tông môn chích anh tập

Phật Quang Đại Từ Điển

(宗門摭英集) Tác phẩm, 3 quyển, do ngài Duy giản trụ trì thiền viện Siêu hóa ở Việt châu biên tập vào năm Cảnh hựu thứ 5 (1038) đời Tống, được khắc in ở Hàng châu vào khoảng năm Hoàng hựu. Về sau, bộ sách này được truyền đến Cao li và do Cao li Đại tạng đô giám khắc lại vào năm Cao tông 24 (1254). Nhưng, sau khoảng vài trăm năm, sách này và cả bản gỗ khắc in đều bị thất lạc, nên đời sau không biết đến tên của sách này. Cho mãi đến tháng 7 năm 1981, học giả Hàn Quốc là ông Triệu minh cơ mới tìm thấy bản chép tay của bản gỗ sách này trong một nhà sách cũ ở Hán thành, khiến giới học thuật chú ý. Trong 53 tấm bản gỗ của quyển thượng thì đã mất 2 tấm, phần còn lại chỉ chép truyện kí của 180 vị, cuối quyển có phụ lục Qui sơn cảnh sách. Trong 52 tấm bản gỗ của quyển trung chép truyện kí của 137 vị và trong 48 bản gỗ của quyển hạ thì ghi truyện tích của 107 vị. Tác giả sách này tham phỏng các bậc Tông tượng ở nhiều nơi, xem khắp các sách và lấy Bảo lâm truyện, Truyền đăng lục, Quảng đăng lục và Truyền đăng ngọc anh tập làm bản gốc, đồng thời thu chép những truyện thiếu sót trong các bộ Tăng truyện khác mà biên tập thành sách này. Đây là bộ tư liệu trọng yếu về mặt lịch sử Thiền tông Trung Quốc, nhất là sách này có chép truyện kí của 8 vị mà chưa thấy được ghi trong bất cứ bộ Tăng truyện nào, đó là: Cam chi hành giả, Tế Thượng tọa ở Trì xuyên, Kê sơn chương ở Trì châu, Báo từ khuông hóa ở Đàm châu, Ứng ngộ ở núi Vân môn tại Thiều châu, Phúc hóa nghiêu ở Mi châu, Thượng hóa thành Huệ giám ở Lô sơn và Thường ở núi Bách trượng tại Hồng châu. Đây là chỗ quí giá hơn nữa của bộ sách này.