Trần Nhân Tông

Từ điển Đạo Uyển


陳仁宗; 1258-1308; cũng được gọi là Trúc Lâm Ðầu Ðà (竹林頭陀), Ðiều Ngự Giác Hoàng (調御覺皇); Thiền sư Việt Nam uyên thâm, đạt đạo và cũng là một nhà vua xuất sắc, từng đánh bại quân Nguyên. Sư khai sáng phái thiền Trúc Lâm Yên Tử, được tôn là Ðệ nhất tổ của phái này. Ông là vua thứ ba nhà Trần, tên huý là Khâm, con trưởng của vua Trần Thánh Tông. Năm 16 tuổi, ông được lập Hoàng Thái tử. Cố nhường lại chức này cho em nhưng không được, ông trốn triều đình vào núi Yên Tử tu học. Ðến chùa Tháp ở núi Ðông Cứu thì trời vừa sáng, ông bèn vào trong nghỉ. Thấy dung mạo của ông khác thường, vị trụ trì chùa này ân cần làm cơm thiết đãi. Hay tin, vua cha liền sai quan thỉnh ông trở về cung điện. Năm lên 21, ông lên ngôi Hoàng Ðế. Mặc dù ở địa vị cùng tột nhưng ông vẫn giữ mình thanh tịnh, thường ăn chay. Vì bẩm chất thông minh nên ông sớm tinh thông nội (kinh luận) lẫn ngoại điển. Lúc rỗi, ông thường hay mời các bậc hiền triết đến luận đạo, tôn Huệ Trung Thượng sĩ làm thầy và cũng ngộ huyền chỉ của thầy mình. Năm 1293, ông truyền ngôi lại cho con là vua Anh Tông và chỉ sáu năm sau đó, vào năm 1299, ông chính thức xuất gia và sau được xem là người thừa kế chính thức của phái Yên Tử, thế hệ thứ sáu. Sư trở thành Tổ thứ nhất của phái Trúc Lâm, là một dòng Thiền mạnh mẽ thời bấy giờ, có tính nhập thế. Tổ thứ hai của dòng Trúc lâm là Thiền sư Pháp Loa, là truyền nhân chính của Sư. Nhân một buổi pháp hội tại chùa Sùng Nghiêm tại núi Chí Linh, Sư thượng đường bảo: “Thích-ca Văn Phật vì một đại sự mà xuất hiện trong đời, 49 năm mấp máy đôi môi mà chưa nói lời nào. Ta nay vì các ông lên toà, sẽ nói cái gì đây?” Rồi Sư sang ngồi bên giường thiền, đánh một tiếng chuông và ngâm kệ: Thân như hô hấp tĩ trung khí Thế tự phong hành lãnh ngoại vân Ðỗ Quyên đề đoạn nguyệt như trú Bất thị tầm thường không quá xuân *Thân như hơi thở ra vào mũi Ðời giống mây trôi đỉnh núi xa Chim Quyên kêu rã bao ngày tháng Ðâu được ngày xuân để luống qua! Một vị tăng hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Thế nào là pháp?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Thế nào là tăng?” Sư đáp: “Chấp nhận như xưa là không đúng.” Tăng hỏi: “Rốt cuộc như thế nào?” Sư đáp: “Bát tự đả khai phân phó liễu Cánh vô dư sự khả trình quân.” “Tất cả mở toang trao hết sạch Ðâu còn việc chi nói cùng người.” Một vị khác bước ra hỏi: “Thế nào là Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp?” Sư dùng bài kệ trong kinh Kim cương đáp: “Bằng dùng sắc gọi ta Âm điệu nhận ra ta Người ấy hành tà đạo Ắt chẳng thấy được ta” Hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Tấm cám dưới cối.” Hỏi: “Thế nào là ý của Tổ sư từ Tây sang?” Sư đáp: “Bánh vẽ.” Hỏi: “Thế nào là Ðại ý Phật pháp?” Sư đáp: “Cùng hầm, đất không khác.” Hỏi: “Xưa có vị tăng hỏi Triệu Châu ›Con chó có Phật tính không.‹ Triệu Châu nói ›Không‹, là thế nào?” Sư đáp: “Nước biển hoà muối mặn, màu lá rặt sơn xanh.” Hỏi: “› Câu hữu câu vô như dây leo‹, là thế nào?” Sư đáp bằng kệ Hữu cú vô cú (Băng Thanh dịch): 有句無句。藤枯樹倒。幾個衲僧。撞頭磕腦 有句無句。體露金風。殑伽沙數。犯刃傷鋒 有句無句。立宗立旨。打瓦鑽龜。登山涉水 有句無句。非有非無。刻舟求劍。索驥按圖 有句無句。互不回互。笠雪鞋花。守株待兔 有句無句。自古自今。執指忘月。平地陸沉 有句無句。如是如是。八字打開。全無巴鼻 有句無句。顧左顧右。阿刺刺地。鬧聒聒地 有句無句。忉忉怛怛。截斷葛藤。彼此快活 Hữu cú vô cú, đằng khô thụ đảo Kỉ cá nạp tăng, chàng đầu hạp não Hữu cú vô cú, thể lộ kim phong Căng già sa số, phạm nhẫn thương phong Hữu cú vô cú, lập tông lập chỉ Ðả ngỏa toản quy, đăng sơn thiệp thuỷ Hữu cú vô cú, phi hữu phi vô Khắc chu cầu kiếm,* sách kí án đồ Hữu cú vô cú, hỗ bất hồi hỗ Lạp tuyết hài hoa, thủ chu đãi thố Hữu cú vô cú, tự cổ tự kim Chấp chỉ vong nguyệt, bình địa lục trầm Hữu cú vô cú, như thị như thị Bát tự đả khai, toàn vô ba tĩ Hữu cú vô cú, cố tả cố hữu A thích thích địa, náo quát quát địa Hữu cú vô cú, đao đao đát đát Tiệt đoạn cát đằng, bỉ thử khoái hoạt. *Câu hữu câu vô, dây khô cây đổ Mấy gã thầy tu, dập đầu trán vỡ Câu hữu câu vô, gió vàng thể lộ Vô số cát sông, kiếm đâm dao bổ Câu hữu câu vô, lập chỉ lập tông Dùi rùa đập ngói, trèo núi lội sông Câu hữu câu vô, chẳng vô chẳng hữu Khắc thuyền tìm gươm,* so tranh tìm ngựa Câu hữu câu vô, tác động lại qua Nón tuyết hài hoa, ôm cây đợi thỏ Câu hữu câu vô, dù xưa dù nay Quên trăng nắm ngón, chết đuối bên bờ Câu hữu câu vô, là thế là thế Tám chữ mở ra, không còn khó nghĩ Câu hữu câu vô, ngó phải ngó trái Thuyết lí ồn ào, liến láu tranh cãi Câu hữu câu vô, rầu rầu rĩ rĩ Cắt đứt sắn bìm, đó đây vui vẻ. *Khắc chu cầu kiếm (刻舟求劍): Sách Lã Thị Xuân Thu (呂氏春秋) nhắc đến một người nước Sở qua đò. Anh ta giữa sông đánh mất cây kiếm, bèn đánh dấu vào mạn thuyền. Khi thuyền đến bờ, anh ta nhảy xuống, theo dấu đã khắc ở mạn thuyền mà tìm kiếm. Chữ “Kiếm khách” trong bài kệ ngộ giải của sư Linh Vân Chí Cần có lẽ cũng chỉ vị kiếm khách qua sông này. Ngày mồng một tháng 11 năm 1308, lúc nửa đêm, Sư hỏi thị giả Bảo Sát: “Bây giờ là giờ gì?” Bảo Sát thưa: “Giờ Tí.” Sư giô tay mở cửa sổ ngắm trời nói: “Ðây là lúc ta đi.” Bảo Sát hỏi: “Tôn đức đi đâu?” Sư đáp: 一切法不生。一切法不滅 若能如是解。諸佛常現前 何去來之了也 “Nhất thiết pháp bất sinh Nhất thiết pháp bất diệt Nhược năng như thị giải Chư phật thường hiện tiền Hà khứ lai chi liễu dã” *”Tất cả pháp không sinh Tất cả pháp không diệt Nếu hiểu được như thế Chư Phật thường hiện tiền Có chi là đi lại!” Bảo Sát lại hỏi: “Nếu như không sinh không diệt thì sao?” Sư đưa tay bụm miệng Bảo Sát nói: “Chớ nói mê!” rồi nằm theo thế sư tử an nhiên thị tịch. Vua Trần Anh Tông tôn hiệu Ðại Thánh Trần Triều Trúc Lâm Ðầu-đà Tịnh Huệ Giác Hoàng Ðiều Ngự Tổ Phật, chia Xá-lị thành hai phần, một phần cất thờ tại bảo tháp ở khu đất Ðức Lăng ở Hưng Long, một phần cất vào Huệ Quang Kim tháp tại chùa Vân Yên (nay là Hoa Yên) trên núi Yên Tử. Trần Nhân Tông đã để lại các tác phẩm quan trọng như Thiền lâm thiết chuỷ ngữ lục, Trúc lâm hậu lục, Thạch thất mị ngữ, Ðại hương hải ấn thi tập, Tăng-già toái sự. Sư chẳng những là một vị Thiền sư uyên bác mà còn là một thi sĩ tuyệt vời với những bài thơ mang đậm thiền vị, gợi cho người đọc một cảm giác xuất trần. Sau đây là hai bài thơ của Sư nói về xuân, có thể hiểu là mùa “Xuân trong cửa Thiền”: Xuân cảnh 春景 楊柳花深鳥語遲。畫堂簷影暮雲飛 客來不問人間事。共倚欄杆看翠微 Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì Hoạ đường thiềm ảnh mộ vân phi Khách lai bất vấn nhân gian sự Cộng ỷ lan can khán thuý vi. *Chim nhẩn nha kêu, liễu trổ dày, Thềm hoa chiều rợp bóng mây bay. Khách vào chẳng hỏi chuyện nhân thế, Cùng tựa lan can nhìn núi mây. (Huệ Chi dịch) Xuân vãn 春晚 年少何曾了色空。一春心在百花中 如今勘破東皇面。禪板蒲團看墜紅 Niên thiếu hà tằng liễu sắc không Nhất xuân tâm tại bách hoa trung Như kim khám phá Ðông hoàng diện Thiền bản, bồ đoàn khán truỵ hồng. *Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không, Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng. Chúa xuân nay đã thành quen mặt, Nệm cỏ ngồi yên, ngó rụng hồng. (Ngô Tất Tố dịch)