Trả lời thư của cư sĩ Dương Thọ Chi

(bốn lá thư) (năm Dân Quốc 20 -1931)

1) Quang chẳng có hành trạng gì, năm Quang Tự thứ bảy (1881) lìa khỏi nhà đến nay đã là năm mươi năm, vẫn là cái tôi y hệt như cũ: Nghiệp chướng chưa tiêu, đạo nghiệp chưa thành, không mặt mũi nào quay về quê cũ. Tuy trước kia được hai Đốc Soái Trần Bá Sanh và Lưu Tuyết Á[1] gởi thư khuyên nên về lại đất Tần (Thiểm Tây), nhưng tự thẹn quả thật chẳng kham nổi, chẳng đành vâng lệnh. Thậm chí phần mộ tổ tiên và phần mộ cha mẹ đều chưa thể lễ bái lần nào. Cái tội bất hiếu quả thật không thể sám hối được. Mỗi phen nghĩ đến, mồ hôi đẫm lưng. Cư sĩ ôm tấm lòng đau đáu cứu tế, hành pháp hạnh bình đẳng, chẳng khinh rẻ nhà tôi nghèo khó, một mực chăm nom, có thể nói là “lòng thành thương đến cả loài quạ làm tổ trong nhà”[2], lại còn trông coi mộ tổ của Quang, có thể nói “lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão”[3] (tôn kính cha mẹ, người bề trên của chính mình rồi mở rộng ra thành lòng tôn kính cha mẹ, người bề trên của kẻ khác). Quang đọc đến đây, khôn ngăn ứa lệ, thảm thiết hồi lâu. Nhưng Quang làm người trọn chẳng muốn lưu hư danh làm bẩn tai gai mắt người khác, chỉ mong lâm chung nương vào Phật từ lực vãng sanh là thỏa nguyện rồi. Đối với những sự từng trải [của chính mình] nào đáng tốn bút mực [để ghi chép lại], mà cũng chẳng hề trước thuật.

Văn Sao là do ông Từ Úy Như sau khi đem in xong, bèn tùy thuận lòng người mà lưu truyền. Từ năm Dân Quốc 15 (1926), Trung Hoa Thư Cục in bản Tăng Quảng Văn Sao hoàn chỉnh. Từ đấy trở đi, tất cả những viết lách tùy tiện để trao đổi đều nhất loạt chẳng giữ lại bản nháp. Những người cùng quê với tôi đều mất cả rồi, Triệu Sĩ Anh là kẻ thuộc lớp sau, chỉ nghe lời đồn đại, mà bài kệ “nhất phiến minh nguyệt chiếu cửu châu” (một vầng trăng sáng soi chín châu) cũng chẳng phải do Quang viết. Quang làm người chẳng kiêu ngạo, chẳng siểm nịnh, coi hết thảy người có thế lực và người không thế lực đều hệt như nhau. Bài ký của Triệu Sĩ Anh do cư sĩ đã chép nay tôi cũng gởi lại, cũng chẳng sửa đổi, vì chẳng muốn lưu dấu tích xấu xa ấy lại cho đời. Nếu đem bài ấy xé nát đi, lại sợ cư sĩ nói tôi “bất cận nhân tình”.

Con người hiện thời thường cầu các bậc danh nhân soạn các truyện ký cho cha mẹ của chính mình và bản thân để mong lưu danh sau khi chết đi, Quang coi đó là chuyện xấu hổ! Không những Quang chẳng cầu cạnh người khác viết về mình, mà ngay đến cha mẹ Quang, Quang cũng không tự viết, huống là cầu cạnh người khác ư? Dù danh trùm thiên hạ thì có dùng chuyện ấy để liễu sanh tử được hay không? Vì thế, tấm lòng cầu danh của Quang nguội lạnh cùng cực. Hễ thấy những kẻ cầu cạnh người khác soạn văn, lòng liền bức rức, cho nên thường nói: “Người thế gian phần nhiều đều là chuộng danh ghét thật”. Nào có phải là Quang ghét danh đâu? Mà là vì cái danh mà không có thực chất thì thật là đại nhục, cho nên chẳng muốn có cái danh xuông ấy.

2) Phàm mọi việc nên chiếu theo chức trách, bổn phận của chính mình để suy tính. Đã biết rõ điều gì không nên làm mà cứ thường muốn làm, há chẳng phải là vô sự sanh sự, luống nhọc tâm thần, có ích gì chăng? Chuyện ông hỏi ông đã tự biết là chẳng thể, sao còn hỏi tôi chi nữa? Há tôi có nên vượt lý để bảo ông [cứ làm] hay chăng? Huống chi hiện nay học Phật hết sức thuận tiện, chẳng giống như thuở xưa: “Nếu không xuất gia bèn khó được nghe pháp tu hành!” Hiện nay bưu điện rất thuận tiện, kinh ở mọi nơi đều có thể thỉnh được, tri thức trong thiên hạ đều có thể thỉnh giáo, cớ gì phải xuất gia mới tu hành được?

Phải biết xuất gia ngày nay, đâm ra chẳng hữu ích bằng cư sĩ tại gia. Do pháp yếu ma mạnh, ác đồ tà đảng thường ôm lòng khi dễ Tăng, chiếm đoạt tài sản. Nếu sống ở chỗ núi rừng vắng lặng thì tiểu nhân chỉ vì đoạt mấy thưng gạo, mấy chiếc áo, mấy đồng tiền mà đánh giết, sự nguy hiểm ấy xưa kia chẳng hề có! Nếu ở tại thành thị cũng khó tránh chuyện qua lại với người ta. Ai có thể không làm chuyện gì mà nhận cúng dường yên ổn ư? Do Quang là kẻ không có khả năng gì, ở Phổ Đà hơn hai mươi năm, chỉ theo đại chúng ăn cơm mà thôi! Từ năm Dân Quốc thứ bảy (1918), sau khi Từ Úy Như in Văn Sao, cũng là suốt ngày bị người khác làm rộn. Ông tưởng xuất gia là không có chuyện gì hết ư? Chẳng biết xuất gia mà nếu phải duy trì đạo tràng, hoằng dương Phật pháp thì công việc càng nhiều nữa. Nếu là kẻ chỉ lo tự giải thoát thì cơm áo cần dùng đều phải lo toan. Ba bữa cơm mỗi ngày đều phải lo liệu. Nếu chẳng tu trì, còn nhàn hạ lắm, chứ nếu siêng năng tu trì thì bận rộn không rảnh được chút nào.

Ông muốn được quy y, nên đối trước Phật lễ bái tự thọ. Nay đặt pháp danh cho ông là Huệ Mậu, nghĩa là dùng Phật pháp để tự mình cố gắng, khiến người khác cố gắng, mong giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, chẳng trái nghịch Nhân Thừa, Thiên Thừa do đức Phật đã dạy, tín nguyện niệm Phật, thực hành pháp môn Hoành Siêu của Phật dạy. Dẫu cho Phật, Bồ Tát hiện thân, cũng chẳng chịu lìa khỏi hai con đường này, tu pháp nào khác. Tuy chưa thể đạt được Phật tâm, nhưng đã thật sự cậy vào Phật từ lực. Chúng sanh đời Mạt chẳng dùng tín nguyện niệm Phật cầu sanh Tây Phương, khó liễu sanh tử vạn phần! Lại nữa, đừng coi chuyện không thể nghiên cứu trọn khắp kinh luận Đại Thừa, thông suốt trọn khắp Thiền, Giáo, Luật, Mật là điều thiếu sót! Nếu bỏ một pháp Tịnh Độ, dẫu có hiểu sâu xa trọn khắp các kinh luật, thông suốt trọn khắp các pháp môn, chỉ e chuyện liễu sanh thoát tử vẫn là chuyện chẳng biết bao nhiêu đời, bao nhiêu kiếp trong vị lai [mới có thể xảy ra]! Đừng nói cha mẹ chấp nhận hay không, Quang một mực chẳng tán thành người khác xuất gia. Huống chi hiện nay là đời loạn lạc, quá nửa đều là kẻ tục dối làm Tăng ư?

Đối với chuyện thọ giới, cũng chẳng ngại gì đối trước Phật sám hối cho nhiều, tự thệ thọ giới như đã nói trong lá thư gởi cho bà [Từ] Phước Hiền trong bộ Văn Sao. Nhưng bất luận thọ giới hay không thọ giới, đã quy y Tam Bảo, ắt phải giữ năm chuyện ấy, chẳng dám vi phạm thì mới là đệ tử chánh tín của Phật. Nếu do chưa thọ giới mà đối với năm giới ấy chẳng cần chú ý đến thì còn chưa đáng là bậc chánh nhân quân tử, huống là đệ tử Phật? “Đừng làm các điều ác, vâng làm các điều thiện, hết thảy thiện pháp đều nên tu, hết thảy ác pháp đều nên đoạn” chính là giới kinh đại lược do Phật dạy. Thế đạo hiện thời suy bại đến cùng cực vì thuyết “bài xích nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi, cho Phật pháp là lừa dối kẻ ngu, người tục” của nhà Nho. Vì thế, nhà Nho đều chẳng lấy nhân quả ba đời, lục đạo luân hồi để giáo huấn, đến nỗi điều thiện không được khuyến khích, điều ác không bị trừng phạt. Đến khi gió Âu thổi qua đều ùa nhau theo. Nếu mọi người đều biết có sự lý nhân quả ba đời, luân hồi lục đạo thì đâu đến nỗi tàn sát lẫn nhau, đến nỗi sát kiếp vĩnh viễn không có lúc chấm dứt. Ô hô, buồn thay!

3) Anh ông là Lập Điền thiên tư thật tốt, tiếc là chưa học nên đã hơn nửa đời người rồi mà không thể thành tựu. Chỉ nên nhất tâm niệm Phật, cầu sanh Tây Phương. Ông ta vọng tưởng quá lớn, muốn tu hành một hai năm liền đắc Ngũ Nhãn, Lục Thông, lại muốn biết cha mẹ rốt ráo sướng hay khổ. Lời lẽ ấy tuy do tấm lòng một niềm mộ đạo báo ân, nhưng nếu không nói cho tan biến [cái tâm ấy] đi, sau này chắc sẽ bị ma dựa, đáng sợ cùng cực! Ông ta đã muốn báo ân cha mẹ, hãy nên nhất tâm niệm Phật, thay cho cha mẹ sám hối nghiệp chướng, cầu Phật gia bị, khiến cho thiện căn được tăng trưởng, nhất tâm niệm Phật cầu sanh Tây Phương. Tự mình lại nên nhiều cách kính khuyên, hai thứ minh (tức là cầu đức Phật gia bị), hiển (tức sự khuyên lơn của chính mình), tâm chân thành, lời lẽ chân thành, ngõ hầu cha mẹ sanh lòng tin niệm Phật. Chịu niệm Phật cầu sanh Tây Phương thì lúc lâm chung cậy vào Phật từ lực vãng sanh Tây Phương, tức là đã siêu phàm nhập thánh, liễu sanh thoát tử rồi! Chẳng biết vì cha mẹ mưu tính như vậy, mà cứ muốn biết khổ – vui để tính toán thì làm sao lo liệu trước khi mất cho được? Người thật thà chỉ nên làm cư sĩ tại gia, tùy phần tùy sức tu trì. Nếu xuất gia thì càng chẳng thể tu trì. Mong hãy nói tường tận với ông ta!

Nay đặt pháp danh cho ông ta là Huệ Úc, Úc cũng là gắng sức. Dùng những chuyện như giữ vẹn luân thường v.v… và tín nguyện niệm Phật v.v… để tự gắng, thúc đẩy người khác cố gắng, công đức lợi ích ấy vô lượng vô biên. Chớ nên vọng tưởng đắc đạo, đắc thần thông, chỉ nhất tâm niệm Phật rồi lại dùng điều này khuyên người, thì tuy chẳng đắc đạo mà còn hơn đắc đạo! Do lợi ích đạt được bởi vãng sanh lớn hơn đắc đạo nhiều, huống chi tu mù luyện đui phần nhiều bị ma dựa phát cuồng đó ư? Mong hãy tích cực nói kỹ với ông ta. Nếu không, chắc là sẽ có nguy hiểm đấy!

4) Thời thế Mạt Pháp, tà ma ngoại đạo nhiều vô kể. Gã ma con họ Hàn ấy chẳng cần biết hắn tu trì ra sao, chỉ nội bốn chữ “Ngũ Giáo Đại Đồng” liền biết tận ruột gan rồi! Ngoại đạo đều cậy vào huyễn thuật để lừa đời dối người, những kẻ có mắt không tròng thấy chúng thần thông rộng lớn bèn dốc thân mạng quy y. Nếu là người thật sự biết đạo lý sẽ tránh xa còn không kịp, huống còn vui thích, hâm mộ, hoài nghi muốn quy y hay sao? Đây chính là mười loại ma thuộc về Tưởng Ấm trong kinh Lăng Nghiêm vậy. Kẻ ngu chốn quê cho chuyện có thể thấy được thần, thấy được quỷ là hiếm lạ, chẳng biết hắn làm những tà thuật đó để mê hoặc người ta. Ông còn muốn hỏi chuyện đời trước nơi gã ma con ấy, tức là ông bị hắn thu hút rồi. Những gì Hoàng Quan nói cũng là ma nói dối. Ông đã từng theo Hoàng Quan, sao từ đầu chẳng ưa thích chuyện tu luyện của gã? Ông nên biết yêu ma quỷ quái đều có “thần thông” (tức là yêu thông (thần thông của ma quái), chứ không phải là thần thông chân chánh). Kẻ ngu thấy hắn có thần thông, liền cho hắn là Bồ Tát, bèn sa vào lưới rập ma của hắn. Đã là thật sự có thần thông, thì sao người theo học với hắn lại sanh bệnh cuồng như vậy? Huống chi những gì hắn nói và những danh từ do hắn lập ra đều chẳng có trong Phật pháp. Hắn nói [pháp của] hắn thật sự là Phật pháp, chính là căn cứ chung cho hết thảy ngoại đạo dùng để lừa dối người. Nói lời ấy đủ biết hắn chính là ma!

Phật nói vô lượng pháp môn, pháp nào cũng đều thật. Thiện tri thức tùy theo sở tri sở đắc của chính mình mà đề xướng, chỉ là phù hợp căn cơ hay không. Nếu nói “pháp của ta là thật, các pháp khác đều chẳng thật”, không hỏi cũng biết kẻ ấy là ma! Trong tâm ông quả thật chẳng có chủ ý, may là bọn chúng đã hiện tướng xấu mà trong tâm vẫn còn ngờ vực chẳng quyết đoán được! Nếu kẻ học [đạo] ấy chẳng hiện tướng xấu xa, há ông chẳng bái kẻ ấy làm thầy, muốn đạt được thần thông diệu đạo của hắn ư? Thầy X… đã học viên dung, dạy người khác ăn thịt, đánh Phật, cho đó là viên dung, tức là dạy người ta ăn thịt của chính mình, đánh chính mình, cũng là do sức ma phát hiện. Huống chi loài bị giết kia cũng chẳng chịu nói như vậy (ăn thịt ta, đánh ta) đó ư? Phải biết: Người truyền bá, hoằng dương Phật pháp phải nương theo cấm giới của Phật, đã chẳng trì giới làm sao dạy người khác tu trì?

Hắn thấy Chí Công, Tế Điên đều có chuyện ăn thịt, nhưng Chí Công, Tế Điên chưa từng mang chức trách hoằng dương Phật pháp, chẳng qua gặp cảnh chạm duyên, đặc biệt chỉ dạy, thị hiện sự lý cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn trong Phật pháp, nhưng người giữ nhiệm vụ [hoằng dương] pháp đạo muôn vàn chớ nên học theo! Hơn nữa, họ ăn vào thứ chết, ói ra thứ sống, còn bọn X… kia ăn thứ chết vào, ngay cả từng miếng từng khối còn nguyên dạng vẫn chẳng thể ói ra được. Ham học xằng lại còn dạy người khác nữa ư? Người duy trì Phật pháp, nếu chẳng y theo những điều Phật chế định thì chính là loài ma! Huống chi, gã ma con kia là quyến thuộc của ma vương, hoàn toàn chẳng phải là Phật pháp đó ư? Nay loại này đâu đâu cũng đều có, nhưng kẻ không có mắt như ruồi bu theo hơi thối, dẫu không vui cũng chỉ có thể đi theo chúng. Vì sao vậy? Bọn chúng thế mạnh người đông, nếu nói ra sự thật thì chẳng mắc họa rõ ràng ắt cũng mắc họa ngầm. Khuyên người cũng chỉ có thể khuyên ai có thể khuyên được mà thôi! Hắn đã mất trí phát cuồng, khuyên lơn sẽ bị cắn lại. Nếu ông đọc mười loại ma thuộc Tưởng Ấm trong kinh Lăng Nghiêm (cảnh Ngũ Ấm Ma chỉ có Tưởng Ấm nhiều nhất, là chuyện bọn ma con đời sau sẽ làm) thì đối với những cảnh tượng do gã ma con ấy hiện ra, há nào có chuyện động tâm hoài nghi nữa ư? Nhưng ông cũng có khí phận của ma, chẳng trừ khử khí phận ấy thì sau này cũng sẽ phát sanh ma sự!

Một là tánh tự thị, ông viết công văn cho người khác, viết những chữ [khiến cho] khá nhiều người kém học vấn đều chẳng nhận được mặt chữ, đấy có còn là tâm hạnh lợi người lợi vật nữa chăng? Nếu tôi không nói toạc ra thì sẽ suốt đời cứ như thế, chẳng biết phải hỏng bao nhiêu chuyện! Dẫu chẳng hỏng chuyện nhưng khiến cho người khác phải phí hết tâm tư để suy đoán thì chính mình cũng đã tổn phước rồi phải không? Ông Phùng Mộng Hoa là một vị cựu Thám Hoa[4], từng làm đến chức Tuần Phủ[5] tỉnh An Huy, về sau chuyên lo cứu tế tai nạn. Những chữ ông ta viết, người tầm thường chẳng hiểu được một nửa. Một năm kia viết thư cho tôi, tôi liền nói toạc lỗi ấy ra. Sau này, viết thư cho tôi, [ông ta] toàn dùng lối chữ Khải[6], nhưng hỏi đến người khác thì [khi viết cho người khác, ông ta] vẫn cứ y như cũ. Người ấy khá chăm đạo hạnh, nhưng con cháu đều chết sạch, đứa cháu nuôi để nối dõi cũng chết luôn. Ông ta tám mươi bốn tuổi mới mất, lúc mất đứa chắt mới được ba bốn tuổi. Cả một đời muốn dùng chữ nghĩa để ra vẻ ăn trên ngồi chốc, lại còn nhiều năm lo phát chẩn, rốt cuộc chỉ còn lại một nhà năm sáu bà góa, chỉ có một đứa chắt ba bốn tuổi, chẳng đáng buồn ư?

Hai là ngã mạn kiêu căng. Trước kia, ông viết thư xin quy y cho anh của ông, ký tên cuối thư chỉ ghi là “cẩn khải” (kính thưa). Vì sao coi nhẹ chuyện quy y như chuyện chẳng đặng đừng, chẳng đáng tỏ vẻ cung kính, rồi đâm ra tỏ thái độ thua cả sự lễ phép của người đi đường hỏi lối như vậy? Người đi đường hỏi lối còn phải vòng tay thưa hỏi. Ông thay mặt xin quy y, chỉ viết “cẩn khải”, hệt như hỏi đường không vòng tay, chỉ nói “xin hỏi” mà thôi! Đấy chính là coi chuyện quy y và người thầy để ta quy y dẫu một đồng cũng chưa đáng! Nay đem chuyện của gã ma con ra hỏi, lại là “cẩn khải”. Nếu tôi không nói toạc ra, suốt cả đời ông cứ ngã mạn, ngạo nghễ, mà vẫn chẳng biết là sai. Lâu ngày chầy tháng, ắt đến nỗi bị ma dựa! Ông lễ phép, tôi chẳng thêm được gì; ông vô phép, tôi cũng chẳng suy suyển gì! Nhưng do ông đã thờ tôi làm thầy, há nhẫn tâm chẳng trị bệnh cho ông, thiếu sót trách nhiệm của tôi ư? Vì thế, nói như vậy. Nếu nghĩ là tôi muốn được cung kính nên quở trách ông thì ông sẽ bị ma dựa chẳng lâu lắc gì nữa đâu! Thư này đừng để cho người khác xem để bọn đồ đệ ma khỏi tạo khẩu nghiệp (đây là thư trả lời cho lá thư đầu tiên).

***

[1] Trần Bá Sanh là một tướng quân phiệt, chiếm giữ tỉnh Thiểm Tây dưới thời Dân Quốc, Lưu Tuyết Á là tỉnh trưởng Thiểm Tây, cũng là một gã quân phiệt thời ấy.

[2] Nguyên văn “ốc ô thôi thành”: “Ốc ô” là loài quạ làm tổ dưới mái nhà, còn “thôi thành” là một thành ngữ được rút gọn từ “thôi thành trí phúc” (vận dụng lòng thành đến tận tâm can), đôi khi còn nói là “thôi tâm trí phúc”, có nghĩa là dùng lòng chân thành đối xử với người khác.

[3] Đây là câu nói trích từ sách Mạnh Tử. Mạnh Tử sang nước Tề, gặp vua nước ấy là Tuyên Vương. Tuyên Vương thấy kẻ hầu sắp giết một con trâu để cúng tế, con trâu sợ hãi, run lẩy bẩy, bèn hạ lệnh thả trâu, dùng dê để tế. Mạnh Tử khen ngợi vua dùng vương đạo để trị dân. Nhân đó, vua hỏi đến cách thực hiện vương đạo cho thập phần mỹ mãn. Mạnh Tử khuyên: “Lão ngô lão dĩ cập nhân chi lão, ấu ngô ấu dĩ cập nhân chi ấu” (tôn kính cha mẹ, người bề trên của chính mình rồi mở rộng thành lòng tôn kính cha mẹ, người bề trên của kẻ khác, yêu thương con cái của chính mình thành lòng yêu thương con cái của người khác). Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của sách Tứ Thư Bạch Thoại Giải Thích.

[4] Thám Hoa là danh xưng của người đậu Tiến Sĩ hạng thứ ba trong cuộc thi Đình. Người đỗ đầu gọi là Trạng Nguyên, người đậu hạng nhì gọi là Bảng Nhãn. Theo các nhà nghiên cứu, danh xưng này bắt nguồn từ đời Đường, các ông tân tiến sĩ được vua đãi yến và đi thăm Thượng Uyển, gọi là “thám hoa viên” (thăm vườn hoa), nhưng danh hiệu này cho đến tận đời Bắc Tống vẫn chưa có. Vào thời Bắc Tống, người đỗ đầu gọi là Trạng Nguyên, người đậu thứ hai và thứ ba đều gọi là Bảng Nhãn với hàm ý: Hai người này là tả hữu của Trạng Nguyên, giống như hai con mắt trên khuôn mặt vị Thủ Khoa. Mãi đến cuối đời Tống, mới gọi người đậu Tiến Sĩ hạng thứ ba là Thám Hoa.

[5] Tuần Phủ là một chức quan xuất hiện từ khoảng năm 1371 thời Minh. Dưới đời Minh, do Tể Tướng Hồ Duy Dung cấu kết các thế lực địa phương định làm phản triều đình nên chức Tể Tướng bị phế bỏ, đồng thời Châu Nguyên Chương phân tán quyền hành các quan mỗi tỉnh để tránh nguy cơ các quan địa phương phản loạn. Do đó, lập ra chức Tuần Phủ làm người đứng đầu tỉnh lãnh đạo ba ty trực thuộc là Đô Chỉ Huy Sứ Ty (coi về binh bị), Thừa Tuyên Bố Chánh Sứ Ty (coi việc nội trị và trị an), và Đề Hình Án Sát Sứ Ty (coi việc xét xử, kiêm nhiệm cai quản nhà tù). Chức trách nhiệm vụ chủ yếu của quan Tuần Phủ là thâu thuế, lo việc trị an, chứ không trực tiếp cầm quân, tuy có thể điều động quân binh trong tỉnh nếu cần. Đến đời Thanh, cả nước Trung Hoa chỉ có mười sáu quan Tuần Phủ.

[6] Khải Thư là một trong bốn lối viết chữ Hán (Hành, Khải, Triện, Thảo). Khải Thư còn được gọi là Chân Thư. Đặc trưng của lối viết này là vuông vắn, ngay ngắn, đầy đủ nét, rõ ràng, không viết tắt, được coi là lối viết chữ Hán tiêu chuẩn bắt buộc trong các công văn. Theo các nhà nghiên cứu, Khải có nghĩa là “khải mô” (khuôn phép, mẫu mực). Các lối chữ Hành, Triện, Thảo đòi hỏi phải dụng công nghiên cứu và tập quen mới đọc được do nét chữ tung hoành, bớt nét, phá thể, nhiều khi khác hẳn tự dạng trong lối chữ Khải.