Toạ Thiền

Từ Điển Đạo Uyển

坐禪; C: zuòchán; J: zazen; nghĩa là ngồi thiền;
Phương pháp tu tập trực tiếp đưa đến Giác ngộ. Mới đầu toạ thiền đòi hỏi thiền giả tập trung tâm trí lên một đối tượng (ví dụ một Man-đa-la hay linh ảnh một vị Bồ Tát), hay quán sát về một khái niệm trừu tượng (ví dụ như quán tính Vô thường hay lòng Từ bi). Sau đó toạ thiền đòi hỏi thiền giả phải thoát ra sự vướng mắc của tư tưởng, ảnh tượng, khái niệm vì mục đích của toạ thiền là tiến đến một tình trạng vô niệm, tỉnh giác, không dung chứa một nội dung nào. Sau một giai đoạn kiên trì trong vô niệm, hành giả sẽ bỗng nhiên trực ngộ thể tính của mình, đó là tính Không, cái “thể” của vạn vật.
Trong một chừng mực nhất định, toạ thiền đối lập với cách thiền quán Công án vì công án là một đề tài nghịch lí, bắt thiền giả phải liên tục quán tưởng để đến một lúc nào đó bỗng chợt phát ngộ nhập. Trong các phái Thiền Trung Quốc và Nhật Bản, có phái nghiêng về công án (Khán thoại thiền), có phái nghiêng về toạ thiền (Mặc chiếu thiền).
Như từ “thiền” cũng có nghĩa “trầm lắng”, toạ thiền là “ngồi trong sự trầm lắng.” Toạ thiền quan trọng đến mức có người cho rằng không có toạ thiền thì không có thiền. Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng có lần nói đại ý “không thể thành Phật bằng việc ngồi.” Công án này có nhiều người hiểu sai, cho rằng Nam Nhạc chê bai việc “ngồi”, vì con người vốn đã là Phật. Ðã đành, Phật giáo Ðại thừa cũng như Thiền tông đều cho rằng chúng sinh đã là Phật, nhưng Thiền cũng nhấn mạnh rằng, điều khác nhau là tin hiểu điều đó một cách lí thuyết hay đã trực ngộ điều đó. Kinh nghiệm trực ngộ đó chính là giác ngộ, mà hành trì toạ thiền là một phương pháp ưu việt.
Như Tổ Thiền Trung Quốc Bồ-đề Ðạt-ma đã ngồi chín năm quay mặt vào vách tại chùa Thiếu Lâm, phép toạ thiền là phép tu chủ yếu của Thiền và được mọi Thiền sư hành trì. Thiền sư Ðạo Nguyên Hi Huyền cho rằng toạ thiền là “đường dẫn đến cửa giải thoát.” Trong tác phẩm Bạch Ẩn Thiền sư toạ thiền hoà tán, Thiền sư Bạch Ẩn viết:
“Ôi toạ thiền, như Ðại thừa chỉ dạy, không có lời tán dương nào nói hết. Tu sáu Ba-la-mật hay tu hạnh bố thí, giữ giới hay hành trì, kể sao cho hết.
Tất cả đều xuất phát từ toạ thiền. Chỉ một lần toạ thiền, công đức sẽ rửa sạch tất cả nghiệp chướng chồng chất từ vô thuỷ.”
Lục tổ Huệ Năng giảng về Toạ thiền trong Pháp bảo đàn kinh: “Thiện tri thức, tại sao gọi là Toạ thiền? Trong Pháp môn này vô chướng, vô ngại, bên ngoài đối với tất cả cảnh giới thiện ác tâm niệm chẳng khởi gọi là Toạ, bên trong thấy tự tính chẳng động gọi là Thiền. Thiện tri thức, sao gọi là Thiền định? Bên ngoài lìa tướng là Thiền, bên trong chẳng loạn là Ðịnh. Ngoài nếu chấp tướng trong tâm liền loạn, ngoài nếu lìa tướng thì tâm chẳng loạn. Bản tính tự tịnh, tự định, chỉ vì thấy cảnh chấp mà thành loạn. Nếu người thấy mọi cảnh mà tâm chẳng loạn, đó là Chân định vậy.”