TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 78

Hỏi: Nói một giác là tất cả giác, tại sao trong giáo chia ra nhiều thứ ?

Đáp: Thể của giác là một, tùy theo dụng của nó chia nhiều thứ. Dụng có cạn sâu, giác không trước sau. Như kinh Anh Lạc nói: “Diệu giác gọi là tịch chiếu; đẳng giác gọi là chiếu tịch”.

Lại, giác có ba nghĩa:

1- Giác sát, như ngủ chiêm bao thức dậy, cũng như người biết rõ kẻ trộm, kẻ trộm không làm gì được. Vọng là kẻ trộm.

2- Giác chiếu, là chiếu soi lý sự, cũng như hoa sen nở soi thấy tự tâm nhất chân pháp giới Hằng sa tính đức, như thắng nghĩa kia giác biết các pháp.

3- Diệu giác, là hai giác trên vì lìa năng giác, sở giác nên gọi là diệu, chẳng phải có giác nào khác. Cho nên kinh nói: “Không có Phật niết-bàn xa lìa giác và sở giác”.

Lại giác tính vô giác là căn bản trí, giác tướng rõ ràng là hậu đắc trí.

Hỏi: Đã nói nhất tâm chân như xưa nay chẳng thay đổi do đâu có chúng sinh tương tục ?

Đáp: Chân pháp giới bình đẳng không Phật, không chúng sinh tùy duyên nhiễm tịnh mà trở thành mười pháp giới. Vì chân tâm tùy duyên, chẳng giữ tự tính, chỉ vì chúng sinh chẳng tự biết tính của vô tính, nên theo nhiễm duyên thành phàm, theo tịnh duyên thành Thánh, như tiếng vang trong hang rỗng tùy duyên phát khởi. Lại như bầu trời chợt gợn mây, gương sáng bỗng thoáng bụi, tìm chỗ một niệm ban đầu dấy khởi hoàn toàn không thể được nên gọi là vô thỉ vô minh. Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Thế nào gọi là điên đảo về chúng sinh ? Này A-nan, do tâm bản tính là minh và tính minh ấy cùng khắp nên nhân minh phát ra tính, tính vọng kiến sinh, từ chỗ rốt ráo là không, lại thành rốt ráo là có. Năng hữu sở hữu này chẳng phải là năng nhân, sở nhân và những tướng năng trụ, sở trụ trọn không có cội rễ. Vô trụ đó vốn kiến lập ra thế giới và các chúng sinh.

Mê tính viên minh sẵn có là sinh ra hư vọng, tính hư vọng không có tự thể, chẳng có chỗ nương tựa; muốn trở lại chân tính thì cái muốn chân đó đã chẳng phải là tính chân như chân thật, cầu trở lại chẳng đúng chân lý thì hiện thành chẳng phải tướng, chẳng phải sinh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp.

Xoay vần phát sinh, sinh lực phát minh, huân tập thành ra nghiệp báo; đồng nghiệp thì cảm với nhau, nhân đó có các nghiệp diệt nhau, sinh nhau, do đó mới có điên đảo về chúng sinh.

Người xưa giải thích: Nhân minh phát tính, tính vọng kiến sinh, do gá tính minh, biến ra bóng dáng để khởi, gá vào đó để sinh, từ hư chấp có, nên nói từ chỗ rốt ráo là không lại thành rốt ráo là có, đó là nghiệp tướng. Có cái năng hữu, sở hữu này là do phi nhân làm nhân, đây là chuyển tướng. Nghiệp tướng là năng hữu, chuyển tướng là sở hữu. Năng sở đã phân, hai tướng liền có, cho nên nói tướng năng hữu, sở hữu.

Chuyển tướng hay vận hành, các hình tướng hiện tại lập ra, nhờ cái trước mà khởi, dẫn cái sau để sinh, xoay vần làm nhân cho nhau gọi là chẳng phải năng nhân sở nhân.

Hiện tướng hay dẫn cảnh giới sáu trần, hiện tướng là năng trụ, sáu trần là sở trụ, nên nói tướng năng trụ sở trụ.

Vô trụ này vốn lập ra thế giới nghĩa là hiện tướng từ hư vọng lập ra vốn không có nơi nương tựa, hiện tướng này làm thành cội gốc của thế giới nên nói từ vô trụ vốn lập ra tất cả pháp. Vô trụ chính là vô minh. Vô minh không nguyên nhân nên vô trụ. Ba tướng này đều là vô thỉ, một niệm vọng tâm gọi chung là vô minh.

Mê tính viên minh sẵn có là sinh ra hư vọng, tính hư vọng không có tự thể, chẳng có nơi nương tựa; định trở lại chân tính thì cái muốn chân đó chẳng phải là tính chân như chân thật, cầu trở lại chẳng đúng chân lý thì hiện thành chẳng phải tướng: chẳng phải sinh, chẳng phải trụ, chẳng phải tâm, chẳng phải pháp, nghĩa là đầu tiên là nghiệp tướng, tức là thể của tâm vọng giác là hư vọng, vọng này mới khởi không có cái nhân ban đầu gọi là chẳng có nơi nương tựa. Định trở lại chân tính thì cái muốn chân đó chẳng phải tính chân như chân thật là chuyển tướng, nghĩa là bóng dáng trên cái chân, tương tự chân mà chẳng phải chân; vọng giác chấp đây là chân. Ngay niệm ban đầu gọi là động, động ắt có tĩnh, tĩnh lại dường như chân, nương động lập tĩnh, chẳng phải chân bất động, nên nói là cái muốn chân đó chẳng phải tính chân như chân thật.

Vốn chẳng phải nhờ động mà lập tĩnh nên nói là cầu trở lại chẳng đúng chân lý thì hiện thành những phi tướng, đây là hiện tướng, từ hiện tướng này biến khởi tất cả cảnh giới, chẳng phải tướng hiện tướng, chẳng phải sinh hiện sinh, chẳng phải trụ hiện trụ, chẳng phải tâm hiện tâm, chẳng phải pháp hiện pháp. Lần lượt giải thích: Ban đầu từ hai tướng sáng tối hình thành lẫn nhau sinh ra sắc, tức là kết tối thành sắc, hình tướng hiển bày sắc. Do sắc nên có căn trần ngăn ngại gọi là trụ. Do có căn trần liền có thức hay phân biệt gọi là tâm. Nhận lấy trần tượng này là cảnh giới của thức gọi là pháp. Những thứ này xoay vần nhân nhau mà có, trở lại hiển bày chân như không có tướng sáng tối, không hình tướng nên chẳng phải tướng; không khởi diệt nên chẳng phải sinh; không ngăn ngại nên chẳng phải trụ; không duyên lự nên chẳng phải tâm; lìa trần tượng nên chẳng phải pháp.

Giải thích: Đoạn trước nêu ba tướng nhân nhau mà có để bày thứ tự; đoạn sau nêu ba tướng họp lại là nói ba tướng đều hư vọng, thể nó là vô minh và không có nguyên nhân, nên nói là chẳng có nơi nương tựa.

Ba tướng này dựa vào chân mà khởi, dường như chân mà chẳng phải chân, chấp bóng là thật nên nói là định trở lại chân tính. Bóng đã chẳng thật nên nói là cái muốn chân đó chẳng phải… hiện thành chẳng phải tướng. Đoạn dưới đối vọng thuyết chân để lập danh hiệu; y vọng hiển chân để lập tên gọi, vì thế biết từ đây kiến lập địa vị. Nếu chẳng nhân vọng thuyết chân thì cũng không có địa vị và danh tự để nói, cho nên biết ba cõi có pháp đều do hư vọng làm thành, vốn không cội gốc, từ vô thỉ tập khí hư vọng xoay vần truyền nhau cho đến ngày nay thành dấu vết. Như một người đầu tiên bịa ra một việc, những người sau tin theo xoay vần truyền nhau thì một người truyền hư, muôn người truyền thật, từ mê tích chứa mê trải qua vô lượng kiếp. Nếu biết chỗ khởi của một niệm ban đầu là chẳng chân thật thì đốn ngộ lỗi trước, đại đạo thản nhiên không còn việc gì nữa. Như nói “chỉ biết ngày nay phải, lo gì ngày xưa quấy”, là biết cội nguồn của hữu tình, vô tình đều chẳng ngoài bản tế nhất tâm.

Luận Pháp Tính ghi: “Hỏi: Bản tế có thể nghe được chăng ? Đáp: Lý sâu mầu khó thay nên có thuyết “bất tri”; vì ý chỉ vi diệu nên nêu ra câu hỏi của Tràng Anh. Có thiên tử tên Tràng Anh hỏi Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Bản tế nghĩa là gì ? Văn-thù đáp: Cội nguồn của chúng sinh là bản tế.

– Cội nguồn của chúng sinh là gì ?

– Gốc của sinh tử là cội nguồn của chúng sinh.

– Gốc của sinh tử là gì ?

– Gốc của hư không là cội nguồn của sinh tử.

Khi ấy, Tràng Anh im lặng ngừng hỏi, mới lĩnh hội được nguồn gốc của bất trụ. Nếu thế thì sự khởi đầu của nhân duyên có thể nghe mà chẳng thể rõ, có thể tồn tại mà chẳng thể luận.

Thiên tử lại hỏi:

– Hư không có cội nguồn chăng ?

– Không.

– Nếu không có cội nguồn, tại sao nói gốc của hư không là cội nguồn của sinh tử ?

– Đây cũng là gốc của bản tế. Nơi hư không không có cội gốc là tông chủ của chúng bản; hóa biểu vô hóa là nơi nương tựa của vạn hóa.

Lại phàm cũng là tâm, Thánh cũng là tâm; vì sự tập tành thấp kém nên không thể tự mở rộng mà chìm đắm nơi trần lao. Nếu đem tâm gá sự thì nhỏ hẹp; nếu để sự theo tâm thì rộng lớn.

Phần nhiều người đời coi trọng sự việc bên ngoài mà chẳng rõ tâm của mình, cho nên việc làm đều chẳng rốt ráo, vì nơi phụ trợ yếu kém; như con ruồi bám vào lưng trâu bay xa lắm cũng chỉ trăm bước, nhưng nếu đeo cánh chim loan có thể bay xa muôn dặm; cũng như cỏ trên đầu tường, âm thanh trong sừng trâu đều có thể đạt đến chỗ cao xa, vì nhờ nơi nương gá thù thắng. Như vào Tông Cảnh mỗi mỗi đều dựa vào tự tâm thì mảy lông nuốt cả biển lớn, hạt bụi chứa khắp mười phương đâu chẳng phải sâu rộng sao ?

Hỏi: Trong ngoài duy thức, tâm cảnh đều không, tại sao trong giáo lại lập ra các tướng bên ngoài ?

Đáp: Do rõ tướng không mới nói duy thức; nếu chấp tướng có thì nghĩa duy thức chẳng thành; nếu chấp tướng không thì lý chân không chẳng hiển. Vì vô tướng tức tướng mới đạt chân không; tướng tức vô tướng mới rõ duy thức. Do đó, luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Đạo lý duy thức cần rõ ba tướng: 1- Thông đạt duy lượng, vì ngoại trần không thật có, 2- Thông đạt duy nhị, vì tướng và kiến duy thức, 3- Thông đạt các thứ sắc sinh, vì chỉ có các thứ tướng mạo mà không có tự thể”.

Vì thế, luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Tất cả tướng có hai thứ, đó là hiện trụ và sở lập”. Sáu trần mà tán tâm duyên lấy gọi là hiện trụ, những phẩm chất mà định tâm duyên lấy gọi là sở lập.

Lại nữa, dường như trần hiển hiện gọi là tướng phần, là cảnh sở duyên; dường như thức hiển hiện gọi là kiến phần, là thức năng duyên. Trong hai pháp này, một là nhân, hai là quả; lại một là sở y, hai là năng y. Đây là biết do bên trong khởi niệm tưởng tượng tư duy thì bên ngoài hiện các tướng mạo. Nếu niệm chẳng khởi thì tướng chẳng hiện tiền, vì nhân bên trong sinh khởi bên ngoài, gom ngọn về gốc toàn cảnh là tâm. Vì sao ? Vì nếu tâm chẳng khởi thì cảnh vốn không, tất cả cảnh giới chỉ là tâm vọng động.

Hỏi: Thức gì hay vọng thấy thế gian ?

Đáp: Những gì chúng sinh được thấy đó là loạn thức. Luận Trung Biên Phân Biệt nói: “Tất cả thế gian chỉ có loạn thức”. Loạn thức này vì sao gọi là hư vọng ? Do vì cảnh chẳng thật, do vì thể tán loạn.

Lại nếu chấp hoàn toàn không có loạn thức thì sự trói buộc và giải thoát đều chẳng thành, bèn khởi tà kiến, bài bác tịnh và bất tịnh phẩm. Cho nên biết nhân mê được ngộ chẳng phải không có lý do; từ phàm vào Thánh đều có duyên do; như hình bóng biểu lộ gương sáng, nhân vọng thức thành chân trí.

Hỏi: Định quả sắc được thấy trong định là định tâm tự hiện, chẳng phải duyên nơi ngoại sắc hiện tại, lại chẳng phải ghi nhớ cảnh quá khứ, có thể chứng nghiệm duy tâm. Người chưa được định đều thấy ngoại sắc do tán ý làm sao chứng minh là tự tâm ?

Đáp: Trong định, ngoài định, tĩnh, loạn tuy sai biệt nhưng sắc được thấy đều là duy thức, vì ngoại cảnh không có tự thể từ duyên mà sinh, tính sinh vốn rỗng không, không có tướng để được.

Thức luận nói: “Như người quán hạnh thấy các cảnh giới sắc tướng trong định do thức hiển hiện quyết định không có cảnh giới”. Các sắc tướng xanh v.v… là định cảnh, chẳng phải là thức đã ghi nhớ. Thức ghi nhớ có nhiễm ô, còn đây khởi ra cái thấy phân minh thanh tịnh hiện tiền thì ý chỉ duy thức càng hiển rõ. Như nhìn vào gương chỉ có khuôn mặt của mình mà không có bóng hình khác. Vì sao ? Các pháp hòa hợp, đạo lý khó thể nghĩ bàn chẳng thể thấy pháp mà thấy được định tâm. Cũng thế, định tâm có hai phần: một phần tợ thức, một phần tợ trần. Hai thứ này thật ra chỉ là thức. Nếu thức ghi nhớ là sắc quá khứ, sắc trong định này nếu tại năm thức tán tâm thì duyên ngoại trần hiện tại khởi; nếu tại ý thức tán tâm thì duyên ngoại trần quá khứ khởi; nếu tại trong quán hạnh thì hẳn chẳng được duyên ngoại sắc làm cảnh sắc hiện tiền và chẳng duyên cảnh quá khứ, phải biết sắc mà định tâm duyên là thấy tự tâm chẳng thấy biệt cảnh, vì sắc trong định so với sắc ngoài định nên biết cũng không có biệt cảnh, đây là biết nhất tâm tức vạn pháp, vạn pháp tức nhất tâm. Vì sao ? Vì nhất tâm chẳng động toàn thể là vạn pháp. Như Khởi Tín Sao Thích Sớ ghi: “Toàn thể nghĩa là toàn thể chân như thành sinh diệt, sinh diệt vô tính là chân như; chưa từng có chỗ chân như chẳng sinh diệt; chưa từng có chỗ sinh diệt chẳng chân như”.

Lại nói: “Chẳng giống như không, mà là linh nhiên giác tri, giác tri là nghĩa thần giải, âm dương chẳng lường gọi là thần, giải là trí, trí là tri, tri là nhất tâm, cho nên lấy tri làm tâm thể”. Do đó, Tổ sư nói: “Trên thể không tịch tự có bản trí năng tri. Đại ý nói trong tất cả pháp nhiễm tịnh có cái thể chân thật thấy biết rõ ràng gọi đó là tâm”.

Hỏi: Các cảnh giới bên ngoài đã gọi là nội thức tợ sắc hiển hiện chỉ là duy thức tại sao chẳng biến đổi theo thức ?

Đáp: Nếu chấp ngoại sắc thật trụ tức là trong vô sắc thấy sắc, vọng sinh điên đảo, như ấn con mắt thấy hai tướng, đâu phải chân thật! Nhiếp luận hỏi: Nếu không có biệt sắc, trần chỉ là bản thức, lại sao hiển hiện dường như sắc v.v…, làm sao tiếp nối kiên trụ, trước sau giống nhau ? Nếu là do thức biến đổi làm thành thì lẽ ra chợt khởi chợt diệt thay đổi bất định, làm thế nào một sắc tồn tại tương tục trong nhiều lúc, cho nên biết lẽ ra phải có biệt sắc ?

Đáp: Do vì điên đảo. Điên đảo là cội gốc của phiền não; do thức biến đổi khởi các phân biệt. Y tha tính và phân biệt tính tương ưng chính là điên đảo, là nơi nương tựa của phiền não; phiền não điên đảo lại là chỗ nương tựa của thức biến đổi. Nếu không có nghĩa nương tựa lẫn nhau thì thức không biến đổi; trong chỗ chẳng phải vật phân biệt làm vật, chẳng nên có sự điên đảo này. Nếu không có phiền não thì làm sao có Thánh đạo vì vậy nghĩa này cũng không thành, cho nên phải tin lìa thức không có pháp khác.

Hỏi: Nội tâm phân biệt gọi là thức, ngoại sắc chẳng phân biệt thế nào là thức ?

Đáp: Năng kiến, sở kiến đều là loạn thức, trong không chấp có, sắc vốn tự rỗng không. Nhiếp luận nói: “Loạn thức nghĩa là trong không chấp có”. Trong mười một thức, sáu thức tùy một thức, chỉ có hai phần, một phần biến đổi thành tướng phần, một phần biến đổi thành kiến phần; chẳng ngoài hai thứ này, thức tính hay phân biệt thì thành kiến phần, chẳng phân biệt thì thành tướng phần. Như kinh Vô Sở Hữu Bồ-tát ghi: “Bấy giờ, Thế Tôn bảo Vô Sở Hữu: Ông hãy vì các Bồ-tát nói năm ấm tụ hội hòa hợp thành thân.

Bồ-tát Vô Sở Hữu thưa: Bạch Thế Tôn, như con thấy; như sắc Phật rỗng không, sắc con cũng thế; như sắc Phật, sắc của tất cả chúng sinh, sắc của tất cả cỏ cây rừng rậm cũng thế; như sắc của tất cả cỏ cây rừng rậm, sắc của tất cả cõi hòa hợp tụ hội cũng thế. Tất cả các sắc trên đều không có hai tướng phi pháp và phi phi pháp. Người thiểu trí trong vô sắc hoặc có ý tưởng mong muốn vào pháp này, hành trong vô sắc vọng khởi hành tưởng, lược nói cho đến trong thọ, tưởng, hành, thức nghĩ rằng như sắc đã tạo tác. Như hư không thức, ngã thức cũng thế; như thức kia, Như Lai thức cũng thế; như Như Lai thức, thức kia, thức của tất cả chúng sinh cũng thế; như thức của tất cả chúng sinh, thức kia, thức của tất cả cỏ cây rừng rậm cũng thế. Chân hư không thức, Như Lai thức, ngã thức, thức của tất cả chúng sinh, thức của tất cả cỏ cây rừng rậm cũng thế. Thức của tất cả hòa hợp không có hai tướng chẳng thể biết, chẳng thể phân biệt, chẳng sinh vô…”

Hỏi: Đã gọi là duy thức làm sao lập được tên sắc ?

Đáp: Tất cả tên gọi đều là nghĩa khách, trong tên gọi không có pháp, trong pháp không có tên gọi, tên gọi chẳng phải là pháp, pháp chẳng phải là tên gọi. Kinh nói: “Tự tính này không sinh, không diệt, không nhiễm, không tịnh”, sắc này là không đó là tướng chung. Nếu có sinh thì có nhiều, nếu có diệt thì có tịnh. Do không có bốn nghĩa này cho nên kinh Sắc Vô Biệt Tướng nói: “Do giả lập tên khách mà tùy nói các tướng”. Nhiếp luận nói: “Tất cả pháp lấy thức làm tướng, lấy chân như làm thể”. Lại nói: “Tất cả tướng có hai thứ: một là như ngoại hiển hiện, hai là như nội hiển hiện”. Như ngoại là tướng, như nội là tư duy, cho nên biết một thể hiện ra hai phần nội và ngoại thì tâm chẳng phải nội ngoại, nội ngoại là tâm. Lại năng sở làm thành cho nhau, tâm cảnh thu nhiếp lẫn nhau; hai mà chẳng hai, thường hợp một vị chân nguyên; chẳng hai mà hai luôn phân hư tướng của tâm cảnh.

Hỏi: Tâm niệm niệm diệt từng sát-na, nội thân ngoại sắc cũng diệt từng sát-na chăng ?

Đáp: Các sắc nội ngoại chỉ do tâm chấp thọ, cũng theo tâm niệm niệm diệt từng sát-na, ngoài tâm không còn một pháp có thể thường trụ, có thể sinh diệt. Luận Tạp Tập nói: “Như tâm và tâm pháp là tướng sát-na, nên biết sắc v.v… cũng là tướng sát-na”.

Đây có tám nghĩa:

1- Do tâm chấp thọ, nghĩa là thân sắc v.v… do tâm niệm niệm chấp thọ từng sát-na nên diệt từng sát-na.

2- Vì an nguy cùng với tâm, nghĩa là thân cùng có với thức; nếu thức lìa bỏ thân liền hư hoại.

3- Vì theo tâm chuyển biến, nghĩa là thế gian hiện tại thấy tâm đang khổ, vui, tham, sân v.v… thân theo đó chuyển biến, tùy theo sát-na tâm chuyển biến nên thân niệm niệm diệt.

4- Vì là chỗ nương của tâm, nghĩa là thế gian đều biết thân căn là chỗ nương của tâm, như lửa nhờ củi, mầm nhờ hạt giống v.v… Cho nên thân này là chỗ nương tựa của sát-na tâm nên cũng sát-na diệt.

5- Vì tâm tăng thượng sinh, nghĩa là tất cả sắc nội ngoại đều do tâm tăng thượng sinh ra, vì cái nhân năng sinh sát-na diệt nên quả sở sinh cũng sát-na diệt.

6- Vì tâm tự tại chuyển, nghĩa là nếu chứng được tâm oai đức thù thắng, đối với tất cả sắc tự tại chuyển biến theo ý mình; do vì tùy theo sát-na thắng giải năng biến mà chuyển biến sinh nên đạo lý sinh diệt từng sát-na được thành tựu.

7- Vì nơi địa vị sau cùng có thể biến hoại, nghĩa là các sắc ban đầu lìa tự tính niệm niệm biến hoại, nơi địa vị sau cùng đột nhiên biến hoại, chẳng đúng đạo lý. Nhưng đây có thể được nên biết sắc v.v… từ lúc ban đầu đến nay niệm niệm biến hoại, tự loại tương tục tăng dần làm nhân, hay đưa đến tướng thô sau cùng biến hoại, thế nên sắc v.v… luôn sinh diệt.

8- Vì sinh đã chẳng đợi duyên mà tự nhiên hoại diệt, nghĩa là tất cả pháp từ duyên sinh đã chẳng chờ hoại mà duyên tự nhiên hoại diệt. Cho nên biết là tất cả pháp đều hoại diệt, vừa mới sinh liền hoại diệt, cho nên cái nghĩa các pháp diệt từng sát-na được thành lập.

Luận Đại Trí Độ ghi: “Nếu các pháp thật có chẳng do tâm thức nên biết có tướng. Nếu nhờ tâm thức mà biết có, đây là chẳng phải có; như đất là tướng cứng chắc, nhờ thân căn và thân thức biết là có; nếu không có thân căn và thân thức biết là không có tướng cứng chắc. Lại do nhân duyên hòa hợp sinh nên không, duy tâm nên không, đây là biết nội sắc và ngoại sắc đều do thức kiến lập, theo tâm không có thật thể.

Hỏi: Luận chỉ nói có nội tâm không có ngoại cảnh; như tu thập thiện nghiệp được niềm vui ở thiên đường, tạo tội ngũ nghịch chịu nỗi khổ địa ngục, lên cõi Đao-lợi thì ngũ dục sướng mắt, đọa nê-lê thì thống khổ bức thân. Sướng mắt có phụng loan tạo sự hoan lạc; bức thân có rắn sắt, chó đồng gây họa khổ não, chứng minh không chỉ có nội tâm mà thật có ngoại cảnh ?

Đáp: Các tướng khổ vui nơi thiên đường, địa ngục đều là bóng nghiệp quả báo của tự tâm. Đã lấy sự tạo tác của tự tâm làm nhân, trở lại lấy sự thọ lãnh của tự tâm làm quả, cho nên kinh nói: “Chưa hề có việc mình tạo mà người khác thọ”. Nay thử y cứ cõi địa ngục thọ khổ để chứng minh duy tâm, trong mười pháp giới so sánh đều như thế.

Thức Luận hỏi: Thế nào là bốn đại chuyển biến ? Đó là tay chân lay động và miệng nói năng khiến cho người thọ tội sinh sợ hãi, như có hai con dê từ hai phía đi đến cùng sát hại, chúng sinh địa ngục thấy có các ngọn núi hoặc đến, hoặc đi sát hại chúng sinh. Do nghĩa này nên chẳng được nói rằng chỉ có nội tâm không có ngoại cảnh.

Đáp: Kệ nói:

Nếu y nghiệp chúng sinh
Bốn đại biến như thế
Vì sao chẳng y nghiệp ?
Tâm chuyển biến như thế.

Lại nói với ông: Bốn đại bên ngoài nghiệp tội nhân ấy chuyển biến như thế, tại sao chẳng nói nương vào nghiệp lực của chúng sinh nên nội tâm thức chuyển biến như thế ?

Lại kệ nói:

Nghiệp huân nơi pháp khác
Làm sao quả nơi khác ?
Thiện ác huân nơi tâm
Tại sao lìa tâm nói ?

Cho nên kệ nói: “Nghiệp huân nơi pháp khác, làm sao quả nơi khác ? Đây là nghĩa gì ? Chúng sinh thọ khổ trong địa ngục có những tội nghiệp đều do bản tâm tạo ra, trở tại ở trong tâm, chẳng lìa tâm. Do nghĩa này, ác nghiệp huân nơi tâm trở lại ứng nơi tâm chịu quả báo khổ. Vì sao ? Vì nghiệp thiện ác huân nơi tâm thức mà chẳng huân tập nơi bốn đại bên ngoài, vì trong bốn đại không có việc bị huân, tại sao hư vọng phân biệt nói bốn đại chuyển biến trong bốn đại chịu quả báo khổ. Thế nên kệ nói: “Thiện ác huân nơi tâm, tại sao lìa tâm nói ?”

Kinh Vô Tận Ý Bồ-tát nói: “Bồ-tát thực hành tinh tiến thường tương ưng với thân khẩu ý. Tuy thân khẩu tinh tiến đều do tâm, tâm là tăng thượng”. Thế nào là Bồ-tát tâm tinh tiến ? Đó là tâm thỉ, tâm chung. Thế nào là tâm thỉ ? Vì mới phát tâm. Thế nào là tâm chung ? Vì tâm bồ-đề tịch diệt. Đây là biết khởi diệt đều là tâm, ban đầu và cuối cùng đều như vậy, chẳng phải chỉ có tịnh nghiệp mọi việc đều thế, chẳng ngoài nhất tâm viên mãn giác đạo. Như dầu cạn đèn tắt, nghiệp hết khổ dứt. Nếu thật sự có ngoại cảnh để thấy, chẳng phải bên trong cảm được, chỉ hợp với thọ khổ lâu dài không có kỳ hạn giải thoát. Nếu có thời gian dừng nghỉ thì biết là không thật có thể kiểm nghiệm tâm sinh các pháp sinh, tâm diệt các pháp diệt. Thế nên tất cả chúng sinh từ vô thỉ đến nay tạo ra nhân hư vọng rồi nhận lấy quả hư vọng, đều từ tình kết, theo tưởng sinh.

Do đó, Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Tức thì A-nan và các đại chúng bạch Phật: Bạch Thế Tôn, nếu chân tâm diệu minh chân tịnh xưa nay cùng khắp viên mãn như thế, cho đến bản tính chân như của đất liền, cỏ cây, các loài máy động là chân thể thành Phật của Như Lai. Thể tính của Phật chân thật, tại sao lại có các đường địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, tu-la, người, trời. Bạch Thế Tôn, những đường này xưa nay tự có hay là do tập khí hư vọng của chúng sinh sinh khởi ra ?

Bạch Thế Tôn, như tỳ-kheo ni Bảo Liên Hương giữ Bồ-tát giới, lén lút hành dâm, lại nói càn rằng hành dâm không phải giết người, không phải trộm cắp, không có nghiệp báo. Vừa phát ra lời này, trước hết nơi nữ căn sinh ra ngọn lửa hồng lớn, dần dần thiêu đốt từng đốt, từng đốt xương, sau đó đọa vào địa ngục Vô Gián.

Như đại vương Lưu Ly, tỳ-kheo Thiện Tinh; Lưu Ly giết họ hàng Cù-đàm, Thiện Tinh vì nói càn tất cả các pháp đều rỗng không mà thân đọa vào địa ngục A-tỳ.

Các địa ngục ấy là có chỗ nhất định hay là tự nhiên khi các người kia gây nghiệp thì mỗi người chịu riêng ? Xin Phật rủ lòng đại từ khai ngộ cho kẻ mê muội, khiến cho tất cả chúng sinh trì giới nghe nghĩa quyết định, vui mừng tôn trọng kính cẩn giữ gìn không phạm.

Phật bảo A-nan: Hay thay! Lời hỏi này khiến cho các chúng sinh chẳng bị tà kiến. Nay ông hãy lắng nghe, ta sẽ vì ông mà nói.

A-nan, tất cả chúng sinh vốn là chân tính thanh tịnh, nhân những vọng kiến mà có tập khí hư vọng sinh ra, vì thế chia ra có phận trong và phận ngoài.

A-nan, phận trong là ở trong phận của chúng sinh, nhân các ái nhiễm phát khởi vọng tình, tình chứa mãi không thôi có thể sinh ra nước ái. Thế nên chúng sinh tâm nhớ thức ăn ngon thì nước miếng chảy ra; tâm nhớ người trước hoặc thương, hoặc giận thì trong con mắt lệ tràn; tham cầu của báu thì trong tâm phát ra nước bọt ái, toàn thân đều trơn sáng; tâm nghĩ đến việc dâm dục thì nam căn, nữ căn tự nhiên dịch khí chảy ra. A-nan, các ái đó tuy khác nhau nhưng kết quả tuôn chảy thì đồng; thấm ướt không lên được, tự nhiên theo đó mà sa đọa, đây gọi là phận trong.

A-nan, phận ngoài là ở ngoài phận của chúng sinh, nhân các khát ngưỡng phát khởi các hư tưởng; tưởng chứa mãi không thôi, có thể sinh ra các thắng khí. Thế nên chúng sinh tâm giữ cấm giới, toàn thân nhẹ nhàng trong sạch; tâm trì chú ấn, con mắt nhìn uy dũng nghiêm nghị; tâm muốn sinh lên cõi trời, chiêm bao thấy bay lên; hướng tâm nơi cõi Phật, Thánh cảnh thầm hiện ra, phụng sự thiện tri thức tự xem thường thân mạng. A-nan, các tưởng đó tuy khác, nhưng nhẹ nhàng cất lên thì đồng; cất bay không chìm xuống, tự nhiên vượt lên, đây gọi là phận ngoài”.

Cho nên biết nhân tình trệ ngại có thể thành nước ái, ngâm lâu trong nước không thôi tự nhiên thành rơi xuống, vì lãnh vực của tình u ẩn nên là phận trong. Do dấy niệm duyên trần nắm lấy hình tượng gọi là tưởng, vì vận động tán loạn nên gọi là phận ngoài; tất cả cảnh giới chẳng phải do tưởng thì chẳng sinh. Cho nên kinh nói: “Nếu biết tất cả cõi nước chỉ do tưởng nắm giữ, đây gọi là Bồ-tát mới phát tâm”.

Lại kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Các Phật tử dũng mãnh
Tùy thuận vào diệu pháp
Khéo quán tất cả tưởng
Trói buộc nơi thế gian
Các tưởng như sóng nắng
Khiến chúng sinh hiểu lầm
Bồ-tát khéo biết tưởng
Xa lìa các điên đảo
Chúng sinh đều khác biệt
Hình loại chẳng phải một
Biết rõ đều là tưởng
Tất cả không chân thật
Các chúng sinh mười phương
Đều bị tưởng che lấp
Nếu bỏ thấy điên đảo
Là diệt tưởng thế gian.
Thế gian như sóng nắng
Do tưởng có sai biệt
Biết đời trụ nơi tưởng
Xa lìa ba điên đảo
Như lửa lúc trời nắng
Thế gian thấy là nước
Nước thật ra không có
Bậc trí chẳng nên cầu
Chúng sinh cũng như thế
Các loài đều chẳng có
Như lửa có do tưởng
Cảnh giới tâm vô ngại
Nếu xa lìa các tưởng
Cũng lìa các hí luận
Kẻ ngu si chấp tưởng
Đều khiến được giải thoát.
Xa lìa tâm kiêu mạn
Trừ diệt tưởng thế gian
Trụ chỗ tận, vô tận
Là phương tiện Bồ-tát.

Lại nói: “Ví như có người sắp chết thấy các báo tướng bị thọ theo nghiệp của mình. Người tạo ác nghiệp thấy tất cả cảnh giới khổ nơi địa ngục, súc sinh, ngạ quỉ, hoặc thấy ngục tốt tay cầm khí giới hoặc giận dữ, hoặc chửi mắng, bắt tù nhân đem đi, cũng nghe những tiếng khóc lóc than thở; hoặc thấy sông tro, hoặc thấy nước đồng sôi, hoặc thấy núi đao hoặc thấy rừng kiếm; các thứ bức bách, chịu những sự khổ não. Người tạo thiện nghiệp thì thấy tất cả cung điện chư thiên, vô lượng thiên chúng, thiên nữ các thứ y phục đầy đủ trang nghiêm, cung điện viên lâm đều đẹp đẽ. Thân tuy chưa chết mà do nghiệp lực thấy các việc như thế”.

Luận Đại Trí Độ nói: “Như thành Càn-thát-bà là chẳng phải thành, tâm con người tưởng là thành; phàm phu cũng như thế, chẳng phải thân tưởng là thân, chẳng phải tâm tưởng là tâm, nên biết địa ngục, thiên đường vốn không phải là nơi cố định, thân còn chưa đến mà đã hiện nơi tự tâm, cảnh chẳng hiện tiền, chỉ có tâm vọng thấy, có thể chứng nghiệm những cảnh khổ vui vốn không có thật, việc thiện ác chỉ tự chiêu vời. Không thị, không phi, vọng sinh, vọng tử”. Đại sư Đạt-ma nói: “Do kiến chấp của mình nên chẳng đắc đạo”. Nếu vô ngã thì gặp vật chẳng phải quấy. Phải là ta tự phải mà vật là quấy. Quấy là ta tự quấy mà vật chẳng phải quấy. Nếu vào Tông Cảnh, ngã pháp đều không, tâm cảnh tự mất, phải quấy cùng bặt, thần tính độc lập, đối đãi dứt sạch. Đây đều do tỏ ngộ bản tâm mà thành, chẳng phải nhờ học mà được. Tiên đức nói: “Cảnh tự rỗng không, chẳng cần sợ, sớm tối nhìn nhau vốn không đổi, giả sử gìn giữ thân huyễn hóa, nhậm vận đều không thân miệng ý”.

Người xưa có kệ:

Thần tính bặt thị phi
Hiện thân cõi An Lạc.

Do đó luận nói: “Trí cảnh rỗng rang gọi là cõi Phật”. Lại có học nhân hỏi hòa thượng Bách Trượng: Đối với tất cả cảnh làm thế nào được tâm như gỗ đá ? Hòa thượng đáp: Tất cả các pháp vốn chẳng tự nói thị, phi, cấu, tịnh, cũng không có tâm trói buộc người; chỉ vì người tự hư vọng chấp trước tạo tác bao nhiêu kiến giải, sinh bao nhiêu thứ yêu ghét; chỉ cần rõ các pháp chẳng tự sinh, đều từ sự điên đảo của chính mình chấp tướng mà có, biết tâm với cảnh vốn chẳng đến nhau là đương xứ giải thoát; mỗi mỗi pháp, mỗi mỗi tâm là đương xứ tịch diệt, đương xứ là đạo tràng.

Lại tính sẵn có chẳng thể gọi tên, xưa nay chẳng phải phàm, chẳng phải Thánh, chẳng phải ngu, chẳng phải trí, chẳng phải cấu, chẳng phải tịnh, cũng chẳng phải không, hữu, thiện, ác; tương ưng với các nhiễm pháp gọi là chúng sinh giới; tương ưng với các tịnh pháp gọi là hai thừa trời người. Nếu tâm cấu tịnh đều chẳng trụ trói buộc, giải thoát, không có tất cả tâm lượng hữu vi, vô vi, trói buộc, giải thoát thì ở trong sinh tử mà tâm tự tại, rốt ráo chẳng hòa hợp với các trần lao hư huyễn, các ấm, giới, nhập sinh tử; tự nhiên vô trụ, qua lại sinh tử tự tại vô ngại giống như cửa mở toang vậy.

Hỏi: Địa ngục đã là phi tình làm sao động tác ?

Đáp: Đó là do nghiệp lực bất tư nghì của hữu tình chiêu cảm khiến cho chúng sinh thọ tội tự thấy những việc như thế; như thành kiếp gió tuy là vô tình nhưng cũng có thể thành kiếp; tợ đá nam châm đâu có thức tưởng mà khiến sắt chuyển dời. Cho dù chúng sinh luân hồi sáu loài thiện ác thăng trầm thật ra không có chủ tể; nhân pháp đều không. Do đó, Tiên đức nói: “Đến đi vô tế, động tĩnh nhất nguyên; chứa các diệu mà có dư, siêu ngôn từ mà vượt ra ngoài, chỉ là pháp giới sao ?” Cho nên biết nếu vào trong pháp giới nhất tế có gì sai biệt; năng sở thầm hợp, cảnh trí đồng như, làm sao lại có một pháp là động, là tĩnh theo nghiệp thức chuyển ? Nếu chưa vào pháp giới, chẳng ngộ tông này, chỉ có một pháp đương tình đều là nghiệp thức của chính mình, lìa ngoài thức quyết định không có pháp.

Hỏi: Những việc làm ra đều do tự tâm, tại sao sát sinh lại bị tội sát ?

Đáp: Đều là nương nơi tự tâm phân biệt, gượng chấp nhân thiện ác, dối chịu quả khổ vui. Nếu thấu rõ thể của tam luân thì biết năng sát sở sát vốn không. Vì thế, Văn-thù nắm kiếm nơi Cù-đàm, Ương-quật cầm đao trước Thích-ca, hoàn toàn chẳng thấy cứu, thấy giết. Chấp tự chấp tha, vọng chịu luân hồi, trở lại đền trả tội báo.

Thức luận hỏi: Nếu ba cõi chỉ là nội tâm không có thân miệng ngoại cảnh, tại sao thợ săn, đồ tể sát hại heo dê đều chịu tội sát sinh ?

Bài kệ đáp:

Chết nương nơi tha tâm
Cũng có nương tự tâm
Nương các thứ nhân duyên
Phá mất tự tâm thức.

Giải thích: Như người nương nơi quỉ Tỳ-xá-xà cho nên mất tâm; có người nương nơi tự tâm cho nên mất tâm; có người nghĩ nhớ đến việc yêu ghét nên mất tâm; có người chiêm bao thấy quỉ nên mất tâm; hoặc có Thánh nhân thần thông chuyển biến tiền nhân nên mất tâm.

Như có một thầy tỳ-kheo ban đêm đạp nhằm vỏ dưa cho là giẫm chết con ễnh ương, khi ông ta chết bị đọa ác đạo, nên nói “chết nương nơi tha tâm, cũng có nương tự tâm. Như vì nương theo tâm sân của tiên nhân giận vua a-tu-la Tỳ-ma-chất-đa-la mà giết hại chúng sinh khác, đây là nương nơi tâm người khác hư vọng phân biệt mạng căn diệt mất, vì thân mạng kia tiếp nối hay đoạn tuyệt, nên biết như thế. Bài tụng nói:

Kinh nói Đàn-nư-ca,
Nước Ca-lăng, Ma-đăng
Tiên nhân giận nên không
Thế nên tâm nghiệp nặng.

Hỏi: Nương nơi tâm sân của tiên nhân, nương nơi tâm ma quỉ của tiên nhân giết hại chúng sinh của ba nước, chẳng phải nương nơi tâm sân của tiên nhân mà chết ?

Đáp: Phật hỏi Ni-kiền-tử: Ông đã từng nghe chúng sinh trong ba nước Ma-đăng-già v.v… tại sao chết là do thân nghiệp giết hay là do ý nghiệp giết ?

Ni-kiền-tử thưa: Cù-đàm, trước kia tôi từng nghe tâm sân của tiên nhân dùng ý nghiệp giết hại chúng sinh ấy.

Phật nói: Do đây thành lập nghĩa “ngã”, ba cõi duy tâm, không có thân nghiệp và khẩu nghiệp, vì sao ? Như người đời nói giặc đốt núi rừng, xóm làng, thành ấp mà chẳng nói lửa đốt; nghĩa này cũng vậy, chỉ nương nơi tâm nghiệp ấy được thành. Cho nên nói kệ:

Tâm là gốc các pháp
Các pháp, tâm hơn hết
Lìa tâm không các pháp
Duy tâm, tên thân miệng.

Luận Thành Thật nói: “Nếu lìa tâm có nghiệp chẳng phải chúng sinh cũng nên có tội phước. Như gió thổi lở núi, não hại chúng sinh thì lẽ ra gió có tội; nếu thổi hương hoa vào chùa tháp thì lẽ ra gió có phước, nhưng không phải vậy, cho nên biết lìa tâm không có tội phước. Văn này chứng minh tội phước do tâm, không có thân nghiệp, khẩu nghiệp. Thân khẩu nghiệp chỉ có tên gọi mà thật sự là do ý nghiệp.

Hoa Nghiêm Hội Ý nói: “Hễ có thấy mình, thấy người đều là mê tâm tự hiện. Vì sao ? Như thấy người cầm dao giết mình, phải biết mình với người đều từ nơi chính mình sinh ra, vì lìa chính mình thấy tâm không có tự tha. Không chỉ tự tha do tâm vọng hiện mà việc cầm dao gậy cũng là tự tâm. Vì sao ? Vì ngoài tâm không thật có dao gậy, vì thấy người cầm dao chỉ là sáu trần. Do chẳng biết tự tâm hiện thấy giết liền lo sợ chẳng an. Nếu rõ chỉ là tự tâm thì cho dù giết hại, ai lo, ai sợ. Đây là do vọng tâm sinh nên các thứ đều có, vọng tâm diệt nên các thứ đều không. Đã biết duy tâm vọng hiện, tâm chẳng thấy tâm, thì vật ngã đều mất, buồn vui cùng lặng, việc giết hại trong mộng cũng như thế, như nói thế gian luôn như giấc mộng chẳng thật có hữu vô.

Kinh Mật Nghiêm nói: “Sự vận hành của cảnh giới trong ngoài tâm đều do thức hoặc loạn mà thấy. Trong đây không ngã cũng không ngã sở; người hại, kẻ bị hại và khí cụ làm hại tất cả đều là cảnh giới của ý thức, nương vào thức a-lại-da phân biệt như thế”.

Lại các sư ngày xưa hỏi: Nếu những điều đã thấy đều là tự tướng phần, tại sao giết tự tướng phần mà bị oán báo ?

Đáp: Tuy xem phù trần căn của người khác là tự tướng phần; đối với người ấy là thân tướng phần, vì có chấp thọ, như ngộ sát người là đoạn mạng căn thì có tội; đối với mình chính là sơ tướng phần.

Hỏi: Trong kinh nói tất cả pháp như mộng để chứng tỏ duy tâm, tại sao lúc chiêm bao sự việc hư dối, lúc thức dậy sự việc có thật; quả báo chẳng bình đẳng, pháp dụ chẳng ngang nhau làm thế nào dẫn chứng ?

Đáp: Đưa ra ví dụ so sánh đều là vì người chẳng tin; tạm mượn đây để phát minh. Do đó, trí chẳng khó dụ, chỉ cần thấy đạo chứng hội tự tâm, cần gì kiểm tra lời phương tiện, chấp lý viên thường. Chiêm bao dụ cho một pháp chứng nghiệm rất gần gũi. Thức luận đáp ngoại đạo: Ông nói những việc thấy trong chiêm bao như ăn uống no đói, dao gậy, thuốc độc đều không tác dụng; những việc ấy được thấy lúc thức dậy đều có tác dụng, nghĩa này chẳng đúng. Bài tụng nói:

Trong mộng không người nữ
Động thân rỉ bất tịnh.

Như chiêm bao thấy giao hợp rĩ chảy nước bất tịnh, chúng sinh từ vô thỉ đến nay hư vọng thọ dụng các cảnh giới bên ngoài sắc, hương, vị v.v… đều cũng như thế.

Hỏi: Nếu trong chiêm bao không có cảnh, lúc thức cũng vậy, vì sao lúc chiêm bao, lúc thức dậy làm việc thiện ác, yêu ghét quả báo chẳng đồng ?

Đáp: Chỉ có nội tâm, không có ngoại cảnh, vì chiêm bao hay tỉnh thức tâm sai biệt chẳng đồng, thế nên chẳng nương ngoại cảnh thành tựu nghiệp thiện ác, trong chiêm bao tâm do ngủ say làm hư hoại thế lực suy kém, tâm yếu kém không thể làm thành nghiệp thiện ác. Tâm tỉnh thức chẳng phải thế, nên những việc đã làm sẽ thọ lãnh dị thục hơn kém chẳng đồng, chẳng phải do ngoại cảnh. Giả sử lúc thức dậy những quả báo khổ vui thật sự thọ lãnh cũng không có người tạo, người nhận, thảy đều như mộng huyễn.

Luận nói: “Ngủ say lấy sự mê muội và giản lược làm tính”.

Sớ nói: “Sự mê muội không có trong định, sự giản lược không có trong lúc thức”. Nghĩa Thiên Sao nói: “Sự mê muội không có trong định nghĩa là trong lúc ngủ say tuy chuyên chú vào một cảnh vi tế không giống như trong thiền định, vì ý thức trong định nắm bắt cảnh rõ ràng, đây là sự mê muội. Sự giản lược không có trong lúc thức nghĩa là lúc tỉnh thức, tâm rất sáng suốt lanh lợi, hay duyên cảnh sáu trần nên lúc thức tâm và tâm sở duyên cảnh rộng lớn. Lúc ngủ say, tâm và tâm sở chẳng sáng suốt lanh lợi nên chỉ duyên một pháp trần nắm lấy cảnh nhỏ hẹp nên gọi là giản lược.

Kinh Bảo Tích có kệ:

Tự tính các pháp không thật có
Chiêm bao hành dục đều không thật
Chỉ theo tưởng khởi chẳng thật có
Pháp của Thế Tôn cũng như thế.

Tất cả pháp niệm niệm vô trụ, vì niệm niệm sinh diệt, vì niệm niệm bất khả đắc, vì niệm niệm không tự tính. Những buồn vui khổ lạc thọ nhận trong chiêm bao hay lúc thức tuy dài ngắn chẳng đồng, quả báo có khác, nhưng đều từ thức biến ra, đều do tưởng làm thành. Đạo lý suy cùng thảy đều bình đẳng, đều là cảnh giới do ý thức sáng suốt hoặc mê muội điều hành. Trong thức tỉnh là minh liễu ý thức, trong chiêm bao là mộng trung ý thức; chiêm bao hay thức dậy tuy khác nhưng đều không ngoài ý, cho nên kinh nói: “Thức thì tâm nghĩ tưởng, ngủ thì mộng mị”. Nếu không có mộng thì các cảnh chẳng hiện, không có tưởng thì muôn pháp chẳng thành, vì tùy ý sinh hình, theo tưởng lập pháp. Nếu vào được pháp môn như mộng thì thân chứng duy tâm, chóng thành Phật trí, hay viên mãn đạo bồ-đề, phát huy môn pháp lợi.

Kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Bồ-tát rõ thế pháp
Tất cả đều như mộng
Phi xứ phi vô xứ
Thể tính luôn tịch diệt
Các pháp vô phân biệt
Như mộng chẳng khác tâm
Các thế gian ba đời
Tất cả đều như thế
Thể mộng không sinh diệt
Cũng không có phương sở
Ba cõi đều như thế.
Thấy được tâm giải thoát
Mộng chẳng ở thế gian.
Hai thứ chẳng phân biệt
Được vào nơi đất nhẫn
Ví như trong mộng thấy
Các thứ tướng sai khác
Thế gian cũng như thế
Cùng mộng không sai khác
An trụ trong thiền định
Rõ thế gian như mộng
Phi đồng lại phi dị
Phi nhất phi chủng chủng
Các nghiệp sát chúng sinh
Tạp nhiễm và thanh tịnh
Như vậy đều rõ biết
Bình đẳng với chiêm bao
Các hạnh của Bồ-tát
Cho đến những đại nguyện
Biết rõ đều như mộng
Cùng thế gian không khác
Rõ thế gian không tịch
Chẳng phá hoại thế pháp
Sự việc thấy trong mộng
Các sắc tướng dài ngắn
Đây gọi như mộng nhẫn.
Nhân đây rõ thế pháp
Chóng thành trí vô ngại
Rộng độ khắp quần sinh
Tu hành các hạnh ấy
Sinh ra hiểu biết rộng
Khéo biết các pháp tính
Tâm không vướng nơi pháp.

Luận Thành Duy Thức Bảo Sinh nói: “Như chiêm bao không có tác dụng, tuy không ngoại cảnh nhưng lý cũng được thành”. Do trong chiêm bao nam nữ giao hợp tuy không có ngoại cảnh chạm xúc mà có tác dụng khiến cho rỉ chảy bất tịnh, chỉ là thức tưởng tự cùng hòa hội làm động tác ấy. Việc này đã như thế, các việc khác cũng vậy. Đao binh độc ác, sương mù mưa đá tổn hại, tuy không có ngoại cảnh chỉ nương nơi thức mà có đao binh độc ác, lý nào chẳng thành; cho đến trong chiêm bao ăn phải thức độc cảm giác thân bị bệnh, đây cũng do duy thức có tác dụng, cũng như nơi cảnh mà có định, thuộc, trở lại đem lời đáp sau lấp kín điều nghi trước. Hoặc có lúc các thứ độc tuy không thật cảnh mà có tác dụng; tuy thấy chẳng bị rắn cắn, nhưng nghi có độc khiến cho ngất xỉu mê man như bị rắn cắn. Cũng như trong chiêm bao do sức tăng thượng của thần chú khiến cho no bụng, khí lực sung mãn. Có người vì cầu con trai mà dẹp hết mọi việc ẩn cư trong rừng, chiêm bao thấy cùng người giao hợp liền được con trai, vậy tại sao trong chiêm bao bị độc làm tổn thương cho là không có, bởi sau khi thức dậy chẳng nhìn thấy. Nay chỗ bàn luận này vẫn đồng với loại ấy, lúc hiện giác cho là sự chân thật, thấy độc dược chấp là chẳng phải lầm, vì lúc chân trí giác ngộ bèn chẳng thấy, giống như thể trong chiêm bao chẳng phải là thật. Nhưng trong chiêm bao cho thật sắc… cũng chẳng phải việc ưa thích, tác dụng của quả báo độc dược là thật có. Nếu nói không thì chỉ là tác dụng của độc được là không. Đây nói hình trạng của độc dược trở thành tổn hại, còn tướng độc dược tất nhiên thành vô ích, vì thể độc dược trên thức là không. Thế nên quyết định không có ngoại cảnh, chỉ có tác dụng sinh ra từ tâm giác ngộ, giống như lúc chiêm bao, lúc thức cũng thế, đây là chân thật xứng hợp đạo lý.

Giải thích: Trong chiêm bao thật sự không có rắn độc, thức tâm vừa biến ra cảnh sợ hãi hiển hiện như có rắn độc. Nếu lúc thức thật sự bị rắn cắn mà lòng nghi chẳng sinh cũng chẳng bị hại. Gần đây nghe có người đi trên đường bị rắn độc cắn chân, người này tự cho là bị cây làm tổn thương nên bỏ đi hơn 30 dặm mà độc tố cũng không phát; chợt gặp người bắt rắn chỉ cho: “Ông đã bị rắn độc cắn”!”. Vừa nghe lời này, lòng nghi bừng khởi, độc phát liền chết ngay. Nếu chấp ngoài tâm thật có rắn độc, lúc tâm chưa sinh độc sao chẳng phát, cho nên biết ngoài tâm không cảnh, chất độc của rắn chẳng thể giết người, lúc tâm độc khởi tự có thể làm hại, thế nên cảnh không tâm có, cảnh liền hiện tiền; cảnh có tâm không, cảnh trọn chẳng hiện. So sánh tất cả pháp cũng như vậy có thể chứng nghiệm duy tâm, thành tựu Tông Cảnh. Như trong giáo, Phật mật ý nói như huyễn v.v.. gồm có mười dụ; trong đó chiêm bao dụ cho chỗ tỏ ngộ chẳng đồng, tùy trí cạn sâu ước chừng có năm loại:

1- Sự hiểu biết của phàm phu thế gian, chỉ biết kiếp sống phù du ngắn ngủi như giấc mộng.

2- Chỗ chứng đắc của Thanh văn chỉ rõ mộng tâm sinh diệt, vô thường, khổ, không, vô ngã.

3- Tiểu Bồ-tát ngộ mộng chẳng thật, triệt để chỉ là không.

4- Đại Bồ-tát thấu suốt mộng duy tâm phi không phi hữu; trong mộng thấy mọi thứ nên phi không, sau khi thức vắng lặng nên phi hữu.

5- Chư Phật viên chứng pháp giới, như trong lúc chiêm bao chỉ một niệm ngủ say hiện trăm nghìn cảnh giới thiện ác huống là lúc khởi một niệm tâm đầy đủ mười pháp giới, nhân quả trùng trùng vô tận khu phân rõ ràng như pháp.

Hoa mộng vào giai vị phần chứng (Đồng luân), thành Phật độ sinh trải qua vô lượng kiếp; Thiện Tài của Hoa Nghiêm lên lầu các trong khoảng sát-na nơi một niệm mộng định đều thấy Phật sự ba đời bất khả tư nghì. Như người xưa có thơ:

Bên gối chập chờn giấc mộng xuân,
Dạo khắp Giang Nam vài nghìn dặm.