Trần Thái Tông

Từ điển Đạo Uyển


陳太宗; 1218-1277 Vua nhà Trần Việt Nam lỗi lạc kiêm Thiền sư. Ông tên Trần Cảnh, con thứ của Trần Thừa. Nhờ có công dẹp loạn nên họ Trần được triều đình nhà Lí rất coi trọng. Năm lên tám, Trần Cảnh được Lí Chiêu Hoàng nhận làm chồng và truyền ngôi cho, tự hiệu là Thái Tông. Năm lên 20 tuổi, Trần Thái Tông bị Trần Thủ Ðộ buộc phải giáng Lí Chiêu Hoàng – lúc ấy 19 tuổi – xuống làm Công chúa và tôn Chiêu Thánh – vợ của anh ruột Thái Tông là Trần Liễu – lên làm Hoàng hậu. Do nhiều nỗi khổ tâm nên ông trốn vào núi Yên Tử, quyết tâm xuất gia tu hành. Thấy ông đến, vị trụ trì trên núi này ung dung chào hỏi: “Lão tăng ở chốn sơn dã đã lâu, xương cứng mặt gầy, ăn rau nhai hạt dẻ, uống nước suối, vui cảnh núi rừng đã quen, lòng nhẹ như đám mây nổi, cho nên mới theo gió mà đến đây. Nay bệ hạ bỏ địa vị nhân chủ mà nghĩ đến cảnh quê mùa rừng núi, ắt hẳn là muốn tìm cầu gì mới đến đây phải không?” Ông liền đáp: “Trẫm còn thơ ấu, đã sớm mất mẹ cha, bơ vơ đứng trên sĩ dân không nơi nào nương tựa. Lại nghĩ rằng sự nghiệp đế vương đời trước hưng phế bất thường cho nên mới vào đây, chỉ muốn cầu thành Phật chứ chẳng muốn tìm cầu gì khác.” Nghe vậy, vị Thiền sư liền khuyên: “Trong núi vốn không có Phật, Phật ở tại tâm ta. Nếu tâm lắng lặng trí huệ xuất hiện, đó chính là Phật. Nếu bệ hạ giác ngộ được tâm ấy thì tức khắc thành Phật ngay tại chỗ, không cần đi tìm cực khổ ở bên ngoài.” Ông nghe lời khuyên theo Trần Thủ Ðộ về vương cung và từ đây quyết chí tu tập Phật đạo trong những lúc nhàn rỗi, trách nhiệm vì dân đã vơi phần nào. Ông rất chăm học, như ông đã tự viết trong bài tựa của kinh Kim cương tam-muội: “Trẫm lo việc cai trị dân, mỗi lúc gian nan thường quên cả sớm tối. Việc tuy có hàng vạn, giờ rảnh không có là bao. Siêng việc quý giờ, học càng tăng tiến. Chữ nghĩa còn ngại chưa rành, đêm đến canh khuya vẫn còn chăm học. Ðã đọc sách Nho, lại ngẫm kinh Phật…” Nhân lúc đọc kinh Kim cương đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm” (應無所住而生其心), ông hoát nhiên tự ngộ. Năm 1258, ông truyền ngôi lại cho con. Ðến lúc Trần Thánh Tông đủ sức đảm đang việc nước, ông lui về lập am Thái Vi ở rừng núi Vĩ Lâm tại cố đô Hoa Lư để an dân và tu hành. Ông là một nhà vua lỗi lạc, uyên thâm Thiền học, viết cuốn Thiền tông chỉ nam lúc còn rất trẻ, khoảng ngoài ba mươi. Có thể kể thêm tác phẩm của Thái Tông là Chú giải kinh Kim cương tam-muội, Khóa hư lục… và nhiều bài thơ đậm mùi vị thiền. Bóng trúc quét thềm bụi chẳng động Vầng trăng qua biển nước không xao… Thắp đuốc huệ trên đường mê tăm tối Dong thuyền từ nơi bể khổ trầm luân và: Hoa vàng rực rỡ, không đâu không là tâm Bát-nhã Trúc biếc xanh xanh, hết thảy đều là lí chân như. (Thiền học đời Trần) Nghe danh ông, một vị tăng người Tống tên Ðức Thành đến hỏi: “Thế Tôn chưa rời Ðâu-suất đã giáng vương cung, chưa ra khỏi thai mẹ đã độ hết chúng sinh là thế nào?” Ông đáp: “Ngàn sông có nước ngàn sông nguyệt, muôn dặm không mây muôn dặm trời.” Một tăng khác hỏi: “Ðược phần trên của học nhân có tu chứng chăng?” Ông đáp: “Nước chảy xuống non nào có ý, mây ra khỏi núi vốn không tâm.” Năm 1277, niên hiệu Bảo Phù, ông quy tịch, thọ 60 tuổi. Các tác phẩm của ông: 1. Thiền tông chỉ nam; 2. Kim cương tam-muội kinh chú giải; 3. Lục thời sám hối khoa nghi; 4. Bình đẳng lẽ sám văn; 5. Khóa hư lục; 6. Thi tập.