tôn bà tu mật bồ tát sở tập luận

Phật Quang Đại Từ Điển

(尊婆須蜜菩薩所集論) Cũng gọi: Tôn bà tu mật sở tập luận, Bà tu mật sở tập luận, Bà tu mật kinh. Luận, 10 quyển, do ngài Tôn-bà-tu-mật soạn, ngài Tăng già bạt trừng… dịch vào đời Phù Tần, được thu vào Đại chính tạng tập 28. Nội dung luận này y cứ vào giáo thuyết của Thuyết nhất thiết hữu bộ mà lần lượt giải thích tính tướng các pháp. Toàn sách chia làm 14 kiền độ: Tụ kiền độ, Tâm kiền độ, Tam muội kiền độ, Thiên kiền độ, Tứ đại kiền độ, Khế kinh kiền độ, Cánh lạc kiền độ, Kết sử kiền độ, Hành kiền độ, Trí kiền độ, Kiến kiền độ, Căn kiền độ, Nhất thiết hữu kiền độ và Kệ kiền độ. Trong đó, 13 kiền độ trước tùy chỗ mà nêu nhiếp tụng (kệ tổng quát) để tóm tắt thuyết trong kiền độ ấy. Bồ tát Tôn bà (Mạn đồ la Thai tạng giới)Trong bài tựa ở đầu quyển, ngài Đạo an cho rằng luận này nói rộng về 10 pháp, các pháp muốn nói có lẽ là 10 kiền độ: Tâm, Tam muội, Thiên, Tứ đại, Cánh lạc, Kết sử, Hành, Trí, Kiến và Căn. Cách phân loại này rất giống với 8 kiền độ: Tạp, Kết, Trí, Nghiệp, Đại chủng, Căn, Định, Kiến trong luận A tì đạt ma phát trí và với 11 phẩm: Giới, Hành, Nghiệp, Sử, Hiền thánh, Trí, Định, Tu đa la, Tạp, Trạch, Luận trong luận Tạp a tì đàm tâm. Trong đó, Tạp kiền độ của luận Phát trí có thể nói là tương đương với Tụ kiền độ của luận này, 7 kiền độ còn lại thì tương đương với các kiền độ từ kiền độ Tam muội trở xuống của luận này. Còn 4 phẩm: Hành, Sử, Trí, Định của luận Tạp a tì đàm tâm thì tương đương với 4 kiền độ: Hành, Kết sử, Trí, Tam muội của luận này; 5 phẩm: Hiền thánh, Tạp, Tu đa la, Trạch, Luận thì tương đương với 5 kiền độ: Kiến, Tụ, Khế kinh, Nhất thiết hữu, Kệ của luận này. Cho nên, có khả năng là ngoài 8 Kiền độ của luận Phát trí, luận này đã lại thêm vào 6 Kiền độ Tâm, Tam muội… mà thành 14 kiền độ. Còn 11 phẩm trong luận Tạp a tì đàm tâm cũng có thể đã bỏ bớt Tâm kiền độ của luận này rồi sửa chữa thêm mà thành. Theo thuyết của các học giả cận đại thì tác giả Bà tu mật của luận này và ngài Thế hữu trong 4 vị Đại luận sư của hội Bà sa có khả năng là cùng một người; cũng có thuyết cho rằng luận này có lẽ đã do đệ tử ngài Bà tu mật hoặc người đời sau soạn tập thành sách.[X. Xuất tam tạng kí tập Q.2, 10; Pháp kinh lục Q.5; Khai nguyên thích giáo lục Q.3].