tôn thắng đà la ni kinh tràng

Phật Quang Đại Từ Điển

(尊勝陀羅尼經幢) Cây cột đá trên đó có khắc kinh Tôn thắng đà la ni. Kinh Tôn thắng đà la ni do ngài Phật đà ba lợi truyền dịch là nguyên nhân của việc kiến lập các kinh chàng này mà hiện nay còn rất nhiều. Khi hành hương lễ bái núi Ngũ đài, ngài Phật đà ba lợi đời Đường gặp một ông già ở gần núi Tư dương, theo lời khuyên của ông, sư trở về Thiên trúc mang kinh Tôn thắng đà la ni đến Trung quốc. Vào năm Khai thành thứ 5 (840) đời vua Văn tông nhà Đường, một Đà la ni kinh chàng đã được dựng lên ở nơi này để đánh dấu chỗ ngài Phật đà ba lợi gặp gỡ ông già kì lạ. Cây kinh chàng hiện còn là do người đời sau kiến lập, trên đó có bài minh được khắc vào năm Thiên thánh thứ 4 (1026) đời Tống. Phía ngoài chùa Bách pháp, núi Chung nam cũng có 2 cột khắc kinh Tôn thắng đà la ni, một trong 2 cột kinh này được khắc vào năm Thái hòa thứ 5 (831) đời Đường, chữ do ngài Vô khả viết, nơi này là chỗ trà tì(thiêu) ngài Tổng tỉnh thuộc Tam giai giáo. Ở chùa Khai nguyên tại Trịnh châu, Hà nam có Tôn thắng đà la ni kinh chàng hình bát giác, gồm 2 tầng, tầng dười thân cột khắc đà la ni, tầng trên khắc khám thờ Phật, đồng thời có bài văn minh, được tạo lập vào năm Trung hòa thứ 5 (885) đời Hi tông nhà Đường, được dựng lại vào năm Thiên thành thứ 5 (930) thời Minh tông nhà Hậu Đường. Ngoài ra, đà la ni kinh chàng ở thôn Vương long, huyện Cố an, tỉnh Hà bắc được kiến lập vào khoảng năm Thiên phụ (1117-1122) đời Kim, cột có 9 tầng, cao khoảng 7m, đường trực kính lớn nhất khoảng 1m. Tầng nền là thể cột đá 8 mặt, khắc văn kinh Đà la ni, quá trình và niên đại trùng tu kinh chàng, từ tầng 2 đến tầng 4 có Phi thiên được khắc nổi, hình vẽ chim thú, tầng thứ 5 có khắc đoạn văn Thần tán thiên phụ Hoàng đế vạn tuế tề thiên chương đức Hoàng hậu trừ quân thân vương công chúa thiên thu đặc kiến tiêu tai báo quốc Phật đính Tôn thắng đà la ni chàng, tầng thứ 6 là tranh mặt loài thú được khắc nổi, tầng 7, 9 là tượng Phật, tầng 8 là hình hoa sen ngửa, trên cùng là đỉnh cột có hình dáng cây nấm. Tạo hình thanh nhã, nghệ thuật điêu khắc rất tinh xảo.[X. Nhập đường cầu pháp tuần lễ hành kíQ.3].