tông nghĩa nhất phần vi nhân

Phật Quang Đại Từ Điển

(宗義一分爲因) Tiếng dùng trong Nhân minh. Tức lấy một phần của Tông (mệnh đề) làm Nhân (lí do). Theo qui tắc lập luận của Nhân minh, điều này không được chấp nhận. Tông nghĩa nhất phần vi nhân có thể được chia làm 2 loại như sau: 1. Lấy pháp Năng biệt trong Tông làm Nhân. Như lập luận thức: Tông:Âm thanh là vô thường. Nhân:Vì nó là cái vô thường. Người lập luận lập Âm thanh là vô thường thì chính mình đã thừa nhận tất cả âm thanh đều phù hợp với tính chất vô thường, cho nên nói theo lập trường của người lập luận thì Nhân (vô thường) trong luận thức trên hoàn toàn có quan hệ với tính chất của Tông (vô thường), tức hoàn toàn phù hợp với qui định Biến thị tông pháp tính, vốn không hề có lỗi. Nhưng người vấn nạn không chấp nhận nghĩa Âm thanh là vô thường, không tán đồng việc người lập luận dùng Nhân Vì nó là cái vô thường làm lí do xác lập Tông, nên nó không phải hoàn toàn quan hệ với tính chất của Tông. Thực ra, Năng biệt (Tân từ của Tông) là pháp Bất cực thành, ngữ nghĩa của nó dùng có thích hợp với Hữu pháp (chủ từ của Tông) hay không thì chỉ cần được người lập luận chấp nhận là được, chứ không cần người vấn nạn chấp nhận. Còn pháp Năng lập (2 chi Nhân, Dụ) thì phải là pháp Cực thành, ý nghĩa của nó được dùng có thích hợp với Hữu pháp hay không thì phải được cả người lập luận và người vấn nạn cùng chấp nhận. Cho nên, nếu dùng Năng biệt làm Nhân tức là dùng pháp Bất cực thành làm pháp Cực thành, không phù hợp với qui định Biến thị Tông pháp tính, vì thế không thể dùng nó để chứng minh Tông. 2. Dùng Hữu pháp trong Tông làm Nhân.Như lập luận thức: Tông:Âm thanh là vô thường. Nhân:Vì nó là âm thanh. Trong luận thức trên, Nhân tuy phù hợp với điều kiện Biến thị tông pháp tính, nhưng đối với là vô thường của âm thanh thì hoàn toàn chưa nêu được lí do, cho nên cũng không chứng minh được Tông thể. Nguyên tắc của Nhân minh qui định phạm vi của Hữu pháp phải hẹp hơn phạm vi của pháp Năng lập, nếu dùng Hữu pháp làm Nhân thì phạm vi của cả 2 phải bằng nhau, phạm vi của Hữu pháp không thể hẹp hơn phạm vi của pháp Năng lập, vì thế không thể dùng để chứng minh Tông. [X. Nhân minh đại sớ lê trắc (Trần đại tề); Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)]. (xt. Bất Thành Nhân, Biến Thị Tông Pháp Tính, Thể).