TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 85

Hỏi: Hễ hợp nhất tâm thì không có cảnh giới bên ngoài, tại sao phẩm Thập Địa trong kinh Hoa Nghiêm nói: “Hàng Sơ địa thấy trăm vị Phật cho đến nhưng địa cao hơn càng thấy nhiều Phật” ?

Đáp: Chỗ thấy nhiều ít đều tỏ niệm sinh, tâm hẹp thì thấy ít Phật, tâm rộng thì thấy nhiều Phật. Khép mở do tâm, khai hợp tại ngã, lìa ngoài tâm thật sự không có gì cả.

Kinh Đại Tập ghi: “Tôn giả Kiều Trần Như lại nghĩ: ta phải làm thế nào để được thấy chư Phật. Khi ấy tùy theo phương diện quán sát của tôn giả mà được thấy Phật, quán nhiều thấy nhiều, quán ít thấy ít. Đã thấy, tôn giả lại nghĩ chư Phật Thế Tôn không từ đâu đến, không đi về đâu, ta quán ba cõi là tâm, là nhân thân của tâm, ta tùy theo giác quán muốn nhiều thấy nhiều, muốn ít thấy ít, chư Phật Như Lai là tâm của ta. Vì sao ? Vì tùy tâm mà thấy. Tâm là thân của ta, thân chính là hư không. Ta nhờ giác quán thấy vô lượng Phật, ta dùng giác tâm thấy Phật biết Phật, tâm chẳng thấy tâm, tâm chẳng biết tâm. Ta quán pháp giới tính không bền chắc, tất cả các pháp đều từ nhân duyên giác quán mà sinh, thế nên pháp tính chính là hư không, tính của hư không cũng lại như hư không. Ta nhờ tâm thấy các sắc xanh vàng đỏ trắng trong hư không. Kiều Trần Như tạo thần biến xong, những việc ngài thấy như gió không chân thật, đây gọi là cộng phàm phu như thật đà-la-ni”.

Lại nói: “Lại nữa Hiền Hộ, như người khỏe mạnh dung mạo xinh đẹp muốn thầy hình ảnh của mình đẹp xấu liền dùng bình đựng đầy dầu trong, hoặc nước sạch, hoặc thủy tinh, hoặc gương sáng để soi dung mạo của mình. Này Hiền Hộ, ý ông thế nào ? Những hình ảnh được thấy hiện ra nơi dầu, nơi nước, nơi thủy tinh, nơi gương sáng là trước đã có chăng ?

Hiền Hộ đáp: Chẳng phải.

– Vốn là không chăng ?

– Chẳng phải.

– Là ở bên trong chăng ?

– Chẳng phải.

– Là ở bên ngoài chăng ?

– Chẳng phải. Bạch Thế Tôn, các vật như dầu, nước, thủy tinh, gương sáng, trong sạch không cấu bẩn nên các hình tượng hiển hiện. Các hình tượng hiển hiện ấy chẳng phải từ bốn vật kia xuất hiện, cũng chẳng phải từ nơi khác đến, chẳng phải tự nhiên có, chẳng phải người tạo ra, nên biết các hình tượng ấy không từ đâu đến và không đi về đâu, không sinh không diệt không có chỗ trụ.

Khi Hiền Hộ đáp như thế, đức Phật dạy: Này Hiền Hộ, đúng như thế, như lời ông nói các vật trong sạch màu sắc sáng sủa hình tượng tự hiện, chẳng cần dụng công; Bồ-tát cũng thế nhất tâm khéo tư duy thấy chư Như Lai, thấy xong liền trụ, trụ rồi liền hỏi nghĩa, giải thích vui vẻ xong liền lại tư duy vị Phật này hôm nay từ đâu đến và thân tôi từ đâu ra. Quán Như Lai ấy rốt ráo không chỗ đến cũng không nơi đi; thân tôi cũng thế, vốn không có đường ra thì làm sao có luân chuyển. Lại nên tư duy: Ba cõi hiện tại chỉ là tâm. Vì sao ? Vì tùy theo tâm niệm kia trở lại tự thấy tâm, nay ta từ tâm thấy Phật, tâm ta làm Phật, tâm ta là Phật; tâm ta là Như Lai, tâm là là thân ta, tâm ta thấy Phật. Tâm chẳng biết tâm, tâm chẳng thấy tâm, tâm có tưởng niệm thì thành sinh tử, tâm không tưởng niệm là niết-bàn. Các pháp chẳng chân thật, do tư tưởng duyên khởi; sở tư đã bặt thì năng tưởng cũng không. Này Hiền Hộ nên biết các Bồ-tát do tam-muội này chứng đại bồ-đề”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Tùy theo tâm chúng sinh ứng sở tri lượng”. Người xưa giải thích: Tùy theo căn thành thục của chúng sinh liền hiện. Sở tri lượng là cảnh sai biệt của chúng sinh, là biết trong một pháp trần cùng khắp pháp giới là lân hư trần vô tự tính. Tự tính là hư không, hư không chính là chân không, chân không chính là bản giác, vì thế biết Như Lai trong một lỗ lông vì vô lượng chúng sinh thường nói diệu pháp, tức là biết tất cả lỗ lông, hạt bụi nhỏ cũng không ngoài ngã. Chỉ cần hiểu được một pháp vi trần thì đếm được vi trần đầy khắp pháp giới. Thế nên Như Lai có thể biết số giọt nước trong bốn biển lớn, số cân lượng của đất đai núi Tu-di, đều do quán một thân này ở trên một thân, quán một sợi tóc, mảy lông đều biết là vô tự tính. Chỉ cần quán trong một lỗ lông thật không có tự tính, một lỗ lông cũng bất khả đắc, chỗ bất khả đắc đầy khắp pháp giới là biết nhất thiết trí. Do đó Tín Tâm Minh ghi: “Một là tất cả, tất cả là một, nếu được như thế, lo nào chẳng dứt”. Nếu có thể liễu đạt như thế, một hạt bụi, một mảy lông không có tự tính, duy tâm sở hiện thì biết tất cả các pháp tất nhiên không còn thể nào khác, vì theo trần chấp thấy tất cả chúng sinh, một pháp chẳng thông thì các trần tự trệ.

Luận Hoa Nghiêm nói: “Theo sự thật mà luận, trong sơ phát tâm trụ như giọt nước rơi vào biển đều đồng một thể của biển, các loài rồng, cá, kho báu chứa trong đó, vì giáo hóa chúng sinh nên chẳng thể chẳng đủ dụng cụ đáng bắt; dùng danh ngôn giấy bút ghi chép thành sách vở thì dường như nghĩa trước sau sinh ra. Người thể hội đạo lý cần phải soi xét, như cầm gương báu đến trước vạn tượng.

Lại có bài tụng:

Vô hạn trí bi thành Phật đức
Phật nhờ bi trí thành Thập địa
Lại đem Thập địa thành các vị
Năm vị trước sau gia hạnh môn
Chẳng lìa Thập địa trí bi khởi
Thế nên Thập địa sơ phát tâm
Phát tâm liền vào Thập địa trí
Tuy phương tiện năm vị sai khác
Chỉ là thành thục Thập địa trí
Như chim tung bay giữa hư không
Chẳng bỏ du hành không chỗ đến
Cũng như rồng cá bơi trong nước
Chẳng bỏ thường dạo chẳng lìa nước
Như vậy hạnh năm vị sai biệt
Chẳng bỏ sai biệt chẳng lìa trí
Nếu có ngày tháng năm sai khác
Dùng trí pháp ấn không sai biệt
Trí thể chẳng thành cũng chẳng hoại
Vì rõ các vị trừ tập khí
Biết tập vô tập bi hạnh thành
Vạn hạnh thường khởi vô tác trí.

Hỏi: Nếu ngoài tâm không có pháp chỉ là nhất tâm, đối với bên ngoài không có nghiệp quả thiện ác, báo ứng khổ vui, tại sao thành Phật pháp trở lại đọa quần tà ?

Đáp: Nếu rõ nhất tâm thì kiến chấp hữu vô dứt hẳn, cảnh trí đều bặt, khế hợp tính không, căn trần đều mất trong ngoài giải thoát, cũng thường chiếu trong ngoài thoát khỏi vô tri. Không còn chẳng có thì vọng từ đâu khởi ? Các cảnh giới khổ vui hiển hiện bên ngoài như bóng trong gương, lấy tự tâm làm gương sáng trở lại soi chiếu bóng nghiệp của chính mình. Cổ đức nói: Lấy Như Lai tạng tính làm gương sáng tùy theo tính chất nghiệp duyên hiện ra ảnh tượng của quả báo. Nghiệp gồm cả tính và tướng nghĩa là thể của nghiệp này lấy pháp vô tính làm tính của nó, vì chẳng mất tướng nghiệp quả làm tính của nó. Do vô tính nên có thể thành nghiệp quả, do chẳng hoại tướng mới hiển chân không. Vì sao ? Nếu có tính thì nghiệp thiện ác quyết định chẳng thể sửa đổi, không có quả báo khổ vui. Nếu hoại nghiệp tướng thì thành đoạn diệt. Vì tất cả nhân quả từ tự tâm sinh, ngoài tâm thật không có nghiệp thiện ác để được; vì nghiệp không có tự tính chỉ do tâm khởi, do đó như bóng, như huyễn không có tướng cố định. Lại vì nghiệp không có tự tính nên chẳng rơi vào có; vì chẳng hoại nghiệp quả nên chẳng rơi vào không. Chẳng phải có chẳng phải không thì đó là lý trung đạo nhất tâm.

Hỏi: Tuy tâm chính là nghiệp, nghiệp chính là tâm. Đã từ tâm sinh, trở lại thọ lĩnh từ tâm, làm thế nào hiện tại tiêu trừ nghiệp báo hư vọng ?

Đáp: Chỉ cần rõ vô tác tự nhiên nghiệp không, do đó nói: “Nếu rõ không tạo ác nghiệp một đời thành Phật”. Lại nói: “Tuy có tạo nghiệp mà không có tác giả”, tức là giáo bí mật của Như Lai. Lại hễ tạo nghiệp đều là tự tâm; chấp càn ngoại pháp trở lại tự đối trị, vọng chấp thành nghiệp. Nếu rõ tâm chẳng chấp, cảnh tự chẳng sinh; không pháp dẫn tình làm thế nào thành nghiệp ? Nghĩa Hải nói: “Trừ nghiệp báo là trên trần chẳng rõ tự tâm là ngoài tâm có pháp liền sinh yêu ghét; từ nghiệp tham thành báo, nhưng nghiệp báo này do tâm mê trần vọng chấp mà sinh, dường như có hiển hiện, đều không chân thật. Mê thì trần tướng có xuất xứ, rồi lại sinh ra mê; nay rõ trần tướng vô thể là ngộ. Mê vốn không từ đâu đến, ngộ cũng không đi về đâu. Vì sao ? Vì vọng tâm là có, vốn vô thể, như con rắn trên sợi dây vốn không từ đâu đến cũng không về đâu, vì sao ? Trên con rắn vọng tâm chấp càn là có, vốn vô thể. Nếu chấp có chỗ đến đi là mê, rõ không đến đi là ngộ. Ngộ và mê đối đãi nhau an lập, chẳng phải trước có tịnh tâm, sau có vô minh. Đây chẳng phải hai vật không thể hiểu cả hai, chỉ cần rõ vọng không vọng chính là tịnh tâm, trọn không trước tịnh tâm rồi sau có vô minh, cho nên biết mê ngộ chỉ là nhất tâm, như tay xấp ngửa chỉ là một bàn tay; thâm đạt như thế bóng nghiệp tự tiêu.

Kinh Hoa Nghiêm ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi hỏi Bồ-tát Đức Thủ: Phật tử, tất cả chúng sinh có bốn đại vô ngã, vô ngã sở, tại sao lại có người chịu khổ, xinh đẹp, xấu xí, nội hảo, ngoại hảo, thọ ít, thọ nhiều, hoặc thọ hiện báo, hoặc thọ hậu báo, nhưng trong pháp giới không đẹp không xấu ?

Khi ấy, Bồ-tát Đức Thủ dùng bài tụng để đáp:

Tùy theo nghiệp đã tạo
Như thế quả báo sinh
Người tạo tác không có
Những lời chư Phật dạy
Ví như gương sáng sạch
Tùy theo vật đối trước
Hiện hình bóng khác biệt
Nghiệp tính cũng như thế
Cũng như hạt giống lúa
Mỗi thứ chẳng biết nhau
Tự nhiên hay xuất sinh
Nghiệp tính cũng như thế
Như nhà ảo thuật giỏi
Ở tại ngã tư đường
Bày ra các sắc tướng
Nghiệp tính cũng như thế.
Như người gỗ máy móc
Hay phát các âm thanh
Kia vô ngã phi ngã
Nghiệp tính cũng như thế.
Cũng như các loài chim
Chui ra từ vỏ trứng
Âm thanh đều khác biệt
Nghiệp tính cũng như thế.
Ví như trong thai tạng
Các căn đều thành tựu
Thể tướng không chỗ đến
Nghiệp tính cũng như thế.
Lại như tại địa ngục
Các sự việc thống khổ
Đều không từ đâu đến
Nghiệp tính cũng như thế.
Ví như Chuyển luân vương
Thành tựu bảy thứ báu
Chỗ đến chẳng thể được
Nghiệp tính cũng như thế.
Lại như các thế giới
Bị lửa lớn thiêu đốt
Lửa này không chỗ đến
Nghiệp tính cũng như thế.

Kinh Tịnh Nghiệp Chướng nói: “Quán tất cả pháp chính là Phật pháp” đây là tịnh chư nghiệp chướng. Như có học nhân hỏi hòa thượng An Quốc: Nếu lúc chưa ngộ, nghiệp duyên thiện ác có chăng ? Đáp: Chẳng có. Ví như ban đêm nằm chiêm bao thấy kẻ ác rượt đuổi, hoặc thấy làm Phạm Vương, Đế Thích cho là có; chợt tỉnh giấc tất cả đều không, cho nên tin biết ba cõi vốn không chỉ là nhất tâm.

Lại có người hỏi hòa thượng Đại Châu: Làm sao biết được nghiệp hết ? Đáp: Tâm hiện tiền thông cả đời trước đời sau, cũng như mắt thấy trước Phật sau Phật muôn pháp đồng thời.

Kinh nói một niệm biết tất cả pháp là đạo tràng, vì thành tựu nhất thiết trí. Đây là biết những gì sinh ra từ tâm đều không chân thật, như tâm mộng chẳng thật thì việc trong mộng cũng giả, thế gian đều biết có thể tin nhận sâu sắc. Thế nên lý nghiệp thiện ác đều tính không, chẳng hoại duyên sinh, luôn hợp diệu chỉ.

Lượng nói: Chính nghiệp là có pháp quyết định tức hữu tức không nên là tông. Nhân nói: Vì tức duyên trở thành tức vô tính. Đồng dụ nói: Như pháp thuật huyễn hóa sinh ra tức hữu chẳng ngại hư giả, chính nghiệp từ duyên sinh, không hữu chẳng ngại nhau vì thế biết muôn pháp từ biến kế tình sinh, chỉ có hư danh không có thật nghĩa.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Diệu giác lặng lẽ trùm khắp pháp giới, gồm cả mười phương đâu có phương sở, theo nghiệp phát hiện thế gian không biết mê lầm cho là nhân duyên và tính tự nhiên đều là tâm thức phân biệt đo lường, chỉ có ngôn thuyết không có thật nghĩa”.

Hàm thổ thập hư, hàm là nhất chân bất động ở trong Như Lai tạng; thổ là nương nơi phân biệt hư vọng tùy theo chỗ phát hiện, chỗ phát hiện nhỏ nhặt đều là tự tâm sinh, từ phân biệt có. Nếu biết chỗ phát hiện hư vọng thì liền ngộ chân không; chân không hiện tiền làm sao còn ngôn thuyết ?

Hỏi: Chân tâm chẳng động ba thuở chẳng đời, tại sao nói tâm lưu chuyển, lại nói nghĩa dứt lưu chuyển ?

Đáp: Cái gọi là thuận dòng nghịch dòng đều căn cứ vào tâm duyên lự của chúng sinh hư vọng gọi là lưu chuyển, thể của nó thường tịch, chỉ cần chẳng thấy chỗ khởi một niệm tức là chẳng lưu chuyển, chưa hẳn có niệm để dứt. Kinh Trí Nghiêm ghi: “Ngài Văn-thù-sư-lợi nói: Làm thế nào dứt lưu chuyển ? Vì đối với tâm quá khứ chẳng khởi, thức vị lai chẳng sinh, ý hiện tại chẳng động, chẳng trụ chẳng tư duy, chẳng biết chẳng phân biệt”. Cho nên biết lấy cảnh đối cảnh đem tâm trị tâm như con chó đuổi theo hòn đá thì càng xa, như người né tránh bóng mình luống nhọc. Nếu có thể biết thân là bóng, bỏ hòn đá chụp lấy người thì bóng mất dấu lặn, an nhiên đi trên đường, cho nên biết mọi hoạt động điều mê loạn, thảy đều thành ma nghiệp. Nếu biết tâm chẳng động thì chẳng bị lưu chuyển mới vào trong Tông Cảnh vĩnh viễn vượt lên ma huyễn, tự nhiên tâm trí tịch diệt, các kiến chấp tiêu trừ.

Kinh Đại Hư Không Tạng Bồ-tát Sở Vấn ghi: “Bồ-tát Sơn Tướng Kích Vương nói: Ví như gió lùa qua kẽ hở lay động các vật có tướng vãng lai, Bồ-tát cũng thế, nếu tâm có kẽ hở thì tâm dao động, vì tâm dao động nên ma được cơ hội. Thế nên Bồ-tát cần phải giữ gìn tâm chẳng cho có kẽ hở. Nếu tâm không có kẽ hở thì các tướng viên mãn; vì các tướng viên mãn nên tính không viên mãn. Đây là pháp môn siêu ma của Bồ-tát (…) Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi nói: Này nhân giả, những lời của các ông đều là ma cảnh, vì sao ? Đặt bày văn tự đều là ma nghiệp, cho đến lời Phật cũng là ma nghiệp; không có ngôn thuyết, lìa các văn tự ma không thể làm. Nếu không đặt bày thì không ngã kiến và văn tự kiến. Vì vô ngã nên đối với các pháp không có tổn ích, thể nhập như thế thì vượt lên ma cảnh, đây là pháp môn siêu ma của Bồ-tát.

Kinh Đại Thừa Thiên Bát Đại Giáo Vương ghi: “Phật dạy: Các tướng mạo huyễn hoặc của thiên ma làm chướng ngại tâm nhãn Thánh đạo của người tu học; cho đến khiến thấy tất cả tướng huyễn, việc sinh tử trước sau, các tướng thiện ác, ma tạo các việc huyễn hoặc chẳng liên quan đến chính trí, duy tâm sở biến, đừng nắm lấy ngoại duyên”. Người tu học hẳn không dược chấp thủ các tướng đối với cảnh giới chiêm bao và cảnh trước mắt. Nếu động chuyển tâm người sinh ra sợ hãi thì bị thiên ma quỉ thần làm chướng ngại. Người tu hành chính kiến phải thường quán sát kỹ lưỡng tâm tính, thấy tính tịch tĩnh, tâm tính không vật. Không nắm lấy tướng thì không có cảnh giới nhân duyên vọng tưởng. Thế nên người tu hành phải siêng năng tinh tiến, chớ nên lười biếng thoái chuyển thì chóng chứng vô thượng chính đẳng bồ-đề. Luận Đại Trí Độ nói: “Trừ thật tướng của các pháp đều là ma sự của Bồ-tát. Nếu chứng bát-nhã, có thể khế hợp thật tướng liền vượt qua ma sự”. Đây là căn cứ vào lúc nói chứng thật tướng. Lúc thân chứng như người uống nước chẳng thể chấp lấy nói mà chẳng chứng; hoặc chỉ nói vượt qua ma chẳng lìa ma giới; hoặc vượt qua ma giới nói chứng đều tuyệt, đây là biết hẳn không có cảnh ma, mà chỉ do tâm khởi. Vì sao ? Nếu trong tâm thích sinh tử thì thân là thiên ma; nếu trong tâm chấp tà kiến thì thân là ngoại đạo; cho đến ngoài tâm thấy pháp, ngoài lý riêng cầu đều thành ngoại đạo.

Hỏi: Phàm Thánh nhất tâm cùng một chủng tính; chủng tính như nhau tại sao nhân quả thụ lĩnh chẳng đồng, báo ứng khác biệt ?

Đáp: Tuy tự nghiệp đều thụ lĩnh hư dối có lên xuống nhưng duyên tính vô sinh trọn bất khả đắc. Kinh Chư Pháp Vô Hành ghi: “Phật bảo Văn-thù-sư-lợi: Tâm của tất cả chúng sinh đều là một”, đây gọi là chủng tính, chủng tính là nghĩa căn bản. Căn bản thường là một nhưng chúng sinh vọng khởi tự tha sai biệt, phàm Thánh cao thấp. Tuy khởi sai biệt mà một thể chẳng động, vì tính sai biệt chẳng phải có, vì chỉ là vọng khởi không có thật thể. Do đó kinh nói: “Phật dạy: Này Văn-thù-sư-lợi, tất cả chúng sinh đều không có tâm duyên, vì tính bất khả đắc, đây gọi là chủng tính. Lại tất cả cảnh giới thiện ác đều là ánh sáng của tâm tất cả thọ dụng hơn kém đều là quả của tâm”. Kinh Luận Đại Trang Nghiêm có bài kệ:

Các ánh sáng tâm khởi
Như là các thứ tướng
Quán thể chẳng phải thể
Chẳng được pháp thật tướng.

Các ánh sáng của tâm chính là các sự tướng hoặc dị thời khởi đó là ánh sáng của tham sinh v.v… hoặc đồng khởi đó là ánh sáng của tính, tiếng v.v… Như vậy tâm số nhiễm và tâm số tịnh chỉ có ánh sáng mà không có thể của ánh sáng, vì vậy Thế Tôn chẳng nói nó là pháp chân thật.

Lại nói: Các hành sát-na tăng thượng như Phật nói tâm đem thế gian đi, tâm dắt thế gian lại; do tâm tự tại thế gian tùy chuyển, thức duyên danh sắc đây nói cũng vậy. Cho nên biết các hành là quả của tâm. Lại tùy tịnh là tâm của người thiền định, các hành của người ấy tùy theo tịnh tâm mà chuyển, tỳ-kheo tu thiền đầy đủ thần thông tâm được tự tại, nếu muốn cây thành vàng liền được như ý, cho nên biết các hành đều là quả của tâm. Lại tùy sinh như chúng sinh tạo tội sẽ có các ngoại vật hạ liệt, chúng sinh tạo phước sẽ được các ngoại vật tốt đẹp, cho nên biết các hành đều là quả của tâm. Phải biết tất cả vạn pháp đã lấy tâm làm nhân, cũng lấy tâm làm quả, tuy tịnh uế hiển hiện chẳng đồng ở trong gương tâm, như ánh sáng, như bóng hình đoạn chẳng thể được.

Hỏi: Vào môn duy thức quán tất cả cảnh tự nhiên vô tướng cần gì lại nói phá tướng hiển lý, lại nói bỏ hữu quán không ? Nếu có tông bị phá thì lập lý năng không, đã còn pháp không trở lại thành nhân hữu tướng. Nếu giữ lấy quán môn thì làm sao hợp đạo vô vi ?

Đáp: Nói phá tướng là chưa vào duy thức bỏ đi vọng chấp; tuy nói phá tướng thật ra không có cái bị phá; đã không có hữu sở phá thì cũng không có không năng phá. Tình chấp nếu tiêu thì không hữu đều bặt, tiền trần vô định, lập phá tùy tâm, cái vọng mê chân chẳng sinh, cái chân đối vọng cũng dứt.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Các thứ chấp tướng đều là hư vọng như hạt châu pha lê biến đổi màu sắc tùy theo sắc ở trước, tự không có sắc nhất định; các pháp cũng như thế không có tướng cố định, tùy tâm mà sai khác”. Nếu các tướng thường và vô thường, như với tâm giận dữ thấy người này xấu xa; tâm giận dữ dứt, tự khởi tâm dâm dục thì thấy người này đẹp đẽ; với tâm kiêu mạn thấy người này ti tiện; khi nghe người có đức độ thì sinh lòng cung kính. Những việc hữu lý như thế mà yêu ghét trở thành vô lý, vì yêu ghét đều là ức tưởng hư vọng. Nếu trừ dẹp sự dối trá hư vọng cũng vô không tướng, vô tướng tướng, vô tác tướng, vô sở phá cho nên vẫn còn chẳng phù hợp lý vô tướng, đâu còn môn phá lập, vì thành hoại lấy bỏ đều là tự tâm. Nếu trực liễu tâm tính tự nhiên dứt quán, như kinh Lăng Già có bài kệ:

Tất cả không niết-bàn
Không có Phật niết-bàn
Không có niết-bàn Phật
Xa lìa giác sở giác
Hoặc có hoặc không có
Hai thứ này đều lìa
Mâu-ni tịch tĩnh quán
Là xa lìa sinh tử
Đây gọi là chẳng thủ
Đời này đời sau tịnh.

Ngài Đại Vân giải thích hai bài kệ này như sau: Bài kệ ban đầu nói về nhất như, nghĩa là căn cứ vào vô nguyện quán để hiển viên thành, vì không có Phật niết-bàn nên không có nguyện. Câu đầu tiên nghĩa là trong tất cả pháp sắc tâm v.v… không được niết-bàn, vì tất cả pháp vốn như. Nếu được niết-bàn là đoạn kiến và thường kiến; diệt pháp là đoạn chứng, đắc là thường. Câu kế tiếp đã không có niết-bàn thì làm sao có Phật, cho nên kinh nói: “Thấy đoạn phiền não mà được thành Phật”. Đây gọi là phá hoại Phật pháp, vì phiền não và Phật tính tịch tĩnh. Trong câu thứ tư sở giác như nên không có niết-bàn, năng giác như nên không có thành Phật; lìa giác sở giác cùng được nhất như.

Hỏi: Thấy nghe hiểu biết chẳng ngoài tâm lượng tục đế, chân đế vô đắc vô sinh có ngoài tâm lượng chăng ?

Đáp: Lượng là tâm năng duyên, chỉ có đối tục nói chân, nhân hư lập thật, chê sai biệt nên nói bình đẳng, trừ dị tướng lập như như đều là đối đãi được tên, phá chấp lập giáo. Nếu có thể chân tục cùng dẹp, không hữu đều tiêu, thấu rõ biên tức trung thì không có biên để lìa, thông đạt trung tức biên thì không có trung để còn. Trí năng chứng đã mất, lý sở chứng cũng bặt mới vượt qua tâm lượng vào môn tuyệt đãi. Nếu có đắc không đắc, có sinh không sinh, đều chẳng ngoài tâm lượng. Kinh Lăng-già có bài kệ:

Lìa tất cả các kiến
Và lìa tưởng sở tưởng
Không đắc cũng không sinh
Ta nói là tâm lượng
Phi tính phi phi tính
Tính phi tính đều lìa
Các tâm giải thoát kia
Ta nói là tâm lượng
Như như và không tế
Niết-bàn và pháp giới
Các thứ ý sinh thân
Ta nói là tâm lượng.

Do đó kinh Niết-bàn nói: “Nếu có một pháp hơn cả niết-bàn, ta cũng nói như huyễn như hóa, vì niết-bàn vô tướng. Nếu chấp tướng là tự tâm hiện lượng, chẳng phải niết-bàn chân thật”. Phật nói giả sử có một vị Phật hơn cả niết-bàn thì tâm hướng đến sở đắc cũng thành tâm lượng; những gì do tự tâm biến ra đều là huyễn hóa, cho nên biết dấu vết của hình tướng lời nói, chợt sinh diệu giải đều thuộc về tâm lượng, chưa có một pháp ở ngoài tâm. Nếu có thể ngộ tâm vô tâm, liễu cảnh vô cảnh, lý lượng cùng mất có thể vào Tông Cảnh.

Hỏi: Luận về tâm lượng chẳng ngoài sự thấy nghe, nếu y cứ vào sự thấy nghe thì còn tiền cảnh, làm sao thành nghĩa duy tâm ?

Đáp: Đây là tâm lượng của vô tâm chẳng có thật thể.

Hỏi: Nếu không có thật thể tại sao kiến lập tất cả các pháp ?

Đáp: Chỉ do vô thể vô tính mới thành vạn hữu, vạn hữu sinh khởi chẳng lìa chân không. Nếu nói có tính một pháp chẳng thành thì không chẳng tự không làm sao có thể dung nạp sắc; nếu sắc chẳng tự sắc mới có thể hợp không. Luận Ma-ha-diễn nói: “Tất cả các pháp duy tâm hồi chuyển, không còn pháp khác”, như vậy tâm pháp cũng bất khả đắc.

Kinh Lăng Già nói: “Tâm lượng vô tâm ta nói là tâm lượng”. Câu “do tâm bất khả đắc” lập nên nghĩa đại không; câu “tâm lượng vô tâm” làm thành nghĩa huyễn sai biệt. Do nghĩa đại không các pháp được thành; do nghĩa huyễn sai biệt lý không được hiển.

Hỏi: Vọng hay che chân toàn thành sinh tử, chân hay đoạt vọng liền hiện niết-bàn. Chân vọng nếu lìa thì đều chẳng sinh khởi, chân vọng nếu hợp thì nhị đế chẳng thành, làm thế nào hội thông diệu lý nhất tâm ?

Đáp: Giáo lý nhất tâm nhị đế quy về khai thì mê chân, hợp thì hoại tục, vì sao ? Tướng theo chân khởi, tức tướng mà có thể biện nguồn chân; giác nhân vọng sinh, nhân vọng mà biết được thể giác. Không vọng thì giác chẳng tự lập, không chân thì tướng không chỗ nương; chân vọng hòa hợp nhiễm tịnh thành sự. Riêng chân chẳng lập, không vọng thì đối với gì mà lập chân; riêng vọng chẳng thành, không chân thì nương cái gì mà nói vọng. Chân vọng đều không có tự thể, danh tướng vốn đồng một gốc, đây là nhị đế luôn phân ra nhất vị thường trụ, tạng tính chẳng động, duyên khởi muôn sai, cho nên biết thật không có một pháp riêng có tự thể độc lập, đều từ hai pháp chân vọng hòa hợp mà khởi. Luận Khởi Tín nói: “Bất sinh bất diệt cùng với sinh diệt hòa hợp chẳng phải một chẳng phải khác gọi là thức a-lại-da, biến khởi căn thân, khí thế gian v.v…”

Luận Thích Ma-ha-diễn nói: “Nhân duyên sinh diệt có hai thứ: 1- Nhân duyên sinh diệt bất tương ưng, 2- Nhân duyên sinh diệt tương ưng”. Luận nói: Thể của hiện thức cảnh giới sáu trần như thứ lớp kia là ba thứ tương ưng pháp nhiễm hay tạo ra nhân duyên cho nên nói là môn nhân duyên sinh diệt thô nặng; thể của hiện thức lại có nghĩa duyên cần phải tư duy xét nét.

Lại nữa, có hai lớp nhân duyên: 1- Bản biến nhân duyên, 2- Mạt biến nhân duyên. Bản biến là nói về bản vô minh và bản giác tâm hướng về sáu trần tương ưng có nghĩa nhân duyên. Mạt biến là nói về nghiệp chuyển hiện tướng hướng về ba thứ tương ưng có nghĩa nhân duyên.

Lại nữa, có hai thứ nhân duyên: 1- Thượng hạ nhân duyên, 2- Hạ thượng nhân duyên. Thượng hạ nghĩa là vô minh là thỉ, quả báo là chung, vì thượng hạ cùng với lực chẳng vượt qua số ấy làm nhân duyên. Hạ thượng nghĩa là quả báo là thỉ, vô minh là chung, vì hạ thượng cùng với lực chẳng vượt qua số ấy làm nhân duyên.

Lại nữa, tất cả pháp hữu vi sinh diệt sát-na chẳng trụ, vì không nhân không duyên. Lại nữa pháp nhân duyên rỗng không mà vô chủ, vì thật ra tự tính bất khả đắc. Lại nữa, pháp bất khả đắc bất khả đắc cũng bất khả đắc. Lại nữa, nhân duyên sinh diệt là tâm, ý, ý thức của chúng sinh chuyển. Đây thuyết minh nghĩa gì ? Nghĩa là muốn hiển bày sở y năng y sai biệt. Thế nào là sở y ? Đó là tâm bản giác. Thế nào là năng y ? Đó là chúng sinh. Nói chúng sinh là y cứ vào pháp gì ? Đó là ý và ý thức. Tại sao ý và ý thức gọi là chúng sinh ? Vì ý và ý thức sinh ra do các pháp nhiễm tập hợp nên gọi là chúng sinh, không riêng có tự thể, chỉ nương vào tâm làm thể thế nên nói nương tâm mà chuyển. Lại nói: Tướng vô minh chẳng lìa tính giác, chẳng có thể hoại; như trong biển lớn tướng gió, tướng nước chẳng rời bỏ nhau. Biển lớn dụ cho thức a-lại-da, nước dụ cho tâm bản giác, gió dụ cho căn bản vô minh, bất giác có thể khởi động chuyển thức lự tri như ngọn gió, sóng chuyển động dụ cho các thức hí luận dời đổi vô thường. Tướng nước tướng gió chẳng rời bỏ nhau dụ cho chân vọng giúp nhau cùng vận hành hợp chuyển, nghĩa là vì tâm bản giác chẳng tự khởi, phải nhờ sức vô minh mới khởi; vì căn bản vô minh chẳng tự chuyển, phải nhờ sức chân tâm mới chuyển. Như nước không tự dấy sóng, phải nhờ sức gió; gió chẳng tự hiện tướng động, phải nhờ sức nước mới hiện ra tướng động. Kinh nói: “Trong biển cả phiền não có Như Lai viên mãn tuyên nói lý thật tướng thường trụ; trong thật tính bản giác có chúng sinh vô minh dấy khởi vô lượng vô biên sóng phiền não”.

Kinh nói: “Phật bảo đại chúng, thỉ giác bát-nhã, từ cụ phược địa dần dần xuất ly, cho đến kim cang viên mãn nhân hạnh phát cứu cánh đạo, liền đoạn căn bản vô minh trụ địa, mặt trời giác ngộ chiếu soi khắp nơi; bản giác bát-nhã, từ tính thanh tịnh dần dần xa lìa, cho đến tín sơ phát cứu cánh trí, dứt diệt tướng phẩm, vào biển vô minh theo duyên chuyển động. Khi đại chúng nghe được lời này liền giác biết các pháp một tướng một thể, cũng không một tướng, cũng không một thể mà các pháp tính cũng là thật tướng, cũng là thường trụ, cũng là quyết định, cũng là thật có”.

Hỏi: Bản giác và thỉ giác từ đâu đặt tên ?

Đáp: Bản giác do thỉ được tên; thỉ giác từ bản đặt tên. Như Khởi Tín Sao ghi: “Chẳng biết thỉ giác sinh từ đâu ? Vì đối với bản nên đây nói rằng thỉ giác là do bản giác sinh ra, cái mới có nên gọi là thỉ. Phản chiếu thể của nó vốn sẵn có, đối lại với thỉ nên gọi là bản. Nếu không có bản thì thỉ đối đãi với cái gì ? Như mẹ sinh con, đối với con xưng là mẹ”.

Hỏi: Thỉ giác và bản giác đã khác biệt thì do cái gì mà không hai ? Lại đã đồng bản giác, nhân cái gì gọi là thỉ ?

Đáp: Tức là bản giác ban đầu hiển tướng dụng gọi là thỉ giác, tướng dụng chẳng phải từ bên ngoài đến nên được cùng chung một thể. Lại nếu chẳng phải bản giác nêu tướng dụng của thể thì chẳng phải là thỉ giác, vì ngoài tâm có pháp. Nếu chẳng như thế thì chỉ gọi là tương tợ giác, cũng gọi là tùy phần giác; đây là biết trực tiếp đối đãi hợp đồng bản thể mới được gọi là chân thiện giác. Đã hợp với bản thì thỉ chẳng phải thỉ; đã không có thỉ thì không có bản. Tên gọi bản thỉ đã mất chỉ có thể gọi là giác mà thôi. Như trên giải thích, nếu nhập Tông Cảnh mới là cứu cánh giác, chưa nhập Tông Cảnh chỉ gọi là tương tợ giác; đây tuy gọi là giác mà thật ra là bất giác. Cho nên luận nói: “Lại vì giác ngộ nguồn tâm nên gọi là cứu cánh giác, vì chẳng giác ngộ nguồn tâm nên chẳng phải cứu cánh giác”. Chính là nghĩa này vậy.

Hỏi: Đoạn trên nói chân tâm vô sinh vọng niệm khởi diệt làm sao hội vọng quy chân vào đạo nhất thừa bình đẳng ?

Đáp: Vọng vốn vô thể, vốn tự toàn chân cần gì lại thể hội. Hiện tại vì người tình kiến vọng chấp, dẫn trí thiện xảo thấu suốt tâm nguyên của chư Phật, sưu tầm lời lẽ vi tế tận cùng biển tính của kinh luận khiến cho dứt sạch tình trần bèn thành chân giác. Như luận Thích Ma-ha-diễn nói: Thể đại của nhất tâm chân như thông cả năm hạng người vì bình đẳng bình đẳng không sai biệt. Năm hạng người là những ai ? 1- Phàm phu, 2- Thanh văn, 3- Duyên giác, 4- Bồ-tát, 5- Như Lai. Năm tên gọi ấy người tự là năm, chân tự chỉ có một. Vì sao ? Chân như tự thể không thêm bớt, không lớn nhỏ, không hữu vô không ở giữa và hai bên, không đến đi. Từ xưa đến nay nhất tự thành nhất, đồng tự thành đồng, chán dị bỏ biệt chỉ là một chân như. Thế nên nhất tướng chân như của các pháp trong khế kinh tam-muội nói rằng: Ví như kim cương làm ra năm loại tượng, năm loại người bình đẳng cũng như thế, ở trong những người này không có thêm bớt. Cho nên luận Khởi Tín nói: “Tâm chân như chính là thể của nhất pháp giới đại tổng tướng pháp môn, vì tâm bản tính bất sinh bất diệt, tất cả các pháp đều do vọng niệm mà có sai biệt, nếu lìa vọng niệm thì không có tướng cảnh giới sai biệt”.

Người xưa giải thích: Người cố chấp hỏi hiện tại thấy các pháp sai biệt dời đổi tại sao lại nói tính không sinh diệt ?

Giải thích: Tướng sai biệt là do biến kế vọng tình của ông tạo ra, xưa nay không thật, như nương vào con mắt bệnh vọng thấy hoa đốm trong hư không, cho nên nói rằng đều nương nơi vọng niệm mà có sai biệt.

Người hoài nghi lại hỏi: Nhờ đâu được biết nương vào vọng niệm sinh ? Giải thích: Bởi các Thánh nhân lìa vọng niệm đều không có cảnh ấy, liền nghiệm biết cảnh này, quyết định tự vọng sinh. Nếu cảnh ấy chẳng phải là hư vọng, quyết định thật có, Thánh nhân chẳng thấy lẽ ra là mê muội điên đảo; phàm phu đã thấy lẽ ra là giác ngộ, như chẳng thấy hoa đốm trong hư không là do con mắt bệnh. Nói tóm lại, nếu lìa niệm thì không có sai biệt. Chỗ chấp vốn không nên chân tâm chẳng động, do đây tất cả các pháp đều là chân như, đây là hội vọng hiển chân có thể dứt sạch hoài nghi.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo ngài A-nan: Ta chẳng dạy ông chấp là chẳng phải tâm, chỉ cần ông đối với tâm xét nét kỹ càng, nếu lìa tiền trần có tính phân biệt tức là chân tâm của ông; nếu tính phân biệt lìa trần không có thể thì đây là bóng dáng của tiền trần phân biệt”. Cổ nhân có Giản Kim Tụng :

Anh thấy chăng ?
Đáy nước trong veo hiện vàng ròng
Nhấp nhô theo sóng mãi đắm chìm
Cơ may gặp được người tinh mắt
Lựa chọn kỹ càng được tri âm
Do đây liền được vua yêu quí
Vào ngay rương báu nơi lầu vàng
Một khi tinh luyện sáng chói lọi
Nâng niu trên tay thêm thích ý
Trong cát bụi này chứa vật báu
Dụ cho tâm giác chiếu chúng sinh
Chúng sinh vô thỉ chìm ba cõi
Nguyên do trôi nổi bị cảnh xâm
Đốt trần tựa như chân như tuệ
Lìa cảnh vốn không chiếu thể tâm
Mê thì nhất chân thành nhị thể
Chỉ vì quần sinh chẳng sáng tâm
Nếu hay đổi cảnh thường chân chiếu
Theo trần lìa cảnh một thứ tâm
Hiện tại Như Lai vô phân biệt
Dạy trừ chúng sinh vọng tập tâm
Chỉ dẹp vọng tập còn sau trước
Chân chiếu vọng nào chẳng chân tâm.