại giờ làm oằn vai má sau. Phụ nữ nào yếu tim gan chắc chẳng dám liều. Duyên tình má sau tôi cũng là chắp nối. Chồng trước đi tập kết rồi mất. Và thật buồn cười, chính mẹ chồng lại gả nàng dâu! Mẹ chồng má sau vui lòng xem ba tôi như con. Như vậy chúng tôi có thêm bà nội để gọi. Từ một kiếp mồ côi thiếu nội ngoại tự dưng có bà nội để kêu, tôi khoái lắm! – Nhất là “Bà nội ghẻ” cũng hiền và có nhiều bánh kẹo! – Bà nội bán thuốc bắc kiêm cả mứt bánh, cà na và me ngào. Tôi mê các thứ bà bán và có lẽ tôi thương bà nội lẫn những bánh quà bà cho. Có điều không biết bên nào nhiều hơn.

Tôi chưa hiểu hết tình mẹ ruột cũng như chưa từng nếm mùi đắng cay nào từ mẹ kế. Vào năm lên tám, kế mẫu làm bánh đúc cho tôi ăn. Tôi cầm bánh lên ngắm nghía và nói:

– Má à, để bữa nào con nhét cái xương vô bánh đúc vì người ta bảo: “Mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng”… nhưng mà má thương tụi con!

Kế mẫu nhìn tôi cười cảm động, mắt bà rưng rưng.

Lớn lên bôn ba đây đó chứng kiến nhiều, tôi lại có dịp hiểu thêm về tình mẹ.

Khi đưa nhỏ cháu vào nhà hộ sinh, nhìn vẻ mặt cháu hằn lên nỗi đau vô tận trước phút sinh con. Tất cả cơ bắp nhăn đổ dồn về khuôn mặt, tôi hiểu vì sao người phụ nữ yếu và mau già. Lúc đứa trẻ chào đời rồi, người mẹ như quên hết đau đớn khi thấy con mình lành lặn, mạnh khoẻ.

Chị bạn tôi sống ở nước ngoài, đã có một cháu mà vẫn khao khát con. Chị cùng chồng làm đủ việc thiện, đi công quả hết chùa này sang chùa khác với hi vọng được sanh thêm đứa nữa. Mười lăm năm sau chị mang thai. Bên Tây phương cho rằng sinh mổ an toàn hơn sinh tự nhiên. Bác sĩ gây mê vùng cần mổ xong, rạch một đường nhỏ nơi bụng rồi xé thịt rộng ra để lấy đứa bé (tránh rạch bằng dao nhiều cho khỏi làm đứt các mạch máu). Chị được theo dõi các sự việc qua vô tuyến. Lúc đứa bé chào đời thì chị đã thiếp đi, khi tỉnh lại nghe đứa trẻ sơ sinh khóc ở phòng bên chị nóng ruột lê từng bước định sang bồng con. Cô y tá thấy, ngăn lại, tỏ ý sẽ bồng trẻ qua giúp chị. Cô hỏi:

Bên ấy nhiều trẻ lắm, biết cháu nào là con chị?

– Đứa đang khóc ấy! – Chị nói chắc chắn.

Cô y tá bế đứa trẻ qua thì đúng là con chị. Cô ta phải phục chị chưa nhìn rõ mặt con mà đã nhận ra được qua tiếng khóc. Linh cảm của người mẹ thật tuyệt vời và công sinh một đứa bé quả khó nói hết bằng lời – Sức chịu đựng và lòng hi sinh, chỉ có người mẹ mới chịu đựng nỗi.
Có lần về nhà gặp nhỏ em họ, tôi ngạc nhiên khi thấy nó gầy tọp đi, xanh xao phờ phạc. Hỏi thăm thì nó cười, nói:

– Tại cháu bé của em khó tính, khó nuôi quá! Ba tháng đầu nó khóc dạ đề làm cả nhà đều thức theo. Giờ cháu biết đi vẫn chưa hết cực. Lúc cháu ngủ em tranh thủ làm việc, đến khi em ngủ thì cháu thức, quậy phá suốt đêm. Hễ trái gió trở trời thì ấm đầu phát ban, khiến em và ông xã lo sốt vó.

Tôi cười bảo:

– Đem cho quách đi là hết cực ngay!

– Đâu được! “Vàng ngọc” của người ta mà xúi dại không hà!

Vâng! Ai cũng có một thời là “vàng ngọc” của ba mẹ mình. Bởi nếu không phải vậy thì đã được… liệng ngoài đường hay “cho quách đi cho đỡ cực”…? Nhưng lớn lên, những “cục vàng” ấy không thể nhớ rằng thuở bé mình đã hành mẹ ra sao. Tôi cũng vậy, tôi không biết thuở bé mình đã “đày đọa” mẹ như thế nào? Chỉ biết mẹ tôi lìa trần không cam tâm vì con còn nhỏ quá. Ba tôi kể trước phút lâm chung, mẹ đã hăm ba: “Ông mà cưới vợ bé ở ác với con tôi, tôi sẽ về dẫn chúng đi theo tôi hết”! Ba tôi nghe mà nổi ốc. May là kế mẫu tôi rất hiền, người sống giống như mẹ tôi: Suốt đời chỉ biết hi sinh cho chồng con. Tôi chưa thấy bà mưu toan làm gì để thụ hưởng cho riêng mình. Có lẽ ở suối vàng má trước sẽ vô cùng cảm ơn má sau vì tấm lòng nhân hậu chịu sớt chia gánh nặng cùng bà.

Có một lần má sau tâm sự với tôi:

– Hồi ba mầy đi coi mắt tao, xe đạp của ổng thì băng vá lung tung. Mới đầu ổng chỉ dẫn một đứa tới trình diện. Sau đó thì kéo rốc hết năm đứa tới, tao ớn quá. Cũng có hai đám khác định “bỏ trầu” cho tao, ông thì không con, ông thì một đứa… Thấy tụi bây đứa nào cũng nhem nhuốc nhưng dễ thương, tao thấy tội rồi tự dưng tao ưng ba mầy!

Vậy đó! Má sau đã “tội” chúng tôi bằng cả cuộc đời bà – chịu nhọc nhằn vì chúng tôi.

Còn ba tôi, nếu không có chúng tôi có lẽ số tiền nuôi con ấy ba tôi có thể tậu được mấy căn phố lầu hoặc sống nhàn nhã cả đời. Khi chị Hai tôi thẹn vì quần áo không bằng chúng bạn đòi nghỉ học, ba tôi bảo:

– Ba thấy mặc xà lỏn mà được đi học ba cũng vui, nhưng ngày nhỏ ba có được đi học như mơ ước đâu? Ba không muốn con thất học, ba không muốn ngày sau các con khổ như ba!

Rồi ba tôi tiếp tục làm ngày làm đêm để nuôi chúng tôi: Đi sớm về khuya, đi mưa về gió.

Nhiều lúc tư tưởng chống trái, tôi hoài nghi cho rằng ba không thương tôi. Tôi đã quên mình không hề bị liệng ra đường hoặc đem cho, quên rằng hạt cơm manh áo từng ngày qua còn đẫm mồ hôi và nước mắt nhọc nhằn của ba. Quên rằng ba đã cho tôi nền giáo dục tốt đẹp bằng sự dạy dỗ và tấm gương sống của chính ông.

Nói về công ơn cha mẹ, sẽ không làm sao nói hết được, cũng như sự vô tình của tôi cũng không bút mực nào tả cho xuể.

Nhiều lúc ba tôi buồn đi đây đi đó cho khuây khỏa, rồi lúc ông về chúng tôi thật hạnh phúc khi nghe ông nói:

– Ở với ai cũng không bằng ở với con! Ở với con là thượng hạng!

Xin cảm ơn ba đã cho một lời xóa bớt tội vô tình của con. Chị Ba tôi thường nhắc:

– Cứ xử tệ với ổng đi rồi ngày sau nhìn chiếc giường trống đừng có khóc! Còn một chút cha mà không biết thương! Đừng quên rằng người già chỉ có cậy nhờ con. “Dầu cho cha đối với con thế nào thì vẫn có ơn sâu tạo cho con nên vóc nên hình, vẫn có ân đem thân dãi dầu mưa nắng, nhọc nhằn nuôi con”.

Hi vọng rằng cuộc sống sẽ bớt đi những người con vô tình vô ý (như tôi chẳng hạn) để còn có những dòng nước mắt chảy ngược khiến cho các bậc sinh thành cảm thấy ấm lòng lúc tuổi già.

(Đã đăng báo G-N 176 ra ngày 14/8/1999 qua bút danh H.T.H)