Trả lời cư sĩ Tăng Di Chi (bốn bài)

1) Phật thất ở Linh Nham phần nhiều hồi hướng một lần (những nơi khác phần lớn cũng làm như thế), tức là mỗi ngày trước lúc giữa trưa, cúng Phật xong, liền đến trước bài vị cúng cơm (dẫu là Phật thất cầu sống lâu mà kèm thêm lễ cúng cơm cho các bài vị tổ tiên cũng không trở ngại gì) thì cũng là một lần hồi hướng. Mỗi ngày trừ công khóa sáng chiều hết sáu cây hương[1] ra, sau cây hương thứ hai và sau khi cúng Phật, cúng cơm cho người đã khuất xong, tạm nghỉ giây lát rồi dùng cơm trưa.

2) Công khóa sáng tối vì vong nhân xưng danh hồi hướng, Sâm chiếu theo công khóa phổ thông chốn tùng lâm, mỗi lần xong khóa sáng vào mồng Một hay Rằm, lúc lễ Tổ gần xong, liền đọc câu “Mỗi người hãy vì cha mẹ sanh thành, lễ Phật ba lạy cầu sanh Tịnh Độ”. Vì thế, mỗi ngày Rằm hay mồng Một, dù chỉ có một người tụng niệm khóa sáng xong cũng chiếu theo lệ thường lễ Tổ (chỗ này lúc hành lễ cùng đại chúng thì có phần đầy đủ hơn). Lễ xong, liền xưng danh lễ Phật một lần, coi như hồi hướng.

Nếu như hồi hướng cho cha mẹ thì trong tâm thầm niệm quán tưởng rằng: “Thay cho cha mẹ sanh thành lễ Phật ba lạy” (nếu lễ một lạy thì đọc “một lạy”), sám hối nghiệp chướng, giải trừ vô biên tội nghiệp, tiêu tan, tháo gỡ oan khiên, tội lỗi, thoát lìa đường khổ, cầu Phật từ bi xót thương nhiếp thọ, sớm được tiếp dẫn vãng sanh Tịnh Độ (vừa lạy vừa thầm niệm, trong tâm nghĩ tưởng hình dáng cha mẹ cùng ở trước đức Phật lễ bái với ta. Một lạy tưởng như thế, mỗi lạy cũng đều như thế). Đối với cha mẹ làm như vậy mà đối với những người khác cũng tưởng như vậy. Thậm chí oán thân bình đẳng cho đến hết thảy chúng sanh trong pháp giới lần lượt khắp vì họ xưng danh lễ Phật hồi hướng.

Dẫu chẳng phải mồng Một, ngày Rằm, trong công khóa sáng tối, khi đọc Tam Quy Y xong, nếu chẳng lễ Tổ thì cũng nên thay cho cha mẹ sanh thành và những ân nhân có liên quan (hoặc có nhân duyên đặc biệt, như thân hữu mới vừa qua đời v.v…) đều hồi hướng như thế. Điều này Sâm chẳng được truyền dạy, hoàn toàn dựa theo ý kiến của chính mình để làm (ở Linh Nham mỗi tối đại hồi hướng cũng có ba lạy), chuẩn theo lý thì đương nhiên không trở ngại gì. Hồi hướng xong, hoặc liền lễ Phật ba lạy lui ra thì cũng được.

Sâm còn thực hiện khóa lễ Quán Thế Âm Bồ Tát, trì chú Đại Bi, Vãng Sanh v.v… để cầu thế giới hòa bình, ta người cùng thoát khỏi ách nạn v.v… (Công khóa của Linh Nham được gọi là Linh Nham Niệm Phật Nghi Quy, mùa Hạ năm nay đã sớm xuất bản rồi, tiếc rằng lúc này không gởi được. Đợi khi có thể gởi được sẽ gởi mấy bản thì ông sẽ biết).

3) Chuyện trà-tỳ (hỏa thiêu) thì Tăng hay Tục đều không trở ngại gì. Người Tây Vực chết rồi có bốn cách mai táng: Một là thả trôi trong nước, tức bỏ xuống các sông rạch để no lòng cá rùa (cách này cần phải ở gần sông rạch lớn mới được. Nếu ở tại con suối nhỏ nơi vách núi thì chẳng thích hợp). Hai là hỏa thiêu, tức dùng lửa đốt xác hòng phá Ngã Chấp (cách này chỗ nào cũng thực hiện được). Ba là chôn xuống đất, đào đất chôn vùi để khỏi bị bộc lộ (cách này cũng phổ biến). Bốn là lâm thi, tức bỏ trong rừng cho chim thú ăn (cách này phải ở trong rừng sâu, chằm lớn mới được, rốt cuộc chẳng ổn thỏa bằng ba cách trước). Nước ta xưa nay chủ yếu là chôn dưới đất (đọc thiên sách của Mạnh Tử nói “trong đời thường có kẻ chẳng chôn cất cha mẹ” sẽ biết nguyên do), thật ra vẫn chẳng mỹ mãn bằng hỏa thiêu.

Khi Phật pháp truyền sang phương Đông, Tăng chúng đều hỏa thiêu với ý nghĩa phá trừ Ngã Chấp. Con người bị phiền não sanh tử hoàn toàn là do Ngã Chấp, Thân Kiến làm căn bản, ngay như cả họa hoạn lớn lao như dâm dục v.v… cũng do Ngã Chấp, Thân Kiến mà sanh. Nếu Thân Kiến, Ngã Chấp đã phá thì dâm dục còn do đâu mà sanh? Vì thế, vào thời Đường, thời Tống, những vị cao nhân đạt sĩ thông hiểu sâu xa Phật pháp tuy chưa xuất gia cũng thường chú trọng hỏa thiêu. Đời sau phần nhiều chẳng thích theo gương ấy chính là giữ chặt Thân Kiến, Ngã Chấp! Thân Kiến quá nặng chính là một chướng ngại lớn cho việc tu hành.

Trong thư ông gởi đến, có câu: “Cư sĩ phần nhiều chưa đoạn dục, sắc thân chẳng thanh khiết, chớ nên hỏa thiêu” thì cũng không phải là lời bàn luận thông suốt! Cái thân của hạng phàm phu sát đất là do Tứ Đại giả hòa hợp, chưa đạt đến địa vị nghiệp tận tình không thì chẳng cần biết là Tăng hay Tục, đều là do máu thịt tanh tưởi, hôi thối, bẩn thỉu hợp thành. Nếu dựa theo tình kiến thiển cận của kẻ phàm ngu mà luận thì tuy cái thân đoạn dục so với kẻ tham dục dường như thanh khiết hơn, nhưng tâm dục chưa sạch thì ô uế vẫn còn! Nếu luận theo đế lý cao sâu thì Tứ Đại vốn không, Ngũ Uẩn chẳng có, các pháp nhân duyên đều không có tự tánh.

Biển Chánh Biến Tri của chư Phật ở trong tâm tưởng của hết thảy chúng sanh; một niệm hồi quang liền giống như vốn đã đắc, diệu thể Tỳ Lô Giá Na phô bày trọn vẹn khắp các giới. Vốn chẳng có sanh, diệt, tăng giảm sai khác, sao lại có tăng, tục, nhơ, sạch khác biệt? Vì thế, Tâm Kinh nói: “Bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm” chính là chỉ cho bản thể Thật Tướng Chân Như của ba pháp tâm, Phật, chúng sanh không sai biệt. Chúng ta mê chân đuổi theo vọng, trái giác hiệp trần đến nỗi trôi giạt sanh tử trọn chẳng có thuở thoát ra! Nay muốn bỏ vọng về với chân, trái trần hiệp giác, liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập thánh thì phá trừ Thân Kiến, Ngã Chấp phải là công phu cần thực hiện trước hết!

Do điều này, phàm là người học Phật nếu biết cầu cho thần thức được yên vui thì chẳng nệ là Tăng hay tục đều nên hỏa thiêu, chẳng những không trở ngại gì mà còn có ích thật sự (đối với hoàn cảnh hiện thời và mai sau, hỏa táng rất thích hợp vì do đường sắt cắt ngang, phần nhiều những ngôi mộ bị phơi thây lộ xương. Nếu ở nơi đô hội thì quan tài giá mắc, kiếm đất chôn rất khó, e rằng dẫu chẳng phải là đệ tử Phật cũng phải làm theo cách này! Nhưng điều quan trọng là cần phải tìm cho được cách thức hỏa thiêu tốt đẹp). Nếu như quyến thuộc chẳng nỡ lòng hỏa táng thì cũng là vì chẳng biết những ý nghĩa “chú trọng đến sự yên vui của thần thức” và “họa hại của Thân Kiến, Ngã Chấp” mà ra! Nếu hơi hiểu biết thì chỉ sợ người trong cuộc chẳng làm cho nhanh ấy chứ! Hàng quyến thuộc cũng nên khéo thấu hiểu tấm lòng người thân, há nên sanh chút lưu luyến nào!

4) Về chuyện áo mũ dùng để nhập liệm cho hai chúng tại gia, do đã biết là “cần phải phá trừ Thân Kiến, Ngã Chấp” thì áo mũ miễn sao thuận tiện là được rồi, chẳng cần phải nói nữa! Cái sắc thân suốt cả một đời phải nhờ vả nó để làm hết thảy mọi chuyện mà còn bỏ được như đồ thừa thì áo mũ là thứ bao bọc bên ngoài huyễn thân nào còn đáng để coi trọng! (Đối với người còn sống trên đời, Khổng Tử còn chẳng coi áo xấu, thức ăn dở là điều đáng thẹn, huống chi là những thứ dùng để nhập liệm gán theo cái xác đã hư nát sau khi con người đã chết).

Theo ngu kiến, ắt phải tiết kiệm, giản lược là hay nhất. Thà giảm bớt chi phí chế tạo áo mũ mới [rồi dùng khoản tiền dôi ra đó] để hoằng pháp lợi sanh và làm những sự nghiệp từ thiện như cứu tế kẻ đói rét khốn khổ hòng giúp ích cho thần thức người đã khuất được yên vui. So với chuyện tốn kém để khâm liệm cho trọng hậu thì chuyện được – mất như một trời một vực, nhưng cần phải thuận theo tình cảm thế tục của kẻ làm con đôi chút, đừng vì chú trọng thần thức mà bỏ sạch những lễ nghi.

Tùy theo tâm nguyện của người đã khuất mà mặc Tăng phục hay y phục thế gian đều chẳng sao cả, nói chung là chớ nên tốn kém quá. Nếu như do chính người đã khuất chủ trương đồ khâm liệm gần đến mức quá tốn kém, rườm rà thì cũng nên khéo léo giải thích để người ấy chẳng chấp vào Thân Kiến là được. Nếu thuận theo lòng tham đắm của người ấy rồi khâm liệm trọng hậu để giúp cho Thân Kiến, Ngã Chấp của người ấy [được thỏa mãn] thì sẽ gây chướng cho sự vãng sanh, đấy chính là điều không nên vậy! Nếu người đã khuất chủ trương khâm liệm đạm bạc tức là không bị vướng mắc nơi Thân Kiến, thì tăng phục hay y phục thế gian đều chẳng trở ngại gì! Ngu kiến như vậy đó, chẳng biết bậc cao minh nghĩ thế nào?

***

[1] Theo quy định của Phật thất phổ thông, thời gian công phu niệm Phật mỗi ngày bằng sáu cây hương (mỗi cây hương ở đây tức là thời gian tàn hết một cây hương dài làm theo lối xưa, mỗi cây hương cháy được khoảng một tiếng rưỡi. Công phu sáng là một cây hương, sau đó niệm Phật buổi sáng hai cây hương, buổi chiều hai cây hương, buổi tối niệm Phật và đại hồi hướng một cây hương, tổng cộng là sáu cây hương).