TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 42

Hỏi: Đại thừa viên đốn thức trí đều bặt, tại sao còn nói duyên sinh, trở lại bàn luận nhân quả ?

Đáp: Kinh nói: “Tin sâu Đại thừa thì không hủy báng nhân quả”. Lại nói: “Thâm nhập duyên khởi thì dứt trừ tà kiến”.

Ý chỉ duy thức chẳng ngoài nhân quả. Tướng chính nhân do thức biến nên các pháp được sinh, lấy thức làm nhân. Tướng chính quả, do chúng thức sinh ra các quả pháp thể phân biệt và các quả dị thục đồng phần vị. Do đó trên từ chư Phật dưới đến chúng sinh đều nằm trong luật nhân quả, làm sao có thể bài bác không rơi vào lưới tà, chỉ vì tất cả ngoại đạo chẳng đạt lý duyên sinh, chỉ chấp tự nhiên bác không nhân quả. Nhị thừa chột mắt chỉ chứng thiên không, diệt trí khôi thân xa lìa nhân quả, nghiệp thế gian trói buộc không nghe dược. Phàm phu bị lửa ngũ dục thiêu đốt, chấp trước nhân quả nên sự hiểu biết điên cuồng chẳng thể hội viên thường, trái nghịch môn pháp giới duyên khởi, mê muội ý chỉ bát-nhã vô sinh. Nay nói về nhân quả chỉ lấy thật tướng làm nhân, trở lại dùng thật tướng làm quả vì chỉ thấu rõ nhất tâm bình đẳng nên hoàn toàn chẳng thành cái thấy trước sau đồng thời. Nếu có thể tin vào nhất tâm ấy đều trở thành viên nhân diệu quả. Như kinh Hiền Kiếp Định Ý nói: “Cao lớn tốt đẹp ai nhìn cũng vui mừng, không gì chẳng lợi ích, đây là báo của nhất tâm”.

Lại nói: “Phô bày ánh sáng không chỗ nào chẳng chiếu soi, nhiều chỗ an ổn, đây là báo của nhất tâm”.

Lại nói: “Uy quang rực rỡ không thấy đỉnh tướng là báo của nhất tâm”.

Kinh Hoa Thủ có kệ:

Các ông quán tâm này
Niệm niệm thường sinh diệt
Như huyễn không thật có
Mà hay được báo lớn.

Lại có kệ nói:

Tâm này chẳng do duyên,
Cũng không lìa các duyên
Phi hữu cũng phi vô,
Mà hay khởi quả lớn.

Luận Hiển Dương có bài tụng:

Do vì tâm quả kia,
Sinh rồi tự nhiên diệt.
Sau lại hay biến đổi,
Niệm niệm diệt nên biết.

Luận nói: Tất cả hành là tâm quả, tính nó mới sinh lìa diệt, nhân duyên tự nhiên diệt, sau đó có thể biến đổi, phải biết các hành đều diệt trong sát-na, làm sao biết các hành là tâm quả ?

Tụng rằng:

Tâm huân tập tăng thượng,
Định chuyển biến tự tại,
Ảnh tượng sinh đạo lý,
Và ba thứ Thánh giáo.

Luận nói: Do đạo lý và Thánh giáo chứng biết các hành là đạo lý của tâm quả tính, nghĩa là các pháp thiện và bất thiện huân tập nơi tâm, do năng lực tăng thượng của tập khí nên hành được sinh.

Lại thoát khỏi chướng ngại của định tâm thanh tịnh, tất cả các hành theo tâm chuyển biến, do năng lượng ý giải tự tại ấy nên các thứ chuyển biến. Lại do sức định tâm tự tại nên tùy theo sở thích mà ảnh tượng cảnh giới định tâm phát sinh gọi là đạo lý. Thánh giáo nghĩa là ba thứ Thánh ngôn. Như bài kệ trong kinh nói:

Tâm dẫn dắt thế gian
Tâm lực chỗ phòng hộ
Tùy tâm mà sinh khởi
Tự tại xoay chuyển luôn.

Lại nói: Thế nên tỳ-kheo phải khéo tinh chuyên quán sát đúng đạo lý nơi tâm, cho đến nói rộng ra. Lại nói: Tỳ-kheo nên biết, thành chủ là tất cả hữu thủ thức uẩn gọi là Thánh giáo; nên biết phước tùy tâm đến, họa theo tâm sinh, như vang ứng tiếng, như bóng theo hình. Như A-na-luật cúng dường Bích-chi Phật thức ăn cam-lộ mà luôn luôn được đầy bát. A-na-luật, Trung Hoa dịch là vô bần (không nghèo khó). Kinh Hiền Ngu nói: “Lúc mạt thế đời Phật Phất-sa gặp nạn đói khát, có Bích-chi Phật tên Lợi-thác đi hành khất đành ôm bát không. Một người nghèo trông thấy xót thương thưa rằng: Đạo nhân ngài có thể ăn cỏ đắng không ? Người ấy liền đem thức ăn của mình dâng cúng. Bích-chi Phật thọ thực xong liền hiện ra 18 thứ biến hóa. Sau đó người ấy lại hái cỏ đắng thì chợt một con thỏ nhảy đến ôm lưng biến thành tử thi. Vì không cách nào thoát ra nên phải đến tối ông ta mới trở về nhà, đất ấy thành vàng, rút ngón tay lên cỏ liền sinh, dùng chân giẫm lên cỏ mọc trở lại, người ác vua ác muốn đến chiếm đoạt, song chỉ thấy toàn là tử thi. Nhờ phước cúng dường ấy, A-na-luật trong 90 kiếp vẫn được quả báo sung túc tài bảo, cho nên có tên vô bần (không nghèo). Từ khi sinh ra đến lớn gia nghiệp ngày càng hưng thịnh, cha mẹ muốn thử ngài, bèn đưa cho một cái bát không bảo đi khất thực thì thấy trong bát trăm vị đầy đủ, và môn hạ của ngài mỗi ngày thường có một vạn hai nghìn người, sáu ngàn người đi thu nợ, sáu ngàn người theo hầu hạ. Sau khi xuất gia, ngài đi đến đâu mọi người đều hoan hỷ, muốn cần việc gì cũng có đầy đủ như lúc ở nhà.

Lại vua Kim sắc cúng dường Bích-chi Phật một bữa ăn, về sau khắp Diêm-phù-đề trong bảy ngày chỉ tuôn mưa bảy báu nên tất cả nhân dân không còn nghèo khổ. Nên biết bảy báu này chẳng phải từ nơi khác đến mà đều phát xuất từ tâm cúng dường của vị vua ấy. Nhân khởi từ trong tâm nên quả không sinh nơi khác, như A-na-luật được vàng tự tác tự thọ. Cho nên người có phước thì thấy là vàng ngọc, kẻ ác thấy là tử thi, nên biết chuyển biến từ tâm trần cảnh không cố định. Lại như lúc chưa mở chiếc bát rỗng không thì cam-lộ vốn không, tùy theo phước sinh ra đầy đủ trăm vị, cảnh thiện ác đều là tự tâm. Vì vậy luận Duy Thức nói: “Cảnh theo nghiệp thức chuyển”, thế nên nói duy tâm thì không một pháp nào chẳng quy Tông Cảnh.

Trên đây là nhân quả thế gian, kế đến nói về nhân quả chư Phật, như luận Hoa Nghiêm nói: “Hiển bày Phật quả có ba thứ khác nhau: một là vong ngôn tuyệt hạnh, nói về quả vô tác của pháp thân, hai là tùng hạnh tích tu, hạnh mãn công thành nhiều kiếp mới thành quả, ba là lúc mới phát tâm, Thập trụ sơ vị thể dụng tùy duyên mà thành quả”.

Một là vong ngôn tuyệt hạnh nói về quả vô tác của pháp thân, chính là các kinh Niết-bàn, kinh Vô Hành v.v…, là ẩn thân chẳng hiện, muôn sự ngưng dứt. Lại nói: La-sát vì đồng tử Tuyết Sơn nói các hành vô thường, là pháp sinh diệt, sinh diệt đã diệt, tịch diệt là vui; là quả vô tác vì không đủ hạnh.

Hai là tùng hạnh tích tu, hạnh mãn nhiều kiếp mới thành quả tức là thuyết trong quyền giáo, từ hạnh tu thành, ba a-tăng-kỳ kiếp hạnh mãn mới thành quả Phật. Đây do chẳng rõ được mười hai nhân duyên như vô minh… vốn là pháp thân trí tuệ, nhàm chán mà dùng không quán chiết phục phiền não hiện hành, ưa thích môn thanh tịnh.

Ba là từ Thập tín sơ tâm bắt đầu chứng tùy duyên vận dụng mà thành quả, chính là kinh Hoa Nghiêm. Bậc cuối của Thập tín dùng phương tiện tam-muội thấu đạt mười hai nhân duyên như vô minh… thành lý trí đại bi, tức đầy đủ pháp môn pháp giới thể dụng của Văn-thù, Phổ Hiền.

Lại như hóa Phật ban bố nhân quả giáo hạnh nhất định trải qua ba tăng-kỳ; những công đức có được đều do tu hành, trăm kiếp tu nghiệp tướng hảo, thắp đèn thì được ánh sáng, không giết hại chúng sinh thì được sống lâu, bố thí thì được của cải tiền bạc, nhẫn nhục thì được đoan chính. Tất cả nhân quả thuộc đối đãi gần như đầy đủ, vẫn là pháp môn đối trị mới được thấy tính thành Phật.

Nhưng kinh Hoa Nghiêm không phải thế; nhất niệm chứng ngay pháp môn pháp giới, thân tâm tính tướng vốn là pháp thể, làm mọi việc vận dụng động tĩnh đều như nhau, sống hồn nhiên với trí vô tác là Phật. Vì tất cả Phật pháp phải như thế, không dài, không ngắn, pháp trước sau cứu cánh đều như thế. Nơi nhất chân pháp giới tất cả các pháp tự nhiên đầy đủ Hằng sa đức dụng, tức nhân tức quả. Vì lý trí pháp giới phổ môn này, các chướng tự không, không có sự đối trị riêng, sự tu tập riêng, sự đoạn trừ riêng, chẳng thấy biến hóa, vì biến hóa với bất biến không có tính tướng sai khác. Quán khắp tất cả không gì chẳng phải pháp môn, không gì chẳng phải giải thoát, nhưng chỉ vì tự tâm miễn cưỡng sinh trói buộc vì đa sự, vì đắm chìm biển khổ nên khiến chư Phật lao nhọc nói các thứ sai biệt; đối với những điều được nói ra chúng sinh lại sinh chấp trước. Vì thế, Phật nói bất đồng, hoặc tiệm, hoặc viên, thích ứng với các căn khí, như kinh giáo này chỉ bày viên đốn cho những ai có khả năng lĩnh thụ; dù người không thể lĩnh thụ cũng nên tu tập để cuối cùng các dòng sông đều trở về biển. Thế nên các giáo khác trước nhân sau quả, không như giáo này nhân quả đồng thời, vì trong biển trí pháp tính nhân quả bất khả đắc. Vì trong bất khả đắc, nhân quả đồng thời không có chướng ngại. Nhân quả khả đắc thì có trước sau, có sở đắc đều là vô thường, chẳng phải là lời tất cánh.

Nếu trước nhân sau quả thì nhân cũng không thành, quả cũng không có. Pháp duyên sinh chẳng tương tục là đoạn diệt, vì tự tha chẳng thành. Như đếm một đồng tiền không đếm đồng tiền sau; không có cái hai ở sau thì cái một trước cũng chẳng thành. Vì sát-na không tương tục thì nhân quả sát-na phải hoại; nhiều kiếp không tương tục thì nhân quả nhiều kiếp phải hỏng. Lúc chờ đếm đồng tiền sau thì đồng tiền trước mới thành, nhân quả cũng thế, phải chờ trong một thời gian không gián đoạn thì nhân quả mới thành. Nếu vậy, như đếm hai đồng tiền, cùng đếm không trước không sau, cái gì là một, là hai, như dựng hai ngón tay lên, cái gì là nhân quả. Như hai ngón tay v.v…, tùy theo tâm đếm là nhân, sau khi đếm là quả. Nếu có trước có sau thì phải có khoảng giữa, còn có sát-na gián đoạn. Có gián đoạn thì không thành nhân quả. Nếu đồng thời như dựng hai ngón tay lên không trước không sau thì nhân quả đều không thành. Như nhân quả đồng thời trong kinh Hoa Nghiêm đều không có nhân quả trước sau và đồng thời tình lượng trói buộc, vọng tưởng có, không, câu, bất câu, thường, vô thường v.v… trói buộc nhân quả, song chỉ rõ pháp thể chẳng phải do lập bày, chẳng phải nhân quả ràng buộc. Gọi là nhân quả chẳng phải do tình lập ra, vọng tưởng đồng thời trước sau, như vậy có khác gì thuyết tiệm giáo trong kinh Lăng Già. Đây không phải thế, cho đến trong Lăng Già chỉ luận về phá tướng, chỉ cầu hiển lý không chấp trước nên chẳng luận duyên khởi. Như pháp giới duyên khởi là pháp giới không thành không phá, vì chỉ biết rõ pháp như thế. Cho nên kinh Lăng Già nói: “Trước chỉ cho vật tương tợ, sau sẽ ban cho cái chân thật”. Lại nói: “Được tướng là thức, chẳng được tướng là trí”. Trong kinh này không có pháp hư giả, các pháp đều chân thật, thuần chân không giả, cũng không có tương tợ, tồn chân tồn giả. Kinh nói: “Chúng sinh giới là Phật giới”. Như Văn-thù dùng lý hội hạnh, Phổ Hiền dùng hạnh hội lý. Thể dụng của hai ngài thông suốt nhau để thành nhất chân pháp giới. Trong tất cả phẩm trước sau bao hàm thông suốt, văn nghĩa lại nhất quán, trong một pháp môn có đủ nhiều pháp môn. Cho nên trong kinh có kệ: “Trong nhiều pháp là một pháp, trong một pháp là nhiều pháp”. Nhưng tâm này là nơi tụ hội của pháp giới, tổng hợp tất cả pháp, không chỉ nhân quả phàm Thánh, cho đến nghịch thuận, thiện ác đồng quy. Nếu tất cả tỏ ngộ là tự tâm thì sự sự đều là chính lý.

Như kinh nói: Đề-bà-đạt-đa bất khả tư nghì, hạnh nghiệp mà ông ta tu đều đồng Như Lai, nhóm sáu tỳ-kheo thật ra chẳng phải xấu ác, hạnh của họ cũng đồng như hạnh Phật. Có người tu thiện chịu quả địa ngục, kẻ làm ác được báo thiên đàng. Nếu không thông đạt nghĩa này thì nghịch thuận phân cách, tốt xấu lẫn lộn sao ?

Nhưng trong chương ban đầu đã nói về chính tông, nếu người căn cơ bậc thượng thì một nghe nghìn ngộ, đây là do kiến giải huân tập nhiều đời sinh ra sự hiểu biết. Còn nếu là bậc trung hạ phải nhờ sự khai đạo, nhân kẻ khác trợ giúp mới ngộ viên thành, đó là lý do biên soạn tỉ mỉ. Do đó nói nếu có một vi trần xứ chưa rõ thì vẫn còn vô minh, vì chẳng rõ xứ là chướng ngại, huống là trong căn môn của tự thân; trong sinh hoạt hàng ngày có rất nhiều pháp môn đối trị mà chưa hoàn toàn biết rõ một môn, như người mù mỗi ngày ăn cơm một trăm vị, tuy được ăn mà không phân biệt được món ngon như nói vô phần. Lại mỗi ngày được ăn như nói có phần, dù có hỏi người hỏi cũng không biết. Nếu muốn vì người chưa rõ thì nhờ vào cái gì để phân tích, chỉ trở thành tự dối, trở lại rơi vào vô tri. Mắt mình chưa sáng làm sao trị được mắt người khác ? Thế nên Thiện Tài đầu tiên yết kiến Văn-thù để cầu căn bản trí vào dòng Thánh trí; sau đó tham kiến đạo hữu khắp nơi vì cầu sai biệt trí, tu tập hạnh Bồ-tát, gặp quốc vương Vô Yếm Túc được pháp môn như huyễn; gặp bà-la-môn Thắng Nhiệt được vô tận luân giải thoát vẫn là chưa rõ tông chỉ, đối cảnh mờ mịt, cho nên biết Phật pháp huyền vi, người trí tuệ cạn cợt không thể đến được, như làm sao đem chân con ruồi để dò tận cùng đáy biển sâu, định dùng sợi tơ nhền nhện treo núi Diệu Cao; càng lấy làm hổ thẹn thì nên phát lồ sám hối. Cho nên có vào biển bát-nhã rộng lớn mới biết được sự bao la; có lên núi cao pháp tính mới biết được chiều cao ngất trời. Từ lúc bậc Đại Hùng ứng thế, các Thánh phát dương, đến khi bắt đầu thời tượng pháp có năm trăm vị luận sư như Mã Minh, Long Thọ v.v… hoằng dương chí giáo, và đến giữa thời tượng pháp lại có mười vị đại Bồ-tát như Hộ Pháp, Trần Na v.v… giải thích rộng rãi kinh điển sâu xa, bàn luận tông không hữu, lập lý duy thức đều là bậc năng nhân thời Hiền kiếp nghìn Phật mười cõi, đồng báo đáp hoài bảo bản nguyện, cùng trợ giúp sự giáo hóa vô duyên, sao lại đem ánh sáng lập lòe so với ánh mặt trời, đem tiếng trống cơm so với tiếng sấm. Chẳng đắn đo về học vấn kém cỏi, thẹn thầm cho sự hiểu biết nông cạn; dấu chân trâu đâu thể so với biển cả, cỏ mục đâu thể sánh với cây sống lâu năm. Ngày nay người trì luận này trở thành bậc pháp khí thâm tâm ưa thích Đại thừa.

Như kinh Đại Bảo Tích ghi: “Phật dạy: nếu có thiện nam thiện nữ vì cầu lợi ích lớn mà tin lời dạy của ta, vào đời ô trược sau này rất khó gặp người thiện, khi ấy nghe được pháp thậm thâm như thế nên nói với người như lý, chẳng nói với người không như lý, nói với người tin, chẳng nói với người không tin. Nay ta cũng nói với người như lý, chẳng nói với người không như lý; ta cũng nói với người tin, chẳng nói với người không tin. Lại có người biết, người ưa thích lời dạy của ta quí báu như châu ngọc; có người chẳng biết, chẳng ưa thích lời dạy của ta khinh thường như đất bùn. Mong làm bậc tham huyền, nguyện vâng theo lời dạy của Phật, làm bậc hiền mộ đạo, đồng tuân ý Tổ.

Hỏi: Y theo trên nêu tông rất hợp chính mạch, cần gì lại trích dẫn lời lẽ dài dòng triển khai các đạo ?

Đáp: Tổ sư Mã Minh tuy nêu một pháp duy tâm, mở ra hai môn chân như và sinh diệt. Tổ Đạt-ma chỉ thẳng nhất tâm, kiến lập bốn hạnh tùy duyên vô ngại.

Xét tường tận thì tông vốn không khác biệt, do người đặt tên, cho nên nói rằng Tổ sư đốn ngộ trực nhập gọi là thiền tông, gốc rễ quả đức chư Phật gọi là Phật tính, cội nguồn vạn hạnh của Bồ-tát gọi là tâm địa, chỗ khởi luân hồi của chúng sinh gọi là thức tạng, chỗ nương của muôn pháp gọi là pháp tính, bát-nhã năng sinh gọi là trí hải, không thể cố chấp mà sinh ra tình kiến. Thế nên kinh Kim Quang Minh nói: “Pháp tính thậm thâm vô lượng”. Vô lượng là chẳng phải riêng có một pháp gọi là vô lượng; Tỳ-lô-giá-na ở khắp nơi, tất cả các pháp đều là Phật pháp. Thậm thâm là cũng chẳng phải riêng có một pháp gọi là sâu xa. Tức sự mà chân đều là thật tướng, có thể gọi là đa trong nhất, đang còn mà đang mất; nhất trong đa, đang khép mà cũng đang mở.

Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Bồ-tát ma-ha-tát biết tam giới duy tâm, tam thế duy tâm mà biết rõ tâm này vô lượng vô biên, đây gọi là vô đẳng trụ”.

Lại tiên đức nói: Nói tuy chẳng thể nói, nhưng chẳng phải nói không truyền, cho nên Thánh nhân suốt ngày nói mà chưa từng nói. Vì suốt ngày nói nên chẳng dứt tâm phương tiện thiện xảo, vì chưa từng nói nên chẳng mất tính bát-nhã. Vì là phương tiện thiện xảo nên chẳng trái với môn đại hóa; vì là bát-nhã nên không thấy dấu vết ngôn từ, hình tượng.

Lại kinh nói: “Chư Phật thường dựa vào nhị đế để thuyết pháp”. Nếu chẳng được thế đế thì chẳng được đệ nhất nghĩa đế, vì thấu rõ tục đế vô tính là môn chân thật thì làm sao còn theo vật tùy tình sinh ra dị kiến, hạn cuộc nơi chốn xa gần, định được căn tính sâu cạn, như sâu ăn lá phải bám vào cành cây, như vượn ngu si chuyền từ cây cành cao qua cành thấp. Nếu có thể trừ bỏ vật chứa để thấy hư không thì mất đi hình tướng vuông tròn dài ngắn; biết tâm là cảnh nào có cao thấp phải trái. Chẳng hạn như trong môn thế đế có tám vạn bốn nghìn phiền não trần lao, trong vọng tưởng của phàm phu chỉ có một việc sinh tử là lớn lao nhất. Vì có sinh tử, tâm cảnh cùng sinh; nếu không sinh tử thì nhân pháp đều lặng, nên biết hễ còn sinh tử thì vẫn theo thói cũ không chuyển đổi, nghiệp ràng buộc thân bốn loài ở nơi chín cõi. Được thân người như chút đất dính trên móng tay, mất thân người như đất cả đại địa. Ở trong tam đồ mãi chôn vùi vô số kiếp; nơi trời tứ không luôn chìm đắm trong thiền định. Dù sinh trong loài người cũng gặp nghìn thứ chướng nạn, có người căn cơ chậm lụt khó tỉnh giác, có người căn cơ lanh lẹ mà theo tà tín, có người thân thể khiếm khuyết, có người bị che chướng nặng nề, thảy đều khó có thể giáo hóa thì làm sao có thể chứng chân.

Luận Đại Trí Độ nói: “Nên biết thân người khó được, Phật xuất thế khó gặp, thời cơ tốt đẹp dễ trôi qua, một khi rơi vào các nạn tai thì khó tránh. Như đọa địa ngục bị thiêu đốt, chặt cắt làm sao có thể giáo hóa. Như đọa súc sinh giết hại lẫn nhau cũng khó giáo hóa. Như đọa vào ngạ quỉ bị đói khát hành hạ cũng không thể giáo hóa. Như sinh lên trời trường thọ dù có nghìn vạn đức Phật giáo hóa nhưng họ mê đắm thiền vị nên không thể giác ngộ. Như sinh nơi biên địa nước An Tức đều là thân người ngu si khó thể giáo hóa. Dù sinh ở quốc gia cường thịnh nhưng tâm lý chẳng bình thường, hoặc tứ chi không lành lặn, hoặc bị đui điếc câm ngọng, hoặc chẳng biết nghĩa lý, hoặc tâm lý bình thường, các giác quan tinh tường nhưng lại chấp trước tà kiến nói rằng không có tội phước cũng không thể giáo hóa, cho nên nói thời cơ tốt dễ qua; ở trong các nạn cho dù không gặp nạn thì nghiệp lực phiền não sâu dày luôn là lửa bát khổ thiêu đốt, ngũ trược nhiễu loạn. Khổ thì có vô lượng hoặc ba thứ khổ, năm thứ khổ, tám thứ khổ, cho đến tám muôn bốn nghìn trần lao khổ, nhưng đều không ngoài khổ lưu chuyển và hành khổ mà phàm phu cam chịu chưa từng tỉnh giác.

Luận Câu-Xá có bài tụng:

Như đem sợi lông mi,
Đặt trong tay không sao
Nếu để trong con mắt
Xốn xan rất khó chịu.
Phàm phu duyên hành khổ
Chẳng biết duyên hành khổ
Người trí như con mắt
E dè cọng lông mi.

Cho nên biết cái khổ sinh già bệnh chết đâu ai có thể tránh khỏi ? Bốn núi sinh già bệnh chết thường đến bức bách con người. Tiên đức nói: Cho nên người hiền và kẻ ác, kẻ thế lực và người yếu thế đều bị bốn thứ này chi phối, chẳng ai thoát khỏi. Phạm Vương, Đế Thích, bần cùng, hạ tiện, Nghiêu, Thuấn, Kiệt, Trụ, ba minh quân, bốn hôn quân đều trở thành tro bụi, và đều là nạn nhân của khổ.

Sinh khổ là nguyên nhân tích tụ các khổ đau, là gốc thọ thân trong sáu đường, như quả báo ăn phân nhơ, như ăn rễ cây độc, lấy cam-lộ mà rơi vào hầm hố, mua thức ăn ngon đến đỗi phải chết. Công Đức Thiên với Hắc ám Thiên hay đi với nhau, người chủ nhà có trí tuệ sẽ không nhận cả hai.

Luận Đối Pháp nói: Sinh khổ là chỗ nương náu của các khổ, vì các khổ bức bách nên chín tháng mười tháng ở trong thai như ở trong hầm phân nhơ phải chịu các thứ khổ lạnh, nóng dai dẳng. Ở trong bào thai như bị kẹp giữa hai quả núi, đến lúc sinh ra vô cùng đau đớn như bị dao cắt chùy đâm bất giác thất thinh, quên mất những sự nghiệp đã có trước kia, gọi là sinh khổ.

Lão khổ, là vì thời gian làm cho thay đổi khác đi nên khổ, thân thể nặng nề, các căn chậm lụt, da dẻ nhăn nheo, bước đi nghiêng ngả, ăn ngủ bất an, đứng ngồi rên rỉ, hơi thở khò khè, làm việc chậm chạp bị người khinh khi, tình đời dồn dập, việc đời dứt hết gọi là lão khổ. Lại nữa, còn giống như trẻ con hay quên, cuồng si như quỉ dựa, vì thể chất suy yếu rệu rã như mặt trời lặn, bông hoa sắp tàn, như bả mía không thể nếm được ba hương vị là xuất gia, tham thiền, tụng kinh; giặc già hoàn toàn cướp đi sinh lực; bắt sự trẻ trung giao cho vua chết như hoa sen gặp mưa đá phải tàn tạ, như chiếc xe gãy trục trở thành vô dụng, như sông khô cạn không còn lợi ích cho người, như bấc đèn cạn dầu leo lét sắp tắt.

Bệnh khổ, do bốn đại thay đổi trái nghịch nhau nên khổ, xương cốt đau nhức tứ chi khổ sở, phá hoại sự an vui của thân tâm. Do đây kinh nói: Như người khỏe mạnh đẹp trai, vương phi thầm yêu, lén lút tư thông, nhà vua biết được liền bắt lấy, móc mắt, xẻo mũi, chặt tay làm cho hình dung biến đổi trở thành xấu xí, bệnh khổ bức bách khó chịu nổi, bị người làm cho dị dạng cũng như thế. Bệnh là gốc của sự khổ não sầu lo, là nguyên do của sự lo sợ chết chóc, như mưa đá phá hoại mầm chồi, như oán thù áp bức, cướp đoạt mạng sống tàn phá nét trẻ trung, giảm phước lực lui sụt đại bồ-đề, thêm lớn sự buông lung đánh mất gốc chân thiện, đây gọi là bệnh khổ.

Tử khổ, thọ mạng chấm dứt nên khổ. Gió đao cắt từng đốt xương, toàn thân đau đớn, há miệng thở dài, tay chân bấn loạn, trợn mắt, trào đàm, sờ soạng hư không mồ hôi dầm dề, tiểu tiện rơi rớt. Xưa nhờ được tắm rữa sạch sẽ, giờ đây phải chịu nhơ nhớp; xưa nhờ thoa dầu thơm xông ướp, giờ đây phải trở thành tanh hôi; xưa làm quan chức, tiền bạc, của cải giàu có, thân tộc thê thiếp muôn ức, giờ đây phải dứt bỏ ra đi một mình không một người đi theo, nằm giữa sóng soài giữa nhà, cha mẹ vợ con đấm ngực nghẹn ngào, mọi người kêu gào vò đầu bứt tóc. Tuy lưu luyến mà rốt cuộc đau khổ chia lìa vĩnh viễn. Hoặc có người được chôn nơi gò mả xương tan thịt nát; hoặc có người chết không toàn thây bị kiến trùng rút rỉa; hoặc đem hỏa táng xương thịt trở thành tro bụi, bình sinh ý chí cao ngút trời xanh, một mai ra đi vĩnh viễn thì nỗi khổ thấm dần theo năm tháng. Nên biết sinh mạng đã hết lúc sắp chết cũng như kiếp gió thổi tan, như dòng thác tuôn chảy, đi không thể dừng, đến không thể thoát, đi vào nơi xa xôi mờ mịt cảnh tượng kinh hãi, trong cảnh tối tăm cô hồn quạnh quẽ, kẻ oán luôn theo mà chẳng hay biết, vua chết truy đuổi không thể trốn tránh.

Kinh Đại Niết-bàn ghi: “Chết là đi nơi hiểm nạn không hành trang, đi đến nơi xa xôi không bạn bè, đi suốt ngày đêm mà chẳng biết bờ bến, âm u mờ mịt không có ánh đèn, vào không cửa nẻo mà có nơi chốn, tuy không đau đớn mà không thể trị liệu, đi không thể ngăn, đến không thể thoát, không bị phá hoại mà người thấy lại buồn rầu khổ sở, chẳng phải hình sắc xấu xí mà khiến người sợ hãi, cái chết kề cận bên mình mà chẳng hay biết”.

Giải thích: Nơi hiểm nạn là hai mươi lăm cõi đáng sợ ở thế gian. Không hành trang là không có pháp thiện để trợ giúp mình. Đi đến nơi xa xôi là sinh tử vô cùng. Không bạn bè là hồn thiêng tự ra đi. Đi cả ngày đêm mà chẳng biết bờ bến là theo nghiệp tuần hoàn trôi nổi không bến bờ. Âm u mờ mịt không có ánh đèn, một khi đi vào cõi chết là đắm chìm trong đêm dài sinh tử khó ra khỏi nên gọi là âm u. Khi chết rồi phần nhiều đi vào ba đường ác là chỗ tối tăm vô cùng nên nói không có ánh đèn. Đi vào không có cửa nẻo mà có nơi chốn là cái chết xâm nhập vào thân không qua cửa nẻo; chính thân này biết mình chết nên gọi là có nơi chốn. Tuy không đau đớn là lúc sắp chết tuy có năm giác quan mà không biết gì; không thể trị liệu là báo hết phải chết, thầy thuốc bó tay. Đi không thể ngăn, đến không thể thoát, là nghiệp hết báo dứt thời hạn đến ắt phải dời đổi, nghiệp của chính mình truy đuổi chứ không ai trói buộc. Không bị phá hoại mà người thấy lại buồn rầu khổ sở, báo sắc thân tuy diệt nhưng da thịt chưa tiêu hủy ai thấy cũng đau lòng. Chẳng phải hình tướng dị dạng khiến người sợ hãi là không có tướng mạo xấu xí mà người nhìn thấy kinh sợ. Cái chết kề bên mình mà không hay biết là nói cái chết ở sát bên mình nhưng không thể biết chết lúc nào. Lại các thức mê muội, lục phủ trống rỗng, hơi thở chìm mất, tâm thức chơi vơi.

Kinh Vô Thường có kệ:

Hơi thở sắp hết rồi
Xương cốt phải rã rời
Khổ và chết đi chung
Khi ấy uổng than thở
Hai mắt trợn trừng lên
Cái chết tùy nghiệp đến
Ý tưởng càng hoảng sợ
Không thể cứu giúp nhau.

Do đó tiên đức nói: Mạng người vô thường một hơi thở không theo kịp, đằng đẳng ngàn năm, con đường tối tăm mờ mịt không có hành trang. Biển khổ mênh mông sâu thẳm thuyền bè cập bến nơi đâu, Thánh hiền quở trách ruồng bỏ không nơi nương tựa. Sự việc theo năm tháng qua đi, gió như dao cắt từng cơn, đâu thể ngồi không đợi sự đau đớn. Ví như con chồn hương mất cả lỗ tai, đuôi, nanh; giả vờ ngủ để mong trốn thoát bỗng nghe nói sẽ bị chặt đầu liền hoảng sợ. Bị sinh, già, bệnh còn không bức thiết thì việc chết chóc đâu không lo sợ ? Lúc lo sợ khởi lên giống như lửa mạnh đun nước sôi thì đối với lục trần ngủ dục không còn lòng dạ nào tham đắm. Như người em của vua A-du-ca nghe Chiên-đà-la mỗi sáng đều rung chuông báo đã hết một ngày, sáu ngày nữa ông sẽ chết, ông ta tuy được ngũ dục nhưng không màng hưởng thụ. Hành giả sợ khổ đến sám hối, không tiếc thân mạng, như con chồn hoang quyết chắc sẽ chết không còn suy nghĩ gì, như người em vua sợ hãi cái chết biết rằng nguyên nhân mọi tai họa, nguồn gốc các khổ đau đều từ một niệm kết cấu sinh, cần phải giữ gìn căn môn, phòng hộ tâm ý, không cho vọng khởi chạy theo tiền trần.

Kinh Phật Thùy Bát Niết-bàn Lược Thuyết Giáo Giới: “Trong năm căn tâm là chủ, cho nên phải khéo chế ngự tâm. Tâm này đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù; lửa lớn mạnh cháy bừng chưa đủ để thí dụ. Tâm này động chuyển lăng xăng, chỉ thấy mật ngọt chẳng thấy hầm sâu, như voi điên không có móc câu chế phục, như khỉ vượn nhảy nhót chuyền cành khó thể cấm chế, phải gấp rút chiết phục chớ để buông lung. Buông thả tâm này làm mất đi việc thiện của người, chế ngự tâm một chỗ thì việc gì cũng xong. Thế nên tỳ-kheo cần phải tinh tiến chiết phục tâm mình, nên biết sinh tử rất khó ra khỏi, cần phải hết sức cẩn trọng. Chẳng hạn Nhị thừa và Bồ-tát tự tại đều ra ngoài tam giới mà thân vẫn còn bốn thứ biến dịch sinh tử, huống chi phàm phu trong tam giới bị nghiệp phiền não hiện hành trói buộc vào phần đoạn sinh tử. Bốn thứ sinh tử: phương tiện sinh tử, nhân duyên sinh tử, hữu hữu sinh tử, vô hữu sinh tử. Tất cả A-la-hán, Bích-chi Phật, đại địa Bồ-tát do bốn thứ chướng nên không được bốn diệu đức của Như Lai”.

Kinh Vô Thượng Y ghi: “Phật bảo A-nan: Trong tam giới có bốn nạn: phiền não nạn, nghiệp nạn, sinh báo nạn, quá thất nạn. Vô minh trụ địa khởi lên phương tiện sinh tử như phiền não nạn trong tam giới. Vô minh trụ địa khởi lên nhân duyên sinh tử như nghiệp nạn trong tam giới. Vô minh trụ địa khởi lên hữu hữu sinh tử như sinh báo nạn trong tam giới. Vô minh trụ địa khởi lên vô hữu sinh tử như quá thất nạn trong tam giới.

Nên biết như thế, A-nan, vì bốn thứ sinh tử chưa trừ diệt nên ba thứ ý sinh thân không có quả thường lạc ngã tịnh ba-la-mật. Chỉ có pháp thân Phật là thường, là ngã, là tịnh ba-la-mật, các ông nên biết”.

Ái biệt ly khổ, kinh Đại Niết-bàn nói: “Do ái sinh lo buồn, do ái sinh sợ hãi. Nếu lìa ái thì đâu còn lo, đâu còn sợ ?”. Kinh Pháp Hoa nói: “Nhân các thứ khổ, tham dục là cội gốc”. Kinh Tịnh Danh nói: “Từ si có ái mà bệnh ta sinh ra”.

Oán tắng hội khổ, kinh Đại Niết-bàn nói: “Quan sát tất cả thọ sinh nơi năm đường đều là nỗi khổ lớn do oán ghét gặp nhau. Nếu chưa thấu rõ vô sinh, thì sinh ra nơi nào cũng có oán ghét, cũng có đau khổ, vì bị cảnh ràng buộc không được tự tại”.

Cầu bất đắc khổ, có hai thứ: một là những điều mơ ước mong cầu không được, hai là bỏ ra nhiều công sức mà chẳng được kết quả.

Ngũ ấm thịnh khổ, sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, ái biệt ly khổ, oán tắng hội khổ, cầu bất đắc khổ thế nên gọi là ngũ ấm thịnh khổ. Vì chấp ấm là có nên bị ấm bao vây liền thành ấm ma, các khổ tập họp.

Ngũ trược:

1- Kiếp trược: Bốn trược cực điểm tụ hội vào lúc này, sân khuể cực điểm chiến tranh bùng nổ, tham dục cực điểm nạn đói kém lan tràn, ngu si cực điểm bệnh dịch hoành hành; vì tam tai khởi nên phiền não tăng trưởng, các kiến chấp càng nhiều, sắc tâm thô tệ, danh xưng nhơ xấu, tuổi thọ rút ngắn, các uế trược xen tạp. Như dòng nước chảy xiết, sóng gió bão tố, cá rồng bị nhiễu loạn không nơi nương tựa, thời thế khiến như vậy, như vào kiếp sơ trời Quang Âm rơi xuống đất, đất khiến hữu tình ở cõi ấy sinh dục tâm; như trời Đao-lợi vào vườn gai góc, vườn khiến hữu tình ở cõi ấy sinh tâm đấu tranh, đây gọi là tướng của kiếp trược.

2- Phiền não trược: Biển tham dung chứa các dòng nước không bao giờ biết đủ; con rắn sân giận hút nọc độc thiêu đốt thế gian; si ám ngang ngạnh ngu xuẩn hơn cả mực đen; kiêu mạn khinh người, thiếu lễ độ; nghi ngờ không tin không thể nói thật, đây là tướng của phiền não trược.

3- Kiến trược: Không người cho là có người, có đạo cho là không đạo, mười sáu tri kiến và sáu mươi hai kiến chấp giống như tấm lưới, tợ như rừng rậm chằng chịt không thể ra khỏi, đây là tướng của kiến trược.

4- Chúng sinh trược: Quấy rối sắc tâm lập một chủ tể, như keo nhựa chạm vào liền dính, trôi lăn mọi chỗ thọ sinh trong sáu đường như nghèo, giàu, bệnh hoạn, khỏe mạnh, đây là tướng của chúng sinh trược.

5- Mạng trược: Sáng sinh tối chết, sớm mọc chiều lặn, sóng chuyển khói tan tiếp nối không dừng, đây là tướng của mạng trược.

Trong thời trược loạn này, chướng ngại cực điểm, cảnh trôi nổi lửa thức đốt cháy hết sạch căn lành, nghiệp động gió tâm thổi tan pháp lành, mắc vào loài quỉ li mị sân giận, rơi vào lưới la-sát ngu mê, bị vua tham ái bắt giam, chịu sự sai khiến của chúa ma oán, ai có thể chóng tỉnh ngộ nên học tập theo đây viên tu. Đã được sinh ra nơi có văn hóa, tuy khó gặp Phật xuất thế, nhưng ngày nay phải nên vui mừng vì được gặp kinh Phật, huống chi trong Tông Cảnh góp nhặt những lời trước sau đều chân thật, mỗi lời có thể ngộ đạo, mỗi chữ đều nêu tông, cần nên ngày đêm để tâm nghiên cứu quên mỏi mệt, nhờ nghe chợt tỉnh ngộ chân tâm của mình, chóng thành người đắc đạo, nối tiếp hạt giống bồ-đề. Nếu chưa thấy đạo thì niệm niệm chạy theo sai trái; một khi mất thân người muôn kiếp khó được lại. Do đó người xưa dạy: Một hơi thở có bốn trăm lần sinh diệt, tính mạng trong hơi thở. Nếu người chưa đắc đạo chỉ có luân hồi sinh tử, mạng như chỉ mành, nếu sáng được nghe đạo chiều chết cũng vui!

Cho nên kinh Đề Vị nói: Như có người đứng trên núi Tu-di thòng một sợi chỉ, một người đứng ở dưới chân núi cầm cây kim đón sẵn trong lúc ấy cơn gió lốc thổi xoáy sợi chỉ khó lọt vào lỗ kim, thân người khó được hơn cả việc trên.

Trong kinh Bồ-tát Xử Thai có kệ:

Rùa mù bọng cây nổi,
Đôi khi có thể gặp.
Một khi mất thân người,
Ức kiếp khó được lại.
Biển sâu thẳm mênh mông
Ba trăm ba mươi sáu
Cây kim ném xuống biển
Còn có thể kiếm được.

Lại có bài kệ:

Ta từ vô số kiếp
Qua lại đường sinh tử
Bỏ thân lại thụ thân
Chẳng lìa khỏi bào thai
Những chỗ ta trải qua
Chỉ nhớ một kiếp thôi!
Thuần làm thân chó trắng
Xương chất cao Tu-di,
Cắm mũi kim xuống đất,
Đều chạm vào thân ta
Huống làm thân chó đốm
Số lượng không thể lường
Ta cố nhiếp tâm ấy
Chẳng tham đắm buông lung.

Khi thiền và giáo từ Ấn Độ truyền sang, hiền Thánh nối tiếp truyền thừa với mục đích sáng tỏ tâm tính giải quyết sinh tử. Sinh tử đã khởi lên thì không ra khỏi căn trần, do bất giác vọng niệm chợt sinh, mê pháp giới huyễn cảnh bỗng hiện. Từ đây chấp nhân chấp pháp lập tự lập tha, tùy theo đối đãi mà nghịch thuận lôi kéo tình thức, chạy theo phân biệt khởi tâm yêu ghét, bèn lênh đênh trên năm đường, lăn lóc trong bốn loài, ngày nay trở lại xét đến cội nguồn hư vọng, cần phải thấu rõ chỗ sinh khởi. Cho nên kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Phật bảo A-nan: Như ông nói ưa thích thực sự do nơi tâm mắt. Nếu chẳng biết được chỗ ở của tâm mắt thì không thể hàng phục được trần lao, ví như quốc vương bị giặc xâm lấn phải phát binh thảo trừ, binh lính ấy cần biết chỗ ở của giặc. Làm cho ông lưu chuyển chính là lỗi của tâm mắt, nên biết tâm là nguồn của hư vọng, mắt là gốc của sự thấy biết. Thế nên ban sơ khởi hoặc, bắt đầu sự sinh tử, do mê tự tâm mà tạo ra ngoại trần, vì chấp vọng thức mà thành nội ngã, do ngã trói buộc làm chủ tể, từ tưởng thành lập tự tha, nương tựa huyễn hư trở thành điên đảo”.

Pháp điên đảo đại lược có ba: một là tâm điên đảo, hai là kiến điên đảo, ba là tưởng điên đảo. Tâm như chúa đảng cướp, kiến là thân thể cướp, tưởng là chân tay cướp, căn trần là môi giới cướp. Trong ngoài liên kết cướp sạch gia sản, vì vậy sắc đẹp cướp đi nhãn căn, âm thanh hay cướp đi nhĩ căn, mùi hương cướp đi tỉ căn, mùi vị cướp đi thiệt căn, chạm xúc cướp đi thân căn, thiện pháp cướp đi ý căn, pháp tài cạn kiệt, kho trí rỗng không. Hoặc như kẻ oán thù giả làm người thân nào ai biết ? Nếu như biết là kẻ cướp thì bọn cướp không làm gì được, nếu có thể rõ cảnh biết tâm thì chắc chắn không còn ngoại trần xâm hại, nối kết không thể trói buộc! Chẳng hạn như tám pháp tâm vương cho đến sáu thứ vô vi, tổng cộng một trăm pháp được chúng sinh sử dụng hàng ngày, luôn luôn đầy đủ, không một niệm nào chẳng sinh; với tâm niệm ấy luôn suy lường nên không được thảnh thơi. Nếu không tham cứu sâu xa nỗi khổ sinh tử nguy cấp thì Thánh hiền ngày trước đâu phải nhọc công trước tác nhưng chỉ vì nhắm vào sự lợi ích cho chúng sinh, nên bậc Thánh chẳng dối gạt chúng sinh, vì chân đâu mê hoặc ngụy. Người biên tập bộ lục này đại khái chứng nghiệm tông này, trong biển giáo mênh mông chỉ trình bày được một hai phần, xin quí vị đừng ngại sự dài dòng phức tạp của bộ lục mà nên bền chí nghiên cứu tỉ mỉ, xem sách này như được lên núi báu, tin sách này như được đi dạo kho châu ngọc dưới đáy biển. Lại bộ lục này tuy nhờ văn ngôn mỗi mỗi chỉ bày sự chân thật, nhưng không thể theo ngôn ngữ sinh chấp trước mê muội chính tông.

Như kinh nói: “Đao luân chặt đứt đầu người thế gian, tội này còn ít. Người có tâm sở đắc nói Đại thừa tội này nặng hơn tội kia”.

Luận Đại Trí Độ nói: “Chấp hữu tranh luận với chấp vô, cho đến phi hữu phi vô tranh luận với hữu vô như da trâu, gân rồng đều khó tránh khỏi tai họa”.

Luận Trung Quán nói:

Chư Phật nói pháp không,
Vốn là giáo hóa hữu.
Nếu chấp trước nơi không,
Chư Phật chẳng giáo hóa.

Nếu nhất định nói các pháp phi hữu phi vô, đây là ngu si luận. Nếu đánh mất ý Tứ tất-đàn, tự tu hành giáo hóa kẻ khác, đều là chấp trước pháp. Nếu được ý Tứ tất-đàn tự tha đều không chấp trước.

Lại luận nói: Trong Phật pháp chẳng chấp hữu, chẳng chấp vô, hữu vô cũng chẳng chấp, phi hữu phi vô, phi phi hữu phi phi vô cũng chẳng chấp, chẳng chấp cũng chẳng chấp, như vậy thì không bị tai họa, ví như dùng dao chém hư không, hư không chẳng tổn thương. Vì chúng sinh nên tùy duyên nói pháp tự không chấp trước. Cho nên bài tựa trong luận Bát-nhã Đăng nói: “Quán rõ biết trung đạo, mà còn trung mất quán, cái không hiển bày đệ nhất mà thấy còn được nhất thì trái với không. Vậy thì chiếc xe ty nam vốn khai thị kẻ mê, chiếc gương chiếu đảm là soi sáng người tà. Không tà thì không cần gương, không mê thì không cần xe”. Luận này (Luận Bát-nhã Đăng) phá thẳng vào nguyên do ấy. Nếu như thế thì đâu cho chấp giáo chạy theo ngôn ngữ bị chuyển ? Thế nên nếu chưa gặp Tông Cảnh Lục nhận được chính ý vi tế chư Phật bên trong được thấy tính, chỉ học rộng hiểu nhiều bên ngoài thì thân tuy xuất gia mà tâm ở ngoài đạo. Vì thế kinh Đại Niết-bàn ghi: “Phật dạy các tỳ-kheo, thân tuy được mặc cà-sa mà tâm các ông vẫn chưa thấm nhuần pháp Đại thừa thanh tịnh. Các tỳ-kheo tuy đi khất thực nhiều nơi nhưng ban đầu chưa từng xin được pháp thực Đại thừa. Cho nên nói tuy có thần thông của Thắng Ý, biện tài của Thiện Tinh, nếu chẳng biết lý thật tướng khó tránh khỏi tai họa đọa lạc vào nơi xấu ác”.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Như tỳ-kheo Vô Văn được tứ thiền nói dối mình chứng Thánh, khi báo trời đã hết, các tướng suy hiện ra, chê bai bậc A-la-hán về sau bị đọa địa ngục a-tỳ”.

Lại nói: “Thiện tinh nói càn tất cả pháp không, còn sống mà bị sa vào địa ngục a-tỳ”. Cho nên biết nếu chưa vào Tông Cảnh trước hết tỏ ngộ chân tâm thật tướng, dù có biện tài hay thần thông, hay nhiều kiếp tham thiền tụng kinh cũng khó tránh khỏi tội lỗi ấy. Nếu đạt ý chỉ này thì bất cứ làm việc gì, giơ chân hạ chân tự nhiên chẳng lìa đạo nhất tâm niết-bàn.

Kinh Nguyệt Thượng Nữ ghi: “Xá-lợi-phất hỏi Nguyệt Thượng Nữ: Bây giờ nhân giả định đi đâu ?

Nguyệt Thượng Nữ đáp:

– Ngài hỏi bây giờ tôi định đi đâu, tôi đi cũng như Xá-lợi-phất đi. Cứ đi như thế !

Xá-lợi-phất bảo:

– Bây giờ tôi định đi vào thành Tỳ-da-ly, nhân giả từ thành ấy đi ra, tại sao lại nói tôi đi như Xá-lợi-phất đi. Cứ đi như thế ?

– Xá-lợi-phất, giơ chân hạ chân phải nương vào chỗ nào ?

– Tôi giơ chân hạ chân đều nương vào hư không.

– Tôi cũng thế, giơ chân hạ chân đều nương vào hư không, nhưng cõi hư không chẳng phân biệt, cho nên tôi nói đi cũng như Xá-lợi-phất đi. Cứ đi như thế !

Nguyệt Thượng Nữ nói tiếp:

– Xá-lợi-phất, việc này cũng thế, nay ngài thực hành hạnh gì ?

– Tôi thực hành hướng đến niết-bàn.

– Xá-lợi-phất, tất cả các pháp chẳng hướng đến niết-bàn sao ? Ngày nay tôi cũng thế !

Xá-lợi-phất hỏi Nguyệt Thượng:

– Nếu tất cả pháp đều hướng đến niết-bàn nay vì sao nhân giả chẳng diệt độ ?

– Xá-lợi-phất, nếu hướng đến niết-bàn thì chẳng diệt độ. Vì sao ? Vì hạnh niết-bàn chẳng sinh chẳng diệt, không thể thấy được, thể tính không phân biệt, chẳng có người diệt độ.

Giải thích:

Niết-bàn hạnh chẳng sinh chẳng diệt tức là nghĩa của tự tâm vô sinh, cho dù ngàn lối ra vào cũng không lìa cửa niết-bàn, mặc cho muôn pháp ngang dọc đâu vượt qua đường vô sinh. Cho nên kinh Pháp Hoa có kệ nói:

Phật tử trụ cõi này
Tức là Phật thọ dụng
Thường an trụ trong đây
Kinh hành và tọa thiền.

Những điều trên dường như trái tai, nhưng chính ý căn bản đều là tâm kích phát, cũng như lửa ở trong đá, nếu không có người cọ xát thì ngàn năm vạn năm cũng chỉ là khối đá trơn, không bao giờ có lửa để dùng. Như Khổng Tử Gia Ngữ ghi: “Khổng Tử dạy thuốc hay đắng miệng, song có lợi cho bệnh; lời phải trái tai mà có lợi cho hạnh. Thang, Vũ nhờ lời nói thẳng thắn mà hưng thịnh; Kiệt, Trụ bởi lời nịnh hót mà mất nước. Vua không can gián bầy tôi, cha không can gián con, anh không can gián em, kẻ sĩ không can gián bạn bè, chưa từng có ai không mắc lỗi này. Cho nên nói cái vua mất thì quan được, cái cha mất thì con được, cái anh mất thì em được, cái mình mất thì bạn được. Do đó nước không có điềm nguy vong, nhà không có họa hỗn loạn, cha con anh em không hỗn loạn và tình giao hữu cũng không mất”.

Hôm nay trong Tông Cảnh tuy trích dẫn nhiều lời khẩn thiết đều vì hàng hậu học muốn cho họ bỏ ác theo thiện, mộ đạo tiến tu, khiến cho đất nước không có quần thần trái đạo, nhà Đại thừa không còn những đứa con tà kiến. Thế nên Bồ-tát dù có thể tự lợi, lại còn chê trách người khác, thường làm bạn không mời của chúng sinh. Cho nên kinh Thắng Man ghi: “Do nhiếp thụ và chiết phục nên Phật pháp tồn tại lâu dài nơi thế gian”. Vì vậy ngài Qui Sơn có lời cảnh sách vô cùng thống thiết, ngài Tịnh Danh nghiêm khắc quở trách đều là phá chấp tâm. Nếu trong Phật pháp có những người bạn can gián thì người học đạo bát-nhã bảo đảm không lầm lỗi. Cho nên sách nói: “Kẻ nói xấu ta là thầy ta, người nói tốt ta là kẻ thù ta”. Lại nói: “Ba người cùng đi ắt có một người là thầy ta”, huống là được nhân lành học đạo xuất thế trong Phật pháp làm sao lại không nương tựa thầy Tổ ? Ngày nay nếu trong môn trợ đạo cho kẻ sơ cơ, lời lẽ trong Tông Cảnh này cần được quán lực trợ giúp, ngay lời nói liền chứng ngộ, tu tuệ chóng thành. Như nói rằng vì đạo mà ngày một giảm, vì học mà ngày một tăng. Giảm là giảm tình dục, tăng là tăng tri kiến. Không giống như tà sư ngoại đạo và những kẻ học lời lẽ Đại thừa, miệng tuy nói không nhưng chẳng giảm trừ phiền não, đây chẳng phải người khéo đạt Chính pháp, đều là ác thủ tà không, chỉ có bậc pháp khí viên đốn mới có thể tin nhận. Ôi! Người tà kiến nghiệp nặng dù có nghe cũng không tin. Như Xác Sớ nói: “Trải qua ngàn vị Phật mà chẳng kinh sợ, thắp muôn ngọn đèn mà chẳng sáng”.

Giải thích: Đức Phật ở trong vô lượng thân chúng sinh mười phương thế giới mà xuất gia, thành đạo, thuyết pháp, độ sinh. Chúng sinh chẳng hay biết đều là vô minh, mê tính bản giác, chẳng biết những việc ấy xuất hiện từ trong Như Lai tạng. Như Lai tạng là thức thứ tám của chúng sinh, cho nên nói trải qua ngàn vị Phật mà chẳng kinh sợ, vì không biết tức tâm là Phật. Lại như có kẻ say nằm trong nhà, dù có thắp sáng trăm ngàn ngọn đèn song người say cũng không tỉnh, dụ cho người nghe pháp không biết lý nên không có thể thấm nhuần vào tinh thần do đó không thể tỉnh ngộ, vì thế nói thắp muôn ngọn đèn mà không sáng. Cái gì là đèn ? Phương tiện trí là đèn, chiếu sáng cảnh giới tâm.