tông đồng phẩm

Phật Quang Đại Từ Điển

(宗同品) Gọi tắt: Đồng phẩm (Phạm: Sapakwa). Tiếng dùng trong Nhân minh. Chỉ cho phẩm loại cùng một nghĩa với Tông(mệnh đề) trong luận thức Nhân minh. Đồng phẩm cũng bao hàm Nhân đồng phẩm, nhưng phần nhiều chỉ cho Tông đồng phẩm. Như lập luận thức sau đây: Tông:Âm thanh là vô thường. Nhân:Vì nó có tính được tạo tác mà có ra. Dụ:Như cái bình… Sự vô thường của cái bình và sự vô thường của âm thanh là cùng một phẩm loại như nhau, cho nên gọi là Tông đồng phẩm. Sự đồng(giống nhau) dị(khác nhau) của Tông phẩm lấy pháp sở lập(được lập ra) làm tiêu chuẩn. Khi lập tông Âm thanh là vô thường thì vô thường là pháp sở lập, nếu sự vật có những điều kiện giống nhau với pháp sở lập này thì là Đồng phẩm. Cái bình là vô thường, có tính chất điều kiện giống với pháp sở lập, nên bình là Đồng phẩm. Tông đồng phẩm phải được cả Lập(người lập luận) và Địch(người vấn nạn) cùng chấp nhận(cộng hứa). Cùng chấp nhận ở đây có 2 ý nghĩa: 1. Cùng chấp nhận thể của nó (Tông đồng phẩm) là có thật. 2. Cùng chấp nhận thể của nó có đủ ý nghĩa được nói trong pháp sở lập. Như tông Âm thanh là vô thường, lấy bình làm Tông đồng phẩm, bình được cả đôi bên Lập và Địch cùng thừa nhận là có thật, cũng được Lập và Địch thừa nhận bình có nghĩa vô thường. Để phân biệt với Đồng phẩm mà Lập, Địch cùng không chấp nhận, nên Đồng phẩm mà Lập, Địch cùng chấp nhận này cũng được gọi là Cộng đồng phẩm. [X. luận Nhân minh nhập chính lí; Nhân minh nhập chính lí luận sớ Q.thượng; Nhân minh luận sớ thụy nguyên kí Q.thượng; Nhân minh nhập chính lí luận ngộ tha môn thiển thích (Trần đại tề)]. (xt. Đồng Phẩm).