tòng nghĩa

Phật Quang Đại Từ Điển

(從義) Cao tăng Trung quốc sống vào đời Bắc Tống, người ở Bình dương thuộc Ôn châu (nay là huyện Vĩnh gia, tỉnh Chiết giang), họ Diệp, tự Thúcđoan. Sư xuất gia năm 8 tuổi, 17 tuổi thờ ngài Phùtông Kếtrung làm thầy, học tập giáo nghĩa tông Thiên thai, sau sư đi khắp các nơi, lần lượt trụ trì 5 chùa: Đại vân, Chân bạch, Ngũ phong, Bảo tích và Diệu quả. Năm 27 tuổi, sư giảng Thiên thai tứ giáo nghi ở chùa Diệu quả, đồng thời soạn bộ Thiên thai tứ giáo nghi tập giải. Sư là người đoan chính thanh bạch, thức ngủ điều độ, đam mê soạn thuật, quá ngọ không ăn, trái pháp không nói, thường nằm nghiêng bên phải, nước không lọc chẳng uống, uy nghi chỉnh túc. Sư cho rằng từ đời Tùy, Đường về sau, các tông phái không y cứ vào kinh luận, chỉ chú trọng việc tu chứng, phán thích không hết ý của Phật, cho nên trong các bộ bổ chú, tập giải do sư soạn, chỗ nào sư cũng biện minh điều này. Tuy học theo tông học chính thống của ngài Tứ minh Tri lễ thuộc phái Sơn gia, ra sức hoằng dương Thiên thai, nhưng luận thuyết của sư thường khác xa với quan điểm của ngài Tứ minh Tri lễ, vì thế người đời sau gọi sư là Hậu sơn ngoại. Về già, sư trụ chùa Thọ thánh ở Tú châu (nay là huyện Gia hưng, tỉnh Chiết giang), mở rộng tông phong. Năm Nguyên hựu thứ 6 (1091), sư thị tịch, thọ 50 tuổi, thụy hiệu Thần Trí. Sư có các tác phẩm: Pháp hoa tam đại bộ bổ chú 14 quyển, Kim quang minh huyền nghĩa thuận chính kí 3 quyển, Kim quang minh văn cú tân kí 7 quyển, Chỉ quán nghĩa lệ toản yếu 6 quyển, Chỉ quán nghĩa lệ khoa 1 quyển, Thủy chung tâm yếu chú 1 quyển, Tứ giáo nghi tập giải 3 quyển, Quán kinh sớ vãng sinh kí 4 quyển, Thập bất nhị môn thông kí 3 quyển, Kim ti ngụ ngôn kí 4 quyển, Tịnh danh lược kí 10 quyển, Sưu huyền kí 3 quyển, Pháp hoa cú khoa 6 quyển, Bồ tát giải sớ khoa 1 quyển. [X. Thích môn chính thống Q.5; Phật tổ thống kỉ Q.21; Thích thị kê cổ lược Q.4].