Trả lời thư cư sĩ Châu Mạnh Do hỏi về bốn câu “Sắc bất dị Không” trong Tâm Kinh

(Năm Dân Quốc 26 – 1937)

Mấy câu này chính là Đại Sĩ đem tướng của Ngũ Uẩn Đều Không do chính Ngài đã thấy thấu suốt (chiếu kiến) để dạy người. Sắc đứng đầu Ngũ Uẩn, vì thế giảng tường tận trước. Nói “Sắc bất dị Không” (Sắc chẳng khác Không) là vì Sắc tuy có hình tướng có thể thấy được, nhưng đó là tướng huyễn vọng. Dùng trí Bát Nhã sâu xa để quán chiếu thì bản thể của Sắc là “bất khả đắc” (trọn chẳng thể được), tuy có mà giống như hư không. Chẳng riêng gì bản thể của Sắc là “trọn chẳng thể được”, mà Không cũng “trọn chẳng thể được!” Do vậy, lại nói “Không bất dị Sắc” (Không chẳng khác Sắc). Ở đây, lại sợ người ta hiểu lầm Thế Gian Không chính là tướng của Sắc Không nên nói: “Không cũng chẳng có thực tế để được, cũng như Sắc trọn chẳng thể được!” Ấy là vì Không cũng là pháp thế gian, tuy không có hình tướng, rỗng rang, trống lỗng, nhưng vẫn có tướng Không. Trong Ngũ Uẩn, cái Không của Sắc Uẩn chẳng phải là cái Không của hư không. Do vậy, liền nói tiếp: “Không bất dị Sắc” (Không chẳng khác Sắc). Vì lìa trọn vẹn cái Không của tướng Không nên nói: “Không bất dị Sắc” (Không chẳng khác Sắc). Nói đến cái Không của Không này cũng giống như Sắc “trọn chẳng thể được”, chẳng thể hiểu là cái Không trống lỗng, rỗng rang.

Vẫn sợ chưa hiểu nên lại nói: “Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc” (Sắc tức là Không, Không tức là Sắc), nghĩa là: “Sắc tức thị Không” chẳng thể được, “Không tức thị Sắc” chẳng thể được! Sắc – Không này tịch chiếu cùng hiển lộ, cùng diệt mất. Sắc – Không “cùng chính là” và “cùng lìa” Sắc Không. Nếu thấy được điều này sẽ đích thân chứng được Chân Như Phật Tánh. Sắc Uẩn đã như thế thì bốn uẩn Thọ, Tưởng, Hành, Thức cứ theo đó mà biết; cho nên không cần nói nữa, chỉ nói “diệc phục như thị” (cũng giống như thế). Ngũ Uẩn đã như thế thì hết thảy pháp cũng như thế. Cho nên lại nói: Năm Uẩn này đều là tướng Không, là tướng Không của hết thảy các pháp, chẳng sanh, chẳng diệt, chẳng nhơ, chẳng sạch, chẳng tăng, chẳng giảm, bản thể của chúng là như thế, chẳng cần phải ước theo thánh – phàm, chúng sanh – Phật để nói nữa! Do nó vốn chẳng sanh, do đâu mà có diệt, cũng như có nhơ, sạch, tăng, giảm nữa ư? Vì thế, trong tướng Không của các pháp, không có năm uẩn Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, không có sáu căn “mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý”, không có sáu trần “Sắc, Thanh, Hương, Vị, Xúc, Pháp”, không có sáu thức là Nhãn giới (dưới chữ Nhãn lược bỏ chữ Thức), cho đến không có Ý Thức giới. Đấy là không có lục phàm pháp giới.

“Vô vô minh, nãi chí vô lão tử” (Không vô minh cho đến không lão tử) là mười hai nhân duyên thuộc Lưu Chuyển Môn. “Diệc vô vô minh tận, nãi chí diệc vô lão tử tận” (cũng không có hết vô minh cho đến không có hết già chết): Đấy chính là mười hai nhân duyên thuộc Hoàn Diệt Môn. Đây là không có Duyên Giác pháp giới. “Vô Khổ, Tập, Diệt, Đạo”, là không có Thanh Văn pháp giới. “Vô Trí”: Trí là độ cuối cùng trong Lục Độ, cho nên [Vô Trí] là không có Bồ Tát pháp giới. “Diệc vô đắc” (Cũng không có đắc): “Đắc” chính là Bồ Đề, Niết Bàn, [tức là] không có Phật pháp giới. Có kẻ hiểu cái Không trong câu “Sắc bất dị Không” là Thật Tướng của Chân Không. Thoạt nhìn có vẻ hợp lý, nhưng xét kỹ hình như không trọn vẹn. Vì sao vậy? Đã là không có Ngũ Uẩn, Lục Nhập, Thập Nhị Xứ, Thập Bát Giới, tức lục phàm pháp giới của thế gian; lại không có Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên, Trí, Đắc, đó chính là bốn thánh pháp giới xuất thế gian. Hết thảy các pháp thánh – phàm đều không, lẽ đâu cái Không của thế gian lại chẳng không? Do phàm tình lẫn thánh kiến đều không, cho nên có thể viên mãn Bồ Đề, trở về cái “không có gì để được” (vô sở đắc). Do “không có gì để được” nên “tâm vô quái ngại, khủng bố, viễn ly điên đảo, mộng tưởng, cứu cánh Niết Bàn” (tâm không vướng mắc, sợ hãi, xa lìa điên đảo, mộng tưởng, rốt ráo Niết Bàn).

Pháp này chính là pháp rốt ráo thành Phật của tam thế chư Phật, do trong tướng Không của các pháp chẳng có những pháp thánh – phàm, chúng sanh – Phật v.v… cho nên có thể từ phàm đến thánh tu nhân chứng quả, chứng trọn vẹn pháp này. Ví như dựng nhà phải có chỗ trống thì người mới ở được. Nếu nhà chẳng có chỗ trống, người ta làm sao ở được? Do Không, nên mới có thể chân tu thực chứng. Nếu chẳng Không, sẽ chẳng có tác dụng này. Do trong trí Bát Nhã sâu chẳng thấy tướng của những thứ tình kiến này nên là Vô, chớ hiểu lầm chẳng tu là Vô. Nếu hiểu chẳng tu là Vô sẽ phá hoại chánh pháp của chư Phật, chắc chắn bị đọa mãi trong A Tỳ địa ngục, hãy nên suy nghĩ cặn kẽ! Thuyết này của Quang có chỗ chẳng phù hợp cách giải thích của người xưa, nhưng ý nghĩa chánh yếu chẳng trái nghịch kinh Phật, cũng có thể nói là một loại kiến giải “thấy rặng, thấy đảnh, thấy nhân, thấy trí”[1] vậy.

***

[1] Câu này dựa theo thành ngữ: “Một dãy Lô sơn nhìn ngang là rặng, nhìn dọc thấy đảnh” và câu “người nhân thấy là nhân, người trí thấy là trí”, cùng ngụ ý: Bản thể là một, nhưng tùy theo sự hiểu biết của mỗi người mà lãnh hội khác biệt.