TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 63

4- Tác dụng bất định nạn: Trong đây chia làm ba vấn đề:

– Vấn đề thứ nhất: Có nguyên nhân gì mà những vật như sợi tóc, con ruồi người bệnh mắt thấy không có tác dụng thật sự; còn những người không bị bệnh mắt thấy có tác dụng thật sự. Đại thừa đã thừa nhận thảy đều là duy thức, tức là nhất thời có tác dụng thật sự, chẳng phải một thời không có tác dụng thật sự. Nay đã chẳng đồng chưa biết cái gì là duy thức ?

– Vấn đề thứ hai: Lại có nguyên nhân gì mà ẩm thực, dao gậy, độc dược, y phục… xuất hiện trong chiêm bao của hữu tình là không có tác dụng thật sự, nhưng thức dậy nếu có thì có tác dụng thật sự chăng ?

– Vấn đề thứ ba: Lại có nguyên nhân gì mà thành ấp bằng hương thơm không có tác dụng thật sự; còn những thành ấp bằng gạch đất lại có tác dụng thật sự ?

Luận chủ đáp bốn vấn đề trên, bằng cách dẫn bài tụng trong Tam Thập Duy Thức Luận:

Xứ thời định như mộng
Thân bất định như quỷ
Cùng thấy sông máu mủ
Như mộng không tác dụng.

Nếu y cứ bài tụng này để đáp bốn vấn đề trên là đủ.

1- Đáp về vấn đề xứ định, luận chủ nói: Ông có đồng ý hữu tình trong chiêm bao có lúc thấy các việc hoặc nam, hoặc nữ nơi thôn trang, ở một chỗ cố định. Cũng có lúc tâm chiêm bao của hữu tình duyên nơi chỗ khác chẳng thấy các việc nơi thôn trang, tức là tâm chiêm bao bất định, ông đều cho rằng duy thức chăng ?

Phái Kinh Lượng đáp: Trong tông ta dù cảnh trong chiêm bao cố định nhưng tâm chiêm bao bất định. Do vì chẳng lìa tâm chiêm bao của hữu tình nên đều là duy thức.

Luận chủ nói: Khi ta thức dậy cảnh sắc cũng như thế, tuy núi luôn cố định nhưng tâm năng duyên của hữu tình bất định đều chẳng lìa tâm hiện tại, đều là duy thức.

Lập lượng nói: “Trong tông ta, các cảnh sắc được thấy khi thức dậy là có pháp cố định, đây là duy thức làm tông”.

Nhân nói: “Vì cảnh xứ cố định, tâm bất định, dụ như cảnh trong chiêm bao nơi tông ta đều là duy thức”.

2- Đáp về vấn đề thời định, luận chủ nói: Như các việc thôn trang được thấy trong chiêm bao thì khi tâm chiêm bao duyên đúng là duy thức, lúc chẳng duyên lẽ ra chẳng phải duy thức ?

Phái Kinh Lượng đáp: Lúc tâm chiêm bao duyên cảnh trong chiêm bao cũng là duy thức; lúc tâm chiêm bao chẳng duyên nhưng chẳng lìa tâm chiêm bao cũng là duy thức.

Luận chủ nói: “Lúc ta thức dậy cảnh sắc cũng như thế. Nay ta luôn duyên núi phía nam, núi chẳng lìa tâm, đây là duy thức. Có khi tâm duyên núi tuy chẳng sinh, nhưng chẳng lìa tâm hiện tại, đây cũng là duy thức”.

Tụng nói: “Xứ thời định như mộng”, một câu này đáp hai vấn đề trên.

3- Đáp về vấn đề thân bất định, luận chủ nói: Phái Kinh Lượng các ông có đồng ý có ba có năm tên ngạ quỉ cùng ở một chỗ. Nghiệp đồng là cùng thấy sông máu mủ cố định. Có ba có năm tên quỉ là tùy nghiệp lực của bọn nó mà thấy khác nhau, tức là cùng một chỗ, có tên thấy lửa dữ, có tên thấy phân uế, có tên thấy người dùng gậy ngăn cản. Như vậy ngạ quỉ cùng ở một chỗ, một nửa thấy cảnh cố định, một nửa thấy khác biệt, ông đều cho rằng ngạ quỉ duy thức chăng ?

Đáp: Tuy thấy có đồng dị nhưng vì chẳng lìa nghiệp thức của chính ngạ quỉ biến ra nên đều là duy thức.

Luận chủ nói: Duy thức của tông ta cũng như thế, có một loài bị bệnh mắt thấy khác, một loài không bị bệnh mắt thấy đồng, nhưng chẳng lìa thức của hai loài hữu tình này biến ra nên đều là duy thức.

Tụng nói: “Thân bất định như quỉ, cùng thấy sông máu mủ”, hai câu này giải một vấn đề thư ba. Luận Thành Duy Thức Bảo Sinh có kệ: “Thân bất định như quỉ”, thật sự là dòng sông trong sạch không có cảnh nào khác, nhưng các ngạ quỉ cùng thấy đầy rẫy máu mủ tuôn chảy, chẳng phải một tên thấy. Thật ra nơi đây không có một chút máu mủ thì làm sao có sự tuôn chảy tràn bờ. Tuy không thật sự có cảnh cố định thuộc về một, lý cố định chẳng thành. Cho nên biết tâm quán sắc v.v… tuy không có ngoại cảnh, chẳng có tính cố định, nơi thân phi hữu che mất cảnh vô, họ liền lập ra cái hữu, nguyên nhân có cảnh phạm lỗi bất định, nơi không có cảnh mà có nhiều thân cùng thấy bất định. Tại sao không thật có việc máu mủ mà các ngạ quỉ chẳng thấy khác biệt ? Do cùng nghiệp nên họ đồng cảm thấy máu mủ, nghiệp bỏn sẻn kết thành quả báo nên cùng thấy cảnh khổ này. Do đồng nghiệp trước kia huân tập tự thể, lúc này dị thục hiện tiền, nhiều hữu tình cùng thấy việc này, vì thật ra không có ngoại cảnh để nghĩ nhớ.

Căn cứ đạo lý này, lòng nhân từ cũng như thế, lúc cùng chung tạo tác sự huân tập thành tựu thì không có tướng khác biệt, tướng phần của sắc sinh ra từ thức, vì thế biết chắc chắn thức sinh khởi không phải do ngoại cảnh, đâu chẳng thừa nhận cùng một loài sinh ra nhưng chẳng phải cố định, loài hữu tình đồng nghiệp, hiện tại lại thấy sang, hèn, giàu, nghèo khác biệt, như thế lẽ ra phải thấy sắc ấy có sai biệt, cùng với dị loại thấy chẳng giống nhau, cho nên biết loài này khác biệt loài kia, loài kia cũng chẳng do ngoại cảnh sinh ra sắc v.v… Các ngạ quỉ tuy cùng một loài mà thấy khác biệt, do nghiệp lực khác nhau nên chỗ thấy cũng khác nhau; có kẻ thấy địa ngục thiêu đốt tội nhân chạy tán loạn; có kẻ thấy phân tiểu lênh láng. Vì nghiệp lực khác nhau nên tuy cùng là loài người mà kẻ bạc phước đang đeo vòng vàng lại thấy là vòng sắt đỏ rực nóng bức khó chịu, có người thấy là rắn phun lửa độc, vì thế biết chắc chắn tuy cùng loài người nhưng không phải thấy như nhau. Tuy do loài ấy có cộng nghiệp sinh cùng một loài nhưng lại có biệt nghiệp nên thấy sai khác.

Lại từ ý nghĩa này cũng giải đáp những thắc mắc khác, có người nói các loài khác biệt như ngạ quỉ, bàng sinh v.v… không ở cùng một chỗ mà lại thấy như nhau, bởi do riêng tạo nghiệp dị thục tính. Đây là nghiệp mỗi loài tuy có sai biệt, nhưng nghiệp cùng thấy không khác, tức là trong sự tiếp nối của các hữu tình có nghiệp chủng sai biệt đi theo, rồi tùy theo duyên mà được sinh khởi.

4- Đáp chung về ba vấn đề trong tác dụng bất định. Luận chủ nói: Phái Kinh Lượng của ông có chấp nhận những dao gậy, ăn uống không thật có trong chiêm bao là duy thức chăng ? Đáp: Đúng thế. Lại hỏi: Trong chiêm bao có khi thật rỉ chảy những đồ bất tịnh; ông cũng cho là duy thức chăng ? Đáp: Đúng thế. Luận chủ so sánh đáp: Ông đã thừa nhận có cái thật tác dụng và không thật tác dụng trong chiêm bao đều là duy thức, tức là biết bệnh mắt và không bệnh trong tông ta và cái giả, cái thật hiện ra trong chiêm bao; ba thứ này đều có tác dụng thật, cũng như những tác dụng có thật và không thật trong chiêm bao đều là duy thức. Luận chủ đem lượng thành lập nói: “Theo tông ta, khi thức dậy cảnh sắc là có pháp quyết định là duy thức”. Tông nhân nói: “Vì tác dụng có thật như cảnh sắc trong chiêm bao của ông. Nếu không như thế thì cảnh sắc trong chiêm bao của ông là có pháp, lẽ ra chẳng phải duy thức”. Tông nhân nói: “Vì tác dụng có thật, không thật như cảnh sắc lúc ông thức dậy”. Duy Thức tụng: “Như chiêm bao mất tác dụng”, một câu này đáp một vấn đề trên; lại dùng một ví dụ đáp chung cho bốn vấn đề.

Tam Thập Duy Thức Tụng nói:

Tất cả như địa ngục
Cùng thấy các ngục tốt
Hay làm việc bức hại
Nên bốn nghĩa đều thành.

Các việc xứ định, thời định, thân bất định, tác dụng bất định ở thế gian cũng như hữu tình chịu tội trong địa ngục đều thấy sự trừng phạt; cũng có xứ định, thời định, thân bất định, tác dụng bất định đều là duy thức. Do ác nghiệp tăng trưởng của hữu tình tuy cùng chung một ngục nhưng lúc thọ khổ mỗi người thấy dụng cụ trừng phạt như chó đồng, rắn sắt, ngục tốt đầu trâu hoặc đồng hoặc khác. Những hình phạt bức hại tội nhân ấy đều do ác nghiệp nơi tâm của tội nhân hiện ra, ngoài tâm thật không có các vật như chó đồng v.v… Những sự việc hiện nay ở thế gian cũng như thế. Nếu tội nhân ở chung một ngục là do ác nghiệp tổng báo; còn chịu khổ khác biệt là do thế lực của ác nghiệp biệt báo. Chư Kinh Yếu Tập nói: “Tạo tội vọng thấy cảnh, nhiễm chấp có ngã nhân, chấp lấy thuận nghịch khiến cho mình người đều thành ác nghiệp”. Cho nên trong kinh có bài kệ:

Tham dục chẳng sinh diệt
Không thể làm tâm não
Nếu người có ngã chấp
Và có cả kiến chấp
Người này bị tham dục
Dẫn dắt vào địa ngục.

Thế nên tuy ngoài tâm không có cảnh, nhưng phù hợp với mê tình khiến vọng thấy khởi nhiễm, như chiêm bao thấy cảnh khởi tham sân. Chiêm bao thật sự không có cảnh, chỉ do tình chấp vọng thấy. Luận Trí Độ nói như trong chiêm bao việc không thiện mà thiện, việc không sân mà sân, việc không sợ mà sợ. Chúng sinh ba cõi cũng như thế, do giấc ngủ vô minh nên chẳng sân mà sân v.v… vì thế biết tuy ngoài tâm không có cảnh nhưng do mê tình vọng thấy khởi nhiễm; ngoài tâm tuy không có tướng địa ngục, nhưng khi ác nghiệp thành hình vọng thấy thọ khổ.

Kinh Chính Pháp Niệm ghi: “Người Diêm-la chẳng phải chúng sinh, tội nhân thấy họ nơi tay cầm kềm sắt đỏ rực. Người nơi địa ngục ấy ác nghiệp đã hết, sau khi mạng chung chẳng còn thấy ngục tốt Diêm-la, vì sao ? Vì họ chẳng phải là chúng sinh cõi ấy, như bấc dầu khô thì không có ngọn đèn, nghiệp hết cũng thế, chẳng còn thấy ngục tốt Diêm-la. Như ở thế gian mặt trời xuất hiện thì không còn bóng tối; lúc ác nghiệp hết, ngục tốt Diêm-la cũng như thế, những tướng hung dữ như trừng mắt, chửi mắng đáng sợ thảy đều diệt mất. Như phá hủy bức tường thì tranh vẽ trên tường cũng mất theo; bức tường ác nghiệp cũng như thế, chẳng còn có các tướng đáng sợ của ngục tốt Diêm-la”. Đoạn văn trên chứng minh chúng sinh tạo ác nghiệp phải chịu khổ thì tự nhiên trong ấy vọng thấy địa ngục.

Hỏi: Nói thấy địa ngục nghĩa là thấy ngục tốt và hổ sói v.v… có thể làm cho vọng thấy nơi địa ngục Diêm-la phán xét các tội nhân, đây là có cảnh lại sao nói không ?

Đáp: Họ thấy chúa ngục cũng là vọng thấy, đây là do ác nghiệp của tội nhân huân tập vào tâm khiến tâm biến hiện, thật ra trong đó không có địa ngục Diêm-la.

Trong luận Duy Thức hỏi: Chúa ngục, quạ, chó, dê v.v… trong địa ngục là chúng sinh hay chẳng phải chúng sinh ?

Đáp: Họ chẳng phải là chúng sinh.

Hỏi: Bởi nghĩa gì mà chẳng phải là chúng sinh ?

Đáp: Bởi chẳng tương ưng.

Hỏi: Do năm nghĩa gì mà họ chẳng phải là chúng sinh ?

Đáp: Năm nghĩa là:

1- Nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh thì lẽ ra cũng thọ khổ như tội nhân trong địa ngục thọ khổ, nhưng thật ra họ không bị khổ não, do nghĩa này nên họ chẳng phải là chúng sinh.

2- Nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh lẽ ra sát hại lẫn nhau, không thể phân biệt đây là tội nhân, đây là chúa ngục v.v…, nhưng thật ra chẳng sát hại lẫn nhau, phân biệt rõ đây là tội nhân, đây là chúa ngục; do nghĩa này nên họ chẳng phải là chúng sinh.

3- Nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh lẽ ra hình thể phải đáng sợ như nhau, không chỉ làm tội nhân ghê sợ, mà thật ra chỉ có riêng tội nhân kinh sợ, do nghĩa này nên họ chẳng phải là chúng sinh.

4- Đất trong địa ngục thường là sắt nóng, nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh không thể chịu nổi các khổ làm sao có bức hại tội nhân, nhưng thật ra có thể bức hại tội nhân, do nghĩa này nên họ chẳng phải là chúng sinh.

5- Nếu chúa ngục v.v… là chúng sinh, chẳng phải tội nhân thì lẽ ra chẳng sinh trong địa ngục, mà thật ra lại sinh trong địa ngục, do nghĩa này nên họ chẳng phải là chúng sinh.

Do nghĩa gì chúng sinh thọ khổ trong địa ngục tạo những ác nghiệp ngũ nghịch v.v… nên sinh trong ấy; còn chúa ngục v.v… chẳng tạo tác nghiệp tại sao sinh nơi ấy ? Bởi năm nghĩa trên nên gọi là chẳng tương ưng.

Hỏi: Nếu chúa ngục v.v… chẳng phải là chúng sinh, chẳng tạo ác nghiệp thì chẳng sinh trong ấy, tại sao nơi cõi trời có súc sinh. Do nghĩa gì có các súc sinh như chim chóc sinh nơi cõi ấy ? Trong địa ngục vì sao không như thế, các loài súc sinh, ngạ quỉ sinh lẫn lộn khiến họ làm chúa ngục ?

Đáp: Kệ nói:

Súc sinh sinh cõi trời,
Địa ngục chẳng như thế
Vì ở cõi thiên thượng
Chẳng bị khổ súc sinh.

Bài kệ này thuyết minh nghĩa gì ? Những súc sinh sinh lên trời có ít phần nghiệp nên ở trong khí thế gian cõi trời được quả báo vui; chúa ngục và quạ, chó v.v… chẳng bị các khổ. Do nghĩa này trong địa ngục không thật có chúa ngục và quạ, chó v.v…, ngoại trừ chúng sinh có tội.

Luận Bảo Sinh ghi: “Như trên đã nói, vì có hình thể khác nhau nên chịu hình phạt nơi địa ngục chẳng đồng; có người ở trong lửa dữ mà chẳng bị thiêu đốt, nếu chẳng phải bạn tốt thì làm sao chẳng ngại nguy hiểm thường làm lợi ích cho người khác, vì muốn hiển bày cái khổ chẳng bị thiêu đốt nên làm việc này. Vì nghiệp lực nên nói có lửa lớn, nói chẳng bị thiêu đốt là thành lập nghĩa duy thức. Do không có lửa thật mà chỉ là nghiệp lực có thể phá hoại tự tính. Đã quyết định chẳng bị nỗi khổ ấy thì tự tính của lửa này vốn không. Nhưng tông thừa nhận có thật tính, hoặc thừa nhận là thức hiện tướng, sự thể vốn không, đây là do nghiệp lực nên không có lửa liền được ứng lý. Bởi nghiệp trước kia là hạn lượng nên nếu khác với đây thì quả do nghiệp tăng thượng chiêu cảm đã hiện nơi kia tại sao chẳng thấy ? Như người vô trí muốn cho lửa tắt mà lại tưới rượu. Nay tông Duy thức càng làm sáng tỏ, do những lý lẽ này chứng tỏ lý “duy tâm sở hiện” không sai.

Phẩm Quán Phật Tâm trong kinh Quán Phật Tam-muội Hải ghi: “Khi ấy, tâm Phật như hoa sen hồng, trong cánh hoa có tám vạn bốn ngàn ánh sáng trắng, soi khắp chúng sinh trong năm đường. Lúc ánh sáng ấy phát ra, chúng sinh thọ khổ thảy đều xuất hiện”. Những nỗi khổ ấy là địa ngục a- tỳ như 18 tiểu địa ngục, 18 địa ngục lạnh giá, cho đến 500 ức địa ngục dao gậy v.v…

Hỏi: Nếu tâm ác nghiệp của chúng sinh cảm hiện cảnh địa ngục, lý này đương nhiên. Nếu lúc quán Phật tâm tại sao chỉ hiện địa ngục ?

Đáp: Đại lược có hai nghĩa:

1- Xét theo lý, tâm tính Phật vốn bao hàm pháp giới nên không một trần nào chẳng trùm khắp, không một pháp nào chẳng bao gồm.

2- Xét theo sự, Phật lấy sự cứu khổ làm ý, lấy tâm vật làm tâm thì cõi địa ngục toàn là tâm Phật; vận dụng vô duyên từ vô gián đồng thể. Vì thế phẩm Quán Phật Tâm ghi: “Phật bảo Thiên vương: Muốn biết ánh sáng Phật tâm thường chiếu soi các chúng sinh khổ triền miên không thể cứu giúp mà tâm Phật duyên, thường duyên những chúng sinh cực ác, do tâm lực của Phật tự trang nghiêm vượt hơn số kiếp khiến những tội nhân ấy phát tâm bồ-đề (…). Bấy giờ, lúc Thế Tôn nói lời này từ tâm lực của Phật phóng mười thứ ánh sáng trắng, chiếu khắp thế giới mười phương. Trong mỗi ánh sáng có vô lượng hóa Phật ngồi hoa sen báu. Khi ấy, đại chúng thấy ánh sáng Phật hoặc như pha lê, hoặc như sữa; thấy các hóa Phật xuất hiện từ ngực Phật rồi nhập vào rốn Phật, ngồi thuyền báu dạo chơi nơi Phật tâm trải qua chỗ tội nhân thọ khổ trong năm đường. Mỗi tội nhân thấy các hóa Phật như là cha mẹ, bạn tốt, thân thuộc của mình, lần lượt vì họ nói pháp xuất thế gian. Bấy giờ, trên hư không vang lên âm thanh bảo đại chúng: “Hôm nay các ông nên quán Phật tâm”. Phật tâm là đại từ, đại từ chỉ duyên chúng sinh khổ; kế đến thực hành đại hỉ, thấy các chúng sinh an ổn vui vẻ tâm sinh hoan hỉ như ta không khác. Đã sinh hoan hỉ, kế đến thực hành pháp xả, các chúng sinh không tướng đến đi, từ tâm tưởng sinh. Tâm tưởng sinh là nhân duyên hòa hợp tạm gọi là tâm. Tâm tưởng này như hoa đốm từ điên đảo sinh; khổ từ tưởng khởi, vui từ tưởng sinh; tâm như lõi chuối không chắc thật. Nói rộng có mười ví dụ. Lúc quán như thế chẳng thấy thân tâm, thấy tất cả pháp đồng như thật tính đây gọi là thân Bồ-tát nhận tâm pháp, y theo pháp này rộng tu 37 phẩm trợ đạo. Nếu thủ chứng là pháp Thanh văn, không thủ chứng là pháp Bồ-tát”.

Luận Bảo Sinh nói: “Thời định, xứ định như chiêm bao, có người nói do tâm hoặc loạn bèn sinh kiến giải thời định và xứ định; nhưng trong chiêm bao nơi tâm thật sự không có tướng trạng quyết định về thời gian và nơi chốn. Do đâu được biết, như có bài tụng:

Ngủ say trong đêm dài
Mặt trời mọc hướng bắc
So le mộng thời xứ
Làm sao có định tâm?

Lại nói: “Tâm chiêm bao này có gì kì lạ ? Lập sự nghiệp lớn chẳng nhờ ngoại sắc, có thể khéo léo nhanh chóng xây đắp càng thêm tráng lệ, hoặc thấy vách cao chín nhận, rui dài mười trượng, cành xanh mềm mại, hoa hồng tươi tắn, người thợ cực giỏi cũng chưa thể điêu khắc. Nếu nơi người khác có cùng vấn nạn này thì họ không có lỗi, vì chẳng nhờ ngoại sắc mà công lực khởi, chỉ là do chủng tử thuần thục gá thức làm duyên, tức là khi ấy ý thức liền hiện. Lại chưa từng thấy có kinh luận nói trong chiêm bao sinh biệt sắc.

Bách Pháp Sao ghi: “Luận chủ nói: Trong chiêm bao thấy cùng người nữ giao hợp rỉ chảy bất tịnh hoặc trong chiêm bao thấy bị rắn độc cắn bất tỉnh, xuất mồ hôi tâm hôn mê, tuy không có cảnh thật mà có tác dụng thật, đây là duy thức chăng ? Phái Kinh Lượng đáp: Đây là duy thức. Luận chủ nói: Ông đã thừa nhận tác dụng có thật và tác dụng không thật trong chiêm bao đều là duy thức, tức là theo tông ta, trong chiêm bao hiện biết người mắt bệnh, người mắt sáng, cái giả, cái thật; ba thứ này có tác dụng và không có tác dụng như trong chiêm bao của ông cũng là duy thức. Luận chủ lập lượng: Có bệnh mắt, không bệnh mắt là có pháp; có tác dụng, không tác dụng lý duy thức cũng thành. Tông nhân nói: Vì thừa nhận không có cảnh thật như các việc nhiễm ô trong chiêm bao. Do đó luận Duy Thức nói: “Như chiêm bao mất tác dụng”.

* Thứ ba nói về vấn đề Thánh giáo trái nhau:

Tiểu thừa hỏi: Nếu luận chủ nói tất cả đều là duy thức, ngoài tâm không có cảnh thật, tại sao trong kinh A-hàm, Thế Tôn nói có 12 xứ. Nếu tất cả đều là duy thức, Thế Tôn chỉ cần nói ý xứ, pháp xứ, chẳng cần nói có mười sắc xứ. Nay Thế Tôn đã nói có 12 xứ là biết lìa ngoài ý pháp xứ riêng có mười sắc xứ, đây là ngoài tâm có pháp sao lại nói tất cả đều là duy thức ? Luận chủ đưa ra ba cách giải đáp: giả đáp, chính đáp, dụ đáp.

1- Giả đáp: Trích dẫn Tam Thập Duy Thức Tụng :

Thức sinh từ chủng tử
Tựa cảnh tướng lưu chuyển
Làm thành nội ngoại xứ
Phật nói đó là mười.

Thức sinh từ chủng tử, nghĩa là hiện hành của tự chứng phần năm thức đều sinh từ chủng tử của năm thức, lấy chủng tử của năm thức làm năm căn.

Tợ cảnh tướng lưu chuyển, nghĩa là tự chứng phần của năm thức đã từ chủng tử sinh lại có thể biến hiện dường như hai phần: kiến phần sở biến gọi là năm thức, tướng phần sở biến dường như ngoại cảnh hiện gọi là năm cảnh. Kỳ thật năm cảnh và năm căn đều chẳng lìa thức, cũng là duy thức. Đây là tạm đem chủng tử của năm thức làm năm căn đáp các sư phái Kinh Lượng, vì phái này thừa nhận có chủng tử.

Hỏi: Dù thừa nhận có chủng tử thì đâu chẳng chấp lìa thức có pháp ?

Đáp: Họ thừa nhận chủng tử giữ gìn trong sáu thức trước cũng chẳng lìa thức mà có. Luận chủ nói: Tướng phần sở biến dường như năm cảnh bên ngoài cũng chẳng lìa thức; chủng tử của năm thức năng biến là năm căn cũng chẳng lìa thức mà có.

Tuy phân mười chỗ trong ngoài nhưng đều là duy thức.

Phật nói đó là mười, nghĩa là đem mật ý của Phật để phá việc chấp thân là một hợp tướng của ngã của ngoại đạo bèn đối với pháp vô ngôn miễn cưỡng dùng lời nói phân biệt nói có năm căn và năm trần để được lợi ích lớn. Duy Thức Tụng:

Y giáo có thể nhập
Lãnh hội hướng vô ngã.

Giải thích: Nếu là người có trí liền y theo lời Phật nói về năm căn, năm trần rồi quán sát: “Ta từ vô lượng kiếp đến nay vì tìm cầu ác tuệ, ngu si mê ám vọng chấp thân mình thân người là một hợp tướng của ngã, do đây phải chìm đắm trong sinh tử. Hôm nay y theo giáo lý quán sát thân mình thân người chỉ có năm căn năm trần hợp thành. Trong mỗi chỗ đều không có chủ tể, không có tác dụng tự tại thường nhất, đâu từng có ngã. Nhân đây có thể ngộ nhập lý vô ngã, thành tựu ngã không quán. Đây là Đại thừa tạm đem năm chủng tử làm năm căn tạm đáp Tiểu thừa.

Tiểu thừa lại hỏi: Nếu thế, tướng phần sắc của năm trần là do năm thức biến ra, đúng như tông của ông là duy thức. Bản chất của năm cảnh sắc chẳng biết là duy thức của thức nào ? Đó là năm thức và thức thứ sáu đều chẳng trực tiếp duyên bản chất năm cảnh, tức là bản chất năm cảnh đâu chẳng phải lìa ngoài tâm có, làm sao thành duy thức ? Câu hỏi này phù hợp ý luận chủ.

2- Chính đáp: Luận Duy Thức nói: “Nương nơi thức biến hiện, chẳng phải riêng thật có”.

Giải thích: Đây y cứ tự tông của Đại thừa chính giải là căn cứ vào việc đã kiến lập thức thứ tám. Luận chủ nói: Bản chất sắc của năm trần chính là tướng phần của thức thứ tám, tướng phần chẳng lìa thức thứ tám cũng là duy thức.

3- Dụ đáp: Luận chủ nêu ví dụ đáp Tiểu thừa là nguyên do Thế Tôn kiến lập 12 xứ. Luận Duy Thức nói: “Như ngăn đoạn kiến nói có hữu tình tương tục”, chỉ là mật ý của Phật phá chấp ngã của chúng sinh là một hợp tướng tạm nói có 12 xứ khiến cho chúng sinh quán pháp 12 xứ đều không có ngã bèn vào ngã không. Kế đó nương vào duy thức quán tất cả các pháp đều không thật có tác dụng giữ gìn thắng tính, trừ pháp chấp, thành tựu pháp không. Tiểu thừa lại hỏi đã nói tất cả các pháp đều thật không có tác dụng gìn giữ thắng tính thành tựu pháp không quán thì thể của duy thức ấy đâu phải là không.

* Thứ tư nói về vấn đề duy thức thành không: Luận chủ đáp: “Thể của duy thức chẳng phải không, vì chẳng phải là cái để chấp thủ. Ở trước tôi nói không là không có vọng tâm chấp thật có tác dụng giữ gìn thắng tính trên tất cả pháp; những pháp biến kế hư vọng này chính là không, chẳng phải không cái thể duy thức lìa chấp, như lúc căn bản trí chứng chân như, ly ngôn tuyệt tướng, tất cả ngã pháp biến kế hư vọng đều vắng bóng. Nơi địa vị này chỉ có căn bản trí thầm hợp với lý, chẳng phân năng sở, thức thể này cũng không thì không có tục đế; vì tục đế không nên chân đế cũng không, bởi chân tục nương nhau để kiến lập. Luận Duy Thức nói: “Bác không có hai đế là ác thủ không, chư Phật nói hết thuốc trị”.

* Thứ năm nói về vấn đề sắc tướng chẳng phải tâm:

Luận Duy Thức nói: “Nếu các sắc xứ lấy thức làm thể vì sao chẳng giống như sắc tướng hiển hiện một loại kiên trụ tương tục mà chuyển ?”“.

Tiểu thừa hỏi: Nếu nói tất cả ngoại sắc đều lấy tâm làm thể, do tự chứng phần của tâm biến tựa năng thủ gọi là kiến phần, biến tựa sở thủ là tướng phần, tại sao sắc tướng sở biến hiển hiện, tâm năng biến chẳng hiển hiện ? Lại, nếu ngoại sắc lấy tâm làm thể tại sao sắc sở biến là một loại tương tục chuyển ? Núi sông, đất đai là một loại ngàn năm vạn năm không biến đổi, tương tục không gián đoạn tồn tại lâu dài; tâm năng biến của hữu tình thì biến đổi bất định và không được lâu dài. Nay ngoại sắc đã chẳng giống nội tâm, là biết lìa tâm riêng có ngoại sắc, vì sao nói tất cả đều là duy thức ?

Đáp: Luận Duy Thức nói: “Do danh ngôn huân tập nên thế lực được khởi”. Đây là do tất cả hữu tình từ vô thỉ đến nay trước sau đều lấy danh ngôn hư vọng huân tập làm sự hiểu biết ngoài tâm có cái kiên trụ tương tục. Do thế lực này mà các sắc tướng hiển hiện, chẳng phải ngoài tâm thật sự có sắc kiên trụ.

Ngoại đạo lại hỏi: Đã nói duy thức thì hữu tình cần gì biến tựa ngoại sắc mà hiện ?

Đáp: Luận Duy Thức nói: “Nếu đây không đáp ứng, không điên đảo thì không tạp nhiễm, cũng không có tịnh pháp, vì thế các thức biến tựa sắc hiện”. Luận chủ nói: “Tất cả hữu tình nếu chẳng biến tợ ngoại sắc hiện thì không có pháp nhiễm tịnh”. Tất cả phàm phu do trước kia mê các cảnh điên đảo vọng chấp như sắc v.v… do đây liền sinh tạp nhiễm. Thể của tạp nhiễm là hai chướng. Ngoại đạo các ông nếu chẳng thừa nhận thức biến tợ ngoại sắc hiện thì hữu tình chẳng khởi điên đảo. Nếu điên đảo vọng chấp chẳng khởi thì tạp nhiễm phiền não chẳng sinh; nếu tạp nhiễm chẳng sinh thì tịnh pháp nhân đâu mà có! Do đó Nhiếp luận có bài tụng:

Loạn tướng và loạn thể
Nên cho là sắc thức
Và cùng phi sắc thức.
Như vô dư cũng vô.

Loạn tướng là sắc tướng sở biến; loạn thể là tâm thể năng biến.

Nên cho là sắc thức là loạn tướng sở biến ở trước.

Và cùng phi sắc thức là tâm thể năng biến ở trước.

Như vô dư cũng vô, nếu không có tựa ngoại sắc cảnh sở biến làm loạn tướng thì cũng không có thức thể năng biến, cho nên biết cần phải biến tựa ngoại cảnh hiện, do đó các sắc chẳng lìa tâm đều là duy thức.

* Thứ sáu nói về vấn đề hiện lượng trái tông:

Luận Duy Thức nói: “Ngoại cảnh như sắc v.v… rõ ràng hiện chứng, chỗ được của hiện lượng xem xét bác là không”. Tiểu thừa hỏi: “Năm trần sắc cảnh bên ngoài rõ ràng năm thức hiện chứng là chỗ được của hiện lượng, Đại thừa và Tiểu thừa đều chung cực thành, vì sao bác là không, nói tất cả đều duy thức”. Trong Tam Thập Duy Thức luận cũng có câu hỏi này: “Các pháp do lượng phán định hữu vô, trong tất cả lượng hiện lượng là hơn hết. Nếu không có ngoại cảnh làm sao có cái biết này, hiện nay ta có chứng cảnh như thế chăng ?

Đáp: Nếu luận chủ nói không có thật cảnh bên ngoài, làm thế nào nói năm thức hiện lượng nắm lấy năm trần cảnh bên ngoài. Nếu là tỷ lượng, phi lượng biến kế sở khởi, biến kế sở chấp suy tính so đo tạo nên tướng phần bị sinh ra chẳng lìa tâm, đều thành duy thức.

Hỏi: Nay năm thức đã hiện lượng được năm trần cảnh bên ngoài, vì sao cũng nói đều là duy thức ?

Đáp: Luận Duy Thức nói: “Lúc chứng hiện lượng chẳng chấp là bên ngoài, sau đó ý phân biệt vọng sinh tưởng bên ngoài”.

Luận chủ nói: Lúc hiện lượng năm thức đang duyên năm trần cảnh được tự tính của pháp chẳng vướng mắc danh ngôn, không có tâm so đo tính toán, chẳng sinh phân biệt, chẳng chấp là bên ngoài, chỉ là ý thức phân biệt của niệm sau vọng sinh phân biệt bèn chấp là bên ngoài nói có thật cảnh.

Hỏi: Tiểu thừa có thừa nhận hiện lượng trong tâm chẳng chấp là bên ngoài chăng ?

Đáp: Thừa nhận.

Hòi : Khác với Đại thừa thế nào ?

Đáp: Duy Thức Cảnh ghi: “Nếu là Đại thừa thì năm thức và ý thức đồng thời đều hiện lượng chẳng chấp là bên ngoài. Nếu là Tiểu thừa thì chỉ năm thức chẳng chấp là bên ngoài”. Luận chủ nói: “Tiểu thừa các ông đã thừa nhận năm thức duyên cảnh là hiện lượng chẳng chấp là bên ngoài, là biết hiện lượng trong tâm đều không có ngoại cảnh, đây là duy thức”.

Ngoại đạo lại hỏi: Năm thức hiện lượng duyên năm trần là thật hay là giả ?

Đáp: Là thật.

Hỏi: Nếu thế thì lìa ngoài tâm có năm trần cảnh vì sao nói là duy thức ?

Đáp: Lúc năm thức duyên năm trần cảnh tuy là thật, nhưng chỉ là sở biến của năm thức; tướng phần của tự thức chẳng lìa năm thức đều thành duy thức. Vì thế luận Duy Thức nói: “Cho nên cảnh hiện lượng là tự tướng phần do thức biến ra nên nói là có; thật sắc bên ngoài do ý thức chấp lầm cho là có nên nói là không. Ý nói: Năm thức đều có bốn phần, năm trần cảnh chính là tướng phần của năm thức. Do tự chứng phần của năm thức biến hiện giống như cảnh tướng phần như sắc v.v… hiện; tướng phần này chẳng lìa kiến phần đều là duy thức. Sau đó lúc ý thức phân biệt khởi, vọng chấp ngoài tâm có thật cảnh, đây là không, vì chẳng xứng hợp với cảnh thể mà biết.

Hỏi: Trong năm thức, lúc phiền não như sân v.v… khởi chẳng hợp với bản chất, vì sao nói chỉ là hiện lượng ?

Đáp: Tuy chẳng xứng bản chất nhưng hợp với tướng phần cũng là hiện lượng, do tâm không chấp. Ý thức thứ sáu tương ưng với sân, nếu cùng chấp đồng khởi thì đều không hợp với tướng phần và bản chất; nếu chẳng cùng chấp đồng khởi thì giống như năm thức.

Hỏi: Vì sao năm thức không chấp ?

Đáp: Năm thức không chấp bởi nó không có tỷ lượng và phi lượng; cho nên biết năm thức hiện lượng duyên cảnh chẳng chấp là bên ngoài, đều là duy thức.

Hỏi: Lại Tiểu thừa đều có một câu hỏi: nếu duy thức không có ngoại cảnh do đâu các thứ tâm được sinh ? Nếu không có cảnh khiến sinh tâm thì vọng tâm do đâu khởi ? Chưa hề có cảnh không tâm; cũng như từng có tâm không cảnh.

Đáp: Luận tụng :

Do tất cả chủng thức
Như thế như thế biến
Do vì sức xoay vần
Các thứ phân biệt sinh.

Thức của tất cả chủng tử, là thức thứ tám, thức này hay gìn giữ chủng tử của tất cả pháp hữu vi, nghĩa là tất cả chủng tử đều có thể tự sinh công năng sai biệt của quả, gọi là tất cả chủng thức. Công năng có hai loại: một, hiện hành gọi là công năng, như hạt giống lúa có công năng nảy mầm; hai, chủng tử trong thức thứ tám gọi là công năng, có công năng sinh ra hiện hành. Nay nói thức của tất cả chủng tử là chỉ nói về công năng của chủng tử trong bản thức hay sinh tất cả pháp sắc tâm hữu vi v.v…, tức sắc là sở duyên, tâm là năng duyên, nghĩa là sắc là cảnh chẳng lìa tâm, là duy thức. Tâm cảnh này chỉ sinh khởi từ trong bản thức, đâu cần có ngoại cảnh mới sinh.

Như thế như thế biến, nghĩa là tám thức sinh ra từ chủng tử, tức là tự chứng phần của tám thức chuyển biến ra kiến phần và tướng phần, tướng phần chẳng lìa kiến phần, đây là duy thức.

Do vì sức xoay vần, nghĩa là các duyên khác là sức xoay vần, vì bốn duyên sinh ra tâm pháp, hai duyên khởi lên sắc pháp.

Các thứ phân biệt sinh, nghĩa là bởi vọng chấp trên kiến phần và tướng phần sinh ra phân biệt có thật ngã và thật pháp bên ngoài, cho nên biết chỉ do chủng tử trong bản thức sinh ra các thức, chẳng nhờ cảnh hư vọng bên ngoài mà được sinh, vì thế biết tất cả đều là duy thức.

Luận Duy Thức ghi: “Hỏi: Theo ông thì chỉ có nội thức không có ngoại cảnh, nếu thế nội thức là có thể bám lấy hay không thể bám lấy ? Nếu có thể bám lấy thì giống như ngoại cảnh: sắc, hương v.v… Nếu không thể bám lấy thì không có pháp làm sao nói rằng chỉ có nội thức không có ngoại cảnh ?”.

Đáp: Như Lai phương tiện lần lượt dẫn dắt chúng sinh vào ngã không và pháp không do đó nói có nội thức, nhưng thật ra không có nội thức để bám lấy. Nếu chẳng như thế thì không được nói ngã không, pháp không. Do nghĩa này nên hư vọng phân biệt, tâm này biết tâm kia, tâm kia biết tâm này.

Hỏi: Lại có người hỏi làm thế nào biết được chư Phật Như Lai ? Y cứ nghĩa này nên nói có tất cả các nhập sắc v.v… mà chẳng phải các nhập thật có sắc v.v… Lại vì thức v.v… hay bám lấy cảnh giới, do nghĩa này nên chẳng được nói các nhập không có sắc v.v…

Đáp: Kệ nói:

Cái một chẳng thể thấy,
Nhiều cũng chẳng thể thấy
Hòa hợp chẳng thể thấy
Vì thế không pháp trần.