tính tội

Phật Quang Đại Từ Điển

(性罪) Đối lại: Già tội. Cũng gọi: Tự tính tội, Tính trọng, Thực tội.Chỉ cho tội lỗi của tự tính, 1 trong 2 tội. Nghĩa là bất luận ở vào hoàn cảnh nào, hễ vi phạm sát sinh, trộm cắp, tà dâm, nói dối,… đều là hành vi tội ác thuộc về bản chất, gọi là Tính tội. Trái lại, các tội lỗi vì phạm giới luật do đức Phật chế để tránh sự chê cười của người đời, đều thuộc tội nhẹ thì gọi là Già tội, như tội uống rượu được coi là Già tội. Các cấm giới thuộc Tính tội gọi là Tính giới, Tính trọng giới, Chủ giới, Cựu giới; còn các cấm giới nhắm vào Già tội thì gọi là Già giới, Li ác giới, Khách giới, Tân giới. Cho dù đức Phật không chế định Tính giới, thì Tính tội vẫn là tội ác; còn Già tội thì chỉ sau khi đức Phật chế định Già giới mới thành tội. Về phạm vi của Tính tội, trong các kinh luận có các thuyết khác nhau. Như kinh Niết bàn quyển 11 (bản Bắc), kinh Chính pháp niệm xứ quyển 59, Tát bà đa tì ni tì bà sa quyển 1, luận Đại tì bà sa quyển 123, luận Câu xá quyển 14,… đều cho 4 Ba la di sát, đạo, dâm, vọng là Tính tội. Phẩm Thập thiện đạo trong luận Thành thực quyển 9 cho 10 điều ác: Sát, đạo, dâm, vọng, ác khẩu, lưỡng thiệt, ỷ ngữ, tham, sân, tà kiến là Tính tội. Đại thừa nghĩa chương quyển 10 cho 7 điều trước trong 10 điều ác là Tính tội, Ma ha chỉ quán quyển 4 thượng cho 7 điều trước trong 10 điều ác cộng thêm uống rượu là Tính tội. [X. kinh Ưu bà tắc giới Q.6; luận Luật nhị thập nhị minh liễu; luận Du già sư địa Q.99; luận Thuận chính lí Q.38]. (xt. Tính Giới, Tội).