Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần

 

Tôi có cần uống thuốc bổ?

Bệnh nhân nữ, 52 tuổi, không có triệu chứng gì, mọi thứ khoẻ mạnh, lần đầu đến gặp BS để hỏi về thuốc bổ. Hiện nay cô đang uống 5 loại này (hình).
BS nên khuyên gì trong trường hợp này?

Thực phẩm chức năng, TPCN, (dietary supplements, Vitamins) hay còn gọi là thuốc bổ, là một thị trường lớn với 90,000 loại sản phẩm giá 30 tỉ đô la tại Hoa Kỳ. Có đến 70% người lớn tuổi tại Mỹ dùng ít một loại TPCN và 54% người lớn tuổi dùng mỗi ngày ít nhất 2 loại, theo một bài về TPCN đăng từ trường Y Harvard (1).

Tôi thường nói chuyện chủ đề về TPCN trên TV và các báo đài. Ý chính là TPCN không thể và không bao giờ thay thế được chế độ ăn uống cân bằng, khoẻ mạnh từ thực phẩm tươi sống. Tuy nhiên, TPCN có thể có vai trò trong một số trường hợp có rủi ro cao khi thiếu chất trong chế độ dinh dưỡng như Vitamin hay vitamin B12.

Các nghiên cứu về TCPN cho thấy rất ít có tác dụng thực sự. Một nghiên cứu tổng hợp (dựa trên 179 nghiện cứu) về TPCN ở 4 loại được mua nhiều nhất là Vitamin D, Vitamin C, Canxi, và Multivitamin cho thấy dùng 4 loại này không hề giúp ích gì trong việc ngăn ngừa bệnh tim mạch (2), là loại bệnh giết người hàng đầu tại Mỹ.

Tuy nhiên, một nghiên cứu khác, Physician’s Health Study II, về dùng Multivitamin, đăng năm 2012, cho thấy đàn ông giảm được 9% rủi ro ung thư (3). Nghiên cứu này cũng nhận được nhiều chỉ trích do nghiên cứu này chỉ thực hiện trên các BS nam tại Mỹ, đa số là người khoẻ mạnh không có bệnh.

Điều rủi ro cao nhất của TPCN là các chất lượng các loại này không được FDA kiểm soát và khi chúng ta mua sản phẩm trên Amazon, thậm chí Costco, chúng ta cũng không chặc là các sản phẩm này có tác dụng thật sự. Và vì vậy, đa số các sản phẩm, theo luật của FDA, này đều ghi rõ trên lọ là “không có tác dụng chữa trị bệnh” (This product is not intended to diagnose, treat, cure, or prevent any disease.)

# Vậy thì tại sao nhiều người vẫn dùng TPCN?

Các nhà nghiên cứu cho rằng có thể có tác dụng tâm lý, theo BS Manson, GS y khoa tại Harvard (1), và tác dụng tâm lý này có thể làm tinh thần người dùng tốt hơn.

# TPCN vẫn có thể tốt cho một số trường hợp

– Bệnh nhân rủi ro cao thiếu vitamin D nên uống bổ sung vitamin D, nhất là trong mùa Covid-19, vì vitamin D được chứng minh quan trọng trong hệ miễn dịch và sức khoẻ của xương. Uống quá nhiều (thừa vitamin D) lại không tốt. Bệnh nhân loãng xương có thể cần vitamin D và Canxi. Bệnh nhân bệnh mạn tính đường ruột như Crohn disease, không thể dùng Lactose (Intolerance) và bệnh nhân ăn chay trường (không có thịt cá, sữa, trứng) thường dễ thiếu Vitamin B12 nên cần bổ sung vitamin B12. Người lớn tuổi cũng có rủi ro về thiếu vitamin B12 do hấp thu vitamin ít hơn với bệnh viêm bao tử (gastritis)

# Một số tác dụng phụ nguy hiểm của TPCN nếu uống bừa bãi

– Liều Beta Carotene cao có thể dẫn đến ung thư phổi (tôi có nói về chủ đề này trên youtube, antioxidant và ung thư)

– Liều vitamin E cao có thể dẫn đến đột quỵ (4)

– Vitamin K có thể tương tác với thuốc loãng máu (blood thinner)

– Vitamin B6 liều cao có thể dẫn đến tổn thương thần kinh

– Uống quá nhiều Vitamin D có thể dẫn đến sạn thận…

Trở lại câu chuyện bệnh nhân gặp BS ở trên.

Bệnh nhân vừa vào giai đoạn mãn kinh, cô không có triệu chứng gì, xét nghiệm máu cho thấy vitamin D hơi thấp. BS khuyên cô chỉ nên uống Vitamin D, bỏ bớt 4 lọ TPCN kia, dặn cô tập thể dục, ăn uống cân bằng. 3 tháng sau cô trở lại khoẻ mạnh và vitamin D bình thường.

Vì vậy, trước khi quyết định uống TPCN, quý vị nên gặp BS để tìm hiểu về TPCN và cách dùng.

BS sẽ hỏi về cuộc sống quý vị, chế độ ăn uống, thể thao, và kiểm tra xét nghiệm.

Nếu quý vị cần bổ sung TPCN, BS sẽ cho quý vị uống. Đừng tự quyết định uống TPCN hay nghe lời “bác sĩ Facebook” hay “bác sĩ Google”


1. https://www.health.harvard.edu/…/do-you-need-a-daily…
2. https://www.acc.org/…/most-vitamin-mineral-supplements…
3. https://www.acc.org/…/2012/11/05/11/43/phs-ii-cancer
4. http://europepmc.org/article/pmc/pmc2974412