tinh vân

Phật Quang Đại Từ Điển

(星雲) Danh tăng Trung quốc, người ở Giang Đô, tỉnh Giangtô, hiệu Kim giác, bút hiệu Ma ca. Năm 12 tuổi, sư lễ Chí khai thượng nhân, chùa Đại giác, ở Nghi hưng, núi Thê hà, Nam kinh, xin xuất gia, được đặt pháp danh là Ngộ triệt. Năm Dân quốc 30 (1941), sư thụ giới Cụ túc ở núi Thê hà và ở lại đây học Luật, sau sư lại đến tham học ở Phật học viện Tiêu sơn. Sau khi rời viện, sư làm Hiệu trưởng trường Bạch tháp quốc dân, chủ biên nguyệt san Nộ đào, trụ trì chùa Hoa tạng tại Nam kinh. Năm Dân quốc 38 (1949), sư đến Đài loan trụ ở chùa Viên quang tại Trung lịch. Năm D.Q. 39 (1950), sư làm Chủ biên nguyệt san Nhân sinh. Năm D.Q. 40 (1951), sư làm Chủ nhiệm Giáo vụ hội Phật giáo giảng tập Đài loan. Năm D.Q. 41 (1952), sư đến chùa Lôi âm ở Nghi lan, thành lập các hội như: Niệm Phật, Hoằng pháp, Học sinh, đồng thời mở vườn trẻ và giảng pháp trên đài Phát thanh. Năm D.Q. 44 (1955), sư sáng lập Phật giáo đường tại Cao hùng. Năm D.Q. 46 (1957), sư sáng lập Phật giáo văn hóa phục vụ xứ ở Đài bắc, xuất bản kinh sách để mở rộng văn hóa Phật giáo. Năm D.Q. 51 (1962), sư sáng lập chùa Thọ sơn ở Cao hùng, mở Phật học viện Thọ sơn tại chùa này để đào tạo nhân tài cho Phật giáo. Năm D.Q. 56 (1967), sư lại sáng lập Phật quang sơn ở làng Đại thụ, huyện Cao hùng và giữ chức Trụ trì đời thứ nhất. Từ đó về sau, sư lấy Phật quang sơn làm đạo tràng căn bản cho công cuộc hoằng pháp. Ngoài việc tích cực xây dựng Phật quang sơn thành một ngôi chùa danh tiếng trên toàn Đài loan, sư còn hết sức phát triển sự nghiệp giáo dục, văn hóa Phật giáo, từ thiện xã hội… Sư đặt hết kì vọng vào việc phục hưng Phật giáo và lấy việc giáo dục nhân tài làm gốc, cho nên ra sức xây dựng các viện Phật học các cấp, đồng thời, năm D.Q. 62 (1973), sư sáng lập Đại học Phật giáo đầu tiên (Đại học Tùng lâm) để giáo dục thanh niên Phật giáo, sau được đổi thành viện nghiên cứu Phật giáo Trung quốc, lại thiết lập Nghiên cứu bộ để giúp cho thanh niên Phật giáo, sau khi tốt nghiệp Đại học, hay viện Phật học, tiếp tục nghiên cứu Phật giáo sâu hơn, mở đường cho nền giáo dục Cao đẳng Phật giáo chuyên môn trong nước. Đồng thời, sư làm Trưởng sở Sở nghiên cứu văn hóa Ấn độ thuộc Đại học Văn hóa Trung quốc, Giáo sư Đại học Đông hải, người đầu tiên chính thức đưa Phật giáo vào lãnh vực giáo dục Cao đẳng. Sư còn mở các lớp học mùa hè dành cho các sinh viên, học sinh học tập, nghiên cứu Phật pháp. Sư cũng cảm thấy cần có nhân tài hoằng pháp với tầm cỡ quốc tế nên đã cho nhiều học trò và đệ tử có năng lực du học các nước như Nhật bản, Hoa kỳ, Ấn độ, Hàn Quốc… có tới mấy mươi người đạt được học vị trên cấp Đại học. Mục đích một đời của sư là mở rộng sự nghiệp văn hóa Phật giáo, cho nên ngay từ lúc còn trẻ, sư đã làm Chủ biên các nguyệt san Nhân sinh, Kim nhật Phật giáo…, sau đó lại phát hành Giác thế tuần san, Giác thế nguyệt san, Phổ môn nguyệt san… đồng thời sáng lập Phật quang xuất bản xã, Phật quang Đại tạng kinh biên tu ủy viên hội… Ngoài ra, sư cũng đẩy mạnh công cuộc .giao lưu Phật giáo quốc tế, từng nhiều lần tổ chức Hội nghị học thuật Phật giáo quốc tế đại qui mô. Năm D.Q. 68 (1979), sư giữ chức Hội trưởng Hội xúc tiến Phật giáo quốc tế Mỹ quốc (International Buddhist Progress Society), chủ trương phát triển Phật pháp Đại thừa ở Hoa kỳ. Năm Dân quốc 69 (1971), trường Đại học Đông Phương (University of Oriental Studies) ở Los Angeles, Hoa kỳ, tặng sư bằng Tiến sĩ Triết học danh dự về những thành tựu hoằng pháp của sư, sau sư làm Hội trưởng Tổng hội Thanh niên Phật giáo Hoa kỳ. Năm Dân Quốc 71 (1982), Phật quang sơn kết nghĩa huynh đệ với Thông đệ tự của Hàn quốc, xúc tiến việc giao lưu văn hóa, tông giáo giữa 2 nước Trung, Hàn. Ngoài ra, sư cũng đến hoằng pháp tại các nước Thái lan, Mã lai, Hương cảng… Sư có các tác phẩm: Thích ca mâu ni Phật truyện, Thập đại đệ tử truyện, Ngọc lâm quốc sư, Giác thế luận tùng, Vô thanh tức đích ca xướng, Tinh vân đại sư giảng diễn tập.