Tình Mẹ Con
Ni sư Như Đức

 

Khu vườn có nhiều tiếng chim. Chúng có thời khắc nhất định trong ngày, chịu khó để ý sẽ nghe. Buổi sáng mát mẻ, tiếng chim chích chòe lanh lảnh dồn dập: “Ngồi yên hết trơn”, “Ngồi yên quá tay”, “Vọng tưởng chút chút thôi”, “Đừng đi quá xa”. Giữa những đoạn ngắn, đôi khi chúng tuông ra một tràng: “Đôi khi cũng muốn đi lòng vòng”, “Đôi khi cũng muốn đi về nhà”… Dĩ nhiên đây là diễn dịch của người nghe, ai có trong tâm chuyện gì thì nghe ra chuyện đó.

Thỉnh thoảng có giọng chim trầm trầm đều đều chen vào đổi tông. Không biết tại sao người ta gọi nó là chim Mồ Côi, để dịch tiếng hót đổ hồi của nó thành ra: “Père, mère, frère tout est perdu” (Nghĩa là: Cha, mẹ, anh em tất cả đều mất). Đây ắt là qua lỗ tai của một người Pháp xa xứ, cô đơn hay sao mà cho tiếng hót có nghĩa như thế. Nhân đây lại nhớ đến tiếng cắc kè. Thường buổi tối, ở góc nhà thường vang lên: “Cắc kè è è è…” Nhân tiếng đó mà người ta đặt tên, còn mấy cái âm è è ở sau nghe tức cười. Nhưng có người nói, hồi ở ngoài Bắc mới vào, nghe nó kêu như nhắc mình: “Bắc kỳ, Bắc kỳ” nhớ nhà chịu không nổi. Rồi có người cãi, tại nghe như vậy chứ rõ ràng nó kêu “Tắt đèn, tắt đèn”, chắc biểu mình hà tiện điện.

Trở về với tiếng chim, vì vườn nhiều cây, lùm bụi rậm rạp, giang sơn riêng một thuở của nhiều giống chim. Ai biết được có bao nhiêu loài cư ngụ trong vườn, chỉ nghe tiếng mà biết chim gì, hoặc thỉnh thoảng bắt gặp một cánh chim xanh lao vút qua, biết là chim Bói Cá hoặc trong Nam còn gọi chim Thằng Chài. Chẳng nghe nó hót, có lúc thấy đậu tuốt trên đọt me, kêu một vài tiếng đục trầm. Có lẽ nó cần im lặng để rình cá. Loài không có tiếng hót hay thì màu lông phải đặc biệt một chút, để gọi là không bị lãng quên. Chim Hoàng Oanh, tên nghe hay mà giọng hót rất lạ, phải có thì giờ đi rất lâu, có khi cả buổi trong vườn râm mát, mới nghe giọng nó trong thanh. Lớn hơn chim sẻ, màu lông như mà lá vàng nhạt, chìm lẫn trong khóm cây, ít khi lộ diện. Tiếng của nó không hiểu sao người ta lại đem so sánh với tiếng thỏ thẻ của người đẹp, có lẽ làm vui tai. Chùa ở núi, có giọng chim oanh kêu, cũng gợi nên thi hứng. Vương Duy thi hào đời Đường đã từng làm bài thơ tứ tuyệt có hai câu: Hoa lạc gia đồng vị tảo Oanh đề sơn khách do miên. (Hoa rụng gia đồng chưa quét Oanh kêu sơn khách còn nồng.)

Đủ biết tiếng chim không đủ lớn để đánh thức. Thiệt dễ chịu nếu mình ngủ lại trong một khu vườn, buổi sáng nằm nghe chim hót, với tâm trạng thư nhàn chỉ muốn nằm yên, không vội chi với cuộc đời.

Không phải tiếng chim nào cũng hay. Có con chỉ hót hai tiếng, giọng cao xé ngang bầu trời như giọng Opera độc tấu. Nghe hơi chói, nhưng trong chốn tĩnh mịch, mấy cô đang lo chăm chăm canh chừng tâm, lại khen là nó nhắc mình: “Trí tuệ!” Hồi xưa mỗi lần như thế, Hạnh Giải lại nói với tôi: “Chị nghe không, nó kêu Trí Tuệ đó!” Tôi phải phục thầm cô em ham tu, nghe ra mọi thứ tiếng đều là Phật pháp. Trong tâm một thiền sinh thì như thế, nhưng với một người khách mới đến tò mò thì nghe ra là: “Mấy cô?” Đâu nhiều, chỉ khoảng một trăm cô, nên câu hỏi đó sẽ đổi thành: “Quá đông!” Thiệt vui khi chỉ có một tiếng chim thôi mà biến thiên theo tâm tình người nghe đủ kiểu. Chim cũng không cần biện minh, chúng hót cứ hót.

Có một loài chiếm số đông nhất trong vườn, không có giọng hót đặt biệt, cũng chẳng đẹp đẽ sang trọng gì, nhỏ bé và ríu rít suốt ngày, ở khắp mọi nơi nhưng thích nhất là mái nhà. Chúng tụ tập ở chánh điện, bay vào bay ra, cãi nhau, rượt nhau, có khi hai con vừa đánh lộn vừa rớt xuống, bay lên mổ nhau tiếp. Tha rơm làm rớt đầy thềm, hương đăng vừa quét xong là dơ liền, ị phân lên cả bồ đoàn tọa cụ của mấy cô. Ở đậu không biết thân, mỗi khuya đại chúng ngồi thiền là nghe rộ một tràng om sòm, hoặc chúng tưởng trời sáng gọi nhau đi ăn, hoặc cằn nhằn mấy cô làm mất giấc ngủ. Hình như chúng thích ở chỗ trung tâm, nên lúc nào cũng thấy bay thấp thoáng trong sân. Ngoài vườn mấy loài chim lạ, còn chúng chỉ tụ tập quanh nhà, sà xuống sân ăn gạo, rúc vào đám cát tắm chơi nô giỡn. Hồi còn nhà ăn cũ, nhìn ra sân thấy lũ chim sẻ rúc rích nhào lộn trong cát, như con nít vọc nước, cũng vui.

Không ai thấy chim sẻ làm tổ nuôi con ra sao, chỉ thấy thỉnh thoảng mấy con chim non chập chững tập bay rớt xuống. Thường thì chim mẹ rối rít lăng xăng hối con bay lên, mà quý cô cũng để tự nhiên cho chúng tập luyện. Rớt nhằm nhà của người, nếu cõng được thì má nó đã bay xuống cõng con lên cho lẹ. May phước là mấy con mèo còn bận ở đâu đó, không thì quý cô cũng ra tay can thiệp. Có nhiều con chim còn yếu, chưa tới lúc tập bay, lông mọc chưa đủ, bò ở trên cái tổ theo meo nóc nhà, mẹ cản không kịp nên rớt. Cả mẹ và con cùng la, tiếng hốt hoảng của chim mẹ, y như bà mẹ người thấy con mình bò gần miệng giếng. Mấy cô ngồi gần đó lượm lên, lượm vải lót vào cái rổ, cho nó nằm trong đó, đợi chim mẹ tới nhận. Chắc là chim mẹ lo lắng vô cùng, nhưng đành lẩn quẩn ở trên nhìn xuống. Mấy cô thì không biết tổ nó ở đâu, con ai mà gởi trả. Chim sẻ con nào cũng giống con nào, thấy bay đầy sân vườn, không thể đăng báo hoặc nhắn tin, Mít… Xoài gì đó. Ôi thế là mẹ con chia tay. Có cô phát tâm làm dưỡng mẫu dùm, nhai gạo mớm cho nó, nhúng tay vào nước rồi kề gần mỏ, nó chíp chíp chút nước trên tay. Nuôi không khéo nó bị sình bụng vì không quen ăn gạo sống, hoặc thiếu hơi ấm của mẹ. Mặc dù cẩn thận lót vải, đậy lồng bàn, hoặc tối bỏ vô mùng, đề phòng mèo chuột. Nhưng nuôi kiểu của người, ít khi thành công.

Một đôi khi, rất hiếm, vài con cứng cát hơn, qua được giai đoạn ăn nhờ ở đậu, thường chỉ vài ba ngày hoặc một tuần, một hôm nào chắp cánh bay về với mẹ. Có nhớ ơn nghĩa thì xuống đậu nơi cửa sổ nhìn vào chỗ tạm trú, hoặc bay vòng vòng gần đâu đó, kiểu như thăm lại má nuôi. Viên Quang có lần nuôi được con chim rất lâu. Mỗi khi làm gạo, sàng sảy thóc lúa, đều để nó một bên. Lúc đầu nó nằm im trong rổ, sau dạn hơn nhảy loi choi mổ thóc, lẫm đẫm bên Viên Quang, đại chúng đi qua lại thấy đều trầm trồ khen. Như một cơ duyên hãn hữu, ít có con chim nào quyến luyến người lâu như vậy.

Giờ Quá đường, sáng hoặc trưa, có con chim sẻ nâu bay vù vào bàn ăn, đậu lên vai cô này cô nọ, chộp mổ mấy hột cơm trên bàn, tự nhiên như mình cũng là thành phần trong chúng. Mấy cô cũng vui chia sớt, nó ăn đâu có bao nhiêu, nhưng với cách đậu cách đi tự tin trên bàn, cách đón đợi giờ ăn của nó, biểu hiện sự cảm thông giữa muôn vật.

Bàn ăn của tôi vì là chức sự nên chỉ có bốn người, con chim sẻ thường ghé, chắc nó ưa ăn gạo lứt, vì tôi bỏ cơm ra bàn nó mổ hết. Lâu dần cũng nhận ra được con nuôi của Viên Quang, đại chúng chỉ cho tôi, mấy con chim khác chỉ đậu ở cửa sổ rồi đi, con này đậu lâu hơn, ngó nhìn rồi bay sà tới bàn ăn chứ không đi. Nó tin tưởng mình như vậy, và tôi tới giờ ăn, cũng hay ngó qua cửa sổ đợi một dáng chim quen. Ít lâu sau, nó không đứng ăn trên bàn mà mổ cơm rồi bay đi. Chúng bàn với nhau, nó có con rồi, nên tha cơm về nuôi con. Mà thiệt, cách nó đến đi lật đật, bay hai ba lượt, ngậm cơm rồi đi như thế, phải là đang nuôi con. Cho nó hai phần cơm, tôi nhủ thầm, mày ăn đi rồi tha về cho con cũng được. Nhưng không khi nào nó nhởn nhơ đứng ăn như trước nữa. Chúng cũng nhắn vói: “Thôi bữa nào dắt con mày về thăm chúng”. Tưởng ra ở một góc nào đó, có mấy mẹ con chim ríu rít, mẹ nó sẽ kể lại thời kỳ bị té, được mấy cô nuôi.

Về sau, không thấy nó trở lại bàn ăn, chẳng có con chim nào dạn dĩ tới nỗi bay đến quý cô tha cơm. Hạnh Nghiêm thường rải gạo tấm ra sân để chúng tự do. Biết chắc rằng mẹ con chim không bao giờ đói. Tôi vẫn nhớ đến cách ăn của chim sẻ, lúc chưa và lúc nuôi con. Hình ảnh của người mẹ tận tụy, tình mẹ trải khắp trong muôn loài.