tịnh tâm

Phật Quang Đại Từ Điển

(淨心) Phạm: Vizuddha-citta. Tạng: Rnam-par-dag-pa#i sems. Cũng gọi: Thanh tịnh tâm. Tâm thanh tịnh. Chỉ cho tâm tín ngưỡng thanh tịnh, tâm trong sáng xa lìa cấu uế, hoặc chỉ tâm tự tính thanh tịnh sẵn có của chúng sanh. Theo phẩm Đề bà đạt đa trong kinh Pháphoa quyển 4 thì trong đời vị lai, nếu thiện nam thiện nữ nào được nghe phẩm Đề bà đạt đa trong kinh Pháp hoa mà tịnh tâm kính tin, không sinh ngờ vực thì sẽ không bị rơi vào đường địa ngục, ngã quỉ, súc sinhmà sinhở trước chư Phật trong 10 phương. Kinh Phật bát nê hoàn quyển thượng có liệt kê 3 tâm: Tịnh tâm, Tư tâm và Trí tâm. Tịnh tâm tức Thi đại, Tư tâm tức Tam ma đề, Trí tâm tức Băng mạn nhã. Thi đại là tâm không dâm, không giận, không tham; Tam ma đề là thu nhiếp tâm không để tán loạn; Băng mạn nhã là trong tâm không ái dục, thường giữ gìn giới cấm của Phật. Trong 10 tâm sâu xa (thâm tâm) được nêu trong kinh Hoa nghiêm quyển 35 (bản dịch mới) cũng có Thanh tịnh tâm (Phạm: Zuddha-citt’àzaya-manasikàra, Tạng: Dag-pa#i sems-kyi bsam-pa yid-la bya-ba, nghĩa là tâm thanh tịnh thường ở trong định). Thiên Thích danh trong Tịnh tâm giới quán pháp của ngài Đạo tuyên đời Đường nói rằng: Tịnh tâm nghĩa là đối với các phiền não hiện hành, các thứ bệnh hoạn,…… luôn tu tập đối trị, tức thời được giải thoát từng phần, những ô nhiễm giảm dần, tâm trở thành trong sáng, phát sinh định tuệ, khởi tín tâm Đại thừa thanh tịnh, hướng tới trụ xứ chủng tính bồ đề, nhờ nhân mầu nhiệm ngày nay, mai sau sẽ cảm được quả. [X. kinh Hoa nghiêm Q.73 (bản dịch mới);kinh Đạitát già ni kiền tử sở thuyết Q.7; kinh Kim cương tam muội].