tịnh phù

Phật Quang Đại Từ Điển

(淨符) Thiền sư Trung quốc, thuộc tông Tào động, sống vào cuối đời Minh, đầu đời Thanh, người ở Lô lăng (nay là tỉnh Giang tây), họ Lưu, hiệu Vịtrung, người đời gọi sư là Vị trung Tịnh phù thiền sư. Ban đầu, sư tham yết ngài Thụy bạch Minh tuyết ở Biền sơn, không khế ngộ, bèn trở về quê cũ. Một hôm, tình cờ sư trông thấy con chim ngậm cành lê đang bay bỗng rơi xuống đất, sư hoát nhiên tỉnh ngộ. Sư lại xem Truyền đăng lục, thấy có vị tăng hỏi ngài Cửu phong (Đại 51, 329 trung): Thế nào là tự kỉ của người học? Ngài Cửu phong nói: Còn hỏi ai? Sư bỗng nhiên đại ngộ. Liền đến tham yết ngài Bảo thọ Thạch vũ Minh phương, trình chỗ mình tỏ ngộ và được nối pháp. Năm Sùng trinh 14 (1641), vì ưa mến cảnh u tịch của núi sông Chiết giang, nên sư ra trụ chùa Bạchnham ở Tiền đường, chỉ trong vài năm chùa đã trở thành ngôi đại tùng lâm.Năm Khang hi thứ 6 (1667), sư soạn Pháp môn sừ qũi. Năm Khang hi 11 (1672), sư lại soạn Tổ đăng đại thống để sửa chữa chỗ sai lầm nói về Tổ thống. Sau khi 2 bộ sách này được in ra, tiếng tăm sư vang khắp trong nước, chư tăng các nơi về học rất đông. Sư khai đường thuyết pháp ở đây suốt 30 năm, hoằng dương Thiền phong, hóa độ vô số người mê lầm. Về sau, sư truyền pháp cho đệ tử là Hương mộc Trí đàn. Sư có các trứ tác: Pháp môn sừ quĩ, Tổ đăng đại thống, Nhân thiên nhãn mục khảo, 1 quyển; Tụng thạch trích châu, 1 quyển; Tông môn niêm cổ vậng tập, 45 quyển. [X. Ngũ đăng toàn thư Q.10; Chính nguyên lược tập Q.7].