tô hợp hương

Phật Quang Đại Từ Điển

(蘇合香) I. Tô Hợp Hương. Phạm: Turuska Hán âm: Đô la sắt ca, Đột súc ca, Đỗ lô sắt kiếm. Cũng gọi: Hợp chư hương thảo. Hương liệu dùng để đốt, hoặc chế thuốc. Bản thảo cương mục cho rằng Tô hợp hương do nấu nhựa các loại cây hương mà thành chứ không phải vật tự nhiên. Có thuyết cho rằng Tô hợp hương là loại cây cao rụng lá thuộc họ cây Kim lũ mai, phần nhiều mọc ở vùng Tiểu á tế á, nhựa cây lấy được từ vỏ cây này, gọi là Tô hợp hương hoặc Tô hợp du, mùi thơm của nó giống với mùi hương An tức; Tô hợp du là nhiên liệu để đốt đèn, cũng được dùng làm dầu Hộ ma. [X.kinh Mâu lê mạn đà la chú; Phiên dịch danh nghĩa tập Q.3, 8]. II. Tô Hợp Hương. Gọi tắt: Tô hợp. Tên một thứ vũ nhạc, là tân nhạc, điệu bàn thiệp, thuộc về đại khúc. Vũ công dùng cỏ thuốc tô hợp làm áo giáp, mũ trụ để múa, nên điệu múa này được mệnh danh là Tô hợp. Loại vũ nhạc này do Trần hậu chủ sáng tác, cũng có thuyết cho là nhạc khúc của Trung Ấnđộ. TheoVũ khúc khẩu truyền, khi vua A dục bị bệnh, sai người đi tìm cỏ thuốc tô hợp, suốt 7 ngày mới kiếm được và chữa hết bệnh cho vua, các quan vui mừng nên lấy cỏ thuốc cài vào áo giáp, mũ trụ mà múa, do đó mới có điệu múa Tô hợp này.