Trang Tử

Từ điển Đạo Uyển


莊子; C: zhuāngzǐ, ~369-286, cũng được gọi là Trang Châu (莊周); Một hiền triết Trung Quốc, tác giả của Trang Tử nam hoa chân kinh (莊子南花真經; c: zhuāngzǐ nánhuā zhēnjīng). Cùng với Lão Tử, ông được xem là người sáng lập Ðạo giáo. Trang Tử sinh trưởng tại tỉnh Hồ Nam bây giờ của Trung Quốc. Về cuộc đời của ông thì hầu như không có tài liệu gì được lưu lại cụ thể. Ông có lập gia đình, giữ một quan chức nhỏ. Vì từ chối phục hầu một Chư hầu nên ông sống trong hoàn cảnh cơ hàn. Trong Nam hoa chân kinh, ông chỉ trích mạnh mẽ các nghi lễ, quan niệm của nhà Nho. Một giai thoại được ghi lại trong Sử kí của Tư Mã Thiên nêu rõ tính tình lạ lùng, tự do tự tại của Trang Tử (bản dịch của Nguyễn Duy Cần): “Uy vương nước Sở nghe nói Trang Châu là người hiền trong thiên hạ, sai sứ đem hậu lễ đón, muốn mời ra làm tướng. Trang Châu cười, bảo với sứ giả: Cái lợi của nghìn vàng quả trọng thật, cái địa vị khanh tướng quả cũng quý thật. Nhưng riêng ông chả thấy con bị tế hay sao? Ðược người ta săn sóc, được mặc đồ trang sức văn vẻ để đưa vào Thái miếu. Lúc ấy, dù nó muốn được làm con lợn côi há còn được nữa hay không? Ông hãy đi đi, chớ có đến làm nhục ta. Thà ta dong chơi ở chốn bùn lầy nhơ bẩn còn thấy sung sướng hơn là để cho kẻ làm chủ một nước kia trói buộc ta.” Các đề tài được Trang Tử nêu lên trong Nam hoa chân kinh trùng hợp với quan niệm của Lão Tử trong Ðạo đức kinh, nhất là tư tưởng về Ðạo. Tác phong “vô vi”, tức là làm không có tác ý (Bất hành nhi hành) rất được Trang Tử chú trọng. Ngoài vô vi ra, ông cũng rất đề cao tính chất tương đối của vạn vật hiện hữu, sự đồng nhất của sinh tử và sự quan trọng của phép tu tập thiền định (tĩnh toạ) để đạt sự thống nhất với Ðạo. Theo ông, thế giới chỉ là sự luân chuyển, biến chuyển vô cùng của vạn vật và ông cũng là một trong những người đầu tiên chỉ rõ tính chất huyễn, Ảo ảnh của thế giới hiện hữu. Một bài luận rất ngắn, rất đơn giản trong thiên Tề Vật Luận (齊物論) đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho những thế hệ sau và nó cũng là một ví dụ tiêu biểu cho lối hành văn vô song của Trang Tử. Nguyên văn (bản dịch của N. D. Cần): 昔者莊周夢爲蝴蝶,栩栩然蝴蝶也自喻適志與不知周。我然覺,則蘧蘧然周也。不知周之夢爲蝴蝶與?蝴蝶之夢爲周與?周與蝴蝶則必有分矣!此之謂物化 “Xưa, Trang Châu chiêm bao, thấy mình là bướm, vui phận làm bướm: tự nhiên thích chí không còn biết Châu. Chợt tỉnh giấc, thấy mình là Châu. Không biết Châu lúc chiêm bao là bướm, hay bướm lúc chiêm bao là Châu? Châu cùng bướm ắt có phận định. Ấy chính gọi là Vật hoá” Trang Tử từ chối sự phân minh rõ ràng giữa “phải” và “quấy” theo người đời vì ông cho rằng, trong thế giới hiện hữu tương đối này người ta không thể tìm được một thước đo tuyệt đối cụ thể để phân biệt chúng. “Sinh” và “Tử” cũng như thế; chúng chỉ là những bước luân chuyển không cùng, không phải là “Thuỷ”, là “Chung.” Tư tưởng này của ông được trình bày rất rõ qua thái độ bình thản ngay khi vợ ông chết. Nguyên văn (bản dịch của N. D. Cần): “Vợ Trang Tử chết, Huệ Tử đến điếu. Thấy Trang Tử ngồi, duỗi xoác hai chân, vừa vỗ bồn vừa ca. Huệ Tử nói: Cùng người ở tới già, có con lớn mà người chết lại không khóc, cũng đã là quá lắm rồi, lại còn vỗ bồn ca, không phải thái quá sao? Trang Tử nói: Không! Lúc nàng mới chết, tôi sao chẳng động lòng. Nhưng nghĩ lại hồi trước, nàng vốn là không sinh. Chẳng những là không sinh, mà đó vốn là không hình. Chẳng những không hình, mà đó vốn là không khí. Ðó, chẳng qua là tạp nhất ở trong hư không biến ra mà có khí, khí biến ra mà có hình, hình biến ra mà có sinh, rồi lại biến ra nữa mà có tử. Sinh, hình, khí, tử có khác nào xuân, hạ, thu, đông, bốn mùa hành vận. Vả lại, người ta nay đã yên nơi nhà lớn, mà tôi còn cứ than khóc, chẳng là tự tôi không thông Mệnh ư? Nên tôi không khóc.” Trang Tử nam hoa chân kinh đã gây ảnh hưởng rất nhiều cho nền văn hoá, tư tưởng Trung Quốc. Nhiều vị Thiền sư đã nghiên cứu bộ sách này và đã nếm “đạo vị” nơi nó trước khi xuất gia tu học thành đạo.