tổng biệt nhị nghĩa an tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(總別二義安心) Hai nghĩa an tâm chung và riêng. An tâm là nhờ sự thể nghiệm việc tu đạo hoặc sự hiểu thấu đối với giáo pháp mà để tâm an trụ ở một chỗ, hầu đạt đến cảnh giới an định bất động. Tổng an tâm là chỉ cho pháp môn an tâm của toàn thể Phật giáo; còn Biệt an tâm thì chỉ cho pháp môn an tâm đặc biệt riêng khác. 1. Hai nghĩa an tâm của tông Thiên thai:Trong thuyết Thập thừa quán pháp của tông Thiên thai có nói đến nghĩa Thiện xảo an tâm chỉ quán, nghĩa là không phân biệt chủng loại khác nhau giữa những người tu hành mà chỉ nói chung về cách dùng pháp Chỉ, Quán để khiến họ an trụ trong đế lí pháp giới, gọi là Tổng an tâm. Nhưng nếu vì căn cơ của những người tu hành có chỗ sai khác, tuy muốn dùng pháp Chỉ, Quán để khiến họ an trụ, nhưng trái lại càng làm cho họ tán loạn thêm. Trong trường hợp này thì nên tùy theo căn cơ khác nhau của mỗi người mà giải thích cho họ nghe, hoặc trước khiến họ tư duy, hoặc dạy họ tu một bên Chỉ, hoặc dạy họ tu một bên Quán, tùy theo căn cơ của mỗi người mà an lập tâm cho họ, gọi là Biệt an tâm. [X. Pháp hoa kinh huyền nghĩa Q.8 hạ; Maha chỉ quán Q.5 thượng]. 2. Hai nghĩa an tâm của phái Trấn tây thuộc tông Tịnh độ Nhật bản:Phái này lấy tâm Yếm hân, tâm Bồ đề làm Tổng an tâm, còn lấy Chí thành tâm, Thâm tâm, hồi hướng phát nguyện tâm làm Biệt an tâm.[X. Quán kinh huyền nghĩa phần truyền thông kí Q.1 (Lương trung); Thích tịnh độ nhị tạng nghĩa Q.11].