tổ tiên sùng bái

Phật Quang Đại Từ Điển

(祖先崇拜) Tôn sùng, lễ bái đối với vong linh tổ tiên. Tại Ấn độ, dân chúng cư trú ở một vùng nào đó, sinh sống bằng nghề làm ruộng hoặc nghề buôn bán, do đó mà đất đai và phương pháp sản xuất trở thành việc cha truyền con nối, kết quả đã hình thành phong tập xem trọng việc sùng bái tổ tiên. Người Ấn độ từ nghìn xưa đã tin rằng người chết mà thân tộc không cúng tế thì linh hồn người chết chắc chắn phải chịu khổ, cho nên việc cúng tế để đưa vong hồn người chết đến cảnh giới linh thiêng của tổ tiên (Phạm:Pitf) trở thành là nghĩa vụ của người sống. Việc cúng tế tổ tiên có 2 thứ là: Tổ tiên tế (Phạm:Saràdha) của tư nhân và Tổ tiên phụng kính tế (Phạm: Priịđapitf-ajĩa) của công chúng. Tổ tiên tế được cử hành vào ngày trăng tròn mỗi tháng, gia chủ mời vài vị Bà la môn lên đàn tế, vừa rưới nước lên cỏ, vừa xướng tụng lời tế, đồng thời dâng các vật cúng như thức ăn uống, hương hoa, đèn nến, y phục… Tổ tiên phụng kính tế là dâng bánh lên cúng tổ tiên vào sau giờ Ngọ ngày đầu tháng. Phật giáo nguyên thủy chủ trương Tổ tiên sùng bái cũng là sự tôn kính cúng dường đối với cha mẹ. Trong Tăng chi bộ kinh thuộc Nam truyền có một số đoạn kinh văn ghi: Nếu đối với cha mẹ, tổ tiên (Pàli:Pubba-purisa), cho đến người tu hành, Bà la môn, các thần… tôn kính cúng dường đúng như pháp thì sau khi chết chắc chắn sẽ được hưởng phúc lạc ở cõi trời. Hình thức tín ngưỡng Tổ linh được cụ thể hóa chính là Tổ tiên sùng bái, đây là đặc trưng cơ bản của Tông giáo ở Trung quốc và Nhật bản; loại tín ngưỡng dân tộc này là một trong các nhân tố quan trọng khiến cho Phật giáo truyền sang phía đông được đón nhận một cách dễ dàng. Cho nên người ta thấy rất nhiều hình thái trong đó tín ngưỡng dân tộc cố hữu và Tổ tiên sùng bái của Phật giáo đã dung hợp nhau. Ở Trung quốc, lập trường của Nho giáo, Phật giáo và Lão giáo tuy không giống nhau, nhưng thông thường trong các nghi thức mà 3 giáo thực hành đều có bao hàm yếu tố tín ngưỡng dân tộc đã hình thành một thứ tín ngưỡng phức hợp mà đặc trưng của nó là Tổ linh bất diệt; Tổ linh sẽ đích thân đến trong gia tộc hiện tại, giúp đỡ con cháu để kế thừa công lao, danh dự, địa vị của Tổ linh lúc còn sống. Còn việc sùng bái, cúng tế đối với Tổ linh là nghĩa vụ của con cháu, đó là đạo lí giống như cung phụng cha mẹ lúc sinh tiền. Sự sùng bái này được coi là khuôn phép duy trì nền trật tự của gia tộc. Tại Trung quốc, từ xưa đến nay, người ta tin rằng linh hồn người chết có thể dọa nạt người sống, để tránh bị họ dọa nạt và làm điều mờ ám nên có việc cúng tế. Nhưng do sự phát triển của tư tưởng hồn phách và chế độ gia tộc của nhà Nho nên về mặt đạo đức thì có hiếu được sống lâu, sùng bái tổ tiên đã trở thành chế độ hóa, đồng thời các qui định cúng tế phức tạp cũng được đặt ra. Trong hoàn cảnh chế độ xã hội hoàn bị ấy thì sự du nhập của Phật giáo không những chỉ nhằm hóa độ cá nhân làm chính mà còn phải đồng hóa với phong tục dân gian Trung quốc, cho nên tín ngưỡng cúng dường cầu phúc cho cha mẹ 7 đời đã kết hợp với sự sùng bái Tổ linh. Nho gia thì lấy việc hiếu thảo với cha mẹ đời hiện tại làm trọng điểm, khác hẳn với việc cúng dường đối với những người đã chết ở đời quá khứ. Hình thái sùng bái phần nhiều là sùng bái theo tín ngưỡng phong tục dân gian. Việc cầu phúc của Phật giáo ở thời kì đầu là lấy việc xây chùa, tạo tượng làm chính, nhưng đến đời Đường thì tinh thần sùng bái Tổ tiên của Nho gia và Phật giáo đã có ý nghĩa giống nhau. Về sau, thông thường sử dụng hình thái tống táng và tư tưởng tang điếu của Nho gia và Đạo giáo mà có nhất chu kị, tam hồi kị như Tiểu tường, Đại tường…, hoặc lấy mộc chủ làm bài vị; hoặc các ngày trai để tang được kết hợp với trai hội (Phạm: Upowadha, nghĩa là bố tát) của Phật giáo; hoặc mỗi 7 ngày 1 lần sau khi người chết đều phải tụng kinh và cúng dường tăng. Từ đời Tống về sau, các nghi thức này thường được hợp làm một, nên mang hình thái phức tạp. Mặt khác, sự hỏa táng của Phật giáo, tín ngưỡng thân trung ấm trong 49 ngày và các pháp sự như tụng kinh… cũng dung hòa vào trong đó.