tống vân

Phật Quang Đại Từ Điển

(宋雲) Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Bắc Ngụy, người Đôn hoàng, là Sứ thần của vua Hiếu minh đế nhà Bắc Ngụy. Tháng 11 niên hiệu Thần qui năm đầu (518, có thuyết nói niên hiệu Hi bình năm đầu, hoặc Chinh quang năm thứ 2), sư vâng mệnh Hồ thái hậu, cùng với các sa môn Pháp lực, Tuệ sinh (có chỗ nói Huệ sinh), xuất phát từ Lạc dương, đi qua các xứ Xích lãnh, Thổ cốc hồn, Thiện hiện, Mạt thành, Hãn ma, Vu điền, Chu câu ba, Hán bàn đà, Bát hòa, Hát thát, Ba tư, Xa di… Tháng 12 năm sau, sư đến nước Ô trường, yết kiến vua nước này, đồng thời nói về đạo đức của Khổng, Mạnh, Lão, Trang và phương thuật thần tiên cho vua nghe. Trung tuần tháng 4 niên hiệu Chính quang năm đầu (520), Sư đến nước Càn đà la. Sau đó, sư lại đi về phía tây, vượt qua sông Tân đầu (tức sông Ấn độ), chiêm bái các Phật tích như tháp Tước li, Đại tháp… Tháng 2 năm sau (có thuyết nói năm 522 hoặc 523), sư trở lại Lạc dương, mang về 170 bộ kinh điển Đại thừa bằng tiếng Phạm. Sau khi về nước, sư y cứ vào những điều mắt thấy tai nghe khi đi qua các nước vùng Tây vực mà soạn thành cuốn Tống vân hành kỉ, về sau, sách này được thu vào Lạc dương già lam kí quyển 5. Ngoài ra, truyền thuyết Chích lí tây qui, Chích lí Đạt ma(ngài Bồ đề đạt ma cầm một chiếc giày về Ấn độ) rất nổi tiếng trong lịch sử Thiền tông Trung quốc, chính là sự tích truyền kì về việc ngài Tống vân và Sơ tổ Thiền tông Trung quốc là ngài Bồ đề đạt ma gặp nhau ở Thông lĩnh. Cứ theo Bảo lâm truyện quyển 8, chương Bồ đề đạt ma trong Lịch đại pháp bảo kí và Cảnh đức truyền đăng lục quyển 3 thì ngài Bồ đề đạt ma đến Trung quốc truyền pháp trong nhiều năm, sau, vào năm Thái hòa 19 (495) đời vua Hiếu văn đế nhà Bắc Ngụy, sư ngồi an nhiên thị tịch, được mai táng ở núi Hùng nhĩ. Ba năm sau, ngài Tống vân hoàn thành chuyến du hành qua Tây vực, trên đường trở về Trung quốc, sư bỗng gặp tổ Bồ đề đạt ma ở Thông lĩnh, tay cầm một chiếc giày, một mình bước đi thoăn thoắt. Cảnh đức truyền đăng lục quyển 3 (Đại 51,220 trung) ghi: Tống vân hỏi: Sư về đâu? Sư nói: Về Tây thiên. Rồi bảo Tống vân: Chúa của ông đã qua đời. Tống vân nghe nói trong lòng hoang mang, từ biệt sư rồi vội đi về phía đông. Đến khi phục mệnh thì vua Minh đế đã băng hà, vua Hiếu trang lên nối ngôi. Tống vân thuật lại việc gặp ngài Đạt ma cho vua nghe, vua liền ban lệnh khai mồ và mở quan tài ra xem thì chỉ thấy còn một chiếc giày, cả triều đình kinh ngạc, vâng mệnh vua đem chiếc giày còn lại về chùa Thiếu lâm cúng dường. Truyền thuyết này thấy được ghi chép trong tất cả truyện kí về ngài Bồ đề đạt ma, nhưng theo sự khảo chứng của người đời sau thì Tống vân gặp gỡ ngài Bồ đề đạt ma ở Thông lãnh chưa chắc đã là người có thật mà là mượn tên Tống vân sứ thần Bắc Ngụy để hư cấu nên truyền thuyết này; vả lại, trong Tống vân hành kỉ không thấy một câu một chữ nào về sự tích này. [X. chương Bồ đề Đạt ma trong Truyền pháp bảo kì; chương Bồ đề đạt ma trong Tổ đường tập Q.2; Lạc dương già lam kí Q.5; Bắc Ngụy tăng Huệ sinh sứ Tây vực kí; Thích ca phương chí quyển hạ; Phật tổ thống kỉ Q.38; Ngụy thư Tây vực truyện; Ngụy thư thích lão chí; Hà nam thông chí Q.33; Buddhist Records of the Western World, Introduction by S.Beal; Voyage de Song Yun dans l’Udyàna et le Gandhàra, 518-522 BEFEO, 1905 par E.Chavannes (bản văn này có bản dịch tiếng Hán, Phùng thừa quân dịch và chú thích, đề tựa là Tống vân hành kỉ tiên chú, được thu vào Tây vực nam hải sử địa khảo chứng dịch tùng mậu tập, Thương vụ ấn thư quán ấn hành)].