tính thiện tính ác

Phật Quang Đại Từ Điển

(性善性惡) Cũng gọi: Tính nhiễm tính tịnh. Thiện và ác đều là những tính đức sẵn có của chúng sinh, tức thiện, ác thuộc về tiên thiên, gọi là Tính thiện, Tính ác; thiện, ác do hành vi hậu thiên tạo ra, gọi là Tu thiện, Tu ác. Về tính thiện, tính ác, giữa tông Thiên thai và tông Hoa nghiêm có những quan điểm khác nhau: 1. Tông Thiên thai chủ trương thuyết Nhất niệm tam thiên(Một niệm ba nghìn) cho rằng trong 10 pháp giới (6 phàm 4 thánh)thì cõi Phật và 9 cõi chúng sinh đều có đủ 3 nghìn pháp mê ngộ. Theo Quán âm huyền nghĩa quyển thượng của ngài Trí khải thì đức Phật đã dứt hết Tu ác, chỉ còn Tính ác, Nhất xiển đề thì dứt hết Tu thiện, chỉ còn Tính thiện. Tính thiện, Tính ác không bao giờ mất. Phật chẳng dứt Tính ác, nên khi được năng lực ‘Từ(tình thương)huân tập(hun ướp) thì Tính ác có thể trở thành tác dụng tự do, tự tại vào địa ngục A tị để giáo hóa chúng sinh; Nhất xiển đề không đoạn Tính thiện, nên gặp nhân duyên (điều kiện)thì Tính thiện khai phát. Ngài Tứ minh Trilễ đời Tống nhấn mạnh thuyết Tính cụ tam thiên, xem trọng Tính ác, cho rằng đặc sắc của tông Thiên thai là ở pháp môn Tính ác(Tính ác thuyết giáo). 2. Tông Hoa nghiêm có thuyết Tính khởi Tính ác. Trong Hoa nghiêm kinh thám huyền kí quyển 16, ngài Pháp tạng cho rằng pháp nhiễm tịnh tuy đều nương vào chân mà lập, nhưng nhiễm có công dụng trái với chân chứ không phải chân, cho nên chỉ gọi Tịnh là Tính khởi. Còn theo sự giải thích trong Hoa nghiêm kinh sớ quyển 21 và Hoa nghiêm kinh sớ diễn nghĩa sao quyển 42 của ngài Trừng quán, thì thể của vọng vốn chân, vì thế Như lai chẳng đoạn Tính thiện. Hoa nghiêm kinh Hành nguyện phẩm sớ sao quyển 1 và Viên giác kinh lược sớ quyển 2 của ngài Tông bảo, cũng kế thừa thuyết này mà bàn về Tính ác, nhưng cho tâm là năng tạo, Phật và chúng sinh là sở tạo. Điểm khác nhau giữa tông Hoa nghiêm và tông Thiên thai chính là ở thuyết Tính khởi này.[X. luận Đại thừa khởi tín; Chỉ quán phụ hành truyền hoằng quyết Q.5, phần 3; Chỉ quán nghĩa lệ Q. thượng; Thập bất nhị môn chỉ yếu sao Q. thượng; Tứ minh tôn giả giáo hành lục Q.3]. (xt. Chỉ Ác Tu Thiện).