TÔNG CẢNH LỤC
Thiền sư Diên Thọ
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 30

Hỏi: Bồ-tát muốn báo ân Phật cần phải không tiếc thân mạng, hộ trì chính pháp Như Lai, tại sao chỉ nói nhất tâm có thể báo ân Phật ?

Đáp: Bậc giác vương từ bi ban lời dạy tối hậu chỉ là mỗi niệm tu hành chân thật, vị Sơ tổ buổi đầu truyền đạo cũng nói tâm là Phật. Nếu ai có thể tin nhận ấy là chân thật báo ân Phật, chỉ dạy người khác thì không cô phụ tiền nhân; tự mình tham cứu chắc chắn sẽ thành tựu việc lớn.

Luận Quán Âm Tâm của ngài Trí Giả có kệ:

Đại sư sắp niết-bàn
Từ phụ có di chúc
Tứ niệm xứ tu đạo
Phải tuân theo giới luật.
Chúng ta chẳng (phải) Phật tử
Không nhớ di chúc này,
Trong thừa hoãn không đạo,
Giới hoãn đọa ba đường.
Do chẳng hỏi quán tâm,
Khiến người tin cạn cợt.
Chẳng cho quạ đen ăn,
Sao báo ân quạ trắng,
Không những ruộng chẳng tốt,
Không hạt giống bình đẳng
Mưa pháp không tuôn rơi,
Giống pháp ắt khô chảy
Không lương thực ngày sau,
Mất lợi ích thêm khổ,
Đại pháp sắp tiêu diệt,
Buồn thay thấy việc này,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Chân pháp giới bình đẳng,
Không hành cũng không đến.
Nếu hay hỏi quán tâm,
Hay hành và đạt đến
Tức là tứ niệm xứ,
Hay tuân theo giới luật,
Trong thừa cấp có đạo,
Giới cấp sinh trời người,
Đây là chân Phật tử,
Không trái lời từ phụ,
Trời rồng đều mừng rỡ,
Mọi người thảy hân hoan
Hay báo ân quạ trắng
Bố thí khắp quạ đen,
Đã có ruộng màu mỡ,
Có hạt giống bình đẳng
Mưa pháp rưới đúng thời,
Giống pháp đều sinh trưởng,
Do vì nhân duyên ấy,
Những người đến cầu pháp,
Muốn nghe đạo vô thượng,
Không biết hỏi quán tâm,
Văn huệ trọn không phát.
Những người đến cầu pháp,
Tư duy đạo vô thượng,
Không biết hỏi quán tâm,
Tư huệ trọn không sinh.
Những người đến cầu pháp,
Muốn tu đạo vô thượng,
Không biết hỏi quán tâm,
Tu huệ trọn không thành.
Những người đến cầu pháp,
Siêng tu bốn tam-muội
Không biết hỏi quán tâm,
Nhọc nhằn chẳng được gì.
Những người đến cầu pháp,
Được nghe nhiều lời nói,
Không biết hỏi quán tâm,
Chưa được vui chân thật.
Những người đến cầu pháp,
Tu tam-muội được định,
Không biết hỏi quán tâm,
Thiền mù chẳng thấy gì.
Những người đến cầu pháp,
Muốn sám hối tội lỗi,
Không biết hỏi quán tâm,
Tội ấy ắt khó thoát.
Những người đến cầu pháp,
Ý muốn lìa phiền não,
Không biết hỏi quán tâm,
Phiền não trọn chẳng diệt.
Những người đến cầu pháp,
Ý muốn lợi ích người,
Không biết hỏi quán tâm,
Thoái chuyển người chê cười.
Những người đến cầu pháp,
Muốn hưng thạnh Phật pháp
Không biết hỏi quán tâm,
Trở thành tổn thất lớn.
Những được mất như thế,
Bài kệ không đủ truyền,
Có những được mất này,
Không ai được giác ngộ.
Do vì nhân duyên ấy,
Nên tạo luận Quán Tâm.
Mạt thế tu quán tâm,
Được tà định phát kiến,
Biện tài vô cùng tận,
Tự coi mình cao quí.
Kẻ vô trí mũi ngữi,
Khí chồn hoang xông mắt,
Vẫy đuôi cùng bỏ đi,
Lần lượt rớt hầm chết,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Tu quán niệm hơi thở,
Và tu bất tịnh quán,
An ban được tứ thiền,
Chẳng khỏi khổ địa ngục.
Bất tịnh là vô học,
Chỉ nhận cơm người nữ
Dù có được thiền định
Đọa cõi trời trường thọ,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Nương sự pháp dụng tâm,
Vô huệ phát tà định,
Bày việc lạ động tâm
Sự phá hoại Phật pháp,
Mạng chung sinh loài quỉ,
Chín mươi sáu quyến thuộc,
Tượng pháp quyết định rõ,
Ba sư phá Phật pháp,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Nội tâm không vì đạo,
Nịnh hót tìm danh lợi,
Dối hiện tướng tọa thiền,
Được danh lợi quyến thuộc,
Sự phá hoại niềm tin,
Gây tổn hại chính đạo
Đây là phiến-đề-la,
Chết đọa ngục vô gián
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Nói pháp được giải thoát,
Chúng nghe pháp cũng thể,
Không biết hỏi quán tâm,
Như nghèo đếm của báu.
Người nói hỏi quán tâm,
Không nói cũng không dạy.
Người nghe hỏi quán tâm,
Không nghe cũng không được,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Giới chế ngự ngựa tâm,
Tuy giữ năm bộ luật,
Không biết hỏi quán tâm,
Ngựa tâm không điều phục
Luật trụ trì Phật pháp,
Trừ ngoài chẳng dẹp trong,
Tịnh Danh quở thượng thủ,
Mới chân thật trì luật,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Tụng kinh được giải thoát.
Không vì lợi thế gian,
Nếu hay hỏi quán tâm,
Phá vở hạt bụi nhỏ,
Xuất hiện quyển kinh lớn,
Người thọ trì đọc tụng,
Nghe được không quên mất,
Tâm khai ngộ giải thoát,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Khuyến hóa tu cúng dường,
Hiển bày để an người,
Âm thầm là tự lợi,
Gá mượn để nuôi thân,
Giúp người khéo hỉ xả,
Ngựa lừa để thưởng người.
Nếu hay hỏi quán tâm,
Tức như lạc đà chạy,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Các đạo đều có pháp,
Bởi không tự tầm nghiên,
Chợt nhìn trộm Thích giáo,
Trải qua vài mươi năm,
Không những pháp ấy lớn,
Mà có tâm phá hoại,
Đây là Ca-tỳ-lê,
Tiên thánh đâu nghe nói,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Giàu sang mà vô đạo,
Thêm kiêu căng, phóng túng
Nếu hay hỏi quán tâm,
Được giàu sang chân pháp,
Tuy cao mà không nguy,
Tuy đầy mà không tràn,
Chẳng đắm nhiễm phú quí,
Tâm hằng nơi đạo pháp,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Nghèo hèn nhiều gian trá
Lén lút tạo điều ác,
Hiện tại sa pháp luật
Chết đọa ba đường ác,
Nếu hay hỏi quán tâm,
An phận nghèo giữ đạo,
Có đạo là chân thật,
Vô vi là giàu vui,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Bốn chúng đều Phật tử,
Là quyến thuộc Phật pháp,
Do tranh chấp thiện pháp,
Mà kết oán vị lai,
Nếu hay hỏi quán tâm,
Hòa hợp như nước sữa,
Đều là con sư tử,
Cũng là rừng chiên-đàn,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Tuổi già thân nhiều bệnh,
Mắt mờ tai lại điếc,
Trí kém hay quên lẫn
Mỗi năm mỗi một khác
Thần chết chim cánh vàng,
Không lâu nuốt mạng sống,
Một mai dây nghiệp dứt,
Khí tuyệt đâu nói năng,
Do vì nhân duyên ấy
Nên tạo luận Quán Tâm.
Cúi lạy mười phương Phật,
Bậc thâm từ quán tâm,
Khéo khuyên quán sát kỹ,
Phát diệu lạc chính giác.
Cúi lạy mười phương Pháp,
Bậc thâm bi quán tâm,
Khéo khuyên quán sát kỹ,
Được xa lìa thống khổ.
Cúi lạy mười phương tăng
Biển hòa họp đại chúng,
Nếu hay khéo quán sát,
Tâm hoan hỉ vô lượng.
Cúi lạy sư Long Thọ,
Mong chóng được khai ngộ
Cũng xả bỏ ba tâm.
Nay nương sức Tam bảo,
Nêu ba (mươi) sáu câu hỏi,
Có những câu vi tế,
Đối sự khó thể đếm
Nếu quán tâm nhất niệm,
Có thể đáp lời này,
Nên biết mắt tâm mở,
Được vào ao thanh lương,
Không đáp được câu này,
Thật mờ tối làm sao!
Ý cạn còn chẳng biết
Làm sao hành đại đạo!
Buồn thay thời mạt pháp,
Không còn người hành đạo,
Cho dù có ba số,
Đâu riêng câu hỏi này.
Nên sinh lòng xót thương,
Quy mạng lễ Tam Bảo,
Tạo luận vấn Tâm này,
Khiến người quán khai sáng,
Nguyện cho người thấy nghe,
Chớ sinh lòng phỉ báng,
Tin nhận siêng tu tập,
Ắt được pháp lợi lớn…
Hỏi quán tâm tự sinh
Gì là tứ bất thuyết
Lìa hí luận tranh chấp,
Tâm tịnh như hư không ?
Hỏi quán tâm tự sinh,
Thế nào là hạnh ma
Phiền não nghiệp trói buộc,
Nhà lửa tam giới đốt ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là ngoại đạo
Kiến chấp nghiệp phiền não
Trôi lăn trong sáu đường ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là ba nghiệp
Vụng về đoạn kiến tư
Thoát nhà lửa tam giới ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là khéo độ
Ba thừa chưa dứt sử,
Được vào hai niết-bàn ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là biệt giáo
Cầu đại thừa thường trụ
Bồ-tát dứt biệt hoặc ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là viên giáo
Chẳng phá hoại pháp giới,
Trụ ba đức niết-bàn ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là niết-bàn
Tu bốn thứ tam-muội,
Được chân vô sinh nhẫn ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào là khéo thành tựu
Hai mươi lăm phương tiện,
Điều tâm vào chánh đạo ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Làm sao biết tự tâm
Khởi mười thứ cảnh giới,
Thành nhất tâm tam trí ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Làm sao biết mười cảnh
Thành tựu mười pháp thừa,
Dạo bốn phương vui thích ?
Hỏi quán tự sinh tâm
Thế nào chẳng trụ pháp
Vào sơ pháp tâm trụ,
Và bốn mươi hai vị ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào lục độ thành
Hay được các tam-muội,
Và các đà-la-ni ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào được lục thông
Dùng tứ nhiếp hành hóa,
Tứ biện tài vô ngại ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào được tướng hảo
Thành hai thân chân ứng,
Đối duyên như bóng gương ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào đủ thập lực
Và tứ vô sở úy,
Trong ngoài đủ chiếu dụng ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào nơi quán tâm
Hay được mười tám thứ,
Pháp thế gian bất cộng ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào được đại từ
Đại bi tam niệm xứ,
Thương xót không nghĩ khác ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào phương tiện khéo
Thành tựu các chúng sinh,
Nghiêm tịnh tất cả cõi ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào nơi tâm này
Trang nghiêm cội bồ-đề,
Lập đạo tràng thanh tịnh ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào hàng ma oán,
Hay chế phục ngoại đạo,
Khiến họ đều quy kính ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào ngồi đạo tràng
Hiện bốn tướng thành Phật,
Tùy cơ không sai biệt ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào chuyển bốn giáo.
Diệu pháp luân thanh tịnh,
Tất cả được cam-lộ ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào hiện bốn Phật
Bốn thứ tướng niết-bàn,
Cứu cánh diệt vô dư ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết y chánh
Bát báu bốn cõi đồng
Sắc cơm có sai khác ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào nương tâm này
Là tất cả căn duyên
Thông đạt không quái ngại ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết tất-đàn
Vô hình cũng vô ngôn
Hiện hình rộng nói pháp ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết tiệm đốn
Bí mật bất định giáo,
Một âm nói bốn giáo ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết bốn giáo
Đều mở ra bốn môn,
Và tất cả pháp môn ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào nơi bốn giáo
Bốn môn mười sáu môn,
Tạo luận giải thích kinh ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào trụ diệt định
Khắp vào mười pháp giới,
Lợi ích các chúng sinh ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết bốn độ
Dùng giáo có thêm bớt,
Lợi ích khắp mọi người ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết tâm này
Đủ tất cả Phật pháp
Không một pháp ngoài tâm ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết tâm này
Là pháp giới bình đẳng,
Phật chẳng độ chúng sinh ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào biết tâm này
Pháp giới như hư không,
Rốt ráo không nghĩ nhớ ?
Hỏi quán tâm tự sinh
Thế nào không văn tự,
Bặt hết đường ngôn ngữ
Vắng lặng không nói năng.

Nay căn cứ vào quán nhất niệm tâm tự sinh đại lược đặt ra ba mươi sáu câu hỏi. Ngoài việc quán tâm lâu dài tương tục, và phải hỗ trợ bằng sự thực hành bốn thứ tam-muội. Nếu có thể thông đạt tất cả, sẽ được như tâm Phật, gần gũi tiếp nhận thực hành theo pháp tứ y. Môn đồ quyến thuộc nếu không vướng mắc nơi này đó là chân đồng hành, là con cháu thật sự của pháp vương, nối tiếp hạt giống Tam Bảo không để dứt mất.

Nếu không thể quán nơi nhất niệm tâm tự sinh, dù trả lời các câu hỏi trên cũng là quyến thuộc của thiên ma ngoại đạo, bị nó lôi kéo vào lao ngục tam giới chưa có ngày ra khỏi.

Nếu tâm chẳng thích, muốn cầu người kéo ra chắc chắn sa vào Nhị thừa hoặc đọa ba đường ác, tự đoạn pháp thân huệ mạng, giết chết quyến thuộc bồ-đề, là phá hoại ngôi nhà đại thừa, cõi nước Phật pháp. Thật xót xa, biết làm thế nào!

Nếu quán tâm tự sinh được mất như trên, quán tha sinh, cộng sinh, vô nhân sinh, tâm cũng vậy.

Giải thích: Ba mươi sáu câu hỏi về quán tâm trên đồng với từ tâm của mười phương chư Phật không ân gì mà chẳng báo, dưới đồng với bi ngưỡng pháp giới quần sinh, có cảm đều có ứng, cho đến diệu môn tu hành, nguyên tắc độ sinh, giáo quán dung nhiếp, lý sự viên thông, nhân quả thấu suốt, tự tha đều lợi, mười thân ứng khắp, bốn cõi bao trùm, chỉ cần quán nhất tâm chính mình thì không gì chẳng đầy đủ. Như bài kệ trong quyển luận nói: “Không cho quạ đen ăn, sao báo ân quạ trắng, không những ruộng chẳng tốt, không hạt giống bình đẳng, mưa pháp chẳng tuôn rơi, giống pháp ắt khô cháy, không lương thực ngày sau, ba lợi thành khổ não”.

Giải thích: Bài kệ nói nếu không tu quán niệm xứ là không có hạt giống bình đẳng, chẳng tuân theo giới luật là chẳng phải ruộng tốt. Vì sao ? Quán niệm xứ theo đại thừa là quán thân năm ấm sinh tử chẳng phải héo, chẳng phải tươi là đại tịch định. Kinh Niết-bàn nói: “Sắc giải thoát niết-bàn cho đến thức giải thoát niết-bàn, nếu tu niệm xứ quán này là quán tất cả lục đạo chúng sinh là đại niết-bàn thường lạc ngã tịnh, đầy đủ tri kiến Phật”.

Kinh Thường Bất Khinh Viên Tín Thành Tựu ghi: “Bố thí cho kẻ ăn mày tệ nhất trong thành đồng với đức Nan Thắng Như Lai sao có thể phân biệt là phước điền hay chẳng phải phước điền, là đáng thí hay chẳng đáng thí ? Cho nên niệm xứ quán là hạt giống bình đẳng. Nếu không tu thì thấy sinh tử niết-bàn có khác, phàm Thánh không đồng. Thánh nhân là phước điền tôn kính thì ngưỡng mộ bố thí, phàm phu là phước điền đáng thương thì chê bần tiện không bố thí, nên nói không có hạt giống bình đẳng. Lấy vua dụ cho không có hạt giống bình đẳng, mượn quạ trắng để dụ cho Thánh nhân, quạ đen để dụ cho phàm phu, vua dụ cho chúng sinh không tu niệm xứ, là người không tu niệm xứ hạt giống bình đẳng, cho nên phân biệt hai thứ phước điền. Nếu nội tâm không có đạo viên quán chủng tử bình đẳng, thì ngoài không thể hoằng hóa đại thừa, làm sao có thể báo ân Phật. Nếu phá hoại giới cấm của Phật thì chắc chắn không có ruộng tốt do đó kệ nói: “Mưa pháp chẳng tuôn rơi, giống pháp ắt cháy khô”. Hai câu này nói rằng nếu bốn chúng không có giới tuệ thì thánh chẳng ứng. Vì sao ? Kinh Niết-bàn ghi: Thuần Đà tự nhủ: Thân ta có ruộng tốt, không cỏ hoang chỉ mong Như Lai rưới pháp cam-lộ để mầm pháp của ta được sinh sôi. Nhưng hiện nay bốn chúng chẳng chịu tu theo tứ niệm xứ thì không có hạt giống trí huệ; không sống theo giới luật thì không có ruộng tốt. Không có hạt giống chúng sinh không có cơ cảm với bậc Thánh thì đâu thể được sự đáp ứng mưa pháp của bậc Thánh; mầm Phật tính của chúng sinh làm sao chẳng khô cháy ?!

Cho đến trong không thiện cơ, ngoài không Thánh ứng, mầm của hạt giống pháp càng khô! Vậy là mất đi niềm vui giải thoát, trí tuệ, pháp thân của niết-bàn hiện tại, vị lai, mà còn chuốc lấy nỗi khổ của ba đường ác.

Lại kệ nói: “Hay báo ân quạ trắng, bố thí cho quạ đen”. Giải thích: Bài kệ này nói có hạt giống bình đẳng, còn có ruộng tốt hay bố thí thức ăn cho quạ đen, hay báo ân quạ trắng. Vì saov? Chư Phật giác ngộ chúng sinh, không để cho rắn độc phiền não tham sân si làm tổn hại, đó là Thánh nhân có ân với chúng sinh, như quạ trắng giác ngộ vua, không để rắn độc làm hại. Kinh nói: “Y giáo tu hành gọi là báo ân Phật”. Nay hành giả y theo niệm xứ quán huệ, y theo giới luật an trụ tức là y giáo tu hành, gọi là báo ân Phật. Lại có thể đem công hạnh của mình hóa đạo tất cả chúng sinh ấy là bố thí thức ăn cho quạ đen và báo ân quạ trắng.

Lại kệ nói:

Tu quán niệm hơi thở
Và tu bất tịnh quán,
An ban được tứ thiền,
Thoát khỏi khổ địa ngục
Bất tịnh là vô học.
Chỉ nhận cơm người nữ,
Dù có được thiền sinh,
Đọa cõi trời Trường Thọ
Do vì tu Quán Tâm.

Giải thích: Bài kệ này nói về sự đảo ngược của sự tướng tu thiền. Câu tu quán niệm hơi thở là nói về tu pháp môn tứ thiền hữu lậu. Và câu tu bất tịnh quán là nói về tu pháp môn thiền vô lậu. Quán niệm hơi thở là giữ tâm nơi chót mũi. An ban là sổ tức. Do sổ tức nên được tứ thiền bát định.

Xưa có tỳ-kheo đắc tứ thiền cho rằng mình đã chứng A-la-hán, lúc chết chê bai Phật bị đọa địa ngục. Xưa có tỳ-kheo tu bất tịnh quán, lúc thiếu thời chế phục tâm nên dục tưởng không sinh khởi, tự cho mình là Thánh nhân, về sau vào xóm khất thực, thấy thiếu nữ dâng cơm thì lòng dục phát khởi, tâm tình mê mẩn che bát thọ cơm của cô gái. Nhưng sổ tức được thiền định, cho dù không sinh lòng phỉ báng và chẳng bị đọa địa ngục, nhưng tùy theo thiền định, được thọ sinh cõi trời Trường Thọ cho nên biết nếu đối với nhất tâm tu theo tứ niệm xứ không quên lời dạy của từ phụ mới thật là con cháu hiếu thuận! chỉ cần vào Tông Cảnh thì không ân nào mà chẳng báo. Thế nên tâm chính thì muôn pháp đều chính, tâm tà thì muôn pháp cũng tà. Nếu lìa ngoài tự tâm muốn phá các thứ tà thì lập tự tha lập, thấy tà thấy chính, như cởi giáp vào trận mà muốn phá tan quân địch, thật ra không có lẽ đó. Chỉ cần giữ gìn tự tâm, là hộ trì chính pháp, cũng là nghĩ đến tất cả Như Lai mười phương. Tự tâm hộ pháp đã vậy, chuyển hóa tâm người khác cũng thế thì ngoài chính không tà làm sao nói phá; ngoài tà không chính làm sao nói gìn! Như vậy sáng soi chân thật hộ trì chính pháp, cho đến viên mãn đầy đủ tất cả pháp môn.

Do đó kinh Thủ Lăng Nghiêm có kệ:

Đem thâm tâm này phụng sự vô biên cõi,
Ấy được gọi là báo ân Phật.

Kinh Đại Tập ghi: “Nhãn thức đối với sắc gọi là phi pháp. Nếu hay xa lìa gọi là hộ pháp, cho nên khéo biết gìn giữ các căn chẳng cho sáu trần xâm nhập, đây gọi là chân hộ pháp”.

Kinh Pháp Tập nói: “Bồ-tát không cần giữ gìn các pháp, chỉ cần khéo giữ gìn tự tâm thì có thể thành tựu diệu pháp của chư Phật, cho đến thấy tự tâm như huyễn. Như vậy thấy các pháp như huyễn nhưng tâm chẳng phải trong, chẳng phải ngoài, chẳng phải ở khoảng giữa. Thấy tất cả pháp như thế là thấy tâm, không có sắc tướng nên không thể chỉ được, không thể thấy được; không có hình chất chướng ngại nên không thể nắm bắt, chẳng chiếu chẳng trụ thấy tất cả các pháp, tướng nó như thế. Nếu hay thấy như thế, Bồ-tát ấy được tâm bình đẳng. Do vì được tâm bình đẳng, Bồ-tát chẳng còn được pháp nào cả, vì ngoài bình đẳng không có pháp sai biệt, vì thấu rõ pháp sai biệt là bình đẳng. Nếu vào pháp môn bình đẳng này thì biết tất cả pháp đều là tính không, chẳng sinh ái trước, tức là nơi nơi đều là chỗ bỏ thân mạng, cũng là nơi thành đạo, cũng là nơi chuyển pháp luân, cũng là nơi độ sinh, cũng là nơi nhập diệt, cũng là nơi báo ân rốt ráo, cũng là nơi thành tựu viên mãn đại nguyện, cũng là nơi đầy đủ muôn hạnh. Vì sao ? Như nói vạn vật nhờ đất sinh, vạn hạnh đúng lý thành, lý tức tâm. Hoặc thực hành hiếu đạo, hoặc tiếp dẫn trung liệt không gì chẳng do tâm.

Dưới triều Võ Tắc Thiên có ông Mạnh Cảnh Hưu mẹ qua đời, ông buồn rầu đến đỗi chuyển giới tính, có địu sau lưng một em trai tên Cảnh Huy, ông cho em bú vú. Về sau ông làm Sử Bộ Thượng thư. Đến khi mẹ kế là Tiêu Thị mất, ông phải địu sau lưng hai người em gái tên Lư Thị và cũng đích thân cho bú, cho đến trưởng thành. Đây là do cảm sự hiếu hạnh, sữa chảy ra từ tâm, chẳng nhất định là thân thể nam nữ.

Hỏi: Tám muôn bốn nghìn pháp môn, môn nào cũng đưa đến giải thoát, tại sao chỉ cho rằng môn nhất tâm là chí thú chân thật ?

Đáp: Môn nhất tâm là chân tính giải thoát. Lời chỉ dạy từ bi của cổ Phật, sự giải thoát của chư Phật chỉ cầu trong tâm hành của chúng sinh, chứ không tìm cầu nơi khác. Vì sao ? Vì tâm chúng sinh là tâm chư Phật. Chư Phật giải thoát là chúng sinh giải thoát, tùy duyên chuyển biến tự gọi chúng sinh, duyên tính thường không, chân Phật bất động. Như băng vốn là nước kết tụ, nếu muốn tìm nước thì phải nương vào băng. Băng với nước tuy khác mà tính ướt không khác, thời tiết có khác mà thể tính không sai. Tín nhập như thế gọi là chân giải thoát, những pháp môn khác chẳng phải không chỗ hướng đến. Nếu so với tông này sự đốn tiệm khác nhau một trời một vực, chỉ nói về Phật huệ riêng tiếp dẫn bậc thượng cơ. Do đó trên hội Pháp Hoa đức Thế Tôn đích thân dặn dò các vị đại Bồ-tát, nếu nói kinh này đi thẳng vào Phật huệ, chỉ dạy rộng rãi, là chân thật báo ân Phật. Còn những người không tin nhận môn này thì phải ở trong pháp thâm sâu khác chỉ dạy lợi hỉ, tức là diễn bày pháp môn giải thoát khác.

Hỏi: Nay trong Tông Cảnh chỉ bàn về giải thoát bất tư nghì. Như Thiên Thai giáo hỏi tại sao chẳng dứt trừ phiền não mà nhập niết-bàn mới là giải thoát bất tư nghì ?

Đáp: Núi Tu-di ở trong hạt cải, nhỏ không chướng lớn, lớn chẳng tức nhỏ, nên nói bất tư nghì. Nay có phiền não hoặc không chướng ngại trí tuệ niết-bàn, trí tuệ niết-bàn không ngại phiền não kiết hoặc mới gọi là bất tư nghì.

Căn cứ vào hữu thể vô thể vô sắc vô tâm để thuyết minh giải thoát vô thể. Nếu bất tư nghì quán sắc tâm là sắc tâm của pháp tính, đầy đủ sắc tâm chẳng sinh chẳng diệt mà được giải thoát, cho nên biết chân thiện diệu sắc là thể của diệu tâm. Lại diệu sắc lặng lẽ thường trụ là sắc giải thoát niết-bàn. Nếu không có sắc thì như người chết làm sao được giải thoát. Cho đến ong vàng tạo mật, con nhện giăng tơ đều bất khả tư nghì, đều có tâm số pháp giải thoát. Phải biết rằng thấu rõ tâm này không hạnh nào chẳng đủ, vì nhất tâm đầy đủ vạn hạnh, không một hạnh nào chẳng phải tâm. Chẳng hạn như nói bố thí là lúc đại Bồ-tát bố thí hay quán duy thức biết cảnh là tâm, là ngoài tâm không pháp, ba luân thể không, gọi là chân thí.

Trì giới nghĩa là chứng duy tâm lìa niệm, thường tịnh, vô minh cấu hết sạch liền thành Phật giới. Chỉ cần trong Phật tâm đầy đủ các công đức, xa lìa lỗi lầm thì gọi là giới.

Nhẫn nhục là quán chúng sinh duy thức vọng thấy, biết ngoài bản tâm không có pháp để sân giận.

Tinh tiến là tinh tiến của Như Lai. Nếu y theo tự hạnh thường quán duy thức, cho nên Nhiếp luận nói: “Như Lai thường không ra khỏi quán nên tịch tĩnh”.

Thiền định là định của đại Bồ-tát, nghĩa là quán duy thức lúc không thấy cảnh, tâm không duyên niệm là chân định.

Trí tuệ là đại Bồ-tát đều quán tự tâm, ý ngôn phân biệt cho là cảnh giới, từ mới phát tâm cho đến thành Phật đều thực hành quán này, đâu chỉ tứ đẳng lục độ thành Phật hóa sinh, cho đến muốn hóa sinh đài sen, lìa hẳn thai tạng, sinh vào cõi nước Cực Lạc, du hí thần thông cõi nước chư Phật đều có thể liễu đạt tự tâm không gì chẳng phải hóa vãng. Lại nữa đâu chỉ một hạnh một nguyện, mọi mong cầu đều như ý. Cho nên kinh Như Lai Bất Tư Nghì Cảnh Giới ghi: “Tất cả chư Phật ba đời không thật có, chỉ nương vào tự tâm. Bồ-tát nếu có thể biết rõ chư Phật và tất cả pháp đều duy tâm, được tùy thuận nhẫn; hoặc vào Sơ Địa, bỏ thân chóng sinh vào thế giới Diệu Hỷ, hoặc sinh vào cõi Cực Lạc”.

Luận Kim Cương Bát-nhã có kệ: “Trí tập duy thức thông, như thế được tịnh độ”.

Luận Khởi Tín ghi: “Những người mới có lòng tin Đại thừa, chư Phật đều tiếp dẫn về Tịnh độ”.

Kinh Chư Pháp Vô Hành ghi: “Nếu có thể giáo hóa chúng sinh trong tam thiên đại thiên thế giới khiến họ tu hành thập thiện, không bằng Bồ-tát ở nơi yên tịnh nhất tâm vào pháp môn nhất tướng trong khoảng bữa ăn”.

Kinh Đại Bát-nhã ghi: “Phật bảo Thiện Hiện: Nên biết Bát-nhã ba-la-mật-đa rất sâu xa là môn thú hướng của các thiện pháp, ví như biển cả là nơi hướng về của các dòng sông”.

Kinh Lăng Già có kệ: “Trong tất cả các độ, Phật tâm là bậc nhất”.

Do đó trong tất cả các thừa, thừa này là cứu cánh. Thiên Thai giáo nói: Sự giải thoát của chư Phật phải tìm nơi tâm hành chúng sinh, nếu quán tâm hành chúng sinh vào trong bản tính thanh tịnh trí, tận cùng nguồn tâm chúng sinh chính là hiển bày quả giải thoát của chư Phật. Nếu thấy tâm chúng sinh không là thấy cõi Phật không, là trong tâm hành cầu được ba thứ giải thoát. Tâm tính chúng sinh là chân tính giải thoát, si ái là thật huệ giải thoát, các hạnh bất thiện là phương tiện giải thoát. Nên biết nhất tâm chân tính giải thoát này không có phiền não trói buộc chín kết, mười sử v.v… như một cây chiên-đàn làm thơm ngát cả y-lan rộng bốn mươi do-tuần, vì có thể khiến cho phiền não tức bồ-đề.

Lại dứt hoặc sám tội so với các tiệm giáo khác giống như nghìn cân lông cừu chẳng bằng một lượng vàng ròng. Cho nên nói rằng nếu muốn sám hối, ngồi ngay thẳng nghĩ đến thật tướng thì thấu tỏ tâm vô sinh, ngay đây được giải thoát.

Kim Quang Minh Kinh Sớ ghi: “Tỳ-lô-giá-na ở khắp mọi nơi, hoặc đi hoặc đứng hoặc sáng hoặc tối, đều được thấy Thế Tôn, những gì đối với sáu căn đều là Phật pháp. Cỏ trong tay Kỳ-bà đều trở thành thuốc dùng để trị bệnh, gạch ngói trong tay Thích-ma-nam đều biến thành châu báu, bát không của A-na-luật tràn đầy cam-lộ. Nếu người nào được như thế thì tội sở quán chẳng còn là tội, tội tức là thật tướng. Phước sở quán chẳng còn là phước, phước tức là thật tướng. Vì thuần là thật tướng nên gọi là đại sám hối”.

Kinh Quán Phổ Hiền Bồ-tát Hành Pháp ghi: “Quán tâm vô tâm, từ ý tưởng điên đảo khởi”. Như vậy tưởng tâm từ vọng tưởng khởi, cũng như trong hư không gió không nơi nương tựa. Pháp tướng ấy chẳng sinh chẳng diệt, cái gì là tội, cái gì là phước ? Tâm ta tự không, tội phước không chủ tể. Tất cả các pháp đều như thế; không trụ không hoại sám hối như thế. Vả lại, có tội để phát lồ thì chẳng phải chân sám hối, có thiện để thấy thì chẳng phải chân tùy hỉ, có pháp để theo thì chẳng phải chân hồi hướng, có việc để cầu thì chẳng phải chân phát nguyện. Nếu vào Tông Cảnh thấu rõ tự tâm thì mọi nơi đều thanh tịnh, như kinh Thậm Thâm Đại Hồi Hướng ghi: “Phật nói có ba thứ hồi hướng. Những gì là ba ? Đó là quá khứ không, đương lai không, hiện tại không; không có người hồi hướng, cũng không có pháp hồi hướng, cũng không có nơi hồi hướng. Đại Bồ-tát nên hồi hướng như thế. Lúc hồi hướng như thế ba nơi đều thanh tịnh, đem công đức thanh tịnh này cùng tất cả chúng sinh đều hồi hướng về vô thượng chính đẳng chính giác. Hồi hướng như thế thì không có phàm phu và pháp phàm phu, cho đến cũng không có Phật và người hướng Phật. Vì sao ? Vì pháp tính không duyên, bất sinh bất diệt, vô sở trụ”.

Kinh Pháp Tập ghi: “Đại Bồ-tát đối với tất cả pháp chẳng cầu chỗ cứu cánh. Vì sao ? Vì Bồ-tát đối với tất cả pháp không gì chẳng phải cứu cánh. Bồ-tát chẳng cầu giải thoát, vì bản tính các pháp tịch diệt không gì chẳng phải giải thoát. Bồ-tát không ưa thích một pháp, cũng không chán ghét một pháp. Bồ-tát này đối với Phật pháp chẳng phải là tự pháp, cũng chẳng phải là tha pháp, chẳng lấy một pháp, chẳng bỏ một pháp”.

Kinh Pháp Hoa ghi: “Bấy giờ, Phật bảo với hàng Bồ-tát thượng đẳng: Đại chúng, thần lực của chư Phật vô lượng vô biên bất khả tư nghì như thế, nếu ta đem thần lực này ở nơi vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp, để phó chúc nên nói công đức của kinh này còn không thể hết”.

Nói tóm lại, tất cả pháp, tất cả thần lực tự tại, tất cả kho tàng bí yếu, tất cả việc sâu xa của Như Lai đều được trình bày trong kinh này. Cho nên biết tất cả các pháp chư Phật, tất cả thần thông nhiếp hóa môn, tất cả tông chỉ bí yếu tạng, tất cả việc nhân quả thậm thâm của bậc giác vương ba đời, hàng Đại sĩ mười phương đều đầy đủ trong tâm này, nên nói ở nơi vô lượng vô biên a-tăng-kỳ kiếp phó chúc pháp này, khen ngợi công đức vô tác vô tỷ của tâm này còn không thể hết, đâu thể trong khoảnh khắc mà nói hết được ? Tông Cảnh Lục là điều thực hành của bậc đại trí, hàng thượng căn lĩnh thụ, dứt hết các kiến chấp liều lĩnh cuồng si, bỏ đi cái tâm nhút nhát hạ liệt, không thể đem tâm hạn cuộc để mong cầu, lấy vỏ ốc đâu thể đong biển, bẻ cọng cỏ làm sao đo trời. Nếu gặp bậc đại cơ không nên đi đường nhỏ, cần nương vào Tông Cảnh chỉ thăng bản tâm. Như kinh nói: “Không đặt đồ dơ trong chén báu, không đem biển cả vào lỗ chân trâu”, vì thế người tin được điều này thật hi hữu. Vì sao ? Tin quả Phật thì dễ như chư Phật mười phương, tin nhân Phật thì khó như chúng sinh hiện nay. Cho nên Khởi Tín Sao ghi: “Tin Thích-ca quá khứ, Di-lặc đương lai v.v… là Phật thì dễ; còn tin có chân như trong tâm chúng sinh là phàm Thánh cùng nương, mê thì lục thú không cùng tận, ngộ thì Tam bảo chẳng gián đoạn. Đây là việc hi hữu! Như tin hoàng hậu mang thai vua thì dễ, còn tin cô gái nghèo sinh Thánh nhân thì khó. Thế nên pháp nhiễm pháp tịnh đều là mầm mạ của tâm, bản địa phát sinh chẳng sinh gì khác”.

Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận của Bồ-tát Vô Trước có kệ:

Tự giới và nhị quang
Si cùng các hoặc khởi,
Những phân biệt như thế,
Nhị thật nên xa lìa.

Giải thích: Tự giới nghĩa là từ A-lại-da phân ra chủng tử. Nhị quang nghĩa là năng thủ quang và sở thủ quang. Những thứ phân biệt này do cùng với vô minh và các hoặc khác nên được sinh khởi. Câu những phân biệt như thế, nhị thật nên xa lìa, nhị thật nghĩa là sở thủ thật và năng thủ thật, hai thật nhiễm tịnh ấy nên xa lìa. Đây cũng là ý nghĩa đem ngọn về gốc.

Luận nói:

Người cầu duy thức nói,
Năng thủ và sở thủ.
Hai thứ là tâm quang,
Tham quang và tín quang;
Hai quang không hai pháp.

Giải thích: Người cầu duy thức phải biết năng thủ sở thủ, hai thứ này chỉ là tâm quang, đó là phiền não quang như tham v.v… và thiện pháp quang như tín v.v… Hai quang này cũng không có hai pháp nhiễm tịnh. Vì sao ? Vì chẳng lìa tâm quang riêng có các pháp nhiễm tịnh như tham, tín v.v… hai quang cũng vô tướng, kệ nói:

Các thứ tâm quang khởi,
Như vậy các thứ tướng,
Vì quang thể phi thể,
Chẳng được pháp ấy thật.

Giải thích: Các thứ tâm quang là các thứ sự tướng, hoặc dị thời khởi lên như tham quang, sân quang v.v…, hoặc đồng thời khởi như tín quang, tiến quang v.v… Câu quang thể phi thể v.v… có nghĩa là tâm số nhiễm và tâm số tịnh chỉ có quang tướng mà không có quang thể, thế nên Thế Tôn không nói những thứ ấy là pháp chân thật. Nên biết thể của muôn pháp không ngoài nguồn tâm của Giá-na, môn của vạn thiện chẳng vượt qua biển hạnh của Phổ Hiền. Tại sao không ngoài nguồn tâm của Giá-na, như kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:

Cõi Phật như vi trần.
Các cõi nước cũng thế,
Hay ở trong một niệm,
Hiện trong mỗi mỗi trần.

Tại sao chẳng vượt qua biển hạnh Phổ Hiền? Như phẩm A-tăng-kỳ có bài tụng:

Trên đầu của một mảy lông nhỏ,
Đều có bất khả thuyết Phổ Hiền,
Tất cả mảy lông cũng như thế,
Như thế cho đến khắp pháp giới.
Tâm Giá-na là tâm bồ-đề,
Hạnh Phổ Hiền là hạnh bồ-đề.
Như kinh Hoa Nghiêm có bài tụng:
Muốn thấy tất cả Phật mười phương,
Muốn thí kho công đức vô tận,
Muốn diệt các khổ não chúng sinh,
Cần phải chóng phát tâm bồ-đề.

Người xưa nói: Tâm bồ-đề chính là gốc của muôn hạnh. Ngay khi phát tâm này liền gọi là hạnh.

Hỏi: Nếu chỉ giữ nhất tâm giải thoát thì một không thể thâu tất cả, nghĩa pháp giới chẳng tròn, trái với thừa này, mất đi lý kia ?

Đáp: Nếu là căn cơ viên tu đốn ngộ thì nêu một gồm tất cả, không còn phương tiện. Chỉ vì những người không vào được nên phương tiện mở rộng ba môn, cho đến tám muôn môn, tuy mở rộng ba môn song vốn chỉ nói một đạo. Do đó kinh Kim Quang Tam-muội nói: “Lý như như đầy đủ tất cả pháp. Thiện nam, người an trụ đúng như lý sẽ vượt qua ba biển khổ”.

Kinh Lăng Già có kệ:

Hữu vô là nhị biên
Là cảnh giới của tâm,
Lìa các pháp cảnh giới,
Tâm bình đẳng tịch tĩnh.

Kinh Hiền Kiếp Định Ý ghi: “Nếu bỏ tất cả sở hữu, nơi sở hữu mà không sở hữu là nhất tâm”.

Kinh Pháp Cú nói: “Người thọ một trăm tuổi mà ưa thích phóng dật chẳng bằng một ngày tâm hướng về không tịch”. Phó đại sĩ tụng:

Chư Phật chẳng cho ngoài cầu danh,
Đạt bản chân tâm tức là chính.

Cho nên biết muôn pháp quy tâm thì đạo đầy đủ.

Thiên Canh Tang Tử Đạo Toàn ghi: “Lỗ Công hỏi việc, Canh Tang Tử đáp: Tôi có thể nghe thấy không cần tai mắt, chẳng phải thay đổi tai mắt! Lỗ Công nói: Sao được như thế, quả nhân càng lấy làm lạ. Đạo ấy thế nào ? Quả nhân muốn được nghe! Canh Tang Tử nói: Thân hợp với tâm, tâm hợp với khí, khí hợp với thần, thần hợp với vô. Cho nên những âm thanh trong thiên nhiên dù xa nghìn dặm hay gần trước mắt tôi đều biết rõ ràng. Bởi không biết là cảm giác của thất khiếu tay chân, là sở tri của lục phủ ngũ tạng tâm lự, đó là tự biết mà thôi”.

Hà Xán chú: Tâm thân cùng hợp, thần khí thầm trợ cho đến chí tâm cùng không đồng thể. Về sau tâm càng yên thì trí càng xa, thần càng lặng thì chiếu càng sáng, lý tột mà tự thông, không nghĩ mà thấy suốt, nếu chẳng phải chí thần chí Thánh thì ai có thể được như thế ? Đây là then chốt của linh chân, là diệu đạo của trùng huyền. Thế nên trong ngoài quy về cần phải thầm hợp tâm thể thì rỗng sáng không sót liền có thể soi trùm vạn hữu, dung chứa mười phương. Nói về hòa, chẳng phải có hai pháp năng sở thuận nhau gọi là hòa. Như Cổ đức nói: Phàm Thánh riêng biệt không thể gọi là hòa. Tâm thể lìa niệm, không có tướng chúng sinh, pháp giới là ta, ta là pháp giới gọi là hòa.

Kinh Thủ Lăng Nghiêm ghi: “Bồ-tát Quán Thế Âm bạch với Phật: Bạch Thế Tôn, con từ văn tư tu vào tam-ma-địa. Đầu tiên trong tính nghe vào được dòng viên thông không còn tướng sở văn. Trần tướng đã vắng lặng hai tướng động tĩnh rõ ràng chẳng sinh. Như thế dần dần tăng tiến năng văn sở văn đều tận, không dừng lại nơi dứt hết năng văn sở văn. Năng giác sở giác đều không, giác tột bực viên mãn; các tướng năng không sở không diệt đều diệt, sinh diệt đã diệt, bản tính tịch diệt hiện tiền. Bỗng nhiên siêu việt thế xuất thế gian, sáng suốt cùng khắp mười phương, được hai thứ thù thắng: Một là trên hợp với bản giác diệu tâm của mười phương chư Phật, cùng với chư Phật Như Lai đồng một từ lực; hai là dưới hợp tất cả chúng sinh lục đạo mười phương, cùng với các chúng sinh đồng một bi ngưỡng”.

Đây là tiêu mất dấu vết năng sở, chân tục thầm hợp, tuy sự việc và hạnh khác nhau nhưng vẫn có chỗ đồng: chỉ cần rõ tâm không tự tha, muôn pháp tự nhiên một thể.

Ngoại Thư cũng nói: Tâm hòa là ngôn hòa, ngôn hòa là lời nói với mọi người không có lỗi lầm. Do thân tâm hòa nên hành xử với mọi người không gieo thù oán. Đã cùng với muôn pháp thể hòa thì không còn tranh chấp.

Kinh Hoa Thủ ghi: “Phật bảo Xá-lợi-phất: Thế nên Bồ-tát phát tâm bồ-đề nên quán sát tâm không tướng. Xá-lợi-phất, thế nào là tâm ? Thế nào là không tướng ? Xá-lợi-phất, tâm gọi là ý thức, là thức ấm ý nhập ý giới. Tâm không tướng là tâm không có tâm tướng, cũng không có tác giả. Vì sao ? Nếu có tác giả thì có người kia làm người này chịu. Nếu tâm tự tác thì tự tác tự thọ. Xá-lợi-phất, tâm tướng không này không có tác giả, nếu không có tác giả thì không có tác tướng. Nếu người nói đùa là tâm tướng thì sẽ tranh chấp với cái không vô tướng vô ngại; nếu tranh chấp với cái không vô tướng vô ngại, người này tranh chấp với Như Lai; nếu tranh chấp với Như Lai thì nên biết người này bị đọa vào hầm sâu. Nên biết nếu vào trong biển Tông Cảnh đã bao gồm tất cả pháp môn khác, như lên núi pháp tính đều thấy vô biên cảnh giới”.

Kinh Đại Niết-bàn nói: “Ví như có người tắm trong biển cả, phải biết người này đã dùng nước của sông suối ao. Bồ-tát ma-ha-tát cũng như thế, tu tập Kim Cương tam-muội chính là tu tập tất cả tam-muội khác”.

Lại nói: “Ví như có người leo lên núi cao nhìn xa trông thấy các phương; Bồ-tát leo lên núi Kim Cương Định cũng thế, nhìn xa thấy rõ các pháp, cho nên biết không gì hơn tự tâm. Do đó trong giáo cũng gọi là pháp thậm thâm, cũng gọi là tối thượng thừa, thế nên một pháp chỉ nam muôn đường quy thuận, chỉ có danh tự sai biệt, không có thể khác để trình bày”. Có bài tụng:

Đúng lúc sắc tâm hiện
Như kim ngân ẩn khởi
Theo nơi chốn khác tên
Vàng trước sau vẫn thế.

Như vàng bạc ẩn hiện những hình thức đa dạng của nữ trang chỉ có tên khác, thể vàng không thay đổi, như nhất tâm hiện ra những con đường Thánh phàm; tuy đặt biệt hiệu tâm tính vô sinh; thấu đạt tên gọi này là không thì thấy pháp như gương, tự nhiên bặt ý, thầm hợp chân tông.