TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 90

Hỏi: Như trên nói niết-bàn chẳng phải có, vì vậy kinh nói: “Giả sử có một pháp hơn cả niết-bàn ta cũng nói là như huyễn, như mộng”, khiến kẻ hậu học luống nhọc lòng hâm mộ ?

Đáp: Lời nói này để phá chấp trước, chẳng phải làm hoại pháp tính. Hòa thượng Như Quán nói: “Gạn rằng tất cả pháp như huyễn, pháp hư vọng duyên sinh có thể cho là như huyễn, còn niết-bàn chân thật lại chẳng từ duyên thì làm sao đồng huyễn ? Giải thích việc này có hai ý:

1- Tuy chân mà cũng từ duyên, tuy chẳng phải duyên sinh mà là duyên hiển, cũng rỗng không vô tính.

2- Niết-bàn chẳng phải huyễn, là phá chấp trước tâm niết-bàn cho là như huyễn. Đây là phá niết-bàn trong tâm, cũng hiển bày thể của niết-bàn tức chân mà thành diệu hữu”.

Cho nên biết trước sau đều có bốn thứ niết-bàn, do đó luận Duy Thức nói:

1- Bản lai tự tính thanh tịnh niết-bàn, nghĩa là lý chân như của tất cả pháp tướng tuy có khách trần mà bản tính thanh tịnh, đầy đủ vô lượng công đức vi diệu, không sinh, không diệt, lặng lẽ như hư không, tất cả hữu tình bình đẳng cùng có, cùng với tất cả pháp bất nhất, bất dị, lìa tất cả tướng, tất cả phân biệt, suy nghĩ bặt, danh ngôn dứt, là chỗ chứng của bậc Thánh chân chính, tính nó vốn lặng nên gọi niết-bàn.

2- Hữu dư y niết-bàn, nghĩa là chân như ra khỏi phiền não chướng, tuy sở y của cái khổ vi tế chưa dứt, mà chướng đã diệt hẳn nên gọi niết-bàn.

3- Vô dư y niết-bàn, nghĩa là chân như ra khỏi nỗi khổ sinh tử; phiền não đã hết, dư y cũng diệt, các nỗi khổ dứt hẳn nên gọi niết-bàn.

4- Vô trụ xứ niết-bàn, nghĩa là chân như ra khỏi sở tri chướng, thường được trợ giúp bởi đại bi và bát-nhã; do đây chẳng trụ sinh tử và niết-bàn, lợi lạc hữu tình tận thuở vị lai, dụng mà thường tịch nên gọi niết-bàn.

Hỏi: Nói về pháp thân, tâm là thân của ngôi nhà pháp, thân là nghĩa tích tụ. Tích tập chứa đựng tất cả vạn pháp nên gọi là tâm thì cần gì lập hai pháp bát-nhã và giải thoát ?

Đáp: Pháp thân chính là người, người phải có linh trí nên gọi là bát-nhã, nếu được bát-nhã chiếu soi thì hiển hiện pháp thân, nên kinh nói: “Ẩn gọi là Như Lai tạng, hiển gọi là Pháp thân”. Lại nếu được bát-nhã thì không dính mắc mọi chỗ, chẳng bị cảnh trói buộc, tức là giải thoát. Nếu hiển pháp thân được giải thoát thì công lao hoàn toàn do bát-nhã. Không chỉ hai pháp này mà tất cả vạn hạnh đều do bát-nhã thành lập cho nên năm độ như kẻ mù, bát-nhã như người dẫn đường. Nếu bố thí mà không có bát-nhã thì chỉ được vinh hiển một đời, về sau phải chịu tai ương. Nếu trì giới mà không có bát-nhã thì tạm sinh lên dục giới cõi trên, trở lại rơi vào địa ngục. Nếu nhẫn nhục không có bát-nhã thì được quả báo thân tướng đẹp đẽ, chẳng chứng tịch diệt nhẫn. Nếu tinh tiến không có bát-nhã thì luống tạo công sinh diệt, chẳng đến biển chân thường. Nếu thiền định không có bát-nhã thì chỉ thực hành thiền sắc giới, chẳng vào kim cương định. Nếu vạn thiện không có bát-nhã thì rỗng không thành nhân hữu lậu, chẳng khế hợp quả vô vi. Cho nên biết bát-nhã là người dẫn đường, nơi hiểm ác, là đuốc sáng trong nhà tối tăm, là mái chèo trí tuệ trong biển sinh tử, là lương y trị bệnh phiền não, là gió mạnh dẹp tan núi tà, là mãnh tướng phá ma quân, là mặt trời chiếu sáng nơi âm u, là tiếng sấm đánh thức sự hôn ám, là kim vàng lể màng lòa, là cam-lộ rót vào chỗ khát ái, là gươm tuệ chặt lưới si, là bảo châu cấp cho người nghèo túng. Nếu chẳng rõ bát-nhã thì vạn hạnh dối bày. Tổ sư nói: “Chẳng biết huyền chỉ luống nhọc niệm tĩnh, chẳng thể trong sát-na quên chiếu, tự nhiên trái nhau”. Do ba pháp này chẳng dọc, chẳng ngang, phi nhất, phi dị, có thể thành niết-bàn bí tạng. Như kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật dạy: Nay ta sẽ khiến cho tất cả chúng sinh và bốn bộ chúng của ta đều an trụ trong bí mật tạng, ta cũng ở trong ấy nhập niết-bàn. Cái gì là bí mật tạng ? Cũng như ba chấm của chữ Y; nếu gồm chung thì chẳng thành chữ Y; dọc cũng chẳng thành chữ Y; như ba con mắt trên mặt của Ma-hê-thủ-la là được thành ba chấm chữ Y; nếu riêng biệt thì cũng chẳng thành chữ Y. Ta cũng như thế, pháp giải thoát cũng chẳng phải niết-bàn, thân của Như Lai cũng chẳng phải niết-bàn, ma-ha bát-nhã cũng chẳng phải niết-bàn, ba pháp sai biệt cũng chẳng phải niết-bàn. Nay ta an trụ ba pháp ấy vì chúng sinh nên gọi là nhập niết-bàn”. Do đó nói: “Pháp thân thường đầy đủ chủng trí và giải thoát”. Tất cả đều là Phật pháp không có sự hơn kém nên chẳng dọc; ba đức hợp nhau cùng một pháp giới, ra ngoài pháp giới chỗ nào riêng có pháp nên chẳng ngang; hay kiến lập mọi thứ nên chẳng phải một; đồng quy đệ nhất nghĩa nên chẳng phải khác. Tuy ba mà một, tuy một mà ba. Một thì hoại tam đế, khác thì mê nhất thật; lại cảnh thì tam đế viên dung; tại tâm thì tam quán cùng vận dụng; tại nhân thì tam đạo tương tục; tại quả thì tam đức chu viên. Như vậy gốc ngọn tương thâu mới vào Đại niết-bàn bí mật tạng. Cổ đức nói: “Ba đức chẳng lìa nhất như, đức dụng phân sai biệt; tức chiếu mà tịch là bát-nhã; tức tịch mà chiếu là giải thoát; thể của tịch chiếu là Pháp thân. Như một hạt châu tròn sáng sạch, sáng là bát-nhã, sạch là giải thoát, tròn là thể của pháp thân. Y cứ vào dụng thì chẳng đồng, thể chẳng lìa nhau nên ba pháp này chẳng dọc, chẳng ngang, chẳng chung, chẳng riêng; như con mắt của trời, như chữ Y của thế gian, gọi bí mật tạng là Đại niết-bàn.

Lại Thiên Thai giáo đại loại có ba quỹ pháp: 1- Chân tính quỹ, 2- Quán chiếu quỹ, 3- Tư thành quỹ. Tức là ba đức.

Lấy chân tính này làm thể của nhất thừa, đây là pháp thân, vì tất cả chúng sinh đều là nhất thừa. Lấy quán chiếu quỹ làm bát-nhã, chỉ cho chân tính tịch mà thường chiếu bèn là quán chiếu đệ nhất nghĩa không. Lấy tư thành quỹ làm giải thoát, chỉ cho chân tính pháp giới hàm chứa các hạnh; vô lượng thiện pháp là Như Lai tạng. Ba pháp chẳng một chẳng khác, như luận về ánh sáng và sự quí báu của hạt châu như ý; ánh sáng và sự quí báu chẳng phải là một hạt châu nhưng chẳng khác hạt châu, chẳng dọc, chẳng ngang; ba pháp cũng như thế. Hiện tại đại khái gồm có 10 loại ba pháp: 1- Ba đạo, 2- Ba thức, 3- Ba thật tính, 4- Ba bát-nhã, 5- Ba bồ-đề, 6- Ba đại thừa, 7- Ba thân, 8- Ba niết-bàn, 9- Ba bảo, 10- Ba đức.

Mười loại ba pháp này bao gồm tất cả các pháp nhân quả phàm Thánh. Nay dẫn Kim Quang Huyền Nghĩa Quán Tâm giải thích rộng mười loại ba pháp, kinh Tịnh Danh nói: “Sự giải thoát của chư Phật phải tìm trong tâm hành của chúng sinh”. Nếu chẳng quán tự tâm chẳng phải là trí phần của chính mình thì chẳng thể khai phát kho báu của tự thân. Hiện tại muốn luận về trân bảo của phàm phu là văn tu cho nên rõ quán tâm để giải thích.

I. Quán tâm ba đạo:

1- Phiền não đạo, là ba chi vô minh ở quá khứ, ái thủ ở hiện tại.

2- Nghiệp đạo: là hai chi hành ở quá khứ và hữu ở hiện tại.

3- Khổ đạo: là bảy chi thức, danh sắc, lục nhập, xúc, thọ ở hiện tại và sinh tử ưu bi khổ não ở vị lai.

Hiện tại quán tâm vương và khổ đạo, quán huệ số tâm là phiền não đạo, quán các số tâm là nghiệp đạo.

Kinh Tịnh Danh nói: “Quán thân thật tướng quán Phật cũng thế”. Nếu sáu phần như đầu v.v… mỗi mỗi đều là thân, đây là nhiều thân; nếu riêng có một thân thì không thể được. Lúc mỗi mỗi chẳng phải thân hợp lại cũng không. Nếu sáu phần như đầu v.v…tìm thân không được, hiện tại chẳng trụ nên chẳng thể được, quá khứ do diệt cũng không thể được, vị lai chưa đến cũng không thể được, ngang dọc như thế tìm thân rốt ráo không thể dược. Đây là vô vô cũng không thể được, cũng có cũng không không thể được, chẳng phải có chẳng phải không cũng không thể được. Chỉ có danh tự, danh tự là thân. Như thế danh tự chẳng ở trong vì chẳng phải ở trong bốn ấm, chẳng ở ngoài vì chẳng phải ở trong sắc ấm, chẳng ở giữa vì chẳng phải sắc tâm hợp lại, cũng chẳng phải thường tự có vì chẳng phải lìa sắc tâm. Phải biết danh không có công dụng của vật, vật không có thật của danh. Giả thật đã không, có gì là danh và vật đâu ? Quán thân như thế là quán thật tướng, quán thân là giả danh. Giả danh đã vậy thì quán sắc thọ tưởng hành thức cũng thế, đây là khổ đạo quán.

Quán phiền não đạo, phiền não và nghiệp đều là nhân của thân, nay lấy phiền não là nhân của thân mà quán. Kinh Tịnh Danh nói: “Chẳng hoại nhân của thân mà tùy nhất tướng”, cần phải phân biệt bốn trường hợp: cái gì là nhân quả của thân đều hoại, cái gì là nhân quả của thân đều chẳng hoại, cái gì là hoại quả chẳng hoại nhân, cái gì là hoại nhân chẳng hoại quả.

Thế nào là quả của thân ? Đó là sáu phần như đầu v.v… do cha mẹ sinh ra.

Thế nào là nhân của thân ? Đó là tham sân si, thân khẩu ý nghiệp.

Nay đem ba nghiệp quán bốn quả của tham sân si v.v… dùng quán trí vô thường, khổ, không phá trừ tham sân si, gọi là hoại nhân của thân. Chẳng thọ thân sau gọi là hoại quả của thân. Hạng phàm tục ăn ngọn mặc đẹp, trưởng dưỡng năm ấm, buông lung tâm tính chạy theo tham sân, não mình hại người, thân này hư hoại lại thọ thân khác, nhân quả tương tục không bờ mé, đây gọi là nhân quả đều chẳng hoại, như kẻ phạm phép bị vua giao cho Chiên-đà-la, như kẻ oán đối tự hại thân mình. Thân đã hư hoại, bốn ấm cũng hết, đây là hoại quả. Nhân của thân là tham sân si càng thêm lẫy lừng, lưu chuyển trong sinh tử không được giải thoát, đây là hoại quả chẳng hoại nhân. Dùng quán trí vô thường đoạn sự trói buộc của nhân năm hạ phần kết, quả của năm hạ phần kết do chưa tận, đây là hoại nhân chẳng hoại quả.

Bốn trường hợp trên đây tổn hoại chẳng đồng đều chẳng tùy nhất tướng mà tùy nhất tướng, đây gọi là tu đại thừa quán. Quán một niệm tâm tham sân si là tự khởi, hay là đối trần khởi, hay là cùng căn trần khởi, hay là lìa căn trần khởi. Đều không phải nghĩa này phi tự, phi tha, phi cộng, phi vô nhân, cũng chẳng phải niệm trước diệt nên khởi, chẳng phải sinh chẳng phải phi sinh, chẳng phải diệt chẳng phải phi diệt. Như vậy ngang dọc tìm tâm không được; tâm còn không có thật thì luận đến hoại làm gì ? Đây gọi là “chẳng hoại nhân của thân mà tùy nhất tướng”.

Quán nghiệp đạo, như kinh Tịnh Danh nói: “Nhấc chân hạ chân không gì chẳng phải đạo tràng”, là đầy đủ tất cả Phật pháp. Lúc quán nhấc chân là nghiệp nhấc hay là nghiệp giả nhấc, hay là nghiệp và nghiệp giả cùng nhấc, hay là lìa nghiệp và nghiệp giả nhấc. Nếu nghiệp nhấc thì chẳng liên can đến nghiệp giả; nếu nghiệp giả nhấc thì chẳng liên can đến nghiệp. Mỗi thứ đã không nhấc thì hợp lại cũng không nhấc. Hợp đã không nhấc thì lìa làm sao nhấc! Nhấc chân đã không, hạ chân cũng không. Quán đi đã thế, đứng ngồi nằm nói năng chấp tác cũng lại như thế, đây là quán thật tướng của nghiệp đạo.

II. Quán tâm ba thức: Quán kỹ một niệm tức không, tức giả, tức trung, tức là quán tâm thức nơi ba thức. Vì sao ? Ý thức gá duyên phát ý, vốn không có thức thì duyên cái gì để phát ? Lại trong duyên là có thức hay là không thức ? Nếu có thức thì duyên chính là thức, cái gì gọi là duyên ? Nếu không có thức thì làm sao có thể phát thức. Nếu ý duyên hợp phát, vì hai thứ đều không nên hợp chẳng thể phát, lìa cũng chẳng thể phát. Cho nên biết thức này chẳng ở một chỗ mà từ các duyên sinh. Theo duyên sinh pháp Phật nói tức là không. Đối với không giả trung này phân biệt là ác thức hay là thiện thức hay là chẳng phải ác chẳng phải thiện thức, những suy nghĩ tính toán miễn cưỡng gọi là phải quấy. Nếu thức quyết định không chẳng thể thành giả. Nếu thức quyết định giả chẳng thể thành không. Nên biết không chẳng phải không, giả chẳng phải giả, chẳng phải không chẳng phải giả cùng dứt nhị biên chánh hiển trung đạo. Trong một niệm thức đầy đủ ba quán, thức nơi ba thức cũng chẳng được ba quán. Cho nên kinh Tịnh Danh nói: “Chẳng quán sắc, chẳng quán sắc như, chẳng quán sắc tính (…) chẳng quán thức, chẳng quán thức như, chẳng quán thức tính”. Tuy chẳng được thức, chẳng được thức như, chẳng được thức tính nhưng song chiếu thức, thức như, thức tính rõ ràng. Vì chiếu thức tính nên là thức a-ma-la; vì chiếu thức như nên là thức a-lại-da; vì cũng chiếu cũng diệt nên là thức a-đà-na, đây gọi là quán tâm rõ ba thức.

III. Quán tâm ba thật tính:

1- Chính nhân Phật tính: Phật là giác, tính là bất giác, tức là chẳng phải thường chẳng phải vô thường như kho vàng trong đất, thiên ma ngoại đạo chẳng thể phá hoại.

2- Liễu nhân Phật tính: Giác trí chẳng phải thường chẳng phải vô thường, trí cùng với lý tương ưng, như người khéo biết kho vàng, trí này chẳng thể phá hoại.

3- Duyên nhân Phật tính: Tất cả chẳng phải thường chẳng phải vô thường, công đức thiện căn trợ giúp giác tri khai hiển chính tính, như dẹp trừ cỏ dại tìm ra kho vàng.

Quán tâm tức trung là chính nhân Phật tính, quán tâm tức không là liễu nhân Phật tính, quán tâm tức giả là duyên nhân Phật tính.

Lại nữa, Phật là giác trí, tính là lý cực, có thể lấy giác tri chiếu soi lý cực, trí cảnh tương xứng, hợp lại mà nói gọi là Phật tính.

Nay quán ngũ ấm tâm xứng với thức tướng ngũ ấm gọi là chính nhân Phật tính. Quán thật tính giả danh gọi là liễu nhân Phật tính. Quán thật tướng tâm sở xứng với các tâm số gọi là duyên nhân Phật tính. Vì thế kinh nói: “Phật tính chẳng tức sáu pháp, chẳng lìa sáu pháp”. Là nghĩa này vậy.

IV. Quán tâm ba bát-nhã:

1- Thật tướng bát-nhã: chẳng phải tịch chẳng phải chiếu là nhất thiết chủng trí.

2- Quán chiếu bát-nhã: chẳng phải chiếu mà chiếu là nhất thiết trí.

3- Phương tiện bát-nhã: chẳng phải tịch mà tịch là đạo chủng trí.

Quán một niệm tâm tức không tức giả tức trung tức là ba thứ bát-nhã. Vì sao ? Một tâm là tất cả tâm, tất cả tâm là một tâm, chẳng phải một chẳng phải tất cả.

Một tâm là tất cả tâm nghĩa là từ tâm sinh tâm, cuồng loạn rối rít đến nỗi gió cuốn thác lũ ngày đêm thường sinh vô lượng trăm nghìn vạn ức chúng sinh, sáu nẻo đạo luân hồi, 12 nhân duyên xích xiềng từ tối vào tối, tối không bờ mé đều là lỗi của tâm cho nên nói một tâm là tất cả tâm đây là chỗ mê muội của phàm phu.

Tất cả tâm là một tâm nghĩa là nếu có thể biết lỗi sinh nhàm chán đều tự do mình, như ngọn lửa nhỏ thiêu cháy đống củi lớn, như đặt một hạt châu nhỏ vào trong biển lớn. Nếu có thể quán tâm không từ tâm sinh ra tất cả tâm, không gì chẳng phải không cho nên nói tất cả tâm là một tâm, một tâm này là chỗ mê muội của nhị thừa, chẳng phải đạo cứu cánh. Vì cùng dứt nhị biên nên phiền não chẳng phải một chẳng phải tất cả. Đại kinh nói: “Y trí chớ y thức”. Thức chỉ cầu vui, thức của phàm phu cầu cái vui hư vọng, thức của nhị thừa cầu cái vui niết-bàn, thế nên cùng dứt hai thứ ấy, chẳng thể nương tựa, trí là cầu lý. Quán như thế tức là nhất tâm tam trí, tức không là quán chiếu bát-nhã, là nhất thiết trí; tức giả là phương tiện bát-nhã, là đạo chủng trí; tức trung là thật tướng bát-nhã, là nhất thiết chủng trí. Trong nhất tâm tam trí này được tức không, tức giả, tức trung, không trước không sau, chẳng chung chẳng riêng, sâu xa vi diệu có thể nương tựa, đây là quán tâm ba bát-nhã.

V. Quán tâm ba bồ-đề:

1- Chân tính bồ-đề, vì lý là đạo.

2- Thật trí bồ-đề, vì trí huệ là đạo.

3- Phương tiện bồ-đề, vì thiện xảo khế hợp và lĩnh hội là đạo.

Hiện tại quán một niệm tâm tức không, tức giả, tức trung, là ba tâm bồ-đề. Vì sao ? Một tâm là tất cả tâm, đan xen rối loạn như tơ vò, là khổ não.

Nếu biết tức không chân đế bồ-đề tâm là độ chúng sinh có tâm số hư vọng tán loạn, thông suốt sự bế tắc của tứ trụ. Nếu tức giả phát tâm bồ-đề, không tuy tránh khỏi hư vọng tán loạn, nhưng kinh nói chúng sinh không loạn ý mà trí nhãn rất mờ tối. Lại là cái hố của tam vô vi2, là chim oán của đại thừa, chưa đủ Phật pháp chẳng nên diệt thọ mà thủ chứng.

Nếu biết tức giả tục đế bồ-đề tâm là độ chúng sinh có tâm số trầm không, thông suốt sự bế tắc của trần sa, phân biệt được hay không. Lúc phân biệt nên phân biệt thuốc và bệnh, phân biệt khế hợp và lĩnh hội, chẳng trụ vô vi, nên nói tức giả phát bồ-đề tâm. Không là đối trị với phù tâm, giả là đối trị với trầm tâm. Do bệnh nên có thuốc; thuốc còn lại thành bệnh; bệnh lui thì ngưng thuốc, cần phải bỏ cả hai.

Chẳng phải không, chẳng phải giả cùng dứt nhị biên, tức là phát tâm bồ-đề trung đạo đệ nhất nghĩa đế, độ chúng sinh có tâm số nhị biên, thông suốt sự bế tắc của vô minh, vì chẳng trụ pháp mà trụ trung đạo nên nói tức trung. Nói quán tuần tự ba thứ là chẳng đúng, trong một tâm có đủ ba tâm bồ-đề.

VI. Quán tâm ba đại thừa:

1- Lý thừa, vì lý tính rỗng suốt tự động gánh lấy các pháp.

2- Tùy thừa, trí tùy theo cảnh như nắp tùy theo rương.

3- Đắc thừa, nếu đắc quả nên tự giải thoát; nếu đắc cơ nên khiến người giải thoát. Quán một niệm tâm tức không, tức giả, tức trung ba đại thừa. Vì sao ? Tuy quán một niệm tâm mà thật ra có tứ vận. Tâm này hồi chuyển chẳng dừng, đó là chưa niệm, sẽ niệm, đang niệm, đã niệm. Từ chưa niệm chuyển đến sẽ niệm, từ sẽ niệm chuyển đến đang niệm, từ đang niệm chuyển đến đã niệm; rồi lại khởi chuyển động, xoay chuyển vô cùng chẳng biết ngưng dứt, như nhắm mắt ở trên thuyền mà chẳng hay thuyền lướt nhanh. Quán một vận tâm tức không, tức giả, tức trung, tất cả vận tâm cũng như thế; từ tâm đến tâm đều tức không, tức giả, tức trung, đây là từ ba đế chuyển đến ba đế, không gì chẳng phải ba đế. Nếu theo tứ vận chuyển nhập sinh tử, hoặc theo tứ vận chuyển nhập niết-bàn là không quán. Nương nơi tùy thừa chuyển đến chân đế, là giả quán. Nương nơi đắc thừa chuyển đến tục đế, là trung quán. Nương nơi lý thừa chuyển đến trung đế, tam thừa tức nhất thừa, là đệ nhất quán trí vi diệu mà Bồ-tát Phổ Hiền nương tựa.

VII. Quán tâm ba thân: Đó là lý pháp tụ gọi là pháp thân, trí pháp tụ gọi là báo thân, công đức pháp tụ gọi là ứng thân. Quán kỹ một niệm tâm tức không, tức giả, tức trung, là ba thân. Vì sao ? Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Tâm như người họa sĩ
Tạo các thứ ngũ ấm.

Nếu tâm duyên việc phá giới là thân địa ngục; nếu duyên vô tàm kiêu mạn là thân súc sinh; nếu duyên siểm khúc xan tham là thân ngạ quỉ; nếu duyên tật đố cạnh tranh là thân a-tu-la; nếu duyên ngũ giới tránh điều ác là thân người; nếu duyên thập thiện ngăn thập ác, duyên thiền định phòng tán loạn là thân trời; nếu duyên vô thường, khổ, không, vô tướng là thân Thanh văn; nếu duyên 12 pháp nhân duyên là thân Duyên-giác; nếu duyên từ bi lục độ là thân Bồ-tát; nếu duyên chân như thật tướng là thân Phật. Lên khó xuống dễ phần nhiều duyên các thân xấu xa, vì thế biết sáu thân đều do tâm tạo, như đất đai hay sinh các thứ mầm mộng. Nếu quán ngũ ấm rỗng không vô sở hữu; tất cả các thân thì tâm sinh ra đều rỗng không vô sở hữu, như lật mặt đất cỏ cây ngã rạp, nên nói tức không. Nếu tức không là mãi mãi chìm vào khô tịch, còn chẳng thể nơi một tâm không có thể một thân thì làm sao có thể dạo chơi năm đường để hiện thân, chẳng thể đáng dùng thân Phật được độ mà hiện thân Phật, đáng dùng các thứ thân tam thừa, tứ chúng, thiên long bát bộ mà đều thị hiện đồng sự nghiệp. Vì lỗi này nên nói tức giả, tức giả đồng thân lục đạo. Quán thân như thế sẽ rơi vào nhị biên, về phi thiện quán thân, thiện quán thân, Đại Kinh nói: “Chẳng được thân, chẳng được thân tướng, cho đến tất cả thanh tịnh”. Vì nghĩa này nên gọi là tức trung. Tức trung chính là pháp thân, tức không chính là báo thân, tức giả chính là ứng thân.

VIII. Quán tâm ba niết-bàn: 1/ Tính tịnh, 2/ Viên tịnh, 3/ Phương tiện tịnh. Chẳng sinh chẳng diệt gọi là niết-bàn. Thật tướng các pháp chẳng nhiễm chẳng tịnh; chẳng nhiễm tức chẳng sinh, chẳng sinh tức chẳng diệt; chẳng sinh chẳng diệt gọi là tính tịnh niết-bàn. Tu nhân khế lý, hoặc rốt ráo chẳng sinh, trí rốt ráo chẳng diệt, chẳng sinh chẳng diệt gọi là viên tịnh niết-bàn. Tịch mà thường chiếu, cơ cảm liền sinh. Sinh này phi sinh duyên hết liền diệt; diệt này phi diệt chẳng sinh chẳng diệt gọi là phương tiện tịnh niết-bàn. Quán kỹ tâm tính xưa nay tịch diệt, chẳng nhiễm chẳng tịnh, nhiễm nên gọi là sinh, tịnh nên gọi là diệt. Sinh diệt chẳng thể hủy hoại nên thường, chẳng thể nhiễm nên tịnh chẳng thể ngại nên ngã, chẳng thể thọ nên lạc, đây là tính tịnh niết-bàn. Nếu vọng niệm tâm khởi dùng chính quán để quán đó khiến cho chính quán này cùng với pháp tính tương ưng, vọng niệm chẳng thể hủy, chẳng thể nhiễm, chẳng thể ngại, chẳng thể thọ gọi là viên tịnh niết-bàn. Dùng vô duyên từ vô sinh thị hiện sinh, dùng đồng thể đại bi vô diệt thị hiện diệt. Tất cả cảnh giới sinh diệt ngoại đạo thiên ma chẳng thể hủy, chẳng thể nhiễm, chẳng thể ngại, chẳng thể thọ, đây là phương tiện tịnh niết-bàn.

IX. Quán tâm ba bảo: Phật Pháp Tăng là ba, đáng tôn trọng là bảo. Chí lý đáng tôn trọng gọi là pháp bảo, trí giác lý đáng tôn trọng gọi là Phật bảo, Tỳ-lô-giá-na khắp mọi nơi tức sự mà lý, sự hòa hợp này đáng tôn trọng gọi là tăng bảo. Quán kỹ một niệm tâm tức không tức giả tức trung là tam bảo. Lý của tam đế sở giác là pháp bảo, trí của tam đế năng giác là Phật bảo, tam đế tam trí tương ưng hòa hợp là tăng bảo. Không đế trí chẳng phát, không trí đế chẳng hiển, trí chẳng hòa hợp chẳng có thể đại dụng lợi ích chúng sinh. Hai thứ này đều đáng tôn trọng nên cùng gọi là bảo.

X.  Quán tâm ba đức: Thế nào là ba, thế nào là đức ? Pháp thân bát-nhã giải thoát là ba, thường lạc ngã tịnh là đức.

Pháp thân: Pháp là phép tắc, chư Phật y theo đó mà thành Phật cho nên kinh nói: “Thầy của chư Phật là các pháp”. Thân là nhóm hợp. Một pháp đầy đủ tất cả pháp không có khuyết giảm nên gọi là thân. Kinh nói: “Thân ta chính là chân thật thiện tri thức của tất cả chúng sinh”.

Bát-nhã: Giác liễu các pháp tụ tán, phi tụ tán chính là giác liễu pháp của tam đế.

Giải thoát: Đối với các pháp vô nhiễm vô trụ.

Ba pháp này đều đầy đủ bốn đức thường lạc ngã tịnh. Quán kỹ một niệm tâm tức không tức giả tức trung; tức trung nên một không tất cả không, không giả không trung mà chẳng không, cái không này không tích tụ mà gọi là tạng, tạng đầy đủ nên gọi là đức; tức giả nên một giả tất cả giả, không không không trung mà chẳng giả, giả nhiếp các pháp cũng gọi là tạng, tạng đầy đủ nên gọi là đức; tức trung nên một trung tất cả trung. Không không không giả mà chẳng trung, trung nhiếp tất cả gọi là tạng, tạng đầy đủ nên gọi là đức, chẳng thể tư nghì, chẳng dọc chẳng ngang, chẳng chung chẳng riêng. Chư Phật lấy tức trung làm thể nên gọi là pháp thân, lấy tức không làm mạng nên gọi là bát-nhã; lấy tức giả làm lực nên gọi là giải thoát. Tất cả đều thường lạc ngã tịnh không có khuyết giảm nên gọi là ba đức; tất cả đều là chỗ hàm tàng của pháp giới nên gọi là bí mật tạng. Cho nên kinh Tịnh Danh nói: “Sự giải thoát của chư Phật phải cầu nơi tâm hành của chúng sinh”. Nên biết tâm ta cũng thế chúng sinh cũng thế. Ta người đã vậy chư Phật cũng thế, tâm, Phật và chúng sinh là ba thứ không sai biệt.

Mười thứ ba số cũng một, chẳng phải một, chẳng phải chẳng một, là ba pháp bất tư nghì. Trước sau chỉ là một loại ba pháp, ở phàm là ba đạo, nhập Thánh thành ba đức, ngoài ra y cứ theo lý trí hạnh giải thành ba pháp, vì là quyến thuộc rốt ráo chẳng động nhân địa ba đường của chúng sinh, thành tựu quả địa ba đức của chư Phật. Gốc ngọn tương tại nhân quả đồng thời; vì sẵn có diệu lý nên gọi là tam tính; vì diệu lý chẳng hư dối nên gọi là tam đế; vì mê diệu lý này nên gọi là tam chướng; vì có ba đời lưu chuyển phan duyên chẳng dứt nên gọi là mười hai nhân duyên đầy đủ ba khổ. Nếu muốn trở về nguồn cội, thấu rõ ba chướng hôm nay chính là ba tính xưa nay nên gọi là tam quán; vì diệu lý hiển hiện nên gọi là tam đức; dạy người thực hành gọi là tam pháp; sở chiếu gọi là tam đế; sở phát gọi là tam quán; quán thành gọi là tam trí; giáo hóa người gọi tam ngữ; quy tông gọi là tam thú. Nếu được ý nghĩa này tất cả đều thành pháp môn.

Nay lại lấy ba quỹ loại bao gồm ba đạo trung nhân: 1- khổ đạo, 2- phiền não đạo, 3- nghiệp đạo. Khổ đạo là chân tính quỹ, kinh nói: “Tướng thế gian thường trụ”, chẳng phải là sinh tử mà là pháp thân sao. Phiền não đạo là quán chiếu quỹ, quán chiếu vốn chiếu soi lậu hoặc, không lậu hoặc thì không có chiếu soi, tất cả pháp đều không. Nghiệp đạo là tư thành quỹ, ác là vốn liếng của thiện, không ác thì không thiện. Kinh Thư nói: “Thiện là thầy của bất thiện, bất thiện là vốn liếng của thiện”. Kinh nói: “Chúng ta niệm Phật nên phải nhẫn nại việc này, ác chẳng đến thì không cần niệm”. Do đó nói: “Đề-bà-đạt-đa là thiện tri thức”. Lại nói: “Khổ là pháp thân, vì chẳng hiển hiện nên gọi là pháp thân. Tham sân si là bát-nhã, vì chẳng sáng suốt nên gọi là bát-nhã. Không chỗ chiếu soi, tính tự minh liễu, nghiệp hành trói buộc đều gọi là giải thoát vì chẳng phải dứt trói buộc mà giải thoát, cũng không có tự thể để ràng buộc, cũng không có cái hay ràng buộc nên gọi là giải thoát. Tiên đức nói: “Phải nói rằng nơi Phật địa chướng lụy đã hết nên gọi là giải thoát, thật tính của thể sắc là thân Như Lai, chủng trí viên minh là đại bát-nhã”. Ba việc là ngã chỗ nào tung hoành, ngã là ba việc làm sao sai biệt. An trụ như thế là đại niết-bàn, vì tất cả chư Phật là một sắc tâm. Tâm là năng biến, sắc là sở biến. Sở biến là tướng kiến phần, năng biến là tự chứng phần. Thể đã không khác thì cái gì lại tung hoành. Bởi do chẳng rõ tâm duyên sinh ra hai vọng tưởng thô trọng trói buộc nhau liền thành trở ngại, mê chấp sắc tướng làm thân của mình. Thân của mình sinh ra thật do si ám, si ám che phủ nên thấy sinh, thấy tử; sinh tử trôi nổi nên tâm cũng lưu chuyển. Cái khổ lưu chuyển không có thật nơi thân tâm. Nếu có thể rõ tâm và cảnh thì vọng tưởng chẳng sinh, trói buộc đã trừ thì thô trọng cùng diệt, vĩnh viễn dứt trở ngại liền thành giải thoát. Thông đạt sắc tướng đều do tạng tính hiện, không còn ngã sở là thân Như Lai, chiếu soi chỗ sâu xa vi tế của a-đà-na, si ám chẳng che là ma-ha bát-nhã; ngộ bản tính này xưa nay chẳng sinh, thể dụng vô cùng trọn cũng chẳng diệt.

Lại nói về ba đức, có đạo tiền tính đắc, đạo trung phần đắc, đạo hậu cứu cánh đắc. Nếu tính đắc, như kinh Duy-ma nói: “Chúng sinh như, Di-lặc như”, nhất như vô nhị như đây là tính đắc pháp thân. Tất cả chúng sinh là tướng bồ-đề chẳng thể đắc nữa đây là tính đắc bát-nhã. Tất cả chúng sinh là tướng niết-bàn, chẳng thể diệt nữa đây là tính đắc giải thoát. Đây là y cứ đạo tiền viên tính đắc.

Đạo trung viên phần đắc là từ Thập trụ đến Đẳng giác năm mươi mốt ngôi vị viên tu trí đoạn.

Đạo hậu viên cứu cánh đắc là nghĩa quả thượng. Đã rõ tính đắc cần phải đủ hai đức sau dùng ngũ nhẫn lục tức lược bỏ sự nhầm lẫn thẳng đến ngôi vị viên mãn diệu giác cứu cánh. Như vào trong Tông Cảnh trí nhãn sáng sạch viên tu viên giải song chiếu song già, như đôi chim cùng dạo chẳng rơi vào thiên kiến, một nghĩa chẳng động phân biệt rõ ràng, như chiếc gương treo trên cao vô tâm soi chiếu vạn tượng mà chẳng phân đẹp xấu. Dùng tịnh tâm dứt bặt thường vô thường chiếu soi viên lý thường vô thường, già chiếu vô trệ phá lập đồng thời là chẳng thường chẳng phải vô thường mà thường mà vô thường. Thường và vô thường chỉ bàn về chân tính mỗi mỗi tính tính nhiếp vô biên. Kinh Tịnh Danh nói: “Tất cánh bất sinh bất diệt”, đây là nghĩa vô thường. Đại sư Huệ Viễn nói: “Lý cùng tột của thật tướng gọi là tất cánh, thể tịch vô vi gọi là chẳng sinh diệt”. Cái chẳng sinh diệt này là tính chân thật vô thường, đây gọi là nghĩa vô thường. Pháp sư Tăng Triệu nói: “Tất cánh nghĩa là quyết định”. Pháp quán của Tiểu thừa cho sinh diệt là nghĩa vô thường, hàng Đại thừa cho chẳng sinh diệt là nghĩa vô thường. Tên vô thường đồng mà nghĩa lý thâm sâu khác biệt, đạo ấy hư vi nên chẳng phải thường tình có thể lường, diệu đắc ý chỉ này chỉ có ngài Tịnh Danh. Vì dẹp trừ thường nên nói vô thường, chẳng phải cho là có vô thường. Vì vô thường và thường đều không nên nói “tất cánh chẳng sinh chẳng diệt là nghĩa vô thường”. Chẳng phải thường vì tính triệt tướng; chẳng phải vô thuờng vì tướng triệt tính, như kinh Am-đề-già Nữ ghi: “Sinh diệt và chẳng sinh diệt đan xen mà giải thích”. Trong kinh đáp ngài Văn-thù-sư-lợi: nếu biết các rốt cuộc sinh diệt biến đổi vô định như tướng huyễn mà hay tùy theo chỗ thích nghi nên có nói năng, đây là nghĩa thường, vì các pháp sinh chẳng tự sinh, diệt chẳng tự diệt.

Thế nào là vô thường ? Nghĩa là nếu biết các pháp rốt cuộc chẳng sinh chẳng diệt tùy theo sự thích nghi mà có nói năng, đây là nghĩa vô thường. Vì các pháp tự tại biến đổi vô định, rõ ràng chẳng tự được tùy, biết nói như thế là nghĩa thường.

Giải thích: Ý này chính hiển tính tướng giao triệt, hai nghĩa tương thành, sinh diệt tương tận, vì vô thường tức thường nên chẳng sinh chẳng diệt là nghĩa vô thường; tùy duyên biến đổi, thường tức vô thường nên sinh diệt là nghĩa thường.

Lại vì tính tức tướng nên chẳng sinh chẳng diệt là nghĩa vô thường; vì tướng tức tính nên sinh diệt là nghĩa thường. Cùng đoạt nên song phi, cùng thành nên song lập. Phật ở giữa Song Thọ nhập niết-bàn là ý nghĩa này vậy. Thường vô thường đã vậy, ngã lạc tịnh cho đến tất cả pháp đều như thế tức là nơi nơi đều nhập đại niết-bàn chẳng phải chỉ riêng nơi Song Lâm. Nếu chẳng rõ ý này thảy đều rơi vào tiên kiến tà kiến; tức là trần trần đều là sinh tử, đâu chỉ riêng trong cõi Diêm-phù. Nếu vào Tông Cảnh thì tất cả pháp đều vô thường, vô thường nhiếp pháp không sót, nghĩa lý vô tận mới là chân vô thường, gồm thâu các nghĩa cho là nhất trí.

Hỏi: Niết-bàn tam đức chân như nhất tâm, trên quả và trong nhân bao gồm vô biên nghĩa lý đâu chỉ mười thứ ba pháp cho đến vô tận pháp môn tức hóa ngưng thần cứu cánh chỉ quy pháp nào ?

Đáp: Tổng biệt chỉ quy trở lại là chỉ quy ba đức bí tạng. Như chỉ quán chỉ quy, kinh Đại Niết-bàn nói: Đặt các ông vào trong bí mật tạng, ta cung chẳng trụ lâu trong ấy. Đây gọi là tổng tướng chỉ quy biệt tướng là thân có ba thứ: 10 sắc thân, 2- pháp môn thân, 3- thật tướng thân. Nếu đem tức hóa luận về quy, sắc thân quy giải thoát, pháp môn thân quy bát-nhã, thật tướng thân quy pháp thân.

Lại nữa ba pháp này chẳng phải ba chẳng phải một bất khả tư nghì. Vì sao ? Nếu cho pháp thân là chân pháp thân thì chẳng phải pháp thân. Nên biết pháp thân cũng thân, chẳng phải thân, chẳng phải phi thân. Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Các thứ thị hiện tạo ra các sắc tướng”, nên gọi là thân. Việc làm đã xong quy về giải thoát, trí tuệ chiếu liễu các sắc phi sắc nên gọi là chẳng phải thân. Việc làm đã xong quy về bát-nhã, thân thật tướng chẳng phải sắc thân, chẳng phải pháp môn thân nên gọi là chẳng phải thân chẳng phải phi thân. Việc làm đã xong quy về pháp thân, thông đạt ba thân này không có tướng nhất dị đây gọi là quy, nói ba thân này không có tướng nhất dị đây gọi là chỉ, cũng vào bí tạng nên gọi là chỉ quy.

Nên biết bát-nhã cũng tri, chẳng phải tri, chẳng phải tri chẳng phải chẳng tri. Đạo chủng trí bát-nhã biết khắp tục đế nên gọi là tri. Việc làm đã xong quy về giải thoát, nhất thiết trí bát-nhã biết khắp chân đế nên gọi là chẳng phải tri. Việc làm đã xong quy về bát-nhã, nhất thiết chủng trí bát-nhã biết khắp trung đế nên gọi là chẳng phải tri chẳng phải chẳng tri. Việc làm đã xong quy về pháp thân, đạt ba thứ bát-nhã không có tướng nhất dị, đây gọi là quy; nói ba thứ bát-nhã không có tướng nhất dị đây gọi là chỉ; cùng vào bí tạng gọi là chỉ quy.

Nên biết giải thoát cũng thoát, chẳng phải thoát, chẳng phải thoát chẳng phải chẳng thoát. Phương tiện tịnh giải thoát điều phục chúng sinh chẳng bị ô nhiễm gọi là thoát. Việc làm đã xong quy về giải thoát, viên tịnh giải thoát chẳng thấy chúng sinh và tướng giải thoát nên gọi là chẳng phải thoát. Việc làm đã xong quy về bát-nhã, tính tịnh giải thoát nên gọi là chẳng phải thoát chẳng phải chẳng thoát. Việc làm đã xong quy về pháp thân hoặc đạt hoặc nói, ba thứ giải thoát này chẳng phải tướng nhất dị cùng vào bí mật tạng nên gọi là chỉ quy.

Nên biết các thứ tướng, các thứ ngôn thuyết, các thứ thần lực tất cả đều vào trong bí mật tạng thì những gì là chỉ quy, chỉ quy chỗ nào, ai chỉ quy ? Đường ngôn ngữ dứt, chỗ tâm hành diệt lặng lẽ như hư không đây gọi là chỉ quy. Cho nên biết vô tận pháp môn năng hóa sở hóa chưa có một pháp nào chẳng chỉ quy Tông Cảnh. Do đó Thiền sư Phổ Trí nói: “Phật đạo đều do pháp gì thành, ngộ tâm vô thể trừ vô minh, đừng sợ rơi vào không đoạn kiến, vạn pháp đều chỗ này sinh”.