TÔNG KÍNH LỤC
Thời Bắc Tống, Thiền sư Trí Giác – Diên Thọ viện chủ chùa Tuệ Nhật, Vĩnh Minh tại Ngô Việt soạn tập.
Kinh số: 2016

 

QUYỂN 03

Hỏi: Phàm, giáo nói rõ hết thảy muôn pháp, chí lý hư huyễn, chẳng phải chứng của có không, tuyệt tánh của tự tha. Nếu không một pháp làm tự thể, vậy làm sao lập tông?

Đáp: Nếu chẳng lập tông, học sao quy thú? Nếu luận bàn về tự tha có không, đều là thức tâm của chúng sanh phân biệt, là môn đối trị, theo tướng đợi có. Tự thể pháp thân trong tâm thật lý đâu đồng huyễn có, chẳng theo huyễn không. Kinh Lăng-già nói: “Phật dạy: Đại Tuệ! Thí như chẳng phải tánh trâu ngựa, tánh trâu ngựa kỳ thật chẳng phải có chẳng phải không, kia chẳng phải không tự tướng” giải thích xưa rằng: Trên thân thể của ngựa chẳng thể nói tánh trâu là có hay là không, nhưng. Xưa chẳng phải không có tự thể của ngựa. Thí như trên pháp thân chẳng được nói tánh của ấm giới nhập là có hay là không, nhưng chẳng phải không có tự tướng của pháp thân. Lý pháp không đây vượt quá có không, tức tánh của pháp thân, nhưng có thú có hướng trí trái với Thiên chân. Không đắc không quy tình sanh đoạn diệt. Chỉ có đó chẳng cần mong cầu, khuôn chân rõ ràng như vậy, không đó tự nhiên đủ, diệu chỉ sâu mầu, thì lắng vậy có kết quy, điềm nhiên không gián đoạn, chóng vượt năng sở, chẳng ở nơi có không, có thể gọi là chân thật kết quy năng thông chí đạo vậy.

Hỏi: Dùng tâm làm tông. Thế nào là tướng của tông thông?

Đáp: Nội chứng tự tâm, Đệ nhất nghĩa lý, trú ở địa vị tự giác, vào môn Thánh trí, vì tương ưng đó, gọi là tướng tông thông. Đó là lúc hành chẳng phải lúc giải. Nhân giải thành hành, hành thành giải tuyệt, thì nói năng dứt tuyệt, chỗ tâm hành diệt. Như kinh Lăng-già nói: “Phật bảo: Đại Tuệ! Tông thông nghĩa là duyên tự được tướng thắng tấn, xa lìa ngôn thuyết văn tự vọng tưởng khống đến tự tướng cõi vô lậu địa vị tự giác,xa lìa tất cả giác tưởng hư vọng nhiếp phục hết thảy chúng ma, ngoại đạo. Duyên tự giác thú hướng quang minh phát huy, đó gọi là tướng tông thông”. Do đó, ngộ tâm thành Tổ thánh trước tương truyền, nên Đại sư đạt-ma nói: “Rõ Phật tâm tông, trọn không sai lầm, hành giải tương ưng, gọi đó là Tổ”. Lại nói lời kệ tụng rằng: “cũng chẳng nhìn ác mà ganh ghét,cũng chẳng nhìn thiện mà riêng. Cũng chẳng bỏ ngu mà gần hiền, cũng chẳng vất mê mà đến ngộ, đạt đại đạo vậy quá lượng, thông tâm Phật vậy vượt qua. Chẳng cùng phám Thánh đồng giẫm siêu nhiên, gọi đó là Tổ”.

Hỏi: Ngộ đạo sáng tông như người uống nước nóng lạnh tự biết.

Làm sao nói được hành tướng đó?

Đáp: Trước đã nói: Chư Phật dùng phương tiện chẳng đoạn thời nay, kín trải tâm từ sâu chẳng khiến riêng bỏ. Người đời sáng tỏ trọn chẳng mở lời, chỉ vì nhân nghi ngờ nên hỏi, nhân hỏi nên đáp. Đó là Đức Bổn sư ở trên pháp hội Lăng-già vì chư vị Đại Bồ-tát ở mười phương đến cầu pháp, nên đích thân giảng nói hai thứ thông đó: Một là tông thông; hai là thuyết thông. Tông thông làm Bồ-tát, thuyết thông làm ngu dại, Phật Tổ lại vì kẻ sơ cơ, ngu dại ít rủ lòng mở bày. Đó là nói về thuyết thông, chỉ vì theo người tìm pháp từ ngôn ngữ sanh giải hiểu. Sợ chấp phương tiện lấy làm chân thật, mê lầm ở tông thông, do đó, phân mở nghĩa của hai thông. Tông thông nghĩa là duyên tự được tướng thắng tấn, xa lìa ngôn thuyết văn tự vọng tưởng, cho đến duyên tự giác thú hướng quang minh phát huy, nếu đích thân đạt đến địa vị tự giác, lúc quang minh tỏa phát, được gọi là như người uống nước, nóng lạnh tự biết. Như một đoàn người mù mắt, cảnh chiếu phân minh, nghiệm hình thể thật của voi, trọn chẳng mò đuôi ngà voi, thấy chánh sắc sữa, đâu ở đàm nói hộc tuyết. Ngay trước người đầy đủ mắt sáng, nếu lại nói bày thì chẳng được xưng là biết thời, gọi là Đại pháp sư. Người thấy vầng nguyệt, trọn không nhìn ngón tay, người đích thân về đến nhà tức tự dứt hỏi lộ trình, chỉ chứng tương ưng, chẳng đợi nói bày, trọn chẳng chấp ngón tay là vầng nguyệt, cũng chẳng lìa ngón tay mà thấy vầng nguyệt. Như trong kinh Đại Niết-bàn nói: “Thí như có vị vua bảo một quan đại thần rằng: “Ông dẫn một con voi ra chỉ bày cho các người mù”. Khi ấy quan đại thần vâng nhận lời vua bảo rồi, nhóm tập đông nhiều người mù, mà dẫn voi ra chỉ bày. Bấy giờ các người mù mỗi tự đưa tay xúc chạm vào voi. Quan đại thần liền trở về tấu với vua rằng: “Thần đã chỉ bày xong”. Khi ấy, vua bèn gọi các người mù lại, theo thứ tự từng người mà hỏi: “Ông có thấy voi chăng?” Các người mù đều nói: “Tôi đã được thấy”. Vua hỏi: “Voi là loại như thế nào?” Trong đó, người xúc chạm ngà voi thì nói hình voi như củ cải. Người xúc chạm tai voi thì nói voi như chiếc ky, người xúc chạm đầu voi thì nói voi như tảng đá, người xúc chạm mũi voi thì nói voi như chày, người xúc chạm chân voi thì nói voi như cối gỗ, người xúc chạm lưng voi thì nói voi như sàn giường, người xúc chạm bụng voi thì nói voi như chiếc bình, người xúc chạm đuôi voi thì nói voi như sợi dây. Này thiện nam! Như các người mù kia, chẳng nói hình thể voi cũng không phải chẳng nói. Như các tướng đó hẳn chẳng phải voi, nhưng lìa các tướng đó ra lại không có voi riêng khác. Này thiện nam! Vua đó dụ như Đức Như Lai, bậc Ứng Chánh biến tri, quan đại thần dụ như kinh Phương Đẳng, đại Niết-bàn, voi dụ như Phật tánh, người mù dụ như chúng sanh vô minh. Các chúng sanh đó nghe Phật giảng nói pháp rồi, hoặc nói lời rằng: “Sắc là Phật tánh tại sao? Sắc đó tuy diệt nhưng lần lượt tương tục, cho nên chứng đắc vô thượng, Như Lai có ba mươi hai tướng, Như Lai là sắc thường, sắc của Như Lai thường chẳng đoạn dứt, nên nói sắc đó là Phật tánh. Thí như vàng thật, chất tuy biến đổi mà sắc màu thường chẳng khác, hoặc có lúc làm xuyến, làm mâm, nhưng màu vàng như mới đầu không đổi khác. Chúng sanh, Phật tánh cũng lại như vậy. Chất tuy vô thường, mà sắc là thường, do đó nên nói sắc là Phật tánh. Cho đến nói thọ, tưởng, hành, thức v.v… là Phật tánh. Lại có người nói rằng: Lìa Ấm có Ngã. Ngã là Phật tánh. Như các người mù kia, mỗi tự nói về voi, tuy chẳng được thật, chẳng phải không nói về voi. Nói về Phật tánh cũng lại như vậy. Chẳng phải tức sáu pháp, chẳng lìa sáu pháp. Này thiện nam! Cho nên Ta nói chúng sanh, Phật tánh chẳng phải sắc chẳng phải lìa sắc, cho đến chẳng phải Ngã chẳng phải lìa Ngã. Này thiện nam! Có các ngoại đạo tuy nói có ngã mà thật là không ngã. Chúng sanh ngã tức là ngũ ấm. Lìa Ấm ngoài ra không có Ngã nào riêng khác. Này thiện nam! Thí như cành lá tua đài hợp lại làm hoa sen, lìa các thứ đó ra lại không có hoa nào riêng khác”. Phật lại bảo: “Này thiện nam! Các ngoại đạo ngu si như là trẻ con, không trí tuệ phương tiện, không khả năng thấu hiểu thường và vô thường, khổ và vui, tịnh và không tịnh, ngã và vô ngã, thọ mạng và chẳng phải thọ mạng, chúng sanh và chẳng phải chúng sanh, thật và chẳng phải thật, hữu và chẳng phải hữu, đối với trong Phật pháp chấp lấy một phần ít, hư vọng chấp có thường lạc ngã tịnh mà thật chẳng biết thường lạc ngã tịnh. Như người vừa mới sanh đã mù, không biết sắc màu của sữa, bèn hỏi người khác: “Sắc màu của sữa tương tợ gì?” Người ấy đáp: “Sắc màu sữa trắng như võ sò”. Người mù lại hỏi: “Sắc màu của sữa như bối ngang ư?” Người ấy đáp: “Không phải vậy”. Người mù lại hỏi: “Sắc màu của võ sò tợ gì?” Người ấy đáp: “Tợ như cháo gạo”. Người mù lại hỏi: “Sắc màu của sữa mềm mại như cháo gạo ư? Cháo gạo sao tương tợ được?” Người ấy đáp: “Giống như mưa tuyết”. Người mù lại hỏi: “Cháo gạo kia lạnh như tuyết ư? Tuyết sao tương tợ được?” Người ấy bèn đáp: “Giống như bạch hộc”. Người mới sanh ra mà mù đó tuy nghe bốn thứ thí dụ như vậy nhưng trọn không biết sắc màu chân thật của sữa. Các ngoại đạo đó cũng lại như vậy, trọn không thể biết thường lạc ngã tịnh. Này thiện nam! Với ý nghĩa như vậy, trong Phật pháp ta có chân thật đế chẳng phải như của ngoại đạo”.

Phàm, chân thật đế là chỗ kết quy của Tông Kính, lúc chưa nghe ngộ chẳng tin hiểu những pháp nói xa và tự tu hành, đều thành môn sanh diệt chiết phục, chẳng vào đạo Vô sanh cứu cánh. Như trong kinh Yêm-đề-già-nữ nói: “Bấy giờ Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi lại hỏi rằng: “Lại có người sáng suốt biết sanh mà tướng chẳng sanh, có bị sanh lưu lại không??” Đáp: “Có. Tuy tự thấy rõ, nhưng sức lực đó chưa sung mãn mà bị sanh lưu lại ấy vậy”. Lại hỏi: “Lại có người vô tri không biết tánh sanh thì rốt cùng có bị sanh lưu lại chăng?” Đáp: “Không. Tại sao vậy? Nếu chẳng thấy tánh sanh, tuy nhân điều phục mà ít được nơi an, tướng chẳng an đó thường làm đối trị. Nếu người hay thấy sanh tánh, tuy ở nơi chẳng an, mà tướng an thường hiện tiền. Nếu người chẳng biết như thế, tuy có các thứ thắng biện, bàn nói điển tịch sâu mầu, mà tức là tâm sanh diệt nói lời bí yếu của thật tướng kia, như người mù phân biệt về sắc màu, nhân người khác nói nên nói được xanh vàng đỏ trắng đen mà chẳng thể thấy được tướng chánh của sắc màu. Nay người không thể thấy các pháp cũng lại như vậy, chỉ nay làm chỗ sanh của sanh làm chỗ tử của tử mà có chỗ giảng nói, mới đối với người đó, tức không có nghĩa của sanh tử ư? Nếu làm chỗ buộc của thường và vô thường cũng lại như vậy. Phải biết người đại đắc không cũng chẳng tự đắc không, nên nói nghĩa có và không ư? Nên biết hay rõ biết tánh của muôn pháp Vô sanh, đó là đắc đạo”. Trong kinh Đại Bát-nhã nói: “Phật bảo: Này Thiện Hiện! Vì hết thảy pháp không; không chỗ có, đều chẳng tự tại, hư dối không bền chắc, nên hết thảy pháp không sanh, không khởi, không biết, không thấy. Lại nữa, này Thiện Hiện! Hết thảy pháp tánh không chỗ nương dừng, không chỗ lệ thuộc, do nhân duyên đó, không sanh, không khởi, không biết, không thấy”. Trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Pháp ấn như thật in các nghiệp môn, được pháp Vô sanh, trú nơi Phật trú, quán tánh vô sanh in các cảnh giới, chư Phật hộ niệm phát tâm hồi hướng, cùng các pháp tánh tương ưng hồi hướng, vào pháp vô tác, thành tựu phương tiện sở tác”. Do đó, chưa rõ yếu chỉ của duy tâm, người chưa vào Tông Kính, hướng đến trong vô sanh khởi dơ bẩn của tham si, ở trong chân không đắm duyên cảnh giới, lấy làm đối trị, thành luân chuyển đó. Nếu hay soi chiếu trở lại, tâm cảnh đều lắng. Như kinh Chư Pháp Vô Hành nói: “Nếu Bồ-tát thấy tham dục tế tức là chân tế, thấy sân nhuế tế tức là chân tế, thấy ngu si tế tức là chân tế, thì hay diệt hết tội của nghiệp chướng. Cho đến người ngu phàm phu không biết các pháp rốt cùng là diệt tướng, nên tự thấy ở thân đó, cũng thấy người khác. Do vì thấy đó bèn khởi thân, khẩu, ý nghiệp, cho đến không thấy Phật, không thấy Pháp, không thấy Tăng. Đó là không thấy hết thảy pháp. Nếu chẳng thấy hết thảy pháp,ở trong các pháp thì chẳng sanh nghi ngờ Vì chẳng sanh nghi ngờ thì chẳng nhận chịu hết thảy pháp. Vì chẳng nhận chịu hết thảy pháp thì tự tịch diệt”. Trong kinh Bất Khả Tư Nghì Phật Cảnh Giới nói: “Bấy giờ Đức Thế Tôn lại bảo Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi rằng: “Đồng tử! Ông có thể rõ biết chỗ trụ của Đức Như Lai là pháp Bình đẳng chăng?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Thế Tôn! Con đã rõ biết”. Phật hỏi: “Đồng tử! Thế nào là chỗ trụ của Đức Như Lai là pháp Bình đẳng?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Nơi hết thảy phàm phu khởi tham sân si, là nơi trụ của Đức Như Lai là pháp Bình đẳng?” Phật hỏi: “Đồng tử! Thế nào là nơi hết thảy phàm phu khởi tham sân si, là nơi trụ của Đức Như Lai là pháp Bình đẳng?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Hết thảy phàm phu ở trong pháp không, vô tướng, vô nguyện khởi tham sân si, cho nên nơi hết thảy phàm phu khởi tham sân si, tức là nơi trú của Đức Như Lai, là pháp Bình đẳng”. Phật hỏi: “Đồng tử! Không há là pháp có mà nói ở trong tham sân si?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Không là có, cho nên tham sân si cũng là có”. Phật hỏi: “Đồng tử! Không, thế nào là có? Tham sân si lại thế nào là có?” Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi thưa: “Bạch Đức Thế Tôn! Không, do vì nói năng nên có. Tham sân si cũng vì nói năng nên có. Như Đức Phật nói : Tỳ-kheo có pháp không sanh không khởi, vô tác vô vi, chẳng phải các hành đây chẳng phải không có. Nếu không có thì đối với các pháp sanh khởi, tác, vi, các hành, phải không xa lìa, vì có nên nói xa lìa vậy. Đây cũng như vậy, nếu không có không thì ở nơi tham sân si không có xa lìa. Vì có, nên nói xa lìa tham v.v… các thứ phiền não vậy”. Trong luận Trung Quán có kệ tụng rằng:

“Từ pháp chẳng sanh pháp,
Cũng chẳng sanh phi pháp,
Từ phi pháp chẳng sanh pháp,
Và cùng với phi pháp”.

Giải thích thẳng ý bài kệ rằng: Pháp tức là có, như sắc tâm v.v…. Phi pháp là không, như sừng thỏ v.v…. Nếu từ pháp sanh pháp, như mẹ sanh con, pháp sanh phi pháp, như người sanh gái đá. Từ phi pháp mà sanh pháp, như sừng thỏ mà sanh người, từ phi pháp mà sanh phi pháp, như lông rùa sanh sừng thỏ. Nên luận Bát-nhã Giả Danh nói: “Lại có ý nghĩ rằng: Nếu Như Lai chỉ chứng vô sở đắc, Phật pháp tức một, chẳng phải vô biên. Cho nên kinh nói: Như Lai nói hết thảy pháp đều là Phật pháp. Phật pháp nghĩa là gì? Tức vô sở đắc, cho nên hết thảy không gì chẳng là Phật pháp. Thế nào là hết thảy đều vô sở đắc? Kinh nói hết thảy pháp tức chẳng phải hết thảy pháp. Thế nào là chẳng phải ư? Vì tánh vô sanh. Nếu vô sanh tức là vô tánh. Thế nào gọi là hết thảy pháp? Vì ở trong vô tánh giả mượn nói năng. Hết thảy pháp không có tánh, tức là chúng sanh, Như Lai Tạng tánh”. Cư sĩ Bàng Uẩn có bài kệ tụng rằng:

“Kiếp lửa thiêu đốt trời, trời chẳng nóng,
Gió chướng thổi động chẳng nghe tiếng.
Trăm sông đua nhau trút vào biển chẳng đầy tràn,
Ngũ nhạc danh sơn chẳng thấy hình.
Lắng trong tĩnh lự không dấu vết,
Ngàn đường đều gồm vào vô sanh”.

Nên biết các pháp theo ý thành hình, ngàn đường nhân tâm mà có tượng. Một niệm lắng tịch, muôn cảnh rỗng rang. Nguyên đồng môn không hai, đều vào yếu chỉ vô sanh. Do đó, trong Hành Lộ Nan, Phó Đại Sĩ nói: “Ông chẳng thấy, các pháp chỉ giả không thi thiết Tịch tĩnh vô môn làm pháp môn, trong tất cả pháp tâm làm chủ. Nay ta lại chẳng được nguồn tâm, tầm tìm xét nguồn đã không được, nên biết các pháp đều không căn”.

Lại nữa, vô sanh có hai. Như luận Thông Tâm nói: “Một là, Pháp tánh vô sanh, diệu lý nói pháp, cực rỗng nói tánh, xưa nay tự vậy, gọi là vô sanh. Hai là, Duyên khởi vô sanh, phàm cảnh do tâm hiện, nên chẳng từ tha sanh, tâm gá cảnh khởi, nên chẳng tự sanh. Tâm cảnh mỗi khác, nên chẳng cùng sanh, cùng nhân mà có, nên chẳng không nhân sanh”. Cũng nói, một là lý vô sanh, vì viên thành thật tánh vốn chẳng sanh. Hai là, sự vô sanh, tướng của duyên sanh, tức là vô sanh. Luận Chỉ Quán nói: “Nếu giải thích kinh Kim Cang tức chuyển ý vô sanh vào trong môn không trú. Không trú sắc bố thí. Không trú thanh hương v.v…, bố thí, tuy các pháp không trú, vì không trú pháp, trú trong Bát-nhã tức là vào không. Vì không trú pháp, trú ở Thế đế tức là vào giả. Vì không trú pháp, trú ở thật tướng tức là vào trung, tuệ không trú đây tức là Kim cang Tam-muội, có khả năng phá hết đá tảng, cát sỏi vụn vặt, suốt cùng cả Bản tế”. Lại như Đức Phật Thích-ca Mâu-ni nhập Đại tịch định Kim cang Tam-muội, luận của Thiên Thân, Vô Trước khai mở thiện, rộng giải thích, há vượt ngoài ý vô sanh vô trú ư? Nếu đắc ý đó, ngàn kinh muôn luận rỗng rang không nghi ngại. Đó là chương mới đầu của học quán, căn bản của nghĩ bàn, diệu tuệ của giải thích khác lạ, chỉ quy của vào đạo, giềng mối rộng lớn sự lý đầy đủ. Một giải ngàn theo, pháp môn tự tại. Nên biết hết thảy các pháp đều từ vô sanh tánh không mà có. Có mà chẳng phải có, chẳng lìa tục mà thường chân, chẳng phải có mà có, chẳng lìa chân mà thường tục, thì huyễn có lập mà vô sanh hiển bày, không và hữu rõ ràng. Hai tướng hết mà hai sự còn, chân tục rõ ràng thì vô sanh mà không gì chẳng sanh, chẳng trú ở hai bên vậy. Như cổ đức có lời tụng rằng:

“Vô sanh trọn chẳng trú,
Muôn tượng không bày trải,
Nếu làm giải vô sanh,
Lại bị vô sanh buộc”.

Hỏi: Dùng tâm làm tông, lý phải cứu cánh, nói về hữu tình giới, chân ngụy tợ phân, chẳng thể sấm đồng có lạm viên giác, như vàng thau cùng đốt nóng, giả thật chợt phân, cát gạo đồng nấu, sống chín có khác. Vậy không biết dùng tâm nào làm tông?

Đáp: Thật như điều hỏi phải kín nhiệm nhận biết tâm. Diệu này khó biết, chỉ Phật mới hay hiện rõ, chỉ vì hàng Tam thừa kính đạo, thấy có sai biệt, lầm chỉ vọng tâm lấy làm chân thật, nhận giặc hư vọng mà làm con thật, bỏ hết của báu trong nhà, nhặt lấy mắt cá mà cho là ly châu. Không mê mắt trí, bèn khiến đứa con ngu si, vùi lấp vào nhiều lớp của ngục hữu, người tà đảo đắm chìm sóng lớn của sông kiến, đùa lửa bừng nói nhà mục nát, quên khổ quên nhọc nằm mộng lớn suốt đêm dài, mê tâm mê tánh, đều vì chấp duyên lự đó làm thân của chính mình, bỏ sót chân tâm đây, nhận thanh sắc khác, đó là chỗ mất của hàng ngoại đạo xuất tục và hàng phàm phu tại gia. Cho đến hàng Tam thừa kính đạo học pháp. Thiền tông cũng mê mờ tâm đây, chấp phương tiện của Phật, đến nỗi khiến giáo mở tám lưới, thừa đối bốn cơ, vượt một niệm mà xa chợt ba kỳ, công rỗng cả Đại kiếp. Lìa bảo sở mà lâu đắm trong hóa thành, vết tích khốn nhọc giữa đường dài, đó là quyền cơ quả nhỏ, cho đến chỗ mất của Thiền tông không được ý vậy. Do đó, trong kinh Thủ Lăng Nghiêm, Đức Phật bảo A-nan rằng: “Hết thảy chúngsanh từ vô thỉ đến nay, bởi các thứ điên đảo, giống nghiệp tự nhiên như ác xoa tụ. Các người tu hành không thể được thành Vô thượng Bồ-đề, cho đến riêng thành Thanh văn, Duyên giác, và thành ngoại đạo, chư thiên, ma vương và quyến thuộc của ma, đều do không biết hai thứ lầm loạn tu tập, tợ như nấu cát mà muốn thành thức ăn ngon, giả sử trải qua kiếp số như vi trần trọn không thể được. Thế nào là hai thứ? A-nan! Một là, căn bản sanh tử từ vô thỉ, thì như ông nay cùng các chúng sanh dùng tâm phan duyên lấy làm tự tánh. Hai là, Bồ-đề Niết-bàn từ vô thỉ nguyên thể thanh tịnh, thì như ông nay, thức tinh nguyên minh hay sanh các duyên, chỗ duyên bỏ sót là do các chúng sanh bỏ sót bản minh đây. Tuy trọn ngày thực hành mà không tự biết, uổng vào trong các thú”. Giải thích rằng: Hai thứ căn bản ấy tức là hai tâm chân vọng. Một là, căn bản sanh tử từ vô thỉ tức là căn bản vô minh, đó là vọng tâm, mới đầu mê lầm nhất pháp giới, bất giác chợt khởi mà có niệm đó. Chợt khởi tức là vô thỉ, như tròng mắt mệt nhọc thì hoa đốm hiện, ngủ say thì mộng sanh. Vốn không nguyên có lý do của khởi nguyên, chẳng phải có nơi định sanh, đều từ vọng niệm, chẳng phải duyên ngoài khác, từ đó thành nghiệp thức vi tế, thì khởi chuyển thức, chuyển làm năng tâm. Sau đó khởi hiện thức, hiện ngoài cảnh giới, hết thảy chúng sanh đồng dùng nghiệp đó chuyển hiện đều cả ba thức, khởi phan duyên trong ngoài làm tự tánh của tâm, nhân sanh tử tương tục đó lấy làm căn bản. Hai là, Bồ-đề Niết-bàn từ vô thỉ nguyên thể thanh tịnh. Đó tức là chân tâm, cũng gọi là tự tánh thanh tịnh tâm, cũng gọi là bản giác thanh tịnh. Vì không khởi không sanh, tự tánh bất động, chẳng bị sanh tử làm nhiễm, chẳng bị Niết-bàn làm tịnh, đặt là thanh tịnh. Thể thanh tịnh đó là tinh nguyên của tám thức vốn tự viên minh, vì tùy theo nhiễm bất giác, chẳng giữ tánh, như hang rỗng, mặc tình âm vang theo duyên phát tiếng. Đây cũng như vậy, hay sanh các pháp thì lập hai phần kiến tướng, tâm cảnh hỗ tương sanh, chỉ tùy theo duyên của nhiễm tịnh, bỏ sót tánh viên thường đây, như nước tùy theo gió khởi các gợn sóng. Như chúng sanh ấy mất gốc theo ngọn, cứ mãi chìm đắm đều không nhận biết, uổng chịu dối khổ, tuy chịu khổ dối, mà vui thật thường còn, mặc tình giẫm trải qua lên xuống, bản giác vẫn chẳng động, như nước làm sóng mà chẳng mất tánh ướt. Chỉ biết biến tâm làm cảnh, lấy ngộ làm mê, từ mê tích chứa mê, rỗng luống trải qua số kiếp như vi trần, nhân mộng sanh mộng, trọn mê mờ trong đêm dài. Nên kinh nói: “Phải biết hết thảy chúng sanh từ vô thỉ lại sanh tử tương tục, đều do không biết chân tâm thường trú tánh tịnh minh thể, dùng các vọng tưởng, tưởng đó chẳng phải chân, nên có luân chuyển.

Vì không rõ chân tâm bất động mà theo vọng thức luân hồi. Thức đó không thể, chẳng lìa chân tâm. Nguyên ở vô tướng chân nguyên, chuyển làm hữu tình vọng tưởng, như gió dấy khởi sóng trong đầm lắng, sóng tuy động mà thường ở nguồn chẳng động. Tợ như màng mắt sanh hoa đốm giữa khoảng không, hoa tuy hiện mà chẳng lìa tánh của hư không, màng mắt tiêu hư không sạch, bóng dứt đầm lắng sạch. Chỉ một chân tâm cùng khắp pháp giới. Lại nữa, tâm ấy chẳng phải từ khoảng trước sanh, chẳng ở khoảng giữa trú, chẳng đến khoảng sau diệt, thăng giáng chẳng động, tánh tướng chỉ nhất như, thì từ trước bẩm thọ dùng chân tâm đây làm tông, lìa đây mà tu hành, đều là ràng buộc trong lưới ma, riêng có sở đắc, đều vùi lấp trong rừng tà. Do đó, hay động tâm từ sâu sắc, gấp bội sanh khởi xót thương”. Nên Nhị tổ mong cầu vọng tâm đó không được, sơ tổ khi ấy bèn truyền y pháp. A-nan chấp vọng tâm ấy, Đức Như Lai do đó mà chê trách. Như trong kinh nói: “Phật bảo: A-nan! Ông nay muốn biết đường Xa-ma-tha, mong ra ngoài sanh tử. Ta nay lại hỏi ông: “Khi ấy Đức Như Lai bèn đưa cánh tay sắc vàng co năm ngón lại mà bảo A-nan rằng: “Nay ông có thấy gì chăng?” A-nan thưa: “Dạ thấy”. Phật bảo: “Ông thấy chỗ nào?” A-nan thưa: “Con thấy Như Lai đưa cánh tay co quắp ngón lại làm nên ánh sáng đánh lóa vào trong tim mắt con”. Phật hỏi: “Ông cùng ai thấy?” A-nan thưa: “Con cùng đại chúng đồng dùng mắt thấy”. Phật bảo: “A-nan! Nay ông trả lời Ta, Như Lai co ngón tay làm ánh sáng đánh lóa vào tim mắt ông. Mắt ông có thể thấy. Vậy lấy gì làm tâm, ngay lúc Ta đánh lóa sáng?” A-nan thưa: “Hiện nay Như Lai nêu bày chỗ ở của tâm, mà con dùng tâm tìm tòi đến cùng, tức cái năng tìm tòi thôi, con lấy làm tâm”. Phật bảo: “Ôi! A-nan! Đó chẳng phải tâm ông”. A-nan chợt nhiên rời khỏi tòa, đứng dậy chấp tay bạch Phật rằng: “Đó chẳng phải tâm con, thì phải gọi như thế nào?” Phật bảo: “A-nan! Đó là tướng tưởng tiền trần hư vọng tưởng tướng làm mê hoặc chân tánh của ông. Do ông từ vô thỉ đến nay nhận giặc làm con, đánh mất nguyên thường nơi ông nên nhận chịu lưu chuyển”. A- nan thưa rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Con là người con mến thương của Phật, tâm mến kính Phật nên nay con phát tâm xuất gia. Tâm con đâu riêng cúng dường Như Lai, cho đến khắp các cõi nước như số cát sông Hằng mà phụng sự chư Phật và các thiện tri thức, phát đại dõng mãnh, thực hành hết thảy các pháp sự khó làm, đều dùng bằng tâm đó. Nếu nay phát minh chẳng phải là tâm, thì con là không tâm, đồng như thổ mộc. Lìa giác tri đây lại không có gì khác, cớ sao Như Lai nói đó không phải tâm? Con thật kinh sợ, và tất cả đại chúng đây không ai chẳng nghi ngờ lầm hoặc, cúi mong Như Lai rủ lòng đại bi, thương vì chỉ bày!” Khi ấy, Đức Thế Tôn chỉ dạy cho A-nan và cả đại chúng, muốn khiến tâm vào Vô sanh pháp nhẫn, nên từ tòa sư tử, Đức Phật đưa tay xoa đỉnh đầu A-nan mà bảo rằng: “Đức Như Lai thường nói chỗ sanh các pháp chỉ do tâm hiện, hết thảy nhân quả trong thế giới vi trần đều nhân tâm mà thành thể. A-nan! Như các thế giới tất cả chỗ có, trong đó cho đến cỏ lá nút thắt tơ hỏi đến căn nguyên đều có thể tánh, đến như hư không cũng có danh mạo, huống gì tâm tánh diệu minh thanh tịnh hết thảy tâm mà tự không thể? Nếu ông chấp giác quán dối phân biệt chỗ rõ biết tánh hẳn làm tâm. Tâm đó tức nên lìa tất cả sắc, thanh, hương, vị, xúc, các trần sự nghiệp riêng có toàn tánh. Như nay ông nhân nghe pháp Ta, đó là nhân âm thanh mà có phân biệt. Giả sử diệt tất cả thấy nghe hay biết, trong giữ u nhàn, vãn là pháp trần phân biệt ảnh sự. Ta chẳng bảo ông chấp làm chẳng phải tâm. Chỉ vì ông đối với tâm nhỏ nhiệm thăm dò, nếu lìa tiền trần có tánh phân biệt, tức thật là tâm ông. Nếu tánh phân biệt lìa trần không thể, đó tức là tiền trần phân biệt ảnh sự, trần chẳng phải thường trú. Nếu lúc biến diệt tâm đó thì đồng như lông rùa sừng thỏ, thì pháp thân ông đồng với đoạn diệt,thì ai tu chứng Vô sanh pháp nhẫn ư?” Xưa trước giải thích rằng: Năng tìm tòi tức là vọng tâm, đều có dụng của suy nghĩ chấp trước, cũng được gọi là tâm, nhưng chẳng phải chân tâm. Vọng tâm là ảnh tượng của trên chân tâm. Nên nói thân ông tâm ông đều là vật được hiện trong tâm diệu minh chân tinh diệu. Nếu chấp ảnh tượng đó làm thật, thì lúc ảnh tượng diệt, tâm đó tức đoạn, nên nói nếu chấp duyên trần tức đồng đoạn diệt. Dùng vọng tâm quậy trần thành, thể như tượng trong gương tợ bọt trên nước, mê nước chấp sóng, sóng lắng tâm diệt, mê gương chấp tượng, tượng diệt tâm mất. Như lúc tâm diệt tức thành đoạn kiến, nếu biết tánh ướt chẳng hoại, thể gương thường sáng, thì gợn sóng vốn không, ảnh tượng nguyên lắng. Nên biết cảnh trí chư Phật khắp cùng không giới, thân tâm phàm phu như ảnh như tượng, nếu chấp ngọn làm gốc, lấy vọng làm chân, lúc sanh tử hiện mới nghiệm chẳng thật, nên các bậc Thánh xưa trước nói rằng: “Thấy khoáng không biết vàng, vào lò mới biết lầm”.

Hỏi: Hai tâm chân vọng, mỗi dùng nghĩa gì làm tâm, lấy gì làm thể, lấy gì làm tướng?

Đáp: Chân tâm lấy linh tri tịch chiếu làm tâm, lấy chẳng không vô trú làm thể, lấy thật tướng làm tướng. Vọng tâm lấy sáu trần duyên ảnh làm tâm, lấy vô tánh làm thể, phan duyên tư lự làm tướng. Duyên lự đó rõ ràng là vọng tâm hay biết mà không tự thể, chỉ là tiền trần tùy theo cảnh có không, cảnh đến tức sanh, cảnh đi tức diệt. Nhân cảnh mà khởi, toàn cảnh là tâm. Lại nhân tâm chiếu cảnh, toàn tâm là cảnh. Mỗi mỗi đều không tự tánh, chỉ là nhân duyên. Nên trong kinh Pháp Cú nói: “Bóng nắng không có nước chỉ là hơi mặt trời, trong bóng râm không có sắc chỉ duyên khí vậy. Vì lúc nóng, khí đốt nhân ánh sáng mặt nhật thiêu cháy, từ xa trông nhìn tựa như nước, đó chỉ là tưởng sanh, chỉ là dương khí vậy”. Sắc tâm hư vọng đây cũng là như vậy. Lấy nghiệp tự bản thân làm nhân, lấy cha mẹ ngoại trần làm duyên, hòa hợp tợ hiện sắc tâm, mà chỉ là duyên khí vậy. Nên trong kinh Viên Giác nói: “Vọng nhân sáu trần duyên ảnh làm tướng tự tâm”, nên biết đó là tâm năng tìm tòi, nếu không nhân duyên tức chẳng sanh khởi. Chỉ theo duyên sanh, pháp duyên sanh đều là vô thường, như hình trong gương không thể mà toàn nhân cảnh ngoài, tợ trăng trong nước chẳng thật mà hư hiện không luân, nhận đó làm thật, ngu thật quá lắm vậy. Dó đó, A-nan chấp mà không có căn cứ, bảy chỗ mịt mờ, Nhị tổ thấu rõ mà chẳng sanh. Một lời khế hợp đạo, thì Nhị tổ cầu tâm duyên lự chẳng an đó không được, tức biết chân tâm khắp cùng tất cả xứ, ngộ đó làm tông, bèn mới đầu tiên tiếp nối Tổ vị, A-nan nhân Như Lai dẹp phá vọng tâm. Cho đến ở nơi năm Ấm, sáu nhập, mười hai xứ, mười tám giới, bảy đại tánh, mỗi mỗi nhỏ nhiệm thảy đều thấu triệt, chỉ không đều không tự tánh. Đá chẳng phải nhân duyên, tự tha hòa hợp mà có. Lại chẳng phải tự nhiên, không nhân mà sanh, đều là lời lẽ ý nghĩ thức tưởng phân biệt, nhân đó chợt ngộ chân tâm diệu minh rộng lớn hàm dung khắp tất cả xứ. Liền cùng đại chúng đều đạt tâm đó, đồng tiếng tán thán Đức Phật. Nên trong kinh nói: “Khi ấy A-nan và cả đại chúng được Phật Như Lai chỉ bày vi diệu. Thân tâm rỗng rang được không quái ngại. Đại chúng đó, mỗi mỗi tự biết tâm khắp mười phương, thấy mười phương hư không, như nhìn lá vật cầm nắm trong lòng bàn tay. Hết thảy các vật có trong thế gian đều tức là Bồ-đề nguyên tâm diệu minh. Tâm tinh khắp đủ chứa trong mười phương. Quán sát trở lại thân của cha mẹ sanh ra, tợ như một mảy trần thổi trong mười phương hư không kia, hoặc còn hoặc mất, như một bọt bóng nổi giữa biển cả mênh mông, nổi tan chẳng theo rõ ràng tự biết, được tâm bản diệu thường trú chẳng diệt. Nên chấp tay lễ Phật, được chưa từng có, đối trước Đức Như Lai, nói kệ tán thán rằng:

“Kính lạy Đấng Diệu
Trạm tổng trì bất động,
Pháp Thủ Lăng Nghiêm
Vương ở đời hiếm có,

Dứt trừ ý tưởng điên đảo của con trong ức kiếp,
Chẳng trải qua kiếp số mà chứng đắc pháp thân”.

Tức đồng như Sơ tổ chỉ thẳng tâm người thấy tánh thành Phật.

Hỏi: Hành tướng chân tâm có văn nào làm chứng?

Đáp: Trong kinh Trì Thế nói: “Bồ-tát quán tâm, trong tâm không có tướng tâm, tâm đó xưa nay không sanh không diệt, tánh thường thanh tịnh, do khách trần phiền não nhiễm vào có phân biệt, tâm không biết tâm, cũng không thấy tâm. Tại sao? Tâm đó không, tánh tự không, nên căn v.v… không chỗ có, tâm đó không có một định pháp, vì định pháp không thể được. Tâm đó không pháp, hoặc hợp hoặc tan. Tâm đó khoảng trước khoảng sau không thể được. Tâm đó không hình, không năng kiến tâm, tâm chẳng tự thấy, không biết tự tánh. Cho đến người đó khi ấy không phân biệt là tâm hay chẳng phải tâm. Chỉ khéo biết tướng tâm vô sanh, thông đạt là tánh tâm vô sanh. Tại sao? Tâm không tánh quyết định cũng không tướng quyết định, cho đến không được tướng tâm dơ, không được tướng tâm sạch, chỉ biết tâm đó tướng thường thanh tịnh”. Kinh Đại Bát-nhã nói: “Ở nơi tất cả pháp, tuy không chỗ thủ, mà hay thành tựu phân biệt hết thảy sự nghiệp”. Giải thích rằng: Nếu rõ tự tâm không việc gì chẳng phân biệt. Hoặc vọng chấp thủ tiền cảnh giới lại thành trong tự chẳng đủ. Do đó, kinh Kim Cang Tam-muội nói: “Bồ-tát quán tánh tướng gốc gọi là tự đầy đủ. Ngàn tư muôn lự chẳng ích gì cho đạo lý, nhọc làm động loạn, mất gốc tâm vương”. Luận thích rằng: Vô lượng công đức tức là nhất tâm, nhất tâm làm chủ nên gọi là tâm vương. Sanh diệt động loạn trái tâm vương đây không được trở lại, nên nói là mất. Lại nữa, tâm là thống nhiếp, vương là thống ngự bốn biển tám phương triều tông. Không một dân nào mà chẳng là bề tôi. Nên kinh Như Huyễn Tam-muội nói: “Chẳng cầu các pháp là tên thân mình”. Kinh Tấn Thú Đại Thừa Phương Tiện nói: “Chân như thật quán là tư duy tâm tánh không sanh không diệt, không trú thấy nghe hay biết, xa lìa tất cả tướng phân biệt.

Hỏi: Tâm hay làm Phật, tâm làm chúng sanh, do thấu rõ chân tâm nên thành Phật, do chấp vọng tâm nên làm chúng sanh. Nếu thành Phật đều đủ ngũ nhãn viên thông, ngũ ấm vô lậu. Nên kinh nói: “Diệt sắc vô thường, đạt được sắc thường”. Lại nói: “Diệu sắc trạm nhiên thường an trú”. Lại nói: “Khéo hay phân biệt các pháp tướng”. Vậy, sao nói chân tâm chẳng trú thấy nghe hay biết, trọn xa lìa hết thảy tưởng phân biệt?

Đáp: Nếu là vọng tâm thấy nghe, phải nhờ nhân duyên năng sở sanh khởi, như nói “nhãn đủ chín duyên sanh v.v…”. Nếu không có duyên của sắc và không hòa hợp, tánh thấy không do đâu được phát, năm căn cũng vậy, đều nương duyên khởi. Đó thì duyên tụ hội mà sanh, duyên tan mà diệt, không tự chủ tể, rốt cùng là tánh không như kinh Lăng-già có kệ tụng rằng:

“Tâm làm người thợ khéo,
Ý như người hóa nghề,
Năm thức làm đồng bạn,
Vọng tưởng trông các nghề,
Như người có nghề ca múa,
Tùy người vỗ nhịp chuyển,
Vỗ chậm thì bước chậm,
Vỗ gấp thì bước gấp,
Năm căn cũng như vậy,
Chỉ tùy theo ý chuyển”.

Như nói thân chẳng phải niệm luân, tùy theo niệm mà chuyển. Cớ sao ý địa nếu sanh thân luân động tác, ý địa nếu dứt, căn cảnh đều vắng lặng. Chân tâm thì không như vậy, thường chiếu thường hiện, đến như Thiết vi cũng chẳng thể ép tỏa sáng đó, khắp cùng không giới, bầu trời chẳng thể trùm thể đó. Chẳng thuần chẳng tạp, muôn pháp chẳng thể ẩn chân đó, không trú không nương, trần lao chẳng thể đổi tránh đó, đâu nhờ tiền trần phát sáng, đối cảnh sanh biết, tự nhiên tịch chiếu, linh tri trạm nhiên không ngằn mé. Nên kinh Thủ Lăng – nghiêm nói: “Phật bảo: A-nan! Sáu căn như vậy do giác minh kia có minh minh giác, mất tinh liễu kia, điểm vọng phát sáng. Do đó, nay ông lìa tối lìa sáng, không có thể thấy, lìa động lìa tĩnh nguyên không chất nghe, không thông không bít, tánh ngửi chẳng sanh. Chẳng biến chẳng yên, thường không chỗ ra, chẳng lìa chẳng hợp, giác xúc vốn không, không diệt không sanh rõ biết đặt gá. Ông chỉ chẳng theo động tĩnh hợp lìa yên biến thông bít sanh diệt tối sáng, mười hai tướng hữu vi như vậy, tùy nhổ một căn thoát điểm nội phục, phục về nguyên chân, phát diệu của bản minh, diệu tánh phát sáng, ngoài ra năm điểm khác nên nhổ thoát hết. Chẳng do tiền trần sanh khởi thấy biết. Minh chẳng theo căn, gá căn mà minh phát, do đó sáu căn hỗ tương làm dụng. A-nan! Há ông không biết ở trong chúng hội đây, A-na-luật-đà không mắt mà thấy, rồng Bạt-nan-đà không tai mà nghe, thần nữ Khắc Hà không mũi nghe hương, Kiều-phạm-bát-đề khác lưỡi biết vị, thần Thuấn-nhã-đa không thân có xúc chạm, Như Lai trong ánh sáng ánh ngời khiến tạm hiện, đã không phong chất, thể đó nguyên không. Các diệt tận định, Thanh văn được vắng bặt,như trong hội đây, Ma-ha Ca-diếp từ lâu đã diệt ý căn, viên minh rõ biết chẳng nhân niệm tâm. A-nan! Nay ông các căn nếu nhổ hết rồi, trong ánh ngời phát sáng, phù trần như vậy cùng khí thế gian, các tướng biến hóa, như nước nóng tiêu băng, ứng niệm hóa thành vô thường tri giác. A-nan! Như người đời kia nhóm tụ thấy ở mắt, nếu khiến gấp hợp tướng tối hiện tiền, sáu căn ủ rủ đầu chân cùng loại, người kia dùng tay theo hình thể nhiễu quanh bên ngoài. Kia tuy không thấy đầu chân vừa rõ ràng tri giác là đồng, duyên thấy nhân sáng, tối thành không thấy, chẳng sáng tự phát, thì các tướng tối trọn không thể tối, căn trần đã tiêu, thế nào là giác minh, chẳng thành viên diệu?” Giải thích rằng: Như người thế tục kia nhóm tụ thấy ở mắt sáng trước đó ở đời thấy chẳng phải mắt chẳng trông, nếu khiến gấp hợp, thì không chỗ thấy cùng tai v.v… năm căn tương tợ. Người kia đưa tay theo hình thể nhiễu quanh bên ngoài, tuy chẳng mượn nhờ mắt mà cũng tự biết, tình huống đó là thật thấy chẳng gá cảnh bên ngoài. Duyên thấy nhân sáng, tối thành không thấy, đó là trình bày mắt thế gian, thấy phải nhờ nhân duyên tối sáng, căn trần hòa hợp mới thành ở thấy. Không thấy nào không sáng tự phát, đó là lúc chánh minh chân kiến, tánh thấy chẳng phải mắt. Đã chẳng thuộc mắt, sao lại nương gá chỗ phát của căn trần tối sáng, thì sáng của chẳng sáng, thấy của chẳng thấy, tự nhiên tịch chiếu, linh tri nào từng gián đoạn. Vả lại, tối sáng ở thế gian là tướng hư huyễn ẩn hiện, sao có thể phủ che ư? Do đó, sáng không thể sáng, tối không thể tối vậy. Nên nói: Thì các tướng tối trọn chẳng thể tối, chân tánh thiên nhiên há chẳng phải là viên diệu. Do đó, người học hỏi các bậc Tiên đức rằng: “Thế nào là đại bi thiên thủ nhãn?” Bậc Tiên đức đáp: “Như người trong đêm tối sờ mó được chiếu gối”.

Hỏi: Hành tướng vọng tâm, có văn nào làm chứng chăng?

Đáp: Kinh Thắng Thiên Vương Bát-nhã Ba-la-mật nói: “Phật bảo: Bồ-tát hành Bát-nhã ba-la-mật, tâm niệm khởi tư duy rằng: “Tâm này vô thường mà gọi là thường trú, ở nơi khổ gọi là vui, vô ngã gọi là ngã, bất tịnh cho là tịnh, số động chẳng dừng nhanh chóng chuyển đổi. Kết sử căn bản các môn ác thú, nhân duyên phiền não, hoại diệt thiện đạo, đó chẳng thể tin, tham sân si làm chủ, trong tất cả pháp, tâm là thượng thủ, nếu khéo biết tâm tức đều hiểu các pháp. Các thứ thế gian đều do tâm tạo. Tâm chẳng tự thấy, hoặc thiện hoặc ác đều do tâm khởi, tâm tánh xoay chuyển như vòng lửa quay, đổi chuyển như ngựa, hay thiêu đốt như lửa, bộc khởi như nước. Quán sát như thế, mà ý niệm chẳng động, chẳng theo tâm hành, khiến tâm theo rồi, nếu hay nhiếp phục tâm thì nhiếp phục được các pháp”. Kinh Đại Niết-bàn nói: “Phật bảo: Này thiện nam! Tâm nếu là thường, cũng lại chẳng thể phân biệt các sắc, chỗ gọi là sắc màu xanh vàng đỏ trắng tía. Này thiện nam! Tâm nếu là thường, thì không nên nói năng đã làm nay hiện làm và sẽ làm, nếu có đã làm nay hiện làm và sẽ làm, nên biết tâm đó hẳn nhất định là vô thường. Này thiện nam! Tâm nếu là thường thì không oán thân, chẳng phải oán chẳng phải thân. Tâm nếu là thường thì không nên nói vật ta vật người, hoặc chết hoặc sống. Tâm nếu là thường, tuy có chỗ làm không nên tăng trưởng. Này thiện nam! Vì với nghĩa đó nên biết tâm tánh mỗi mỗi riêng khác, nên biết là vô thường vậy”. Lại nói: “Thế nào là hiện dụ? Như trong kinh nói tâm tánh chúng sanh giống như khỉ vượn. Tánh của khỉ vượn bỏ một lấy một. Tâm tánh chúng sanh cũng lại như vậy. Đắm trước sắc, thanh, hương, vị, xúc pháp, không lúc tạm dừng. Đó gọi là hiện dụ. Có thể nghiệm tức tâm chúng sanh nay như khỉ vượn ở nơi cây cao lên xuống chẳng dừng. Mà khỉ vượn lên xuống ra vào không ngại, như thầy phù thủy đến trong chúng hội, danh tướng đều hư, như người kỹ nhạc ra nơi hý trường, gốc ngọn chẳng thật”. Do đó, kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Lại Tỳ-kheo kia thứ lại quán sát tâm nơi khỉ vượn, như thấy khỉ vượn, như khỉ vượn kia quấy nhiễu chẳng dừng, các thứ cây cành lá quả rừng v.v… nơi núi cốc hang hốc quanh co, đi chẳng chướng ngại, tâm nơi khỉ vượn cũng lại như vậy, năm đường sai biệt như các thứ rừng. Các đường địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ giống như cây kia, chúng sanh vô lượng như các thứ cành, mến ái như hoa lá, phân biệt mến ái tiếng các thứ hương vị v.v… lấy làm các quả, đi nơi núi Tam giới, thân thì như hang, đi chẳng chướng ngại. Tâm khỉ vượn đó, tâm khỉ vượn đây thường đi nơi địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đất của sanh tử. Lại nữa, Tỳ-kheo kia y cứ thiền pháp mà quán sát tâm nơi người kỹ nhạc, như thấy người kỹ nhạc, như người kỹ nhạc kia dùng các nhạc khí ở nơi hý trường làm các thứ đùa vui. Tâm nơi người kỹ nhạc cũng lại như vậy, các thứ nghiệp hóa dùng làm y phục. Đất nơi hý trường nghĩa là đất của năm đường. Các thứ trang sức, các thứ nhân duyên, các thứ nhạc khí nghĩa là tự cảnh giới. Người ca kỹ đùa vui tức đùa vui sanh tử vậy, tâm làm các thứ đùa vui của người ca kỹ, vô thủy vô chung kéo dài sanh tử vậy. Lại nữa, Tỳ-kheo kia y cứ Thiền pháp quán sát tâm cá Di-nê, như thấy Di-nê, như cá Di-nê ở tại trong sông. Nếu nước các sông chảy xiết gấp loạn, sóng sâu mà chảy nhanh, khó thể qua được, hay trôi dạt vô lượng các thứ cây gỗ, thế lực mạnh dữ, không thể ngăn chướng, núi khe sông nước cao vút nhanh gấp xấu, mà cá Di-nê kia hay vào hay ra, hay đi hay dừng, tâm nơi Di-nê cũng lại như vậy, ở trong sông Dục giới sóng loạn nhanh gấp, hay vào hay ra, hay đi hay dừng”. Luận Đại Trí Độ nói:

“Như Phật giảng nói: Người phàm phu có lúc biết thân vô thường, mà chẳng thể biết tâm vô thường. Nếu người phàm phu nói thân có thường, còn sai ít, cho rằng tâm là thường tức rất lầm hoặc vậy. Tại sao? Thân trú hoặc mười năm hoặc hai mươi năm, còn tâm đó ngày ngày qua đi, sanh diệt khác diệt, như việc huyễn, thật tướng không thể được. Có vô lượng nhân duyên như vậy, nên biết tâm là vô thường. Đó gọi là tâm niệm xứ. Hành giả tư duy tâm đó thuộc về ai? Ai sai sử tâm đó? quán sát rồi không thấy có chủ, hết thảy pháp nhân duyên hòa hợp nên chẳng tự tại, chẳng tự tại nên không tự tánh, không tự tánh nên vô ngã. Nếu là vô ngã, vậy ai đang sai sử tâm đó?” Chỉ Quán nói: “Khởi một suy nghĩ biết đến tâm, tùy sự mừng ghét mà sanh ra mười đạo: Một là, nếu tâm đó niệm niệm chuyên tham sân si, nhiếp đó chẳng trở lại, nhổ đó chẳng ra, ngày tháng thêm nhiều, khởi mười ác thuộc thượng phẩm, như năm cửa kéo lưới, đó là phát tâm của địa ngục, đi nơi đường hỏa đồ. Hai là, nếu tâm đó niệm niệm muốn lắm nhiều quyến thuộc, như biển nuốt các dòng, như lửa đốt củi, khởi mười ác thuộc trung phẩm, như Điều-đạt dẫn dụ các người, đó là phát tâm súc sanh, đi đường huyết đồ. Ba là, nếu tâm đó niệm, niệm muốn được tiếng tăm vang vọng khắp cùng bốn phương tám hướng, ngợi ca khâm vịnh, bên trong không thật đức, dối sánh với Thánh hiền, khởi mười ác thuộc hạ phẩm như Ma Kiền-đề, đó là phát tâm quỷ, đi đường đao đồ. Bốn là, nếu tâm đó niệm niệm thường muốn hơn người khác, chẳng nhẫn chịu dưới người, khinh thường người khác, tự trân quý mình, như chim cú bay trên cao trông nhìn xuống mà bên ngoài phô bày nhân nghĩa lễ trí tín, khởi tâm thiện hạ phẩm, đi đường A-tu-la. Năm là, nếu tâm đó niệm niệm ưa thích vui của thế gian, an thân dơ uế đó, vui tâm ngu si đó. Đó là khởi tâm thiện trung khởi phẩm, đi đường ở người. Sáu là, nếu tâm đó niệm niệm nhận biết ba đường ác thì khổ nhiều. Ở cõi người, khổ vui xen tạp, còn trên cõi trời thuần vui, vì vui trên trời chiết phục thô ác. Đó là tâm thiện thượng phẩm, đi đường ở trời. Bảy là, nếu tâm đó niệm niệm muốn oai thế lớn, thân miệng ý mới có chỗ làm hết thảy thôi nghỉ theo, đó là phát tâm làm chủ Dục giới, đi đường ma-la. Tám là, nếu tâm đó niệm niệm muốn được lợi trí biện thông, tài cao dõng triết xét đạt sáu hợp, mười phương to lớn. Đó là phát tâm thế trí, đi đường Ni-càn. Chín là, nếu tâm đó niệm niệm vui thích nhỏ nhiệm ngoài năm trần sáu dục, vui của Tam thiền còn như suối đá, vui đó bên trong nặng, đó là phát khởi tâm Phạm, đi đường sắc và vô sắc. Mười là, nếu tâm đó niệm niệm biết thiện ác xoay quanh, phàm phu say đắm, Hiền Thánh chê trách. Phá ác do tịnh tuệ, tịnh tuệ do tịnh thiền, tịnh thiền do tịnh giới, chuộng ba pháp đó như đói như khát. Đó là phát khởi tâm vô lậu, đi đường Nhị thừa. Với mười tâm trên, hoặc trước khởi tâm quấy, hoặc trước khởi tâm phải, hoặc phải quấy đều khởi, thí như voi, cá và gió đều làm bẩn nước ao. Voi thí như các quấy từ ngoài mà khởi. Cá thí như nội quán mạnh yếu làm chỗ động hai bên. Gió thí như trong ngoài hợp tạp uế trược hòa lẫn. Chín thứ tâm trước là sanh tử như tằm tự buộc, một thứ tâm sau là Niết-bàn, như con chương siêng nhảy ra, tuy được tự thoát, mà chưa đủ Phật pháp, đều quấy nên cả hai đều chọn lựa. Rõ biết ba cõi không lý riêng biệt chỉ là vọng tâm sanh, làm gốc rễ của tám đảo, làm nguồn hang của bốn dòng, nhanh như điện chớp, mạnh như gió cuồng, chợt nổi trần lao, nhanh như nước dòng vỡ, rì rào sanh ngũ dục, chóng tựa vàng lửa xoay, do đó, kết cấu bốn ma, rong ruổi mười sử, chìm đắm nơi đáy sông hai thứ chết, ném lao vào lửa dữ tám khổ. Say mê không biết châu ngọc trong chéo áo, nhọc trải qua hiểm nạn, đánh đấu mất vật báu trong búi tóc, không tự buồn than, đều nhân vọng tâm, mê chân giác đây, trọn không riêng mất”. Có ra văn ấy, như trên y theo giáo nói về hai tâm chân vọng, nói theo nghĩa tợ có phân, quy tông chẳng khác biệt. Cớ sao chân tâm hạn chế ở lý thể, vọng tâm y cứ tướng dụng. Nay dùng lý thường là tâm chẳng được tướng tâm, tâm thường là lý chẳng động tướng tâm, như nước tức sóng chẳng được tướng sóng, sóng tức là nước chẳng hoại tướng sóng. Do đó, động tĩnh không ngằn mé, tánh tướng nhất nguyên. Ngay phàm tâm mà là Phật tâm, quán Thế đế mà thành Chân đế. Do đó, kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ-tát Ma-ha-tát quán hết thảy pháp đều dùng tâm làm tự tánh, như vậy mà trú. Nếu nhiếp cảnh làm tâm là thắng nghĩa thế tục. Tự tánh của tâm tức là chân như, là tối thắng nghĩa, như vậy mà trú, dùng vô sở đắc mà làm phương tiện, chiếu cả chân tục, trú ở vô trú.