TỔNG QUAN VỀ NGHIỆP
Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ

MỤC LỤC

*

TỰA

Tập sách này nguyên là phần giới thiệu tổng quát cho phẩm IV “Phân biệt nghiệp” luận A-tì-đạt-ma Câu-xá, bản dịch Việt, Hương tích đã ấn hành nhiều lần, lần đầu 2015 và gần đây vào 2019; nay tách thành một tác phẩm riêng biệt. Tiên khởi, vì chỉ là phần giới thiệu tổng quát cho phẩm Nghiệp của Câu-xá nên các vấn đề cũng chỉ giới hạn trong các biện luận của các bộ phái A-tì-đàm.

Nhưng nói về nghiệp thì không thể không biết đến các luận điểm của Đại thừa, trong đó phải kể đến hệ Du-già hành (Yogacāra), thường được biết đến với tên gọi Duy thức tông hay Pháp tướng tông. Nghiên cứu riêng về nghiệp trong tông phái này không thể ngắn hơn nghiên cứu trong các hệ A-tì-đàm, với khối lượng tác phẩm đồ sộ phần lớn tồn tại trong các bản Hán dịch và những sớ giải từ các bản dịch này. Trong khi chờ đợi những khảo cứu sâu rộng từ hệ phái này, ở đây cũng cần có cái nhìn sơ lược về nó, tất nhiên vấn đề quan trọng là quá trình sau khi tạo tác được tích lũy và tồn tại, nghiệp tồn tại như thế nào để cho quả trong nhiều đời sau.

Để bổ túc cho các luận giải A-tì-đàm, sau phần chính với những vấn đề chính như được thấy trong Câu-xá, trong đây cũng thêm hai bản Phụ luận, và một Phụ lục văn bản Đại thừa Thành nghiệp luận dịch Việt bởi Tuệ Sỹ và Tâm Nhãn.

Mặc dù phần chính đã được ấn hành nhiều lần, nhưng những lỗi chính tả trong đó còn tương đối không ít. Những phần khác như thư mục tham khảo, ngữ vựng Phạn-Tạng-Hán, sách dẫn, cũng không thể thiếu trong một tác phẩm nghiên cứu. Những phần này do đạo hữu Nguyên Đạo Văn Công Tuấn bổ sung và hoàn tất. Nơi đây tác giả chân thành ghi nhận công đức vô lượng của đạo hữu đã đóng góp cho tác phẩm này được hoàn chỉnh để xứng đáng là một tác phẩm nghiên cứu.

Một tác phẩm nghiên cứu Phật học không thể không biết đến các văn hệ Phạn-Tạng-Hán, và thêm vào đó là văn hệ Pāli được xem là gần với nguyên thủy Phật thuyết. Những từ cú của các hệ ngôn ngữ được trích dẫn trong sách này mà tránh được những sai sót, đó là nhờ công đức của Thượng Tọa Hạnh Tấn, Geshe Tsewang Dorje, Đại Đức Thanh An và đạo hữu Thanh Phi. Tác giả chân thành ghi nhận công đức hỗ trợ của chư vị.

Ngoài ra, để cho một công trình nghiên cứu được hoàn chỉnh trong một giới hạn nào đó, cũng phải kể đến sự đóng góp của nhiều đạo hữu khác về mặt kỹ thuật. Nơi đây cũng xin chân thành ghi nhận công đức của chư vị. Nguyện hồi hướng công đức này đến mọi loài chúng sanh cho được sự tăng ích an lạc.

Mùa An Cư PL. 2565 (DL. 2021)

Tuệ Sỹ

***

Một vài nhận xét về sách này

Người học Phật đôi khi có chút khó khăn với sách tiếng Việt. Họ nói: gặp phải những vấn đề gai góc, phải đọc sách tiếng Pháp, tiếng Anh mới hiểu. Tiếng Việt khó diễn đạt tư tưởng, triết lý hơn các ngôn ngữ kia chăng? Văn phạm của ta kém chặt chẽ, mà triết lý thì cần phải chính xác? Có lẽ không phải chỉ vì ngữ pháp. Nhưng đúng là tham khảo sách tiếng Pháp, tiếng Anh thì hiểu rõ hơn.

Nhưng, chắc gì các học giả phương Tây hiểu đúng tinh tế trong ý Phật bằng sách của các bậc Thầy của tôi? Họ có cái đầu đáng kính mà ta phải học, nhưng có những vấn đề mà phải tu mới thực chứng. Nghiệp là vấn đề số một. Tôi phải đọc sách của các bậc Thầy của tôi trước, để chắc chắn rằng mình không bị dẫn đi sai đường.

Sách của Thầy Tuệ Sỹ cho tôi cái an tâm đó. Sách của Thầy là thầy của tôi. Thầy cho tôi cái hiểu biết mà tôi nghĩ là đúng. Đồng thời, Thầy thông tuệ cả hai luồng tư tưởng Đông Tây và nhất là cả cách diễn đạt rõ ràng, trong sáng, chặt chẽ mà ta thường khen ngợi khi đọc sách phương Tây. Thầy làm vẻ vang cho ngữ pháp tiếng Việt khi đi vào triết lý bí hiểm. Tôi có ánh sáng để mò mẫm vào một chữ mà cho đến nay tôi hiểu chưa ra. Chữ Nghiệp.

Cao Huy Thuần (Pháp)

*

Có hay không có Nghiệp? Có hay không có Tự ngã? Có hay không có Thời gian? Có hay không có một Linh hồn? Thật là những câu hỏi choáng váng! Ký ức được lưu trữ ở đâu để tạo thành Nghiệp?

Khoa học não bộ trả lời: ở Hippocampus (hồi hải mã) trong não, cùng với thể viền, lưu giữ ký ức, chịu trách nhiệm cả cảm xúc lẫn hành vi, nhờ nhu nhuyến của các synapse (điểm tiếp hợp thần kinh). Phật giáo không cho có cái gọi là tự ngã, tiểu ngã, đại ngã, linh hồn, nhưng tin có “Nghiệp mang theo” để “trả quả”. Cái gì mang Nghiệp theo? Thần thức tái sinh, luân hồi? Rồi có cái gọi là Thời gian để cho Nghiệp vận hành không? Tính thể của thời gian là gì? Thời gian được tri giác bằng giác quan nào? Câu trả lời là chính ta đã tạo ra thời gian cho mình. Tri giác về thời gian cũng là tri giác về sự chết.

Những câu hỏi nêu ra trong tác phẩm này có thể làm ta chới với mà lại cảm thấy mừng, vui. Chính trong ta đôi khi cũng gợi lên những câu hỏi như vậy mà không dám trả lời. May thay có Thầy Tuệ Sỹ, à không, có nhà thơ Tuệ Sỹ hóa giải giùm; bởi như Thầy đã nói (tr.289 sách này), chỉ có “Thơ dẫn kinh nghiệm vượt ra ngoài kinh nghiệm”.

Ta hỏi kiến nơi nào Cõi Tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay
Từ tiếng gọi màu đêm đất khổ
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời
(Tuệ Sỹ: Giấc mơ Trường Sơn).

Đỗ Hồng Ngọc (Việt Nam)

*

Tác phẩm “Tổng Quan Về Nghiệp” của Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một tập đại thành hàn lâm mang tính thông tri và sử luận về nghiệp. Tác giả đã dày công nghiên cứu, tham khảo để chắt lọc những tinh hoa tư tưởng của “bách gia chư tử” xưa nay, Đông cũng như Tây, bên ngoài cũng như bên trong đạo Phật, thông qua trải nghiệm cũng như lý giải về nghiệp. Có nhiều thuật ngữ Phật học và Triết học khiến tác phẩm tương đối không dễ đọc; nhưng mặt khác, tính trung thực và giá trị nghiên cứu của tác phẩm càng được nâng cao.

Nguồn tư liệu về bản chất, ý nghĩa và sự vận hành của nghiệp đã được tham cứu và trưng dẫn trong tác phẩm nầy đạt tầm mức chuyên biệt và sâu rộng đáng tin cậy. Từ áo nghĩa lời Phật thuyết đến tuệ kiến của các luận sư, học giả và hành giả trong cả hai lĩnh vực nhân văn và khoa học đều được trình bày và lý giải đầy thuyết phục.

Ngoài nội dung uyên bác và phong phú, riêng về mặt chữ nghĩa, đọc tác phẩm “Tổng Quan Về Nghiệp” của Thầy Tuệ Sỹ tôi thật sự bị lôi cuốn bởi cảm tưởng như là đang theo dõi một Michelangelo văn bút vì chữ nghĩa của Thầy trong văn Việt cũng như văn dịch rất phong phú với nhiều góc cạnh tạo hình đẹp và sang như nhà điêu khắc ngôn ngữ.

Có quá nhiều thuật ngữ triết học, tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng trong các ngoại ngữ như Anh, Pháp, Đức, Phạn, Hán… đã được chuyển ngữ sang tiếng Việt một cách đượm nghĩa và tài hoa.

Trần Kiêm Đoàn (Hoa Kỳ)