TINH THẦN HỌC PHẬT

 

1. Lời dẫn

Cách đây hơn hai ngàn sáu trăm năm về trước, từ lưu vực sông Hằng của xứ Ấn, đã sản sinh cho thế giới một con người vĩ đại, con người ấy sau khi tu tập thiện hạnh, thành tựa đạo quả giải thoát với tên gọi tôn kính – Phật Đà. Người với chí nguyện đem lại lợi lạc cho đời, đã mang thông điệp của từ bi, ánh sáng của tuệ giác, chỉ đường cho con người thực tập, nhằm quy hướng thiện xứ, hướng về cội nguồn của hạnh phúc.

Lời giảng dạy của Ngài không chỉ dừng lại ở xứ Ấn mà còn lan tỏa khắp muôn phương, đồng thời những lời huấn thị của Ngài đã, đang và sẽ có giá trị rất lớn giúp ích cho cuộc đời này. Có lẽ chính vì thế, mà ngày hôm nay, mọi người tìm hiểu về giáo pháp của ngài cũng không ít. Tuy nhiên, học Phật với tinh thần như thế nào mới có ý nghĩa? Con đường thực hành giáo pháp này như thế nào mới đúng chánh pháp? Trước những vấn đề này, tác giả xin dẫn chứng một vài kinh văn trong Thánh điển, hy vọng thông qua đó chúng ta sẽ có một hướng đi đúng đắn trên lộ trình tìm về bến giác bình an.

2. Tụng đọc và giảng giải kinh văn trọng nơi lý  giải

Trong kinh “Phật thuyết xứ xứ kinh”1 đã ghi lại câu chuyện, nội dung câu chuyện mang tải một tinh thần giáo dục rất lớn của Phật giáo. Truyện kể rằng, có một vị tỳ kheo đi khất thực, một hôm đi đến nhà vị nữ thí chủ trì bình khất thực, sau khi nhận phẩm vật cúng dường xong, vẫn như thường lệ trong tinh thần của tăng đoàn thời Phật ngày xưa, vị tỳ kheo phải có trách nhiệm giảng dạy về giáo pháp, để giúp cho vị thị chủ hiểu được giá trị của cuộc sống, từ đó tiến tu trên con đường hạnh phúc. Với trách vụ như vậy, vị tỳ kheo đã giảng pháp cho vị nữ thí chủ nghe, đáp lại vị thí chủ quỳ gối lắng nghe rất chăm chú. Nhưng hôm đó có một nhân duyên đặc thù, nữ thí chủ quỳ nghe pháp mà dòng nước mắt cứ tuôn trào từ lúc nào không hay biết, nhìn thấy nữ thí chủ sao tha thiết với Phật pháp quá, vị tỳ kheo này giảng pháp trong khoảng thời gian dài, cho đến suốt đêm, vậy mà thí chủ vẫn quỳ khóc rơi lệ thâu đêm, không muốn ngừng nghĩ. Thấy đêm đã khuya, giờ tịch tịnh đã đến, vị tỳ kheo mới nói với thí chủ rằng, từ trước đến giờ tôi giảng kinh thuyết pháp cũng nhiều, chưa thấy ai tinh tấn giống như Cô cả, và tại sao khi nghe giảng Cô lại rơi lệ như vậy? lúc đó thí chủ bừng tỉnh, thưa rằng: Thưa thầy! Nhà con có một con cừu, đêm qua nó bị đau và kêu la rất khổ sở, sau đó nữa đêm nó chết, khi nghe pháp con nhớ lại cảnh như vậy, thấy tội và thương nó, nên dòng nước mắt cứ tuôn chảy trong con từ lúc nào không hay biết. Nghe vậy, thầy tỳ kheo mới nói, sao không nói sớm cho tôi hay, tôi cứ nghĩ chắc mình nói hay, nói đúng tâm trạng của Cô, nên cô mới khóc như vậy, cho nên tôi mới nói mà quên cả thời gian. Câu chuyện này được truyền tụng nhau đến tai của Thế Tôn, và Ngài đã dạy rằng: Giảng kinh không cần giảng nhiều, quan trọng là có thấu hiểu những lời giảng dạy ấy hay không, những lời dạy ấy có làm sinh khởi trí tuệ hay không mới quan trọng. Thiết nghĩ nghe kinh cũng vậy, nếu nghe nhiều mà không lí giải được, không sinh khởi tuệ giác thì cũng không có ích nhiều cho việc tu học. Câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó, mà còn tiếp tục dạy cho chúng ta những thông điệp khác: Khi nghe Thế Tôn giảng dạy không cần nghe giảng kinh nhiều, thì trong hội chúng có vị tỳ kheo mới thưa với Thế Tôn rằng: Thưa Ngài! Ngài vừa dạy không cần nghe kinh, thuyết kinh nhiều, vậy người có thể dạy cho con một pháp đơn giản, ngắn ngọn để con hành trì chứng được đạo quả. Thế Tôn liền trả lời: Những gì thuộc của ông thì ông lấy, những gì không thuộc của ông thì ông không nên lấy. Sau khi nghe lời dạy của Phật, vị tỳ kheo đêm cũng như ngày tự chất vấn, suy tư, quán chiếu về điều này rằng: Muôn sự vạn vật trên thế gian này không gì thuộc của ta cả, thậm chí thân xác này rồi cũng sẽ tan rả, vậy cái gì là của ta chứ? Suy đi nghĩ lại vị tỳ kheo đã tìm ra đáp án, chỉ có nghiệp thức mới thuộc của ta, những nghiệp thức của chúng ta sẽ theo ta trong suốt cuộc hành trình luân hồi và chấm dứt luân hồi. Đem đáp án như vậy, vị tỳ kheo thưa với Phật, con đã hiểu đạo rồi, Phật nói vậy là ông chứng đạo rồi đấy.

Qua những lời giảng dạy trong câu chuyện đã ghi lại, chúng ta có thể suy nghiệm, việc tu học phật pháp là cần thiết. Bởi đây là chất liệu để thay đổi đời sống của chính mình, chuyển hóa đời sống khổ đau thành an lạc, chuyển hóa phiền não thành bồ đề. Tuy nhiên trong qúa trình học Phật và tu Phật, chúng ta cần phải hiểu nghĩa lý của kinh, cần phải ứng dụng lời dạy trong kinh văn vào cuộc sống, để đánh thức chúng ta giác ngộ ngay trong đời sống này. Và cũng cần nói thêm rằng, điều kiện đi đến con đường giác ngộ, không phải bắt buộc chúng ta phải tinh thông nhiều kinh văn, nhiều pháp môn, mà quan trọng là hiểu và ứng dụng pháp môn đó có tha thiết hay không, có thực sự hành trì đúng pháp hay không. Đối với pháp môn tu tập chúng ta phải dùng tâm thức như thế nào để học hỏi đây? Điều này tác giả sẽ trình bày ở phần kế tiếp.

3. Không  nên chỉ  trích pháp tu  lẫn nhau

Khi bàn luận về tinh thần thực hành pháp môn tu học, trong thời kì đầu của hệ thống kinh A hàm, kinh Tăng Nhất A Hàm đã ghi lại cuộc đối thoại giữa hai vị đệ tử ưu tú của Thế Tôn, đó là tôn giả Mục Kiền Liên và tôn giả A Nan. Kinh văn đã ghi lại rằng: Một hôm hai vị tôn giả nói chuyện: Hai chúng ta đồng tụng kinh xem ai hay hơn! Lúc ấy, nhiều Tỳ-kheo nghe như vậy, bèn đến chỗ Thế Tôn và thưa: Nay có hai người bàn luận: Hai chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay. Nghe vậy, Thế Tôn bảo một Tỳ-kheo:Ngươi đi gọi hai Tỳ-kheo ấy đến đây. Tỳ-kheo vâng lời Phật dạy, đến gọi hai vị tỳ kheo. Lúc đó, hai vị Tỳ-kheo liền đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên.

Bấy giờ, Thế Tôn bảo hai người: Các ngươi ngu si! Các ngươi thực có nói: Chúng ta cùng tụng kinh xem ai hay hơn không?

Hai người đáp: “Thật vậy, bạch Thế Tôn!”

Thế Tôn bảo: “Các ngươi có nghe Ta nói pháp này: ‘Hãy cạnh tranh với nhau chăng?’ Pháp như thế đâu khác bà-la-môn?”

Các Tỳ-kheo đáp:“Con chẳng nghe Như Lai nói pháp này.”

Thế Tôn bảo: “Ta do không thuyết pháp này cho Tỳ-kheo, vì vậy mà các ngươi tranh hơn thua chăng? Nhưng Pháp mà Ta thuyết hôm nay là muốn có người được hàng phục, có người được giáo hoá. Tỳ-kheo nào lúc thọ lãnh pháp, hãy nhớ suy nghĩ bốn duyên, xem có tương ưng với Khế kinh, A-tỳ-đàm, Luật không? Nếu tương ưng, hãy nhớ vâng làm.”

Bấy giờ, Thế Tôn nói kệ:

Tụng nhiều việc vô ích;
Pháp này chẳng phải hay,
Như đi đếm số bò,
Chẳng thiết yếu Sa-môn.
Nếu tụng tập chút ít,
Nhưng thực hành theo pháp;
Pháp này là trên hết,
Đáng gọi pháp Sa-môn.
Tuy tụng đến nghìn chương,
Không nghĩa đâu ích gì?
Chẳng bằng tụng một câu
Nghe xong đắc đạo được.
Tuy tụng đến nghìn lời
Không nghĩa đâu ích gì?
Chẳng bằng tụng một nghĩa
Nghe xong đắc đạo được.
Dẫu tại bãi chiến trường,
Thắng nghìn nghìn quân địch;
Tự thắng mình tốt hơn:
Chiến thắng thật tối thượng.

“Thế nên, này các Tỳ-kheo, từ nay về sau chớ nên tranh tụng, chớ có tâm hơn thua. Vì sao thế? Hãy nghĩ hàng phục tất cả mọi người. Nếu Tỳ-kheo có tâm hơn thua, tâm tranh tụng nhau mà cùng cạnh tranh thì phải lấy pháp luật mà trị. Tỳ-kheo, vì thế hãy tự tu hành.”

Hai Tỳ-kheo nghe Phật nói xong, liền từ chỗ ngồi đứng lên, cúi lạy Thế Tôn sám hối:“Từ nay về sau, chúng con không làm vậy nữa. Cúi xin Thế Tôn nhận lời con hối lỗi.”

Thế Tôn bảo: “Trong đại pháp, các ngươi đã chịu sửa lỗi, tự biết có tâm cạnh tranh. Ta nhận sự hối lỗi của các ngươi. Các Tỳ-kheo, chớ nên thế nữa. Như thế, các Tỳ-kheo hãy học điều này.”

Từ nội dung dẫn chứng của kinh văn, chúng ta không khó để nhận ra rằng, tất cả pháp môn tu tập, có tác dụng giúp cho hành giả chuyển hóa khổ đau, là chất liệu để giúp chúng ta đi về con đường hướng thượng, con đường giải thoát. Ngược lại nếu những ai đem pháp môn hành trì mà chê bai, chỉ trích lẫn nhau, so sánh hơn thua lẫn nhau, có thể nói không phù hợp với tinh thần giảng dạy của Thế Tôn. Ở đây, cũng nói thêm rằng, trong bài kệ mà kinh văn ở trên đã ghi chép, lại một lần nữa cho chúng ta biết rằng, đọc tụng nhiều mà không hiểu kinh văn, không hành trì pháp, không bằng một câu mà thực hành tha thiết, có thể dẫn đến chứng ngộ giải thoát. Nội dung này cũng tương ưng với “Phật thuyết xứ xứ kinh” ở phần một đã luận bàn. Từ luận bàn của vấn đề 1 và 2, tác giả sẽ tiếp tục luận bàn về các bước học Phật, để chúng ta có thể có một tinh thần học phật thật nghiêm túc.

4. Các bước học Phật

Kinh Tạp A Hàm số 834, ghi lại cuộc đối thoại của Đức Phật và tôn giả Xá Lợi Phất, thông qua cuộc đối thoại kinh văn đã ghi chép lại rằng, tôn giả Xá lợi Phất đã nêu lên bốn yếu tố cần thiết để hành giả tu tập đi vào dòng Thánh. Bốn yếu tố đó là: Thân cận bậc Thiện tri thức, lắng nghe Chánh Pháp, như lý tác ý và pháp tùy pháp hành (pháp thứ pháp hướng)2. Đây cũng là bốn điều kiện giúp hành giả chứng đắc Huệ nhãn. Bốn điều kiện này cũng chính là các bước học Phật. Luận bàn về bốn yếu tố này, là một vấn đề lớn, đòi hỏi một thời gian dài để nghiên cứu. Ở đây, người viết chỉ đưa ra một giải thích cơ bản, hy vọng giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về thái độ học Phật. Bước đầu tiên chúng ta đến học Phật, là phải thân cận thiện tri thức, bởi thiện tri thức là những người thầy, người bạn tốt có khả năng hướng dẫn mình thực tập chánh pháp, xa lìa ác pháp. Ngõ hầu hướng về đời sống an lạc và giải thoát. Đương nhiên, đối với ác tri thức thì chúng ta phải nên xa lìa, bởi gẫn gũi như vậy chỉ có khổ đau đến với chúng ta mà thôi. Bước thứ hai, lắng nghe chánh pháp, chánh pháp là phương pháp giúp cho hành giả tu tập tăng trưởng thiện pháp, giác ngộ giải thoát, như pháp Tứ đế hay Nhân duyên… gọi là Chánh pháp. Đối với pháp tứ thánh đế hay những thánh pháp khác, nếu người nào dùng tâm hoan hỷ nghe, hoan hỷ tư duy, hoan hỷ thọ trì, cho đến hoan hỷ chứng đạt, như vậy mới gọi là lắng nghe Chánh pháp. Bước thứ ba, như lý tác ý, đây là bước đi dựa trên nền tảng của bước thứ hai, tức là từ nơi lắng nghe chánh pháp, sau khi nghe xong, hành giả phải dùng nội tâm tư duy, quan sát, quán chiếu thật tánh của các pháp, để không bị tư duy sai lầm khuynh đảo chúng ta trong quá trình học Phật. đây là bước đi thể hiện tính trí huệ đặc thù của Phật giáo. Bước thứ tư, pháp tùy pháp hành, đây là bước đi cuối cùng trong qúa trình học Phật, bước đi này là quyết định kết quả mau hay chậm của hành giả trên bước đường tìm về bến giác. Sau khi thân cận thiện tri thức, lắng nghe chánh pháp, tư duy chánh pháp, hành giả muốn đi đến con đường giác ngộ, thì tự mình phải thực hành pháp, tự mình phải là người cất bước trên đạo lộ giải thoát. Với bước thứ tư này, chúng ta có thể khẳng định rằng, đạo Phật không phải là đạo của lý thuyết suông, mà là đạo của thực hành, của những ai biết hành pháp và chứng đạt pháp.

Từ luận bàn trên, chúng ta cần phải xác định lại các bước học Phật của mình, nếu chúng ta đi theo những tiến trình như trên đã trình bày, thì con đường học Phật của chúng ta sẽ có kết quả. Bằng không thì con đường khổ đau sẽ chờ đón chúng ta.

5. Kết luận

Học Phật là một quá trình chuyển hóa những tâm niệm bất thiện, thành tâm niệm thiện, gột rửa những cặn bả của phiền não, đoạn trừ những kiến giải sai lầm… bên cạnh đó phải gieo trồng, và nuôi dưỡng những hạt giống thánh thiện, thực tập thiện pháp, hướng về con đường an lành. Nhưng để đi đến con đường đó có kết quả, mỗi hành giả phải biết nương vào thiện tri thức để học pháp, hành pháp và chứng đạt pháp. Và nên ý thức rằng, mỗi pháp môn tu học là phương pháp có tác dụng hướng dẫn chúng ta làm thế nào để đoạn trừ phiền não, chứng đắc Niết Bàn tịch tĩnh, chứ không phải để so sánh, để đấu tranh, để che bai, phê phán lẫn nhau. Cũng khởi nguyên từ ý nghĩa này chúng ta nên biết rằng, khi thực hành pháp môn, cũng như trì tụng kinh văn phải chú trọng đến phương diện lí giải, chứng ngộ, chứ không coi trọng số lượng trì tụng. Người viết thiết nghĩ, nếu chúng ta dựa vào những lời di huấn của Thế Tôn, các vị Thánh giả ở trên đã nêu, mà thực hành thì con đường học Phật sẽ sớm thành tựu. Và, con đường giác ngộ cũng sẽ chào đón chúng ta tại nơi đây.