tông hiểu

Phật Quang Đại Từ Điển

(宗曉) Cao tăng Trung Quốc, sống vào đời Nam Tống, người ở Tứ Minh (nay là huyện Ngân, tỉnh Chiết giang), họ Vương, tự Đạt tiên, hiệu là Thạch Chi. Sư thụ giới Cụ túc năm 18 tuổi. Đầu tiên, sư theo học ngài Cụ am Cường Công sau sư tham yết ngài Vân am Hồng Công. Không bao lâu, sư trụ trì chùa Xương Quốc Thúy La ở Tứ minh, người đến tham học rất đông. Sau sư lui về ẩn tại Tây Sơn tụng kinh Pháp hoa làm thời khóa hàng ngày. Sau sư đi khắp các chùa ở vùng Chiết giang, Giang Tây, suốt 3 năm mới trở về. Sư từng ở địa vị Đệ nhất tọa chùa Diên Khánh, ngoài những giờ diễn giảng, sư biên soạn Pháp Hoa hiển ứng lục, Lạc bang văn loại, Nho Thích hiếu kỉ, Minh lương sùng thích chí, đồng thời có ghi chú yếu chỉ. Sư còn chích máu viết kinh Pháp hoa và dùng mực viết kinh Hoa nghiêm, Bảo tích, Bát nhã, Niết bàn… Sư cũng viết Chân Tông Hoàng đế ngự chú Tứ thập nhị chương kinh cho cư sĩ Trương Tôn Nghĩa ở Trung Lâm. Sư hoằng truyền giáo quán hơn 40 năm, về già càng chuyên tâm tu học.Năm Gia định thứ 7 (1214), sư thị tịch, thọ 64 tuổi, pháp lạp 47. Về tác phẩm của sư, ngoài các sách nói trên còn có: Lạc bang di cảo 2 quyển, Tứ minh giáo hành lục 7 quyển, Tam giáo xuất hưng tụng chú, Bảo vân chân tổ tập, Kim quang minh kinh chiếu giải 2 quyển, Thí thực thông giám, Minh giáo biên. TÔNG HỌC Đồng nghĩa: Tông thừa. Xưa nay, Tông thừa có bao hàm ý nghĩa Tông của tông phái mình (tự tông), Tông nghĩa hoặc kinh sách của tự tông, đặt nặng việc giải thích giáo nghĩa kinh điển. Tông học hiện nay là Tông thừa theo nghĩa rộng, ứng dụng phương pháp nghiên cứu hiện đại, chú trọng điểm quán xuyên của các hệ thống lịch sử giáo lí, lịch sử giáo nghĩa… khiến cho ý nghĩa và giá trị của tín ngưỡng truyền thống càng được xác nhận rõ hơn. Ngoài ra, tu tập học thuyết của tông phái mình cũng gọi là Tông học.