tống cao tăng truyện

Phật Quang Đại Từ Điển

(宋高僧傳) Cũng gọi: Đại tống cao tăng truyện. Tăng truyện, 30 quyển, do ngài Tán ninh (919-1002) soạn vào đời Tống, được thu vào Đại chính tạng tập 50. Trong sách này, tiếp theo Tục cao tăng truyện đời Đường, thu chép truyện kí của các vị cao tăng sống trong khoảng 343 năm từ giữa năm Trinh quán (627-649) đời vua Thái tông nhà Đường đến niên hiệu Đoan Củng năm đầu (988) đời vua Thái tông nhà Tống thì dừng. Vì sách này được biên soạn, sửa chữa và hoàn thành ở chùa Tả nhai Thiên thọ, nên còn được gọi là Thiên thọ sử. Bài tựa trong sách gốc nói chính truyện 533 vị, phụ thêm 130 vị, nhưng thực thì chính truyện 531 vị, phụ thêm 125 vị. Nội dung noi theo thể lệ của Lương cao tăng truyện chia làm 10 khoa: 1. Dịch kinh: Ba mươi hai vị (phụ thêm 12 vị). 2. Nghĩa giải: Bảy mươi hai vị (phụ thêm 22 vị). 3. Tập thiền: Một trăm linh ba vị (phụ thêm 29 vị). 4. Minh luật: Năm mươi tám vị (phụ thêm 10 vị). 5. Hộ pháp: Mười tám vị (phụ thêm 21 vị). 6. Cảm thông: Tám mươi chín vị (phụ thêm 23 vị). 7. Di thân:Hai mươi hai vị (phụ thêm 2 vị).8. Độc tụng:Bốn mươi hai vị (phụ thêm 8 vị).9. Hưng phúc: Năm mươi vị (phụ thêm 6 vị).10. Tạp khoa: Bốn mươi lăm vị (phụ thêm 12 vị). Sách này thu dụng các sử liệu trực tiếp như các bài minh bia hoặc dã sử… đó là điểm đặc sắc của sách này. Trong đó, khoa Tập thiền, ngoài vị Tổ khai sáng tông Vân môn là ngài Văn môn Văn yển ra, những nhân vật trọng yếu của các phái Thiền tông đều có truyện kí riêng, đối với những việc tranh cãi trong nội bộ Thiền tông cũng không che giấu, tránh né. Đây là tư liệu quan trọng cho việc nghiên cứu lịch sử Thiền tông. Nhưng trong sách đã không nói rõ một cách thích đáng về quá trình thành lập Thiền tông, có lẽ vì các sử liệu liên quan đã bị hủy hoại trong Pháp nạn Hội xương. Tuy nhiên, có điều không thể không nói là vì ngài Tán ninh vốn thuộc hệ thống Nam sơn luật tông nên đối với Thiền tông cũng còn có một thứ thiên kiến nào đó chăng? Ngoài ra, sách này do vâng mệnh vua mà được biên soạn thành vào thời đại Trung quốc mang sắc thái Phật giáo rất sâu đậm, nên ta có thể thấy trong đó Phật pháp thuận theo lập trường của vương pháp. Hơn nữa, trong một tác phẩm khác của mình là bộ Đại tống tăng sử lược, ngài Tán ninh có ý định hướng lí luận Phật giáo theo học thuyết luân lí Nho gia để dung hòa tư tưởng Nho Phật. Sách này cùng với Lương cao tăng truyện, Tục cao tăng truyện và Đại minh cao tăng truyện được gọi chung là Cao tăng truyện tứ tập. Sách này không được thu vào tạng Cao li, chỉ thấy trong 3 bản Tống, Nguyên và Minh mà thôi. [X. Phật tổ thống kỉQ.43; Phật tổ lịch đại thông tảiQ.26; Thích thị kê cổ lược Q.4].