tổng tức biệt danh

Phật Quang Đại Từ Điển

(總即別名) Tên chung tức tên riêng. Nghĩa là dùng tên gọi toàn thể để chỉ cho tên gọi bộ phận trong toàn thể ấy, gọi là Tổng tức biệt danh. Như Tịnh độ vốn chỉ chung cho cõi nước của chư Phật trong mười phương, nhưng cũng chuyển sang chỉ riêng cho thế giới Cực lạc ở phương Tây. Lại như Lục tổ vốn là Tổ thứ 6 chung của các tông, nhưng nay cũng chuyển sang chỉ cho Lục tổ Đại sư Tuệ năng. Ngoài ra, Tam tạng pháp sư tức chỉ cho Pháp sư Huyền trang. [X.luận Câu xá Q.1, 6; Câu xá luận quang kí Q.1]. TỔNG TƯỚNG BIÊT TƯỚNG Tướng chung và tướng riêng. Tướng trạng bao gồm toàn thể, gọi là Tổng tướng, tướng trạng chỉ cho cá biệt, đặc thù, gọi là Biệt tướng. Chẳng hạn như các tướng vô thường, vô ngã… là tướng chung của tất cả pháp hữu vi, gọi là Tổng tướng, còn tướng ướt của nước, tướng nóng của lửa… thì gọi là Biệt tướng. Thí dụ như pháp Quán Phật, quán tưởng toàn thể sắc thân của Phật, gọi là Tổng tướng quán, còn chỉ quán tưởng một phần sắc thân Phật thì gọi là Biệt tướng quán. Luận Đại trí độ quyển 31 (Đại 25, 293 thượng) ghi: Về tự tướng không thì tất cả pháp có 2 thứ tướng là Tổng tướng và Biệt tướng, vì không nên gọi là tướng không. Hỏi: Thế nào là Tổng tướng và thế nào là Biệt tướng? Đáp: Tổng tướng như vô thường; còn Biệt tướng thì các pháp tuy đều vô thường, nhưng mỗi pháp đều có biệt tướng, như đất là tướng cứng, lửa là tướng nóng. Vì thế nên biết tất cả muôn vật đều có 2 tướng Tổng và Biệt. Lấy ngựa trắng làm thí dụ thì ngựa là Tổng tướng, trắng là Biệt tướng của Tổng tướng kia. Tổng tướng là 1 trong 6 tướng. Sáu tướng là: Tổng tướng, Biệt tướng, Đồng tướng, Dị tướng, Thành tướng và Hoại tướng. Về nghĩa 6 tướng viên dung thì Hoa nghiêm ngũ giáo chương quyển 4 có nói như sau (Đại 45, 507 hạ): Gọi là Tổng tướng là vì một tướng bao hàm nhiều đức; gọi là Biệt tướng vì nhiều đức chẳng phải ở trong một tướng. Biệt nương tựa vào Tổng, vì Tổng kia đầy đủ. Đây chính là tông Hoa nghiêm nói rõ về Tổng tướng và Biệt tướng từ lập trườngPháp giới duyên khởi, Vô tận viên dung. [X. kinh Thập trụ Q.1; kinh Hoa nghiêm Q.23 (bản 60 quyển); kinh Hoa nghiêm Q.34 (bản 80 quyển); kinh Tiệm bịnhất thiết trí đức Q.1; kinh Thập địa Q.1; Thập địa kinh luận Q.3; Đại thừa nghĩa chương Q.3; Hoa nghiêm thám huyền kí Q.9; Hoa nghiêm kinh sư tử chương]. (xt. Lục Tướng Viên Dung; Tổng Tướng Quán Biệt Tướng Quán).