TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 56

Trong ba thứ năng biến đã bàn về tám thức, hiện nay theo kinh luận lại có nhiều môn, mở ra thì vô biên, khép lại chỉ có một đạo.

Trong kinh lại nói có chín loại thức, vì gồm cả thức tính; hoặc vì thức thứ tám có nhiễm tịnh nên nói chín thức, chẳng phải là y tha thể có chín, cũng chẳng phải thể loại riêng có chín thức.

Chín thức, vì thức thứ tám có chia nhiễm tịnh, vì hữu lậu là nhiễm, vô lậu là tịnh; bảy thức trước không phân nhiễm tịnh, vì đều thuộc về chuyển thức; thức thứ tám chẳng phải chuyển thức riêng chia làm hai thức nhiễm và tịnh, hợp với bảy thức trước thành chín thức.

Hỏi: Với kinh luận nào chứng minh có chín thức ?

Đáp: Kinh Lăng Già có bài tụng:

Do phân biệt hư vọng
Đây là có thức sinh
Tám thức hay chín thức
Như sóng của sông biển.

Kinh Kim Cang Tam-muội ghi: “Bấy giờ, Bồ-tát Vô Trụ bạch Phật: Tôn giả, vì lợi ích gì mà chuyển tất cả tình thức của chúng sinh vào am-ma-la ? Phật dạy: Chư Phật Như Lai thường lấy nhất giác để chuyển các thức vào am-ma-la. Vì sao ? Bản giác của tất cả chúng sinh thường lấy nhất giác để giác ngộ chúng sinh, khiến họ đắc bản giác, biết rõ các tình thức không tịch vô sinh. Vì sao ? Bản tính quyết định vốn không động”.

Luận giải thích: Tất cả tình thức là tám thức. Am-ma-la là thức thứ chín. Cổ đức nói: “Tất cả duy tâm tạo, nhưng Phật quả hợp với tâm thì Phật cũng do tâm tạo”. Nghĩa là tứ trí bồ-đề do tám thức thanh tịnh tạo ra; nếu y cứ vào căn bản thì là thức thứ tám thanh tịnh; theo ngài Tam tạng Chân Đế1, Phật tịnh thức xưng là thức thứ chín gọi là a-ma-la thức. Đường Tam Tạng Huyền Trang nói: “Trung Hoa dịch là vô cấu, là thức dị thục thứ tám”. Nghĩa là khi thành Phật chuyển thức thứ tám thành vô cấu, không riêng có thức thứ chín. Kinh văn Mật Nghiêm có đề cập đầy đủ vấn đề này, kinh nói: “Tâm có tám thức hoặc chín thức”. Lại nói: “Như Lai thanh tịnh tạng cũng gọi là vô cấu trí”, chính là thức thứ chín do ngài Chân Đế lập ra, vì đã ra khỏi chướng nên chẳng đồng với dị thục là thức thứ chín.

Lại trong phẩm Cửu thức, luận Quyết Định Tạng, ngài Chân Đế phiên dịch: “Thức a-ma-la thứ chín dịch làm hai nghĩa: một là sở duyên, tức chân như, hai là bản giác, tức chân như trí”. Năng duyên là Bất Không Như Lai tạng, sở duyên là Không Như Lai tạng. Nếu theo thông luận, hai thứ này đều lấy chân như làm thể. Theo luận Hoa Nghiêm, kinh Giải Thâm Mật nói thức thứ chín là thức thuần tịnh vô nhiễm, như dòng thác nổi nhiều sóng, các sóng đều nương nơi nước. Các thức năm, sáu, bảy, tám đều nương vào thức a-đà-na.

Lại nói: “Như vậy Bồ-tát tuy do pháp trụ trí làm y chỉ, vì là kiến lập”. Kinh này ý tại nơi thức xứ là biết rõ thức thể vốn chỉ là chân trí, như dòng thác chẳng lìa thể nước mà có sóng; như gương sáng nương vào tịnh thể vô phân biệt mà dung chứa nhiều hình tượng, vì chẳng ngại có mà thường không. Như vậy thức tướng do tự tâm hiện chẳng lìa bản thể tịnh trí vô tác, ảnh tướng hiện ra đều không chấp tự tha trong ngoài v.v… mặc tình vận dụng theo trí vô phân biệt.

Lại kinh nói: “Thức a-đà-na rất thâm sâu, vi tế dẫn dắt phàm phu chuyển thức thành trí, không như Nhị thừa và Bồ-tát tiệm giáo, thỉ giáo phá tướng thành không; không như phàm phu ràng buộc mà thật có; vì những điều bất đồng trên nên chẳng không chẳng có.

Pháp gì chẳng không ? Vì trí hay tùy duyên chiếu cơ lợi vật. Pháp gì chẳng có ? Vì trí ngay lúc tùy duyên không tính tướng, không sinh trụ diệt.

Kinh Hoa Nghiêm không như thế, chỉ trình bày thể dụng của căn bản trí Phật trong bản thân của nhất chân pháp giới, đầy đủ biển tính, tướng, pháp, báo. Vì bậc thượng thượng căn trực tiếp trình bày công đức của Phật quả; bản trí nhất chân pháp giới cho là môn khai thị ngộ nhập, bất kể theo vọng mà sinh thức v.v…

Như kinh Pháp Hoa đem trí tuệ Phật khai thị cho chúng sinh khiến họ thanh tịnh nên Phật xuất thế chỉ nói một Phật thừa.

Nay đại ý Tông Cảnh cũng như thuyết này, trước tiên chỉ tuần tự đưa ra môn phương tiện của các thức, sau đó hội về chân trí, nhưng chẳng tức thức, cũng chẳng ly thức. Chỉ khi thấy thật tính duy thức mới soi rõ ý chỉ kia, như gương báu soi khắp ảnh tượng, như hải ấn đồng thời hiện ngay sum la vạn pháp không có trước sau.

Luận Thích Ma-ha-diễn nói: Tập họp các dị thuyết của khế kinh mà đức Phật thuyết trong một đời, gồm có mười thức:

I- Lập một loại thức gồm cả các thức. Trong đây có 4:

1/ Lập nhất thiết nhất tâm thức gồm cả các thức nghĩa là đem một tâm thức bao trùm hai thứ tự tại không chỗ nào chẳng an lập. Trong khế kinh nói về nhất tâm pháp như sau: Bấy giờ, Văn-thù-sư-lợi nương sức oai thần của Phật liền bạch: Bạch Thế Tôn, có mấy loại thức, thể tướng thế nào, cúi xin vì con phân biệt khai thị ?

Thế Tôn bảo Văn-thù: Lành thay, lành thay, Văn-thù-sư-lợi, ông vì đại chúng nên hỏi việc này, hãy lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì ông phân biệt giải nói.

Khi ấy, Văn-thù bạch Phật: Lành thay Thế Tôn, con mong được nghe.

Phật bảo Văn-lhù: Ta chỉ lập ra một loại thức, không lập các thức khác, Vì sao ? Một loại thức bao gồm nhiều thức. Thức này có năng lực hay tạo ra các thứ danh tự, mà chỉ một thức trọn không có pháp khác, cho nên ta nói kiến lập một loại thức, chẳng kiến lập các thức khác.

2/ Lập thức a-lại-da gồm cả các thức, nghĩa là vì thức a-lại-da đầy đủ nghĩa chướng ngại và không chướng ngại nên bao gồm tất cả. Trong khế kinh nói về thức a-lại-da như sau: Bấy giờ, Bồ-tát Quán Tự Tại liền bạch Phật: Thế Tôn, thế nào gọi là thức thông đạt tổng tướng ? Do nghĩa gì gọi là tổng tướng ?

Phật bảo Bồ-tát Quán Tự Tại: Thức thông đạt tổng tướng chính là thức a-lại-da. Thức này có ngại sự và phi ngại sự, đầy đủ tất cả pháp, như biển cả là tên gọi tổng tướng của nước và sóng. Do nghĩa này nên gọi là tổng tướng.

3/ Lập thức mạt-na gồm cả các thức, nghĩa là vì thức mạt-na đầy đủ mười một nghĩa nên bao gồm tất cả. Trong khế kinh nói về hiển liễu như sau: Các thứ tâm thức tuy có vô lượng, chỉ có mạt-na chuyển, không có pháp khác, vì sao ? Vì thức mạt-na đầy đủ mười một nghĩa nên tạo tác tất cả.

4/ Lập một ý thức gồm cả các thức, nghĩa là vì ý thức có bảy thức chuyển biến tự tại hay tạo tác sự việc. Trong khế kinh nói về bảy thứ biến hóa như sau: Ví như nhà ảo thuật biến một người thành bảy người; người ngu thấy cho là có bảy người, người trí thấy chỉ có một người. Ý thức cũng thế, chỉ là một thức có thể tạo ra bảy việc, phàm phu cho là có bảy việc, bậc giác ngộ thấy chỉ có ý thức, không có bảy việc, đây gọi là kiến lập đồng một loại thức.

II- Lập hai loại thức bao gồm các thức, một là a-lại-da thức, hai là ý thức. A-lại-da thức là nói chung về nghiệp chuyển hiện ba thức. Ý thức là nói chung về bảy thứ chuyển thức. Kinh Lăng Già ghi: Này Đại Huệ, nói rộng có tám thức, nói lược có hai thức: một là liễu biệt thức, hai là phân biệt sự thức.

III- Lập ba loại thức bao gồm các thức, một là thức a-lại-da, hai là thức mạt-na, ba là ý thức. Thức a-lại-da gồm cả ba tướng thức; thức mạt-na là ý căn; ý thức gồm cả sáu chuyển thức. Ngài Từ Vân nói rằng: Lại nữa, xin cung kính nói rộng có mười loại thức, tổng quát có ba loại thức: một là tế tướng tính thức, hai là căn tướng tính thức, ba là phân ly thức.

IV- Lập bốn loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong ba loại thức trên thêm một tâm thức. Trong khế kinh nói về vô tướng như sau: Thức pháp tuy vô lượng nhưng không ngoài bốn loại thức: một là sở y bản nhất thức, hai là năng y trì tạng thức, ba là ý trì thức, bốn là biến phân biệt thức.

V- Lập năm loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong bốn thức trên thêm tùy thuận biến chuyển thức. Trong khế kinh nói về Đại vô lượng như sau: Lại nữa, có thức chẳng thuộc bỉ bỉ thức; bỉ bỉ thức là tùy thuận chuyển thức.

VI- Lập sáu loại thức bao gồm các thức, nghĩa là năm thức nhãn v.v… và ý thức thứ sáu. Trong khế kinh nói về Tứ thánh đế như sau: Phật bảo thụ vương: Ta vì những chúng sinh căn cơ thấp kém, với ý thú bí mật nói rằng chỉ có sáu thức không còn thức khác, kỳ thật bản ý muốn họ biết trong sáu thức đầy đủ tất cả thức trước đại chúng.

VII- Lập bảy loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong sáu thức trên thêm thức mạt-na. Trong khế kinh nói về Pháp môn như sau: Lại nữa, Văn-thù-sư-lợi, thức có bảy loại, đó là sáu thức thân và thức mạt-na. Như vậy bảy thức hoặc chuyển một lượt, hoặc chuyển trước sau. Lại nữa, thức thứ bảy có sức thù thắng, hoặc có khi làm tác dụng giữ gìn cất chứa, hoặc có khi làm nơi y cứ phân biệt.

VIII- Lập tám loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong bảy thức trên thêm thức a-lại-da. Trong khế kinh nói về Đạo trí như sau: Tâm vương có tám: một là nhãn thức tâm vương cho đến tám là dị thục chấp thức tâm vương. Tất cả thức không ra ngoài số này.

IX- Lập chín loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong tám thức trên thêm thức am-ma-la. Trong khế kinh nói về Kim cang tam-muội như sau: Khi ấy, Bồ-tát Vô Trụ bạch Phật: Thế Tôn, dùng cái gì để chuyển hóa nhanh chóng tất cả tình thức của chúng sinh vào am-ma-la ? Phật đáp: Chư Phật Như Lai thường dùng nhất giác để chuyển các thức vào am-ma-la.

X- Lập mười loại thức bao gồm các thức, nghĩa là trong chín thức trên thêm nhất thiết nhất tâm thức. Trong khế kinh nói về Pháp môn như sau: Tâm lượng tuy vô lượng nhưng không ngoài mười thức. Luận Nhiếp Đại Thừa nói mười một loại thức, do bản thức có thể biến đổi thành 11 thức. Bản thức là chủng tử của 11 thức. Phân biệt là thức tính. Thức tính làm gì có phân biệt, vì phân biệt không là có nên nói hư vọng. Phân biệt là nhân, hư vọng là quả. Do tính phân biệt này bao gồm tất cả chủng tử, các thức sai biệt có 11 thứ: thân thức, thân giả thức, thọ giả thức, ứng thọ thức, chính thọ thức, thế thức, số thức, xứ thức, ngôn thuyết thức, tự tha sai biệt thức, thiện ác lưỡng đạo sinh tử thức. Chín thức từ thân thức đến ngôn thuyết thức do ngôn thuyết huân tập chủng tử sinh; tự tha sai biệt thức do ngã kiến huân tập chủng tử sinh; thiện ác lưỡng đạo sinh tử thức do hữu chi huân tập chủng tử sinh.

Thân thức là năm giới như nhãn v.v…

Thân giả thức là nhiễm ô thức.

Thọ giả thức là ý giới.

Ứng thọ thức là sáu ngoại giới như sắc v.v…

Chính thọ thức là sáu thức giới.

Thế thức là sinh tử tương tục bất đoạn thức.

Số thức là từ một đến a-tăng-kỳ

Xứ thức là khí thế gian.

Ngôn thuyết thức là thấy nghe hiểu biết.

Lại muốn hiển bày phân biệt hư vọng chỉ lấy y tha tính làm thể tướng. Phân biệt hư vọng là loạn thức.

Biến dị đại lược có bốn loại thức: một là tợ trần thức, hai là tợ căn thức, ba là tợ ngã thức, bốn là tợ thức thức. Nếu không nói tất cả pháp chỉ có thức thì chân tính không thể hiển bày.

Lại luận Đại Thừa Khởi Tín nói ba tướng tế, sáu tướng thô. Ba tướng tế, luận nói nương nơi giáo mà có bất giác sinh ra ba tướng chẳng xa lìa nhau:

1- Vô minh nghiệp tướng: Lấy bất giác tâm động làm nghiệp, giác thì bất động, động thì có khổ, vì quả chẳng lìa nhân.

2- Năng kiến tướng: Vì nương tâm động nên thấy cảnh giới, tâm chẳng động thì không thấy.

3- Cảnh giới tướng: Vì nương vào năng kiến cảnh hư vọng hiện, lìa kiến thì không có cảnh. Vì duyên cảnh giới hư vọng nên lại sinh ra sáu thứ tướng:

a) Trí tướng, nghĩa là duyên cảnh giới sinh tâm yêu, ghét.

b) Tương tục tướng, nghĩa là nương nơi ý niệm biết khổ vui tương tục chẳng dứt.

c) Chấp trước tướng, nghĩa là nương nơi ý niệm biết khổ vui tương tục mà sinh chấp trước.

d) Chấp danh đẳng tướng, nghĩa là nương vào chấp trước phân biệt mà lập ra các danh tướng.

e) Khởi nghiệp tướng, nghĩa là nương vào chấp danh tướng khởi các nghiệp sai biệt.

f) Nghiệp hệ khổ tướng, nghĩa là nương vào nghiệp thọ khổ chẳng được tự tại.

Vì thế phải biết tất cả nhiễm pháp đều không có thật tướng, vì đều do vô minh sinh khởi.

Người xưa giải thích:

Ban đầu vô minh làm nhân sinh ra ba thức tế, sau đó cảnh giới làm duyên sinh ra sáu tướng thô. Vì nương vô minh thành vọng tâm, nương vọng tâm khởi vô minh.

Ba tướng vi tế, ban đầu nghiệp tướng nương vào bất giác tâm động; tâm động gọi là nghiệp. Nghiệp có 2 thứ, vì một khi động tác là nghĩa nghiệp cho nên nói nương bất giác tâm động, tâm động gọi là nghiệp. Giác thì chẳng động. Lúc đắc thỉ giác thì không động niệm, là biết nay động chỉ là do bất giác. Động thì có khổ. Nếu khi được tịch tịnh vô niệm là diệu lạc niết-bàn, cho nên biết nay động thì có nỗi khổ sinh tử. Động niệm này rất vi tế, là nghĩa dao động tinh tế lưu chuyển thầm kín. Một tướng duyên khởi năng sở chẳng phân, ngay thức a-lại-da tự thể phân. Như luận Vô Tướng hỏi: Tướng của thức này là cảnh giới gì ? Đáp: Tướng và cảnh giới chẳng thể phân biệt, một thể không khác, nên biết đây là nói theo nghĩa nghiệp tướng của a-lại-da, vì tâm vương nghĩ đến pháp chẳng phân năng sở. Kế y cứ kiến phần và tướng phần của bản thức chia làm hai. Tướng hay thấy là chuyển tướng, nương nơi nghiệp tướng trước chuyển thành hay thấy, cho nên nói vì nương động nên hay thấy; nếu nương vào môn tính tịnh thì không hay thấy, cho nên nói chẳng động thì không thấy. Trái lại hiển bày tâm hay thấy hẳn phải nương vào nghĩa động. Như vậy chuyển tướng tuy có năng duyên nhưng vì cảnh giới vi tế nên vẫn chưa biện biệt.

Như Nhiếp Luận nói: “Vì thức này duyên cảnh chẳng thể biết; sở duyên đã không thể biết thì căn cứ năng duyên để thuyết minh nghĩa chuyển tướng của bản thức. Ba tướng cảnh giới là hiện thức, nương vào chuyển tướng trên hay hiển cảnh giới nên nói nương vào thấy mà cảnh giới vọng hiện”. Kinh Lăng Già ghi: “Ví như gương sáng hiện các sắc tượng, hiện thức xứ hiển hiện cũng như thế, hiện tướng này phải tại bản thức”. Ba tướng vi tế đều do căn bản vô minh, động bản tịnh tâm thành ra ba tướng vi tế này. Sau đó lấy cảnh giới làm duyên sinh ra sáu tướng thô là phân biệt sự thức. Kinh Lăng Già có kệ:

Gió cảnh giới xao động
Dấy các lượn sóng thức.

Hỏi: Ba tế thuộc lại-da, sáu thô thuộc thức, vì sao chẳng nói mạt-na ?

Đáp: Có hai nghĩa:

1/ Trước đã nói lại-da thì hẳn có mạt-na tương ưng nên chẳng nói riêng. Du-già nói: “Thức lại-da khởi hẳn có thức thứ hai tương ưng”. Lại do lúc ý thức duyên ngoại cảnh ắt phải nương mạt-na bên trong làm căn nhiễm ô mới được sinh khởi, cho nên tùy nói sáu tướng thô hẳn phải nương mạt-na hiện cũng không nói riêng.

2/ Vì nghĩa bất tiện nên lược bỏ chẳng nói. Tướng bất tiện do vô minh trụ địa động bản tịnh tâm khiến tâm khởi hòa hợp thành lại-da. Mạt-na đã không có nghĩa này nên trong ba tướng vi tế trước lược chẳng nói. Lại do ngoại cảnh dẫn khởi sự thức, mạt-na không có nghĩa duyên ngoại cảnh, nên trong sáu tướng thô cũng lược chẳng nói. Cũng chấp bên trong là ngã thuộc về ba tướng tế, chấp bên ngoài là ngã sở thuộc về sáu tướng thô nên lược chẳng nói. Kinh Lăng Già cũng nói thế, kinh nói: “Này Đại Huệ, lược có ba nghĩa, rộng có tám tướng. Những gì là ba ? Đó là chân thức, hiện thức, phân biệt sự thức”, chính là tướng thô.

Luận Hiển Thức chỉ nói hai loại thức, luận nói: “Tất cả ba cõi chỉ có thức, thức có hai loại: Một là hiển thức chính là bản thức, bản thức này chuyển làm năm trần, bốn đại v.v… Hai là phân biệt thức chính là ý thức, trong hiển thức phân biệt tất cả pháp như trời, người, các vật dài, ngắn, lớn, nhỏ, nam, nữ v.v…. Như nương vào gương các ảnh sắc hiển hiện, cũng thế duyên hiển thức phân biệt sắc được khởi.

Lại chuyển thức hay hồi chuyển tạo tác vô lượng thức, hoặc chuyển làm căn, hoặc chuyển làm trần, chuyển làm ngã, chuyển làm thức. Những thức bất đồng ấy chỉ do thức tạo ra; hoặc nơi mình, nơi người theo nhau; nơi mình thì chuyển làm năm ấm; nơi người thì chuyển làm người thân kẻ oán. Trong mỗi thức đều có đủ năng sở, năng phân biệt là thức, sở phân biệt là cảnh, năng là y tha tính, sở là phân biệt tính. Do nghĩa này, lìa ngoài thức không riêng có cảnh mà chỉ có thức.

Lại luận Chuyển Thức nói thức sở duyên có hai loại chuyển: một là chuyển làm chúng sinh, hai là chuyển làm pháp. Tất cả sở duyên không ngoài hai loại này, hai loại chuyển này không có thật, chỉ là thức chuyển thành hai thứ ấy.

Kế nói thức năng duyên có ba loại: một quả báo thức là thức a-lại-da; hai chấp thức là thức a-đà-na; ba trần thức là sáu thức trước.

Quả báo thức, do nghiệp phiền não dẫn dắt nên gọi là quả báo; cũng gọi là bản thức. Vì là chỗ nương tựa của tất cả chủng tử pháp hữu vi, cũng gọi là trạch thức, cũng gọi là tạng thức, vì là chỗ ẩn núp của tất cả chủng tử.

Lại nữa, thức a-lại-da tương ưng với năm tâm sở: xúc, tác ý, thọ, tư duy, tưởng. Do ba thứ căn, trần, thức hòa hợp sinh ra xúc; tâm luôn chủ động tạo tác gọi là tác ý; thọ chỉ là xả thọ; tư duy tính toán nên làm hay không nên làm khiến tâm thành tà thành chính gọi là tư duy. Tác ý như ngựa chạy, tư duy như người cưỡi ngựa; ngựa chỉ chạy thẳng, không thể biết tránh phải trái, do người cưỡi khiến nó lìa trái theo phải. Tư duy cũng thế, có thể khiến cho tác ý xa lìa hành vi lố bịch. Thức này và tâm pháp chỉ là tự tính vô ký, niệm niệm lưu chuyển như sóng nước. Bản thức như dòng nước, năm pháp như sóng. Cho đến quả La-hán vẫn còn chưa dứt hết pháp sóng nước này, đây gọi là bản thức thứ nhất. Nương vào thức này có chấp thức thứ hai. Thức này lấy chấp trước làm thể, là mạt-na, tương ưng với bốn lậu hoặc. Thức này gọi là hữu phú vô ký, cũng tương ưng với năm tâm sở xúc, tác ý, thọ, tư, tưởng; nhưng trước tế đây thô. Đến quả La-hán rốt ráo dứt sạch thức này và các pháp tương ưng, và nhập vô tâm định cũng đều diệt hết, đây gọi là chấp thức thứ hai.

Trần thức thứ ba, thức chuyển tợ trần, thành sáu loại, thể của nó gồm cả ba tính, tương ưng với mười pháp tâm sở biến hành, biệt cảnh, và mười thiện, các phiền não, đủ ba loại cảm thọ. Năm thức trước, ý thức thứ sáu và bản thức chấp thức đều theo nhân duyên hoặc khởi một lượt, hoặc lần lượt khởi, lấy tác ý làm nhân, ngoại trần làm duyên nên thức được khởi. Ban đầu tác ý muốn nắm lấy sắc trần và thanh trần, sau đó nhãn thức và nhĩ thức cùng khởi một lượt mà được hai trần. Nếu tác ý muốn đến nơi nào đó thấy sắc, nghe tiếng ngửi mùi, sau đó ba thức cùng khởi một lượt được ba trần; cho đến đồng thời năm thức cùng khởi cũng thế, hoặc lần lượt trước sau khởi. Chỉ khởi một thức thì được một trần đều tùy nhân duyên, cho nên bất đồng. Như vậy bảy thức trong thức a-lại-da đều tương ưng khởi như các ảnh tượng đều hiện trong gương, cũng như các lượn sóng đều trở về nước. Chuyển thức ấy chẳng lìa hai nghĩa: năng phân biệt và sở phân biệt. Sở phân biệt đã không thì năng phân biệt cũng không; không có cảnh thì thức chẳng sinh, do nghĩa này nên nghĩa duy thức được thành. Vì sao lập nghĩa duy thức ? Bản ý là trừ cảnh dẹp tâm, nay cảnh giới đã không, duy thức lại bặt, tức là nói nghĩa duy thức thành. Ba thức năng duyên trên cũng là ba loại năng biến.

Kinh Lăng Già nói: “Có ba loại thức: chân thức, hiện thức và phân biệt sự thức. Ví như gương sáng hiện các sắc tượng, nơi hiện của hiện thức cũng như vậy bất tư nghì huân, bất tư nghì biến là nhân của hiện thức. Nắm lấy các trần và vô thỉ vọng tưởng huân là nhân của phân biệt sự thức.

Lại nữa, các thức có ba tướng: chuyển tướng, nghiệp tướng, chân tướng. Cho đến ví như hòn đất, hạt bụi chẳng phải khác, chẳng phải đồng, đồ trang sức cũng như thế. Này Đại Huệ, nếu hòn đất và hạt bụi khác nhau thì chẳng phải nó được tạo thành mà thật ra nó tự thành, cho nên chẳng khác. Nếu chẳng khác thì lẽ ra không phân biệt hòn đất và hạt bụi. Cũng như thế, Đại Huệ, chân tướng của chuyển thức, tạng thức nếu khác nhau thì tạng thức chẳng phải nhân. Nếu chẳng khác thì chuyển thức diệt lẽ ra tạng thức cũng diệt nhưng chân tướng của nó thật ra chẳng diệt. Thế nên này Đại Huệ, chẳng phải chân tướng diệt, chỉ có nghiệp tướng diệt. Nếu chân tướng diệt thì tạng thức diệt. Này Đại Huệ, tạng thức diệt thì chẳng khác luận thuyết đoạn kiến của ngoại đạo. Này Đại Huệ, các ngoại đạo ấy lý luận: quả của cảnh nhiếp thọ diệt thì thức lưu chú cũng diệt; nếu thức lưu chú diệt thì vô thỉ lưu chú phải dứt.

Giải thích: Kinh Nhập Lăng Già nói về tự chân tướng, tâm bản giác chẳng nhờ vọng duyên. Tính tự thần giải gọi là tự chân tướng đây là nói theo nghĩa dị. Lại lúc theo gió vô minh khởi sinh diệt, tính thần giải cùng với gốc chẳng khác nên cũng được gọi là tự chân tướng, đây là nói theo nghĩa bất dị.

Lại thức có hai thứ sinh, đó là lưu chú sinh và tương sinh.

Chân thức là chân tâm bản giác do căn bản vô minh huân tập. Hiện thức là thức a-lại-da. Phân biệt sự thức là ý thức.

Kinh ghi: “Bồ-tát Diệu Nghiêm bạch Phật: Bạch Thế Tôn, tướng thô và tướng tế của ý thức lấy gì làm nhân, lấy gì làm duyên ?

Phật nói: Ý thức thô và tế đều lấy hiện cảnh thức làm nhân, lấy cảnh sáu trần làm duyên, vì lưu chuyển tương tục”

Lại nữa, tướng thô trong ba tế là hiện thức, cái mạnh nhất trong bảy thức là ý thức. Ý thức phân biệt sáu trần hẳn phải nương mạt-na làm căn sở y. Ý thức là năng y, mạt-na là sở y. Đại lược có ba tướng tế và tám tướng thô; thô thuộc ý thức, tế thuộc mạt-na.

Kinh Lăng Già có kệ:

Ví như sóng biển lớn
Dấy khởi từ gió mạnh
Sóng cuồn cuộn vỗ bờ
Không bao nào ngừng nghi
Biển tạng thức thường trụ
Gió cảnh giới xao động
Các sóng thức dấy khởi
Dâng trào mà chuyển sinh
Các thứ sắc xanh đỏ
Như ngọc, sữa, đường phèn.
Các hoa quả ngọt nhạt
Nhật nguyệt và ánh sáng
Chẳng đồng cũng chẳng khác
Nước biển dậy sóng mòi
Bảy thức cũng như thế
Tâm cùng hòa hợp sinh
Như nước biển biến đổi
Các sóng mòi lưu chuyển
Bảy thức cũng như thế
Tâm cùng hòa hợp sinh.
Là nơi tạng thức kia
Các thức luôn chuyển biến
Nghĩa là dùng ý thức
Tư duy nghĩa các tướng
Tướng chẳng hoại có tám
Vô tướng cũng vô tướng.

Thích luận nói: Vì y cứ kinh văn này giải thích nên có văn sáu tướng. Kinh văn này nói về nghĩa gì ? Đó là muốn hiển bày tính bao la thường trụ của hiện thức, vì bị gió của cảnh giới sáu trần lay động nên bảy thức này lấy thể của hiện thức làm nội nhân, cảnh giới sáu trần làm ngoại duyên khởi ra sáu tướng thô nặng, như kinh nói: “Ví như sóng biển lớn, dấy khởi từ gió mạnh, sóng cuồn cuộn vỗ bờ, không bao giờ ngừng nghỉ, biển tạng thức thường trụ, gió cảnh giới xao động, các sóng thức dấy khởi, dâng trào mà chuyển sinh”.

Thế nào là gió cảnh giới ? Hình trạng của nó như thế nào ? Các sắc xanh vàng v.v… làm khởi nhãn thức châu ngọc phát ra âm thanh thắng diệu làm khởi nhĩ thức; các chiên-đàn v.v… tỏa hương thơm ngát làm khởi tỷ thức; các thứ mộc-la, đường phèn v.v… hòa hợp làm thành bột xoa kích thích xúc giác làm khởi thân thức; các vị ngọt nhạt v.v… làm khởi thiệt thức; hoa hiện tại, quả vị lai, các pháp trần tùy theo cảnh giới mà các thức ấy duyên làm khởi ý thức. Nay văn này nói trần nắm lấy thức, cần quan sát kỹ thức mạt-na là phận vị vi tế của ý không có tự thể riêng. Như thế sáu trần hay động tâm thể khiến cho tán loạn như gió mạnh nên gọi là gió, như kinh nói: “Các thứ sắc xanh đỏ, như ngọc, sữa, đường phèn, các hoa quả ngọt nhạt”.

Như vậy bảy thức và tạng thức là đồng hay là khác ? Chẳng phải đồng, chẳng phải khác, vì lìa hai bên. Như mặt trời và ánh sáng, như nước với sóng chẳng phải đồng, chẳng phải khác, bảy thức và tạng thức chẳng phải đồng, chẳng phải khác, nghĩa cũng như thế. Như kinh nói: “Mặt trời, mặt trăng và ánh sáng, chẳng đồng cũng chẳng khác, nước biển dậy sóng mòi, bảy thức cũng như thế, tâm cùng hòa hợp sinh”.

Bảy thức ấy từ đâu đến vào tạng thức làm thành bảy thứ lưu chuyển khởi động không khi nào chấm dứt; bảy thức ấy chuyển chẳng từ bên trong đến, chẳng từ bên ngoài đến, chẳng từ khoảng giữa đến, chỉ do thể của tạng thức biến ra bảy thức như nước biển dấy lên sóng mòi; như kinh nói: “Như nước biển biến đổi, các sóng mòi lưu chuyển, bảy thức cũng như thế, tâm cùng hòa hợp sinh”, nghĩa là ở nơi tạng thức chuyển sinh các loại thức, dùng ý thức tư duy nghĩa các tướng.

Như vậy hiện thức và bảy chuyên thức chỉ có tướng sinh diệt vô thường sao ? Hay cũng có thật tướng, thường trụ tướng ?

Tám thức từ vô thỉ đến nay, ba thuở chẳng động, bốn tướng chẳng dời, chân thật thường trụ tự tính thanh tịnh, tướng chẳng hoại, đầy đủ viên mãn tất cả công đức, vì đồng pháp giới nên không có hai tướng, không có hai tướng nên chỉ là một tướng, chỉ là một tướng nên cũng là vô tướng. Vì là vô tướng nên vô tướng cũng vô tướng, như kinh nói: “Tướng chẳng hoại có tám, vô tướng cũng vô tướng”.

Kinh Lăng Già nói hễ bao nhiêu thức là có hai cách nói: một là nói lược, hai là nói rộng. Trong hai cách nói ấy, ba bản kinh đều nói khác nhau, nghĩa là trong bản kinh Lăng Già nói như sau: “Đại Huệ, nói lược có ba loại, nói rộng có hai tướng. Những gì là ba ? Đó là chân thức, hiện thức, phân biệt sự thức”. Trong bản khác kinh Lăng Già có ghi: “Đại Huệ, nói rộng có tám loại, nói lược có hai loại: một là liễu biệt thức, hai là phân biệt sự thức”. Lại trong bản kinh Lăng Già khác nói như sau: “Đại Huệ, nói lược có bốn loại, nói rộng có bảy loại thức. Thế nào là bốn ? Đó là nghiệp thức, chuyển thức, hiện thức, phân biệt sự thức”.

Ba bản kinh trên đều là chân thuyết cần phải y cứ, trong bản kinh đầu tiên, thứ nhất chân thức là chân tâm bản giác do căn bản vô minh huân lập, thứ hai hiện thức là hiện tướng thức a-lại-da, thứ ba phân biệt sự thức là ý thức, vì ý thức thuộc thô, mạt-na thuộc tế. Trong bản kinh thứ hai nói liễu biệt thức thứ nhất là hiện tướng thức a-lại-da, phân biệt sự thức thứ hai là ý thức; nghĩa như trên đồng nói mạt-na; bản kinh thứ ba nói có bốn loại thức, trong văn đã trình bày nên không cần đề cập nữa.

Bảy thức, vì mạt-na và ý thức gồm là một, vì thô tế tuy khác nhưng chỉ là một thức. Trong khế kinh nói về Pháp giới pháp luân như sau: Lúc ý thức phân biệt cảnh giới sáu trần hẳn phải nương mạt-na làm căn sở y mới sinh khởi được, cho nén ý thức là năng y, thức mạt-na là sở y.

Luận Hoa Nghiêm ghi: “Trên núi Lăng Già ven biển nam Thế Tôn thuyết pháp, núi ấy cao vút, nhìn xuống biển cả mênh mông, chung quanh không có lối ra, người đắc thần thông mới có thể bay qua”. Đây là biểu thị pháp môn tâm địa, bậc vô tâm vô chứng mới có thể đạt đến.

Dưới là biển cả, biểu thị biển tâm vốn tự thanh lịnh, do gió cảnh lay chuyển làm sóng thức dấy động. Muốn thấu rõ cảnh tâm thì biển không cũng tự lặng; tâm cảnh đều lặng thì không việc gì chẳng soi, như biển cả không gió, mặt trời, một trăng, vạn vật hiển hiện rõ ràng.

Kinh này vì hạng căn cơ thành thục nói thẳng chủng tử nghiệp thức là Như Lai tạng, khác với hàng Nhị thừa diệt thức hướng đến tịch diệt, cũng khác với hàng Bồ-tát tu lý không trong kinh Bát-nhã nói rõ bản tính của thức thể toàn chân, nói rõ thức thể trở thành trí dụng, như biển cả không gió là cảnh tượng, liền biết pháp môn tâm hải cũng như thế, liễu chân thì thức trở thành trí.

Kinh này khác với kinh Thâm Mật, ý riêng lập chín thức, tiếp dẫn hàng sơ cơ khiến họ vẫn còn lậu hoặc, tăng trưởng bồ-đề, chẳng để tâm họ vun trồng nơi không, cũng chẳng để cho tâm họ như hạt giống hư mục. Kinh Giải Thâm Mật là cửa đầu tiên vào lậu hoặc. Kinh Lăng Già, Duy-ma chỉ thẳng bản thật của lậu hoặc; Lăng Già nói tám thức là Như Lai tạng, Tịnh Danh nói quán thân thật tướng, quán Phật cũng thế. Tịnh Danh và Lăng Già đồng quan điềm, kinh văn Thâm Mật có chút khác biệt với hai bộ trên, nên biết nhập thai, xuất thai, thiếu niên, tuổi già cho đến của cải, nhà cửa, hoặc sắc, hoặc không, hoặc tính, hoặc tướng đều là tự thức, chỉ có Phật mới biết.

Luận Hiển Thức nói: “Tam hữu: Từ khi có thức đến sáu tuổi gọi là sinh hữu; từ bảy tuổi trở lên phân biệt rõ ràng, khởi tham đắm cho đến chưa xả mạng gọi là nghiệp hữu; chỉ trong một niệm mà có hữu tức là trung ấm, gọi là tử hữu”.

Trong nghiệp hữu, sáu thức khởi ba nghiệp: thiện, bất thiện, bất động. Ba nghiệp hữu là chỗ giữ gìn của thức hữu phần. Sáu thức tự lui mất, do thức hữu phần giữ gìn nên lực dụng tồn tại.

Hỏi: Vì sao lập thức hữu phần ?

Đáp: Mỗi một lần sinh thường bám lấy một cảnh; nếu sinh trời người, thức này thấy các y báo lầu đài v.v…; nếu khởi sáu thức, bị thô che chướng thì chẳng biết cái dụng của thức này. Nếu sinh vào ác đạo, thức này chỉ bám vào xe lửa v.v…, nếu báo khởi tác dụng của sáu thức mạnh thì chẳng biết chỗ duyên của thức nàỵ. Nếu sáu thức cõi dục duyên cõi dục thì phàm phu chẳng thể biết, cho đến vô sắc cũng thế. Nếu cõi vô sắc các thức diệt, tác dụng của thức hữu phần liền hiển, như lại-da và ý thức. Cho nên các giáo đều nói viên chứng chẳng phải một.

Kinh Nhập Lăng Già ghi: “Đại Huệ, lại có ngoại đạo khác thấy sắc có nhân, vọng tưởng chấp trước hình tướng dài ngắn, thấy hư không không có hình tướng phân cách, họ thấy các sắc tướng khác hư không. Đại Huệ, hư không là sắc, vì sắc đại nhập vào hư không. Đại Huệ, sắc là hư không, vì nương pháp này có pháp kia, nương pháp kia có pháp này, vì nương sắc phân biệt hư không, nương hư không phân biệt sắc. Đại Huệ, tự tướng của tứ đại chủng tính đều khác biệt, chẳng trụ hư không mà trong tứ đại chẳng phải không có hư không. Đại Huệ, sừng thỏ cũng thế, do sừng bò có mà nói sừng thỏ không. Đại Huệ, nếu nghiền sừng bò thành hạt bụi nhỏ, phân tích tướng hạt bụi nhỏ ấy không thấy được sừng bò, vậy cái gì là pháp có, cái gì là pháp không mà nói có, mà nói không ? Quán các pháp khác cũng như thế. Đại Huệ, ông cần phải lìa sừng thỏ, sừng bò, hư không, sắc tướng và những vọng tưởng để thấy. Đại Huệ, ông cũng nên vì chư Bồ-tát nói lìa tướng sừng thỏ v.v… Đại Huệ, ông phải nên biết tướng phân biệt hư vọng mà tự tâm thấy được. Đại Huệ, ông nên ở trong cõi nước chư Phật vì các Phật tử nói tất cả cảnh giới hư vọng mà tự tâm hiện thấy.

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ lặp lại:

Nơi tâm, sắc là không
Tâm nương cảnh thấy có
Chúng sinh thấy nội thức
Thân, của cải, nhà cửa
Tâm ý cùng ý thức
Tự tính và năm pháp
Hai thứ vô ngã tịnh
Như Lai nói như sau:
Dài, ngắn, có và không…
Xoay vần sinh lẫn nhau
Vì không nên thành có,
Vì có nên thành không.
Phân biệt thể vi trần
Chẳng khởi sắc vọng tưởng
Là nơi tâm an trụ
Nếu chẳng sạch ác kiến
Chẳng phải cảnh vọng trí
Thanh văn cũng chẳng biết
Điều Như Lai diễn nói
Là cảnh giới tự giác.

Luận Nhiếp Đại Thừa nói: “Lại thức này chỉ có thức, vì đều vô nghĩa”. Trong ấy lấy cái gì làm ví dụ để hiển bày, nên biết lấy chiêm bao làm ví dụ, nghĩa là như trong chiêm bao đều không có nghĩa gì cả, chỉ có thức. Tuy các thứ sắc, thanh, hương, vị, xúc, nhà cửa, đất đai, núi non dường như hiển hiện mà thật ra trong ấy đều không có nghĩa. Nhờ ví dụ này hiển bày cần phải theo đó thấu rõ tất cả lúc, tất cả nơi đều chỉ có thức. Hễ theo tâm hiện cảnh kết nghiệp thọ sinh chẳng ngoài pháp của chín tướng: ba tế và sáu thô. Như Thạch Bích giải thích: Chỉ một mộng tâm, dụ như có người nam ngủ chợt chiêm bao thấy các sự việc liền khởi tâm phân biệt niệm niệm chẳng dừng. Đối với những việc nghịch thuận sinh tâm thủ trước là thiện, là ác, là thân, là sơ. Đối với thiện, đối với thân thì được lợi ích; đối với ác, đối với sơ thì bị tổn hại, hoặc có báo ân được vui, hoặc có báo oán chịu khổ; vừa tỉnh giấc những việc trên liền biến mất.

Như có người là nhất tâm chân như. Nằm ngủ là bất giác vô minh chợt khởi. Chiêm bao là tướng của nghiệp thức vi tế thứ nhất; thấy là tướng của chuyển thức thứ hai; các sự việc là tướng của hiện thức thứ ba. Khởi tâm phân biệt là sáu tướng cảnh trí thô nặng thứ nhất; niệm niệm không dứt là tướng tương tục thứ hai; đối với những việc nghịch thuận sinh tâm thủ trước là tướng chấp thủ thứ ba; là thiện, là ác, là thân, là sơ là tướng chấp danh tự thứ tư; nơi thiện, nơi ác được tổn ích là tướng khởi nghiệp thứ năm; thọ báo khỗ lạc là tướng nghiệp hệ khổ thứ sáu. Chợt tỉnh giấc những việc trên liền biến mất là giác duy tâm được vào Tông Cảnh, cho nên nói Phật là giác, như nằm mộng tỉnh giấc, như hoa sen nở.