Tĩnh Lực

Từ điển Đạo Uyển


靜力; 1112-1175 Thiền sư Việt Nam, thuộc thiền phái Vô Ngôn Thông, thế hệ thứ 10. Sư nối pháp Thiền sư Ðạo Huệ. Sư tên tục là Ngô Trạm, quê ở Cát Lăng, Vũ Bình. Sư bẩm chất thông minh, lại thông cả ba môn: Văn nghệ, học thuật và thể dục. Sư đến Thiền sư Ðạo Huệ thụ giáo và sau đó được ấn chứng. Nghe lời khuyên của thầy, Sư đến Vũ Ninh cất trên núi một am cỏ ở làng Cương Việt. Tương truyền tiếng nói của Sư trong vắt và thời nhân bảo rằng, trong miệng Sư có con chim Hoàng oanh. Niên hiệu Thiên Cảm Chí Bảo thứ hai, một hôm Sư cáo bệnh gọi đồ chúng lại dạy: “Các ngươi! Tất cả các người học đạo lấy tâm siêng năng cúng dường Phật, không gì khác hơn chỉ cầu dứt được các nghiệp ác. Tâm miệng niệm tụng, tin hiểu nghe nhận, ở chỗ vắng vẻ yên lặng, gần Thiện tri thức. Nói ra lời hoà nhã, nói phải thời, trong tâm không khiếp nhược. Liễu đạt nghĩa lí, xa lìa ngu mê, an trụ chỗ bất động. Quán tất cả các pháp Vô thường, Vô ngã, vô tác Vô vi. Nơi nơi lìa phân biệt, ấy là người học đạo. Nay phần hoá duyên của ta đã xong.” Sư nói kệ: 先雖言吉後言凶。自是太祖諱不從 爲遇見龍爲佛子。忽遭鼠出寂無窮 Tiên tuy ngôn kiết hậu ngôn hung Tự thị Thái Tổ huý bất tòng Vi ngộ kiến long vi Phật tử Hốt tao thử xuất tịch vô cùng. *Trước tuy nói kiết, sau gọi hung Từ đời Thái Tổ kiêng chẳng tòng Vì thấy rồng lên làm Phật tử Chợt trông chuột hiện lặng vô cùng. Nói xong, Sư ngồi ngay thẳng thị tịch, thọ 64 tuổi.