TÔNG CẢNH LỤC
Đời Đại Tống, nước Ngô Việt, tọa chủ chùa Tuệ Nhật, thiền sư Vĩnh Minh, Diên Thọ biên tập.
Tuệ Đăng & Hân Mẫn dịch

 

QUYỂN 1

LỜI GIỚI THIỆU

Biển giác lặng trong, sạch hết thi vi danh tướng. Bởi thức tình dấy động, tưởng niệm điên đảo, khiến chúng sanh lưu đãng trong sóng thức, sinh tử tiếp nối bất tận. Thế nên biết một niệm quên tánh giác, muôn kiếp trầm trì nơi tăm tối, tới lui trong dị loại. Khổ thay! Khổ thay!

Chính nơi đây, đấng Đại giác xuất thế chỉ vì cứu vớt chúng sinh, mở bày diệu chỉ, vạch ra chỗ vọng nhiễm mê tình. Chư Tổ đến cõi này chẳng ngại nhổ đinh tháo chốt, cũng vì muốn dẫn dắt chúng nhân vượt qua bể khổ trầm luân. Các Ngài gióng lên tiếng chuông đại từ, thức tỉnh chúng hữu tình, dựng lại những gì mê đảo.

Từ nhân duyên đó, ngài Vĩnh Minh Diên Thọ là bậc Đạo sư của nhân thiên, thị hiện ở Trung Hoa vào cuối đời Đường. Ngài chỉ ra kho diệu kiến vô kiến, phơi bày bí tạng viên văn bất văn, nêu cao gương sáng Tông Cảnh, khiến người chưa biết, biết rõ cái chân tri vô tri, người chưa hiểu có thể hiểu ra và thành tựu đại giải vô giải. Đây quả là một viên bảo châu vô giá, đích thân ngài trao tặng đến từng người. Thật là hân hạnh cho khách hữu duyên!

Nay đây, các hành giả trong Tông môn, một bề muốn nêu cao ngọn đuốc thiền tông, làm sáng rỡ di huấn một đời của bậc Tông sư, nối nắm luân lưu nguồn mạch Phật Tổ. Bằng tất cả lòng quy ngưỡng. Ni sư Tuệ Đăng và Hân Mẫn đã dồn hết tâm lực trí lực vào tác phẩm này, chuyển dịch Việt ngữ, những mong đời đời được kết duyên trong hội Phật, cùng tất cả chúng sanh đồng vào biển giác.

Trân trọng và thành ý, tôi kính cẩn ghi lời giới thiệu.

Thiền viện Thường Chiếu, ngày 24/06/09
Hân Định Sa-môn THÍCH NHẬT QUANG

 

Về tác giả

Thiền sư Diên Thọ (904-975) sống vào thời Ngũ Đại cuối đời Đường, là tổ thứ ba của tông Pháp Nhãn, tổ thứ sáu của tông Tịnh Độ, Sư họ Vương, tự Trọng Huyên, hiệu Bảo Nhất Tử, quê ở đất Dư Hàng, phủ Lâm An, huyện Hàng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc.

Lúc đầu, Sư làm quan, năm 30 tuổi Sư theo thiền sư Thúy Nham Lệnh Tham ở chùa Long Sách xuất gia. Sau, Sư đến núi Thiên Thai tham kiến Quốc sư Đức Thiều, tu tập thiền định đạt được ý chỉ huyền diệu. Trong thời gian ở chùa Quốc Thanh, Sư hành Pháp Hoa Sám; buổi sáng Sư phóng sinh các loài, buổi chiều cúng thí quỉ thần, đọc tụng kinh Pháp Hoa, chuyên tu tịnh nghiệp. Sư hoằng pháp rất thịnh ở núi Tuyết Đậu tại Minh Châu và phục hưng chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu.

Năm 961, nhận lời mời của Ngô Việt Vương Tiền Thục, Sư về đạo tràng Vĩnh Minh chuyên lo tiếp tăng độ chúng, cho nên người đời gọi Sư là Vĩnh Minh Đại Sư. Sư đề xướng Thiền Tịnh Song Tu, lấy tâm làm tông. Sư trụ trì chùa Vĩnh Minh suốt 15 năm, mọi người kính phục và tôn Sư là Di-lặc hạ sinh. Sư triệu tập các vị cao tăng của ba tông Từ Ân, Hiền Thủ và Thiên Thai để nghiên cứu và thảo luận tất cả những tác phẩm nổi tiếng của hơn 200 vị Thánh hiền Ấn Độ và Trung Quốc rồi soạn thành bộ Tông Cảnh Lục (100 quyển). Đối với tôn chỉ khác nhau giữa các tông phái, Sư luôn có thái độ ôn hòa.

Vua Cao Ly xem xong bộ Tông Cảnh Lục này, liền sai sứ đến đảnh lễ xin làm đệ tử Sư và phái 36 vị tăng trong nước đến cầu pháp. Từ đó thiền phong của tông Pháp Nhãn rất thịnh hành ở Hải Đông.

Sư thị tịch vào năm 975, hưởng thọ 72 tuổi, được vua ban hiệu Trí Giác Thiền Sư.

Ngoài Tông Cảnh Lục (100 quyển), Sư còn trứ tác Vạn Thiện Đồng Qui Tập (7 quyển), Thần Thê An Dưỡng Phú (1 quyển), Duy Tâm Quyết (1 quyển)…

(Theo Phật Quang Đại Từ Điển)

 

Về tác phẩm

Tông Cảnh Lục (100 quyển) do thiền sư Diên Thọ (904-975) thuộc tông Pháp Nhãn biên tập. Trong Tông Môn Thập Qui Luận của Tổ Pháp Nhãn Văn Ích có khuyên người tham thiền hãy nghiên cứu giáo điển như sau: “Người hiện nay xem giáo lý chẳng khỏi trong tâm không loạn động, muốn tâm khỏi loạn động cần phải biết cách xem giáo lý”. Đây là lời nói nhắm vào các thiền sư đương thời xem thường nghĩa học, động cơ thiền sư Diên Thọ biên tập Tông Cảnh Lục cũng bắt nguồn từ đây.

Tông Cảnh Lục 61 ghi: “Người học ngày nay không học rộng nghe nhiều, tự ỷ lại kiến giải riêng của mình, không chịu gần gũi bậc minh sư, chấp kiến giải của mình mà không đọc kinh điển, cho nên tôi soạn bộ Tông Cảnh Lục này cốt chỉ dạy người sau, đừng noi theo bước lầm của người đi trước, để khỏi ân hận”. Qua đoạn văn trên đủ thấy thiền sư Diên Thọ phát huy quan điểm của Tổ Pháp Nhãn và nói rõ được nguyên nhân biên tập Tông Cảnh Lục.

Theo Cảnh Đức Truyền Đăng Lục 26Tịnh Từ Tự Chí 5, Diên Thọ sau khi đắc pháp nơi thiền sư Đức Thiều (đại đệ tử của Tổ Pháp Nhãn), Ngài trụ trì chùa Tuyết Đậu ở Phụng Hóa vào năm 925. Lúc ấy người theo Ngài tu học rất đông, do đó trong Tuyết Đậu Tự Chí có truyền thuyết cho rằng tác phẩm Tông Cảnh Lục được biên soạn ở đây. Năm 960, Trung Ý Vương của nước Ngô Việt thỉnh Ngài trụ trì chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu; năm sau (961), thỉnh Ngài trụ trì chùa Vĩnh Minh (tức chùa Tịnh Từ), người đến tham học đông hơn hai nghìn.

Trong Lâm Gian Lục quyển hạ, Huệ Hồng (1071-1128) ghi: “Tôi đã từng du phương đến Đông Ngô, ngụ ở chùa Tịnh Từ tại Tây Hồ. Hai bên pháp đường của chùa đều có kiến trúc hai dãy lầu các rất nguy nga tráng lệ. Có một vị lão nạp trong chùa nói với tôi: Hòa thượng Vĩnh Minh thấy ba tông Hiền Thủ, Từ Ân, Thiên Thai mâu thuẫn nhau, không đạt đến mức độ hoàn bị, cho nên khuyến khích các vị đệ tử tinh thông pháp nghĩa ở hai dãy lầu các, xem rộng giáo nghĩa và chất vấn lẫn nhau, rồi Hòa thượng đem tâm tông để bình luận. Ngoài ra, Ngài còn tập hợp hơn 60 bộ kinh Đại thừa, lời dạy của các bậc Hiền Thánh Ấn – Hoa hơn 300 nhà để chứng minh yếu chỉ duy tâm, rồi biên tập thành một bộ sách đồ sộ 100 quyển gọi là Tông Cảnh Lục lưu truyền hậu thế”.

Sau khi biên tập xong Tông Cảnh Lục, theo bài tựa Tông Cảnh Lục của Dương Kiệt viết vào khoảng năm 1086-1093: “Ngô Việt Trung Ý Vương rất quý, cất giấu trong kho kinh sách”. Trong “Nhân Thiên Bảo Giám của Đàm Tú (khắc bản khoảng năm 1228-1233) ghi: “Thiền sư đã thị tịch, trong tòng lâm không biết đến sách Tông Cảnh Lục, đến khoảng năm 1068-1077, thiền sư Viên Chiếu mới công bố … Từ đó nạp tử mới đua nhau tìm đọc”. Do sự đề xướng của Viên Chiếu, sách này mới được xã hội chú ý. Khoảng năm 1078-1085, hoàng đệ Ngụy Đoan Hiền Vương mới khắc bản ấn tống và gửi tặng các tòng lâm danh tiếng đương thời. Nhưng sau này, khoảng năm 1086-1093, Tông Cảnh Lục đã qua tay các ngài Pháp Dũng, Vĩnh Lạc, Pháp Chân “hiệu độc” và khắc bản mới lưu hành, diện mục có lẽ không hoàn toàn giống với nguyên bản của Ngụy Đoan Hiền Vương khắc trước đó. Đến đời Minh, trong bài bạt hiệu đính Tông Cảnh Lục của ngài Ngẫu Ích (1599-1655) ghi: “Đại sư Vĩnh Minh biên tập Tông Cảnh Lục (100 quyển) không khác sự tập đại thành của Khổng Tử. Chưa đầy 100 năm sau, các ông Pháp Dũng v.v … tự ý thêm vào tạp thuyết khiến cho gai mắt người xem, đến nỗi Viên Trung Lang trở lại nghi đạo nhãn của Vĩnh Minh chưa hoàn toàn sáng suốt, cũng đáng buồn thay! Tôi đọc bản Lục này ba bận, thấy không ổn, biết là lỗi do Pháp Dũng chứ không tại Vĩnh Minh. Đầu mùa thu năm Quí Tỵ tôi cắt bỏ những điều kém cỏi, giữ lại điều quý báu, sách vẫn dày 100 quyển, vấn đáp vẫn hơn 340 đoạn, mỗi đoạn nghĩa lý đầy đủ, người học xem qua không còn than thở là mênh mông quá, hay phân vân không biết quy hướng nẻo nào”.

Bài tựa Tông Cảnh Lục của Dương Kiệt trong bản do Ngụy Đoan Hiền Vương khắc ghi: “Người học khắp nơi rất ít được thấy bản này”, đủ thấy bản này đã thất truyền và bản của ngài Ngẫu Ích hiệu đính chính là căn cứ vào bản mới của ngài Pháp Dũng, vì thế bản đang lưu hành hiện nay là bản do các ông Pháp Dũng v.v… tự ý thêm các tạp thuyết vào, mà chẳng phải là bản gốc của thiền sư Diên Thọ. Nhưng các ông Pháp Dũng v.v… cũng không sửa đổi hết diện mục của nguyên tác Tông Cảnh Lục, ngài Ngẫu Ích nói: “Tuy bị Pháp Dũng thêm vào tạp thuyết, nhưng với người có đôi mắt trạch pháp thì có thể lập tức phân biệt được vàng thau”.

Toàn bộ Tông Cảnh Lục hơn 800.000 chữ, chia làm ba chương, nửa phần đầu quyển một là chương nêu tông chỉ từ nửa phần sau quyển 1 đến quyển 93 là chương vấn đáp, từ quyển 94 đến quyển 100 là chương dẫn chứng. Chương nêu tông chỉ “lấy chánh tông làm chỗ hướng về”, chương vấn đáp “dùng hỏi đáp để trừ bỏ nghi ngờ”, chương dẫn chứng “dẫn kinh điển để gây niềm tin trọn vẹn”, Chánh tông tức là “lấy nhất tâm làm Tông”; nhất tâm tông này “chiếu soi muôn pháp như Cảnh (gương)”; biên tập nghĩa lý của Thánh hiền, toát yếu các lời trong kinh điển gọi là Lục. Qua ý nghĩa của nhan đề Tông Cảnh Lục như thế, người đọc có thể hiểu được phần nào nội dung.

Quyển 1, thiền sư Diên Thọ trình bày mục đích biên tập Tông Cảnh Lục: “Chọn cốt tủy Thiền tông, nêu kỉ cương giáo võng khiến những phiền não, lỗi lầm vi tế hoàn toàn sạch hết, tông chỉ nhiệm mầu, khởi ý đều thông. Có khả năng phá tan núi thất mạn, lấp bít con đường lục suy, trần lao ngoại đạo đều bị điểm mặt, quân ma sinh tử không còn bóng dáng”. “Cốt tủy Thiền tông”, “kỉ cương giáo võng” theo quyển 34, Giáo là Hoa Nghiêm, Tông tức Đạt-ma, nhân vì Hoa Nghiêm là kinh khai thị sự rộng lớn của “nhất tâm”, Đạt-ma hiển tông chỉ tâm tánh chúng sinh, kỳ thật vẫn không ra ngoài quan điểm của tông Pháp Nhãn, ngài Pháp Nhãn lúc tham vấn thiền sư Quế Sâm ở viện Địa Tạng khởi nghi tình: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức” được thiền sư Quế Sâm khai thị: “Nếu luận về Phật pháp thì tất cả đều sẵn có” mà đại triệt đại ngộ. Hiện nay trong ngữ lục của Tổ Pháp Nhãn còn có: Tam Giới Duy Tâm TụngHoa Nghiêm Lục Tướng Nghĩa Tụng. Bộ Tông Cảnh Lục dẫn dụng kinh Hoa Nghiêm và lý luận của tông Hiền Thủ rất nhiều để giải thích “Nhất tâm”, đặc biệt tại quyển 46 ghi: “Nếu muốn thoát khỏi hai kiến chấp đoạn thường cần phải thấu rõ lục tướng nghĩa môn của Hoa Nghiêm, thì có thể tự tại đối với pháp tự quên năng sở, tùy duyên động tịnh, không hoại hữu vô, đủ đại tổng trì, cứu cánh không lầm lỗi”. Hiển nhiên là phát triển quan điểm của Tổ Pháp Nhãn.

Tông Hiền Thủ hưng khởi sau tông Thiên Thai và tông Từ Ân (tông Pháp Tướng). Các ngài Pháp Tạng, Trừng Quán học rộng về giáo nghĩa và học thuyết viên giáo trùng trùng vô tận, viên dung vô ngại, rất tương hợp với chủ trương của Thiền tông “Phật nói tâm là tông, cửa không là cửa pháp”, có lúc tông chỉ Thiền tông được dẫn chứng nghĩa lý Hoa Nghiêm để càng thêm sáng tỏ, vì thế Tổ khai sáng của tông Pháp Nhãn trong ngũ gia tông phái Thiền tông xem trọng Hoa Nghiêm, là một hiện tượng tất nhiên xuất hiện trên lịch sử phát triển Phật giáo.

Tông Cảnh Lục quyển 2 ghi: “Nhất tâm là gì ? Tánh không hai của tất cả các pháp chân vọng nhiễm tịnh gọi là Nhất. Chỗ không hai này là sự thật trong các pháp, không đồng như hư không mà có tánh hiểu biết linh diệu, gọi là Tâm”.

Quyển 45 đề xuất: “Nhất tâm là tánh của muôn pháp, muôn pháp là tướng của Nhất tâm”, “cần phải tánh và tướng đều thông, mới được mình và người đều lợi ích”.

Quyển 28 ghi: “Vốn là lý diệu tánh vô tận nhất tâm chân như, do vì thể dụng khép mở, tánh tướng tương nhập, lý sự trùm khắp, duyên tánh y trì, nghĩa chia nhiều thứ, nói hẹp là lục tướng, nói rộng là thập huyền… thảy đều được đưa vào trong Tông Cảnh”.

Đây là dùng giáo nghĩa Hoa Nghiêm giải thích về “tâm tánh” của thiền gia, nhân đó mà nhấn mạnh đến tác dụng tự tại viên dung và đốn ngộ Nhất tâm. Như quyển 38 ghi: “Tông chỉ sâu xa của bộ Tông Cảnh này là tự tại viên dung, nghĩa là muốn một thì một, muốn khác thì khác, muốn còn thì còn, muốn mất thì mất. Khác chẳng ngại một, mất chẳng ngại còn, mới là tự tại. Thường một thường khác, thường còn thường mất, gọi là viên dung”. Quyển 26 ghi: “Bộ Tông Cảnh Lục này không phân biệt nội đạo, ngoại đạo, lợi căn, độn căn, hễ người nào thấy nghe mà tín nhập được thì đều đốn ngộ Nhất tâm, lý sự đầy đủ”. Quyển 27 ghi: “Nếu chưa đạt Nhất tâm thì khi tiếp xúc với mọi sự việc đều thành hư ngụy, chánh hạnh cũng thành tà hạnh, cửa Phật biến thành cửa ma. Nếu vào trong Tông Cảnh này thì không ai qua mà không được lợi lạc, khổ hạnh cũng thành diệu hạnh, tà tông tức là chánh tông”, cho đến nói: “Trong Tông Cảnh này, không có một pháp nào không phải là Phật sự” (quyển 24). “Trong sinh lão bệnh tử đều có thể giác ngộ, trong đi đứng nằm ngồi đều có thể chứng chân” (quyển 66). Nhưng, làm sao mới đạt đến trình độ này ? Quyển 3 ghi: “Một niệm lóng lặng, muôn cảnh mênh mông sáng sủa, vốn đồng một môn bất nhị, đều vào yếu chỉ vô sinh”. Quyển 6 ghi: “Nếu vào thẳng Tông Cảnh muôn việc đều thôi, tình chấp phàm Thánh hết sạch an lạc diệu thường, lìa Tông Cảnh này mà khởi tâm động niệm đều thành lao nhọc”. “Một niệm lóng lặng, muôn việc đều thôi” là trạng thái gì ? Quyển 49 ghi: “Tánh chân như linh thông tự tại chiếu dụng vô cùng không đồng với vật vô tình. Phật tánh là vật sống động không phải vô tri, nhưng không có tâm suy lường. Các thứ tạo tác như huyễn như hóa, như hình nộm, rốt cuộc không có tâm suy lường. Ở tất cả chỗ không bị trói buộc, không trụ trước, không sở cầu, trong tất cả thời, không có một pháp khả đắc”. Đoạn này tương đồng với Lục Tổ Huệ Năng nói: “Trong mỗi niệm, đối với tất cả pháp không trụ, một niệm nếu trụ, niệm niệm liền trụ, gọi là trói buộc”, Mã Tổ Đạo Nhất nói: “Nếu muốn thể hội ngay đạo này, thì tâm bình thường là đạo. Cái gì là tâm bình thường ? Không tạo tác, không thị phi, không thủ xả, không đoạn thường, không phàm, không Thánh. Chỉ như hiện tại đi đứng năm ngồi ứng cơ tiếp vật đều là đạo”, Quy Sơn Linh Hựu nói: “Trong tất cả thời, thấy nghe bình thường, không có tà vạy, cũng không nhắm mắt bịt tai, chỉ cần tình không chạy theo vật là được”. Thiền sư tuy có nói: “Chỉ quý con mắt ông chánh, không quý hành vi của ông” nhưng đặc biệt chú trọng một niệm tâm hành “tình không chạy theo vật” này, có thể nói là điểm đặc sắc của Thiền tông cũng là tâm tủy hành trì của các thiền sư trải qua mọi thời đại. Một niệm tâm hành này từ sự triệt ngộ đối với sự lý mà ra, có lúc trở lại dẫn phát sự triệt ngộ đối với sự lý. Các thiền sư nổi tiếng thường có phong cách siêu phàm, đạo hạnh đáng làm mẫu mực, tự tại giải thoát ngồi tịch đứng chết, đều là từ cái này hàm dưỡng mà ra. Toàn bộ Tông Cảnh Lục tuy hỏi đáp liên miên, dẫn chứng phong phú mà cũng đều chỉ xoay quanh một vấn đề này, vì thế Tông Cảnh Lục chính là một trứ tác theo hướng mượn Giáo để chứng minh Tông, mà không làm lẫn lộn Tông vào Giáo. Do đó trong chương vấn đáp chiếm 99 quyển tuy bày ra la liệt giáo nghĩa Thiên Thai, Hiền Thủ, Từ Ân mà đều hội thông về một mối là dùng Giáo để chứng minh sự nhiệm mầu sâu xa của Tâm tông, hoàn toàn không có phân biệt dị đồng khi giải quyết vấn đề trên mặt giáo lý, đây là một đặc điểm lớn của Tông Cảnh Lục.

Theo nghiên cứu của Đại sư Ngẫu Ích, chương vấn đáp của sách này chia làm hơn 340 đoạn, mỗi đoạn bao quát nhiều vấn đề. Từ quyển 46 trở về trước, phần nhiều hỏi về pháp tánh. Từ quyển 47 về sau phần nhiều bàn về pháp tướng. Nhưng sự phân chia này chỉ tương đối, vì trong lúc bàn về vấn đề pháp tánh cũng có nói đến pháp tướng và ngược lại.

Trong lúc bàn bạc dẫn chứng về các vấn đề tánh tướng thì văn nghĩa có rất nhiều chỗ trùng phức, quyển 100 ghi: “Tuy trước dẫn sau chứng, văn rộng nghĩa nhiều, nhưng lời nào cũng vì lợi ích căn cơ, mỗi lần nghe qua đều mới mẻ, cho nên đâu chán lặp lại, xin chớ sinh tâm khinh thường”. Còn ghi: “Nay nghe trong mỗi quyển của Tông Cảnh Lục, trong mỗi lời văn, lớp lớp trình bày đạo lý, mỗi mỗi đều giương cao tông chỉ, cốt nuôi lớn gốc bồ-đề, thành tựu niềm vui Chánh pháp. Xin đừng xao lãng mà chán nghe nói đi nói lại nhiều lần”. Đủ biết, thiền sư Diên Thọ biên tập Tông Cảnh Lục chỉ là mượn Giáo để chứng minh Tông, để người đọc có niềm tin trọn vẹn đối với Tông, chứ hoàn toàn không có ý giải quyết các sự phân tranh của giáo thừa.

Chương dẫn chứng, Ngài dẫn chứng 120 bộ kinh Đại thừa, 120 bộ ngữ lục của Tổ sư, 60 tập của Hiền Thánh, cộng chung 300 bộ. Trong Tông Cảnh Lục bảo tồn được một số văn hiến quý báu, ví dụ như hai đoạn pháp ngữ của ngài Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư đều chưa thấy ghi trong các sách Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Cổ Tôn Túc Ngữ Lục… Ngoài ra, trong chương vấn đáp dẫn dụng các sách Trung Luận Huyền Xu, Duy Thức Nghĩa Cảnh… hiện nay đã thất truyền, may nhờ Tông Cảnh Lục bảo tồn được một ít tài liệu mà chúng ta biết được đại khái nội dung của các sách ấy.

Tông Cảnh Lục được biên tập vào thời kỳ sự tai hại đang phát triển khá nghiêm trọng do các thiền sư xem thường nghĩa học, có ý nghĩa rất lớn đối với việc giáo dục trong giới Phật giáo. Vì thế, thiền sư Bảo Giác (1025-1100) nói: “Tôi hận gặp sách này quá trễ, văn nghĩa cao sâu chưa từng thấy ở đâu khác, đều đầy đủ trong bộ sách này” (Nhân Thiên Bảo Giám). Ngài chẳng những tay không rời quyển, chăm chăm nghiên cứu, mà còn toát yếu lại thành Minh Xu Hội Yếu (3 quyển) khắc bản lưu thông về sau, Ngài lại còn soạn Tông Cảnh Quảng Xu (10 quyển) (theo Tịnh Từ Tự Chỉ). Bộ Tông Cảnh Lục quá đồ sộ nên rất bất tiện đối với người tham khảo; vì thế vua Thế Tông (Ung Chính) đời Thanh viết trong bài Hậu Tự Tông Cảnh Lục: “Sách này trải qua các đời từ Tống, Nguyên, Minh đến nay, các bậc cổ đức của Tông môn, không thiếu người sáng suốt mà chưa từng thấy có ai khen ngợi là hy hữu đệ nhất, cũng có thể nói là lạ!”. Nói Tông Cảnh Lục sau khi hoàn thành mà không được ai khen ngợi là không đúng sự thật, nhưng nói không có nhiều người đọc tác phẩm này thì có thật. Ngay như vua Ung Chính cũng xem trọng Tông Cảnh Lục: “Trẫm cho rằng từ khi Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang đây, các sách vở trong Tông môn bàn về diệu tâm Phật, nối huệ mạng Phật, rộng độ chúng sinh, lợi ích vô tận, chưa có sách nào bằng sách này”. Chính ngài còn ghi lại phần cốt tủy mang tính khái quát và chỉ lấy hai phần mười của bộ Tông Cảnh Lục biên thành một quyển Tông Cảnh Đại Cương, dùng thế lực của nhà vua truyền bá rộng rãi nhưng cũng không đạt đến được mục đích “hễ là người có tâm đều vào tông này”, vì hai nguyên nhân:

  1. Thiền tông phát triển đến đầu nhà Thanh đã quá suy vi.
  2. Chính bản thân của Tông Cảnh Lục đồ sộ quá, bất tiện cho người tham khảo.

Phật Tổ Lịch Đại Thông Tải 18 ghi: “Vua nước Cao Ly đọc ngôn giáo của Sư (Diên Thọ), sai sứ mang thư đến xin được nhận làm đệ tử, dâng ca-sa kim lũ, chuỗi thủy tinh, tịnh bình bằng vàng… Ba mươi sáu vị tăng Cao Ly được Sư ấn chứng, trở về nước mỗi vị hoằng hóa một phương”. Qua các sự kiện kể trên đủ cho chúng ta thấy được tài đức của tác giả và giá trị của bộ Tông Cảnh Lục này.

(Định Huệ lược dịch từ Độc Tông Cảnh Lục của Dục Chi)

 

BÀI TỰA

Đời Đại Tống, nước Ngô Việt, tọa chủ chùa Tuệ Nhật,
thiền sư Vĩnh Minh, Diên Thọ biên tập.

Nguồn chân lặng lẽ, biển giác trong lặng, dứt bặt danh tướng, tuyệt dấu năng sở. Ban sơ bất giác chợt khởi tâm động niệm thành nguyên do của nghiệp thức là lỗi của giác minh. Nhân “minh” khởi “chiếu”, kiến phần bỗng khởi, tùy chiếu lập trần, tướng phần bày ra. Như gương hiện hình tượng chợt khởi thân căn, kế đến tùy tưởng mà thế giới thành sai biệt, sau đó nhân trí mà có sự yêu ghét chẳng đồng. Từ đây quên chân, mất tính, chấp tướng, theo danh, tình trần trệ trước, kết sóng thức tương tục, khóa kín chân giác vào đêm mộng, trầm mê trong ba cõi, mù lòa trí nhãn nơi đường tăm tối, lăn lóc tới lui ở trong chín nẻo, bị khổ não vì nghiệp ràng buộc, mất cửa giải thoát. Trong không thân lại thụ thân, trong không cõi mà lập cõi. Căn cứ y xứ thì phân ra hai mươi lăm cõi, nói về chính báo thì có đủ mười hai loài, đều từ tình tưởng mà ra y chính sai biệt, trên cảnh chẳng dời đổi, uổng chịu luân hồi, không có lối thoát nên tự sinh trói buộc. Như tằm làm kén, tợ bướm lao vào đèn; đem sợi tơ vọng tưởng nhị kiến quấn chặt chất nghiệp của khổ tụ; dùng đôi cánh vô minh, tham ái quạt vòng lửa sinh tử; dùng lời nói như tiếng vang trong hang động luận bàn vẻ đẹp, xấu của bốn loài chúng sinh; lấy gương tâm vọng tưởng bày ra hình nghi của ba cõi. Sau đó, gió tưởng trái thuận xao động biển giác, nước tham si ái rưới nhuần mầm khổ, một bề dong ruổi theo trần, chẳng biết trở về cội gốc. Phát tri kiến cuồng loạn, che mờ tự tâm, lập sắc thinh huyễn hóa rồi nhận là pháp khác. Từ đây một khi chạm cảnh dần dần thành đỉnh cao trắc trở. Giọt nước làm gợn sóng lăn tăn cuối cùng dậy sóng to nuốt chửng con thuyền. Sau này lại muốn quay về nguồn cội, căn cứ vào căn tính lợi độn không đồng nên trong pháp giới chân như nhất chân mở ra ba thừa, năm tính. Hoặc có người thấy không mà chứng quả; hoặc có người liễu duyên mà thể nhập chân; hoặc có người trải qua ba a-tăng-kỳ huân tu dần dần đầy đủ các hạnh môn; hoặc có người chỉ một niệm viên tu chóng thành Phật đạo. Về sự khắc chứng thì có khác nhau, nhưng một tính không khác. Vì thành lập cái tên phàm Thánh nên tợ như phân ra tướng chân tục. Nếu muốn thấu suốt sâu xa tận cội rễ, thông đạt tột cùng tông chỉ thì căn bản tính lìa, tất cánh tịch diệt, dứt sự sai khác của lên xuống (thăng trầm), không có sự sai khác của trói mở (phược thoát), đã không có người ở thế gian, cũng không có người diệt độ, hai mé (thế gian và xuất thế gian) bình đẳng, một đạo thanh hư, thức trí đều không, danh thể đều lặng. Không có gì cả chỉ một chân tâm. Đạt được tâm này gọi là người thấy đạo, mê tâm này gọi là khởi đầu cho sinh tử. Lại có những kẻ tà, ngoại đạo, trí kém, căn tính hẹp hòi không biết rõ gốc bệnh sinh tử, cũng chẳng hiểu rành gốc kiến chấp ta người (ngã, nhân), chỉ muốn chán ồn náo, chê bai động, phá hoại tướng, chia chẽ trần. Tuy nói rằng nếm được cái không tĩnh lặng mờ tối nhưng họ không biết đã vùi lấp chân như, trái nghịch tính giác. Như không biết bệnh nhặm mắt mà chỉ lo diệt những vòng ánh sáng trên đèn. Không xét kỹ thân huyễn ở trong thức tình, luống tránh bóng nắng giữa trưa, điều ấy chỉ làm nhọc hình thể, mệt tâm trí, mất sức, tốn công chẳng khác nào đã đủ nước lại thêm băng, ném củi vào lửa cháy. Đâu biết những vòng ánh sáng theo mình là bóng giả từ mắt bệnh, trừ bệnh mắt rồi các đốm sáng tự biến mất, dứt cái huyễn chất thì bóng nắng giả dối sẽ không còn. Nếu hay xoay ánh sáng trở về chính mình, nơi cảnh phản tỉnh quán tâm, Phật nhãn sáng thì bóng nghiệp không, Pháp thân hiện thì dấu trần bặt. Dùng gươm trí tự giác mổ lấy hạt tâm châu trong triền phược, đem kiếm tuệ nhất niệm chém phăng lưới vọng kiến chốn trần lao. Đây là ý chỉ tột cùng nguồn tâm này, lời nói thấu đạt thức tính; lời giản dị, nghĩa phong phú, văn thuần phác đến được lý. Dựng cửa nghi ở ngôi nhà chính trí, phát cỏ vọng nơi cánh đồng chân giác. Bệnh lâu càng thâm nhập vào xương tủy, nếu chặt đứt dây mơ rễ má cố chấp chằng chịt thì vật ngã gặp nhằm ngọn lửa trí bừng cháy sẽ tiêu dung trong lò duy tâm; danh tướng chạm phải ánh sáng của mặt trời trí tuệ sẽ bị xoá tan trong biển nhất chân. Đây là pháp nội chứng, đâu phải ở nơi lời nói, tri giải không thể cùng tận, thấy nghe cũng không đến được. Nay vì người chưa thấy mà trình bày diệu kiến vô kiến (cái thấy mầu nhiệm không thể thấy bằng mắt) vì người chưa nghe mà thể nhập viên văn bất văn (cái nghe mầu nhiệm không thể nghe bằng tai), vì người chưa biết mà nói cái chân tri vô tri, vì người chưa hiểu mà thành tựu đại giải vô giải, với hy vọng là nhân ngón tay thấy mặt trăng, được thỏ quên bẫy. Giữ gìn một tông sâu kín, bỏ lời, xét lý, biết rõ muôn vật từ ta, sáng tỏ diệu giác tại thân. Có thể bảo là moi tìm cội rễ bí ẩn, dò xét hang lý thẳm sâu. Chọn lấy cốt tủy của thiền tông, nêu ra giềng mối của lưới giáo, còn chút xíu tỳ vết mê lầm cũng liền hoàn toàn sạch trong (viên tịnh). Huyền tông, diệu chỉ, đại ý phơ bày có khả năng phá dẹp núi thất mạn (bảy thứ kiêu mạn) trọn ngăn bít nẻo lục suy (lục trần cũng gọi lục tặc), ngoại đạo trần lao thảy đều té ngửa kêu la, quân ma sinh tử hoàn toàn lặng bóng im hơi. Hiện tự tại lực, bày đại uy quang, chỉ ra hạt trân châu, sử dụng lợi ích vô tận, nghiêng tạng bí mật, cứu giúp khắp cả không cùng. Có thể nói trong các thứ hương xông là hương ngưu đầu, trong những vật báu tìm hàm con ly long, trong các loài hoa hái hoa linh thoại, trong các ánh sáng chiếu rực thần quang, trong các thức ăn nếm vị nhũ mi, trong những thứ nước uống giọt cam-lộ, trong các thứ thuốc dùng thuốc cửu chuyển (chín vòng, ý nói nấu luyện kim đan nhiều lần); trong các chủ nhân gặp được Thánh vương… Thế nên được lên đỉnh núi cao pháp tính, bỗng lạc vào những ngọn chót vót; biển đề-hồ bao la nuốt trọn sóng nước các dòng, tựa như điểm sáng của hồn phách trong đêm vút bay, làm mờ ánh sao Tiểu thừa, như vầng hồng của bình minh phá tan bóng tối ngoại đạo. Cũng như kẻ nghèo pháp tài chợt gặp một khối báu lớn, như người khát được gặp ao nước trong mát, như làm vị Trời được chúng sinh kính ngưỡng, như làm đấng cha lành Bồ-tát, như người mang bệnh nặng may mắn gặp được Dược Vương chữa trị, như kẻ không biết đường hiểm nạn chợt gặp người hướng dẫn tốt, sáng suốt, như người lâu ngày ở trong nhà tối bỗng gặp ánh sáng của ngọn đuốc báu, như người thường sống lõa hình bỗng nhận được áo trời tuyệt diệu, chẳng tìm cầu mà tự được, không gắng công mà chóng thành. Cho nên biết trong vô lượng cõi nước khó được nghe danh tự, trong kiếp số trần sa ít được truyền trao. Do những nhân duyên trên, đây gọi là gương tâm (tâm cảnh), bày hiện nhất đạo mà rỗng sáng chiếu soi. Soi rõ bọn tà mà một mảy may chẳng chứa. Diệu thể không riêng, viên quang chẳng ngoài, biển giáo nghĩa vô biên thảy đều trở về trong sự xoay đầu nhìn lại, hình dung của muôn vật hết thảy cùng đi vào trong sự chiếu soi. Đây là ý chỉ của nhất vị Tào Khê, chư vị Tổ sư đều truyền, là tông bất nhị nơi Rừng Hạc (Hạc lâm) mà kinh điển đều nói nên có thể bảo là chỗ vô cùng sâu xa của muôn điều thiện, là nguồn huyền của mọi thứ luận triết, là bảo vương của một chữ, là nguyên tổ của mọi loài, bèn khiến lìa tâm cảnh, văn lý đều rỗng, liền biết đó là trần. Lời nói ra có chứng cứ, hải ấn nhất tâm giai định viên tông, đèn trí của tám thức chiếu phá tà ám. Nói thật ra là đền thiêng của hàm linh, nghĩa tông của vạn pháp chuyển biến vô cùng, vận dụng linh hoạt, tự tại, tùy duyên bày dấu, theo vật thành danh. Chư Phật thể chứng gọi đó là tam-bồ-đề, Bồ-tát tu hành gọi đó là lục độ vạn hạnh. Hải Tuệ biến đó thành nước, Long Nữ dâng đó là hạt châu, Thiên Nữ rải cúng đó là hoa vô trước, Thiện Hữu tìm kiếm đó là báu như ý, Duyên giác ngộ đó là thập nhị duyên khởi, Thanh văn chứng đó là tứ đế nhân không, ngoại đạo giữ chặt đó là sông tà kiến, chúng sinh chấp đó là biển sinh tử. Luận về thể thì khéo hợp chí lý một cách vi diệu, luận về sự thì khế hợp chính duyên một cách xâu xa. Tuy trình bày tổng môn của pháp giới, song cần phải nói rõ yếu chỉ riêng của Nhất thừa và nghĩa của các thứ tính tướng. Bậc Đại giác do viên thông lớp lớp liền cửa vào, chỉ có bậc chủng trí được diệu đạt. Chỉ vì người căn cơ yếu kém, ít học không thể thấu suốt, không biết hai môn tính tướng, chính là thể dụng của tự tâm. Nếu có đầy đủ dụng mà đánh mất thể thường hằng cũng như không có nước mà có sóng. Nếu được thể nhưng lại thiếu đi môn diệu dụng cũng như không có sóng mà có nước. Thực ra, chưa từng có nước không sóng và cũng không từng có sóng mà không có tính ướt. Nhờ sóng biết được nguồn nước, nguồn nước và ngọn sóng như tính tột cùng và tướng biểu hiện cùng đạt đến nguồn tính. Chúng ta nên biết thể dụng làm thành cho nhau, tính tướng hiển bày cho nhau.

Bây giờ xin nói rõ về môn tổng và biệt; nói rộng về sự đồng và dị, xét về căn nguyên của một pháp, tìm tòi gốc ngọn của các duyên thì có thể gọi là “Tông Cảnh” vì soi chiếu u vi, không sót một pháp nên nghìn thứ sai khác cùng gặp gỡ, mới dệt thành nghĩa rộng rãi, tóm lược yếu văn, trình bày trong một trăm quyển, thảy đều thu về nhất tâm, có thể khiến cho biển giáo pháp sâu nhiệm được nhận biết rõ ràng, niệm niệm sáng tỏ hoàn toàn, vô tận chân tông, chính mắt thấy rõ và tâm tâm khế hợp. Như thần châu ở trong tay, trọn không còn tìm cầu, cũng như cây giác ngộ râm mát hoàn toàn tiêu mất dấu bóng, như nhặt được ngọc thật trong ao mùa xuân có lẫn với sỏi đá, như nhận ra cái đầu của mình trước gương, cuồng tâm chóng hết, có thể nhổ sạch gai tà kiến, chặt phăng gốc rễ nghi, không cần dùng đến một xíu công phu mà mở toang kho tạng báu, chẳng phí một chút sức lực mà nhanh chóng được hạt châu nhiệm mầu. Đây gọi là Nhất thừa đại tịch diệt tràng, thật đúng là nơi tu hành thanh tịnh, đây là cảnh giới Như Lai đã đạt đến, là pháp môn bản trụ của chư Phật. Với tinh thần khuyến khích tất cả người sau nên chỉ rõ tính giác huyền diệu để được trí tuệ tột cùng biển tính, học suốt đến nguồn chân. Chỉ có thức này, tâm này là tôn thắng. Thức này là chỗ chứng của mười phương chư Phật. Tâm này được nói trong suốt một đời giáo hóa của Phật. “Duy tôn” (cái đáng tôn kính hơn hết) là vì nó là chỗ quy về của giáo lý hạnh quả. “Duy thắng” (cái siêu việt hơn cả) vì đó là cho hướng đến của tín, giải chứng, nhập; chư Hiền nương vào đây mà giải thích viết luận nghìn chương, các Thánh thể theo đó tuyên thuyết rộng thành tứ biện. Thế nên chọn lọc những điều kỳ đặc, nghiên cứu tinh vi rõ ràng.

Riêng nêu bày cương tông, giăng rộng lưới Chính pháp, mò bắt cơ địa năm thừa, nhảy vọt lên tầng trời đệ nhất nghĩa, chứng đắc một cách rộng rãi tông này. Lợi ích vô tận thì Chính pháp được an trụ lâu dài, dẹp tan rừng tà của ngoại đạo, có khả năng cứu giúp muôn loài, lấp bít dấu xe loạn của Tiểu thừa, như thế thì không tà, không chính, hữu ngụy đều không. Vì tự lợi cho nên phát ra gốc trí đức, vì lợi tha cho nên lập ra việc ân đức, do thành tựu trí đức nên khởi lòng từ vô duyên giáo hóa, do thành tựu ân đức nên đem tâm bi đồng thể cứu độ. Với đồng thể thì tâm khởi vô tâm, với vô duyên thì giáo (hóa) thành đại hóa (giáo hóa rộng rãi). Vì tâm khởi vô tâm nên chẳng có (niềm vui) hạnh phúc nào mà chẳng ban cho; vì hóa thành đại hóa nên chẳng có khổ đau nào mà chẳng dẹp bỏ. Không có hạnh phúc nào mà không ban cho thì kẻ trí, người ngu đều xem như nhau, chẳng có khổ đau nào mà chẳng dẹp bỏ thì kẻ oán, người thân không khác. Như thế là khiến cho ba thứ cỏ hai loại cây đều được tươi tốt trên một mảnh đất. Hạt giống tà, mầm mộng cháy đều được đều thấm nhuần một trận mưa. Thật là vô cùng tốt đẹp, không gì sánh bằng, có thể nói là bao quát hết cửa nhân, tìm suốt đến biển quả, cho nên người được khai phát bồ-đề, người mới câu bát-nhã, biết rõ manh mối thành Phật, viên đốn không trệ ngại, biết rõ con đường trở về nhà, tiến thẳng tới không nghi. Nếu người lìa con đường này tu hành khác tùy theo chỗ hiểu sai lầm của mình thì giống như gõ sừng lấy sữa, vin cây tìm cá dù trải qua ba a-tăng-kỳ trọn chẳng được gì. Nếu y theo tông chỉ này tin nhận, gìn giữ và phát huy như con thuyền lướt nhanh theo dòng nước không chút trệ ngại lại gặp gió thuận và thêm sức mái chèo thì sẽ chóng đến Bảo sở, bỗng chốc tới bờ giác. Có thể nói là tư lương sắp đặt sẵn, đạo quả thành tựu trước, mặc y thượng hạnh của ngài Ca-diếp, ngồi tòa pháp không của Phật Thích-ca, lên lầu Tỳ-lô của Di-lặc, vào thân pháp giới của Phổ Hiền, hay khiến người khách làm kẻ tôi tớ để được lãnh tất cả gia nghiệp của Trưởng giả; chợt làm cho hàng Tiểu quả chìm trong không tịch chóng được Như Lai thụ ký. Chưa có một môn chẳng thông đạo này thì chắc chắn không một pháp chẳng khế hợp tông này. Bậc giác vương thời quá khứ nhân đây thành Phật, hàng Đại sĩ vị lai nhờ đây chứng chân thì pháp môn nào mà không mở bày, nghĩa lý nào mà chẳng biểu hiện, không một sắc nào chẳng phải là tam-ma-bát-địa, không một thinh nào chẳng phải là môn đà-la-ni, nếm một vị mà biến khắp thành đề-hồ, ngửi một hương mà đều vào trong Pháp giới. Cây gió, bãi trăng đều có thể truyền tâm, cồn khói rừng mây đều bày diệu chỉ, mỗi bước dẫm trên cõi kim sắc, mỗi niệm ngửi mùi hương chiêm-bặc; vốc nước biển mà được trăm sông, đến tu-di đều đồng một sắc. Rực rỡ chừ! Mở mắt xem vạn tượng, thảy đều trở về tự tông, lặng lẽ dẫn tâm tìm châu đều quay về bản pháp, khiến cho núi tà rơi mũi nhọn, biển khổ thu cuộn sóng, dùng mái chèo trí an ổn lướt trên dòng để vượt lên đỉnh biếc vút cao. Ngày nay biết rõ chính tông của kinh luận, đại ý của Phật Tổ, tỉa bớt văn tự rườm rà, chỉ tìm lấy yếu chỉ, tạm mượn sự vấn đáp để dẫn giải, chứng minh rộng rãi. Nêu ra nhất tâm làm tông soi chiếu muôn pháp như gương và ghi chép ý nghĩa sâu xa từ các trước tác của Cổ đức, tóm lược giáo lý viên đốn trong bảo tạng nên gọi là “Lục”, phân làm một trăm quyển, có ba chương: đầu tiên là lập chính tông để làm nơi hướng về; kế là vấn đáp để loại bỏ nghi tình; sau là dẫn lời chân thật của kinh điển để thành tựu đức tin trọn vẹn và đem pháp lành vi diệu này ban rải khắp mọi loài, đồng báo ân Phật, cùng truyền tông chỉ này.

 

 

CHƯƠNG 1
QUYỂN 1
LẬP CHÍNH TÔNG

Chư Tổ nêu bày chân lý thiền, truyền chính tông bằng sự im lặng khế hội. Đức Phật phô diễn Giáo môn, lập đại chỉ bằng lời nói, bậc hiền Thánh đi trước đều vâng theo, người sau hướng về. Thế nên, trước tiên xin nêu ra chương Tông Chỉ. Vì có nghi nên hỏi và vì giải quyết điều nghi nên đáp. Nhờ có hỏi mà nghi tình mở ra và nhờ đáp mà diệu giải thầm phát sinh, chỗ gọi là Viên tông này khó tin, khó hiểu, đây là lối nói bậc nhất, dành cho căn cơ tối thượng. Nếu tạm dùng lời nói thì không thể làm tiêu tan tình chấp. Nhân ngón tay chỉ được thấy mặt trăng, không gì chẳng phải là môn phương tiện, được thỏ quên bẫy, tự hợp với đạo thiên chân. Kế đến là chương Vấn Đáp. Chỉ vì đương thời mạt pháp hiếm gặp được bậc đại cơ đại dụng, xét thấy đa phần tri thức cạn cợt, tâm tính thô phù, căn khí kém cỏi, trí tuệ hạ liệt, tuy biết có chỗ hướng về tông chỉ, vấn đáp quyết nghi để tiêu dần hoặc chướng. Vì muốn cho người vững tin nên phải nhờ đến sự chứng minh, dẫn chứng rộng rãi lời thật của Phật Tổ, thầm hợp với đại đạo viên thường, chúng tôi góp nhặt yếu chỉ trong khắp các kinh luận, viên thành chân tâm quyết định. Sau cùng là chương Dẫn Chứng. Đem ba chương này nhất quán biên soạn tổng quát đầy đủ ở đây.

Hỏi: Tiên đức nói: “Nếu dạy ta lập tông, định chỉ cũng như tìm lông rùa sừng thỏ”. Bài kệ trong kinh Lăng Già nói:

Tất cả pháp chẳng sinh
Chẳng nên lập tông này.

Vì sao lại nêu tên chương này ?

Đáp: Đây là lời nói xóa bỏ sự trệ ngại. Nếu là tông của vô tông thì tông và thuyết đều thông, cổ Phật đều mở cửa phương tiện, Thiền tông cũng vạch một con đường, cần yếu là không nên chấp vào phương tiện mà mê đại chỉ quan trọng và cũng không nên phế bỏ phương tiện mà bặt dứt nói năng. Nhưng trước căn cơ không có giáo pháp, sau khi có giáo pháp thì không có cái chân thật. Giả sử có một giải, một ngộ đều là rơi vào việc về sau, thuộc đầu thứ hai. Cho nên luận Đại Trí Độ nói: “Dùng mắt Phật xem khắp tất cả sự vật trong mười phương tất cả cõi nước còn chẳng thấy không hà huống là có pháp, pháp không rốt ráo hay phá điên đảo, khiến cho Bồ-tát thành Phật. Việc này còn không thể được huống chi là phàm phu điên đảo chấp có pháp”.

Ngày nay y theo lời chư Phật dạy, căn cứ theo người học ngày nay, tùy theo chỗ thấy phát minh tâm tính, lập tâm làm tông. Do đó đức Phật Thích-ca ở Ấn Độ nói: “Phật nói tâm là tông, vô môn là pháp môn”. Sơ tổ Bồ-đề-đạt-ma của Trung Hoa đã nói: “Đem tâm truyền tâm chẳng lập văn tự”. Như thế các đức Phật đời đời trao cho nhau yếu chỉ này, chư Tổ sư truyền nhau cái tâm này. Trên đây là căn cứ vào chỗ lập tông chỉ của chư Phật. Lại chư hiền Thánh lập tông thể, như hòa thượng Đỗ Thuận1 y cứ kinh Hoa Nghiêm lập thể tự tính thanh tịnh viên minh. Đây tức là thể pháp tính trong Như Lai tạng. Từ xưa nay tính tự đầy đủ, ở trong ô nhiễm mà không nhơ, tu sửa mà không sạch nên gọi là tự tính thanh tịnh. Tính thể soi chiếu khắp nơi tối tăm không sót nên gọi là viên minh, lại theo dòng lưu chuyển ở trên nhiễm mà không nhơ, nghịch dòng lưu chuyển trừ nhiễm mà không sạch; cũng có thể ở trong Thánh thể mà chẳng tăng, ở nơi thân phàm mà chẳng giảm. Tuy có ẩn hiển khác nhau nhưng không khác biệt, phiền não che lấp thì thể tính này ẩn mất, trí tuệ khai sáng thì thể tính này hiển hiện. Không phải do sinh nhân sinh ra, chỉ do liễu nhân sáng tỏ. Đó là thể của tự tâm của tất cả chúng sinh. Linh tri chẳng mờ, lặng soi chẳng sót. Không những là tông của kinh Hoa Nghiêm mà cũng là tất cả giáo thể.

Luận Phật Địa lập một pháp giới thể thanh tịnh. Luận nói: “Pháp giới thanh tịnh là tự thể chân thật của tất cả Như Lai, tự tính thanh tịnh từ vô thỉ đến nay đầy đủ tất cả công đức tính tướng vượt hơn con số cực vi trần mười phương thế giới. Vô sinh, vô diệt như hư không, khắp cả hữu tình, bình đẳng đều có như nhau, cùng với tất cả pháp chẳng phải một, chẳng phải khác, chẳng phải hữu, chẳng phải vô, lìa tất cả tướng, tất cả phân biệt, tất cả danh ngôn đều không thể đạt được, chỉ được chứng đắc bởi Thánh trí thanh tịnh. Hiển bày nhị không vô ngã, chân như là tự tính, chư Thánh phần chứng, chư Phật viên chứng. Pháp giới thanh tịnh này là diệu tâm chân như, là nguồn biển quả của chư Phật là đất thật tế của quần sinh”. Đây là lập tên khác của tông, chẳng phải có thể riêng, có người nói: Tông là tôn. Vì lấy tâm làm tông nên nói “Trên trời dưới trời chỉ có ta là tôn quý”. Hoặc có người nói: Thể là tính – Lấy tâm làm thể nên nói biết tất cả pháp là tâm tự tính. Hoặc nói: Người trí cho tâm là trí, tức là cái dụng của bản tính tịch chiếu – Do đó nói là “Tự giác thánh trí hay Phổ quang minh trí” v.v…

Nếu căn cứ nghĩa dụng mà phân tích thì thể, tông, dụng khác nhau, nếu hội quy bình đẳng thì một đạo không sai biệt. Vì thế Hoa Nghiêm Ký Vấn nói hai vị Đẳng giác và Diệu giác hoàn toàn đồng với Như Lai phổ quang minh trí, kết thành “nhập thể” cho nên hội này nói Đẳng giác và Diệu giác đều đồng với Phổ quang minh trí, tức là nghĩa hội quy.

Hỏi: Về lý Đẳng giác đồng với Diệu giác là đúng rồi. Ngoài Diệu giác, có gì đồng với Như Lai Phổ Quang Minh Trí?

Đáp: Nói Đẳng giác, Diệu giác là nói về ngôi vị, Phổ quang minh trí không thuộc nhân quả, trùm suốt nhân quả, nó từ tự giác thánh trí siêu tuyệt nhân quả. Thế nên kinh Lăng Già ngoài vị Diệu giác lại lập thêm vị Tự giác thánh trí. Cũng như Phật tính có nhân có quả, có nhân nhân có quả quả. Do nhân giữ lấy nhân là nhân Phật tính, do quả giữ lấy quả là quả Phật tính. Như vậy Phật tính chẳng phải nhân, chẳng phải quả, Phổ quang minh trí cũng như thế. Thể bặt nhân quả, là chỗ nương của nhân quả thì quả mới đạt tới cứu cánh, cho nên nói Như Lai phổ quanh minh trí hoặc có người gọi là bản vì lấy tâm làm gốc.

Niết-bàn Sớ nói: “Ý chỉ của niết-bàn là các hạnh đều lấy tâm đại niết-bàn làm gốc. Gốc lập thì đạo sinh như không có cương mục thì không lập được, không có các chi tiết thì không có gì phụ trợ. Tông là gốc nên tông cần được dựng lập”.

Hỏi: Nếu muốn sáng tỏ tông chỉ cần thuần nêu cao ý Tổ sư đâu cần phải dẫn chứng ngôn giáo của chư Phật và Bồ-tát để làm chỉ nam, cho nên trong Tông môn nói: Mượn con cua làm mắt (trường hợp con thủy mẫu) mà chính mình không có phần, chỉ thành ông thánh chữ nghĩa chứ không vào được Tổ vị.

Đáp: Từ xưa chẳng phải là chư Tổ một bề không cho xem kinh giáo, nhưng chỉ lo người học không hiểu rõ lời Phật dạy, chạy theo văn tự sinh hiểu biết rồi đánh mất ý Phật. Để giúp cho sơ tâm hoặc nhờ lời nói mà đạt được ý chỉ không tạo tác sự đối trị giữa tâm cảnh, ngay đó liền liễu suốt Phật tâm thì cũng chẳng có lỗi gì. Như hòa thượng Dược Sơn2 suốt đời xem kinh Đại Niết-bàn, tay không rời quyển sách kinh. Một hôm đệ tử hỏi ngài:

– Hòa thượng bình thường không cho người học xem kinh, tại sao hòa thượng lại xem?

Sư đáp: Chỉ là để che mắt.

– Đệ tử xem được không ?

Sư đáp: Nếu ngươi xem thì da trâu cũng phải thủng!

Lại như vị Tổ sư thứ nhất ở Ấn Độ là Ngài Ma-ha Ca-diếp được đức Phật Bổn Sư Thích-ca Mâu-ni truyền tâm ấn đầu tiên và trở thành Sơ Tổ, các tổ sư lần lượt truyền nhau cho đến vị tổ thứ sáu ở Trung Hoa, đều là đệ tử Phật. Nay dẫn lời dạy của Bổn Sư chỉ dạy đệ tử để làm cho mọi người nhân lời nói được gần đạo, thấy được pháp, biết tông, không rong ruổi tìm kiếm bên ngoài, chính mình sáng tỏ ý Phật, được yếu chỉ liền vào Tổ vị. Ai đâu đàm luận về môn đốn tiệm, thấy tính liền chứng viên thông còn nêu ra địa vị trước sau ư! Nếu như thế, nào có gì trái nhau !

Như từ hai mươi tám vị Tổ sư Ấn Độ và Tổ thứ sáu ở Trung Hoa cho đến đại sư Hồng Châu Mã Tổ3, quốc sư Nam Dương Tuệ Trung4, thiền sư Nga Hồ Đại Nghĩa5, thiền sư Tư Không Bản Tịnh6 v.v… đều bác thông kinh luận và viên ngộ tự tâm, khi dạy đồ chúng các vị đều chân thật đem kinh luận dẫn chứng, hoàn toàn không đem tri kiến riêng chỉ vẽ hư dối. Thế nên đóa hoa chân thật vượt thời gian, gió mưa không thể làm rơi rụng. Dùng Thánh ngôn làm định lượng, tà ngụy khó có thể làm dời đổi, dùng chí giáo làm chỉ nam, chỗ nương dựa có căn cứ. Do đó hòa thượng Khuê Phong7 nói: “Thỉ tổ của các tông là Phật Thích-ca, kinh là lời của Phật, thiền là ý của Phật”. Tâm và miệng của chư Phật không hề trái nhau, chư Tổ truyền nhau cội rễ do chính Phật trao lại, Bồ-tát tạo luận trước sau chỉ nhằm triển khai kinh Phật, huống chi từ ngài Ca-diếp8 đến ngài Cúc-đa9 truyền bá rộng rãi gồm cả ba tạng rồi đến các Tổ sư Mã Minh10, Long Thụ11 viết luận giải thích kinh số đến mười muôn kệ, theo sự quán sát hoàn cảnh để giáo hóa chúng sinh không có lề lối cố định. Do đó hễ xưng là tri thức thì pháp nhĩ cần phải thấu tỏ lời Phật ấn khả tự tâm. Nếu không tương ưng với viên giáo nhất thừa liễu nghĩa thì dù chứng Thánh quả cũng chẳng phải cứu cánh. Nay xin ghi chép vài điều dẫn chứng.

Đại sư Hồng Châu Mã Tổ nói: “Đại sư Đạt-ma từ Nam Ấn sang chỉ truyền pháp đại thừa nhất tâm, dùng kinh Lăng Già để ấn tâm chúng sinh vì e người ta không tin pháp nhất tâm này”.

Kinh Lăng Già nói: “Phật nói tâm là tông, vô môn là pháp môn”.

Vì sao Phật nói tâm là tông ? Phật nói tâm là tức tâm tức Phật. Nay nói tức là tâm ngữ nên nói Phật nói tâm là tông.

Vô môn là pháp môn nghĩa là đạt được bản tính không thì không còn một pháp, tính tự nó là cửa vào (môn), tính không có tướng nên cũng không có môn; cho nên nói: Vô môn là pháp môn, cũng gọi là không môn, hoặc sắc môn. Vì sao? Vì không là pháp tính không, sắc là pháp tính sắc. Không hình tướng nên gọi là không, tri kiến vô tận nên gọi là sắc. Do đó kinh nói: Như Lai sắc vô tận, trí tuệ Phật cũng thế. Tùy sinh vào các cõi lại có vô lượng môn tam-muội, xa lìa tình chấp thấy biết trong ngoài, cũng gọi là môn tổng trì, hoặc gọi là Thí môn. Thí môn nghĩa là không nghĩ nhớ các pháp thiện ác trong ngoài cho đến thảy đều là các môn ba-la-mật. Sắc thân Phật là cái dụng của thật tướng Phật.

Kinh nói: “Ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp đều từ tâm tưởng sinh, còn gọi là pháp tính gia diệm (ánh sáng pháp tính) hoặc pháp tính công huân”. Lúc Bồ-tát thực hành bát-nhã lửa trí đốt cháy mọi vật trong ngoài ba cõi đều sạch hết mà trong ấy không tổn hoại một cọng cỏ, bởi tướng các pháp là “như”. Do đó kinh nói: “Chẳng hoại nơi thân mà tùy nhất tướng”. Nay biết tự tính là Phật, trong tất cả thời đi, đứng, nằm ngồi không có một pháp có thể được, cho đến chân như cũng chẳng thuộc vào tất cả tên gọi và cũng không vô danh. Vì thế, kinh nói: “Trí chẳng đắc hữu vô, trong ngoài chẳng tìm cầu, mặc cho bản tính kia và cũng chẳng có cái tâm mặc cho tính kia”.

Kinh nói: “Các loại ý sinh thân, ta nói là tâm lượng. Tức là tâm vô tâm, lượng vô lượng, không tên mới là tên thật, không cầu mới là thật cầu”.

Kinh nói: “Cầu pháp nên vô sở cầu, ngoài tâm không riêng có Phật, ngoài Phật không riêng có tâm, chẳng giữ điều thiện, chẳng làm điều ác, nhơ sạch cả hai bên đều không dính dáng, không tự tính, ba cõi chỉ là tâm”.

Kinh nói: “Sum la vạn tượng là chỗ ấn của một pháp, thấy sắc đều là thấy tâm, tâm không tự là tâm, nhân sắc nên nhận ra tâm; sắc không tự là sắc, nhân tâm nên có sắc”. Do đó kinh nói: “Thấy sắc tức là thấy tâm”.

Quốc sư Nam Dương Tuệ Trung nói: “Pháp thiền tông nên căn cứ lời Phật dạy nhất thừa liễu nghĩa, phù hợp với bản nguyên tâm địa lần lượt truyền trao đồng với Phật đạo, không nên nương vào vọng tình và giáo bất liễu nghĩa càn bướng lấy làm kiến giải, gieo nghi lầm kẻ hậu học không được lợi ích gì cả. Dù nương theo bậc thầy lĩnh thụ tông chỉ nếu phù hợp với giáo liễu nghĩa thì nên theo đó hành trì, nếu phù hợp với giáo bất liễu nghĩa thì chẳng thể chấp nhận. Ví như trùng trong thân sư tử tự ăn thịt sư tử, chẳng phải thiên ma, ngoại đạo có thể phá diệt Phật pháp”.

Khi ấy có thiền khách hỏi: Cái gì là tâm Phật ?

Sư đáp: Tường vách, gạch ngói, các vật vô tình đều là tâm Phật.

Thiền khách hỏi: Như vậy là trái với kinh rồi ! Kinh nói: Lìa các vật vô tình như tường vách, gạch ngói gọi là Phật tính. Nay sư nói: Tất cả vật vô tình đều là tâm Phật, chưa biết rõ tâm và tính là khác hay không khác?

Sư đáp: Người mê thấy khác, người ngộ thấy không khác.

Hỏi: Kinh nói: “Này thiện nam, tâm chẳng phải Phật tính, Phật tính là thường, tâm là vô thường”, nay sư nói không khác, chưa rõ ý này như thế nào ?

Sư đáp: Ông tự y theo lời mà chẳng y theo nghĩa. Ví như mùa lạnh nước đông lại thành băng, đến mùa nóng băng tan thành nước. Lúc chúng sinh mê, kết tính thành tâm, lúc ngộ thì cởi mở tâm thành tính. Ông nhất quyết chấp vật vô tình không phải là tâm thì lẽ ra kinh điển không nên nói ba cõi chỉ là tâm. Kinh Hoa Nghiêm nói: “Nên quán pháp giới tính, tất cả chỉ do tâm tạo”. Nay tôi thử hỏi ông vật vô tình ở trong hay ở ngoài ba cõi? Lại là tâm hay chẳng phải tâm. Nếu chẳng phải tâm thì kinh không nên nói ba cõi duy tâm. Nếu là tâm lại cũng không nên nói vô tính. Ông tự trái với kinh, còn tôi không trái.

Thiền sư Đại Nghĩa ở Nga Hồ nhân được chiếu chỉ vua mời vào cung, ngài hỏi các vị đại sư ở kinh thành: Các đại đức lấy gì làm đạo ?

Có người trả lời: Lấy tri kiến làm đạo.

Sư bảo: Kinh Duy-ma-cật nói: “Pháp lìa thấy nghe hiểu biết”, sao lại lấy tri kiến làm đạo ?

Có người đáp: Vô phân biệt là đạo.

Sư bảo: Kinh nói: “Khéo hay phân biệt các pháp tướng, nơi đệ nhất nghĩa bất động”, tại sao cho vô phân biệt là đạo ?

Hoàng đế lại hỏi: Thế nào là Phật tính ?

Đáp: Chẳng lìa câu hỏi của bệ hạ.

Hoặc có người đáp: Chỉ thẳng sáng tỏ tâm, hoặc phá chấp nhập đạo, dùng nhiều phương cách, chấp định bí mật, vận dụng trí vô đắc, khuất phục tâm hữu lượng, v.v…

Thiền sư Bản Tịnh ở núi Tư Không bảo các đại đức ở kinh thành: “Các vị chớ chấp tâm”. Cái tâm này đều do tiền trần mà có, như bóng trong gương không có thực thể. Nếu chấp thật có thì đánh mất bản nguyên luôn luôn vô tự tính.

Kinh Viên Giác nói: “Lầm nhận bốn đại làm thân tướng của mình, bóng duyên sáu trần làm tướng của tự tâm”.

Kinh Lăng Già nói: “Chẳng rõ tâm và duyên thì sẽ sinh hai thứ vọng tưởng, rõ được tâm và cảnh thì vọng tưởng chẳng sinh”.

Kinh Duy-ma-cật nói: “Pháp chẳng phải thấy nghe, hiểu biết”.

Xin dẫn ba kinh để chứng minh cho lẽ chân thật này.

Đệ tử của Ngũ Tổ là đại sư Trang Nghiêm một đời dạy đồ chúng chỉ đem bốn câu cuối của bài tụng ca ngợi Phật của trưởng giả Bảo Tích trong kinh Duy-ma:

Chẳng nhiễm thế gian như hoa sen
Thường khéo nhập vào hạnh không tịch
Đạt các pháp tướng không quái ngại
Cúi lạy hư không vô sở y.

Người học hỏi: Đây là lời của Phật nói, tôi muốn được nghe lời của chính hòa thượng.

Sư nói: Phật nói tức là ta nói, ta nói tức là Phật nói. Thế nên Sơ Tổ từ phương tây đến khai mở thiền đạo, muốn truyền tâm ấn phải nhờ vào kinh Phật, lấy kinh Lăng Già để chứng minh. Nên biết là phải từ giáo môn mới ngăn dứt được sự hủy báng của ngoại đạo và được người sau thừa nhận. Dòng dõi nhà thiền hưng thịnh, tông phong huyền diệu khắp nơi. Thế nên người sơ tâm mới học chưa tự tỉnh phát, nếu chẳng nhờ chính tông của Thánh giáo thì nhờ vào đâu tu hành tiến đạo, giả sử không tự sinh vọng kiến thì cũng là gặp toàn tà sư, cho nên nói mắt ta vốn chính, do ông thầy mà trở nên tà. Chín mươi sáu phái ngoại đạo Ấn Độ đều thuộc loại này. Vì thế ta nên biết nếu không có dây mực của thợ mộc thì không thể ngay thẳng lý không có giáo thì không thể trọn vẹn. Những điều đã dẫn trên đều là đại thiện tri thức, bậc tông sư tự tại, hàng cự phách trong vườn thiền, là gương sáng của cửa Tổ, dạy một lời mà gió bay chớp nhoáng, nói một tiếng mà núi nghiêng biển cạn, khiến cho vua chúa sớm chiều hết lòng kính ngưỡng, tùng lâm giữ lấy làm qui tắc để người sau vâng theo, hoàn toàn không phải phát xuất từ tâm mình, trái với lời Phật.

Như có giải thích những điều nghi, loại bỏ hư ngụy với mục đích là hiển bày tính và làm sáng tỏ tông, mỗi mỗi đều dẫn kinh văn, trình bày ý Phật đầy đủ. Như thế để cho sự lưu truyền được nối tiếp mãi mãi cho đến sau này, gia phong không đi xuống. Nếu không như thế thì đâu thể tiếp tục hưng thịnh cho đến ngày nay, như thế pháp lực đã chứng nghiệm không dối. Nếu muốn nghiên cứu Phật thừa, truy tìm bảo tạng, nhất nhất đều nên trở về chính mình, mỗi mỗi lời khiến thầm hợp chân tâm. Chỉ đừng nên trên nghĩa chấp văn, theo lời nói sinh (hiểu biết) kiến chấp, ngay đó tìm tòi ý chỉ qua lời nói khế hợp với bản tông, thì trí vô sư sẽ hiện tiền, đạo thiên chân không mờ mịt.

Như kinh Hoa Nghiêm nói: “Biết tất cả pháp tức là tâm tự tính, thành tựu tuệ thân, được giác ngộ không nhờ người khác”.

Chúng ta nên biết giáo pháp có công năng trợ đạo, sơ tâm đâu có thể tạm quên vì biết rõ ràng về sự lợi ích vô biên của giáo pháp nên xin sưu tầm ghi chép. Khi nói đến tông chỉ chỉ phù hợp với căn cơ đốn ngộ như mặt trời chiếu sáng núi cao, như con ngựa giỏi trông thấy bóng roi. Vì thế hòa thượng Đơn Hà nói: “Gặp nhau không trình ra, nêu ý liền biết có”.

Ngày nay Tông Cảnh còn chẳng đợi nêu ra ý chỉ liền tự biết có (tri hữu). Do đó kinh Thủ Lăng Nghiêm nói: “Rõ biết sáng suốt hoàn toàn không do tâm niệm”. Nhướng mày, chớp mắt đã là ngăn che.

Tiên đức có bài tụng:

Vẫn là thêm một câu,
Chớp mắt liền sai trái
Nếu hỏi ý chỉ Tào Khê12
Lại chẳng đợi nhướng mày

Hôm nay vì người ưa thích Phật thừa song thực sự chưa lãnh ngộ nên tạm dùng Tông Cảnh trợ giúp hiển bày chân tâm. Tuy mang văn ngôn diệu chỉ vào đây nhưng cũng giúp cho cả sáu căn cơ trung hạ, tùy theo đương nhân mỗi người đều được lợi ích. Trăm sông tuy thấm nhuần đâu ngại sự hàm chứa bao la của biển lớn, năm núi dù cao vót chẳng ngăn mặt trời chiếu soi khắp. Vì căn cơ khác nhau nên sự ưa thích chẳng đồng, nơi bốn cửa vào tuy khác nhưng khi thấy cái nhất chân thì không khác. Cũng như việc bắt chim, một mắt lưới không thể cho đó là cái lưới; việc trị quốc gia, công lao ở một người nhưng không thể cho rằng một người là một quốc gia.

Như luận Nội Đức ghi: “Một giọt nước không thể nấu thành canh, một mảnh gỗ không thể làm nên nhà, một cái áo không thể gọi là các thứ hình thể, một thứ thuốc không thể trị các bệnh khác nhau, một màu không thể dùng làm lụa thêu ngũ sắc, một âm thinh không thể hòa âm tiếng đàn cầm sắt, một lời nói không thể khuyên nhiều điều lành, một giới không thể ngăn nhiều tội lỗi”.

Đâu nên lấy làm lạ về sự khác biệt giữa đốn tiệm và muốn khiến cho chỉ chuyên một pháp môn. Cho nên nói vì một người, nhiều người cũng như vậy, như vì nhiều người, một người cũng vậy thôi, nào có như sự hiểu biết kém cỏi, tình thức phàm phu mà sinh kiến chấp cục bộ. Ở đây tôi không ngại pháp môn rộng lớn như hư không, chẳng phải tướng, chẳng chống đối các tướng mà phát huy, tợ như pháp tính vô thân chẳng ngại các thứ thân liền hiện. Nên đem nghĩa lục tướng để bao quát cái kiến chấp đoạn thường mới tiêu tan, dùng thập huyền môn dung thông tình chấp thủ xả mới dứt bặt. Vả lại, nếu thật được một nghe nghìn ngộ, được đại tổng trì thì đâu phải mượn lời nói và nhọc công giải thích, như con thuyền đưa người qua bến mê, người hướng đạo dẫn dắt kẻ lạc lối. Hễ còn quan hệ đến ngữ ngôn, đối với chỗ khai thị của viên tông đều là chưa rõ văn tự tính ly tức là giải thoát, mê tính chân thật của tất cả pháp, hướng tâm ra ngoài nắm bắt pháp và khởi kiến chấp trên văn tự. Nay tôi trở lại dùng văn tự để đối trị, chỉ ra cái chân thật. Nếu ngộ bản nguyên của các pháp thì chẳng thấy có văn tự và cũng chẳng thấy một mảy may, mới biết tất cả pháp là tâm tự tính; như thế cảnh trí dung thông, sắc không đều tiêu mất, ngay lúc ấy tự chứng mé viên minh. Lúc thể nhập một pháp bình đẳng, lại còn có pháp gì là giáo mà phải lìa, pháp gì là Tổ mà đáng quí trọng, pháp gì là đốn mà phải giữ lấy, pháp gì là tiệm mà xả bỏ, nếu thế thì đều biết là thức tâm ngang trái sinh phân biệt. Do đó chư Phật khéo lập bày quyền môn, các phương tiện giáo thừa đầy đủ phù hợp các căn cơ, mới được kiến tính liền được vô tâm. Đó là lúc bệnh hết thuốc cũng chẳng dùng đến nữa, giáo quán đều bặt.

Như bài kệ trong kinh Lăng Già:

Chư thiên và Phạm thừa (Thiên thừa)
Thanh văn, Duyên giác thừa
Chư Phật Như Lai thừa
Ta nói các thừa này
Cho đến có tâm chuyển
Các thừa chẳng cứu cánh
Nếu tâm kia diệt tận
Không thừa và kẻ thừa
Không có thừa kiến lập
Ta nói là Nhất thừa
Vì dìu dắt chúng sanh
Phân biệt nói các thừa.

Cho nên Cổ đức nói: Một khi mắt nhặm thì thấy nghìn hoa bay loạn xạ trong hư không, một niệm vọng trong tâm sẽ có Hằng sa sự sinh diệt. Bệnh nhậm trừ, hoa đốm tan hết, cái vọng dứt liền chứng chân thật. Bệnh bớt thuốc giảm, băng tan còn nước. Thuốc thần chín lần chuyển, điểm sắt thành vàng. Một lời nói chí lý chuyển phàm thành Thánh. Tâm cuồng loạn không hết, tâm cuồng loạn hết là bồ-đề, gương tâm sáng sạch xưa nay là Phật.

Hỏi: Qua những điều trình bày trên biết được đại ý, sao lại còn giải thích rộng thêm ở phía dưới ?

Đáp: Bậc thượng căn trí tuệ bén nhạy do túc nghiệp đời trước vừa thấy một chữ của đề mục là đã vào biển trí của Phật, hoàn toàn dứt sạch hoài nghi, chợt sáng tỏ đại chỉ. Như vậy một lời nói không gì chẳng tóm lược hết nhưng thu nhiếp không sót. Nếu xem hết một trăm quyển cho đến nghĩa thú Hằng sa như bảo tạng ở Long cung hoặc kim văn ở Linh Thứu thì tuy nói cách khác nhưng đường lối không khác, mở ra trùm khắp cả pháp giới.

Trước tiên nói sơ lược, sau đó nói rộng chỉ là nhất tâm, trước sau đều là nhất tế, trọn không khác ý chỉ, nhưng khác với tông trước, vì tông ấy nói là do mê tình vọng khởi thủ xả. Người chỉ thấy giấy mực, văn tự đâm ra ngán quyển sách dày cộm, chỉ chấp lặng lẽ vô ngôn, ưa thích tỉnh yếu, đều là mê tâm chạy theo cảnh, trái giác hợp trần, chẳng thấu suốt bản nguyên của động tịnh, chẳng đạt được chỗ khởi của một (nhất) và nhiều (đa). Thiên lệch sinh khởi kiến chấp cục bộ chỉ sợ đa văn, như Tiểu thừa sợ pháp không, tợ như Ba Tuần e ngại các pháp lành. Vì không đạt được tính chân thật của các pháp cho nên theo các tướng chuyển rơi vào hữu vô. Như kinh Đại Niết-bàn nói: “Nếu người nghe nói một chữ một câu trong kinh Đại Niết-bàn, không tác tướng văn tự, không tác tướng ngôn cú, không tác tướng nghe, không tác tướng Phật, không tác tướng nói. Nghĩa như vậy gọi là tướng vô tướng”.

Giải thích: Nếu nói tức văn tự vô tướng là thường kiến, nếu nói ly văn tự vô tướng là đoạn kiến. Nếu chấp tướng hữu, tướng cũng là thường kiến; nếu chấp tướng vô, tướng cũng là đoạn kiến. Chỉ cần mất đi tất cả mọi kiến chấp thuộc tứ cú bách phi tức, ly, đoạn, thường, yếu chỉ liền tự hiện bày. Ngay lúc thể nhập vào Tông Cảnh làm sao văn ngôn, thức trí có thể tuyên nói ư ?

Do đó Tiên đức nói: Nếu tìm kinh chân như liễu tính không thể nghe; nếu tìm pháp thì vào trong núi hỏi Ca-diếp, đại sĩ lĩnh y tại núi Kê Túc, vô tình chẳng cần cầu áo giáp chuyên môn, đây há có thể vận dụng tâm thấy nghe hiểu biết để tìm hiểu cú nghĩa văn tự ? Nếu người tỏ được tông, đạt được tính tuy có nghiên cứu rộng cũng chẳng thấy tướng của một chữ, không hề khởi sự hiểu biết trên ngôn từ. Vì người mê tâm làm vật nên mới sinh ra cái thấy trên giấy mực này.

Cho nên Tín Tâm Minh nói:

Sáu trần chẳng xấu
Lại đồng Chính giác
Người trí vô vi
Kẻ ngu tự trói.

Nếu thấu suốt điều này chắc chắn sáu trần đều là chân tông, muôn pháp thảy đều là diệu lý, đâu còn hạn cuộc nơi kiến giải hẹp hòi mà mê mờ đại chỉ! Há chẳng biết cảnh giới bao la của chư Phật và môn tác dụng của Bồ-tát ư ? Vì thế, nên Long Vương ở biển lớn đặt ra mười nghìn câu hỏi, Phật Thích-ca mở ra tám muôn cửa độ sinh, Bồ-tát Phổ Tuệ trình hai trăm điều nghi, Bồ-tát Phổ Hiền giải đáp hai nghìn luận đề hùng biện. Như pháp môn Phổ Nhãn của kinh Hoa Nghiêm, giả sử có người dùng lượng mực như biển lớn và số bút như núi Tu-di viết một câu trong một nghĩa, một nghĩa trong một pháp, một pháp trong một môn, một môn trong một phẩm của pháp môn Phổ Hiền này cũng chẳng được chút phần huống chi có thể hết được.

Như trong Kinh Đại Niết-bàn, Phật nói: “Sự giác ngộ của ta về tất cả pháp như mặt đất sinh cây cỏ, còn những điều ta dạy chúng sinh như lá cây trong tay, như ta thuyết pháp giáo hóa ở Long cung Bồ-tát Long Thụ tạm thấy có một trăm mười vạn xuất hiện ở thế gian, ở bốn cõi trời còn chưa được một phần trăm”.

Giáo pháp ấy truyền đến Đông độ (Trung Hoa), do đó nói là không đầy đủ hết được huống chi có những điều Phật chưa thuyết pháp ? Đó là vô tận ý chỉ vi diệu, trí thức nông cạn không thể biết được. Pháp môn tính khởi, tri giải kém cỏi làm sao xem thấu như chim én, se sẻ đâu lường được chí của chim hồng, chim hộc; chú ếch trong giếng đâu biết đáy biển xanh sâu thẳm; như sư tử rống to còn chồn cáo không thể rống được; như hương tượng có sức chuyên chở mà lừa không thể kham; như bảo vật của Tỳ-sa-môn kẻ nghèo làm sao bằng được; như kim xí điểu bay xa chim thường không sánh kịp! Chỉ theo tình thức khởi kiến chấp, chỉ chạy theo vật mà đổi dời ý, hoặc nói hữu nhưng không rõ không, hoặc nói không mà không chấp nhận hữu, hoặc nói đơn giản là cái một (nhất) ngoài cái nhiều (đa), hoặc nói rộng là cái nhiều ngoài cái một; hoặc lìa im lặng mà chấp ngôn ngữ, hoặc lìa ngôn ngữ mà tìm im lặng; hoặc căn cứ vào lý ở ngoài sự, hoặc dính mắc vào sự ở ngoài lý, trọn không có thể ngộ viên tông tự tại này. Nói rộng chẳng phải nhiều; đây là cái nhiều trong cái một; nêu ra sơ lược chẳng phải là một; đây là cái một trong cái nhiều. Nói không chẳng đoạn, đây là cái không của hữu nói hữu chẳng thường, đây là cái hữu của không. Hoặc có nói cũng được, đây là nói trong im lặng; hoặc không nói cũng được, đây là im lặng trong nói năng; hoặc lý sự tương tức cũng được, lý này là lý thành sự, sự này là sự hiển bày lý; hoặc lý lý tương tức cũng được vì nhất như không hai, chân tính thường dung hội; hoặc sự sự tương tức cũng được, đây là sự của toàn lý mỗi mỗi vô ngại; hoặc lý sự bất tức cũng được vì lý của toàn sự chẳng phải sự sở y chẳng phải năng y nên chẳng ẩn chân đế; do sự của toàn lý chẳng phải lý năng y chẳng phải sở y nên không hoại tục đế, đây là một biên tế còn mất, đồng thời ẩn hiện. Như khai mở pháp môn Phổ Nhãn đều là nghĩa ở trong lý, như mở ra quyển kinh đại thiên, chẳng phải phô bày văn tự ở ngoài tâm, cho nên kinh nói: “Một pháp hay sinh vô lượng nghĩa, chẳng phải chỗ biết của Thanh văn, Duyên giác, chẳng đồng với cái kiến chấp quyết định thiên khô đơn điệu, thiên lệch đản không”.

Ngày nay diệu chỉ vô tận này đưa ra một pháp mà những pháp có liên hệ theo đó sinh; tính tông viên mãn nêu ra một môn mà các môn đều gặp nhau cả, chẳng thuần, chẳng tạp, chẳng một, chẳng nhiều, như ngũ vị làm thành canh, nhiều màu sắc làm thành lụa thêu, các của báu làm thành kho tàng, trăm thứ thuốc làm thành viên thuốc. Bên ngoài dung thông thì nghĩa vị đầy đủ. Tìm tòi chọn lọc sự vi diệu khắp trong Tông Cảnh gồm có y chính đầy đủ nhân quả vô ngại, nhân pháp không hai, trước sau đồng thời. Phàm nêu lên một môn đều có thể thu trọn vẹn vô tận pháp giới; chẳng ngoài, chẳng trong, chẳng một, chẳng nhiều, buông ra thì đi vào trùng trùng, thu vào thì chân môn tịch tịch. Như trong kinh Hoa Nghiêm, nơi vật trang nghiêm trong tòa sư tử đều xuất hiện thân Bồ-tát số nhiều như vi trần một cõi Phật. Đây là y chính, nhân pháp vô ngại. Lại như giữa chặn mày của Phật xuất hiện các Bồ-tát nhiều như vi trần trong thế giới của Phật như Phật Thắng Âm v.v… Đây là nhân quả trước sau vô ngại cho đến cõi nước vi trần, mỗi mỗi đều đầy đủ trí đức vô biên. Mỗi lỗ lông trên thân, mỗi mỗi đều thu nhiếp pháp môn rộng lớn. Vì sao có điều kỳ lạ, khó nghĩ như thế? Vì là nhất tâm dung chứa nên được như vậy. Nói tóm lại chỉ tất cả vô biên Phật sự sai biệt đều không lìa chân tâm vô tướng mà có, như bài tụng trong kinh Hoa Nghiêm nói:

Phật trụ sâu xa chân pháp tính
Tịch diệt vô tướng đồng hư không
Nhưng ở trọng đệ nhất thật nghĩa
Thị hiện tất cả mọi việc làm
Những điều lợi ích cho chủng sinh
Đều nương pháp tính mà có được
Tướng và vô tướng không sai biệt
Nhập vào cứu cánh đều vô tướng.

Bài tụng trong luận Nhiếp Đại Thừa nói:

Chính các tam-ma-địa,
Phật nói đó là tâm
Do tâm vẽ màu sắc
Như sự nghiệp đã tạo.

Thế nên biết phàm Thánh là do sự tạo tác các nhân duyên chân tục, một niệm tâm này sinh khởi trong một sát-na có đầy đủ sáu nghĩa tam tính tam vô tính. Nghĩa là một niệm của tâm là pháp duyên khởi, là y tha khởi; tình chấp hữu thực là biến kế sở chấp; thể vốn không tịch là viên thành. Tức căn cứ tam tính nói tam vô tính nên đầy đủ sáu nghĩa vậy. Nếu một niệm tâm khởi đầy đủ sáu nghĩa này tức là đầy đủ tất cả pháp, bởi vì tất cả chân tục vạn pháp không ra khỏi tam tính tam vô tính.

Do đó luận Pháp Tính nói: “Hễ có khởi diệt đều chẳng phải là tính. Vì khởi không có tính khởi nên tuy khởi mà không thường; diệt không có tính diệt nên tuy diệt mà không đoạn. Nếu có tính thì chắc chắn sẽ kẹt vào trong lưới bốn thứ kiến chấp.

Lại nói: “Tìm tướng để biết tính, thấy các pháp vô tính, tìm tính để cầu tướng, thấy các pháp vô tướng, thế nên tính tướng suy xét lẫn nhau, thảy đều là vô tính. Do đó nếu chấp tính có thì rơi vào rừng tà của bốn loại kiến chấp, nếu thấu suốt tính không thì quy về chính đạo nhất tâm”.

Thế nên kinh Hoa Nghiêm nói: “Tự mình thể nhập sâu pháp chân thật vô tự tính cũng khiến cho người vào được pháp chân thật vô tự tính thì tâm được an ổn”. Đạt được sự vi diệu như thế mới vào được tông này, ắt hẳn vật vật đều ngầm biểu hiện cái chân thật, lời lời thảy khế hợp với tông chỉ. Nếu chính mình chưa tỉnh giác chẳng phát huy được viên cơ thì nói ra ắt trái tông, im lặng e càng lầm lỗi, đâu có thể dùng tứ cú để nắm lấy sự hiểu biết của lục tình. Nhưng Tổ giáo cùng bày ra định tuệ song chiếu để tự lợi và lợi tha nào có lỗi gì! Giả sử có kẻ chấp chặt kiến giải của mình và không tin, Phật bảo là tự khởi chướng tâm, làm bặt đường học hỏi của người khác.

Nay có mười câu hỏi để định kỹ cương:

1- Được rõ ràng kiến tính như ban ngày nhìn thấy màu sắc tựa như Văn-thù chăng ?

2- Lại gặp duyên đối cảnh thấy sắc nghe tiếng dở chân hạ chân, nhắm mắt, mở mắt đều được sáng tỏ tông, cùng với đạo tương ưng chăng?

3- Khi đọc lại giáo pháp của một đời Phật và nghe sâu ngôn cú của Tổ sư từ xưa chẳng sợ hãi, đều được biết như thật không nghi chăng?

4- Vì những thắc mắc khác nhau được đem ra cật vấn ngài có thể đầy đủ tứ biện để giải quyết tất cả những điều nghi ấy chăng ?

5- Mọi lúc mọi nơi trí chiếu soi không trệ ngại, niệm niệm viên thông, không thấy có một pháp hay gây chướng ngại, trong khoảng một sát-na chưa từng bị gián đoạn chăng ?

6- Đối với tất cả cảnh giới thuận nghịch tốt xấu trước mắt vẫn không bị gián cách đều biết rõ và phá vỡ được chăng ?

7- Trong tâm cảnh của Bách Pháp Minh Môn mỗi mỗi đều trình bày vi tế chỗ khởi căn nguyên của thể tính chẳng phải là chỗ hoặc loạn của căn trần sinh tử chăng?

8- Hướng trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi thừa nhận hay chỉ lúc mặc áo, ăn cơm, làm việc mỗi mỗi đều rõ được cái chân thật chăng?

9- Nghe nói có Phật không Phật, có chúng sinh không chúng sinh, hoặc khen ngợi, hoặc phỉ báng, hoặc phải hoặc trái, được nhất tâm bất động chăng ?

10- Nghe nói về trí sai biệt đều có thể minh đạt tính tướng và thông suốt lý sự không trệ, không có một pháp chẳng rõ nguyên ủy của nó cho đến nghìn Thánh xuất hiện ở thế gian, được không nghi chăng ?

Nếu thật chưa được công phu như thế, không nên khởi tâm dối trá (qua đầu) qua mặt, hoặc sinh ý tưởng tự cho là đủ, nên cần phải phô bày giáo pháp và rộng hỏi người đi trước, thấu triệt cái nguồn tự tính của chư Phật, đạt đến chỗ tuyệt học không nghi. Lúc ấy mới có thể dứt học, tàn lạnh tâm rong ruổi. Hoặc tự biện thì thiền quán tương ưng, hoặc vì người thì phương tiện khai thị. Dù không thể tham cứu khắp pháp giới nghiên tầm rộng rãi kinh điển, chỉ xem kỹ trong Tông Cảnh tự nhiên cũng được thể nhập. Đây là cửa hướng đạo chính yếu của các pháp, như giữ người mẹ để biết đứa con, được gốc mà biết ngọn, giăng lưới mỗi lỗ lưới đều ngay thẳng, kéo vải mỗi mỗi sợi chỉ đều đến, như lấy gân sư tử làm dây đàn, vừa khảy lên một tiếng tất cả dây đàn khác đều bặt dứt. Năng lực của Tông Cảnh cũng như thế. Đưa Tông Cảnh lên muôn loài đều mất ánh sáng, phô bày Tông Cảnh thì các cửa bặt dấu. Đem một vấn đề này thì phá vỡ nghìn con đường, đâu cần phải khổ nhọc vượt ải qua bến tạo riêng lối tẻ.

Vì thế Chí Công Ca :

Sáu giặc hòa quang đồng trần
Vô lực rất khó gởi gắm
Nội phát giải không vô tướng
Đại thừa lực hay lật nhào.

Chỉ ngay lúc tham khảo sâu xa đạt được yếu chỉ có thể chứng nghiệm cứu cánh chân thật của bản văn này.