tổng nguyện biệt nguyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(總願別願) Nguyện chung và nguyện riêng. Tổng nguyện chỉ cho thệ nguyện chung của chư Phật, Bồ tát, như 4 thệ nguyện rộng lớn, 10 đại nguyện của Bồ tát Phổ hiền…; còn Biệt nguyện là thệ nguyện được phát khởi do ý thích riêng của mỗi đức Phật, mỗi vị Bồ tát, như 48 nguyện của đức Phật A di đà, 12 nguyện của đức Phật Dược sư… Phẩm Vấn tăng na trong kinh Phóng quang bát nhã quyển 3 (Đại 8, 20 thượng) ghi: Bồ tát vì chúng sinh mà phát đại thệ nguyện rằng: Ta sẽ tự thực hành đầy đủ 6 Ba la mật, cũng sẽ giáo hóa người khác khiến họ thực hành đầy đủ 6 Ba la mật. Kinh Vô lượng thọ quyển thượng (Đại 12, 269 trung) ghi: Ta phát nguyện vượt thế gian, chắc chắn đến đạo Vô thượng; nếu nguyện này chẳng đầy đủ, Ta thề không thành Chính giác. Vì thế biết chư Phật, Bồ tát khi mới phát tâm đều dốc chí cầu bồ đề Vô thượng, lấy việc tế độ hết thảy chúng sinh làm nguyện, đó là Hoằng thệ, cũng gọi là Tổng nguyện. Như 4 thệ nguyện rộng lớn, 20 đại thệ nguyện, 18 nguyện Phổ hiền… đều thuộc Tổng nguyện. Đồng thời chư Phật, Bồ tát phát nguyện thành tựu chúng sinh, làm cho cõi Phật thanh tịnh; hoặc nguyện thành Phật ở cõi nước ô uế để cứu độ các chúng sinh ương ngạnh, khó giáo hóa. Những thệ nguyện này y cứ vào ý thích riêng của mỗi đức Phật, mỗi vị Bồ tát mà được lập ra, nên gọi là Biệt nguyện. Như 20 nguyện của Phật A súc, 24 nguyện, 36 nguyện, 48 của Phật A di đà, 12 nguyện, 44 nguyện của Phật Dược sư, cho đến 18 nguyện của bồ tát Văn thù, 40 nguyện của bồ tát Sư tử hương… đều thuộc Biệt nguyện. (xt. Bản Nguyện).