toạ cụ

Phật Quang Đại Từ Điển

(坐具) Phạm: Niwìdana, Niwadana. Hán âm: Ni sư đàn, Ni sư đán na, Ninh sử na nẵng. Hán dịch: Phu cụ, Phô cụ, Tọa ngọa cụ, Tọa y, Thấn ngọa y, Tùy tọa y. Gọi tắt: Cụ. Đồ dùng để ngồi. Tức tấm vải hình vuông và dài được trải trên đất hoặc trên đồ nằm khi ngồi, nằm, 1 trong 6 vật dụng của tỉ khưu. Tọa cụ này được dùng để ngăn ngừa thực vật, côn trùng khiến 3 áo và đồ nằm không bị dơ bẩn và hư tổn, tức nó có tác dụng giữ mình, giữ áo, giữ giường chiếu, đồ nằm…… của mọi người. Màu sắc của tọa cụ giống như màu 3 áo, tức màu xanh, đen và mộc lan. Nếu dùng vải mới làm tọa cụ thì được may 2 hoặc 3 lớp, nếu là vải cũ thì được may 4 lớp. Khi may tọa cụ mới phải lấy 1 miếng vải của tọa cụ cũ may chồng lên chính giữa hoặc 4 bên tọa cụ mới; miếng vải cũ này lớn hay nhỏ là tùy theo bộ luật mà có khác nhau, căn bản thì dài 2 gang tay và rộng 1 gang tay 1/2 của Phật. Theo điều Biện đạo cụ trong Sắc tu Bách trượng thanh qui thì tọa cụ dài 4 thước 8 tấc, rộng 3 thước 6 tấc; thông thường dài khoảng 60cm và rộng 45cm. Về sau, tọa cụ dần dần được may lớn hơn, dài khoảng 165cm và rộng khoảng 80cm. Ngoài ra còn có tọa cụ được làm bằng cỏ, đây là phỏng theo sự tích đức Phật trải cỏ cát tường để ngồi lúc Ngài thành đạo. Loại tọa cụ này dành cho vị Trưởng lão ngồi khi cử hành pháp hội. Từ thời Trung cổ về sau, các châu ở vùng Nam hải lấy tọa cụ làm dụng cụ lễ bái, Trung quốc, Nhật bản đều noi theo phong tập này, các ngài Đạo tuyên, Nghĩa tịnh tha thiết quở trách, nhưng thói quen vẫn được lưu truyền cho đến nay, việc trải tọa cụ để lạy Phật hoặc lễ bái sư trưởng đã trở thành qui chế nhất định. [X. kinh Trung a hàm Q.20; luật Tứ phần Q.19; luật Thập tụng Q.5, 18; Căn bản thuyết nhất thiết hữu bộ tì nại da Q.21; Căn bản tát bà đa bộ luật nhiếp Q.6; Luật Ma ha tăng kì Q.24; Tứ phần luật san phồn bổ khuyết hành sự sao Q. hạ, phần 1; Tuệ lâm âm nghĩa Q.1; điều Lễ nghi duyên cách trong Đại tống tăng sử lược Q. thượng; Nam hải kí qui nội pháp truyện Q.3; Thích môn qui kính nghi Q. hạ].