tổng biệt

Phật Quang Đại Từ Điển

(總別) Tổng thể và cá biệt, là sự phân chia giữa cái chung và cái riêng. Bao nhiếp toàn thể, gọi là Tổng; chỉ riêng từng phần, gọi là Biệt. Cứ theo luận Đại trí độ quyển 31, các pháp có 2 tính, một là Tổng tính, hai là Biệt tính. Tổng tính như vô thường, khổ, không, vô ngã, vô sinh, vô diệt, vô lai, vô khứ, vô nhập, vô xuất… Còn Biệt tính thì như tính biết của tâm, tính nóng của lửa, tính ướt của nước… Lại như người thích làm các việc ác thì gọi là tính ác; ưa làm các điều thiện thì gọi là tính thiện. Suy rộng ra thì các pháp đều có tổng tướng và biệt tướng khác nhau. Như ngựa là Tổng tướng; còn ngựa trắng thì là Biệt tướng. Về mặt quán tưởng, quán niệm thì có Tổng quán và Biệt quán đối nhau. Lại các tông phái đều lấy kinh làm sở y (chỗ y cứ), gọi là Tổng y; nhưng lấy riêng một bộ kinh nào đại biểu cho tông ấy thì gọi là Biệt y. Ngoài ra còn có các loại pháp tổng, biệt đối nhau, như Tổng tướng niệm xứ, Biệt tướng niệm xứ, Tổng báo, Biệt báo, Tổng ngã, Biệt ngã, Tổng tướng quán, Biệt tướng quán, Tổng nguyện, Biệt nguyện, Tổng an tâm, Biệt an tâm, Tổng hồi hướng, Biệt hồi hướng, Tổng luận, Biệt luận, Tổng thích, Biệt thích… [X. luận Đại trí độ Q.23; luận Trung biên phân biệt Q.thượng; luận Câu xá Q.25, 26; luận Thành duy thức Q.1, 10; Đại thừa nghĩa chương Q.9].