toàn phần nhất phần

Phật Quang Đại Từ Điển

(全分一分) Tiếng dùng trong Nhân minh. Toàn phần là chỉ cho toàn thể sự vật. Như nói về danh tướng chẳng hạn, nếu nêu ra một danh tướng mà có thể chỉ ra toàn thể sự vật, hoặc có thể nói chung cho tất cả danh tướng liên hệ thì đó gọi là Toàn phần. Ngược lại, nếu chỉ nói được một bộ phận trong các danh tướng ấy, hoặc chỉ nói được một danh tướng trong nhiều loại danh tướng thì gọi là Nhất phần. Toàn phần và Nhất phần trong Nhân minh cũng gần giống với ý nghĩa Toàn xưng và Đặc xưng trong Luận lí học(logic). Như trong Ngã là vô thường, Tất cả lời nói đều là vọng thì 2 danh từ Ngã và Lời nói bao quát toàn thể, phù hợp với danh từ Toàn xưng của Luận lí học. Nhưng Toàn xưng và Đặc xưng của Luận lí học nghiêng nặng về hình thức; trong khi Toàn phần, Nhất phần của Nhân minh thì nghiêng nặng về thực chất. Toàn phần thì hoặc dùng một danh tướng để nói về toàn thể sự vật, hoặc nói chung nhiều danh tướng liên hệ; còn Nhất phần thì hoặc chỉ cho một bộ phận của danh tướng, hoặc chỉ cho phần ít của nhiều loại danh tướng, đều thuộc về hàm nghĩa bên trong, không quan hệ gì với hình thức. Lại nữa, Toàn phần có ý nghĩa toàn bộ, Nhất phần có ý nghĩa bộ phận. Như nói A và B có quan hệ toàn phần, tức biểu thị mối quan hệ toàn bộ giữa A và B; còn nói Nhất phần quan hệ thì biểu thị chỉ có một bộ phận quan hệ giữa A và B mà thôi. [X. Nhân minh đại sớ lê trắc (Trầnđại tề)].